Cảm xúc có thể ảnh hưởng cực kỳ lớn đến chúng ta. Nếu bạn từng lo lắng đến kiệt sức, tức giận mù quáng hoặc suy sụp vì buồn bã, thì ắt hẳn bạn hiểu ý tôi muốn nói gì. Mặt khác, bạn chắc cũng đã trải nghiệm được sức mạnh của cảm xúc nếu có lần vui sướng như ở trên chín tầng mây, thấy biết ơn khôn tả xiết hay buồn cười chảy nước mắt. Con người chúng ta là những sinh vật thiên về cảm xúc và chúng ta tiến hóa theo hướng này vì nhiều nguyên nhân. Cảm xúc gắn kết các mối quan hệ và cộng đồng đồng thời bảo vệ và truyền động lực cho chúng ta, giúp chúng ta đạt được những mục tiêu chung của xã hội thông qua việc thúc đẩy ta sáng tạo những kỹ thuật và giải pháp mới. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát thì cảm xúc có thể khiến chúng ta đưa ra những quyết định vô lý, thiếu chân thực và gây hại cho ta lẫn những người xung quanh.
Cân bằng cảm xúc là kỹ năng quan trọng, đặc biệt khi liên quan đến việc ra quyết định.
Chúng ta có thể biết mình đang mất cân bằng cảm xúc khi ta bắt đầu không xác định được đâu là sự thật và đâu là điều mà ta cảm thấy là thật. Nếu quyết định dựa trên những gì mình cảm thấy thì tức là ta suy luận dựa trên cảm xúc, còn nếu quyết định dựa trên những thông tin có thực thì tức là ta suy luận dựa trên bằng chứng xác thực. Khi suy luận bằng cảm xúc, chúng ta tin cảm xúc chính là sự thật. Trái lại khi xem xét các bằng chứng, chúng ta có thể phân biệt và đặt những cảm xúc thoáng qua sang một bên, từ đó tránh được những quyết định không giúp ích cho mình.
Bất kỳ ai trước giờ luôn lấy cảm xúc làm chiếc la bàn định hướng cuộc sống đều có thể gặp khó khăn lúc đầu khi chuyển từ lập luận dựa trên cảm xúc sang dựa trên bằng chứng. Thế nhưng đây là một bước chuyển đổi cực kỳ xứng đáng vì nó tạo điều kiện cho bạn chịu trách nhiệm và định hình cảm xúc của mình thay vì chỉ liên tục phản ứng lại với mọi chuyện xảy ra. Bạn không cần phải lo lắng ai đó sẽ làm tổn thương mình, hay những sự kiện mỗi ngày sẽ làm bạn vui sướng hay đau khổ. Và như thế, hạnh phúc sẽ đến từ bên trong bạn, từ Phiên bản Tốt đẹp nhất thay vì đến từ những yếu tố bên ngoài. Đây có thể là một quá trình truyền cho bạn sức mạnh, lòng tự tin và sự tự do để điều hòa cảm xúc, nhờ vậy bạn sẽ có những lựa chọn sáng suốt giúp lòng bạn bình an bất kể kết quả có như thế nào đi nữa.
TÔI CẢM THẤY KHÔNG MUỐN LÀM... |
Toàn bộ quá trình phát triển và trưởng thành của chúng ta xảy ra khi ta bước ra khỏi vùng an toàn của mình và buộc bản thân hành động ngay cả khi ta “cảm thấy không thích làm”. Nếu để cảm xúc dẫn dắt mọi hành động, rất có thể chúng ta sẽ không bao giờ phát triển. Vì vậy, khi chúng ta tự nhủ: “Hôm nay, mình sẽ không làm bài tập trong quyển sách này vì mình cảm thấy không muốn làm”, hay “Hôm nay, mình sẽ không tập thể dục vì mình cảm thấy không muốn làm”, hay “Mình sẽ không làm bữa trưa cho con vì mình cảm thấy không muốn làm”, ta cần tự hỏi liệu cảm xúc của ta có quan trọng hơn lý do ta làm điều cần làm hay không. Chín trên mười lần, ta sẽ cảm thấy vui hơn khi cuối cùng cũng làm điều đó. Bạn không thể lúc nào cũng nghe theo cảm xúc mà phải xem xét những dữ kiện xác thực. |
CẢM XÚC CỦA ROCCO
Không phải lúc nào ta cũng dễ dàng biết rằng mình đang quyết định dựa trên cảm xúc, đặc biệt là khi ta đã trao quyền cho cảm xúc lèo lái cuộc đời mình trong suốt một thời gian dài. Vì quen suy luận theo cảm xúc, chúng ta lẫn lộn giữa cảm nhận của mình với sự thật và tin rằng nếu ta cảm thấy thế nào thì hiện thực chính là thế đó. Tuy nhiên, tôi phát hiện khi bắt đầu phân tích những động cơ thúc đẩy hành động, chúng ta có thể tìm ra các khía cạnh của cuộc sống mà mình đã dựa trên cảm xúc chứ không phải bằng chứng để ra quyết định.
Ở một buổi khai vấn gần đây với vị khách hàng tên Rocco, tôi đã chứng kiến việc này xảy ra. Rocco luôn hứng thú với chủ đề phát triển bản thân và đã thực hành việc này trong nhiều năm qua, vì vậy anh có tư duy rất cởi mở và sẵn sàng khám phá bất kỳ cơ hội nào giúp cải thiện con người mình.
