Khi cố đưa ra quyết định, có bao giờ bạn như rơi vào trạng thái quá tải, các dòng suy nghĩ và cảm xúc liên tục ào tới xâm chiếm tâm trí đến mức bạn không biết chuyện gì đang diễn ra? Có lẽ bạn tưởng tượng những kết quả tiềm năng (tốt, xấu và tồi tệ), hoặc bạn bị ám ảnh phải làm sao cho “đúng” hay lo lắng về những điều mà người ta nghĩ bạn “nên làm”. Bạn có thể không ngừng trăn trở đến mất ăn mất ngủ. Cảm giác này thật ức chế! Vậy, bạn phải giải quyết thế nào đây? Có lẽ bạn quyết định là sẽ không quyết định gì cả. Hoặc bạn quyết định nhưng ngay lập tức đổi ý. Hoặc bạn lại chui vào giường, quấn mình trong chăn và bỏ cuộc hoàn toàn.
Vậy, cảm giác nào khiến bạn có những hành động này? Không gì khác ngoài cảm giác hoang mang! Tôi hiểu cảm giác này bởi tất cả chúng ta đều từng trải qua nó. Cố gắng ra quyết định trong tình trạng hoang mang mơ hồ không chỉ khó khăn mà còn rất áp lực bởi tâm trí “hoang mang” khiến chúng ta cảm thấy choáng ngợp, bất lực và vô cùng lo lắng.
Khi bạn suy nghĩ hay phân tích thái quá bất kỳ tình huống nào thì đó là một biểu hiện của sự hoang mang. Nếu chúng ta nghiền ngẫm lời nói của ai đó đến mức ám ảnh hoặc xem xét thông tin nào đó nhiều lần mà không thể rút ra kết luận, thì đó là vì chúng ta đã tự gây hoang mang cho bản thân. Trong trạng thái này, chúng ta có thể tìm đến những người mình quen biết để trò chuyện, cố thu thật nhiều ý kiến, thậm chí lấy ý kiến từ những người không thông thạo về chủ đề đó.
Nhu cầu làm hài lòng mọi người là một biểu hiện khác của sự hoang mang. Chúng ta cho rằng sẽ thật ý nghĩa và vui sướng nếu mình làm ai đó hài lòng. Trớ trêu thay, điều này là vô phương thỏa mãn. Một số đặc trưng của xu hướng cố làm hài lòng người khác là chúng ta rất khó nói không, ta đặt người khác lên trên bản thân ngay cả khi họ chẳng thân thiết gì với ta. Trái với suy nghĩ của nhiều người, không có cảm giác nào trên đây đến từ Phiên bản Tốt đẹp nhất và chúng chắc chắn không giúp ta đưa ra những quyết định chân thực.
LỰC TÍCH CỰC: MỤC ĐÍCH RÕ RÀNG
Giải pháp giúp xóa tan cảm giác hoang mang và choáng ngợp chính là hãy làm rõ mục đích của bạn. Khi chúng ta không biết nên làm gì tiếp theo, nguyên nhân thường là vì chúng ta không biết mục đích mình cần đạt được trong tình huống đó là gì; chúng ta chưa rõ Phiên bản Tốt đẹp nhất sẽ hành động như thế nào cho phù hợp. Đây là lúc vai trò của Nhóm Quyết định cực kỳ hữu ích, vì đó là những người có hiểu biết và kinh nghiệm liên quan để có thể hỗ trợ bạn xét xem bạn thật sự mong muốn điều gì. Một khi bạn đã xác định được mục đích, mọi thứ trở nên sáng tỏ và bạn không còn hoang mang nữa.
Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi đã nhiều lần cảm thấy hoang mang mơ hồ. Tình trạng này chủ yếu xảy ra khi tôi quá tập trung làm người khác thích tôi hoặc quá chú trọng đến những lợi ích “bên ngoài” mà bỏ qua mục đích sống của chính mình. Tôi không muốn được yêu thích mà là muốn giúp đỡ mọi người.
Khi làm những việc không mang lại niềm vui hay hạnh phúc, bạn có thể thấy cuộc sống của mình thật mơ hồ và vô nghĩa, như thể bạn chỉ đang sống cho qua ngày đoạn tháng. Và dù có thể vẫn làm việc nhưng bạn lại thấy trống rỗng và day dứt không yên. Cảm giác này cũng xảy ra trong những mối quan hệ, chẳng hạn như chúng ta có thể vô cùng khổ sở nếu rơi vào mối quan hệ độc hại, không chân thành, không ý nghĩa. Ta khổ sở bởi vì tình trạng này trái với mục đích xây dựng một mối quan hệ viên mãn của ta. Nó khiến ta thấy bế tắc, không biết phải làm gì. Thế nhưng, nếu quyết định xem đây là cơ hội để làm rõ mục đích của mình, chúng ta sẽ nhận ra mình xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn. Vậy là sau đó ta có thể chọn tiếp nhận điều trị, thiết lập một số giới hạn, chia tay hoặc ly hôn,... Bất kể là quyết định gì, nó cũng sẽ phù hợp với những gì chúng ta mong muốn. Cố chịu đựng quá lâu chỉ khiến ta thêm hoang mang mà thôi.
Ngay cả trong đời sống xã hội của chúng ta, sự hoang mang cũng có thể gây ra nhiều rắc rối. Nếu bạn đến quán bar vì muốn kết bạn nhưng mọi người ở đó đều say xỉn và chỉ có bạn là tỉnh táo, vậy bạn đến đó để làm gì? Nếu không muốn tiệc tùng theo kiểu của họ thì bạn cần xem xét lại mình thật sự muốn gì. Dĩ nhiên, bạn có thể dành thời gian bên bạn bè và tôi không có ý nói bạn không thể dành thời gian bên những người say rượu – đó là quyền của bạn! Chỉ là tôi nghĩ rằng tín hiệu hữu ích này có thể giúp bạn tìm ra nguyên nhân tại sao mình lại hoang mang.
