Có bao giờ bạn cảm thấy rối bời, không thể làm gì để thay đổi vì bị choáng ngợp trước quá nhiều khả năng và cơ hội? Bạn có từng băn khoăn tại sao một số chuyện không chỉ một lần mà nhiều lần đã ngăn cản bạn tìm được bình an, tình yêu và thành công trong cuộc sống? Tại sao các vấn đề như luôn đeo bám bạn và bạn lại cứ lựa chọn những điều không có lợi cho mình? Có quyết định nào được đưa ra mà theo trực giác bạn biết rõ nó không đúng với con người thật của bạn hay không? Trong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu cách mà bạn có thể đang để cho những vấn đề – hay những chướng ngại – cản trở bạn sống cuộc đời mình mong muốn.
Như đã được đề cập ở chương trước, bước đầu tiên bạn cần làm là xác định Phiên bản Tốt đẹp nhất của mình. Tiếp theo, bạn sẽ học cách nhìn nhận thế giới qua đôi mắt của con người chân thực này. Mỗi ngày trôi qua, chúng ta đều có những vấn đề cần cương quyết xử lý và những vấn đề cần thỏa hiệp hay nhượng bộ – bản chất cuộc sống vốn vậy. May thay, bạn có thể thỏa hiệp hay nhượng bộ mà vẫn sống thật với chính mình.
Bạn có thể vừa sống chân thực vừa không phải thuận theo ý người khác.
Tôi tin rào cản lớn khiến ta không thể quyết đoán hoặc rơi vào vòng luẩn quẩn không thể đưa ra những lựa chọn hữu ích chính là vì ta có xu hướng quá quan tâm đến kết quả mình kỳ vọng. Chúng ta để cho kết quả đó điều khiển tâm trí mình. Ở đây, tôi muốn nhắc lại Mô hình Quyết định:
MÔ HÌNH QUYẾT ĐỊNH
1. Bước đầu tiên để tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân là sống đúng theo Phiên bản Tốt đẹp nhất của chính bạn.
2. Khi là Phiên bản Tốt đẹp nhất của mình, bạn có thể xem trở ngại như cơ hội.
3. Khi nhìn thấy cơ hội, bạn có thể đưa ra những quyết định chân thực.
4. Khi có quyết định chân thực, bạn có thể buông bỏ và để cho vũ trụ tự định đoạt.
Trong mô hình này, kết quả phải là điều xuất hiện cuối cùng. Kết quả từ quyết định của chúng ta không định nghĩa con người ta vì nó gần như nằm ngoài khả năng kiểm soát của ta. Thật vô lý khi ta để cho một thứ mình không thể điều khiển lại nắm giữ bất kỳ một vai trò nào trong quá trình ta đưa ra quyết định chân thực. Khi có thể biến một khó khăn thành cơ hội, chúng ta cảm thấy vui vẻ hơn và điều này thúc đẩy ta có những lựa chọn tốt hơn cho cuộc đời mình. Và từ đó, bất kể kết quả có như thế nào thì chúng ta cũng đều hài lòng.
Với tôi, thành công nghĩa là sống thật với chính mình. Đơn giản vậy thôi! Chúng ta sinh ra là chính mình chứ đâu phải là người nào khác. Ta không sinh ra để làm hài lòng mọi người. Ta là ta. Và khi ta sống thật với bản thân, cuộc sống của ta sẽ hạnh phúc và viên mãn nhất.
Tôi tin tất cả những quyết định mỗi ngày của chúng ta có thể dẫn ta đến gần hoặc đưa ta đi xa khỏi cuộc sống tốt đẹp. Bởi vì không thể dự đoán kết quả của bất kỳ quyết định nào, chúng ta phải đảm bảo mình có quyết định khi đang là Phiên bản Tốt đẹp nhất. Giờ thì tôi sẽ chỉ cho bạn cách làm việc này thông qua phương pháp mà tôi gọi là Bốn chữ O:
Obstacle Opportunity One decision Outcome |
– Chướng ngại – Cơ hội – Quyết định – Kết quả |
OSTACLE – CHƯỚNG NGẠI
Là điều đang chắn đường ta, ngăn cản hoặc làm trì hoãn sự phát triển của ta.
