Chữ R trong FORCE đại diện cho rigid mindset (tư duy cứng nhắc) và relaxed mindset (tư duy linh hoạt). Một bên thì không chịu thay đổi suy nghĩ, hành vi và ý kiến; còn một bên thì sẵn sàng thích nghi với sự biến chuyển của con người, nơi chốn, sự vật hay sự việc trong đời.
Bạn hãy nghĩ về một cây sồi cổ thụ đã sống hơn trăm năm. Một ngày có cơn bão lớn kéo theo những trận cuồng phong và – rầm! – cái cây to sừng sững ấy đột ngột bật gốc đổ sụp. Giờ bạn hãy nghĩ về những cây cọ và cách chúng uốn mình, thậm chí nằm rạp theo hướng gió trong cơn bão. Khi bão tan, những cây cọ lại tiếp tục vươn mình đầy kiêu hãnh. Tại sao lại như vậy? Bởi vì thân cây cọ cực kỳ mềm dẻo – hay chúng ta có thể gọi đó là tính linh hoạt. Khi có gió thổi, cây cọ có thể uốn cong thân theo chiều gió và nhờ vậy mà sống sót qua cơn bão.
Điều tương tự cũng đúng với những quyết định của chúng ta. Khi suy nghĩ cứng nhắc, chúng ta dễ dàng bị cơn bão căng thẳng và những tình huống hỗn loạn bất ngờ “nhổ bật gốc”. Sự cực đoan khiến ta không thể ra quyết định theo Phiên bản Tốt đẹp nhất. Trái lại, khi thư giãn đầu óc, chúng ta dễ dàng thích nghi và đón cơn gió cuộc đời mà vẫn giữ được sự chân thực của mình.
Sau đây là một số ví dụ về sự cứng nhắc trong cách sống:
❊ Có tâm lý muốn mọi chuyện phải xảy ra theo ý mình.
❊ Luôn cho bản thân là đúng – muốn giành phần thắng trong mọi cuộc nói chuyện, hoặc muốn mình là người có tiếng nói cuối cùng.
❊ Có xu hướng bảo người khác “nên” hoặc “không nên” làm gì dựa theo hệ thống niềm tin cực đoan của bản thân.
❊ Tin cách làm của mình là cách duy nhất hiệu quả.
Suy nghĩ cứng nhắc biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Và mặc dù khá dễ nhận thấy lối suy nghĩ này ở người khác nhưng chúng ta lại khó nhận ra nó ở bản thân. Tất cả chúng ta đều quen biết một người nào đó được xem là “cứng đầu cứng cổ” – người muốn mọi thứ phải được thực hiện theo một cách nhất định và không bao giờ tin là có cách nào khác hiệu quả.
BIỂU HIỆN CỦA TƯ DUY CỨNG NHẮC
Sự cứng nhắc có thể ảnh hưởng đến quá trình quyết định khi chúng ta cố đưa ra một quyết định khôn ngoan đến mức chỉ tin vào một cách làm nhất định hoặc chăm chăm vào một chi tiết nhỏ của vấn đề mà không nhìn thấy bức tranh lớn. Chúng ta bỏ lỡ cơ hội thành công, bỏ qua phương pháp, kiến thức hoặc hiểu biết mới. Trong khi đó, nếu thực sự muốn xoay chuyển cuộc đời mình hoặc tạo ra thay đổi, chúng ta phải sẵn sàng thử những điều mới.
Một cách khác để bạn hình dung hệ quả của tư duy cứng nhắc là hãy nghĩ về người cha người mẹ đặt ra những quy tắc khắt khe, bất di bất dịch trong gia đình và không hề có ý định điều chỉnh. Nếu thấy con mình về nhà trong tình trạng ướt sũng vì chơi dưới mưa, người cha người mẹ cứng nhắc sẽ nói: “Người con bẩn quá! Bỏ giày ở ngoài cửa và đừng để nước mưa làm bẩn sàn nhà!”. Trong khi đó, người cha người mẹ linh hoạt hơn có thể nói: “Ôi, có vẻ con đã chơi rất vui! Con có thể giũ sạch giày trước khi vào nhà không?”.
