Dẫu là chủ doanh nghiệp, nhà lãnh đạo tinh thần, quan chức chính phủ, người cha người mẹ hay người ở bất kỳ vị trí xã hội nào, những người thành công trong một khía cạnh nhất định của cuộc sống đều khẳng định họ đạt được kết quả đó nhờ vào sự giúp đỡ của người xung quanh. Không ai đơn thương độc mã làm được chuyện lớn – người nào nghĩ mình làm được như vậy là đang tự cao tự đại. Đơn cử một dẫn chứng là tôi không hề một tay làm ra quyển sách này. Để hoàn thành một quyển sách, mọi tác giả đều làm việc với một đội ngũ đông đảo nhưng người hỗ trợ từ đầu đến cuối quá trình. Ngay cả bạn cũng thuộc về đội ngũ này trong vai trò người đọc và áp dụng thông tin trong sách vào cuộc sống.
Dù cho một thành viên trong nhóm không trực tiếp hỗ trợ bạn thì họ vẫn có vai trò nhất định thúc đẩy bạn đưa ra những quyết định chân thực. Họ có thể là chỗ dựa tình cảm, tạo điều kiện cho bạn cân bằng cảm xúc và tinh thần. Nhóm Quyết định của bạn có thể cực kỳ hữu ích, đặc biệt là khi bạn biết mình muốn gì. Trong trường hợp bạn không hài lòng với một khía cạnh cuộc sống nhưng chưa xác định được mục đích của mình để cải thiện, nhóm này có thể trợ giúp bạn chuyển đổi từ tư duy chướng ngại sang tư duy cơ hội, kéo bạn ra khỏi vũng lầy Lực tiêu cực và dẫn dắt bạn trở về đúng đường.
Nhiều năm qua, tôi luôn tìm đến sự tư vấn của nhóm khi muốn quyết định điều gì đó. Vì biết rõ bộ kỹ năng và những điểm hạn chế của mình nên tôi lập ra các Nhóm Quyết định có thể chỉ cho tôi những góc nhìn độc đáo về một vấn đề nào đó. Và tôi nóng lòng muốn chia sẻ với bạn công thức để bạn xây dựng Nhóm Quyết định của riêng bạn.
Với mỗi loại quyết định khác nhau thì bạn sẽ cần sự giúp đỡ của những kiểu người khác nhau, chúng ta cần đảm bảo bạn dành thời gian xác định và phân tích các thành viên nhằm biết được mình cần tìm đến (và tránh xa) ai vào lúc nào. Không ai biết tất cả mọi việc. Bạn sẽ không gọi điện nhờ anh thợ sửa xe hơi để kiểm tra báo cáo thuế cho bạn hay hỏi xin lời khuyên nuôi dạy trẻ từ nhà tư vấn nghề nghiệp. Hãy chắc chắn bạn biết sẽ tìm đến ai khi phải cân nhắc những quyết định quan trọng này. Đừng chờ “mất bò mới lo làm chuồng”.
Một trong những đặc điểm quan trọng nhất ở các thành viên trong Nhóm Quyết định là họ biết bạn thật sự là ai thì họ mới có thể giúp bạn có được các quyết định chân thực. Như đã đề cập từ trước, quyết định từ Phiên bản Tốt đẹp nhất có sức mạnh vượt trội so với “quyết định đúng nhất”. Tương tự với việc tìm kiếm các thành viên cho Nhóm Quyết định, con người chân thực của họ thì quan trọng hơn nhiều so với xuất thân, nghề nghiệp hay kiểu lời khuyên của họ. Có rất nhiều cách để đạt được điều gì đó, vì vậy quan trọng là bạn phải tìm hiểu xem ai là người có thể giúp bạn đưa ra ý kiến phù hợp nhất dựa trên phiên bản chân thực của người đó. Tôi xin lấy dẫn chứng từ bản thân. Tôi không phải là nhà khai vấn phù hợp cho tất cả mọi người! Vì vậy, tôi luôn đặt ra cho mình câu hỏi là, “tôi có thể là chính mình khi ở bên ai?”.
Nhằm giúp bạn hiểu Nhóm Quyết định của bạn có thể cần những kiểu người nào, tôi sẽ kể với bạn về một người bạn của tôi. Tôi gọi cho anh ấy khi tôi trải qua một ngày không vui, khi cần được truyền chút động lực, hoặc khi phải đưa ra một quyết định quan trọng và cần ai đó neo tôi lại với Phiên bản Tốt đẹp nhất. Anh bạn ấy tên là Deacon.