Chướng ngại
Cách chúng ta nhìn nhận một người, một hoàn cảnh hoặc sự vật sẽ xác định cách chúng ta lựa chọn quyết định. Khi cho rằng một vấn đề là không thể giải quyết, chúng ta đang nhìn nhận nó như một chướng ngại.
Hãy tưởng tượng bạn đeo một chiếc kính mát có tròng kính làm đổi màu ánh sáng. Ví dụ như tròng kính xanh dương khiến cho mọi thứ ta nhìn thấy đều mang màu xanh dương. Tương tự, khi bạn đeo chiếc kính có bộ tròng “chướng ngại” để quan sát thế giới xung quanh thì nó sẽ biến tất cả những gì bạn nhìn thấy thành chướng ngại. Bạn sẽ không thể thấy gì khác ngoài những gút mắc phải tháo gỡ, những thử thách phải vượt qua, hoặc tệ hơn là những tường thành không thể đánh đổ.
Nếu tiếp tục đeo chiếc kính chướng ngại, điều mà ta xem là vấn đề sẽ mãi mãi là vấn đề. Chẳng những thế, việc bị mắc kẹt trong chướng ngại khiến ta cảm thấy tồi tệ về nhiều mặt.
Khi xem điều gì đó là chướng ngại, chúng ta có xu hướng:
❊ đổ lỗi
❊ viện cớ
❊ than vãn
❊ thương hại bản thân (tâm lý nạn nhân)
❊ ngừng phát triển
❊ thiếu vị tha đối với chính mình hoặc với người khác
❊ ám ảnh
❊ sợ hãi
❊ bất an
❊ căng thẳng lo âu
❊ phiền muộn
❊ cô đơn
❊ oán giận
❊ biện minh
HÃY NGƯỠNG MỘ CHÍNH BẠN! |
|
Nếu mỗi khi gặp chuyện bất như ý bạn lại đổ lỗi cho con người, hoàn cảnh hay sự vật nào đó, thì đây chính là lúc để bạn chuyển từ vai nạn nhân thành cường nhân. Có thể bạn từng rơi vào nghịch cảnh éo le, nhưng nếu mãi sắm vai người bị hại thì bạn đang trao quyền điều khiển cuộc đời mình cho một thứ không giúp ích được gì cho bạn. Khi chọn làm cường nhân, chúng ta giành lại được quyền lực – đó chính là quyền lựa chọn, quyền quyết định. Từ giờ chúng ta phải thành thạo lối tư duy này bởi nếu không thì ta có thể đưa ra các quyết định mang tính gây hấn thụ động – một kiểu phản ứng tiêu cực nhằm gián tiếp công kích con người, hoàn cảnh hay sự vật mà ta không vừa ý. Ai cũng từng có lúc mắc phải tâm lý nạn nhân, và nguyên nhân thường vì chúng ta muốn tìm lý do giải thích tại sao đời mình gặp trắc trở. Thế là chúng ta đổ lỗi cho những yếu tố bên ngoài, rằng có ai đó đã không bảo vệ, không giúp đỡ hoặc đã lừa dối hay làm tổn thương mình. Nhưng giờ đây, bạn đang có điều kiện tuyệt vời để vận dụng sức mạnh nhằm cải thiện cuộc sống, và tôi không muốn bạn để cho tâm lý nạn nhân cướp đi của bạn cơ hội này. Vì vậy, hôm nay, trong lúc suy nghĩ về những điều mình quyết định, bạn hãy tự hỏi xem có quyết định nào bạn đưa ra là vì tức giận ai hay điều gì đó đã khiến bạn rơi vào hoàn cảnh này không. Bảng bên dưới có thể giúp bạn xác định rõ hơn liệu bạn có đang nhìn sự việc từ tâm thế nạn nhân hay không. Suy nghĩ của bạn giống với cột “Tâm lý Nạn nhân” hay “Tâm lý Cường nhân”? |