Bạn có thể cảm nhận được sự khác biệt, đúng không? Hình thái Lực của nguồn năng lượng mà ta hướng đến người khác sẽ quyết định cảm giác của ta lẫn họ. Ở gần một người tư duy cứng nhắc làm chúng ta hao tâm tổn sức. Họ có thể độc đoán đến mức khiến bạn cảm thấy như mình là người vô hình hoặc mình luôn luôn “sai” nếu có ý kiến khác với họ. Bạn rất dễ nản lòng thoái chí vì lúc nào cũng bị người nào đó “sửa lưng” hoặc giải thích tại sao cách của họ hay hơn của bạn. Bạn sẽ luôn cảm thấy mình thất bại và cảm giác đó chẳng hào hứng chút nào. Không ai cảm thấy vui vẻ khi biết có người rõ ràng đang cố kiểm soát mình.
Khi giữ lối suy nghĩ cứng nhắc về cuộc sống nói chung hoặc một số khía cạnh nào đó nói riêng, chúng ta tự giới hạn bản thân trong một khả năng duy nhất và không chịu tin là có thể tìm được cách xử lý hay hơn. Người cứng nhắc thường tập trung vào việc giành phần thắng thay vì nội dung thật sự của cuộc tranh luận. Đôi khi, chúng ta trở nên cứng nhắc vì quá chú trọng vào điều mình tin là đúng đến mức không nhận ra điều gì mới có lợi cho mình nhất.
Kiểu tư duy này cũng khiến chúng ta có xu hướng ngại mạo hiểm. Ý tưởng xây dựng nên một cuộc đời tốt đẹp hơn, vĩ đại và viên mãn hơn có thể làm ta cảm thấy choáng ngợp và lo lắng vì nó đòi hỏi ta phải thay đổi các quy tắc sống trước giờ. Chúng ta chọn cách cư xử cũ thường là vì chúng mang lại cho ta cảm giác an toàn. Con đường này từng dẫn đi đúng hướng và sau này cũng vậy, thế nên hãy cứ một đường này mà đi – đây là cách bạn nhìn nhận hành trình cuộc sống. Thế nhưng đến một lúc nào đó, con đường bạn từng đi giờ đây không đưa bạn tới cái đích đến mà bạn mong muốn nữa, bởi vì cuộc sống không ngừng thay đổi và chúng ta cần thích ứng với nó.
Trong nhiều trường hợp, có những người cứng nhắc giữ nguyên quan điểm là vì muốn kế thừa những điều tổ tiên để lại. Họ lớn lên trong một môi trường hà khắc và tiếp tục lối hành xử đó khi trưởng thành. Hoặc họ thấy mọi người trong nhà có hành động hoặc lựa chọn giống nhau nên cho rằng làm theo như vậy là lẽ thường tình. Rất khó phá vỡ hay điều chỉnh các lề thói thâm căn cố đế này.
Bản thân tôi từng rơi vào chiếc bẫy tư duy cứng nhắc này. Khi bắt đầu kênh podcast Always Evolving with Coach Mike Bayer (Không ngừng phát triển cùng Coach Mike Bayer), tôi muốn thu âm tại nhà để kiểm soát mỗi tập phát sóng tuyệt đối không có chút sai sót nào. Tôi chú ý đến từng chi tiết nhỏ đến mức bị ám ảnh bởi chủ nghĩa hoàn hảo. Vì thế, khi chúng tôi ghi sai tên một vị khách mời trong bài viết truyền thông quảng bá cho kênh podcast, tôi vô cùng hoảng loạn. Hình ảnh hoàn hảo mà tôi mong muốn đạt được đã sụp đổ hoàn toàn. Kế hoạch ghi hình tất cả những bài podcast để đăng tải trên kênh YouTube của tôi cũng “phá sản”.
Khi ấy, tôi cảm thấy phải từ bỏ những suy nghĩ cứng nhắc của mình về “tính hoàn hảo” và thả lỏng bản thân. Cuối cùng, cuộc phỏng vấn đầu tiên chúng tôi thực hiện là với nữ ca sĩ Jessica Simpson trong một phòng thay đồ nhỏ tại địa điểm mà cô ấy đang diễn thuyết. Nếu không thư giãn và mở rộng tầm nhìn thì tôi đã bỏ lỡ cơ hội phỏng vấn đắt giá đó. Tôi nhận ra rằng suy cho cùng, tất cả những chi tiết mà tôi muốn phải “hoành tráng” thật ra lại hết sức nhỏ nhặt.