Để bắt đầu, hai chúng tôi đánh giá nhiều khía cạnh cuộc sống của Rocco và anh cho mỗi mục mức điểm trung bình – tức là nó có thể tốt hơn nhưng không cần thay đổi gấp. Song, khi đến mục “cuộc sống gia đình”, anh lập tức cho 1 điểm. Sau đây là diễn biến tiếp theo.
“Sao anh đánh giá khía cạnh này thấp quá vậy? Cụ thể là anh nghĩ đến ai khi cho điểm?”, tôi hỏi.
“Mẹ tôi mất ba năm trước, nên đây là về mối quan hệ giữa tôi với cha. Ông ấy đang gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng và tôi nghĩ chuyện đó có ảnh hưởng đến mình.”
“Tôi hiểu rồi. Khía cạnh sức khỏe tinh thần của anh thì thế nào?”
“Tôi thấy rất vui vẻ nên sẽ cho mục đó 9 hoặc 10 điểm. Dĩ nhiên điểm này luôn có thể cao hơn”, anh nở nụ cười đầy tự tin.
“Anh thật sự cảm thấy vui. Tuyệt lắm.”
“Đúng vậy”. Rocco cựa quậy người một chút trên chiếc ghế dài trong phòng khai vấn.
“Ok. Còn tình hình các mối quan hệ yêu đương thì sao?”
“Tôi vừa kết thúc một mối quan hệ nghiêm túc và hiện chưa có người mới. Tôi sẽ cho khía cạnh này 5 điểm. Giờ tôi có thể phát hiện giỏi hơn những dấu hiệu cho thấy một mối quan hệ không ổn và có thể cảm nhận được người nào toát ra nguồn năng lượng mình mong muốn kết nối”. Câu trả lời cho thấy anh rõ ràng đã suy nghĩ nhiều về chuyện này.
“Anh cảm thấy mình đã và đang có những quyết định không hữu ích ở khía cạnh nào?”
Như thể đồng điệu với câu hỏi cuối cùng, Rocco nói mỗi lúc một nhanh hơn: “Tôi đoán là mình không hài lòng về những quyết định trong các mối quan hệ. Vấn đề nan giải là dường như tôi luôn bị thu hút bởi một kiểu người. Chuyên viên hướng dẫn trong nhóm Al-Anon gọi tôi là ‘anh chàng nghiện cứu rỗi’ vì tôi cứ cố quen với người có rắc rối”. (Trong trường hợp bạn chưa nghe về Ngôi nhà lớn Al-Anon, thì đây là một tổ chức giúp đỡ gia đình và bạn bè của người nghiện rượu.)
“Vậy anh bị thu hút bởi những người cần anh giúp họ?”
“Không phải lúc nào tôi cũng giúp đỡ họ, nhưng đúng là vậy. Tôi bị họ thu hút bởi vì sự ảnh hưởng của mẹ tôi và đó là chuyện đã xảy ra trong mối quan hệ mới đây của tôi.”
“Về mẹ anh... Giờ tôi nhớ ra là anh có kể chuyện bà ấy cũng nghiện. Bà ấy mất khi bao nhiêu tuổi?”
“Mẹ tôi mất ở tuổi năm mươi vì dùng thuốc an thần và ma túy quá liều.”
“Vậy là anh lớn lên trong môi trường bất ổn, đúng không?”. Thấy Rocco gật đầu, tôi tiếp tục: “Việc chăm sóc người khác trở thành một thói quen bình thường với anh? Và đó là điểm chung trong các mối quan hệ của anh?”.
Anh thể hiện sự đồng ý bằng cách kể câu chuyện của mình: “Đúng rồi. Hồi còn bé, tôi không có chỗ ở ổn định mà thường chuyển từ nơi này sang nơi khác, có lúc phải thức dậy giữa đêm để đi đến nhà bạn của mẹ tôi. Vì là con một nên tôi luôn phải kết thân với mọi người để có ai đó bầu bạn. Tôi đã chứng kiến nhiều lần bà dùng thuốc quá liều và lúc đó tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Mẹ ly hôn với cha vào năm tôi lên bảy tuổi. Sau đó, bà hẹn hò với người khác và thậm chí từng có lần đính hôn nhưng mọi chuyện đều không thành. Bà phải bán nhà và chúng tôi chuyển vào sống trong một căn hộ. Tôi bắt đầu nhận thấy bà nghiện thuốc. Sau đó, tôi chuyển đến sống với cha và tình hình của bà dần trở nên tệ hơn. Bà mất luôn công việc mà mình đã làm suốt mười lăm năm. Tuy bà tìm được một công việc khác có mức lương khá nhưng cuối cùng cũng không giữ được. Tác động tiêu cực của việc nghiện ngập ngày càng xấu hơn và những người mà bà quen cũng có nhiều vấn đề hơn”.
Đáng buồn là câu chuyện thời thơ ấu của Rocco không hiếm gặp. Theo kết quả của Khảo sát Quốc gia về Sức Khỏe và Tình trạng Sử dụng Chất kích thích, với trẻ em dưới mười bảy tuổi thì cứ 8 trẻ thì có 1 trẻ (tính tỉ lệ thì là có đến 8,7 triệu trẻ em Hoa Kỳ) sống trong gia đình có ít nhất cha hoặc mẹ sử dụng chất kích thích.
