Như tôi đã đề cập ở phần trước, chúng ta thường để cho một lối tư duy nhất định ảnh hưởng đến quan điểm của ta về cuộc sống. Từ bài học cá nhân lẫn từ kinh nghiệm làm việc với hàng ngàn khách hàng, tôi phát hiện ra chính quan điểm đó cuối cùng sẽ quyết định liệu chúng ta đưa ra lựa chọn mang lại điều tốt đẹp hơn cho bản thân hay khiến ta thêm căng thẳng, áp lực và lo lắng nhiều hơn.
Thông thường, khi gặp phải điều mà mình xem là vấn đề, con người sẽ xem xét nó qua một lăng kính nhất định. Cùng một tình huống, có người thì xem là tồi tệ nhưng cũng có người lại lạc quan và chủ động tìm giải pháp, có người suy nghĩ tích cực và cũng có người suy nghĩ tiêu cực. Sự khác biệt trong các cách nhìn nhận như thế này được thúc đẩy bởi thứ mà tôi gọi là Lực – FORCE.
Về cơ bản, Lực là những xu hướng dẫn dắt hành vi của chúng ta. Ví dụ như khi lái xe đến chỗ làm bạn thấy chỗ đậu xe của mình bị chiếm mất, thế là bạn tức giận và trở nên cộc tính hơn. Nguồn năng lượng này đeo bám bạn và tiếp tục phát ra trong buổi họp ngày hôm ấy, hoặc bạn hướng nó đến người mà bạn nói chuyện. Nỗi ức chế đó len lỏi trong tâm trí bạn và ngày càng mưng mủ vì không được hóa giải. Khi tình trạng này tái diễn nhiều lần, nguyên nhân là vì có một Lực đang thúc đẩy bạn suy nghĩ tiêu cực. Bên cạnh việc phải thành thạo cách xử lý tình huống tức thời, thì mấu chốt để thay đổi xu hướng hành vi là xác định Lực nào đang tác động đến bạn.
FORCE – Lực là một từ viết tắt do tôi nghĩ ra, trong đó mỗi chữ cái đại diện cho một cặp lực đối nghịch: Lực tiêu cực khiến chúng ta chỉ nhìn thấy chướng ngại và Lực tích cực giúp chúng ta nhìn thấy cơ hội. Các Lực này bao gồm:
Fortune-telling Đoán già đoán non |
và |
Fact-finding Tìm hiểu sự thật |
Overgeneralizing Vơ đũa cả nắm |
và |
Objective thinking Suy nghĩ khách quan |
Rigid mindset Tư duy cứng nhắc |
và |
Relaxed mindset Tư duy linh hoạt |
Confused purpose Mục đích mơ hồ |
và |
Clarified purpose Mục đích rõ ràng |
Emotional reasoning Suy luận theo cảm xúc |
và |
Evidence-based reasoning Suy luận theo bằng chứng |
Tùy vào lựa chọn của bạn mà Lực có thể trở thành cú hích đẩy bạn tiến lên phía trước hoặc là hòn đá ngáng chân khiến bạn té ngã.
TỔNG QUAN VỀ CÁC LỰC – FORCE
Sau đây, tôi xin trình bày tổng quan về ý nghĩa của từng loại Lực để bạn nắm được ý tưởng chung trước khi bàn sâu hơn trong các chương tiếp theo.
FORCE – LỰC F
Lực tiêu cực: Đoán già đoán non
Đoán già đoán non là khi chúng ta phỏng đoán xem người khác sẽ làm hoặc nghĩ gì và ta cho rằng mình biết rõ một tình huống sẽ có kết cục như thế nào. Không giống với việc dự đoán có khoa học và cơ sở, đoán già đoán non không dựa trên thông tin hay sự kiện. Khi đưa ra giả định hay dự đoán tương lai theo cách này, chúng ta đang dựa vào một câu chuyện nào đó có thể đúng nhưng cũng có thể sai.