QUYẾT ĐỊNH “GIẢ MÙ GIẢ ĐIẾC” |
Một ví dụ điển hình của tư duy cứng nhắc là khi ai đó bằng mọi cách không muốn tiếp nhận quan điểm khác với mình về bất kỳ chủ đề nào. Trong một nghiên cứu, hai phần ba số thành viên thuộc một đảng phái chính trị có ác cảm với đảng đối lập đến mức từ chối nhận tiền thưởng chỉ vì không muốn nghe ý kiến của đối phương. Niềm tin vô cùng mạnh mẽ vào quan điểm của bản thân khiến nhiều người tuyệt nhiên không hứng thú với các bằng chứng trái ngược, gạt phăng bất kỳ thông tin nào không tương ứng với niềm tin của họ. Một yếu tố quan trọng góp phần mang lại thành công chính là khả năng thư giãn, linh hoạt và tiếp nhận ý kiến khác với của mình. Ai cũng thích làm việc với người có suy nghĩ cởi mở hơn là cứng nhắc. Sự cứng nhắc có thể dễ dàng dẫn đến mâu thuẫn, trong khi đó tư duy linh hoạt tạo điều kiện cho sự hợp tác tìm giải pháp. Hãy ghi nhớ quy tắc hàng đầu này khi nghĩ về những khía cạnh cuộc sống mà bạn có thể đang quá cứng nhắc. Sẽ rất hữu ích nếu bạn nghĩ thoáng hơn và mở lòng đón nhận suy nghĩ của người khác. |
ĐIỂM CỨNG NHẮC TRONG QUÁ TRÌNH QUYẾT ĐỊNH
Hãy dành thời gian tìm hiểu xem bạn đang áp đặt tư duy cứng nhắc vào những khía cạnh nào trong cuộc sống và xem nó có thể ảnh hưởng như thế nào đến khả năng ra quyết định của Phiên bản Tốt đẹp nhất. Sự cứng nhắc bắt nguồn từ các áp lực, nhu cầu kiểm soát hoặc cố duy trì một khuôn khổ nào đó, vì vậy hãy nghĩ xem khía cạnh nào đang khiến bạn căng thẳng nhất. Bạn sẽ cảm thấy khá hơn nhiều khi hiểu rằng rất nhiều điều chúng ta khăng khăng níu giữ ngày hôm nay sẽ chẳng còn quan trọng vào ngày mai.
Giờ đây khi đã xác định một khía cạnh đặc biệt căng thẳng trong cuộc sống của mình, bạn hãy nghĩ xem điều gì ở nó khiến bạn căng thẳng như thế. Giả sử bạn thấy công việc của mình quá áp lực, vậy có đồng nghiệp nào đang tác động tiêu cực đến bạn không? Có lẽ người đó lười biếng, cướp công trạng của người khác hoặc hay bê trễ. Hành vi nào của người đó khiến bạn muốn ném cho họ quyển cẩm nang dành cho người đi làm để nhắc họ nhớ “ở đây chúng tôi làm như vậy” không? Hoặc có lẽ bạn có con và khi bé nghịch ngợm hay cư xử theo cách bạn xem là vô lễ, bạn trở nên tức giận và cảnh cáo con rằng “ngày nào còn sống với cha mẹ thì con phải nghe lời cha mẹ”.
Biểu hiện của cứng nhắc có thể rất khó nhận biết. Chúng ta thường chú ý đến những ví dụ cực đoan trong khi có rất nhiều tình huống mà sự cứng nhắc chỉ có biểu hiện đơn giản, nhỏ nhặt. Chẳng hạn như nếu đang cố gắng quen người mới sau một cuộc chia tay hay ly hôn, bạn có khó chịu khi người mới này khác bạn về quan điểm chính trị, tôn giáo hay thậm đội bóng yêu thích của họ cũng khác của bạn? Bạn có thấy ức chế và nghĩ nếu không có những “sai sót” đó thì người này đã “đủ tiêu chuẩn” rồi không? Bạn có cố thuyết phục họ đổi ý? Hay đơn giản là bạn thề sẽ không bao giờ gặp lại họ nữa?