“Trong các mối quan hệ, anh thường quen với những người không lành mạnh sao?”, tôi hỏi.
Anh hơi nhíu mày: “Những mối quan hệ gần đây nhất của tôi cực kỳ độc hại”.
“Cảm giác nó mang lại có giống với những gì anh chứng kiến hồi nhỏ không?”
“Có. Thật ra cha tôi từng nói người yêu cũ của tôi gợi cho ông nhớ về mẹ tôi. Khi nghe vậy, tôi nghĩ: ‘À, ý cha là những kỷ niệm đẹp về mẹ’, nhưng khi mối quan hệ đó của tôi kéo dài thì tôi nhận ra chuyện không đơn giản như vậy.”
“Hãy cho tôi biết khi anh có một quyết định chẳng hạn như liên quan đến người yêu cũ, cảm xúc ảnh hưởng đến quyết định của anh như thế nào? Ví dụ, anh có nghĩ mình quyết định quen cô ấy vì bị cảm xúc của mình thôi thúc không?”
“Chắc chắn có. Khi đó, tôi cảm thấy cô ấy là tất cả đối với tôi.”
“Đó có phải cảm xúc vui sướng không?”
Rocco ngập ngừng rồi trả lời: “Tôi tự kể một câu chuyện và tìm lý do để thuyết phục bản thân dù tôi cực kỳ căng thẳng và cảm thấy như cô ấy có thể bỏ đi bất cứ lúc nào”.
“Tôi hiểu rồi. Anh có thể giải thích chính xác những gì đã xảy ra với người yêu cũ được không?”
“Chúng tôi quen nhau và tôi nghĩ mình bị tiếng sét ái tình ngay buổi tối đầu tiên gặp cô ấy. Mọi chuyện thật tuyệt vời.”
“Có phải anh đã nghĩ: ‘Đây là người phụ nữ mình muốn lấy làm vợ’?”
“Đúng rồi”, Rocco hồi tưởng về tối đó.
“Anh gặp cô ấy ở đâu?”, tôi tò mò muốn nghe chi tiết khung cảnh của chuyện-tình-sét-đánh.
“Ở hộp đêm”, anh cười to.
“Lúc đó anh có đang tỉnh táo không? Còn cô ấy thì sao?”, tôi cũng cười một chút để hưởng ứng.
“Cô ấy đang uống rượu.”
“Còn anh đang làm gì?”
“Đang bay”, anh thừa nhận.
“Vậy là anh đang say thuốc lắc vào đêm gặp cô ấy và thuyết phục bản thân rằng anh yêu cô ấy. Nhưng chẳng phải lúc say thuốc thì gặp ai ta cũng yêu sao?”. Hai chúng tôi cùng cười nắc nẻ.
“Ừ, nhưng nó không giống là tôi yêu cô ấy.”
“Hai người có về chung không?”
“Có.”
“Anh có chia tay cô ấy vào hôm sau không? Chuyện gì xảy ra sau đó?”
“Sau giây phút đó, chúng tôi không rời nhau nửa bước trong suốt... hai... năm.”
“Ok. Hai người quen nhau bao lâu thì anh cầu hôn cô ấy?”
“Một năm rưỡi.”
“Trong thời gian đó, cả hai có tranh cãi với nhau không?”
“Ồ, nhiều là đằng khác”, Rocco trả lời không do dự nhưng ánh mắt anh thì nhìn xuống sàn nhà.
“Nhiều lắm hả?”
“Ừ. Nhưng tôi chưa từng là người gây chiến trước, và tôi luôn tự hỏi: ‘Tại sao lại cãi nhau vậy? Chuyện này đâu có đáng tranh cãi’. Tôi là người cởi mở. Mặc dù có chính kiến riêng nhưng tôi sẽ không bao giờ tranh cãi vì những chuyện vớ vẩn. Tôi không bao giờ giận quá mất khôn mà sẽ suy nghĩ khách quan, giữ bình tĩnh và trao đổi với đối phương. Thế nhưng đối với cô ấy thì chỉ cần tôi mua thiếu một hộp cơm, cô ấy sẽ nói ‘Anh không lắng nghe em. Anh không hiểu em’. ”
“Vậy là anh biết mình đang quen một người sẽ nổi giận chỉ vì anh mua thiếu một hộp cơm. Kể tôi nghe quá trình anh quyết định cầu hôn cô ấy đi. Hai người đã cãi nhau bao nhiêu lần?”
“Có lẽ khoảng hai mươi trận cãi vã to tiếng.”
“Hai mươi. Ok. Vậy có bao nhiêu trận cãi vã nhỏ hơn?”
“Chúng luôn luôn là về việc tôi đã làm sai gì đó, hoặc cô ấy sẽ
nói ‘Anh đang đóng vai nạn nhân’ hoặc ‘Hãy kết bạn với những người này”. Cô ấy cũng luôn hỏi tôi nghĩ tôi là ai. Tôi tưởng cô ấy đang thử thách mình trở thành con người tốt đẹp hơn và tôi cảm thấy như mình yêu cô ấy. Tôi kể câu chuyện mình phải làm mọi thứ cho cô ấy và biện minh rằng cô ấy đang giúp mình phát triển.”
