Khi vơ đũa cả nắm, chúng ta đang kết luận hoặc tuyên bố điều gì đó một cách chung chung thay vì giải thích dựa vào bằng chứng có sẵn. Lực này có thể tác động đến cách chúng ta tư duy về cuộc sống, thậm chí là về bản thân và năng lực của chính mình. Lối tư duy này không xuất phát từ Phiên bản Tốt đẹp nhất vì nó khiến tầm nhìn của ta trở nên hạn hẹp và dẫn ta đến những quyết định không hữu ích cho bản thân.
Trong hai hình vẽ ở phần đầu chương này, bạn nhìn thấy một người nhắm mắt và một người mở mắt. Hình vẽ người nhắm mắt minh họa cho ý tưởng tư duy hạn hẹp, tức là khi chúng ta không chịu xem xét bức tranh toàn cảnh. Ta tin mình đã có tất cả thông tin cần thiết. Ngược lại, hình vẽ người mở mắt mang ý nghĩa rằng khi mở to mắt, chúng ta sẽ thấy được đầy đủ bức tranh, từ đó đưa ra quyết định chân thực.
Ví dụ dễ hiểu nhất về vơ đũa cả nắm là thành viên của các đảng đối lập thường dán nhãn cho nhau. Ví dụ, một thành viên “trung thành” của Đảng Dân chủ có thể gọi thành viên Đảng Cộng hòa toàn là “những kẻ kỳ thị người đồng tính và phá hoại môi trường”. Có lẽ thành kiến của người này bắt nguồn từ hành động hay lời nói của một chính trị gia nào đó của Đảng Cộng hòa, nhưng việc dán nhãn tất cả thành viên Đảng Cộng hòa đều như thế là không đúng.
Liều thuốc giải cho căn bệnh vơ đũa cả nắm là tư duy khách quan. Khi có cái nhìn khách quan, chúng ta không khái quát hóa điều gì đó và cũng không dựa trên những niềm tin cố hữu hoặc niềm tin phổ biến. Chúng ta nhìn nhận chướng ngại đúng với bản chất của nó hơn là áp đặt lối suy nghĩ không logic. Đặc biệt khi chúng ta tự nhìn nhận bản thân, tư duy khách quan giúp ta dễ dàng đưa ra các đánh giá chân thực.
Một trong những tình huống mà chúng ta dễ bị tác động nhất bởi Lực tiêu cực chính là khi ta đối mặt với điều mới lạ. Chẳng hạn như lần đầu đảm nhận một công việc mới, bạn muốn thể hiện Phiên bản Tốt đẹp nhất, muốn được đồng nghiệp và cấp trên yêu thích và muốn chinh phục vị trí này. Nhưng nếu gặp điều không như kỳ vọng – có người dường như không thích bạn hoặc bạn phạm lỗi trong một nhiệm vụ nào đó – có thể bạn bắt đầu nghĩ mình không giỏi hoặc không hợp với công việc này. Đó chính là vơ đũa cả nắm: Chúng ta phán xét bản thân hoặc toàn bộ trải nghiệm chỉ dựa vào một sự kiện riêng lẻ. Hãy thử tưởng tượng nếu chúng ta đánh giá mọi công việc dựa vào vài sự cố thì có lẽ chúng ta chẳng bao giờ đảm nhiệm được bất kỳ vị trí nào quá vài ngày!
Trong quá trình khai vấn, tôi phát hiện nhiều phụ huynh có xu hướng nhận xét thái quá về bản thân và khả năng nuôi dạy con của mình. Một đồng nghiệp của tôi tên Kelly tâm sự rằng: “Tôi tham khảo các sách hướng dẫn dạy con và thường xuyên đọc những bài nghiên cứu mới nhất. Một trong những điều tôi rút ra được là cha mẹ nên tránh la mắng con cái vì điều này rất tai hại. Nhưng rốt cuộc tôi lại tạo ra quá nhiều áp lực cho mình, đến mức có lúc tôi cảm thấy không thở nổi. Thật sự tôi không muốn trở thành một bà mẹ luôn la hét, mắng mỏ vì những chuyện cỏn con. Nhưng nếu tôi trải qua một ngày làm việc liên tục ở công ty hoặc mệt nhoài vì lý do gì đó, và con trai tôi cứ quấy phá không chịu đánh răng hoặc không ngừng mè nheo thì tôi không kiềm chế được nữa, tôi nổi cơn tam bành, la hét và ra lệnh cho con. Lúc đó tôi hiểu rất rõ mình cần giữ bình tĩnh nhưng một khi đã hoàn toàn chìm trong cơn giận dữ thì quả thật rất khó dừng lại”.
Trước khi cô kịp kể tiếp, tôi hỏi: “Chị thường la hét như thế nào?”.