Rất nhiều khách hàng của tôi gặp khó khăn khi làm kinh doanh. Và mặc dù công việc đó không mang lại cho họ lợi nhuận hay niềm vui, họ vẫn đeo mang một niềm tin rằng họ phải tiếp tục “nằm gai nếm mật”. Họ không chịu từ bỏ. Họ nghĩ bản thân đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt, đầu tư hết thời gian, sức lực và tiền bạc cho việc kinh doanh này nhiều như vậy, cho nên không thể ngừng lại và chuyển sang làm điều gì khác. Đối với họ, đã phóng lao thì phải theo lao. Song, nếu thư giãn một chút và xem xét giá trị từ kinh nghiệm và hiểu biết của mình, họ sẽ dễ dàng hiểu rằng có lẽ đã đến lúc để thay đổi.
Sau đây là một số câu hỏi khác mà bạn có thể dùng để kiểm tra xem mình có lối tư duy cứng nhắc hay không:
❊ Bạn có bao giờ nhận thấy mình tham gia những cuộc tranh cãi vô bổ không?
❊ Bạn có tỏ ra hung hăng hay tức giận khi gặp các vấn đề không? Bạn có tỏ ra hung hăng đối với người khác không?
❊ Bạn có kỳ vọng được người khác công nhận để khẳng định niềm tin của mình không?
Trước những hành vi hay ý kiến của người khác, bạn có phản ứng cứng nhắc, quyết liệt bảo vệ quan điểm/điều bạn cho là sự thật và tuyệt đối không đổi ý, hay là bạn phản ứng linh hoạt, sẵn lòng nhìn nhận vấn đề từ góc nhìn của đối phương và thậm chí cởi mở về khả năng điều chỉnh suy nghĩ của mình không? Bạn có ra quyết định làm việc gì đó chỉ để chứng minh là mình đúng?
Bạn hãy suy nghĩ về những câu hỏi này trong lúc đọc tiếp chương này. Cuối chương sẽ có một bài tập giúp bạn khám phá sâu hơn những biểu hiện của sự cứng nhắc trong lối sống và quyết định của bạn.
TƯ DUY LINH HOẠT
Người có tư duy linh hoạt nhìn nhận cuộc sống và mọi điều xảy đến với mình như một cơ hội. Sự linh hoạt có thể hữu ích cho tâm trí bạn khi xem xét một vấn đề. Trong bối cảnh này, tôi định nghĩa sự linh hoạt chính là sự cân bằng. Lối tư duy này giúp chúng ta dễ dàng chấp nhận cuộc sống như nó vốn là thay vì cố kiểm soát nó. Chúng ta dành thời gian để lắng nghe và thông hiểu người khác đồng thời sẵn sàng tiếp nhận các khái niệm và ý tưởng mới. Linh hoạt nghĩa là thích nghi và cởi mở, không sợ chuyển hướng, thậm chí không ngại thay đổi triệt để để cải thiện bản thân. Khi suy nghĩ linh hoạt, chúng ta có thể tự hỏi: “Liệu điều này có còn quan trọng với mình trong năm năm tới không?” và bớt căng thẳng hơn khi đưa ra những lựa chọn nhất định.
Trong trạng thái thư giãn, chúng ta giữ được bình tĩnh thay vì liên tục phản ứng với con người hay sự việc. Khi buông bỏ sự cứng nhắc, bạn có khả năng gặp được nhiều cơ hội hơn. Không chỉ vậy, sự thư giãn và linh hoạt còn tạo điều kiện cho chúng ta nhìn cuộc đời mình ở khía cạnh mới mẻ và tươi sáng. Khi không cố kiểm soát kết quả hay luôn muốn giành phần thắng về mình, chúng ta biết mình có thể thay đổi. Ta chú trọng vào sự tiến bộ hơn là việc mình phải đúng. Bất cứ khi nào cảm thấy áp lực vì đang cố gắng quyết định bước đi tiếp theo, bạn hãy thử tìm cách thư giãn. Bởi vì dù bạn không tìm ra câu trả lời lúc này và những người khác không hành động hay phản ứng theo cách bạn mong muốn, thì bạn vẫn có thể lựa chọn sự bình yên.