Ví dụ của đoán già đoán non:
♦ Ta tin là cấp trên đã quyết định sẵn (đồng ý hoặc từ chối) về việc thăng chức cho ta.
♦ Ta tin mình không cần hỏi cũng biết một người bạn sẽ phản ứng như thế nào.
♦ Ta tin mình sẽ thi trượt dù chưa làm bài kiểm tra.
♦ Ta tin tình huống tồi tệ nhất sẽ xảy ra – kiểu suy nghĩ phổ biến và cực đoan của đoán già đoán non.
Lực tích cực: Tìm hiểu sự thật
Tìm hiểu sự thật nghĩa là trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ta luôn luôn tìm hiểu những thông tin có thật. Thay vì đoán trước cấp trên nghĩ sao khi ta đề nghị được thăng chức, ta sẽ thu thập bằng chứng hợp lý và trình bày với cấp trên lý do mình xứng đáng được thăng chức. Hoặc thay vì cho rằng mình sẽ không vượt qua được bài kiểm tra, ta học bài và chuẩn bị kỹ, cố gắng hết sức để trả lời câu hỏi và không cố đoán điểm số. Chúng ta có thể đảm bảo quyết định của mình là có cơ sở và hợp lý khi dựa trên sự thật chứ không dựa trên câu chuyện mình tự vẽ ra.
FORCE – LỰC O
Lực tiêu cực: Vơ đũa cả nắm
Vơ đũa cả nắm nghĩa là chúng ta đưa ra kết luận dựa trên một biến cố hay dữ kiện riêng biệt. Ví dụ như một hôm bạn lái xe về nhà và vô tình cán phải một chiếc đinh, thế là bạn nghĩ: “Xe mình như nam châm hút hết đinh trên đường vậy trời”. Hoặc bạn bị cảm và than vãn: “Cứ hít thở là mình trúng virus cảm”.
Khi ta dán nhãn nhóm người có suy nghĩ không giống ta là ngu dốt, tư lợi, kỳ thị đồng tính, hoặc cho rằng tín đồ đạo Hồi nào cũng là kẻ khủng bố hoặc tất cả người theo đạo Thiên Chúa đều cuồng tín,... thì đó cũng là vơ đũa cả nắm. Lối tư duy này không hề kích thích trí tò mò hay thúc đẩy bạn tìm hiểu thêm về vấn đề.
Lực tích cực: Suy nghĩ khách quan
Để suy nghĩ khách quan, bạn cần có tâm trí cởi mở, có óc tò mò và linh hoạt. Khi nghĩ thoáng, chúng ta có khả năng nảy ra những ý tưởng mới mẻ, khám phá những hệ thống niềm tin khác và tiếp nhận lối tư duy đột phá. Suy nghĩ khách quan cũng giúp chúng ta ngày càng tiến bộ. Khi suy nghĩ khách quan, chúng ta có thể trân trọng và đồng cảm cũng như động viên lẫn nhau vì chúng ta xem xét vấn đề dựa trên quan điểm của nhau. Kết quả là ta sống chan hòa hơn với thế giới xung quanh. Lối tư duy này cũng giúp bạn có được sự bình yên trong tâm hồn vì bạn nhìn nhận cuộc sống một cách cởi mở và khách quan hơn. Bạn thả lỏng, cho phép bản thân và những người khác được phạm sai lầm trong quá trình học hỏi.
FORCE – LỰC R
Lực tiêu cực: Tư duy cứng nhắc
Với tư duy cứng nhắc, chúng ta suy nghĩ theo hướng mọi thứ phải theo ý của ta. Chúng ta trở thành “chiến binh bảo vệ công lý” luôn cố giành phần “thắng” trong mọi cuộc tranh cãi. Vì quá cứng nhắc trong quá trình quyết định, chúng ta khăng khăng dùng cách làm quen thuộc với mình vì nghĩ nó chắc chắn đúng. Kết quả là ta tự loại bỏ những phương án khác vốn có thể giúp giải quyết vấn đề hiệu quả hơn. Tư duy cứng nhắc thường có nghĩa là chúng ta quá cố chấp tin vào điều mình cho là đúng đến nỗi bỏ lỡ những điều hữu ích với mình.