Kelly thở dài đáp: “Có chắc là anh muốn nghe không?”. Tôi gật đầu. “Tôi thường la hét thế này”, cô vừa nhắm mắt lại vừa hít một hơi sâu. Khi cô mở mắt ra và bắt đầu giả vờ đang la mắng con trai, đôi mắt cô trông thật dữ tợn: “Matthew Stephen Jones, mẹ thề là nếu con bây giờ không ngừng quấy phá và nghe lời mẹ thì con đừng hòng xem tivi! Cấm một tuần!”.
Tôi mỉm cười ngạc nhiên: “Có vẻ căng thẳng nhỉ?”.
Cô gạt đi lời nhận xét và nói: “Đó chưa là gì đâu. Anh không biết đó thôi. Tôi vô cùng hổ thẹn vì đã không kiềm chế được bản thân. Giống như tôi để cho cơn giận, cảm giác ức chế và kiệt sức thao túng mình rồi xả hết ra như núi lửa phun trào. Thật tồi tệ!”.
“Vậy khi đã tìm hiểu sự thật và ngẫm lại những việc này, chị cảm thấy thế nào?”
“Chuyện là, suốt một thời gian dài, tôi đã phán xét bản thân một cách hà khắc và dần tin mình là người mẹ tồi tệ nhất trái đất. Nhưng tôi cũng nhận ra rằng càng tự nhủ như vậy, tôi càng thường xuyên la mắng con trai hơn. Một cái vòng luẩn quẩn đáng sợ. Để cải thiện tình hình, tôi bắt đầu so sánh số lần tôi mắng con với số lần hai mẹ con vui vẻ bên nhau. Khi lùi lại và nhìn nhận mọi chuyện một cách khách quan, tôi phát hiện trong đa số trường hợp tôi đã cư xử như một người mẹ ‘tốt’. Tôi ở bên hỗ trợ con khi con cần và thường bình tĩnh, động viên, quan tâm con. Mẹ con tôi rất gắn bó và yêu thương nhau. Hiểu biết mới này giúp tôi thấy bớt áp lực hơn. Nhờ gỡ bỏ nhãn dán ‘mẹ tồi tệ’, tôi nhận thấy những lúc mọi thứ rối tung hoặc con trai gặp vấn đề thì tôi dễ dàng giữ bình tĩnh hơn và cùng con vượt qua thử thách”.
Tôi gật đầu rồi nói thêm: “Vậy là trước giờ chị đã vơ đũa cả nắm khi dựa vào một vài lần la mắng con để đánh giá khả năng làm mẹ của mình. Để ngừng làm như vậy, chị áp dụng lối tư duy khách quan để đánh giá chính xác hơn. Chị thấy đúng không?”.
Kelly cười: “Đúng rồi! Cách này có hiệu quả. Tôi biết mình đang làm tốt nhất có thể và cố gắng luôn khách quan nhất có thể. Tuy không dễ nhưng phương pháp này rất hữu ích”.
Cô bạn của tôi đã khám phá ra cách phá vỡ thói quen vơ đũa cả nắm và quay về với sự chân thực: Suy nghĩ khách quan. Cô hiểu rằng Phiên bản Tốt đẹp nhất của cô không bao giờ xem cô là người mẹ tồi tệ.
Khi đứng ở góc nhìn khách quan, chúng ta có thể xem xét toàn bộ bối cảnh; còn khi chia nhỏ sự việc, chúng ta chỉ tập trung vào vài khoảnh khắc nhất định hoặc sự kiện quá khứ. Nhờ có cái nhìn bao quát, bạn có khả năng đưa ra đánh giá chính xác hơn.
VÒNG LUẨN QUẨN CỦA NIỀM TIN TIÊU CỰC
Tôi xin chia sẻ cuộc trò chuyện của tôi và chị đồng nghiệp tên Eva trong một buổi khai vấn để chứng minh rằng bạn có thể thay đổi nhanh chóng đến mức nào nếu khai thác Lực “suy nghĩ khách quan”.
Khi Eva đến nhà tôi, tôi đã rất sốc khi nhìn thấy bộ dạng của chị. Nỗi buồn trong đôi mắt chị như chực trào. Từ chị toát ra một nguồn năng lượng nặng nề như thể nó đang kéo ghì chị xuống khiến chị phải cố gắng lắm mới lê được từng bước. Vì đã quen Eva nhiều năm nên tôi biết đó không phải là bộ dạng lúc bình thường của chị. Sau đây là cuộc đối thoại của chúng tôi.
“Tôi nghĩ anh biết một trong những sứ mệnh của tôi là giúp đỡ người khác. Tôi đồng sáng lập một tổ chức hỗ trợ người mắc bệnh tâm lý và đó là mối quan tâm hàng đầu của tôi.”
Tôi gật đầu ngay và nói: “Đúng vậy. Chị thật sự đã có những cống hiến quý báu cho cuộc đời”. Chị Eva làm việc rất chăm chỉ và được cả cộng đồng những người đang cai nghiện lẫn gia đình họ công nhận là người có tấm lòng cao thượng.
“Chị có nhiều con đúng không?”, tôi hỏi.