|
Tâm lý Nạn nhân |
Tâm lý Cường nhân |
Đổ lỗi cho người khác về cảm xúc của mình |
Nắm quyền kiểm soát cảm xúc của mình |
Nghi ngờ hoặc bi quan |
Cởi mở hoặc lạc quan |
Tìm cách than vãn, ngay cả khi không gặp vấn đề gì |
Suy nghĩ tích cực và thể hiện lòng biết ơn, ngay cả khi chuyện không như ý |
Tin rằng cả thế giới chống lại mình |
Tin rằng vũ trụ sẽ hỗ trợ mình |
Cảm thấy bất lực hoặc không thể thích nghi với hoàn cảnh hiện tại |
Tìm cách để thích nghi với mọi hoàn cảnh |
Chỉ trích bản thân |
Tin tưởng bản thân, hành xử như Phiên bản Tốt đẹp nhất |
Đòi hỏi người khác cảm thông cho mình |
Tử tế và cảm thông với bản thân và người khác |
Chĩa mũi dùi về phía đối phương, ví dụ như nói hoặc nghĩ rằng “anh khiến tôi buồn” hay “cô đã làm tôi ra nông nỗi này” |
Tự chịu trách nhiệm về những việc xảy ra, bất kể việc đó có kết quả tốt hay xấu |
Thương hại bản thân và có vẻ thỏa mãn với suy nghĩ này |
Tự hào về những điều bản thân có thể làm và công nhận những điểm mạnh của mình |
Khi không được lưu ý và hóa giải, tâm lý nạn nhân có thể dễ dàng sản sinh ra những nỗi oán giận sâu sắc kìm hãm hạnh phúc của chúng ta. Nếu nhận ra mình đang oán giận điều gì đó thì bạn cũng đừng lo lắng, Dù quá trình xoa dịu nỗi oán giận có thể đầy thử thách, nhưng vẫn có cách và tôi tin bạn sẽ làm được. |
OPPORTUNITY – CƠ HỘI
Là một tình huống tạo điều kiện cho một người có thể làm việc gì đó.
Cơ hội
Chiếc kính cơ hội giúp chúng ta nhìn thấy các khả năng. Khi quan sát cuộc sống qua chiếc kính này, chúng ta ngay lập tức có thể nhìn thấy nhiều con đường đưa ta đến sự phát triển, những bài học và kỹ năng mới, những khám phá mới mẻ, các hướng đi ta chưa từng thử và nhiều điều kỳ diệu khác nữa – những cơ hội hoàn toàn bị lọc bỏ bởi chiếc kính chướng ngại. Bạn có thể nghĩ rằng: “Cách này có khác gì việc nhìn cuộc đời qua lăng kính màu hồng đâu?”. Sự khác biệt ở đây là chiếc kính màu hồng chỉ tạm thời thay đổi quan điểm của ta, trong khi chiếc kính cơ hội dẫn dắt ta quyết định và hành động. Sự thật là trong mỗi chướng ngại đều ẩn chứa vô số cơ hội mà ta có thể nắm bắt – chỉ cần ta chịu thay đổi chiếc kính mình đang đeo.
Khi tư duy theo hướng tìm cơ hội, chúng ta cảm thấy vui vẻ và chân thực bởi vì hãy nhớ rằng Phiên bản Tốt đẹp nhất – phiên bản chân thực nhất – được tạo thành từ những phẩm chất tích cực của chúng ta. Thế nên, thay vì để cho chướng ngại cản trở bạn hành xử như Phiên bản Tốt đẹp nhất, hãy thay đổi tư duy để nhanh chóng gắn kết lại với phần cốt lõi của mình.