Một cách thức hay tuyệt để bạn không còn thấy khó chịu hay lạc lõng trong một tình huống nào đó chính là kiểm tra mục đích của bạn. Hãy tạm ngưng và tự hỏi “Lý do mình có mặt ở đây là gì?” và để câu trả lời truyền cảm hứng cho bạn hành xử như Phiên bản Tốt đẹp nhất. Bất kỳ lúc nào mục tiêu của chúng ta không tương đồng hay hòa hợp với những người ta quen biết, cảm giác hoang mang sẽ trỗi dậy. Trong quá trình chúng ta tái tạo và chuyển hóa cuộc đời mình, mục đích sống của chúng ta sẽ phát triển theo và việc ta cần làm là đảm bảo tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của mình luôn tương thích với mục đích đó.
Chúng ta cũng có thể thấy hoang mang khi mọi thứ xung quanh đột ngột thay đổi. Không phải lúc nào chúng ta cũng lường trước được chuyện gì sẽ xảy ra. Khi tôi đang viết quyển sách này, cả thế giới đang chìm sâu trong sự hoang mang do đại dịch COVID-19 gây ra. Cuộc sống của nhiều người bị đảo ngược hoàn toàn và nỗi hoang mang mất định hướng làm họ tê liệt. Song, hãy ghi nhớ một điều: Ngay cả khi mọi thứ xung quanh thay đổi thì con người thật của bạn vẫn vẹn nguyên. Dù không thể kiểm soát tình hình này nhưng bạn có thể kiểm soát cách mình phản ứng với nó. Có thể bạn cần thay đổi cách sống và việc đó thậm chí sẽ thay đổi cách bạn tương tác với mọi người, nhưng Phiên bản Tốt đẹp nhất của bạn vẫn không hề suy suyển.
Đây là lý do tại sao dành thời gian làm rõ mục đích vô cùng quan trọng.
Bản thân tôi đã trải qua rất nhiều sự thay đổi lẫn những lần thấy hoang mang trong cuộc sống. Tôi đã phải chinh phục nhiều thử thách trên con đường sự nghiệp diễn giả và (cuối cùng!) tôi cũng bắt đầu yêu thích công việc này. Khi truyền đi được thông điệp của mình theo một cách mới mẻ, tôi cảm thấy thật mãn nguyện. Tuy nhiên trong tình hình dịch bệnh hiện nay, tôi khó có thể diễn thuyết trước đông người. Nhưng thay vì đứng chôn chân trước chướng ngại và bắt đầu hoang mang, tôi quay về xem xét mục đích sống của mình. Tôi biết mình có một ý tưởng có thể giúp ích cho mọi người hơn bao giờ hết, nên tôi bắt đầu khám phá các cách thức chia sẻ khác để đạt được mục đích đó. Kết quả là giờ đây tôi đang xây dựng một cộng đồng hỗ trợ trực tuyến toàn cầu và thực hiện các buổi phát sóng trực tiếp trên Facebook. Mặc dù không thu về lợi nhuận nhưng tôi vẫn giúp đỡ được mọi người. Tôi đã tìm thấy cơ hội được tiếp tục diễn thuyết bằng một cách khác.
Tôi cũng áp dụng cách này với Trung tâm CAST của mình, nơi điều trị và giúp cai nghiện ma túy ở Tây Hollywood. Sứ mệnh của trung tâm vẫn là hỗ trợ những người cần sự giúp đỡ, nhưng mô hình hoạt động phải thay đổi. Trên thực tế, đây là một cơ hội tốt để chúng tôi tiếp cận với nhiều người hơn nữa. Mô hình mới thậm chí còn có một dịch vụ trị liệu trực tuyến tạo điều kiện cho mọi người thoải mái tiếp nhận điều trị tại nhà. Những người mẹ làm nội trợ toàn thời gian hoặc có con nhỏ trước đây không thể đến trung tâm thì giờ đã có thể đăng ký dịch vụ hỗ trợ tại nhà. Hay một vị quản lý làm việc mười hai tiếng một ngày có thể điều trị ở nhà thay vì phải đến văn phòng chúng tôi sau ngày làm việc mệt mỏi. Giai đoạn khủng hoảng này mang lại cho chúng tôi cơ hội giúp đỡ thêm nhiều người và mở rộng hoạt động của trung tâm. Chúng tôi có thể thích nghi với sự thay đổi là vì đã xác định được mục đích hoạt động, nhìn thấy cơ hội và quyết định chuyển hướng.
Các giải pháp và lựa chọn hiện ra rõ ràng trước mắt tôi khi tôi tìm lại sự cân bằng, tập trung vào sứ mệnh của trung tâm và lý do tôi muốn kết nối với công chúng. Mục đích sống của tôi là được sống thật với chính mình và giúp người khác giải phóng bản thân để làm điều tương tự. Khi tôi duy trì lối tư duy này, mọi chuyện trở nên rõ như ban ngày.
MỤC ĐÍCH SỐNG CỦA AUSTIN
Tôi muốn chia sẻ về một buổi khai vấn gần đây để bạn có thể hình dung sự hoang mang trông như thế nào ngoài đời thực. Có một chuyện thường xuyên xảy ra là chúng ta không biết mình đang hoang mang cho đến khi bắt đầu nói ra hết suy nghĩ của mình. Một khi nói thành lời hay viết ra những điều này, chúng ta mới nhận thấy mình đang vướng vào những suy nghĩ luẩn quẩn và giậm chân tại chỗ.
Austin tìm đến tôi để được khai vấn về công việc mà anh đã làm được bảy năm. Ở tuổi ba mươi mốt, Austin còn trẻ và đáng lẽ mang trong mình nhiều hoài bão. Thế nhưng gần đây anh lại cảm thấy như bị tê liệt và không biết phải làm gì tiếp theo. Sau đây là cuộc trò chuyện của hai chúng tôi.