Lực tích cực: Tư duy linh hoạt
Đối lập với cứng nhắc là linh hoạt. Khi tư duy linh hoạt, chúng ta bình tĩnh hơn, ít căng thẳng hơn và sẵn sàng đón nhận các lựa chọn có ích. Khi ta thư giãn thì những người xung quanh ta cũng có thể cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực này, họ thấy mình được lắng nghe và được thông hiểu, thay vì bị ép buộc làm hay nghĩ trái với điều họ mong muốn. Chúng ta bước ra khỏi khuôn khổ mà mình tạo ra, dẹp đi rào cản và chấp nhận dòng chảy tự nhiên của cuộc sống chứ không cố kiểm soát nó. Khi gặp chuyện không như ý, người có tư duy linh hoạt sẽ tự hỏi: “Liệu năm năm nữa thì điều này có còn thật sự quan trọng với mình không?”. Nhờ chịu lùi lại để xem xét bức tranh toàn cảnh, họ có đầy đủ thông tin hơn để ra quyết định.
FORCE – LỰC C
Lực tiêu cực: Mục đích mơ hồ
Khi tâm trí mắc kẹt trong trạng thái mơ hồ, chúng ta cảm thấy bất lực, lo lắng và bị choáng ngợp. Loại Lực này thường khiến ta suy nghĩ thái quá về những vấn đề mình gặp phải. Tâm trí ta như bị tê liệt vì lo nghĩ quá nhiều và không thể ra quyết định. Điều này cũng xảy ra khi bạn chú ý đến quá nhiều thông tin hoặc ý kiến của những người không đúng chuyên môn. Khi bị phân tâm, bạn dần chệch hướng khỏi mục tiêu và thậm chí quên mất con người thật của mình. Ở đây, chúng ta không nói về tình trạng mơ hồ vì không hiểu nội dung bài học hay bài kiểm tra, mà đang nói về lý do dẫn đến các hành động của mình. Tình trạng mơ hồ về mục đích của bản thân có thể dẫn đến xu hướng cố làm hài lòng hoặc phụ thuộc vào người khác, bởi lúc này chúng ta làm những việc mà ta nghĩ là có ích nhưng thật ra không phải.
Lực tích cực: Mục đích rõ ràng
Nếu không có mục tiêu hay mục đích sống, chúng ta rất dễ trở nên mơ hồ trong mọi việc mình làm. Để chiến thắng Lực tiêu cực này, ta cần làm rõ mục tiêu hay mục đích của mình. Đây là lúc vai trò của Nhóm Quyết định phát huy sức mạnh (chúng ta sẽ nói rõ hơn ở các chương sau), bởi vì bạn sẽ cần sự trợ giúp của những người có kinh nghiệm hay hiểu biết cụ thể về điều bạn đang băn khoăn và những người có thể giúp bạn tìm lại mục tiêu của mình. Ví dụ, nếu bạn đang bối rối không biết có nên tham dự buổi tiệc của một người bạn hay không, bạn cần xác định mục đích đến dự tiệc là gì. Có phải vì bạn muốn có thời gian vui vẻ hay muốn có thêm cơ hội giao tiếp với nhiều người nhằm củng cố sự nghiệp? Hoặc có thể mục đích của bạn là muốn kết nối lại với bạn bè cũ. Trái lại, nếu không có mục đích rõ ràng thì bạn có thể rơi vào tình huống bạn đến buổi tiệc và rồi tự hỏi tại sao mình lại xuất hiện ở đây làm gì. Khi mơ hồ về quyết định, bạn cần cân nhắc xem lựa chọn nào phù hợp với Phiên bản Tốt đẹp nhất, với mục tiêu và điều bạn thật sự mong muốn.