Cách đây không lâu, khi sắp phải diễn thuyết trước ba ngàn khán giả – con số đông nhất từ trước đến nay đối với tôi – tuy đã cầu nguyện và đọc câu thần chú quen thuộc của mình, nhưng tôi vẫn có cảm giác như thể mình cần nói chuyện với ai đó. Tôi cảm thấy tinh thần mình khá hơn khi kết nối với những người mà tôi biết họ luôn tự hào về tôi và có thể động viên tôi, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tôi tin mình cần gọi cho Deacon.
Khi nghe được giọng nói của anh ấy ở đầu dây bên kia, tôi biết mình đã gọi đúng người. Mặc dù bản thân tôi hiểu mình có thể thực hiện buổi diễn thuyết, nhưng chính câu nói “Cậu làm được” của anh đã tiếp thêm sự tự tin mà tôi cần để thể hiện Phiên bản Tốt đẹp nhất và buông bỏ nhu cầu kiểm soát kết quả. Deacon là một trong những trụ cột ở Nhóm Quyết định của tôi. Tôi cảm thấy hoàn toàn yên tâm khi có anh ấy; anh giúp tôi củng cố sức mạnh của mình và nhớ mình là ai. Tất cả đều phụ thuộc vào sự gắn kết; anh giúp tôi duy trì sự gắn kết với phần tâm linh của mình.
Câu chuyện về cuộc đời của Deacon luôn truyền cảm hứng cho tôi và nhắc tôi nhớ rằng dù cho đang gặp phải chuyện gì thì chúng ta vẫn có thể vượt qua. Ai trong chúng ta cũng đều có lúc đối mặt với nghịch cảnh. Tôi cảm thấy việc lắng nghe người khác đã sống sót và thậm chí bật dậy mạnh mẽ hơn có thể khuấy động tâm hồn và đánh thức tiềm năng con người chúng ta. Khi gặp trở ngại khiến mình nản lòng thoái chí, chúng ta có thể nhớ lại rằng ai đó ở một nơi nào đó đã trải qua chuyện còn tồi tệ hơn và đã chinh phục được nó. Vì muốn truyền cảm hứng cho bạn nên tôi đã đề nghị Deacon kể câu chuyện của anh ấy ở bên dưới. Tôi hy vọng câu chuyện sẽ giúp ích cho bạn cũng như nó đã giúp ích cho tôi.
CÂU CHUYỆN CỦA DEACON
Deacon là con thứ tư của một gia đình đặc biệt khó khăn, cha mẹ anh là tín đồ của một hội cuồng giáo và đang nuôi dưỡng con cái trong chính giáo phái này. Một thời gian ngắn sau đó, mẹ anh dắt cả bốn người con rời bỏ giáo phái và cha anh. Lúc bấy giờ, bà vừa không có việc làm vừa phải chống lại cơn nghiện ma túy và bệnh trầm cảm. Mẹ con anh sống trong một nhà mở dành cho bà mẹ và trẻ em không nơi nương tựa.
Họ sống như vậy đến lúc Deacon vào tiểu học. Rồi khi anh mười tuổi, một người bạn của anh bị bắn chết. Mẹ Deacon nhận ra bất kỳ đứa con nào của mình cũng có thể trở thành nạn nhân và bà xem nó như tiếng còi cảnh báo rằng cả gia đình cần phải rời khỏi nơi đó. Bà nói với các con rằng họ sẽ đi cắm trại, rồi năm mẹ con thu xếp đồ đạc chất lên xe tải và rời đi. Họ qua đêm trong những túp lều và Deacon vẫn nhớ mình chưa từng phải lo về các bữa ăn. Song, cậu bé Deacon ở tuổi ấy chẳng thể nào biết được gia đình mình thật ra không nhà không cửa.
Sau bao nỗ lực thì cuối cùng mẹ anh cũng tìm được nơi ở cho cả nhà. Rủi thay, đó cũng là khoảng thời gian anh bắt đầu gặp nhiều rắc rối vì rơi vào vết xe đổ của mẹ và anh chị của mình: nghiện ma túy. Anh nhớ mình bắt đầu dùng ma túy ở tuổi mười hai. Anh hút cần sa lần đầu tiên vào năm lớp sáu giống như nhiều học sinh cùng trường trong thời điểm đó. Khi có hoàn cảnh nghèo khó và đặc biệt, một đứa trẻ sẽ có xu hướng tìm sự công nhận từ các đứa trẻ khác bằng cách làm theo những gì chúng bạn đang làm, và Deacon đã “gần mực thì đen”.