Khi xem điều gì đó là cơ hội, chúng ta có xu hướng:
❊ có thái độ lạc quan
❊ suy nghĩ theo hướng tìm giải pháp
❊ cảm xúc và tinh thần tốt hơn
❊ nhận lãnh trách nhiệm
❊ tư duy sáng tạo
❊ học được điều mới
❊ trưởng thành hơn
TƯ DUY CHƯỚNG NGẠI – TƯ DUY CƠ HỘI |
Hãy tưởng tượng bạn đã nghỉ hưu và giờ đang gặp khó khăn về tài chính. Chúng ta sẽ lần lượt xem xét tình huống này như một chướng ngại và một cơ hội. Sau đó, ta sẽ bàn về quyết định mà bạn có thể đưa ra ở mỗi góc nhìn. Với lối tư duy chướng ngại, bạn có thể nghĩ rằng: • Mình không đủ tiêu chuẩn để làm việc trở lại. • Mình sẽ không bao giờ trang trải được cuộc sống bằng mức lương từ công việc (nếu tìm được). • Lúc còn đi làm mình đã không thích công việc rồi. Bây giờ cũng giống như vậy mà thôi. • Mình chỉ biết có một nghề, mà hiện giờ không có ai tuyển vị trí đó. • Mình tức giận bản thân vì đã để cho chuyện này xảy ra và rất đau buồn khi không thể an hưởng tuổi già. Mặt khác, với lối tư duy cơ hội, bạn có thể nghĩ rằng: • Nếu chịu khó tìm kiếm, mình có thể tìm được những công việc phù hợp với độ tuổi của mình. • Ai mà biết được, có thể bây giờ mình thậm chí sẽ thích làm việc nhiều hơn hồi trước! • Mình sẽ kiên trì tìm việc và để mọi thứ thuận theo tự nhiên. Có thể mình còn tìm được những người bạn mới trong quá trình này nữa. • Thật ra mình cảm thấy khá thích thú khi nghĩ về việc học được điều gì đó mới mẻ. Khi xem việc quay lại làm việc là một chướng ngại, bạn có thể thấy suy nghĩ đó không dẫn bạn đến đâu cả ngoài việc khiến bạn buồn bã và thương hại bản thân. Năng lượng tiêu cực hình thành từ lối tư duy này ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống của bạn. Tệ nhất là tư duy tiêu cực có thể ngăn cản ta hành động. Tuy nhiên, khi xem việc quay lại làm việc là một cơ hội, bạn có thể thấy lối tư duy này tạo ra nguồn năng lượng tích cực. Chúng ta nhìn thấy các khả năng và hướng đi mới, từ đó thúc đẩy ta tiến lên phía trước trong vai trò là Phiên bản Tốt đẹp nhất thay vì chết cứng trong vũng lầy tiêu cực. Càng nhìn thấy nhiều cơ hội hơn là chướng ngại, chúng ta càng có thể tận hưởng và cải thiện cuộc sống của mình. |
ONE DECISION – QUYẾT ĐỊNH
Là một kết luận hoặc lựa chọn chắc chắn mà Phiên bản Tốt đẹp nhất đưa ra.
Khi chúng ta đã chọn nhìn nhận điều gì đó là cơ hội, khám phá các khả năng và sống đúng với Phiên bản Tốt đẹp nhất, đó chính là lúc chúng ta có quyết định của mình. Để đi đến cùng với quyết định đó, chúng ta cần thực hiện nhiều “chuỗi lựa chọn” giúp củng cố, hỗ trợ và hiện thực hóa quyết định.
QUYẾT ĐỊNH THEO TƯ DUY CHƯỚNG NGẠI VÀ THEO TƯ DUY CƠ HỘI |
Hãy tiếp tục tưởng tượng tình huống bạn cần quay lại làm việc. Chúng ta sẽ xét xem bạn có thể đưa ra kiểu quyết định nào khi nhìn nhận chuyện này qua chiếc kính chướng ngại hoặc qua chiếc kính cơ hội. Với lối tư duy chướng ngại, bạn có thể quyết định: • Do dự, chối bỏ hiện thực và khiến tình hình tài chính càng thêm tồi tệ. • Giới hạn năng lực bản thân và chỉ tìm kiểu công việc ổn định để không bị sa thải. • Thể hiện thái độ không tốt trong lúc phỏng vấn xin việc và kết quả là bị từ chối. • Có hành vi tự mình làm hại mình hoặc trốn tránh để che giấu hiện thực. • Trở nên rầu rĩ và bắt đầu xa lánh mọi người xung quanh. Mặt khác, với lối tư duy cơ hội, bạn có thể quyết định: • Nhờ người thân quen góp ý xem công việc nào có thể phù hợp. • Tạo quan hệ, bắt chuyện với mọi người ở những nơi thường lui tới và cho họ biết bạn đang tìm việc. • Dành một tiếng đồng hồ mỗi ngày để tập luyện kỹ năng trả lời phỏng vấn. • Hoàn thiện hồ sơ xin việc. • Ứng tuyển trực truyến. • Bắt đầu học một kỹ năng mới mà bạn thấy hứng thú. • Dành thời gian thực hành tâm linh để gắn kết sâu sắc trở lại với tâm hồn trong quá trình đi theo ngã rẽ mới của cuộc đời. Bạn thấy đó, tùy vào cách bạn nhìn nhận vấn đề mà sẽ có sự khác biệt rất lớn trong quyết định bạn đưa ra. Một thay đổi đơn giản trong thái độ sống lại có sức ảnh hưởng đến như vậy, chẳng phải là điều rất đáng kinh ngạc hay sao? |
OUTCOME – KẾT QUẢ
Là cách mà điều gì đó cuối cùng xảy ra, một hệ quả chúng ta thật sự không thể kiểm soát được.
