Nếu tôi hỏi: “Bạn thật sự muốn điều gì trong đời?” hay “Điều gì trong đời mà bạn muốn có thêm nhiều nữa?”, bạn trả lời được không? Câu trả lời cửa miệng của chúng ta thường là những câu chuyện chúng ta luôn tự kể với bản thân. Tuy một vài câu chuyện có thể là chân thật, nhưng tôi phát hiện ra rằng phần lớn những khách hàng tôi tư vấn không hề biết họ thật sự muốn gì. Nguyên nhân thường là do họ đang chú ý đến những thứ bên ngoài thay vì tập trung vào những gì thuộc về bên trong. Chẳng hạn như một số người nói muốn kiếm thêm nhiều tiền, trong khi điều họ thật sự khao khát là một cuộc sống được đảm bảo. Có người cho biết họ muốn có công việc tốt hơn, trong khi điều họ tìm kiếm thật ra chính là mục đích sống. Trong chương này, tôi sẽ giúp bạn khám phá sự thật ẩn giấu đằng sau những mong muốn bên ngoài của bạn.
Trên hành trình cuộc sống, chúng ta có quyền lựa chọn: xuôi theo dòng, hoặc cố bơi ngược dòng. Nếu từng theo dõi một cuộc thi ca hát hoặc nhảy múa trên truyền hình, bạn có thể nhận ra một số thí sinh có “phẩm chất ngôi sao” hay “tài năng thiên phú”, và một số thí sinh đơn giản là không sở hữu những phẩm chất cần có để theo nghiệp biểu diễn. Thế nhưng điều đó không làm giảm đi giá trị của những con người này, mà nó chỉ có nghĩa là họ cần nhìn nhận một cách thực tế về hướng đi của mình.
Ngày qua ngày, chúng ta sống theo những suy nghĩ và thói quen hình thành bấy lâu và hiếm khi dành thời gian lùi lại để nhìn nhận xem thế nào là cuộc sống “tốt đẹp hơn” đối với mình. Làm sao ta có thể kỳ vọng một cuộc sống tốt hơn nếu ta thậm chí không biết cuộc sống đó trông ra sao? Mục tiêu này thoạt nghe thì có vẻ phức tạp nhưng thật ra không phải vậy. Tôi nghĩ bạn sẽ nhận ra khi bạn bắt đầu tìm hiểu sâu hơn một chút rằng chặng đường tìm kiếm những mong muốn thật sự của bạn thì dễ hơn so với bạn tưởng.
Và đây chính là bước đầu tiên bạn sẽ làm để bắt đầu chuyến hành trình – nhằm hiểu được “cuộc sống tốt đẹp hơn” của bạn thật sự trông ra sao. Nếu thực tế không như kỳ vọng thì cũng đừng nản lỏng, vì khi có được cái nhìn này nghĩa là bạn đã sẵn sàng để tiến bước đến thành công.
BẠN THẬT SỰ MUỐN GÌ?
Thông thường, mọi người tìm đến tôi vì họ muốn được tư vấn cách cải thiện một khía cạnh nào đó trong cuộc sống. Đôi khi họ biết chính xác họ muốn gì, nhưng thường thì họ không rõ lắm nên cần tôi giúp họ làm rõ vấn đề và sau đó là tìm cách đạt mục tiêu. Thay vì chỉ tập trung vào điều mà khách hàng nghĩ đó là vấn đề hoặc mục tiêu của họ, tôi sẽ xem xét tổng thể cuộc sống của họ và chú trọng đến điều mà họ thật sự cần đến nhất. Bằng cách này, chúng ta lùi ra xa để nhìn được bức tranh toàn cảnh và bắt đầu phát hiện những mảnh ghép quan trọng còn thiếu. Nhu cầu cơ bản nào cần được đáp ứng? Đó có phải là cảm giác an toàn? Mục đích sống? Phiêu lưu? Tình yêu? Sự kết nối với người khác? Việc xác định những nhu cầu hay khao khát tiềm ẩn luôn giúp chúng ta hiểu rõ hơn mình cần làm gì để cải thiện cuộc sống.
