Trong các lời thoại của trang trước, có suy nghĩ nào bạn thấy quen không? Có bao giờ bạn tin mình biết chính xác mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào rồi quyết định và hành động dựa trên câu chuyện mà bạn tự nhủ đó không? Đừng buồn nếu bạn từng làm thế – hầu như tất cả chúng ta đều có những lúc đoán già đoán non! Thói quen này có thể bắt nguồn từ những trải nghiệm quá khứ của chúng ta hoặc do Ông Kẹ tạo ra. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng Phiên bản Tốt đẹp nhất thì không đoán già đoán non vì làm vậy không giúp ta có được các quyết định chân thực.
Sự thật là chúng ta không thể dự đoán con đường phía trước sẽ xuất hiện những gì. Vì vậy, để thay đổi cuộc sống theo hướng tốt đẹp hơn, chúng ta cần tập trung vào những dữ kiện có thật. Tìm hiểu sự thật có thể thổi bay lớp mây mù được giăng ra bởi hành vi đoán già đoán non. Khi đó, khả năng tập trung của ta sắc bén hơn và ta có thể tỉnh táo đưa ra quyết định dựa trên Phiên bản Tốt đẹp nhất thay vì dựa trên câu chuyện hư cấu do nỗi sợ vẽ ra.
Một người bạn của tôi tên Mike là huấn luyện viên thể dục cá nhân ở một phòng tập cao cấp, đồng thời anh cũng tự nhận khách hàng để huấn luyện riêng. Mike không chỉ có hình thể ấn tượng mà anh còn rất chu đáo, tập trung, đáng tin cậy và không bao giờ trục lợi từ người khác. Ấy vậy mà bạn có thể ngạc nhiên nếu biết rằng đôi khi Mike lại đánh giá thấp bản thân. Trong một buổi khai vấn cho Mike, tôi thật sự bất ngờ khi phát hiện anh ấy có thói quen đoán già đoán non và đang đưa ra các quyết định quan trọng cho sự nghiệp dựa trên những câu chuyện vô căn cứ. Trên cơ bản, Mike tin mình có khả năng đoán được ai đó sẽ nói gì. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu câu chuyện của anh ấy.
Bên cạnh việc là một huấn luyện viên xuất sắc đã giúp cho nhiều người có được hình thể đẹp, Mike còn có chuyên môn và kỹ năng để giúp đỡ những người gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Thậm chí nhiều người thường có suy nghĩ muốn tự tử, mắc chứng rối loạn lo âu hoặc trầm cảm nặng, không có động lực rời khỏi giường vào buổi sáng,... đã cải thiện được cuộc sống nhờ các bài tập và sự tư vấn của Mike.
Mike sống và làm việc ở Los Angeles, nơi mà người ta xem việc thuê huấn luyện viên cá nhân là điều bình thường. Như vậy, xét về mọi mặt, người có năng lực như Mike có thể dễ dàng đưa ra bất kỳ mức phí nào mà anh muốn. Thế nhưng anh luôn luôn do dự và không hề nâng mức phí huấn luyện. Khi trò chuyện về việc này, Mike kể rằng người dân ở khu phố anh lớn lên có cái nhìn tiêu cực nhất định với những người từ nơi khác đến lập nghiệp – kiểu suy nghĩ mà anh gọi là “mi nghĩ mi là ai?”. Sau đây là cuộc trò chuyện của chúng tôi.
“Vậy là ở nơi anh sống lúc nhỏ, người ta có thái độ như vậy hả?”, tôi hỏi.
“Ừ, họ sẽ nghĩ: ‘Anh nghĩ anh là ai mà làm huấn luyện viên nổi tiếng và tính mức phí kiểu như vậy? Tôi phải làm việc cả ngày mới kiếm được ngần ấy đó!”, Mike cười toe toét và nói.
“Ừm, tôi sẽ gọi những tiếng nói từ gia đình và hàng xóm của anh là Ông Kẹ. Hiện giờ anh còn liên lạc với ai ở quê nhà không?”
“Thật ra thì không”, anh lắc đầu, “Tâm trí tôi tự hình dung ra nhân vật ‘họ’ này. Khi huấn luyện, tôi thậm chí còn nói về tiếng nói của ‘họ’ trong tâm trí khách hàng và cho rằng chính ‘họ’ đang cản trở khách hàng của tôi đạt được mục tiêu”.
“Nghĩa là anh đang dán lên mình tấm nhãn ‘mi nghĩ mi là ai?’. Thay vì vậy, anh có thể gửi đến mình thông điệp yêu thương nào?”, tôi hỏi.
“Mình xứng đáng. Mình có thể làm được”, Mike trả lời ngay tắp lự.
“Tốt đó. Và anh nghĩ điều gì liên quan đến việc nâng mức phí khiến anh sợ hãi như thế?”, tôi hỏi.
“Tôi không rõ mình có sợ hãi điều gì hay không. Có vẻ chính đoạn độc thoại nội tâm đó đang kìm hãm tôi chứ không phải nỗi sợ cụ thể nào”, anh trả lời.