“Anh lý luận rằng tình yêu của anh dành cho cô ấy vượt trên tất cả những mâu thuẫn và cãi vã?”
“Tôi yêu cô ấy nhiều đến nỗi sẽ biện hộ cho bất cứ chuyện gì xảy ra”. Nét mặt của anh trông hơi khác. Có vẻ anh đang bắt đầu trải nghiệm một tầng nhận thức mới.
“Vậy là thói quen suy luận dựa trên cảm xúc ngăn anh xem xét các tín hiệu bất ổn và tìm điều tốt nhất cho anh. Đơn giản là anh quá yêu cô ấy nên không màng đến những việc cô ấy làm, đúng không?”
Nhẹ gật đầu và ngả người ra sau, anh kể: “Tôi nhớ mình từng nói rằng dù cô ấy có ngoại tình thì tôi cũng sẽ tha thứ vì tình yêu của tôi đối với cô ấy quá sâu đậm”.
“Anh dùng cảm xúc để lý giải cho mọi thứ sao?”
“Đúng vậy, mọi thứ”. Anh nở nụ cười như thể đã hiểu rõ điều gì đó sau tất cả những gì xảy ra trong quá khứ.
“Anh nhận ra thói quen này, đúng không? Vì anh đang cười kìa”, tôi nói và cùng cười thành tiếng với Rocco.
“Chuyện này thật hài hước, bởi tôi là người khá logic và không đa cảm đến mức này. Nhưng bây giờ tôi phát hiện ra là vì tình yêu mà tôi đã để cảm xúc điều khiển mọi thứ.”
“Nghe giống như anh đã phớt lờ các bằng chứng vậy.”
Anh lại gật gù: “Ừ. Và mọi người đều nhận thấy điều đó, bao gồm cả chuyên viên hướng dẫn tôi trong Al-Anon và những người quen biết tôi”.
“Thế thì tại sao anh không làm vậy nữa? Vì tôi nghe có vẻ khi rơi vào lưới tình, anh thường lờ đi các thông tin có thật.”
“Tôi cảm thấy câu trả lời này liên quan đến việc tôi đã chứng kiến mẹ mình trải qua tất cả những chuyện đó. Tôi thường tự nhủ về bạn gái: ‘À, tuần này cô ấy dùng thuốc nên mới cư xử như vậy’, hoặc ‘Vì cô ấy từng bị cưỡng hiếp và bị lạm dụng tình dục nên cô ấy thường chạy ra ban công và la hét cầu cứu như thể mình đang giam cầm cô ấy’. Tôi đã tìm lý do biện minh tại sao cô ấy nói cô ấy không hạnh phúc. Tôi luôn nói: ‘Anh không phải người chịu trách nhiệm làm em hạnh phúc. Anh là người yêu của em và anh ở đây để yêu thương, ủng hộ và giúp đỡ em bằng những gì anh có thể, nhưng anh không thể giúp em tìm thấy hạnh phúc. Đó là việc em phải làm.’”
“Có một khái niệm mà tôi gọi là Ông Kẹ. Những điều xảy ra với mẹ đã khắc sâu trong anh một câu chuyện mà anh tin tưởng mạnh mẽ. Câu chuyện đó nói rằng yêu thương ai đó nghĩa là phải chịu đựng sự điên rồ của họ hoặc chấp nhận bị họ bỏ mặc hay ngược đãi về thể xác hoặc tinh thần, hoặc tất cả những điều này. Đó là những gì anh học được trong lúc lớn lên nên anh luôn tin làm vậy là đúng. Thế nhưng câu chuyện đó không đúng mà chỉ là câu chuyện tiêm nhiễm vào đầu anh. Đến tận bây giờ khi anh đã trưởng thành, những lời kể đó vẫn bám theo anh. Để giành lại quyền kiểm soát từ Ông Kẹ này, anh cần đưa ra quyết định thay đổi nào?”
Sau một hồi đăm chiêu, anh trả lời: “Tôi nghĩ rõ ràng là tôi cần yêu thương và tôn trọng bản thân hơn, và tôi cần đặt ra những giới hạn về những gì mình có thể và không thể chịu đựng. Tôi không nên nhẫn nhịn khi bị bỏ mặc hoặc ngược đãi hay cố gắng biện minh dựa trên cảm xúc của tôi đối với ai đó. Nếu nhìn thấy tín hiệu bất ổn, tôi cần trân trọng bản thân hơn và thay đổi chính mình thay vì cố sửa chữa đối phương. Có người từng nói với tôi rằng bệnh nào thuốc đó. Tôi đã bị chấn thương tâm lý và cảm xúc bởi việc mẹ tôi nghiện hút suốt ba mươi lăm năm và tôi phải chứng kiến việc đó từ năm mười ba tuổi. Bài tập thiền và những quyển sách phát triển bản thân chưa đủ để chữa lành tổn thương này cho tôi. Tôi cần chữa dứt nó để lấy lại sự cân bằng, khi đó tôi mới có thể xây dựng mối quan hệ yêu thương đích thực trong đời mình”.