Xuyên suốt quyển sách này, bạn sẽ bắt gặp ví dụ về những người nghĩ rằng họ cần tập trung vào một khía cạnh nào đó của cuộc sống, nhưng sau một bài đánh giá đơn giản – mà bạn cũng sẽ làm trong chương này – họ mới nhận ra mình cần chú ý đến một khía cạnh khác. Việc này rất quan trọng vì nó cho bạn biết bạn cần quyết định về điều gì đầu tiên.
Bài đánh giá làm rõ điểm bắt đầu, hiện trạng của bạn và những điều bạn mong muốn đạt được. Đó là mục tiêu của chúng ta lúc này – xác định bạn đang ở đâu và tìm hiểu xem bạn muốn cải thiện điều gì. Bạn sẽ có cơ hội khám phá và hiểu được rất nhiều điều về bản thân thông qua bài tập này.
Hãy hình dung cuộc đời của bạn như một bức tranh ghép hình khổng lồ với các mảnh ghép là mọi khía cạnh của cuộc sống. Cụ thể chi tiết của các mảnh ghép này ở mỗi người sẽ khác nhau, nhưng mấu chốt là chúng ta đánh giá được cảm giác của mình đối với từng mảnh ghép. Cách tốt nhất để biết chúng ta cần chú ý đến mặt nào nhất của cuộc sống hay mong muốn điều gì nhất trong đời chính là xem xét tổng thể tất cả các mảnh ghép dưới cái nhìn khách quan.
Ở mục tiếp theo, tôi tạo một bảng đánh giá những khía cạnh bao quát trong cuộc sống, bạn sẽ điền ô trống nếu thấy phù hợp với mình. Hãy để ý xem phản ứng đầu tiên của bạn là gì khi đọc qua từng điểm. Điều gì làm bạn thấy bình yên? Điều nào khiến bạn căng thẳng hay thậm chí thấy nhói đau? Hoặc bạn có thể lập tức lướt qua một khía cạnh nào đó vì không muốn nghĩ về nó. Những phản ứng tức thời này ẩn chứa ý nghĩa to lớn và cho chúng ta biết những thông tin quan trọng về bản thân mình.
Tiếp theo, bạn hãy xem xét kỹ lưỡng hơn mỗi khía cạnh. Bạn có đang gặp rắc rối với nó không? Có điều gì đang chiếm của bạn quá nhiều thời gian, khiến bạn lo âu hay thấy áp lực không? Nó có làm bạn bất an không? Hay bạn thấy vui vẻ và hài lòng? Phải chăng bạn đang vướng mắc ở một số vấn đề và có cảm giác bị trì trệ? Hãy ghi nhớ tất cả những chi tiết này trước khi chuyển sang bước tiếp theo.
Dưới đây là lời giải thích về và hướng dẫn về các khía cạnh của cuộc sống mà tôi đề cập trong bảng đánh giá để bạn tham khảo trước khi thực hiện:
❊ GIA ĐÌNH: Gia đình ở đây có thể là cha mẹ hoặc người thân của bạn như ông bà, anh chị em ruột, anh chị em họ và bà con xa.
❊ BẠN BÈ: Ở đây bao gồm tất cả những người mà bạn xem là bạn bè. Bạn có thể đánh giá khía cạnh này thấp hơn nếu cảm thấy mình có quá ít hay quá nhiều bạn, hoặc có mối quan hệ bạn bè nào đó đang gặp vấn đề.
❊ MỐI QUAN HỆ LÃNG MẠN: Khía cạnh này liên quan đến đời sống tình cảm lãng mạn của bạn, quan hệ giữa bạn với người yêu hoặc bạn đời.
❊ LÀM CHA MẸ: Đây sẽ là một khía cạnh khó đánh giá nếu bạn có con. Tùy vào tình trạng của con mà bạn có thể cảm thấy mình kiểm soát được tình hình hay không, và bạn rất dễ trở nên khắt khe với bản thân khi có chuyện ngoài ý muốn xảy ra. Hãy cố gắng khách quan nhất có thể khi đánh giá khía cạnh này.