Tuy chúng ta có thể kiểm soát quyết định của mình nhưng một khi đã thực hiện nó, chúng ta phải thuận theo tự nhiên bởi từ giây phút đó trở đi, vũ trụ sẽ định đoạt kết quả cho quyết định của ta.
Bất kể cố gắng đến mức nào thì chúng ta cũng không thể đoán trước tương lai. Ngay cả khi nghĩ rằng mình đã có lựa chọn đúng đắn từ Phiên bản Tốt đẹp nhất, điều cuối cùng xảy ra vẫn có thể khác hoàn toàn so với kỳ vọng của ta. Mục tiêu của chúng ta là cảm thấy hài lòng với quyết định của mình dù kết quả có ra sao đi nữa. Quan trọng là trong vai trò Phiên bản Tốt đẹp nhất, ta không hoài nghi hay tiếc nuối rằng lẽ ra mình nên lựa chọn khác đi.
Trên thực tế, tôi xem “lẽ ra” là một từ có hại và rất nguy hiểm. Tại sao ư? Bạn hãy nhớ lại những lần bạn dùng từ này khi đang nói hoặc tự nhủ mà xem. Hiếm có lần nào câu nói hoặc suy nghĩ đó giúp cho cuộc sống của bạn tươi sáng hơn. Khi chăm chăm vào điều mình “lẽ ra” nên làm, chúng ta đang nhìn lại quá khứ bằng thái độ hối hận. Chúng ta ám chỉ bản thân đã phạm sai lầm.
Tôi đã chứng kiến rất nhiều người mắc kẹt trong quá khứ, và mỗi khi gặp chuyện không hay là họ ngay lập tức bày tỏ sự hối tiếc: “Đáng lẽ tôi nên làm thế này hoặc thế kia”. Ngoài ra, chúng ta cũng thường áp lối tư duy này lên người khác qua những câu như “đáng lý anh nên làm như vầy” hoặc “lẽ ra cô không nên làm việc đó mà phải làm việc này”. Những cách này có bao giờ đưa đến kết quả tốt đẹp không? Không hề. Trái lại, nó thường khiến đối phương và cả chính ta thấy nhụt chí. Vậy thì suốt quá trình ra quyết định, bạn hãy luôn nhớ rằng từ “lẽ ra” hoàn toàn không có chỗ trong hành trình cuộc sống.
Thay vì bị cuốn vào vòng xoáy tiêu cực mà lối suy nghĩ “đáng lẽ nên thế này thế kia” tạo ra, chúng ta có thể trân trọng lựa chọn của mình vì nó bắt nguồn từ con người chân thực trong ta, và ta chọn cởi mở trước tất cả những khả năng mà quyết định mang lại. Khi làm được như vậy, chúng ta có sự chuẩn bị vững vàng hơn để đón nhận bất kỳ kết quả nào mà vũ trụ mang lại. Dù đó là gì, chúng ta sẽ luôn thấy vui vẻ hơn nhờ tư duy cơ hội.
Thông qua phương pháp Bốn chữ O, bạn sẽ được tự do vì đã:
• giải phóng bản thân khỏi nỗi sợ phạm sai lầm.
• giải phóng bản thân khỏi vòng lặp do dự.
• giải phóng bản thân khỏi hối tiếc vì đã quyết định sai.