Mỗi người chúng ta có những cách riêng để hình thành tâm thái thư giãn. Trong trường hợp của mình, tôi gần như có thể thư giãn ngay lập tức khi nghe những bài hát của ca sĩ Bob Marley. Ở đây, tôi không chỉ nói đến cảm giác cơ thể được thư giãn, như khi nằm dài tận hưởng không khí thoải mái ở bể bơi chẳng hạn, mà tôi còn có ý nói đến việc rũ bỏ cái tôi và giải phóng bản thân khỏi những khuôn phép do mình đặt ra. Niềm tin “mình biết điều gì là tốt nhất” chính là nguồn gốc sinh ra sự cứng nhắc, trong khi thực tế có những lúc chúng ta không biết. Đôi khi chúng ta cần tin vào sự hiểu biết và kinh nghiệm của người khác và để họ dẫn dắt mình. Đôi khi chúng ta cần để cho cuộc sống dạy mình điều mới mẻ.
Vậy, bạn có thể làm gì để rũ bỏ cái tôi đang cố bám víu những niềm tin cố hữu và mở lòng đón lấy các cơ hội mới? Tập thiền? Hay yoga? Bạn có câu thần chú nào giúp mình thư giãn không? Hay bạn cầu nguyện để có thể gắn kết lại với Phiên bản Tốt đẹp nhất và hóa giải suy nghĩ cứng nhắc? Bạn có quen và nói chuyện được với người nào đã từng đưa ra những quyết định trái ngược với quan điểm của bạn để bạn có thể học hỏi từ họ không? Có bạn bè hay người thân nào của bạn từng thay đổi tích cực hoặc thậm chí hòa hợp với kết quả đạt được nhờ biết tư duy linh hoạt không? Có rất nhiều cách để bạn cởi mở trước những ý tưởng và cơ hội mới.
Trong (những) khía cạnh cuộc sống bạn đang muốn cải thiện ngay, hãy nghĩ xem liệu bạn có thể nhìn nhận khía cạnh đó từ một quan điểm nào linh hoạt, cởi mở và thoáng hơn, nhằm thấy được cơ hội mới hoặc đơn giản là bớt lo lắng căng thẳng hay không. Hãy viết những suy nghĩ của bạn vào đây:
CÁI GÌ QUÁ CŨNG KHÔNG TỐT |
Giữa cứng nhắc và linh hoạt, điều quan trọng là chúng ta phải giữ cân bằng và không quá nghiêng về thái cực nào. Bên cạnh việc ý thức những tác động tiêu cực của sự cứng nhắc đối với cuộc sống, chúng ta cũng phải lưu ý rằng sự linh hoạt quá mức cũng nguy hiểm tương đương. Đâu có ai dám ngồi trên chuyến bay của một phi công “thư giãn” đến mức không tập trung vào việc điều khiển máy bay đúng không? Làm việc với một người luôn đi trễ chẳng bao giờ vui. Nếu cha mẹ không đặt ra bất kỳ nguyên tắc hay giới hạn nào cho con cái thì gia đình sẽ loạn cả lên vì bọn trẻ thoải mái la hét và nghịch phá. Ý tôi là, chúng ta cần kiểm soát mức độ linh hoạt bằng một tiêu chuẩn lành mạnh mang tên “trách nhiệm”. Khi đưa ra quyết định, bạn xem xét chúng qua chiếc kính tư duy linh hoạt để nhìn thấy được mọi góc độ đồng thời vẫn phải nhớ đến những trách nhiệm của mình. Có sự khác biệt lớn giữa người linh hoạt và người vô trách nhiệm. Bạn phải làm điều mình cần làm và đảm bảo quyết định của mình không gây nguy hại cho bản thân hay người khác. Chính bạn là người duy nhất phải chịu trách nhiệm cho những điều bạn lựa chọn. |
BẠN CỨNG NHẮC HAY LINH HOẠT?
Bên dưới là bảng so sánh giữa Lực tiêu cực – Tư duy cứng nhắc và Lực tích cực – Tư duy linh hoạt. Bạn hãy xem qua và bắt đầu nghĩ xem các Lực này có thể đang ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của bạn như thế nào, nhất là khi nó xuất hiện ở khía cạnh cuộc sống bạn muốn cải thiện.