❊ CÔNG VIỆC: Khía cạnh này áp dụng trong trường hợp bạn đang đi làm. Công việc mang lại cho bạn cảm giác như thế nào? Bạn có cảm thấy mình có những đóng góp giá trị cho thế giới hay cho tổ chức hay không? Mỗi ngày làm việc của bạn có vui không? Hay bạn chỉ đến công ty rồi chờ đến giờ tan sở để ra về?
❊ SỨC KHỎE THỂ CHẤT: Bạn cảm thấy như thế nào về thể chất của mình? Bạn có mắc bệnh mạn tính không? Bạn có vấn đề nào về sức mà chưa chữa trị không? Bạn thường quan tâm đến cơ thể hay có xu hướng phớt lờ nó?
❊ SỨC KHỎE TINH THẦN: Bạn cảm thấy như thế nào về tinh thần của mình? Bạn có đang chật vật với tình trạng lo âu, phiền muộn hay cảm xúc “mưa nắng thất thường” không? Bạn có thấy khó điều hòa cảm xúc hay khó kiểm soát cơn giận không? Hay là bạn cảm thấy mình kiểm soát được cảm xúc và có thể sống tốt ngay cả khi gặp áp lực lớn?
❊ ĐỜI SỐNG TÂM LINH: Bạn có quan tâm đến đời sống tâm linh của mình không? Khía cạnh này có thể mang ý nghĩa khác nhau ở mỗi người. Khi đánh giá, bạn hãy xét đến mức độ hòa hợp giữa niềm tin tâm linh của bạn với các hoạt động hằng ngày.
❊ SỞ THÍCH: Đây có thể là khía cạnh bạn thấy dễ dàng đánh giá, nhưng bạn hãy nghĩ theo hướng khám phá các đam mê của mình. Bạn có đang tích cực học tập ở những lĩnh vực mình hứng thú không? Hay bạn đang dành thời gian cho những sở thích đơn giản làm mình vui vẻ?
❊ TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH: Bạn cảm thấy như thế nào về tài chính của mình? Bạn có thường thấy áp lực về tiền bạc không? Bạn có lo lắng mình chưa dành dụm đủ cho tương lai không? Hay bạn đang thực hiện một kế hoạch tài chính hoặc lập ngân sách dự phòng nhằm cảm thấy an tâm hơn?
CHỌN NƠI VÀ THỜI ĐIỂM KHỞI HÀNH!
Trong Bảng đánh giá Chất lượng Cuộc sống, bạn hãy ghi vào mỗi ô trống điểm số theo thang điểm từ 1 đến 5. Nếu có khía cạnh tạo ra năng lượng tiêu cực trong cuộc sống của bạn thì hãy cho 1 hoặc 2 điểm. Đối với khía cạnh mà bạn thấy bình thường – tức là không gặp vấn đề nhưng có thể cải thiện, thì bạn có thể cho 3 điểm. Hãy cho 4 hoặc 5 điểm ở những khía cạnh cuộc sống đang diễn ra suôn sẻ. Nếu có khía cạnh không xuất hiện trong cuộc sống của bạn thì đánh dấu X vào ô “Không biết”.
Tiếp theo, bạn cần tự hỏi mình có động lực thay đổi một khía cạnh cụ thể nào ngay bây giờ hay không. Việc này quan trọng vì đôi khi theo bản năng, chúng ta sẽ cố che giấu hoặc lờ đi vấn đề nếu nó làm ta thấy căng thẳng hoặc tiêu cực. Chỉ bản thân bạn mới quyết định được khi nào là thời điểm thích hợp để đối mặt với vấn đề. Có lẽ giờ chưa phải lúc. Có lẽ tạm thời bạn cần ưu tiên giải quyết những việc khác. Chúng ta không cần khiến bản thân thấy tội lỗi để thay đổi điều gì vì cách này vô tác dụng. Thay vào đó, hãy tập trung vào khía cạnh bạn thật sự muốn thay đổi ngay lúc này.