“Đúng rồi. Anh có thể tạo cho bản thân sự tự tin và mạnh mẽ và để sức mạnh đó ngăn anh không đi vào vết xe đổ”
“Bởi vì tôi cứ rơi vào cạm bẫy đó suốt.”
“Tôi nghĩ tiếp nhận điều trị là một quyết định hay có thể giúp anh chuyển đổi và tìm kiếm cách nhìn nhận mới về tình yêu cũng như sự gắn bó với nó. Anh có thể quyết định trở nên chủ động hơn vì nếu không thì, như anh nói, nhiều khả năng anh sẽ ngựa quen đường cũ. Tôi có thể giới thiệu anh với một bác sĩ tâm lý để anh bắt đầu hành trình chữa lành bởi chúng ta không thể chỉ nhận biết vấn đề rồi nó sẽ tự động khắc phục được. Anh từng đi trị liệu bao giờ chưa?”
“Tôi chưa đi bao giờ.”
“Dù không đi nhưng xem anh cải thiện nhiều đến mức nào rồi kìa!”
Rocco cười nói: “Tất cả đều là nhờ tôi đọc sách và nghiên cứu để tìm hiểu nguyên nhân vì sao mình như vậy. Tôi đã phát hiện ra nhiều đặc điểm hình thành nên con người mình. Mẹ lúc nào cũng rất tự hào về tôi nếu không muốn nói là quá mức, còn cha tôi thì chú trọng thể diện. Tôi muốn làm cho cha tự hào về mình và cũng mong nhận được sự quan tâm chân thành từ mẹ. Bà mua đồ cho tôi nhưng thường yêu cầu tôi phải làm theo lời bà thì mới được thưởng. Trong khi đó, điều tôi mong muốn thật ra là mẹ cùng cha đến xem tôi chơi bóng khi mẹ đang tỉnh táo và minh mẫn chứ không phải trong tình trạng say thuốc. Tôi muốn mẹ hiện diện bên mình cả về thể xác lẫn tinh thần. Và dường như tôi cũng đã cố giành được tình yêu thương đó từ cha và thất bại. Mẹ khoe với mọi người về tôi nhưng tôi không cảm nhận được là mẹ thật sự yêu tôi bởi nếu bà ấy yêu tôi và tự hào về tôi thì tại sao bà ấy không vì tôi mà cai nghiện”.
Đoạn, anh ngừng lại. Cảm xúc chất chứa trong những lời anh vừa nói khiến bầu không khí trở nên nặng nề. Anh nhìn vào khoảng không với ánh mắt đầy tâm sự. Tôi đáp lại: “Anh cần nói chuyện với ai đó về tất cả những việc này, liên kết các dữ kiện lại và hàn gắn vết thương lòng. Bởi vì hãy nhớ một điều: Đó là quyết định chữa lành quá khứ để thay đổi tương lai”.
“Kiểu như tôi cần đặt mục tiêu vượt qua quá khứ của mình.”
“Đúng vậy. Cách này giúp anh có thể tạo ra một hiện thực khác đi và bắt đầu ra quyết định dựa trên các bằng chứng thay vì cảm xúc. Anh nghĩ mà xem, ta thật sự không thể yêu ai đó từ giây phút đầu tiên được, đặc biệt là khi ta đang ở hộp đêm. Anh phải cân nhắc các dữ kiện xác thực, xem xét toàn bộ tình huống, tự hỏi có yếu tố nào khác đang tác động đến mình hay không. Dữ kiện xác thực ở đây là anh không thể biết rõ một người trong những hoàn cảnh như thế và trong khoảng thời gian ngắn như vậy. Anh cần tìm hiểu xem đối phương có đối xử tử tế với anh hay không? Có bằng chứng nào cho thấy đây là một mối quan hệ lành mạnh và tích cực cho cả hai người hay không? Thay vì để tiếng sét ái tình dẫn lối, anh cần nhớ rằng bằng chứng thì quan trọng hơn cảm xúc.”
“Khi anh nói về bằng chứng, tôi nhớ lại là... người yêu tôi thật ra có nói cô ấy không muốn ở bên tôi, nhưng lúc đó tôi trả lời: ‘Không đâu, vì đang giận anh nên em mới nói vậy’. Giờ thì tôi hiểu sự thật là cô ấy đang cho tôi biết cô ấy không hạnh phúc, nhưng lúc đó tôi để cảm xúc điều khiển mình. Đáng lẽ tôi nên nói: ‘À, em không muốn ở bên anh, em không hạnh phúc. Vậy thì chúng ta nên chia tay.’”
“Hoặc anh có thể nói ‘em không phải là người mà anh cần’. Lúc còn bé, anh không thể lựa chọn người thân và bạn bè, nhưng bây giờ thì anh có thể. Vấn đề không phải là cô ấy muốn ở bên anh hay không mà là mối quan hệ này không lành mạnh đối với anh”. Tôi nói tiếp: “Tôi và anh đều biết ngay từ đầu là việc gặp gỡ ai đó ở hộp đêm và trong tình trạng phê thuốc sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp. Tôi nghĩ bước đi đầu tiên chính là nhận thức được điều đó”. Hai chúng tôi cười thành tiếng khi nhắc đến chân lý đơn giản đó.