Mười bốn tuổi, Deacon được đưa vào trung tâm giáo dưỡng trẻ vị thành niên. Trung tâm gọi cho cha anh, báo rằng hoặc là ông ấy đến đón anh hoặc họ sẽ chuyển anh đến viện mồ côi để tìm người nhận nuôi. Cha đã đến đón Deacon. Ông có tài chính ổn định và một gia đình đầy đủ, nhưng đến lúc này Deacon nhận ra mình là người đồng tính. Là một tín đồ cuồng đạo và không chấp nhận đồng tính nên cha anh phản ứng rất quyết liệt. Việc sống cùng cha trở nên khó khăn không chỉ vì lý do đó mà còn vì Deacon đã bị tách khỏi môi trường quen thuộc trước kia và buộc phải bắt đầu cuộc sống mới ở một nơi xa lạ, Để đối phó với cảm giác khó chịu, anh lại tìm đến ma túy và lần này còn nghiện nặng hơn.
Đến năm mười tám, Deacon kiếm sống bằng cách bán các chất kích thích như thuốc lắc và thuốc gây ảo giác LSD. Lúc đó, bạn bè cũng dần rời xa anh vì chẳng ai muốn chơi với một người say thuốc. Và cái vòng luẩn quẩn tai hại lại tiếp diễn khi anh chọn say thuốc để quên đi nỗi cô đơn này.
Không lâu sau, Deacon lâm vào đường cùng, phải ở nhờ hết nhà người này đến nhà người khác và cảm thấy không thiết sống nữa. Anh đã vài lần tự tử bất thành và hai lần được đưa vào bệnh viện do uống thuốc quá liều. Một ngày nọ, anh đi lang thang xuống khu vực hạ nguồn của một hẻm núi, đầu óc trống rỗng. Sau một lúc, vì phải đi bộ một quãng đường dài trong trạng thái say thuốc nên anh kiệt sức và nằm xuống ngủ lúc nào không hay.
Khi Deacon tỉnh dậy thì trời đang mưa như trút nước. Anh ướt sũng và lạnh cóng giữa một nơi hoàn toàn lạ lẫm, thậm chí xung quanh còn có các vết máu. Anh kể rằng mình nằm đó và tự hỏi – chuyện gì đang xảy ra thế này? Anh từng là một người được mọi người yêu mến; ai cũng nghĩ anh thật ngầu vì dám chống lại cha. Thế nhưng anh đã đánh mất tất cả từ khi nghiện ngập và giờ đây chỉ còn lại một mình. Đó là khoảnh khắc anh quyết định từ bỏ ma túy. Chỉ nghĩ đến cảm giác đê mê vì phê thuốc cũng đủ khiến anh rùng mình. Anh biết mình phải tỉnh táo lại.
Deacon bắt đầu công việc rửa chén tại một số nhà hàng và sau đó quyết định học đại học. Dù bị các chương trình hỗ trợ tài chính từ chối, nhưng may mắn là cuối cùng anh được nhận vào làm ở một bệnh viện và lần đầu tiên trong đời có một nguồn thu nhập ổn định. Mục tiêu của anh làm nhân viên y tế. Mẹ anh qua đời vì bệnh ung thư khi anh hai mươi ba tuổi, và chính quãng thời gian chăm sóc cho mẹ đã thúc đẩy anh mong muốn làm việc trong lĩnh vực y tế. Anh theo học một chương trình đào tạo và trở thành trợ lý y tá có chứng chỉ hành nghề. Lúc bấy giờ, mọi chuyện đều suôn sẻ. Theo như Deacon kể thì anh đã lấy lại sự tỉnh táo, có công việc tốt, đi học trở lại và gặp gỡ nhiều người bạn tuyệt vời.
Thế rồi anh quen với một người sử dụng ma túy, và vì hẹn hò với người này nên anh tái nghiện. Kết quả là chẳng mấy chốc, anh mất việc làm. Anh biết mình có hai lựa chọn, hoặc là lại lâm vào đường cùng – điều anh chắc chắn không mong muốn, hoặc là ngăn cản bản thân trước khi mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn – và anh đã chọn làm vậy. Deacon đã đi qua cả hai con đường. Một con đường nghiện ngập dẫn đến sự cô độc và những chuỗi ngày trống rỗng. Một con đường tỉnh táo mà ở đó, anh hiểu cảm giác được mọi người ủng hộ khi anh sống tốt hơn, cảm giác biết ơn chính mình vì tìm được công việc, được học hỏi rất nhiều và được làm việc cùng với các y bác sĩ trong bệnh viện. Suy nghĩ theo hướng này giúp anh quyết định: “Mình cần bắt đầu lại từ đầu. Nghiện ma túy chưa từng làm mình thấy vui vẻ như khi mình tỉnh táo và có công ăn việc làm”.