Austin cất lời: “Ừm, tôi học tiếng Nhật và theo chuyên ngành quản trị kinh doanh. Lúc bấy giờ, tôi vô cùng say mê văn hóa và phim hoạt hình Nhật Bản. Tôi muốn du học ở Nhật và nghĩ biết đâu mình có cơ hội làm việc ở nước ngoài. Đối với tôi, đó là một hành trình đầy ý nghĩa và không gì đánh đổi được. Nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, tôi liền nhận được lời mời làm việc của công ty thiết kế nội thất. Công việc này rất tốt, có điều nó không phải là đam mê của tôi. Và tôi bắt đầu cảm thấy nếu không làm gì để thay đổi thì tôi sẽ chỉ ngày càng chán ghét công việc hơn. Không phải là tôi không thể nghỉ việc nhưng tình hình hiện tại khiến tôi thấy khó làm vậy”.
“Anh cảm thấy như thế bao lâu rồi?”, tôi hỏi.
Dù có chút ngượng ngùng nhưng Austin nhanh chóng trả lời: “Ngay từ đầu, tôi đã biết đây không phải hướng đi mình mong muốn. Tôi vào công ty năm hai mươi bốn tuổi”, cậu ngừng lại lấy hơi và bắt đầu đưa ra một loạt lý do. “Lương bổng rất hậu hĩnh và tôi được tự do trong cách làm việc. Tôi cũng có nhiều cơ hội đi đây đi đó và hằng tháng còn có tiền để gửi tiết kiệm. Thế nhưng khoảng một năm trước, tôi thấy nhớ gia đình và không khí quê nhà nên muốn chuyển từ New York về California. Vì vậy công ty thuyên chuyển tôi đến Los Angeles”.
“Từ năm hai mươi bốn tuổi đến nay là đã sáu năm, trong sáu năm đó có bao giờ anh cảm thấy như kiểuđúng rồi, đây là đam mê của mình không?”, tôi hỏi.
“Tôi chưa từng có cảm giác đó. Tôi chỉ nghĩ công việc này là một trải nghiệm tốt, mang lại thu nhập cao, là tấm vé cho tôi đi khắp thế giới và mở mang tầm mắt. Ý tôi là con đường của tôi khá suôn sẻ trong một thời gian. Thật tình mà nói thì đó là một con đường dễ đi”, ánh mắt Austin trông hơi đờ đẫn, nhìn vào khoảng không như đang nghĩ ngợi điều gì.
“Vậy anh nghĩ vì sao mình chấp nhận đi con đường này?”
“Anh hỏi hay lắm. Trước nay tôi luôn khá chật vật trong việc định hướng sự nghiệp. Tôi muốn làm gì? Ý tôi là sâu trong thâm tâm, ước mơ táo bạo nhất của tôi là gì? Và đôi khi câu trả lời dễ nhất là: Tôi có thể làm được việc này.”
“Công việc có ý nghĩa gì với anh? Theo anh, có việc làm có nghĩa là gì?”
“Ừm, chúng ta dành rất nhiều thời gian cho công việc nên...”, giọng nói của Austin nhỏ dần.
Tôi nhoài người về phía trước một chút và nói: “Sống có mục đích có quan trọng với anh không?”.
“Ồ, có chứ. Tôi rất chú trọng việc sống có mục đích.”
“Nhưng anh đã làm công việc này gần bảy năm và không thật sự có mục đích gì trong công việc. Anh dành bao nhiêu thời gian và năng lượng để tạo ra thay đổi?”
“Thiệt sự khó có thời gian để làm vậy vì công việc của tôi đòi hỏi rất cao. Và tôi cũng muốn dành thời gian sau giờ làm để tập gym, gặp gỡ với bạn bè nên cũng thật sự không có năng lượng cho nó. Tôi đang cố gắng tìm cách cân bằng như dành thời gian tìm việc mới và duy trì công việc hiện tại để...”
Tôi ngắt lời Austin: “Thế nhưng tôi nghĩ những điều anh vừa nói có nghĩa là: ‘Tôi không vui khi làm công việc này và sau khi tan sở, tôi cần đi chơi với bạn bè’. Anh thấy đúng không?”.
“Đúng vậy”, anh gật đầu.
“Điều gì đang cản trở anh – anh đang tự kể cho mình câu chuyện nào?”
“Có thể vì tôi sợ hãi và ngại thay đổi. Với lại, không phải tôi lười biếng đâu, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng gặp khó khăn trong việc tìm động lực.”
“Có khi nào nguyên nhân đơn giản là vì anh không muốn làm việc không?”, tôi hỏi.
Austin ngay lập tức phủ nhận: “Không phải. Tôi sẽ rất vui nếu tìm được công việc mà mình đam mê và sẵn sàng dốc hết sức làm. Anh hiểu ý tôi không? Tôi nghĩ lý do có lẽ là vì tôi không tin mình thật sự biết mình muốn làm gì”.
“Vậy lý do có thể là ‘tôi không tin mình thực sự biết mình muốn làm gì’, và đến khi biết thì anh lại không thể ra quyết định?”.
“Anh nói cũng đúng”, Austin ngừng lại giây lát rồi nói tiếp, “tôi luôn luôn yêu thích mọi thứ liên quan đến máy bay. Nhưng tôi chưa từng theo đuổi sở thích này”.
“Công việc hiện tại của anh đã kéo dài gần bảy năm. Giờ anh ba mươi mốt tuổi, tức là anh đã dành hơn một phần năm cuộc đời cho nó. Và nếu chỉ tính từ lúc bước vào độ tuổi trưởng thành thì anh đã trải qua phân nửa thời gian sống và làm một công việc không thật sự đem lại cho mình cảm giác thỏa mãn”, tôi nói.
Im lặng một lúc, Austin trả lời: “Vâng, đúng vậy”.
“Anh đang kể cho bản thân nghe một câu chuyện mà tôi tin đó là nguyên nhân khiến anh không chịu học hỏi những điều mới và tìm cảm hứng trong khi cứ chọn những cách tiêu khiển như xem phim và đi chơi với bạn bè. Tuy cách nào cũng làm anh vui vẻ, nhưng một cách sẽ hướng anh đến những cơ hội và ý tưởng mới còn một cách chỉ đơn giản giúp anh giải trí. Tôi cảm thấy dường như anh luôn phân biệt rạch ròi công việc là công việc, vui chơi là vui chơi chứ không kết hợp hài hòa công việc với cuộc sống riêng.”