Ngay tuần sau, Rocco bắt đầu tiếp nhận trị liệu – quyết định đầu tiên để anh hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Anh đã cải thiện bản thân rất nhiều nhờ vào việc tự nghiên cứu, có tinh thần sẵn sàng và óc tò mò muốn tìm hiểu về hành vi của mình. Anh cũng phát triển được khả năng nhận thức sâu sắc về mối liên hệ giữa quá khứ và các quyết định trong hiện tại. Giờ đây, anh có thể chọn chấm dứt các thói quen tai hại, đặc biệt là trong những mối quan hệ của mình.
Trong buổi khai vấn đầu tiên, Rocco không cảm thấy cần thay đổi khía cạnh đời sống tình cảm, nhưng khi bắt đầu nói về các mối quan hệ thì anh liên kết các dữ kiện và nhận ra mình đang suy luận dựa trên cảm xúc như thế nào. Đã có một sự biến chuyển lớn trong anh. Đó là gì? Anh đã xem xét các bằng chứng.
Thay vì để cảm xúc quyết định điều gì là thật, anh thay nó bằng các dữ kiện xác thực. Chúng ta không thể biết quyết định nào hữu ích với mình bằng cách cảm nhận. Chỉ vì ta có một cảm giác nhất định cũng không làm cho suy nghĩ của ta biến thành sự thật. Rocco cảm thấy anh ấy yêu một người không quan tâm đến anh, đối xử tệ với anh và không thể gắn kết trong một mối quan hệ chân thành. Thế nhưng khi lùi lại xem xét tất cả các bằng chứng về cách anh được nuôi dưỡng từ nhỏ, và bối cảnh cuộc gặp gỡ và những lời mà người yêu của anh lặp lại nhiều lần rằng cô ấy không muốn quen anh, Rocco đã hiểu cảm xúc của mình không phải là sự thật và chắc chắn không xuất phát từ Phiên bản Tốt đẹp nhất hay mang lại cho mình cuộc sống tốt đẹp hơn.
Gần đây, tôi có hỏi thăm tình hình của Rocco. Anh ấy cho tôi biết anh đã ý thức rất rõ và có khả năng xác định những xu hướng quyết định dựa trên cảm xúc của mình để ngăn mình phạm sai lầm. Anh cũng bước vào hành trình khám phá cách xây dựng các mối quan hệ dựa trên bằng chứng. Đôi khi, chúng ta chỉ cần ý thức rõ hơn một chút về bản thân là có thể nhận ra những thói quen tai hại này.
SUY LUẬN DỰA TRÊN BẰNG CHỨNG
Suy luận bằng cảm xúc khiến chúng ta phớt lờ các bằng chứng và tự nhủ: “Ừ, nhưng mình cảm thấy thế này mà”. Đó là một góc nhìn rất thiển cận vì nó khiến chúng ta bị đóng khung trong cảm xúc của mình. Những quyết định trực tiếp bắt nguồn từ suy luận theo cảm xúc thường bốc đồng, không hữu ích và không do Phiên bản Tốt đẹp nhất đưa ra. (Như khi Rocco quyết định trong cơn đê mê rằng anh yêu người phụ nữ mình vừa gặp trong hộp đêm chẳng hạn).
Như bạn đã thấy ở trường hợp của Rocco, “mẹo” ở đây là hãy suy luận dựa trên bằng chứng. Đó chính là cách giúp bạn đồng điệu trở lại với con người thật của mình. Tương tự như cách một thám tử thu thập tất cả bằng chứng trước khi kết luận điều gì, chúng ta phải làm giống như vậy trước khi ra quyết định, dù sức mạnh của cảm xúc có thể khiến việc này rất khó khăn đi nữa.
Nỗi sợ ngăn chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn bằng cách kìm hãm ta trong vùng an toàn, khiến ta không dám thực hiện những bước đi mạo hiểm hợp lý và đón nhận những phần thưởng to lớn. Tất cả là vì ban đầu ta không cảm thấy thoải mái khi làm vậy. Nỗi sợ cũng kích thích chúng ta vẽ ra những câu chuyện hoàn toàn không đúng sự thật. Một khi chúng ta chịu gạt bỏ nỗi sợ hay bất kỳ gông cùm cảm xúc nào sang một bên để xem xét các dữ kiện có thật thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Trong trường hợp của tôi, khi xây dựng hình ảnh người của công chúng, tôi phải đối diện với sự thật rằng mình không thoải mái với việc diễn thuyết. Chỉ nghĩ về nó là đã đủ khiến năng lượng của tôi sụt thê thảm, và tôi né tránh nó suốt nhiều năm trời! Vì nói chuyện trước nhiều người làm tôi cảm thấy khó chịu nên tôi nghĩ việc này không dành cho mình. Tôi đã để cảm xúc điều khiển khả năng tôi suy luận.
Thế nhưng khi quyết định xem xét bằng chứng thay vì cảm xúc, tôi phát hiện thật ra tôi đã diễn thuyết trước người khác trong một thời gian dài dưới hình thức trình bày các ý tưởng và phương pháp mới tại Trung tâm CAST. Bên cạnh đó, tôi cũng luôn làm việc theo nhóm với những nhân vật nổi tiếng trong nhiều năm qua. Thực tế là suốt hai thập kỷ, tôi liên tục rèn giũa các kỹ năng cần thiết cho các bối cảnh đông người hơn. Chuyển sang đứng trước ánh đèn sân khấu và màn ảnh nhỏ thật ra dễ dàng hơn tôi tưởng tượng nhiều. Khi đã vượt qua cảm xúc để suy luận dựa trên bằng chứng, tôi nhìn thấy rất rõ Quyết định: Tôi sẵn sàng diễn thuyết nhiều hơn.