Chị trông rạng rỡ hẳn lên khi nghe nhắc đến các con: “Tôi là mẹ đơn thân và các con tôi đều đã lớn. Con cả ba mươi mốt tuổi. Đứa thứ hai kém anh nó một tuổi. Đứa con gái thứ ba năm nay hai mươi bảy tuổi, còn đứa út thì hai mươi”.
“Vậy là chị có bốn người con! Chị đã cai nghiện được bao lâu rồi?”
“Cũng được mười chín năm rồi. Trước đây, tôi nghiện rượu, ma túy và còn hút cần sa – gần như bất kỳ thứ gì có thể khiến tôi thấy đê mê.”
“À, tôi cũng nhớ chị từng nói các con chị cùng mẹ khác cha?”
Chị Eva ngay lập tức cúi gằm mặt xuống. Sau khoảng lặng dường như để lấy can đảm, chị kể: “Đúng vậy. Đó là một phần của câu chuyện đời tôi. Cả bốn đứa đều khác cha. Trong lúc mang thai tôi, mẹ tôi bị lao phổi. Bệnh này dễ lây từ mẹ sang thai nhi và lúc đó mới có thuốc chữa nên sau khi chào đời thì tôi liền được đưa vào bệnh viện nhi và ở đấy suốt một năm. Hồi đó người ta làm như vậy mà. Thế là tôi bị tách khỏi mẹ từ lúc mới lọt lòng, phải sống trong khu chăm sóc vô trùng và không hề được tiếp xúc với mẹ trong nhiều tháng trời. Cho đến năm ba mươi tuổi, tôi mới nhận ra sự thiếu thốn tương tác giữa người với người đó đã khiến tôi mắc chứng rối loạn gắn bó và không bao giờ cảm thấy gần gũi với ai, kể cả với mẹ”.
Tôi biết chị Eva đã kể câu chuyện này trước đây, và đó là mảnh ghép quan trọng trong quá khứ mà chị cần rất nhiều can đảm để có thể kể lại. Chị tiếp tục: “Rồi khi trưởng thành, tôi né tránh bất kỳ mối quan hệ thân mật nào. Trên thực tế, một trong những người chồng cũ của tôi bị tâm thần phân liệt. Một người khác thì vô cùng bạo lực và suýt giết chết tôi. Một người nữa thì...”, chị chậm lại, hít thật sâu và kể tiếp: “hóa ra đang dẫn dắt một trong các đường dây hình ảnh khiêu dâm trẻ em lớn nhất nước Mỹ. Vậy mà ngày nào tôi cũng tin tưởng giao con cho hắn ta chăm sóc. Đó là nỗi hối hận lớn nhất đời của tôi. Sau đó, tôi còn phát hiện hắn từng tấn công tình dục con trai tôi. Giờ thì hắn đã đi tù. Chuyện xảy ra quá sức kinh khủng. Truyền thông khắp nơi đưa tin về chúng tôi. Thật tồi tệ”.
Tôi chuyển hướng cuộc nói chuyện một chút: “Ắt hẳn chị còn trẻ lúc sinh đứa con đầu lòng. Khi ấy chị bao nhiêu tuổi vậy?”.
“Tôi sinh đứa đầu tiên vào năm hai mươi tuổi, một năm sau thì có đứa thứ hai.”
“Trong khoảng thời gian đó, tinh thần chị có tỉnh táo không?”, tôi hỏi.
“Có thể nói lúc ấy tôi không hoàn toàn minh mẫn. Khi đó thứ tôi nghiện không phải là chất kích thích mà nghiện cảm giác quen một ai đó, tôi khao khát tìm được người yêu thương và quan tâm đến mình. Vốn là người Mexico nên tôi luôn nghĩ điều đó là bình thường.”
“Còn người cha của cậu con trai út thì sao?”
“Tôi gặp anh ta vào lúc tinh thần tôi vẫn tỉnh táo. Khi bắt đầu quen nhau, tôi chỉ mới cai nghiện thành công chứ chưa tháo gỡ được vấn đề tâm lý. Dù vậy tôi vẫn đồng ý lấy anh ta. Hai chúng tôi kết hôn, mua nhà, rồi tôi mang thai và ngỡ như mình có mọi thứ. Ấy vậy mà ngay sau đó tôi phát hiện chuyện anh ta ngoại tình và tất cả những mối quan hệ vụng trộm của anh ta. Tôi chấm dứt cuộc hôn nhân này và tiếp nhận trị liệu. Ơn trời! Tôi được gặp gỡ những người thật sự giúp đỡ tôi. Tôi trải qua nhiều đợt trị liệu và tập yêu thương đứa trẻ bên trong mình. Tôi làm lành với quá khứ, đặc biệt là với chấn thương tâm lý lúc mới chào đời. Cuối cùng tôi đã hiểu điều gì thúc đẩy những quyết định của mình”. Chỉ đang kể về những điều mình đã làm được trong quá trình trị liệu mà chị Eva dường như đã lấy lại tinh thần. Trông chị bớt kích động, lấy lại bình tĩnh và hít thở sâu hơn.