“Đúng vậy. Tôi luôn phân biệt hai khái niệm này.”
“Tôi thấy rất nhiều người có xu hướng này. Khi suy nghĩ tách biệt công việc với cuộc sống riêng, họ không bao giờ muốn nhắc đến công việc. Và khi phải làm việc, thái độ của họ là ‘Ôi trời, mình phải làm việc.’”
“Những người không yêu thích công việc thường nói vậy.”
“Chính xác. Mặc khác, có những người kết hợp hài hòa giữa công việc và cuộc sống riêng. Cuộc sống của họ truyền cảm hứng cho họ làm việc hiệu quả hơn và công việc tạo động lực để họ sống tốt hơn. Đó là một mối quan hệ tương hỗ”, tôi nói.
Đó là lần đầu tiên tôi thấy ánh mắt Austin sáng lên kể từ khi chúng tôi gặp nhau. Anh nói: “Ồ, tôi muốn có được sự hòa hợp đó”.
“Chúng ta sẽ làm vậy bằng cách nào?”, tôi hỏi.
Anh đáp lời không chút đắn đo: “Tôi nghĩ sẽ hữu ích nếu có một tấm bản đồ chỉ đường từ vị trí hiện tại của tôi đến công việc mà tôi mơ ước. Kiểu như nó sẽ cho tôi biết tôi cần làm gì...”.
Tôi nói xen vào: “Nhưng mà Austin này, tôi đã làm công việc mình mơ ước gần mười bảy năm qua, và tôi cũng đã làm hàng ngàn công việc khác nữa. Con đường ta đi cũng chính là đích đến. Không có chuyện ‘A, đã đến nơi. Mình đã đạt được công việc mơ ước!’, rồi thế là xong đâu”.
“Và tôi cũng tìm hiểu rất nhiều thứ – địa lý, bản đồ, văn hóa, ngôn ngữ, du lịch, ý tôi là tôi có hứng thú với những thứ đó. Tôi nghĩ chuyện đó cũng kìm hãm mình. Tất cả những sở thích này khiến tôi quá bối rối”.
“Vì anh đã vẽ câu chuyện rằng anh học tiếng Nhật nên cho là mình sẽ làm việc trong lĩnh vực đó, và anh nghĩ: ‘Mình đã dành quá nhiều thời gian và năng lượng để theo đuổi điều này nhưng mình không...’”
Không để tôi dứt lời, Austin nói liến thoắng: “Tôi có thể quay lại trường để học. Nhưng để làm vậy thì tôi sẽ phải vay tiền đóng học phí và không có thời gian chơi với bạn bè. Có lẽ tôi cần một cú hích. Tôi không biết nữa”.
“Nghe có vẻ như anh tự làm bản thân tê liệt.”
Austin gật đầu lia lịa: “Đôi lúc tôi thật sự cảm thấy bị tê liệt.
Anh diễn tả đúng lắm!”.
“Trước đó nữa, có bao giờ anh từng do dự như vậy không?”
“Hồi còn nhỏ, có lần tôi cũng do dự nhưng không tồi tệ đến mức này. Lúc đó tôi không cảm thấy nặng nề và bế tắc. Tôi không gánh nhiều trách nhiệm như bây giờ”, anh trả lời.
“Anh cảm thấy thế nào về tình trạng tê liệt này?”
Đăm chiêu hồi lâu, Austin trả lời: “Tôi ước mình biết phải làm gì để giải quyết vấn đề và thay đổi”.
“Anh có nghĩ mình bị trầm cảm không?”
“Chắc có một chút. Năm ngoái tôi thật sự có một số triệu chứng của bệnh trầm cảm. Vào lúc đó, tôi đã nghĩ: ‘Ôi trời, thì ra trầm cảm là thế này đây.’”
“Anh có đi gặp bác sĩ để được kê đơn không?”
“Không. Tôi thật sự không muốn công khai chuyện này. Tôi thấy mình có thể vượt qua mà không cần dùng thuốc, trừ khi đó là loại thuốc giúp tôi có động lực hơn để thật sự làm gì đó thay vì bị tê liệt”, anh nói.
“Dựa trên những gì tôi hiểu thì anh đang nói về một tấm bản đồ chỉ đường cho anh đến với công việc tiếp theo. Tôi nghĩ tấm bản đồ đó sẽ giúp anh tìm được mục đích sống rõ ràng và ý nghĩa hơn. Từ đó, anh sẽ tìm được công việc mơ ước. Anh không thể thấy cơ hội nếu tâm trí anh không mong muốn điều đó. Cơ hội chắc chắn đang tồn tại xung quanh anh, chỉ là anh chưa nhìn thấy chúng.”
“Đúng rồi”, anh công nhận.
“Anh có sợ bị từ chối không? Hay sợ mình không làm được?
Hoặc là sợ mình không xứng đáng?”
Anh lắc đầu: “Tôi cảm thấy mình xứng đáng. Chỉ là thỉnh thoảng tôi có cảm giác mình không đủ giỏi. Thế nhưng khi tự hỏi ‘Mi thật sự nghĩ mi không đủ giỏi sao Austin?’ thì tôi lại thấy không phải”.
“Vậy mà anh đang hành xử đúng theo cách đó đấy”, tôi chỉ ra. “Vâng.”
“Các hành động của anh cho thấy anh đang né tránh bằng những cái cớ để không đạt được điều anh muốn trong cuộc sống. Tôi hoàn toàn không tin việc anh không lựa chọn đam mê và mục đích sống là vì anh bận đi tập gym hay làm bất kỳ điều gì trong danh sách lý do mà anh nghĩ ra! Có những quyết định anh phải chọn nếu anh thật sự muốn thúc đẩy sự nghiệp của mình. Anh tin mình phải đi theo con đường này hoặc làm theo quy trình kia, và mặc dù đã làm vậy, anh vẫn không đạt được kết quả mình mong muốn. Đúng không?”.