“Giả sử anh định tăng phí huấn luyện cho một khách. Vậy anh nghĩ cuộc nói chuyện sẽ diễn ra như thế nào? Đầu tiên, họ nói với anh: ‘Mike, tôi rất muốn tiếp tục được tập luyện với anh’. Anh sẽ làm gì?”
“Tôi sẽ rằng họ đã tập luyện tốt đến mức nào trong khoảng thời gian chúng tôi làm việc với nhau. Tôi là người tích cực và cho phản hồi tích cực. Sau đó chúng tôi sẽ bàn về những chuyện như chọn địa điểm luyện tập thích hợp nếu tôi huấn luyện riêng cho họ”, Mike nói.
“Khi nào hai người nhắc đến chuyện tiền bạc?”, tôi hỏi. “Có lẽ là ngay sau đó.”
“Anh cảm thấy thế nào nếu họ hỏi anh về phí huấn luyện riêng?”
“Tôi thấy hồi hộp”, Mike trả lời.
“Anh thấy lo lắng sao?”
“Đúng vậy. Tôi thường lo lắng khi nhắc đến tiền bạc.”
“Ok, chúng ta hãy xem xét chi tiết việc này. Một khách hàng của anh tại phòng tập trước nay đã trả một mức phí nhất định và giờ muốn được anh huấn luyện riêng. Họ chẳng lạ gì với tính đắt đỏ của kiểu dịch vụ này. Trên thực tế, anh chỉ đang lấy nửa giá so với mức họ trả cho dịch vụ huấn luyện cá nhân tại phòng tập. Tại sao anh cảm thấy mình cần giảm nửa giá?”
“Tôi nghĩ chắc chắn họ sẽ thuê tôi nếu tôi đưa ra mức giá rẻ nhất.”
“Người khách này đang trả hàng chục ngàn đô-la mỗi tháng để được trị liệu tinh thần, chẳng lẽ họ thật sự muốn được giảm vài trăm đô-la cho huấn luyện viên cá nhân sao? Anh không nghĩ suy luận của mình có sơ hở hả? Có phải anh đang đoán già đoán non phản ứng của họ không?”, tôi hỏi với giọng bông đùa.
“Tôi thấy chuyện này thật điên rồ. Vì luôn suy nghĩ trong vai trò người làm thuê nên tôi cho rằng số tiền như vậy là quá nhiều cho kiểu dịch vụ này”, Mike cười đáp.
“Chúng ta đang nói về anh! Kiểu dịch vụ mà anh có thể cung cấp cho thân chủ. Họ phải trả số tiền tương đương để đến phòng tập nhưng khi được anh kèm riêng, họ có thể tập luyện tại nhà, tức là mọi thứ thuận tiện hơn cho họ. Hơn nữa, họ còn được quan tâm nhiều hơn, chẳng hạn như anh nhắn tin nhắc nhở họ ba lần mỗi tuần. Những khách hàng cần trị liệu tâm lý đặc biệt được lợi từ hình thức hỗ trợ này. Họ hài lòng và tin tưởng anh nên muốn tiếp tục làm việc với anh, nhưng anh lại đoán già đoán non rằng họ sẽ không trả mức phí mà anh xứng đáng nhận được. Thay vì cứ đoán già đoán non, chúng ta hãy tìm hiểu sự thật. Tôi muốn chúng ta nhìn vào những dữ kiện có thật. Trước hết, anh nghĩ khía cạnh nào trong cuộc sống của anh sẽ bị ảnh hưởng nếu anh không tăng phí?”
“Theo tôi thì rõ ràng là tài chính của tôi sẽ bị ảnh hưởng. Tôi có thể làm việc với thời lượng như cũ và kiếm được nhiều tiền hơn hoặc làm việc ít lại để dành thời gian cho gia đình.”
“Và tiền bạc khiến anh căng thẳng, đúng không?”
“Đúng vậy. Vì không thể dành thời gian cho gia đình và phải làm việc nhiều khiến tôi căng thẳng. Tôi muốn sắp xếp lịch sao cho có thể ở bên con trai tôi ít nhất sáu tiếng mỗi ngày, chứ bây giờ có những ngày tôi đi làm suốt và không gặp thằng bé được”.
“Vậy thì anh có thể đặt ra các điều kiện huấn luyện, trong đó anh vẫn có lịch huấn luyện cho khách hàng đồng thời gọi điện cho họ ba ngày mỗi tuần để đảm bảo họ chăm chỉ đi bộ buổi sáng, tuân theo chế độ dinh dưỡng và làm đúng kế hoạch. Chẳng phải việc này sẽ làm khách hàng trân trọng và muốn làm việc với anh hơn sao?”
Sau một hồi suy nghĩ, Mike cất giọng: “Ừ, có lẽ vậy. Tôi cũng bận tâm việc mình không có cái oai của huấn luyện viên. Tôi không muốn ép buộc khách hàng, trong khi đáng lẽ tôi nên mạnh dạn hơn một chút và đề xuất mức phí mình muốn, rồi để họ tự quyết định”.