Vậy, hãy viết ra suy nghĩ của bạn dưới câu hỏi “Tôi có muốn thay đổi điều này ngay bây giờ không?”. Câu trả lời có thể là “Hiện tại thì chưa, nhưng tôi sẽ sớm thay đổi nó”, hoặc “Có! Tôi cần thay đổi gấp”. Quyết định thế nào hoàn toàn tùy ở bạn. Việc hoàn thành bảng đánh giá đơn thuần để giúp bạn có cái nhìn rõ ràng về toàn cảnh hiện trạng của mình. Đừng cố đốt cháy giai đoạn và vội nghĩ xem làm sao để thay đổi. Trong lúc này, bạn chỉ cần xác định mình cần quan tâm điều gì nhất. Tôi có dành một số ô trống phòng trường hợp bạn còn có những khía cạnh khác trong cuộc sống mà bạn thấy là quan trọng, nếu có thì bạn hãy viết tất cả ra và đánh giá dựa theo cách tôi đã trình bày ở trên.
BẢNG ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG
CĂN NGUYÊN CỦA VẤN ĐỀ |
Một trong những lý do quan trọng nhất khiến chúng ta cần đánh giá chất lượng cuộc sống chính là nhằm đảm bảo bạn thay đổi đúng khía cạnh cần thay đổi. Như tôi đã nói, nhiều khách hàng của tôi nói họ cần kiếm thêm nhiều tiền, nhưng sau khi phân tích kỹ hơn thì chúng tôi phát hiện ra rằng họ đang muốn dùng tiền để giải quyết vấn đề cảm xúc. Khi xem xét và tâm sự về những vấn đề này, họ nhận thấy điều mình thiếu chính là cảm giác an toàn chứ không phải của cải vật chất – khi không làm ra tiền hoặc rơi vào khủng hoảng tài chính có thể khiến bạn cảm thấy sợ hãi và bất an. Thế nên cách hữu ích nhất chính là tìm hiểu kỹ lưỡng tất cả những khía cạnh trong cuộc sống để xem điều gì gợi lên cảm giác này. Từ đó, chúng ta có thể hiểu mình thật sự muốn gì thay vì chỉ chăm chăm vào yếu tố bên ngoài – thứ vốn không bao giờ xoa dịu được nỗi lo sợ trong ta. Một ví dụ khác là có người cho mối quan hệ lãng mạn của mình 1 điểm vì hiện họ không yêu ai. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu họ thật sự muốn có quan hệ yêu đương với ai đó hay không? Khía cạnh này có quan trọng với họ thật không? Nếu dành thời gian kết nối với phần chân thực của mình, họ có thể xác định được điều họ mong muốn trong đời là gì. Trên đây chỉ là một vài ví dụ minh họa cho việc chúng ta tưởng mình nên cải thiện một khía cạnh trong khi đáng lẽ ta phải quan tâm đến một khía cạnh khác. Khi xem xét bảng đánh giá của mình, bạn hãy nghĩ về căn nguyên vấn đề và lấy đó làm điểm khởi đầu cho việc thay đổi. |
PHÂN TÍCH BẢNG ĐÁNH GIÁ
Dù bạn cho tất cả 1 điểm và nghĩ khía cạnh nào cũng cần được cải thiện, nhưng tôi khuyến khích bạn hãy tập trung xử lý mỗi lần một khía cạnh– bởi khi một quyết định thay đổi ở một khía cạnh này cuối cùng vẫn có thể tạo ra sự biến chuyển tích cực cho những khía cạnh còn lại.