Deacon dễ dàng thực hiện quyết định này. Anh chấm dứt mối quan hệ độc hại và đi cai nghiện.
Nghề nghiệp hiện tại của anh hoàn toàn khác trước nhưng anh vẫn yêu thích nó. Công việc mới này tạo cơ hội cho anh đi khắp đó đây. Khi suy nghĩ làm thế nào mình đi xa được như vậy trên hành trình cuộc sống, anh cho rằng đó là nhờ anh đã học hỏi từ những người khác. Anh chú ý đến những thói quen và quyết định tích cực của mọi người, lấy cảm hứng từ những tấm gương đó để cải thiện chính mình. Đó là những người chủ chốt đã góp phần giúp Deacon thành công. Ở đây, chúng ta không nói về các ngôi sao điện ảnh hay những người giàu có. Anh học hỏi từ những con người rất đỗi bình thường: Những người bạn làm y tá và nhân viên pha chế rượu tử tế đã tạo động lực cho anh trở thành phiên bản chân thực ngày hôm nay.
Deacon kể là vài năm trở gần đây mối quan hệ với cha cũng thay đổi, cha anh nói ông cực kỳ tự hào về anh. Anh nghĩ ông đã hiểu rằng ông có thể vượt qua định kiến và lựa chọn gắn kết lại với con trai hoặc không. Kết quả là ông đã buông bỏ quá khứ, hai cha con có thể nói chuyện trở lại và ở bên nhau. Deacon vô cùng biết ơn khi có thể làm lành với cha trước lúc ông qua đời vào năm ngoái.
Anh hiểu việc cố chấp giữ lấy cảm xúc tiêu cực và không chịu nói chuyện với cha là thật vô ích. Sẽ chẳng có gì thay đổi nếu anh cứ oán giận cha vì đã không ở bên cạnh khi anh cần ông. Anh đã giải phóng bản thân khỏi nhà tù quá khứ, sống hòa thuận với cha và tìm được hướng đi cho mình.
Deacon tâm sự: “Thế giới này là một nơi kỳ lạ và mọi người đều gặp phải nhiều thử thách. Tôi đã không nỗ lực trong một thời gian dài và giờ đây tôi nhận ra điều quan trọng nhất là chúng ta tìm được sự bình yên, thoải mái và vui vẻ với những gì mình có”.
Anh cho biết mình đang tận hưởng cuộc sống bên gia đình – và thật ra anh là người thành công nhất trong số họ. Từ hai bàn tay trắng, anh đã có bước tiến đáng ngưỡng mộ. Trên thực tế, anh vừa mua nhà – một việc cực kỳ có ý nghĩa với Deacon khi anh nghĩ đến tuổi thơ sống vô gia cư. Tuy không giàu có nhưng anh luôn chia sẻ với gia đình trong khả năng của mình và điều đó mang lại cho anh niềm vui. Anh nhận ra khi người khác vui vẻ thì anh cũng vui lây.
Deacon đã ngộ ra chân lý là, một khoảnh khắc được tạo ra bởi bàn tay của Thượng Đế nhằm giúp ta hiểu rằng ta xứng đáng có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi rất thích câu chuyện chiến thắng nghịch cảnh của Deacon. Việc anh hiện có cuộc sống thành công như thế trong khi từng trải qua thời thơ ấu tồi tệ có thể truyền động lực cho nhiều người. Ý tôi là, mẹ anh nghiện ma túy và không có khả năng kiểm soát cảm xúc còn cha anh thì không chấp nhận con người thật của anh... Ai lại muốn sống trong hoàn cảnh đó chứ? Deacon thật sự không có nơi nương tựa và không được trao cho bất kỳ công cụ nào để có cuộc sống tốt đẹp. Tương lai anh mờ mịt. Song, từ khoảnh khắc ngộ ra chân lý, anh chọn đứng bật dậy và leo lên từ đáy vực sâu.
Deacon có một khả năng đặc biệt là nhìn thấy điều tốt đẹp ở người khác và học hỏi theo họ. Vì anh nhìn nhận cuộc sống theo cách rất điềm tĩnh nên tôi luôn tìm đến anh khi thấy hoang mang lo lắng. Chỉ bằng vài từ ngữ hoặc một câu hỏi, anh có thể khiến tâm trí tôi lắng đọng. Deacon là một thành viên trụ cột trong Nhóm Quyết định của tôi, một người mà tôi thường xin lời khuyên khi cần ra quyết định bất kể là về sự nghiệp, cuộc sống, mâu thuẫn nội tâm hay các ý tưởng viết sách. Tất cả chúng ta đều cần những thành viên như Deacon trong nhóm của mình, người có thể nhìn thấu và thông hiểu tâm hồn ta, nhẹ nhàng gợi ta nhớ đến nguồn sức mạnh tinh thần to lớn của con người.