Hãy cố gắng khách quan như thể bạn đang quan sát suy nghĩ và hành vi của mình bằng đôi mắt của người ngoài cuộc. Điều này hết sức cần thiết, vì chúng ta rất khó phát hiện ra bản thân có xu hướng tư duy cứng nhắc hay không – tất cả chúng ta đều có lúc muốn mọi chuyện phải nhất nhất theo ý mình. Sẽ hữu ích nếu bạn có thể phát hiện khi nào lối tư duy này kìm hãm bạn nhìn thấy hoặc đón nhận các cơ hội.
Tư duy cứng nhắc |
Tư duy linh hoạt |
• Có tâm lý muốn mọi chuyện phải theo ý mình. • Có tâm lý bình tĩnh, thư giãn và tư duy cởi mở. • Luôn cho là mình đúng – muốn là người giành phần thắng trong mọi cuộc tranh luận. • Tin rằng cách mình làm trước nay là cách duy nhất hiệu quả. |
• Kiên nhẫn làm cho người khác cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu. • Chấp nhận dòng chảy tự nhiên của cuộc sống thay vì cố kiếm soát. • Biết tự hỏi: “Năm năm nữa, điều này có quan trọng với mình không?”. |
BÀI TẬP
Dưới đây là một số ví dụ về tư duy cứng nhắc và tư duy linh hoạt trong đời thực.
TƯ DUY CỨNG NHẮC |
TƯ DUY LINH HOẠT |
Đây là cách làm duy nhất. |
Mình sẵn sàng hợp tác với người khác để nghĩ ra cách làm tốt nhất. |
Mình sẽ tiếp tục tranh cãi cho đến khi nào chứng minh được điều mình nói là đúng. |
Mọi ý kiến khác với mình đều có thể là cơ hội để mình học hỏi và phát triển. |
Cha/mẹ sinh ra con thì con phải nghe lời cha/mẹ. |
Cha/mẹ sẽ kiên nhẫn và chia sẻ suy nghĩ với con. |
Tôi đúng. Anh/chị sai. |
Ai đúng ai sai không quan trọng. |
Ở bảng bên dưới, bạn hãy ghi ra một số ví dụ về cách mình tư duy cứng nhắc, đặc biệt nếu nó liên quan đến những quyết định hiện tại bạn cần đưa ra. Tiếp theo, hãy nghĩ xem phiên bản tư duy linh hoạt của những suy nghĩ đó có thể là gì. Cuối cùng, bạn có thể có quyết định gì dựa trên lối tư duy mới này?
TƯ DUY CỨNG NHẮC |
TƯ DUY LINH HOẠT |
QUYẾT ĐỊNH |
Mục tiêu cuối cùng của tôi là giúp bạn có được Quyết định sẽ trở thành bước đi đầu tiên hướng bạn đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi muốn bạn đọc lại những gì bạn vừa điền bên trên và nghĩ xem tư duy cứng nhắc có thể đang cản trở bạn quyết định sống tốt hơn như thế nào. Nói cách khác, tư duy cứng nhắc đang khiến bạn mắc kẹt ở chướng ngại như thế nào?
Hãy viết câu trả lời ra bên dưới.
Giờ đây khi đã chuyển sang tư duy linh hoạt, bạn có thể nhìn thấy những cơ hội nào mà trước đây không thấy?
Dựa trên những cơ hội đó, bạn có thể đưa ra quyết định gì?
Bạn có sẵn sàng thực hiện các hành động nào không? Hay bạn hài lòng với hiện trạng?
ĐIỀU TIẾP THEO
Trong quá trình tìm hiểu về các Lực, tôi hy vọng cho đến giờ bạn vẫn nhớ nội dung về từng loại Lực. Xin nhắc lại, nếu bạn sử dụng đúng cách, những Lực tích cực có thể giúp bạn xây dựng được một cuộc sống viên mãn hơn, trong đó bạn nhìn thấy các cơ hội thay vì chăm chăm vào chướng ngại và liên tục bị chúng ngáng đường. Giờ đây khi đã vén tấm màn bí mật và khám phá ra cách những Lực này đang vận hành, bạn có thể vận dụng chúng với mục đích tạo ra cuộc sống mình hằng khao khát.
Nhân tiện nhắc đến mục đích thì trong chương tiếp theo bạn sẽ tìm hiểu tại sao một mục đích rõ ràng lại có thể giúp bạn xóa tan trạng thái hoang mang. Câu nói này có khiến bạn hoang mang không? Hãy lật sang trang tiếp theo để biết ý tôi là gì!