“Nghe như anh rất sợ bị tự chối”, tôi nói.
“Đúng rồi. Đó chính là vấn đề. Cả đời tôi luôn sợ bị từ chối.”
“Ừ, có vẻ anh sợ người ta nói: ‘Tại sao anh đòi hỏi nhiều tiền
vậy?’. Thế nên anh chỉ nghĩ đến viễn cảnh tồi tệ nhất và không hề đối diện với vấn đề”. Ngay lúc đó, tôi nhìn thấy nụ cười thật tươi trên gương mặt Mike và nói, “Anh có sẵn sàng đưa ra mức phí mới dựa trên những sự thật chúng ta đã kể ra không? Vì anh đang cười kìa”.
Mike cười thành tiếng và trả lời: “Có chứ. Tôi hiểu ra rồi. Tôi cười là vì bản thân tôi cũng thấy suy nghĩ đó vô lý như thế nào! Tôi chứng kiến khách hàng làm vậy ở phòng tập suốt. Những cái cớ họ dùng để giải thích tại sao họ không thể hoàn thành bài tập này hay bài tập kia. Tôi đoán là anh cũng sẽ nói họ đang đoán già đoán non. Tuy không như thế khi luyện tập thể hình, nhưng giờ đây tôi nhận ra mình hay làm vậy khi liên quan đến tiền bạc”.
“Rồi, cứ cho là từ giờ anh sẽ tăng gấp đôi phí huấn luyện theo giờ đối với những khách hàng muốn tập tại nhà. Khi kèm cặp riêng, anh sẽ cần đầu tư năng lượng của mình cho họ và tốn thời gian cũng như chi phí đi lại. Mặt khác, khách hàng được lợi vì họ không phải đi đâu cả. Bởi vì thực tế là giao thông ở Los Angeles rất căng thẳng, tức là anh sẽ mất ba tiếng đồng hồ di chuyển và một tiếng huấn luyện. Anh muốn ở bên con trai nhiều hơn và sẵn sàng quan tâm hơn đến khách hàng, vậy nếu nhận ít khách hàng lại thì anh có thể vừa cung cấp được dịch vụ chất lượng vừa thoải mái giờ giấc và có động lực làm việc hơn. Chúng ta thử cách này xem nào. Hãy cho tôi biết tại sao anh xứng đáng với mức phí mới?”
“Tôi có hơn hai mươi hai năm kinh nghiệm huấn luyện thể dục và khoảng mười bảy năm làm nhà trị liệu sức khỏe tinh thần.”
“Chao ôi, vậy là suốt mười bảy năm qua anh đã chữa trị cho những người bị trầm cảm nặng và mắc các chứng rối loạn cấp tính. Không phải ai cũng có thể thoải mái làm việc với những người này nên kinh nghiệm của anh rất đặc biệt và độc đáo. Anh cũng hợp tác với nhóm chuyên gia chăm sóc y tế lâm sàng nữa.”
Mike gật đầu và kể: “Đúng vậy. Tôi không chỉ hướng dẫn khách hàng tập thể dục mà còn quan tâm đến mọi mặt trong cuộc sống của họ. Tôi xem mỗi buổi tập là một cơ hội để giúp khách hàng cải thiện, chữa lành hoặc cân bằng lại khía cạnh nào đó trong cuộc sống của họ. Tôi luôn điều chỉnh các bài tập cho phù hợp với tình trạng hiện tại của khách hàng. Nhiều người nói rằng tôi có trực giác cực kỳ nhạy bén nên biết được họ đang cần gì.”
“Tôi hiểu rồi. Vậy giả sử có người nói với anh: ‘Mike, tôi muốn anh làm huấn luyện viên cá nhân cho tôi. Mức phí của anh là bao nhiêu vậy?’ và anh đưa ra mức phí mới, thì anh sẽ phản ứng như thế nào nếu tình huống tồi tệ nhất xảy ra là họ nói: ‘Trời ơi, với số tiền đó tôi có thể đi nhuộm và làm tóc ở salon hạng sang! Sao giá cao thế?’”
“Tôi đã làm nghề này hai mươi hai năm và có rất nhiều kinh nghiệm không chỉ trong lĩnh vực huấn luyện thể dục mà còn cả trị liệu sức khỏe tinh thần. Vì vậy khi làm việc với tôi, chị sẽ được hướng dẫn các bài tập cân bằng thích hợp để phát triển một lối sống lành mạnh hơn chứ không chỉ là tập thể dục đơn thuần”, Mike trả lời chắc nịch.
“Anh đã chỉ ra cho khách hàng những thông tin có thật. Anh cảm thấy thế nào khi làm vậy?”, tôi hỏi.
“Tôi thấy thoải mái”, anh nói bằng giọng tự tin.
“Những gì anh nói tạo cảm giác chân thực”, tôi nhận xét.
“Đúng rồi. Vì có lối suy nghĩ nghi ngờ bản thân ‘mi nghĩ mi là ai?’, nên tôi vẫn lo những điều mình nói sẽ có vẻ giả tạo.”