“Cảm ơn chị đã kể câu chuyện này với tôi. Chị sợ nhất điều gì?”, tôi hỏi.
“Tôi sợ mình sẽ cô độc, nghèo khổ và hối hận vì không có được mọi điều mình ao ước.”
“Chị có những suy nghĩ này từ bao lâu rồi?”
“Dù lúc ẩn lúc hiện nhưng những nỗi sợ này đã ám ảnh tôi cả đời”, chị Eva thừa nhận.
“Chị có nhớ mình từng sợ như vậy hồi còn nhỏ không?”
“Có. Thỉnh thoảng khi thấy sợ, tôi nhìn người cha đang say khướt của mình, và thế là tôi lại càng sợ hãi và bất an vì nghĩ mình sẽ không có ai bên cạnh. Anh hiểu ý tôi không?”
“Tôi hiểu. Chúng ta sẽ gọi đó là Ông Kẹ của chị, nhân vật hư cấu mà chúng ta tin là có thật và đeo mang đến tuổi trưởng thành. Chúng ta cảm thấy dưới gầm giường thật sự có thứ gì đó và bắt đầu tìm kiếm dấu hiệu chứng minh sự tồn tại của nó. Một số sự việc có thể khơi dậy cảm giác sợ hãi trong ta. Ông Kẹ của chị là nỗi sợ cô độc và phải hối hận.”
Đôi mắt chị đẫm lệ và chị khẽ nói: “Đúng vậy”.
“Rồi, bây giờ kế hoạch của chúng ta là thế này. Có các nguồn năng lượng mà tôi gọi là Lực và chúng thúc đẩy quyết định của chúng ta. Lực đại diện cho cách chúng ta nhìn nhận các tình huống xảy ra vì lý do nào đó. Một trong những Lực này xuất phát từ kiểu suy nghĩ vơ đũa cả nắm, và tôi cho rằng trước nay chị đã luôn suy nghĩ theo kiểu như vậy.”
Chị Eva gật đầu và bắt chỉnh lại tư thế ngồi.
“Chị có nhận ra mục tiêu của chúng ta là gì chưa?”, tôi mỉm cười hỏi.
“Tôi nghĩ là có.”
“Ok. Chúng ta hãy nói về niềm tin và cũng là nỗi sợ cô độc của chị. Chị nghĩ do đâu mà chị lại sợ như vậy?”
Chị Eva nôn nóng trả lời ngay: “Cả bốn mối quan hệ tình cảm của tôi đều kết thúc trong thảm họa. Nói thẳng ra, tôi sống sót được đến giờ là may lắm rồi”.
“Ý nghĩa của vơ đũa cả nắm tức là ta phán xét bản thân dựa trên một số sự kiện nào đó. Vậy chị có nghĩ chị đang vơ đũa cả nắm khi nhận định về những mối quan hệ của mình không?”
“Ừm, tôi nghĩ bây giờ tôi thật sự sợ quen một ai đó.”
“Nhưng chị có muốn yêu đương không?”
“Lúc có, lúc không. Tôi không biết cách chọn đàn ông. Tôi không có mắt nhìn người”, chị nói.
“Chị có muốn nhìn người giỏi hơn không?”. “Có chứ!”
“Người mà chị chọn lúc tinh thần tỉnh táo có tốt hơn những người khác không?”
“Anh ta đỡ hơn một chút.”
“Nhưng khi nghĩ về việc hẹn hò, chị có tự nhủ những điều như ‘Ôi, mối tình này rồi cũng làm mình tan nát cõi lòng như những mối tình trước mà thôi’ không?”
“Có, tôi sẽ nghĩ vậy. Mọi người bảo tôi nên thử tìm bạn trai trên ứng dụng hẹn hò nhưng tôi nghĩ có khi mình lại dính phải kẻ giết người hàng loạt không chừng”, chị bật cười thành tiếng, nhưng giọng nói của chị không có vẻ gì là đùa giỡn.
“Khi xem việc ở một mình là một chướng ngại và cho rằng tất cả những người chị quen luôn tồi tệ, chị đang tư duy theo kiểu được ăn cả, ngã về không. Chị có nghĩ vậy không?”
“Có”, chị Eva vừa nói vừa cố kìm nước mắt.
“Vậy bây giờ chúng ta hãy cố gắng xem việc ở một mình là một cơ hội. Lúc này, chị có thể nghĩ đến những sự thật nào?”
“Tôi đã trải qua nhiều mối quan hệ. Tôi đã cai nghiện và phục hồi. Tôi đã dành rất nhiều thời gian cho bản thân và làm bạn với chính mình. Tôi đã kinh doanh và cũng thành công. Nhưng rồi tôi lại phải đối diện với chuyện đó”, chị cười to.
“Chuyện ở một mình?”, tôi hỏi. Chị gật đầu.
“Chị nghĩ mình có thể làm gì để không phải ở một mình?”.
Chị nghĩ ngợi rồi trả lời: “Tôi có thể hẹn hò?”.
“Đúng vậy, chị có thể hẹn hò và xem xét nó theo hướng khác đi”, tôi nói.