FORCE – LỰC E
Lực tiêu cực: Suy luận theo cảm xúc
Cảm xúc có thể rất mạnh mẽ và có vẻ rất thuyết phục. Suy luận theo cảm xúc nghĩa là bạn nghĩ: “Mình đang cảm thấy như vầy nên mình sẽ làm (hoặc không làm) như thế này”. Khi rơi vào trạng thái lập luận theo cảm xúc, chúng ta không phân biệt được cảm xúc với trực giác dù giữa chúng có sự khác biệt rất rõ. Cảm xúc thường chóng qua và không đáng tin. Sẽ rất tai hại nếu bạn để cho cảm giác sợ hãi, lo lắng hoặc buồn bã dẫn dắt mình, vì khi đó quyết định bạn đưa ra không giúp ích được gì cho bạn. Nếu chỉ vì thấy phiền muộn mà bạn ở trong nhà suốt cả ngày và không tương tác với ai, nghĩa là bạn đang bỏ lỡ nhiều cơ hội trong cuộc sống. Mặc dù trước mắt làm như vậy có thể khiến bạn thoải mái, nhưng cứ tiếp tục ở một mình thì không có lợi ích cho bạn về lâu về dài.
Lực tích cực: Suy luận theo bằng chứng
Cách tốt nhất để ngừng suy luận theo cảm xúc chính là nhìn vào các bằng chứng hợp lý, chọn tìm hiểu sự thật ở đây là gì thay vì tập trung vào cảm xúc mà sự việc khiến bạn cảm thấy. Lần đầu tiên làm một việc gì đó mà cần có sự công nhận từ người khác – qua hình thức trả lương hay đánh giá hiệu quả chẳng hạn – thông thường bạn sẽ thấy lo sợ vì vẫn chưa thạo việc, dù bạn cố gắng hết sức nhưng kết quả vẫn có thiếu sót. Tương tự, những cầu thủ sáng giá nhất lúc mới được chọn vào đội hình chính cũng không thể hiện tốt trong trận đấu chuyên nghiệp đầu tiên, nhưng cũng chính họ sau này lại trở thành cầu thủ siêu sao. Một ví dụ nữa là nỗi sợ nói chuyện trước đám đông của tôi, dù vậy tôi vẫn quyết định diễn thuyết. Sau các buổi nói chuyện, tôi bắt đầu có những bằng chứng cho thấy rằng tôi thích diễn thuyết và hoạt động này phù hợp với mục đích và Phiên bản Tốt đẹp nhất của tôi.
BẢNG TÓM TẮT ĐẶC ĐIỂM CỦA CÁC LỰC
LỰC TIÊU CỰC |
LỰC TÍCH CỰC |
Đoán già đoán non – Fortune-telling • Đoán suy nghĩ hoặc hành động của người khác. • Dự đoán kết quả của tình huống. • Cho rằng viễn cảnh tồi tệ nhất sẽ xảy ra. • Tin vào câu chuyện mình tự vẽ ra thay vì dữ kiện có thật. |
Tìm hiểu sự thật – Fact-finding • Thu thập dữ kiện có thật và hợp lý. • Hỏi xem người khác nghĩ gì thay vì đoán mò. • Hỏi ý kiến chuyên gia. • Dự đoán có cơ sở và khoa học thay vì dựa trên các câu chuyện hư cấu. |
Vơ đũa cả nắm – Overgeneralizing • Kết luận dựa trên một biến cố riêng biệt. • Dán nhãn một tập thể chỉ vì hành vi của một cá nhân hoặc vì trải nghiệm từ một lần tiếp xúc với họ. • Dán nhãn chính mình sau khi một sự việc xảy ra. |
Suy nghĩ khách quan – Objective thinking • Cân nhắc tất cả các khía cạnh của sự vật, sự việc chứ không chỉ dựa trên một sự kiện. • Có sự tò mò và linh hoạt. • Khám phá những niềm tin khác, trân trọng ý tưởng mới và tiếp thu cách suy nghĩ mới. • Thể hiện sự đồng cảm và lòng trắc ẩn, có thể hiểu được góc nhìn của người khác. |