“Tôi nghĩ đây là cơ hội để anh biến ‘mi nghĩ mi là ai?’ thành ‘tôi biết tôi là ai!’ hoặc ‘tôi sẽ cho anh chị biết tôi là ai! Tôi làm huấn luyện viên thể dục hơn hai mươi hai năm. Tôi có hơn mười bảy năm làm việc với những khách hàng có vấn đề về sức khỏe tinh thần. Tôi là người sẽ giúp anh chị đạt được mục tiêu nếu anh chị thuê tôi. Anh chị sẽ nhận được chất lượng dịch vụ cao hơn và chuyên biệt hơn, và kết quả sẽ chứng minh điều đó. Đó chính là tôi’. Anh là người như vậy, đúng không nào?”
“Đúng vậy”, Mike công nhận.
“Và một số khách hàng thật sự cần những bài tập cân bằng hơn nên đây là dịp để anh thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình. Anh sẽ cung cấp dịch vụ cho đúng người và giúp họ đạt mục tiêu. Cách làm này mang lại cơ hội cho cả anh lẫn khách hàng”.
“Anh nói đúng”, Mike gật gù, “tôi hiểu mình xứng đáng với mức phí cao hơn. Tôi đã để cho lối suy nghĩ nghi ngờ bản thân nắm quyền điều khiển và vô thức nghe theo nó. Tôi trở nên căng thẳng vì sợ bị từ chối. Nỗi sợ này thật phi lý. Tôi cần lấy lại sự tự tin bằng cách nhìn vào sự thật – kinh nghiệm và năng lực của tôi”.
Chỉ vài ngày sau, một khách hàng tiềm năng gọi cho Mike và ngay lập tức đồng ý với mức phí mới của anh. Mike thật sự đã kìm hãm bản thân phát triển vì luôn đoán già đoán non mọi người sẽ nói gì nếu anh nâng phí huấn luyện. May thay, một khi bắt đầu tìm hiểu sự thật và cởi mở xem xét mọi dữ kiện, anh có thể dễ dàng nhận thấy mình hoàn toàn xứng đáng với mức phí cao hơn.
Đoán già đoán non • Đoán suy nghĩ hoặc hành động của người khác. • Dự đoán kết quả của tình huống. • Cho rằng viễn cảnh tồi tệ nhất sẽ xảy ra. • Tin vào câu chuyện mình tự vẽ ra thay vì dữ kiện có thật. |
Tìm hiểu sự thật • Thu thập dữ kiện có thật và hợp lý. • Hỏi xem người khác nghĩ gì thay vì đoán mò. • Hỏi ý kiến chuyên gia. • Dự đoán có cơ sở và khoa học thay vì dựa trên các câu chuyện. |
ĐOÁN GIÀ ĐOÁN NON LÀ GÌ?
Về cơ bản, đoán già đoán non nghĩa là phỏng đoán vô căn cứ và hành động theo nỗi sợ. Khi giả định hoặc nghĩ về những điều sẽ xảy ra trong tương lai theo cách này, chúng ta đang dự đoán dựa trên một câu chuyện không phải lúc nào cũng đúng. Sau đây là một số ví dụ về đoán già đoán non:
❊ đoán người khác nghĩ gì.
❊ đoán người khác cảm thấy như thế nào.
❊ đoán người khác sẽ làm gì.
❊ đoán kết quả của sự việc.
❊ cho rằng tình huống xấu nhất sẽ xảy ra.
❊ tin vào câu chuyện mình tự vẽ ra thay vì dữ kiện có thật.
Khi đoán già đoán non, bạn loại bỏ yếu tố khơi gợi sự tò mò bởi vì tâm trí bạn đã bị cho thấy một kết quả dự kiến. Thế nhưng, cuộc sống đầy những điều bất ngờ, và trước mọi tình huống thì không ai có thể biết hết các thông tin liên quan nên rất khó để dự đoán chính xác điều gì. Quyết định bằng cách đoán già đoán non giống như xem bói bằng một quả cầu pha lê vậy, nó không hề hiệu quả mà còn có thể rất nguy hiểm.
Dĩ nhiên, chúng ta vẫn có thể dự đoán đúng nhiều tình huống dựa trên những kết quả lặp đi lặp lại trong quá khứ. Chẳng hạn khi đèn giao thông chuyển sang màu xanh, chúng ta có thể đoán dựa theo luật giao thông rằng xe sẽ chạy tiếp và người đi bộ nên chờ đến khi đèn đỏ để băng qua đường. Bạn có thể thấy sự khác biệt ở đây: Dự đoán có cơ sở và khoa học giúp bạn được an toàn vì nó dựa trên dữ kiện có thật thay vì nỗi sợ vô lý. Nếu ai đó thả một vật từ trên cao xuống, tôi có thể đoán chắc vật này sẽ rơi xuống đất vì sức hút của trọng lực, nhưng tôi không thể đoán liệu có ai định thả xuống vật gì hay không.