Không hề do dự, chị nói: “Nhưng nếu tôi không bao giờ tìm được đúng người thì sao?”.
“Tôi độc thân. Ai đó có thể nhìn tôi và thắc mắc tại sao tôi độc thân, tại sao suốt mười năm qua mà tôi không quen ai, sao tôi không chịu thành gia lập thất. Nhưng chúng ta không thể điều khiển tình cảm của người khác dành cho mình, và ngược lại ta cũng không thể ngăn được tình cảm của mình dành cho ai đó”. Ngừng một lúc, tôi nói tiếp: “Và tôi nghĩ vấn đề của chị nằm ở câu chuyện chị đang kể với bản thân: Rằng chị, theo cách nào đó, là một kẻ thất bại. Chị thấy mình rất dở trong việc nhìn người. Chị sợ hãi vì không biết điều gì là tốt nhất đối với mình. Chị thấy đúng không?”.
“Đúng vậy”. Nước mắt chị Eva rơi lã chã.
“Chính câu chuyện ‘xấu xí’ này đã góp phần khiến chị nhìn nhận tất cả các mối quan hệ của mình là chướng ngại và tiêu cực, chị tin mình không đủ tốt và không biết cách giải quyết. Chị sợ mình sẽ ở một mình, nhưng... chị đang ở một mình và hoàn toàn ổn kia mà. Không phải sao?”
“Ừ, nhưng tôi luôn giữ cho mình bận rộn để không nghĩ về việc này”, chị cười trong làn nước mắt.
“Lúc nãy chị có đề cập đến những điều chị ao ước. Ước mơ của chị là gì? Ý tôi là, tôi thấy chị có bốn người con tài hoa, khỏe mạnh và sáng tạo.”
“Tôi rất thích ở bên các con, chúng rất có tài. Tôi thích xem những chương trình của chúng để nhìn thấy chúng thành công và để xác nhận rằng mẹ con tôi đã vượt qua tất cả những nghịch cảnh. Không có nhiều người làm được như vậy khi ở trong hoàn cảnh giống chúng tôi.”
“Đó là con người thật của chị, người đã chiến thắng nghịch cảnh, biết học hỏi và trở nên khôn ngoan hơn. Vậy chị hối tiếc điều gì?”
“Tôi nghĩ mình hối tiếc về bản thân. Tôi hối tiếc khi ở một mình, khi nghĩ đến tương lai và thấy không có ai bên cạnh. Tôi không muốn trở thành bà lão sống cô độc. Chỉ nghĩ thôi đã thấy sợ. Ý tôi là vậy.”
“Nhưng chị đã vượt qua được nhiều chuyện. Hôn nhân trắc trở và gặp phải nhiều tình huống éo le, thế mà chị vẫn vượt qua và có công việc kinh doanh phát đạt. Vì vậy chúng ta biết rõ là chị có khả năng làm được mọi việc một mình.”
“Tôi không chắc mình có khả năng tìm được người tốt hay không.”
“Chị lại đang vơ đũa cả nắm rồi. Chị đang tự nhủ bởi vì trước đây quen lầm người nên mình sẽ không bao giờ quen được người tốt. Nếu chị suy nghĩ khách quan hơn thì sao? Bằng cách này, chị không chăm chăm vào nỗi sợ đi vào vết xe đổ và bắt đầu thấy mình thật sự có khả năng chọn được người tốt hoặc mình vẫn ổn với cuộc sống độc thân. Nhờ vậy, chị mở lòng đón nhận các khả năng và cơ hội hơn. Chị từng quen những người tồi tệ ư? Ai trong chúng ta cũng có lúc phạm sai lầm, nhưng điều đó không có nghĩa chị sẽ luôn phạm sai lầm. Văn hóa truyền thống tin rằng chúng ta cần kết hôn và tìm ‘định mệnh của đời mình’. Nhưng sự thật là không phải ai cũng cần làm thế!”
Quả thật là các số liệu thống kê cũng ủng hộ ý kiến này của tôi khi cho thấy tỉ lệ số cặp đôi ly hôn ngày nay là năm mươi phần trăm. Hôn nhân không phải tấm vé đảm bảo cho tình yêu bền vững.
Chị Eva nói: “Anh nói có lý. Tôi thật sự muốn kể một câu chuyện khác về đời mình. Tôi đã rất nỗ lực thay đổi tất cả những mặt tiêu cực của mình bằng trị liệu và mọi cách có thể. Nhưng đôi khi tôi thấy chán nản vì chúng vẫn còn trong tôi”.
“Ý chị là những niềm tin tiêu cực về bản thân?”
“Đúng vậy. Tôi biết chúng đang cản trở tôi. Nỗi sợ cứ chắn đường tôi. Tôi không muốn sợ hãi nữa. Tôi biết mình quan trọng và mình có giá trị. Chỉ là tôi quên mất những điều đó.”
“Hôm nay chị có thể đưa ra quyết định gì để luôn nhớ rằng mình xứng đáng và mình có khả năng?”