Tư duy cứng nhắc – Rigid mindset • Có tâm lý muốn mọi chuyện phải theo ý mình. • Bình tĩnh, thư giãn và tư duy cởi mở. • Luôn cho là mình đúng – luôn muốn giành phần thắng trong mọi cuộc tranh luận. • Tin rằng cách mình làm từ trước đến giờ là cách duy nhất hiệu quả. |
Tư duy linh hoạt – Relaxed mindset • Kiên nhẫn làm cho người khác cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu. • Chấp nhận dòng chảy tự nhiên của cuộc sống thay vì cố kiểm soát. • Biết tự hỏi: “Liệu năm năm nữa, điều này có quan trọng với mình không?”. |
Mục đích mơ hồ – Confused purpose • Suy nghĩ thái quá đến mức cảm thấy bất lực và choáng ngợp. • Do dự, không thể quyết định hay hành động. • Thiếu chủ kiến và không biết lắng nghe trực giác của mình. • Có nguy cơ trở thành người phụ thuộc. • Có xu hướng cố làm hài lòng mọi người. |
Mục đích rõ ràng – Clarified purpose • Tự hỏi vì sao mình lại có quyết định thế này hay thế kia. • Hiểu rằng một số quyết định có thể không phục vụ cho “mục đích sống” của chúng ta mà vì trong tình huống cụ thể đó chúng ta cần quyết định như vậy. • Hiểu được/tìm thấy mục đích của mình trong mọi hoàn cảnh. • Hợp tác với Nhóm Quyết định để tìm lại mục đích của mình. |
Suy luận theo cảm xúc – Emotional reasoning • Tin rằng cảm xúc nói lên sự thật. • Ra quyết định dựa trên cảm xúc. • Không làm những việc giúp mình tiến bộ vì cảm thấy không thoải mái. |
Suy luận theo bằng chứng – Evidence-based reasoning • Tìm kiếm sự thật. • Ra quyết định dựa vào bằng chứng hợp lý. • Thách thử bản thân để thu được những kỹ năng mới. |
BẠN CHỌN LỰC NÀO?
Tôi tin rằng phần lớn những vấn đề chúng ta gặp phải thường chỉ là vấn đề bởi vì chúng ta nhìn nhận chúng như chướng ngại thay vì như cơ hội. Dù vậy, bạn hãy hiểu rằng có cái nhìn tiêu cực về những điều cản trở bạn và gán ý nghĩa cho các vấn đề là phản ứng bình thường của con người. Và thật ra đó là cách bộ não bảo vệ chúng ta. Bởi vì từng vấp ngã nên khi nhìn thấy một hòn đá giữa đường, chúng ta xem nó như vật cản cũng là điều dễ hiểu. Về cơ bản, bộ não đang nói rằng: “Coi chừng! Tránh hòn đá đó đi! Mi từng vấp phải đá mà té ngã!”. Thế nhưng tình huống này khá khó xử, vì chúng ta không thể cho rằng những điều mới xuất hiện cũng sẽ đem lại trải nghiệm đau đớn giống như trong quá khứ được. Chúng ta phải tỉnh táo và cân nhắc đến hoàn cảnh hiện tại với một cái nhìn thông suốt.
Chúng ta làm việc này như thế nào? Tôi sẽ hướng dẫn bạn cách thức ở những chương kế tiếp. Chúng ta sẽ cùng xem xét kỹ lưỡng một số hoạt động trong tiềm thức để hiểu tại sao bộ não của bạn cứ chăm chăm tìm các chướng ngại đến mức hoàn toàn không nhìn thấy cơ hội ngay trước mắt. Bạn đang ở trong một đường hầm và không dám tiến bước vì quá chú tâm đến bóng tối xung quanh. Vì thế, để thoát khỏi đó thì bạn phải chuyển hướng tập trung và đi theo ánh sáng phát ra cuối đường hầm.
Mọi chuyện đều bắt nguồn từ những Lực thúc đẩy bạn. Nếu trước nay bạn vô tình để cho Lực tiêu cực dẫn dắt quyết định của mình, thì bây giờ là lúc tạo đột phá và chọn các Lực tích cực!