Tuy có thể giúp phòng tránh cảm giác thất vọng, lo lắng hoặc ngăn ngừa một cuộc tranh cãi nảy lửa có thể xảy ra, nhưng đoán già đoán non không giúp giải quyết vấn đề mà chỉ khiến chúng ta thêm sợ hãi hoặc quen chọn cách né tránh. Vì đoán rằng đối phương sẽ không quan tâm đến chủ đề nào đó nên chúng ta cũng không màng hỏi han. Chúng ta thường nghĩ mình có đủ dữ kiện, nhưng thực tế thì chúng ta vẫn chưa xem xét toàn bộ sự việc. Khi tìm hiểu thêm, chúng ta sẽ phát hiện những gì mà ta cho là “dữ kiện” hóa ra chỉ là hư cấu.
Lý do chính khiến chúng ta đoán già đoán non là vì chúng ta nghĩ làm vậy mình sẽ không bị từ chối.
ĐOÁN GIÀ ĐOÁN NON TRONG MỐI QUAN HỆ |
Khi trở nên thân thiết hơn với ai đó, chúng ta bắt đầu biết được những kiểu hành vi hay tình huống nào có thể làm họ bực tức cũng như những cách tương tác tốt nhất nhằm đạt được kết quả mà ta mong muốn. Đây thật ra là một kỹ năng quan trọng, giúp tạo sự gần gũi và thật sự thấu hiểu ai đó. Kỹ năng này cũng rất khác với phỏng đoán vô căn cứ. Khi chúng ta điều chỉnh một thông điệp gửi đến một người vì ta rất hiểu họ, việc đó không phải đoán già đoán non. Đoán già đoán non là khi chúng ta tin rằng mình thật sự có thể biết chính xác ai đó sẽ phản ứng như thế nào, sẽ làm gì, nghĩ gì hay nói gì, vì vậy ta quyết định tránh đề cập đến chủ đề vốn cần được thảo luận. Suy cho cùng, chúng ta không cần phải chịu trách nhiệm cho cảm xúc của người khác. Chúng ta cũng có thể tìm những cách giao tiếp hữu hiệu hơn để gia tăng khả năng đối phương phản ứng tích cực với thông điệp của ta. |
TÌM HIỂU SỰ THẬT LÀ GÌ?
Khi phát hiện mình rơi vào bẫy đoán già đoán non, chúng ta luôn luôn có thể lựa chọn thay thế nó hành động tìm hiểu sự thật. Khi chú trọng sự thật hơn là những câu chuyện hư cấu, chúng ta có thể đảm bảo những quyết định của mình là có cơ sở. Hơn nữa, quyết định dựa trên sự thật sẽ hữu ích cho ta hơn vì nó bắt nguồn từ Phiên bản Tốt đẹp nhất thay vì từ nỗi sợ hãi.
Khi có xu hướng phỏng đoán về một đối tượng hay sự việc cụ thể, trước hết bạn hãy tự hỏi xem kết quả bạn tự hình dung ra có quan trọng với bạn hay không. Giả sử bạn đoán một người nào đó không thích bạn (và có thể đúng như vậy thật), thì điều bạn cần quan tâm chính là bạn có ổn với việc người ta không thích mình hay không. Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi đã gặp một số người mà dù tôi có làm gì thì họ vẫn ghét tôi, và tôi không phải người duy nhất bị họ đối xử như vậy! Tôi không thể và cũng không mong muốn kiểm soát được chuyện này. Tóm lại, sự thật là, dù ai đó không thích bạn thì cuộc sống của bạn có thể chẳng bị hề hấn gì. Cách họ phản ứng với bạn có thể liên quan đến hoàn cảnh hoặc trải nghiệm sống của cá nhân họ chứ không phải lỗi do bạn.
Khi cố dự đoán kết quả sự việc mà không có bất kỳ dữ kiện nào rõ ràng, đáng tin và có thể xác thực để chứng minh cho dự đoán đó, chúng ta chỉ đang lãng phí công sức và thời gian, làm bản thân căng thẳng và bỏ lỡ các cơ hội. Không những vậy, chúng ta còn trì hoãn việc quyết định vì rơi vào trạng thái hoảng sợ. Và khi bị lớp mây mù của thói đoán già đoán non che mắt, chúng ta khó nhận ra các vấn đề này.
Lực tiêu cực của đoán già đoán non trở nên đặc biệt nguy hiểm vì suy nghĩ của chúng ta có thể biến thành lời tiên tri tự ứng nghiệm. Nếu liên tục tự nhủ mình sẽ thất bại, chúng ta thật sự có thể thất bại – vì đó là mệnh lệnh mà ta vô thức yêu cầu bộ não của mình thực thi! Chúng ta điều khiển trí não của mình nên nếu ta bảo không làm được thì trí não sẽ tìm mọi cách “chiều ý” ta. Ngoài ra, thật khó có động lực để cố gắng chuẩn bị, học tập hay rèn luyện nếu chúng ta “biết trước” kết quả chỉ là công cốc. Đoán già đoán non rằng mình sẽ thất bại là một hình thức tự mình hại mình. Hơn nữa khi tự nhủ như vậy, ta cảm thấy tương lai xám xịt và cảm giác tuyệt vọng này cản trở Phiên bản Tốt đẹp nhất ra quyết định. Nếu chọn tìm hiểu sự thật, chúng ta có thể xem xét mình đã chuẩn bị kỹ lưỡng đến mức nào hoặc nhớ đến các thành công trong quá khứ. Chúng ta cũng có thể công nhận rằng dù từng gặp trắc trở, nhưng lần này mình có khả năng đạt kết quả tốt hơn nhờ những yếu tố thuận lợi.