“Đúng.”
“Ừ, nhưng đó chỉ là hệ thống niềm tin anh tự tạo ra mà thôi. Như tôi đây thậm chí còn không biết nên gọi cụ thể công việc mình đang làm là gì. Hiện tôi là một nhà khai vấn nhưng trước đó tôi làm chuyên viên tư vấn, điều hành một cơ sở phục hồi, tư vấn cho những ngôi sao nhạc pop về vấn đề ly hôn, chia tay và các mối quan hệ. Phạm vi công việc của tôi vượt ra khỏi tấm bản đồ định hướng sự nghiệp, đúng không?”. Austin gật đầu. Tôi nói tiếp: “Tôi làm việc với nhiều nhóm người, từ những người muốn tự vẫn đến những người muốn có một công việc tốt hơn. Và nếu tin mình không đủ tiêu chuẩn, thiếu kỹ năng, không có bằng cấp nên không đủ tiêu chuẩn,... tôi đã chẳng làm những việc tôi đang làm. Vì khi đó, tôi sẽ tin tất cả những câu chuyện mình kể là đúng. Và anh cũng vậy. Có những câu chuyện anh kể về mình không hề đúng. Anh đang kể ‘Ừ, nhưng... mình không đạt tiêu chuẩn. Ừ, nhưng... mình chưa từng làm trong lĩnh vực này trước đây. Ừ, nhưng... như thế có nghĩa là mình phải đi học lấy bằng’. Anh thậm chí còn chưa thử làm những việc đó nữa”.
“Anh nói đúng.”
“Tôi nghĩ anh đang xem sự nghiệp như một câu chuyện. Anh tạo ra một câu chuyện tên là ‘Công việc Mơ ước’ và cho rằng mình phải có một ‘Bản đồ chỉ đường’. Vậy nên chúng ta phải tạo ra một câu chuyện mới mà trong đó anh có khả năng đạt được mục tiêu của mình”, Austin gật gù. “Một người bạn của tôi từng mơ ước làm bác sĩ thú y và thật sự đã thành công. Rồi anh ấy trở thành luật sư! Sau đó, anh ấy lại chuyển hướng và giờ đang làm giáo sư nghiên cứu tình trạng nghiện tại Đại học California”.
“Tôi cũng thay đổi xoành xoạch giống như thế.”
“Nhưng thế rất thú vị! Điều đó tốt mà! Vậy, chúng ta có thể chuyển những cái cớ thành nguồn động viên tinh thần bằng cách nào? Anh thử nêu một trong những cái cớ của mình xem.”
“Tôi mệt mỏi. Phải tập gym. Phải giặt giũ. Cố gắng ăn uống lành mạnh. Đó chỉ là những việc tôi đang dốc sức để làm. Sau khi làm xong thì tôi cạn kiệt sức lực.”
“Ý anh là tập gym quan trọng hơn việc theo đuổi đam mê hả?”
Trông hơi bối rối, Austin trả lời: “Có thể đúng là tôi đã ưu tiên việc đó hơn”.
“Vậy chúng ta hãy tua nhanh về thời điểm một năm sau, cũng vào ngày này giờ này, tình trạng của anh vẫn không khác gì hôm nay hoặc có thể tệ hơn.”
“Tôi không muốn như vậy”.
“Nhưng anh không muốn làm những gì cần phải làm. Vấn đề lớn nhất của anh là thiếu mục tiêu sự nghiệp. Anh cần học cách khơi dậy sự tò mò, bắt đầu tìm hiểu những ngành nghề và hướng đi khác. Anh cũng có thể hỏi thăm bạn bè công việc mà họ đang làm. Hiện tại, anh chỉ nghĩ về những con đường thông thường và nghe rất chán nản – anh đang tập trung quá nhiều vào các chướng ngại phía trước hơn là những mục đích mình muốn đạt được sau khi vượt qua chúng.”
Hai chúng tôi cùng cười to rồi Austin nói: “Anh nói đúng”. “Trí não chúng ta biết chúng ta muốn gì. Tấm bản đồ chỉ
đường mà anh muốn thật ra đã có sẵn trong đầu anh. Câu cửa miệng trước giờ của anh là: ‘Tôi không biết nữa. Muộn màng rồi. Tôi không biết cách làm’. Vì vậy chúng ta phải tạo ra một lối đi mới. Bước đi đầu tiên nào sẽ tạo hứng khởi cho anh?”
“Tôi cần bắt đầu tìm kiếm các cơ hội”, Austin trả lời.
“Ok. Anh sẽ tạo ra cơ hội. Hãy nói xem tuần này anh có thể làm gì để tạo cảm hứng tư duy khác đi. Điều gì giúp anh phục hồi năng lượng để thật sự kết nối với con người chân thực của mình và làm điều mình yêu thích?”
“Tôi cũng không rõ nữa. Tôi cũng thích leo núi, đi biển, những việc đại loại như vậy, nhưng tôi không biết liệu nó có truyền cảm hứng cho tôi hay không. Tôi làm thế suốt mà anh thấy đó, tôi vẫn cứ hoang mang mơ hồ”.
“Nào, chúng ta hãy kiểm tra lăng kính mà anh thường dùng để nhìn nhận cuộc sống. Trong lúc leo núi, anh đã không để ý cảnh vật kích thích khả năng sáng tạo của mình như thế nào. Anh không nghĩ: ‘Cái cây đó trông thật thú vị. Hình thù của nó giống như một hình tam giác. Mình sẽ vẽ lại nó khi về nhà’. Để tìm kiếm mục đích sống, chúng ta không tập trung vào vật chất mà là vào tình yêu”. Vì tôi đang trò chuyện với Austin tại phòng khách nhà tôi, nơi mà tôi đã dành nhiều công sức để trang trí cho thật đẹp, nên tôi huơ tay và nói: “Hai chúng ta đang ngồi trong phòng khách của tôi. Anh nhìn xem ở đây có thứ gì anh thấy yêu thích và có thể truyền cảm hứng cho anh không?”.