Suy nghĩ giây lát, chị trả lời: “Tôi nghĩ mình cần kết nối lại với những người bạn đích thực, những người mà tôi tin tưởng họ và họ cũng tin tưởng tôi”.
“Ý hay. Vậy bước đầu là chị cần cải thiện các mối quan hệ xã hội để tạo một nhóm người giúp nhắc chị nhớ mình tuyệt vời như thế nào. Chị có thể làm vậy bằng cách nào?”
“Tôi sẽ lên lịch và dành thời gian để kết nối với bạn bè”, chị nói chắc nịch.
“Hôm nay sau khi về nhà, chị có thể làm sao để cảm thấy tự tin? Chị cần có hành động gì để xóa bỏ niềm tin ‘Mình sẽ sống cuộc đời cô độc, nghèo túng và đầy hối tiếc’?”
“Tôi sẽ gặp gỡ nhiều người hơn. Hôm nay, tôi có thể gọi điện cho một vài người bạn.”
“Tốt. Vậy là chị quyết tâm cải thiện đời sống xã hội của mình. Còn đối với chuyện hẹn hò, chị có cảm thấy tốt hơn là nên tạm dừng làm chuyện gì đó không?”
“Ừ, hiện tại tôi không định hẹn hò. Tôi muốn củng cố các mối quan hệ, tập trung chăm sóc bản thân. Sau đó, tôi sẽ có tâm thế thích hợp hơn để nghĩ đến chuyện yêu đương.”
“Hay lắm. Chị sẵn sàng cho những bước tiếp theo chưa?”
“Có! Tôi rất sẵn sàng”, chị tự tin nói.
Sau buổi trò chuyện, ánh mắt của chị Eva lấp lánh niềm vui và chị trông nhẹ nhõm hẳn. Chị đã tạo đột phá bằng cách thay đổi quan điểm, từ việc cảm thấy thất bại, bi quan và tương lai mờ mịt vì chỉ thấy chướng ngại chuyển sang mở lòng hơn, cảm thấy tự tin và phấn chấn khi nhìn thấy các cơ hội. Đặc biệt, chị bắt đầu nhận ra cách suy nghĩ vơ đũa cả nắm của mình về những mối quan hệ thân mật. Nhận thức được việc này, chị thay đổi và chọn cách suy nghĩ khách quan và hiểu rằng quá khứ không quyết định tương lai. Chị đã thoát khỏi nhà tù tư duy chướng ngại mà nỗi sợ cô độc xây nên.
Chị Eva đã khích lệ bản thân và ngay lập tức xây dựng quanh mình một nhóm bạn giúp chị duy trì thái độ khách quan. Chị lập một nhóm những người sẽ truyền động lực và cảm hứng cho chị, và quan trọng là họ hỗ trợ chị ra quyết định từ Phiên bản Tốt đẹp nhất. Và bạn biết không? Lần gần đây nhất chúng tôi gặp nhau, chị Eva nói mình không cần hẹn hò ai cả. “Nếu tôi trở thành bà lão sống một mình thì đã sao nào? Tôi chỉ cần rủ bạn bè đến nhà chơi là được!”. Chị không còn suy nghĩ cực đoan rằng mình “không có mắt nhìn người” nên chắc chắn sẽ cô độc đến già. Giờ đây chị nhìn nhận sự việc một cách khách quan và hiểu mình hoàn toàn có khả năng chọn được người tốt, chỉ là chị không cần hẹn hò ai lúc này!
Tôi muốn nhắc lại: Chúng ta không cần mất nhiều năm trị liệu để có được sự thay đổi này. Bạn chỉ cần thay đổi góc nhìn và đưa ra những quyết định hướng bạn đến cuộc sống tốt đẹp hơn.
SUY NGHĨ KHÁCH QUAN
Chúng ta suy nghĩ khách quan khi mở to mắt và nhìn nhận con người hoặc tình huống ở tất cả các khía cạnh thay vì để cho định kiến dẫn dắt suy nghĩ của mình. Về cơ bản, tư duy phản biện cũng đồng nghĩa với suy nghĩ hay tư duy khách quan – nó có nghĩa là ta nhận ra mình không biết gì và khắc phục thiếu sót đó.
Suy nghĩ khách quan giúp ta nuôi dưỡng trí tò mò, chấm dứt thói quen giả định và được tự do nảy ra những ý tưởng mới mẻ, đồng thời tiếp thu những hệ thống niềm tin khác. Suy nghĩ khách quan là nguồn gốc của sự tiến bộ. Tôi cũng tin là nó giúp chúng ta đồng cảm hơn và có nhiều lòng trắc ẩn hơn dành cho bản thân và những người khác.