Giờ đây tôi là khách mời thường xuyên xuất hiện trên chương trình Dr. Phil, và tôi diễn thuyết trước hàng ngàn người tại sự kiện của các doanh nghiệp khắp nơi trên thế giới để trình bày quan điểm của mình về việc làm sao để mọi người có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi sáng lập kênh podcast mang tên Always Evolving with Coach Mike như một cơ hội để gặp mặt trò chuyện với những con người tài hoa và tìm hiểu cách họ ra quyết định. Tôi có những buổi khai vấn trực tiếp trên Instagram và Facebook để kết nối sâu hơn với những người theo dõi tôi cũng như để cung cấp cho họ những công cụ phù hợp mà họ có thể áp dụng vào cuộc sống hằng ngày. Những buổi phát sóng trực tiếp trước một nhóm khán giả từ vài trăm đến vài ngàn người này không hề được chuẩn bị trước hay phải theo một kịch bản nhất định. Chúng hoàn toàn ngẫu nhiên, và tôi thích sự ngẫu hứng đó vô cùng.
Càng làm nhiều thì bạn sẽ càng tự tin và nhận ra rõ hơn phong cách riêng của bạn. Càng là chính mình thì tôi càng được nhiều tổ chức mời diễn thuyết và có thể giúp ích cho nhiều người hơn. Tất cả những điều đó chính là bằng chứng mà tôi có thể dựa vào để thay đổi góc nhìn. Bạn chỉ cần phá bỏ câu chuyện ban đầu mà bạn đã kể với bản thân mà thôi. Nói chuyện trước đám đông đã trở thành một lối sống của tôi, một việc mà tôi chưa từng nghĩ sẽ xảy ra!
TRỰC GIÁC HAY CẢM XÚC?
Suy luận dựa trên cảm xúc đôi khi có thể ngụy trang thành trực giác, vì vậy việc tìm ra điểm khác biệt giữa chúng là rất quan trọng. Theo nghiên cứu, não bộ của chúng ta sẽ tạo ra một số kiểu đường tắt giúp ta đưa ra quyết định một cách nhanh chóng. Một trong những đường tắt đó xuất hiện khi chúng ta đánh giá chớp nhoáng các khả năng dựa vào cảm nhận của mình. Đây là kiểu phản ứng được thúc đẩy bởi cảm xúc trước một kích thích nào đó. Sau đây là ví dụ về những gì thường diễn ra.
Nếu từng bị chó cắn và thấy một con chó đang chạy về phía mình, bạn sẽ sợ hãi và quyết định đi hướng khác, dù cho con chó đó thuộc giống Chihuahua và nếu có cắn thì cũng không thể làm bạn bị thương nặng. Trái lại, nếu trước nay bạn luôn có kỷ niệm vui vẻ với loài chó, thì bạn có thể sẽ cúi xuống và dang rộng vòng tay chào đón con chó đang chạy tới. Trong cả hai trường hợp, chúng ta đang liên hệ trải nghiệm quá khứ của ta với hoàn cảnh hiện tại. Mặc dù có thể cho rằng đó là trực giác của mình, nhưng chúng ta phải dừng lại để tự hỏi phải chăng đó chỉ là một phản ứng về mặt cảm xúc và có bằng chứng nào ủng hộ cảm xúc đó hay không.
Nếu đối tượng là một con chó thì có thể không sao, nhưng chúng ta sẽ gặp rắc rối và có những quyết định không tương ứng với Phiên bản Tốt đẹp nhất nếu chúng ta đang phán xét bản thân, người khác hoặc các tình huống cụ thể chỉ dựa trên cảm xúc trước đây. Đừng vì lần chia tay đầy đau khổ mà nghĩ rằng người yêu mới cũng sẽ làm bạn khổ đau. Người yêu cũ và người yêu hiện tại của bạn không phải là một, thật không công bằng khi chúng ta đánh giá một người dựa trên trải nghiệm của ta với một người khác.
Chúng ta phải tháo dỡ mọi con đường tắt do cảm xúc định hướng mà não bộ đã xây nên nhằm bảo vệ ta. Bằng cách đó, chúng ta sẽ tránh việc vô tình hạn chế khả năng tạo nên một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân.