Một khi chúng ta bắt đầu giải quyết vấn đề phiền toái nhất của mình thì các vấn đề khác cũng thường trở nên ổn định theo hoặc ít nhất là có cải thiện, tựa như khi tìm được đúng mảnh ghép mấu chốt để lắp vào bức tranh thì bạn có thể dễ dàng khớp những mảnh ghép còn lại với nhau vậy. Những thành công nho nhỏ này sẽ ngày càng giúp ta tự tin hơn và dần tạo ra bước đột phá tích cực hơn nữa. Nói cách khác, chúng ta không cần cố ôm đồm mọi việc trong một lần mà hãy làm mỗi lần một việc.
Hãy đọc các câu trả lời ở cột “Tôi có muốn thay đổi điều này ngay bây giờ không?” và nghĩ xem bạn có xu hướng chú ý đến khía cạnh nào. Để chọn ra điều mà bạn nên bắt đầu thay đổi thì bạn có thể tự hỏi: “Nếu khía cạnh này được cải thiện đáng kể thì mình sẽ cảm thấy như thế nào?”. Quan trọng là ban đầu bạn đừng nghĩ quá nhiều về những chướng ngại mà bạn chắc chắn sẽ gặp phải khi thay đổi khía cạnh đó hay tự nhủ chuyện này sẽ rất khó khăn. Chúng ta đơn giản chỉ cần nghĩ xem mình sẽ được lợi nhiều đến mức nào khi tạo ra sự thay đổi tích cực.
Nếu đã chọn được một khía cạnh muốn thay đổi ngay, bạn hãy viết nó vào khung dưới đây:
Khía cạnh tôi muốn tập trung cải thiện là:
Sau khi đã có cái nhìn rõ ràng về các khía cạnh cuộc sống mà bạn muốn tập trung thay đổi đầu tiên, hãy nghĩ xem bạn muốn thay đổi nó như thế nào. Tùy thuộc vào điểm đánh giá và tầm ảnh hưởng của nó đến cuộc sống của bạn mà bạn có thể cần thay đổi 180 độ hoặc chỉ cần một chút điều chỉnh đơn giản. Để trả lời biết chính xác, chúng ta có dùng Thang đo mức độ thay đổi REP mà tôi giới thiệu tiếp theo đây.
THANG ĐO MỨC ĐỘ THAY ĐỔI REP
Có những lúc một khía cạnh cuộc sống của chúng ta dường như không phản ánh đúng con người thật của ta, cứ như bạn không thể tin được mình rốt cuộc lại hành động “không giống mình” chút nào. Nếu rơi vào hoàn cảnh này thì bạn cũng không cần lo lắng. Có một con đường để bạn quay về với con người chân thực của mình mà chúng ta sẽ cùng khám phá ra nó.
Mặt khác, có thể bạn thấy cuộc sống của mình chỉ cần thay đổi vài điểm thì sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều. Tóm lại, mỗi người cần thay đổi theo mức độ khác nhau và để giúp bạn xác định được mức độ này, tôi đã tạo ra một công cụ gọi là Thang đo REP.
Reinvent Pvolve One ivot |
– Tái tạo – Phát triển – Xoay chuyển |
Ý nghĩa của Thang đo REP:
Reinvent – Tái tạo:
❊ Tái tạo là một cuộc đại tu, là sự biến chuyển lớn đến mức làm cuộc sống của bạn trở nên khác hẳn hoàn toàn. Bạn có thể cảm thấy cần thay đổi tất cả những khía cạnh mình không hài lòng – có lẽ thể chất của bạn giảm sút và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hoặc công việc hiện tại của bạn quá áp lực. Khi chọn thay đổi ở mức tái tạo nghĩa là bạn quyết định bắt đầu làm những việc rất khác biệt so với trước giờ để có thể thu được một kết quả hoàn toàn mới mẻ.
❊ Một số ví dụ cho sự tái tạo bao gồm giảm số cân nặng đáng kể, học lên đại học, ly hôn, cai rượu. Khi đó, chúng ta có một khởi đầu mới, bắt đầu lại từ vạch xuất phát và thay đổi nhiều đến mức trở thành một con người hoàn toàn mới. Trong cuộc sống, có lúc chúng ta trở nên trì trệ và cần làm mới mình để nhóm lại ngọn lửa đam mê.