Vơ đũa cả nắm • Kết luận dựa trên một biến cố riêng biệt. • Dán nhãn một tập thể chỉ vì một tương tác nào đó với họ hoặc hành vi của một cá nhân trong tập thể. • Dán nhãn chính mình sau khi một sự việc xảy ra. |
Suy nghĩ khách quan • Cân nhắc tất cả các khía cạnh của các sự vật, sự việc chứ không chỉ dựa trên một biến cố. • Có sự tò mò và linh hoạt. • Khám phá những niềm tin khác, trân trọng ý tưởng mới và tiếp thu cách suy nghĩ mới. • Thể hiện sự đồng cảm và lòng trắc ẩn; có thể hiểu được góc nhìn của người khác. |
THÓI QUEN VƠ ĐŨA CẢ NẮM TRONG XÃ HỘI |
Mặc dù chương này tập trung bàn về những cách mà vơ đũa cả nắm có thể khiến bạn chệch hướng khỏi mục tiêu tái tạo, phát triển hay xoay chuyển cuộc đời mình, nhưng tôi cũng muốn cung cấp cho bạn cái nhìn sơ lược về cách thể hiện của lối suy nghĩ này trong xã hội nói chung. Tôi thường dắt cô chó Vida Maria của mình đi dạo. Khi đi dạo vào buổi tối, hai chúng tôi bắt gặp khá nhiều người vô gia cư. Một số người có vẻ mắc phải các chứng bệnh tâm thần. Có những người kể với tôi họ bị đuổi ra khỏi nhà, một số thì nghiện ngập và số khác thì không. Mỗi người đều có một mảnh đời riêng, không câu chuyện nào giống nhau hoàn toàn. Nhiều người vô gia cư nói chuyện với tôi là những người tử tế. Họ hỏi thăm sức khỏe tôi, vuốt ve Vida và nói những điều như “Chúa phù hộ cho anh” và “Cảm ơn anh đã nói chuyện với tôi thay vì vờ như không thấy tôi”. Và cũng có một người đàn ông hoàn toàn khác. Ông ta từng cố nhổ nước bọt vào người tôi và thường dùng những từ ngữ thô tục để gọi tôi và người khác. Tôi gọi ông ấy là Dave. Tôi nghe hàng xóm nói họ cũng có những chuyện khó chịu với Dave. Thậm chí chủ cửa tiệm cắt tóc còn kể rằng Dave đã đứng trước cửa tiệm và kéo quần xuống, làm nhiều khách hàng trong tiệm hoảng hốt. Xin nhắc lại, hành vi của Dave không đại diện cho tất cả những người vô gia cư tại nơi tôi sinh sống hay trong toàn xã hội nói chung. Vì tò mò muốn biết hàng xóm nghĩ gì về những người vô gia cư nên tôi đã tự làm một cuộc thăm dò ý kiến nhỏ và không chính thức. Kết quả là đa số cư dân không quá bận tâm về người vô gia cư, họ còn cảm thấy động lòng trắc ẩn và ước mình có thể giúp gì đó. Thế nhưng có một người lập tức cau có ngay khi nghe tôi hỏi và cay nghiệt trả lời: “Anh có biết hôm nọ cái tên đầu đường xó chợ kia đã làm gì không? Hắn ta đã cởi truồng trước mặt nhiều người. Thật biến thái. Những kẻ vô gia cư đơn giản là rất tồi tệ. Bọn họ là những con sâu làm rầu nồi canh, chuyên phạm pháp và làm giảm giá trị mặt bằng khu dân cư. Cảnh sát nên bắt hết bọn chúng để khu phố được sạch sẽ”. Rõ ràng người này có quyền đưa ra ý kiến của mình, tôi chỉ muốn chia sẻ ở đây vì nó là ví dụ điển hình cho lối suy nghĩ vơ đũa cả nắm. Hành vi của Dave có không phù hợp và trái pháp luật không? Tất nhiên là có. Thế nhưng chỉ dựa vào hành vi của một người mà nói nó đại diện cho toàn thể thì có hợp lý và công bằng không? Tuyệt đối không! Sẽ rất nguy hiểm và phi đạo đức khi chúng ta vơ đũa cả nắm về một tập thể nào đó. Chúng ta phải chú ý đến nhận thức của mình và đảm bảo không phán xét cả một nhóm người dựa trên một cá nhân hay một trải nghiệm riêng lẻ. Tôi chắc chắn bạn có thể nhận thấy nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và tất cả những vấn nạn về định kiến khác đều bắt nguồn từ thói vơ đũa cả nắm. Và đó là lý do chúng ta phải thật thận trọng đối với lối suy nghĩ này. |
CHÚNG TA ĐÃ BỊ BỘ NÃO ĐÁNH LỪA
Đôi khi lối suy nghĩ vơ đũa cả nắm có vẻ như một phản xạ tự nhiên, việc này là do bộ não của chúng ta đã thiết lập một con đường tắt cho xu hướng này. Như chúng ta đều biết, không phải vấn đề nào nảy sinh trong cuộc sống cũng cho ta thời gian để tính toán kỹ lưỡng cách xử trí. Rất nhiều lần, ta cần có những quyết định chớp nhoáng rồi thực hiện theo đó – và não bộ được lập trình để giảm bớt sự phức tạp bằng cách tạo ra các đường tắt trong suy nghĩ.