Khi hiểu được những khái niệm này và nguồn động lực đằng sau chúng, bạn sẽ có thể tự tin đưa ra những lựa chọn hữu ích nhất cho mình.
THỬ NHỮNG GÓC NHÌN
Bây giờ chúng ta hãy thử áp dụng những khái niệm này vào một tình huống cụ thể. Bạn hãy tưởng tượng mình đang thử đeo những chiếc kính mát có tròng kính khác nhau, trong đó chiếc kính thứ nhất là kính chướng ngại còn chiếc thứ hai là kính cơ hội.
Giả sử bạn muốn giảm cân, nếu xem đây là một chướng ngại thì bạn sẽ cảm thấy như thế nào?
CHƯỚNG NGẠI: TÔI MUỐN GIẢM CÂN NHƯNG TÔI...
❊ không có thời gian tìm hiểu xem chế độ ăn phù hợp cho mình.
❊ không có tiền thuê huấn luyện viên hay chuyên gia dinh dưỡng.
❊ từng giảm cân không thành nên chắc chắn tôi không làm được đâu.
Bạn thấy không vui, đúng không? Đó là vì bạn đã tự dồn mình vào ngõ cụt bằng lối tư duy chướng ngại. Những lời khẳng định hay niềm tin kiểu này ngăn bạn nhìn thấy bất kỳ lối thoát nào.
Với tư duy chướng ngại, bạn sẽ đưa ra kiểu quyết định gì?
CHƯỚNG NGẠI: TÔI MUỐN GIẢM CÂN NHƯNG TÔI SẼ...
❊ không làm gì cả vì nó khó quá.
❊ than vãn suốt này về số cân đáng lẽ mình nên giảm.
❊ ước gì mình không rơi vào cảnh này.
❊ tự trách mình.
Bạn có thể nhận thấy, không có quyết định nào trên đây giúp bạn giảm cân. Tầm nhìn của chúng ta trở nên rất hạn hẹp khi ta nhìn nhận vấn đề bằng chiếc kính chướng ngại.
Giờ thì bạn thử nhìn nhận mong muốn giảm cân như một cơ hội. Đeo chiếc kính mới và xem xét sự khác biệt nào!
CƠ HỘI: TÔI MUỐN GIẢM CÂN NÊN TÔI...
❊ có thể xin lời khuyên của những người đã giảm cân thành công.
❊ có thể thử những hoạt động vận động không tốn phí mà mình có hứng thú.
❊ có thể tìm hiểu những thay đổi nhỏ nào mình có thể áp dụng vào thói quen hằng ngày.
❊ giữ tinh thần lạc quan.
Trái với góc nhìn chướng ngại hạn hẹp chỉ cho bạn nhìn thấy toàn khó khăn trắc trở, góc nhìn mới giúp mở ra trước mắt bạn cả bầu trời khả năng và cơ hội.
Bạn sẽ đưa ra kiểu quyết định nào khi xem xét mong muốn giảm cân thông qua chiếc kính này?
CƠ HỘI: TÔI MUỐN GIẢM CÂN NÊN TÔ SẼI...
❊ chỉ ăn trong khoảng thời gian từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối.
❊ ăn nhiều rau và trái cây hơn, đồng thời giảm bớt thức uống có đường.
❊ đi bộ mỗi ngày.
❊ nói về điều mình làm với những người bạn cũng đã giảm cân.
Giờ thì đến lượt bạn đấy. Đầu tiên, hãy viết ra một điều bạn muốn thay đổi. Có thể bạn muốn tháo gỡ một vấn đề, hoặc bạn muốn có điều gì đó nhiều hơn trong cuộc sống. Hãy viết ra bất kỳ mục tiêu nào bạn muốn đạt được:
Nếu chọn đeo chiếc kính chướng ngại, bạn có thể đưa ra quyết định gì?
Tiếp theo, hãy thử đeo chiếc kính cơ hội. Bạn cảm thấy như thế nào khi nhìn nhận vấn đề thông qua nó?
Trong trường hợp này, bạn có thể có quyết định gì?