Chúng ta cũng đoán già đoán non khi vô cớ tin rằng ai đó sẽ phản ứng tiêu cực, nghĩ xấu về mình hoặc đang ngầm chỉ trích, phán xét mình. Trên thực tế, rất có thể người này đang bận nghĩ về bản thân họ và chẳng mảy may để ý đến ta. Nguồn lực tiêu cực từ tư duy phỏng đoán vô căn cứ có thể mạnh mẽ đến mức ta dựng lên câu chuyện họ “căm ghét” ta như thế nào. Thật đáng sợ! Tôi phát hiện tình trạng này thường xảy ra ở những người từng bị người khác phán xét gay gắt, hay tệ hơn là bị bắt nạt. Những ký ức đó để lại vết sẹo khó phai mờ trong tâm trí, và bản năng của họ thúc đẩy việc bảo vệ bản thân bằng mọi cách để không bao giờ bị tổn thương lần nữa. Phản ứng này đương nhiên rất dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu cho phép những trải nghiệm quá khứ có quyền quyết định cách chúng ta sống cuộc sống hiện tại thì ta chỉ đang trao quyền cho kẻ bắt nạt mà thôi. Ta không được lợi gì khi thiếu quyết đoán hoặc ra quyết định dựa trên một trải nghiệm không liên quan. Thay vào đó, ta cần làm mọi cách có thể để sống trong hiện tại và dựa trên sự thật.
Rõ ràng chúng ta không thể đọc được tâm trí của người khác. Chúng ta không tài nào biết người khác nghĩ gì trừ khi họ nói ra. Vì vậy, nếu muốn biết suy nghĩ của ai đó thì chúng ta phải hỏi họ. Song, tôi cũng muốn nhắn nhủ rằng nếu quá bận tâm người khác nghĩ thế nào về mình và để ý kiến của họ làm lung lay ý chí, thì bạn cần thay đổi và sắp xếp lại thứ tự ưu tiên những điều quan trọng đối với bạn. Bạn luôn luôn có thể xem lại những đặc điểm tốt đẹp nhất của mình và ra quyết định dựa theo đó thay vì theo ý kiến của người khác.
THỬ THÁCH TÌM KHO BÁU
Khi một người bạn của tôi viết ra toàn bộ sự thật ngay cạnh các phỏng đoán vô căn cứ nhằm tìm hiểu những tình huống mà cô ấy thường rơi vào cạm bẫy đoán già đoán non, cô ấy vô cùng kinh ngạc khi nhận ra mình đã suy nghĩ xa rời thực tế đến mức nào. Giờ đây cô rất hào hứng muốn thay đổi thói quen xấu đó.
Một hôm nọ khi đang ăn tối, con trai năm tuổi của cô nói: “Mẹ ơi, có chuyện này con muốn hỏi ý mẹ. Nhưng con biết mẹ sẽ nói không cho mà xem”. Ngay lập tức, bạn tôi nhận ra dấu hiệu của đoán già đoán non.
Vận dụng hiểu biết mới của mình, cô trả lời: “Con có thể hỏi mẹ. Nhưng trước tiên mẹ muốn hỏi con một điều. Con biết đoán già đoán non nghĩa là gì không?”. Thằng bé lắc đầu. “Đoán già đoán non là khi con chưa hỏi mà đã cho là con biết người khác sẽ nói gì. Con thấy điều mẹ nói có quen không?”.
Thằng bé cười thành tiếng và nói: “Dạ có! Nhưng con biết mẹ sẽ nói không!”.
“Vậy con định hỏi gì?”
“Ngày mai chúng ta có thể đi bơi không mẹ?”, thằng bé hỏi với giọng ỉu xìu vì biết chắc mẹ sẽ không đồng ý.
Cô bạn tôi nói: “Tại sao con nghĩ mẹ sẽ nói không?”.
“Vì mẹ luôn nói không mà.”
“Nếu mẹ luôn nói không và không cho con đi bơi thì làm sao con nhớ chúng ta từng đi bơi?”, cô hỏi vặn.
Nghĩ ngợi một hồi, thằng bé trả lời: “Dạ, không phải lúc nào mẹ cũng nói không. Nhưng lần này thì con chắc chắn”.
“Trước khi mẹ trả lời câu hỏi của con, chúng ta hãy cùng chơi một trò chơi nhỏ. Con thích trò đi tìm kho báu và thường tìm những đồng tiền người khác đánh rơi, đúng không? Bây giờ mẹ muốn con xem những điều có thật là kho báu. Chúng ta sẽ đi tìm kho báu sự thật. Con chịu không?”