Một trong những con đường tắt này có liên quan đến việc trình bày: Chúng ta phớt lờ những con số thống kê và chỉ nhận xét hay kết luận dựa trên các ví dụ hay hình mẫu mà tâm trí tự xây dựng nên. Chúng ta có thể so sánh tình huống hiện tại với một tình huống điển hình mà mình có thể nghĩ đến. Ví dụ, nếu đang cân nhắc xem một người nào đó có đáng tin hay không, bạn có thể so sánh những đặc điểm của người này với một người mà bạn quen biết. Khi thấy một bà lão có dáng vẻ ngoài giống với bà của bạn (cũng trạc tuổi, giống cách ăn vận hoặc kiểu tóc), bạn sẽ tự động cho rằng bà lão ấy cũng giống bà của mình ở những đặc điểm khác – như tính tình tốt bụng, dịu dàng và đáng tin cậy.
Một lối đi tắt thông thường khác chính là chúng ta đưa ra quyết định dựa trên trí nhớ. Khi cần lựa chọn điều gì đó, ta có thể nhớ lại những ví dụ có liên quan mà mình biết hoặc từng trải qua. Tùy vào việc nhanh chóng nhớ ra ví dụ nào, ta có thể tin rằng ví dụ đó phổ biến hơn. Chẳng hạn như bạn đang lên kế hoạch cho một chuyến đi và chưa biết nên đi máy bay hay đi xe, nếu đột nhiên nghĩ về các vụ tai nạn máy bay trong thời gian gần đây thì bạn có thể kết luận đi máy bay quá nguy hiểm và chọn di chuyển bằng xe hơi. Nhưng thực tế là xác suất xảy ra tai nạn xe hơi thường cao hơn tai nạn máy bay, cho nên trong trường hợp này, lối đi tắt thật ra đã khiến bạn chệch hướng.
Về cơ bản, chúng ta thường mù quáng tin vào lối suy nghĩ tắt này và thậm chí lầm tưởng đó là lời trực giác mách bảo. Ta cần ý thức được khi nào tâm trí mình đang đi lối tắt để kiểm tra xem suy nghĩ đó có hợp lý hay không trước khi chọn tin tưởng.
VƠ ĐŨA CẢ NẮM HAY SUY NGHĨ KHÁCH QUAN?
Bạn hãy xem qua bảng bên dưới để biết thêm một số ví dụ về cách nghĩ vơ đũa cả nắm và suy nghĩ khách quan. Hãy nghĩ xem việc vơ đũa cả nắm có thể dẫn dắt ta đưa ra những quyết định không phù hợp với con người thật của mình như thế nào, và việc suy nghĩ khách quan có thể thúc đẩy những quyết định giúp làm cuộc sống của ta trở nên tốt đẹp hơn ra sao.
VƠ ĐŨA CẢ NẮM |
SUY NGHĨ KHÁCH QUAN |
Chế độ ăn kiêng nào cũng không hiệu quả. |
Rất nhiều người đã giảm cân thành công nhờ ăn kiêng. |
Con người không đáng tin. |
Mình đáng tin nên mình biết vẫn có những người khác cũng đáng tin! |
Đàn ông cứ thấy phụ nữ trẻ đẹp là mê. |
Rất nhiều đàn ông chung thủy với người họ yêu. |
Lúc nào mình cũng buồn phiền. |
Suy nghĩ này thật vô lý. Nếu luôn buồn phiền thì mình thậm chí sẽ chẳng biết buồn phiền tròn méo ra sao bởi mình đâu có trải qua cảm xúc nào khác để mà so sánh. |
BÀI TẬP
Hôm nay bạn gặp phải chuyện gì?
Nếu dựa vào chuyện đó để vơ đũa cả nắm, bạn sẽ suy nghĩ gì?
Nếu chọn suy nghĩ khách quan về chuyện đó, bạn có thể nghĩ như thế nào?
Bạn nhìn thấy những cơ hội nào khi suy nghĩ khách quan thay vì vơ đũa cả nắm? Hãy liệt kê ra bên dưới.
Bạn có thể quyết định như thế nào dựa theo lối tư duy cơ hội nhờ suy nghĩ khách quan?
Bạn có sẵn sàng hành động để giải quyết vấn đề không? Hay bạn cảm thấy hài lòng với hiện trạng?
Giờ đây khi đã ra quyết định, bạn có thể ngừng cố gắng kiểm soát kết quả không?
ĐEO CHIẾC KÍNH KHÁCH QUAN VÀ TIẾN VỀ PHÍA TRƯỚC
Trong khi chuyển sang tìm hiểu chữ cái tiếp theo của FORCE, bạn nhớ hãy tiếp tục đeo chiếc kính tư duy khách quan bởi vì chúng ta sẽ xem xét một loại Lực vốn đã trở thành thâm căn cố đế đến nỗi gây ra nhiều tranh cãi, oán giận và thậm chí thổi bùng các cuộc chiến – giữa các quốc gia, giữa những người bạn và ngay cả chính bên trong bạn.