“Tôi thật sự ấn tượng với thiết kế của căn phòng. Nội thất, bề mặt của tường và nền nhà, những tác phẩm nghệ thuật đều làm tôi thấy thích thú. Tôi muốn có được các dụng cụ để tự tạo ra chúng”.
“Ừ, anh sẽ làm được nếu anh tin mình có thể”, tôi nói.
“Tôi nghĩ là con người ta có thể làm được nhưng lại không chắc mình có thể hay không.”
“Anh đang lưỡng lự, đúng không? Một phần trong anh nghĩ là khả thi trong khi phần khác thì không?”
“Đúng vậy. Cứ như có phần nào đó trong tôi không trả lời được điều gì truyền cảm hứng hay thúc đẩy tôi. Như thể tôi cố đào bới nhưng cuối cùng chẳng tìm thấy gì.”
“Tôi nghĩ anh có triệu chứng trầm cảm nhẹ”.
“Có lẽ vậy”, Austin im lặng giây lát rồi nói tiếp, “Có lẽ tìm đến bác sĩ tư vấn tâm lý không phải là ý tồi”.
“Anh có từng đi trị liệu không?”.
“Không.”
“Anh chưa đi bao giờ sao? Ôi, anh đang bỏ qua một phương pháp mà có thể sẽ rất hữu ích cho anh đó.”
“Thật ra đó là một trong những điều tôi quyết tâm làm trong năm mới: trị liệu và cố gắng xác định điều gì đang kìm hãm mình và vì sao mình như bị tê liệt. Tôi thật sự không biết chính xác lý do.”
“Tôi nghĩ đó chính là quyết định anh cần đưa ra.”
“Quyết định bắt đầu trị liệu ư?”
“Đúng vậy.”
Nghĩ ngợi một chút, Austin nói: “Tôi tin đó chắc chắn là một khởi đầu tốt”.
“Theo tôi, anh sẽ thu được nhiều lợi ích nếu tiếp nhận trị liệu. Tôi không nghĩ vấn đề lớn nhất của anh lại liên quan đến công việc.”
Nghe tôi nói, Austin ngồi gật gù và hơi cựa quậy rồi công nhận: “Đúng, có lẽ nó không liên quan đến công việc”.
“Tôi nghĩ anh chỉ là không hạnh phúc thôi.”
“Đúng vậy.”
“Vậy là anh đã có quyết định và biết đích đến đầu tiên. Tôi nóng lòng muốn biết tiếp theo anh sẽ đi đến những đâu”.
“Tôi cũng rất muốn biết”, Austin háo hức trả lời.
Bạn có nhận thấy Austin rơi vào tình trạng hoang mang như thế nào không? Mỗi lần hai chúng tôi bắt đầu nói về đam mê và cảm hứng, những yếu tố thường sẽ đưa đến một cuộc trò chuyện sâu hơn về mục đích, thì anh lại nhắc đến tiến trình. Anh nghĩ mình cần tập trung vào tiến trình nhưng không thể nghĩ ra tiến trình đó là gì và mình cần thực hiện những bước nào. Và các ý nghĩ tiêu cực cũ rích cứ xuất hiện hết lần này đến lần khác vây lấy anh, khiến anh nghi ngờ bản thân lẫn khả năng của mình và giậm chân tại chỗ. Sự hoang mang neo tâm trí Austin quanh quẩn các chướng ngại. Tôi thấy rõ anh ấy cần tháo gỡ một số khúc mắc và điều trị căn bệnh trầm cảm. Sau khi vượt qua được những điều này, anh có thể dễ dàng bắt tay vào xác định mục đích sống của mình. Quan trọng là anh cần nói ra và thừa nhận sự hoang mang theo đúng bản chất của nó.
Chỉ vài tuần sau buổi trò chuyện với tôi, Austin tìm đến Trung tâm CAST và bắt đầu điều trị bệnh trầm cảm và lo âu. Một khi anh tìm hiểu ngọn nguồn gây ra tình trạng này và học được một số kỹ thuật để kiểm soát nó, màn sương đang che mờ tâm trí của anh dần tan đi. Anh đã có thể hiểu rằng công việc và cuộc sống không nhất thiết phải tách biệt hoàn toàn. Anh cho bản thân cơ hội thoải mái khám phá những điều mình đam mê. Anh bắt đầu sống và ra quyết định như Phiên bản Tốt đẹp nhất thay vì như một người hoang mang và trầm cảm.
Thế rồi vũ trụ mang đến cho Austin một điều bất ngờ – như nó thỉnh thoảng vẫn hay làm với tất cả chúng ta. Anh bị cho nghỉ việc. Song thay vì xem đây là chướng ngại – giống như cách nghĩ của nhiều người trong tình huống này – anh ngay lập tức biến tình thế thành một cơ hội ngàn vàng để thử nghiệm và làm rõ mục đích sống thật sự của mình. Anh biết đã đến lúc để tái tạo bản thân. Khi còn nhỏ, Austin đã mê mẩn những chiếc máy bay, và trong suốt nhiều năm trời anh luôn tự nhủ đã quá trễ để theo đuổi mơ ước đó. Thế nhưng giờ đây, với bước khởi đầu mới, anh biết mình phải ngừng câu chuyện đó lại và thật sự tiến bước trên con đường hướng tới mục đích sống của mình. Khi tôi đang viết những dòng này, Austin đang nỗ lực để trở thành phi công. Nghe tin mà tôi mừng không tả xiết cho anh ấy.
TRẦM CẢM |
Khi chứng trầm cảm hay lo âu là nguyên nhân kìm hãm bạn tương tự như cách nó đã làm với Austin, thì việc đối mặt và điều trị có thể giúp bạn nhận ra nhiều điều một cách rõ ràng hơn. Lựa chọn điều trị có thể chính là Quyết định then chốt dọn đường cho bạn đến cuộc sống tốt đẹp hơn, vì nó loại bỏ các chướng ngại tâm lý đã luôn là gông cùm giữ chân bạn trong nhà tù hoang mang. Nhờ vậy, bạn sẽ dễ dàng xác định và kết nối với mục đích sống của mình. |
Giờ đây, bạn hãy xem qua các đặc điểm tổng quát của người có mục đích mơ hồ với người có mục đích rõ ràng rồi tự hỏi xem mình có đang cảm thấy hoang mang mơ hồ ở khía cạnh cuộc sống nào không? Cứ suy nghĩ câu trả lời nhưng đừng vội viết gì cả.