Nếu bạn có thể dễ dàng trả lời các câu hỏi thì thật tuyệt. Nhưng nếu bạn thấy khó khăn thì cũng đừng lo lắng. Ở Phần II của quyển sách này, chúng ta sẽ đào sâu hơn và khám phá các Lực có thể đang giới hạn góc nhìn của bạn xung quanh chướng ngại và ngăn bạn nhìn thấy cơ hội. Chúng ta sẽ cùng loại bỏ tận gốc những thói quen tai hại đã bám rễ này, để đưa bạn vào trạng thái sẵn sàng đón nhận cơ hội.
HÃY TÌM SỰ GIÚP ĐỠ |
Ai trong chúng ta cũng đều cần một chút sự giúp đỡ để đưa ra những quyết định chân thực. Ở những phần tiếp theo, chúng ta sẽ bàn về cách xây dựng Nhóm Quyết định, một tập thể có mục đích là giúp bạn đưa ra những quyết định dựa trên Phiên bản Tốt đẹp nhất. Những người này sẽ hỗ trợ bạn hành động dù cho kết quả có ra sao đi nữa. Tôi sẽ hướng dẫn bạn cách tìm kiếm thành viên phù hợp cho Nhóm Quyết định của bạn – những người mà bạn biết mình có thể trông cậy khi cần được trợ giúp. |
TỪ CHƯỚNG NGẠI CHUYỂN THÀNH CƠ HỘI
Có lẽ suốt một thời gian dài, bạn đã luôn ước gì mình có thể thay đổi nhưng lại “không thể bởi vì _______ ”. Những gì được bạn nêu ra sau “bởi vì” chính là chướng ngại của bạn.
Tôi ước có một mối quan hệ viên mãn, nhưng tôi không thể bởi vì
Tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, nhưng tôi không thể bởi vì
Ước gì tôi kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng tôi không thể bởi vì .
Tôi sẽ đánh đổi bất cứ thứ gì để không còn thấy cô đơn nữa, nhưng tôi không thể bởi vì
Giá như tôi có sức khỏe dẻo dai, nhưng tôi không thể bởi vì
Tạm thời tôi chưa muốn bạn viết ra những lý do đằng sau “bởi vì”. Đúng là mục tiêu hiện tại của chúng ta là xác định xem chướng ngại gì đang ngăn cản bạn để bạn có thể bắt tay vào đối phó với nó. Nhưng cách làm này có một khuyết điểm, đó là nếu không tìm hiểu căn nguyên tại sao bạn xem đó là chướng ngại thì bạn sẽ không thể duy trì được sự thay đổi một cách lâu dài, và bạn sẽ lại đi vào vết xe đổ mà không hiểu sao mình cứ phạm cùng một sai lầm. Kiểu tư duy tìm vấn đề/ giải pháp này thực sự không hiệu quả – bằng không thì bạn đã áp dụng nó để sống tốt hơn rồi.
Chúng ta cần một cách tốt hơn. Chúng ta cần đào sâu và soi xét xem làm thế nào để mãi mãi loại bỏ lối tư duy chướng ngại và thay bằng lối tư duy cơ hội. Khi bạn có được những công cụ cần thiết để làm việc này, cả một thế giới mới sẽ mở ra trước bạn.
Vậy bước đầu tiên chúng ta cần làm là thay đổi cách ta nhìn nhận các vấn đề và chọn tìm kiếm cơ hội từ chúng. Thế làm như thế nào? Trước hết, bạn cần hiểu rằng mình chịu ảnh hưởng từ các Lực mạnh mẽ và vô hình. Lực này có thể che khuất tầm nhìn và khiến bạn chỉ có thể nhìn thấy chướng ngại nếu bạn không ý thức được nó. Tôi xin giải thích thêm như sau.
Nếu từng xem bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao (Star Wars), có lẽ bạn đã quen thuộc với khái niệm “Thần lực”. Thần lực là một trường năng lượng tâm linh kết nối các thiên hà với nhau, và một số sinh vật nhất định có khả năng khai thác và sử dụng nó vì mục đích tốt hoặc xấu. Luyện tập dùng Thần lực càng nhiều thì họ càng trở nên mạnh mẽ. Họ có thể dùng Thần lực để tác động vào tâm trí và sai khiến người khác làm theo ý mình (các Hiệp sĩ Jedi trong Star Wars có khả năng này), làm cho vật thể bay lên hoặc có sức mạnh tiên tri. Trong đời thực, xung quanh chúng ta cũng tồn tại các lực vô hình có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định của chúng ta. Thế nhưng tin vui là, cũng giống như những Hiệp sĩ Jedi, chúng ta có khả năng khai thác những lực này sao cho thật hữu ích.