Thằng bé do dự một chút nhưng cuối cùng cũng đồng ý.
“Những hôm chúng ta đi bơi thì trời có đặc điểm gì?”
Thằng bé suy nghĩ rồi chợt mắt nó sáng lên: “Hôm đó trời ấm áp ạ!”.
“Đúng rồi. Chúng ta đi bơi khi thời tiết ấm áp. Còn gì nữa không con?”
“Trời nắng! Không có mưa!”
Cô mỉm cười: “Chính xác! Chúng ta đi bơi khi trời nắng và ấm áp. Làm sao chúng ta biết được ngày mai trời có nắng và ấm áp hay không?”.
“Ta xem dự báo thời tiết!”
“Ý hay đó! Chúng ta có thể tìm kho báu sự thật trong bản tin thời tiết. Để mẹ xem nào”, cô kiểm tra điện thoại, “có vẻ ngày mai trời khá ấm và không có mưa. Giờ thì con hỏi lại mẹ câu hỏi lúc nãy đi”.
“Ngày mai chúng ta đi bơi được không mẹ?”, thằng bé hỏi và đôi mắt ánh lên niềm hy vọng.
“Được chứ!”. Nghe câu trả lời, thằng bé vui mừng đến mức vỗ tay và nhún nhảy ngay trên ghế.
Cô kể rằng từ sau lần nói chuyện đó, con trai cô thường ngừng lại mỗi khi định đoán trước phản ứng của mẹ và đề nghị cùng chơi trò “đi tìm kho báu sự thật”. Quả là một cách hay tuyệt để bắt đầu hành trình cuộc sống – chọn tập trung vào sự thật hơn là các trải nghiệm quá khứ hay những dự đoán vô căn cứ.
LỰC F TÍCH CỰC VÀ TIÊU CỰC TRONG QUYẾT ĐỊNH
Tất cả chúng ta đều chọn không làm một số việc nào đó vì sợ không thu được kết quả mong muốn. Ở câu chuyện trên, cậu bé không muốn hỏi vì đã đoán trước câu trả lời của mẹ. Đối với một số người, đó có thể là không đề nghị được tăng lương, hoặc số khác thì không dám ngỏ lời quen ai vì sợ bị từ chối. Chúng ta hãy tìm hiểu xem bạn có thể đang đoán già đoán non điều gì trong khía cạnh cuộc sống mà bạn muốn cải thiện.
BÀI TẬP
Trước tiên, bạn hãy miêu tả khía cạnh mà bạn quyết định muốn cải thiện nhất ở Chương 2 hoặc vấn đề trong cuộc sống mà bạn cần gấp rút giải quyết:
Tiếp theo, hãy xem qua các ví dụ của một số khách hàng của tôi để bạn hình dung được lối tư duy này diễn ra như thế nào trong thực tế. Cột bên trái là suy nghĩ của tư duy đoán già đoán non và cột bên phải là các sự thật. Bạn có thể nhận ra sự khác biệt giữa hai lối tư duy khi so sánh hai cột.
ĐOÁN GIÀ ĐOÁN NON |
TÌM HIỂU SỰ THẬT |
Không có công việc nào cần đến bộ kỹ năng của mình. |
Bất kể tình hình kinh tế như thế nào thì mỗi ngày đều có hàng trăm ngàn vị trí đang được tuyển dụng. |
Nền kinh tế sẽ không bao giờ phục hồi. |
Nền kinh tế đã nhiều lần khởi sắc. |
Mình quá lớn tuổi nên sẽ không có ai nhận vào làm. |
Nhiều người ở tuổi mình đã được tuyển dụng. |
Nếu cai rượu thì mình sẽ không có được cảm giác vui vẻ như khi đang say. |
Rất nhiều người cai rượu thành công và nói rằng rời xa “ma men” làm họ thấy vui vẻ hơn. |
Không bao giờ có ai yêu thương mình. |
Tình yêu thương có ở khắp nơi, đến với mọi lứa tuổi và trong mọi giai đoạn của cuộc đời chúng ta. |
Mình không thể cải thiện sức khỏe mà không mất quá nhiều thời gian. |
Phải thử mới biết. Sự thật là có vô số thói quen lành mạnh không hề làm ta tốn thời gian. |
Giờ thì hãy nhìn vào danh sách bên dưới và kiểm tra xem bạn có đang viện những cái cớ nào và kìm hãm bản thân có được điều mà bạn thật sự mong muốn. Lần lượt viết những cái cớ vào ô trống ở cột “Tôi đoán là” và những sự thật vào cột “Sự thật là”.
TÔI ĐOÁN LÀ |
SỰ THẬT LÀ |
Bạn có thể có quyết định gì sau khi đã khám phá ra sự thật? Bài tập này giúp bạn nhận thức rõ điều gì là chân thực với bạn.