Mục đích mơ hồ • Suy nghĩ thái quá đến mức cảm thấy bất lực và choáng ngợp. • Do dự, không thể quyết định hay hành động. • Thiếu chủ kiến và không biết lắng nghe trực giác của mình. • Có nguy cơ trở thành người đồng phụ thuộc. • Có xu hướng cố làm hài lòng mọi người. |
Mục đích rõ ràng • Tự hỏi vì sao mình lại có quyết định thế này hay thế kia. • Hiểu rằng một số quyết định có thể không phục vụ cho “mục đích sống” của chúng ta mà vì trong tình huống cụ thể đó, chúng ta cần quyết định như vậy. • Hiểu được/tìm thấy mục đích của mình trong mọi hoàn cảnh. • Hợp tác với Nhóm Quyết định để tìm lại mục đích của mình. |
NHỮNG CƠN LỐC HOANG MANG
Cách đây không lâu, tôi có dịp cùng ăn tối với cô bạn Amy và cô ấy đang cân nhắc một quyết định khá quan trọng cho con trai. Amy là mẹ đơn thân và con trai cô đang gặp khó khăn ở trường học. Mặc cho nhiều lần nỗ lực giải quyết với ban giám hiệu, cô cảm thấy mọi chuyện chẳng đi đến đâu còn con cô thì không phát triển được trong môi trường đó. Cô muốn chuyển trường cho con hoặc để con tự học tại nhà. Nghe Amy đề cập về việc này, tôi cảm thấy thái độ cư xử của cô hoàn toàn thay đổi. Đến lúc cô tường thuật xong chi tiết tình hình, hai bàn tay cô đã bấu chặt lấy cái bàn như thể đang chuẩn bị chiến đấu. Tôi chỉ tay và hỏi: “Trông có vẻ như cậu đang trải qua trận chiến sinh tử vậy. Cậu có ổn không?”.
Amy nhìn xuống và nhận ra cả thân trên của cô đang căng cứng, đến mức cô có thể thấy rõ các mạch máu ở hai bàn tay. Cô cười nhẹ: “Hôm trước khi đang lái xe, tớ đã bấu chặt vô-lăng đến nỗi mười ngón tay tê rần. Tớ có cảm giác như thể mình đang bị một cơn lốc thổi bay vậy”.
Quê hương của Amy ở Oklahoma, trung tâm của “Thung lũng lốc xoáy”, và tôi thấy phép ẩn dụ này có thể giúp xác định vấn đề trong quá trình ra quyết định của cô bạn. “Cậu có giấy bút không?”, tôi hỏi.
Amy lôi ra trong túi tờ giấy và cây bút rồi đưa cho tôi.
“Cậu giữ đi. Tớ muốn cậu viết ra một số điều.”
“Ok...”, cô nhìn tôi với vẻ hoài nghi.
“Cậu hãy nghĩ về cơn lốc mình đối mặt mỗi lần nghĩ về quyết định quan trọng này. Giờ thì hãy liệt kê những từ hoặc cụm từ nổi bật luôn lởn vởn trong đầu cậu khi cậu cố gắng thực hiện quyết định.”
Gõ nhẹ đầu bút lên môi, Amy nghĩ ngợi giây lát và bắt đầu ghi chép. Sau đó, cô kể ra: “Tương lai của thằng bé, ý kiến của mẹ tớ, sự thay đổi lối sống, nhỡ đâu tớ sai thì sao, người mẹ tồi tệ, tiền”.
Tôi chờ Amy kể hết rồi nói: “Xem lại danh sách đó đi. Cậu cảm thấy thế nào?”.
“Rõ ràng nó làm tớ lo lắng. Những ý nghĩ này cứ thoắt ẩn thoắt hiện. Thỉnh thoảng khi nghĩ về quyết định này, bụng dạ tớ lại nhộn nhạo còn trống ngực thì đập liên hồi”.
“Và cậu nghĩ quá trình đó có giúp cậu đưa ra quyết định như thế nào ?”
Amy lắc đầu và tỏ ra chán nản: “Dĩ nhiên là tớ sẽ không có được quyết định nào đúng đắn. Nhưng tớ không thể ổn định lại suy nghĩ. Tớ hoang mang đến độ không nhận thức được gì”.
“Đúng rồi. Vậy là dường như có nhiều luồng suy nghĩ xuất hiện trong đầu cậu cùng một lúc”. Nhìn cô gật đầu và mỉm cười, tôi nói tiếp: “Và chúng vây lấy cậu hết lần này đến lần khác”.
“Chính xác. Tớ cũng đã tâm sự với rất nhiều người, Mike à. Tớ đã nhờ tất cả những người quen cho ý kiến, trong đó có các chuyên gia, các cộng đồng trên Facebook, đủ hết. Nhưng mỗi người nói một kiểu. Vì không thu được ý kiến chung nhất nên giờ đây tất cả những ý kiến đó hợp lại thành cơn lốc làm tớ vô cùng hoang mang.”
“Tớ hiểu rồi. Nhưng trong số những người mà cậu nói chuyện, có ai hiểu cậu lẫn con trai cậu và là chuyên gia trong ngành giáo dục không?”
Gương mặt đăm chiêu của Amy trông như cô ấy đang rà soát lại trong đầu danh sách những người mà cô đã hỏi xin lời khuyên. Sau đó, cô nói: “Ừm, thật ra là không có ai. Những người này hoặc là quen mẹ con tớ hoặc có hiểu biết về trường tư hoặc cho trẻ học tại gia”.