Các phần sau của quyển sách này sẽ nói rõ hơn về Lực và cách khai thác chúng. Còn hiện tại thì tôi muốn bạn biết rằng, theo cách nào đó nhiều người trong chúng ta đã bị lừa phỉnh và tin những gì mình đang nhìn thấy là bức tranh toàn cảnh về cuộc đời mình. Trên thực tế, tầm nhìn của chúng ta bị giới hạn bởi khía cạnh tiêu cực của các Lực nên ta chỉ thấy chướng ngại mà không nhìn thấy cơ hội. Đây thường là nguyên nhân khiến chúng ta chưa thực hiện được những thay đổi tích cực.
Chúng ta đều cảm nhận được tác động từ Lực của người khác. Ví dụ, khi ở cạnh người bi quan hay tiêu cực, chúng ta thật sự cảm nhận được nguồn năng lượng đó toát ra từ họ. Họ có thể luôn “vượt trội” hơn người khác về hoàn cảnh khốn khổ của mình – họ thường nói: “Ôi, cậu nghĩ cậu như thế là khổ hả? Để tôi kể cho nghe chuyện tồi tệ gì đã xảy ra với tôi đây này!”. Chính quan niệm “ly nước vơi một nửa” cố hữu khiến họ dường như không thể nào thấy được điều gì tích cực trong cuộc sống. Nếu từng chứng kiến kiểu tương tác này, hẳn bạn biết năng lượng đó ảnh hưởng đến những người xung quanh nhiều đến mức nào – bầu không khí nhanh chóng trở nên ảm đạm và mọi người bỗng chốc nhụt chí. Vì năng lượng dễ lây lan nên bạn thậm chí có thể thấy lo lắng và buồn phiền hơn khi ở gần người tiêu cực.
Mặt khác, có lẽ bạn từng tiếp xúc với người tích cực biết tư duy phản biện – cũng có thể hiểu là người này có góc nhìn lạc quan nhưng không mù quáng. Với một người tràn đầy năng lượng tích cực, bất kể gặp phải điều gì trên đường đời họ luôn luôn có một khả năng kỳ diệu là tìm ra mặt tích cực của nó và xoay chuyển tình thế. Đó cũng là một dạng năng lượng rất mạnh mẽ. Bạn có thể nhận thấy mình luôn vui vẻ, yêu đời hơn sau khi tương tác với người tích cực. Những cuộc trò chuyện với họ thường diễn ra sôi nổi, truyền cho bạn cảm hứng cũng như động lực.
Cả hai ví dụ trên đều minh họa cho sức mạnh của Lực. Đây thật sự là một nguồn năng lượng ảnh hưởng đến cả người tạo ra nó lẫn những người xung quanh. Có lẽ từ trước đến giờ, bạn luôn cho rằng một số người bẩm sinh đã tiêu cực hoặc tích cực, nhưng thật ra tiêu cực hay tích cực đều là lựa chọn của chúng ta.
Con người sẽ thay đổi. Chúng ta có thể chọn bắt đầu lại và khai thác nguồn năng lượng tích cực. Quá trình thay đổi này chính là chuyển từ tư duy chướng ngại sang tư duy cơ hội. Khi một lối suy nghĩ đã bám rễ quá sâu trong đầu ta, bước đầu tiên ta cần làm là xác định và hiểu rõ lối suy nghĩ đó, nhổ tận gốc rồi lựa chọn một cách nghĩ mới. Đó là những gì chúng ta sẽ làm trong Phần II của quyển sách này khi bàn sâu hơn về Lực.
Còn đến lúc này, tôi muốn bạn ý thức được rằng tất cả chúng ta đều có khả năng thay đổi chiếc kính chướng ngại bằng chiếc kính cơ hội và sau đó đưa ra quyết định phù hợp. Đây là một bước đi sẽ làm thay đổi bức tranh toàn cảnh.