Khi quyết định, chúng ta cần dựa vào cơ sở xác thực chứ không phải nỗi sợ hãi. Vậy, quyết định có cơ sở của bạn là gì? Bạn có hài lòng với hiện trạng không? Hãy trả lời bên dưới:
Cuối cùng, bạn hãy nghĩ về những lý do thường khiến bạn đoán già đoán non. Bạn đoán già đoán non vì
Sợ hãi? Nếu đúng, hãy giải thích tại sao.
Muốn né tránh? Nếu đúng, hãy giải thích tại sao.
Bị phân tâm? Nếu đúng, hãy giải thích tại sao.
TÌM HIỂU SỰ THẬT CÙNG BRAD
Tôi có một khách hàng tên Brad, anh đã làm việc cho một công ty được một thời gian khá dài và thật sự muốn thay đổi công việc. Thế nhưng đến lúc cần quyết định thì Brad như bị tê liệt hoàn toàn. Dẫu biết rõ bản thân muốn nghỉ việc và có lý do hợp lý, nhưng anh một mực tin chắc công ty sẽ “xử ép” anh đến mức anh không dám mở lời. Tôi còn nhớ anh cứ đi tới đi lui, lo lắng nói rằng kết quả sẽ tồi tệ như thế nào và cố nghĩ cách đối phó. Brad nói những câu như “Họ chắc chắn sẽ đưa tôi vào danh sách đen của ngành”. Quả thật nguyên nhân chính anh tìm đến tôi là vì muốn tôi giúp lên kế hoạch đối phó khi công ty có hành động chống lại anh. Anh đang chuẩn bị cho một điều mà có thể không bao giờ xảy ra.
Khi tôi hỏi vì sao anh đoán công ty sẽ cố cản trở anh tìm việc khác, Brad không thể đưa ra lý do rõ ràng nào. Thông tin “quan trọng” nhất mà anh có được là lời đồn đại từ một nhân viên đã nghỉ việc rằng công ty không chịu viết cho anh ta thư giới thiệu. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ hơn, hai chúng tôi phát hiện trường hợp của nhân viên đó hoàn toàn khác và không thể so sánh với trường hợp của Brad. Người này chỉ làm việc trong một thời gian ngắn và đã khai gian trong hồ sơ xin việc, thậm chí anh ta còn gây ra nhiều rắc rối cho công ty. Vì thế, “bằng chứng” mà Brad dùng để phỏng đoán hoàn toàn không thuyết phục.
Bạn thấy đó, Brad đã đoán già đoán non cách phản ứng của công ty khi anh xin nghỉ việc. Nhưng khi bắt đầu tư duy theo hướng ngược lại và tìm hiểu sự thật, anh nhận thấy rõ ràng phỏng đoán của mình dựa trên nỗi sợ chứ không có cơ sở đáng tin cậy.
Việc phân tích tình huống làm Brad ngộ ra hai điều: đoán già đoán non không giúp ích cho anh, và chướng ngại mà anh những tưởng mình sẽ gặp phải vốn không có thật. Giờ đây, anh trở nên bình tĩnh hơn nhiều nhờ sống theo lý trí và tư duy logic thay vì tin vào chuyện hư cấu và đoán mò. Sau khi nộp đơn xin nghỉ việc, Brad không ngồi chờ tin xấu hay lo lắng về kết quả có thể xảy ra. Nỗ lực này giúp anh cảm thấy hòa hợp với quyết định của mình.
Cũng trong tuần đó, công ty gửi một lá thư giới thiệu với nhiều lời lẽ tốt đẹp về Brad đến nhà tuyển dụng tiềm năng và trao cho Brad một gói hỗ trợ thôi việc thật hào phóng. Họ thậm chí vẫn tiếp tục hợp tác với anh cho đến bây giờ và mối quan hệ vô cùng khắng khít. Đây thật sự là một kết quả tuyệt vời mà Brad đã chẳng thể nghĩ đến trong buổi khai vấn đầu tiên với tôi vì lúc bấy giờ anh vướng quá sâu vào vòng xoáy tiêu cực của đoán già đoán non. Chỉ đến khi bắt đầu hành trình tìm kho báu sự thật thì Brad mới thoát khỏi lối tư duy đó và tập trung tư duy có logic.
QUYẾT ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN SỰ THẬT
Chúng ta hãy quyết tâm giữ bình tĩnh và hướng đến sự thật để có thể ra quyết định theo Phiên bản Tốt đẹp nhất nhằm cải thiện cuộc sống. Sự thôi thúc khiến ta tin vào những trải nghiệm quá khứ thay vì sống trong hiện tại có thể rất mạnh mẽ, vì vậy hãy luôn cảnh giác và chú tâm. Khi đoán già đoán non, chúng ta khiến mình lo lắng hơn và do đó các quyết định của ta không giúp cuộc sống tốt hơn lên.
Không ai đoán được tương lai. Mặt khác, ai cũng có thể tập trung vào sự thật để ra đưa quyết định. Khi thấy hoài nghi, hãy để sự thật làm ngọn đèn dẫn lối.