“Ok. Vậy tớ nghĩ một trong những có ích cho cậu là tìm một nhà tâm lý học trẻ em, người này có thể đánh giá con trai cậu và sau đó cho ý kiến về kiểu trường học phù hợp nhất với thằng bé – bởi vì dường như ý kiến từ những người khác chỉ khiến cậu hoang mang hơn mà thôi. Cậu đồng ý với tớ không?”
“Chắc chắn rồi. Ý hay đó.”
“Nhưng tớ muốn hỏi cậu điều này: Cậu muốn gì khi đưa ra quyết định này? Mục đích của cậu là gì đối với việc chọn trường cho con?”
“Hừm. Tớ không rõ cụ thể mình muốn gì nữa. Ý tớ là, dĩ nhiên tớ muốn điều tốt nhất cho con trai, nhưng tớ đang mâu thuẫn liệu mình tự tay dạy con học hay không và cuộc sống đó sẽ như thế nào. Cậu biết đó, tớ phải đi làm nên làm sao tớ có thể vừa làm việc vừa dạy con đây? Làm sao tớ đảm bảo rằng dù lựa chọn như thế nào thì điều mình đang làm cũng là tốt cho con? Tớ không biết phải làm gì nữa.”
“Hãy liệt kê ba từ hoặc cụm từ mà cậu nghĩ ra về mục đích của cậu đối với việc học hành của con trai xem.”
Amy cứ viết một chút là ngừng lại. “Đảm bảo thằng bé được lắng nghe, giúp con yêu việc học, cùng con sống vui vẻ”, cô cầm tờ giấy lên đọc rồi thở thật sâu.
“Cậu cảm thấy thế nào?”
“Tớ thấy khá hơn rất nhiều. Cách này giúp đơn giản hóa vấn đề.”
“Cậu có nghĩ nếu tập trung vào những ý nghĩ này thay vì các luồng suy nghĩ và nỗi hoang mang thì cậu sẽ dễ dàng đưa ra quyết định hơn không?”
“Ừ, đúng vậy. Tớ nghĩ tớ đã quên mất mục đích cuối cùng là tớ mong con trai có được những điều tốt đẹp nhất. Tớ đã quá tập trung vào ý kiến của mọi người.”
“Giờ cậu hãy xem lại danh sách lốc xoáy lúc nãy. Cậu cảm thấy thế nào?”
“Không tệ lắm. Tớ có cảm giác gần giống như mình đang nhìn nó từ trên cao. Các cơn lốc vẫn ở đó nhưng không thể chạm đến tớ. Cậu hiểu ý tớ không? Tớ không còn thấy sợ hãi như lúc trước nữa.”
“Và cậu không còn bấu chặt lấy cái bàn như thể sợ mình sắp bị thổi bay nữa. Có tiến bộ đó”, tôi nói và cùng cười thành tiếng với Amy.
TỪ MỤC ĐÍCH MƠ HỒ THÀNH MỤC ĐÍCH RÕ RÀNG
Bạn có đang cảm thấy mơ hồ về một quyết định cần đưa ra không? Hay bạn do dự vì còn bối rối về khía cạnh cuộc sống mà mình muốn cải thiện nhất? Nếu vậy, bạn có thể tham khảo bảng ví dụ bên dưới để hình dung sự khác nhau giữa một mục đích mơ hồ với một mục đích rõ ràng trong thực tế là như thế nào.
MỤC ĐÍCH MƠ HỒ |
MỤC ĐÍCH RÕ RÀNG |
Tôi phải quyết định sao cho thu được kết quả đúng, nếu không thì tôi sẽ hối hận. |
Không có kết quả nào là đúng hay sai, phù hợp hay không phù hợp. Tôi sẽ tập trung vào quyết định thay vì kết quả, và để mọi chuyện thuận theo tự nhiên. |
Mỗi người nói mỗi kiểu làm tôi chẳng biết quyết định thế nào. |
Tôi sẽ trò chuyện với những người trong Nhóm Quyết định vì họ có thể nhắc tôi nhớ lại mục đích ban đầu của tôi là gì. Tôi sẽ dựa vào lời khuyên của họ để hành động theo mục đích đó. |
Tôi không hiểu tại sao mình lại làm vậy nữa. Tôi cảm thấy không có động lực và như thể đang lạc lối. |
Tôi biết tôi là ai. Tôi sẽ để cho sự thật đó dẫn lối và truyền cảm hứng cho mình. |
BÀI TẬP
Giờ thì bạn hãy nghĩ về một quyết định mình có thể hoặc cần đưa ra. Trong bảng bên dưới, hãy điền vào cột “Mục đích mơ hồ” bất kỳ suy nghĩ nào thể hiện cảm giác hoang mang của bạn về quyết định đó. Tiếp theo, hãy nghĩ xem làm thế nào bạn có thể xác định lại mục đích và hành động tương ứng với con người chân thực của mình. Hãy viết những suy nghĩ này vào cột “Mục đích rõ ràng”.
MỤC ĐÍCH MƠ HỒ |
MỤC ĐÍCH RÕ RÀNG |
Khi đã có mục đích rõ ràng, bạn nhìn thấy những cơ hội nào mà mình không nhận ra khi tâm trí còn mơ hồ?
Cuối cùng, khi tập trung vào những cơ hội này và ghi nhớ mục đích của mình, bạn có thể đưa ra quyết định gì để cải thiện cuộc sống?
THOÁT KHỎI SỰ MƠ HỒ VÀ TÌM LẠI MỤC ĐÍCH SỐNG
Bất cứ khi nào bạn băn khoăn không biết vì sao mình rơi vào tình huống hiện tại hay đang làm một công việc mà mình không thích thú, hoặc bạn cần tìm lại nguồn cảm hứng hay đơn giản là không rõ phải làm gì tiếp theo, việc xác định mục đích sống sẽ giúp tháo gỡ gút mắc cho bạn.
Ở Chương 9, chúng ta sẽ khám phá loại Lực cuối cùng trong FORCE nhằm hiểu được cách mà các cảm xúc của bạn đôi khi có thể cản trở bạn nhìn thấy sự thật. Hãy cùng bắt đầu thôi!