HỐI TIẾC |
Nỗi hối tiếc có thể là một kẻ thù đáng gờm, ngăn chặn chúng ta có quyết định khôn ngoan. Khi hối tiếc, chúng ta cảm thấy buồn bã hoặc thất vọng về điều gì đó, đặc biệt là khi ta bỏ lỡ một cơ hội. Hầu hết chúng ta có thể dễ dàng nhớ lại những lần đưa ra một quyết định tồi tệ khiến mình day dứt khôn nguôi, vì vậy chúng ta thường chọn những quyết định mà ta tin là nó giúp mình ít hối tiếc nhất. Song, không phải lúc nào đó cũng là quyết định tốt nhất cho ta vì nó không được cân nhắc dựa trên những bằng chứng hiện tại mà ta biết. Theo lý thuyết biện minh cho quyết định, có hai yếu tố tạo thành cảm giác hối tiếc. Yếu tố thứ nhất là hành vi so sánh, tức là chúng ta so sánh hai kết quả có thể xảy ra với nhau rồi lựa chọn kết quả làm ta ít hối tiếc nhất. Yếu tố thứ hai là chúng ta tự trách cứ bản thân quá nhiều vì đã đưa ra lựa chọn tồi tệ. Nếu lệ thuộc vào nỗi hối tiếc về các quyết định đã đưa ra thì chúng ta đang mắc kẹt trong quá khứ. Mặt khác, nếu quyết định dựa trên việc sợ sau này mình sẽ hối tiếc thì chúng ta đang không trân trọng cơ hội trước mắt. Để tránh hối tiếc, ta có thể cân nhắc quyết định với đầy đủ thông tin và được suy tính kỹ lưỡng. Nỗi đau trong quá khứ có thể là một công cụ hữu ích tạo nên cuộc sống tốt đẹp hơn cho ta. |
BẠN SUY LUẬN DỰA TRÊN CẢM XÚC HAY BẰNG CHỨNG?
Hãy xem xét hai cách suy luận này biểu hiện như thế nào trong cuộc sống của bạn. Sau đây là bảng tóm tắt những điểm khác nhau giữa chúng.
Suy luận theo cảm xúc • Tin rằng cảm xúc của mình nói lên sự thật. • Quyết định dựa vào cảm xúc. • Không làm những việc giúp mình tiến bộ vì cảm thấy không thoải mái. |
Suy luận theo bằng chứng • Tìm kiếm sự thật. • Quyết định dựa vào bằng chứng xác thực chứ không phải cảm xúc. • Thách thử bản thân để thu được những kỹ năng mới. |
BÀI TẬP
Trong bảng bên dưới, bạn sẽ có một số ví dụ thực tế về Lực tiêu cực – Suy luận dựa trên cảm xúc và cách chúng ta có thể thay thế nó bằng Lực tích cực – Suy luận dựa trên bằng chứng.
SUY LUẬN DỰA TRÊN CẢM XÚC |
SUY LUẬN DỰA TRÊN BẰNG CHỨNG |
Tôi không thích trình bày ý tưởng của mình nên tôi sẽ im lặng. |
Tôi từng nhận được đánh giá tích cực khi trình bày ý tưởng của mình. |
Tôi giận vợ/chồng cũ nên sẽ không hỗ trợ họ nuôi dưỡng con cái. |
Những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn thường thích ứng tốt hơn khi người cha người mẹ cùng nuôi dưỡng trẻ. |
Tôi thích cảm giác quen một người có vẻ ngoài hấp dẫn nên sẽ không hẹn hò với ai ngoài nhóm này. |
Vẻ ngoài không đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại hạnh phúc lâu dài của cặp đôi. |
Giờ đến lượt bạn. Xét trong bối cảnh ra quyết định hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn, bạn thường bị thúc đẩy bởi Lực tiêu cực của suy luận dựa trên cảm xúc theo những cách nào? Hãy điền câu trả lời vào cột bên trái. Ở cột bên phải, hãy ghi ra cách tư duy mới khi bạn suy luận dựa trên bằng chứng thay vì cảm xúc.
SUY LUẬN DỰA TRÊN CẢM XÚC |
SUY LUẬN DỰA TRÊN BẰNG CHỨNG |
Chúng ta hãy chuyển sang tập trung vào khía cạnh cuộc sống bạn muốn cải thiện. Khía cạnh nào đang khiến bạn lo âu, căng thẳng hoặc đơn giản là thấy không ổn?
Bạn có những cảm xúc gì khi nghĩ về khía cạnh này?
Có bằng chứng nào ủng hộ cho những cảm xúc đó không?
Có bằng chứng nào BÁC BỎ những cảm xúc đó không?
Xem xét tất cả các bằng chứng, bạn có thể đưa ra quyết định nào mà không bị cảm xúc tác động?
Bạn cảm thấy như thế nào khi bạn đang suy nghĩ khác đi về tình hình của mình?
Chúng ta đã đến chương cuối cùng về Lực. Hy vọng trong hành trình phía trước, Lực tích cực từ chiếc kính cơ hội sẽ luôn ở bên bạn! Bạn có thể đọc lại bất kỳ chương nào trong số này nếu gặp phải điều không mong muốn trong cuộc sống, và bạn có thể chọn vận dụng Lực để ra quyết định như Phiên bản Tốt đẹp nhất.
TIẾP THEO... HÃY LẬP NHÓM QUYẾT ĐỊNH
Trong chương tiếp theo, bạn sẽ vào vai thuyền trưởng lèo lái cuộc đời mình. Để đưa ra Quyết định hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn, bạn cần có một nhóm người hỗ trợ bạn trong quá trình cân nhắc các lựa chọn. Với mục tiêu đó, chúng ta sẽ xem xét kỹ lưỡng những người nào thích hợp cho nhóm của bạn và nhóm đang thiếu những thành viên nào. Hãy cùng lập một biệt đội siêu anh hùng nhé!