VAI TRÒ CỦA “ÔNG KẸ”
Thuở ấu thơ ta sợ điều gì thì khi lớn lên ta cũng sẽ sợ điều đó. Ví dụ như khi còn nhỏ ta gặp khó khăn trong việc kết bạn thì ở tuổi trưởng thành ta có thể tiếp tục mắc phải trở ngại này. Những nỗi sợ hình thành trong quá trình chúng ta lớn lên thường sẽ thể hiện ra trong cuộc sống của ta hiện giờ và ảnh hưởng đến các Lực thúc đẩy hành vi. Tôi gọi những nỗi sợ dai dẳng này là “Ông Kẹ”.
Ông Kẹ có thể hình thành từ nhiều sự kiện xảy ra trong giai đoạn đầu đời và tiếp tục ám ảnh ta đến hiện tại. Có lẽ việc cha hoặc mẹ bỏ nhà đi đã khiến một số người luôn sợ bị bỏ rơi. Những người khi còn nhỏ từng bị lạm dụng tình dục hoặc ngược đãi về cảm xúc, họ có thể luôn cảm thấy lo lắng bất an nếu chưa được chữa lành tổn thương này. Những người sống trong gia đình có người nghiện rượu có thể cho rằng bản thân chỉ có giá trị khi chăm sóc người khác – một việc họ xem là bổn phận phải làm khi cha mẹ say xỉn. Bất kỳ trải nghiệm ấu thơ nào gây ra vết thương dù là nhỏ nhất cũng có thể biến thành Ông Kẹ bám theo ta suốt đời.
Ông Kẹ là hiện thân của nỗi sợ hãi bắt nguồn từ những thông tin giả mà ngỡ như thật. Nếu để Ông Kẹ tác oai tác quái, chúng ta sẽ bị dẫn dắt làm theo lời xúi giục của Lực tiêu cực và gây hại cho bản thân. Chúng ta phải bằng mọi cách ngăn cản điều này xảy ra, và cách hay nhất chính là nhận thức được sự tồn tại của Ông Kẹ.
Sau đây là một số niềm tin sai lệch mà Ông Kẹ tiêm nhiễm vào tâm trí bạn lúc nhỏ và sau đó trở nên trầm trọng hơn theo thời gian:
❊ Bạn không giỏi.
❊ Nếu biết con người thật của bạn thì mọi người sẽ không yêu thương bạn.
❊ Bạn không an toàn.
❊ Bạn không thể tin tưởng ai hết.
❊ Bạn phải gây ấn tượng với người khác.
❊ Bạn phải giữ bí mật dù nó gây hại cho bạn.
❊ Bạn không nên thân thiết với ai vì cuối cùng họ cũng sẽ rời bỏ bạn.
Nếu những niềm tin tiêu cực như thế này đang lớn dần trong bạn và khiến bạn không thể chịu đựng nổi hoặc lo lắng không yên, thì có lẽ đã đến lúc bạn cần sự giúp đỡ để được chữa lành. Tình trạng này không hề hiếm gặp mà thậm chí nhiều người còn bị Ông Kẹ ám ảnh cả đời.
Tin vui là có rất nhiều phương thức cực kỳ hữu ích giúp chữa lành tổn thương và xóa Ông Kẹ khỏi cuộc đời bạn mãi mãi. Bạn có thể tìm ra cách chữa trị cho riêng mình trong quá trình áp dụng các phương thức, và nếu cảm thấy hình ảnh Ông Kẹ dần mờ nhạt khi bạn giành lại quyền kiểm soát thì có thể cách của bạn đang phát huy hiệu quả. Tuy vậy, dù sử dụng cách gì thì bước đầu bạn vẫn phải tập nhận thức về Ông Kẹ. Vì thế, trong lúc đọc những chương về Lực, hãy để ý đến bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có một Ông Kẹ đang ẩn nấp đâu đó.