Evolve – Phát triển:
❊ Bạn có thể hình dung sự phát triển là quá trình một điều gì đó lớn lên và tỏa sáng – bạn phát triển cùng với thế giới xung quanh để khi thế giới trở nên tốt đẹp hơn thì bạn cũng tốt đẹp hơn. Phát triển tức là chấp nhận hiện thực, đón nhận sự thay đổi và trưởng thành.
❊ Ví dụ như bạn bắt đầu quan tâm đến sức khỏe hơn vì ý thức được rằng bạn đã lớn tuổi. Hoặc bạn quyết định không đi chơi đêm hay đến các quán rượu nữa vì từ giờ bạn cần dậy sớm đi làm. Hoặc bạn làm quen với những sở thích khác lành mạnh hơn để có thể kết bạn với những người tử tế.
Pivot – Xoay chuyển:
❊ Sự xoay chuyển nghĩa là tạo ra thay đổi lớn từ một bước đi nhỏ theo hướng mới. Hướng đi mới đó có thể là ngừng ngồi lê đôi mách, hạn chế sử dụng mạng xã hội, thôi bắt bẻ quan điểm sống của người khác, hoặc có thể bạn tham gia một khóa đào tạo nhằm củng cố sự nghiệp. Ví dụ cho sự xoay chuyển như tìm những bài tập thể dục phù hợp với bạn, đăng ký học một môn nghệ thuật giúp truyền cảm hứng cho bạn, trồng loại rau củ mà bạn vốn luôn muốn trồng trong vườn nhà hoặc thử hẹn hò trên mạng.
Theo Thang đo REP, tôi muốn thay đổi khía cạnh này ở mức:
QUYẾT ĐỊNH...
Trong quá trình đọc quyển sách này, bạn sẽ nghĩ về những quyết định chân thực cụ thể và cần thiết để hướng cuộc sống đi theo quỹ đạo tích cực hơn. Để làm được điều này, tôi muốn chia sẻ với bạn một số quyết định quan trọng từ các khách hàng của tôi – chúng là những quyết định phổ biến mà ai cũng cần đưa ra vào một lúc nào đó trong đời. Những quyết định này bao gồm:
♦ quyết định buông bỏ
♦ quyết định bắt đầu một mối quan hệ
♦ quyết định đứng lên bảo vệ bản thân
♦ quyết định chăm sóc sức khỏe tinh thần
♦ quyết định hình thành đời sống tâm linh
♦ quyết định chấm dứt một mối quan hệ
♦ quyết định ngừng làm bạn với ai đó
♦ quyết định không để người khác tiếp tục làm tổn thương mình
♦ quyết định tha thứ cho ai đó
♦ quyết định nói sự thật
Mỗi quyết định mang ý nghĩa khác nhau đối với mỗi người chúng ta và có nhiều cách khác nhau để thực hiện chúng. Tất cả chúng ta đều có khả năng quyết định và hoàn toàn chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình. Biết mình có thể tự do chọn cách sống nghe vừa có vẻ đáng sợ vừa làm ta phấn chấn tinh thần. Thật thích thú biết bao nhiêu khi biết bản thân ta nắm hoàn toàn quyền tự chủ và có thể quyết định theo bất kỳ cách nào mình muốn!
Ở phần tiếp theo của quyển sách này, chúng ta sẽ bắt đầu tìm hiểu các Lực giúp giữ cho ta sống đúng với con người thật của mình hoặc có thể khiến ta mất kết nối hoàn toàn với bản chất chân thực ấy. Bất kỳ ai cũng chịu tác động từ những Lực này. Không có Lực nào tốt hay xấu hoàn toàn mà chúng chỉ là một phần của thách thức ta gặp phải trên hành trình sống sao cho tốt đẹp hơn. Khi thay đổi cách mình suy nghĩ, ta sẽ lần lượt thay đổi cách mình cảm nhận và cách mình hành xử – đó chính là cách mà các Lực sẽ ảnh hưởng đến ta.