NHÓM QUYẾT ĐỊNH GỒM NHỮNG AI?
Ví dụ, bạn có một người bạn cực kỳ giỏi lắng nghe bạn, họ chú tâm, hiểu bạn và sẵn sàng chỉ ra vấn đề khi bạn đánh giá thấp bản thân hoặc bỏ lỡ cơ hội. Bạn có thể có một người quen luôn truyền cảm hứng cho bạn và là người dẫn dắt tinh thần bạn. Hoặc bạn có một người bạn quảng giao mà dường như ai họ cũng quen và họ thích kết nối mọi người với nhau để tạo ra những ý tưởng mới mẻ. Những người này có thể trở thành thành viên trong Nhóm Quyết định của bạn hay không?
Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu một số vai trò của các thành viên trong Nhóm Quyết định, đều này giúp bạn lập nên một danh sách cụ thể và toàn diện hơn. Có những vai trò cần thiết với bạn trong khi số khác thì không. Hiểu rõ các vai trò này có thể giúp bạn nhận ra mình muốn thêm ai vào nhóm.
Sau đây là danh sách vai trò có thể hữu ích cho Nhóm Quyết định của bạn:
NGƯỜI LẮNG NGHE: Bạn có thể tâm sự với họ những chuyện xảy ra với mình, rồi sáu tuần sau họ sẽ hỏi thăm bạn về chuyện đó và kể lại chính xác những gì bạn đã chia sẻ. Người này quan tâm đến bạn và thay vì cho ý kiến, họ có thể đặt những câu hỏi gợi mở, kích thích bạn khám phá những niềm tin có sẵn trong bạn mà bạn không nhận ra – hoặc thậm chí giúp bạn thoát khỏi tình trạng hoang mang. Sau khi trò chuyện với họ, bạn luôn cảm thấy bớt trăn trở và nhẹ lòng hơn.
NGƯỜI NHÌN XA TRÔNG RỘNG: Người này nhìn thấy ở bạn một con người vĩ đại hơn so với những gì bạn nhìn nhận về chính mình, và họ sẽ giúp bạn khai thác tiềm năng đó. Họ phát hiện các cơ hội mà bạn có thể có được trong hiện tại lẫn tương lai. Họ luôn vui vẻ hỗ trợ bạn nghĩ ra tất cả những điều tuyệt vời mà bạn có thể làm được trong cuộc sống.
NGƯỜI TRUYỀN CẢM HỨNG:Người này biết cách làm bạn hào hứng đặt ra những mục tiêu rõ ràng và khả thi rồi chinh phục nó. Họ có thể giúp sức khi bạn biết mình cần hành động nhưng còn chần chừ, chưa thực hiện. Có lẽ người này cũng đang đảm đương những dự án lớn của riêng họ hoặc đơn giản là họ biết cách kích thích bạn tiến về phía trước.
NGƯỜI CHĂM SÓC: Người này luôn sẵn sàng là bờ vai cho bạn tựa vào khi buồn. Bạn có thể tìm đến họ khi gặp chuyện không như ý hoặc khi cần một cái ôm và người bầu bạn. Người chăm sóc có thể giúp nâng đỡ về mặt cảm xúc bằng cách tặng hoa hay nấu cho bạn một bữa ăn ngon. Họ thích quan tâm đến bạn và bạn biết mình luôn được họ chào đón.
NGƯỜI BIẾT NGHĨ LỚN:Người này tạo điều kiện cho bạn nhìn thấy bức tranh lớn khi bạn mải chăm chăm vào những điểm nhỏ nhặt. Nếu bạn buồn, họ có thể làm bạn vui lên bằng cách chỉ ra biết bao điều tuyệt vời mà bạn đang có. Nếu bạn tập trung nghĩ về các chướng ngại, họ sẽ thúc đẩy bạn tư duy bên ngoài “chiếc hộp” đó. Họ cũng giúp bạn nhận các quyết định của bạn trong hiện tại có thể ảnh hưởng – tốt hoặc xấu – đến tương lai của bạn như thế nào.
NGƯỜI GIÚP ĐỠ: Người này thường giống như “ông bụt” xuất hiện để gỡ rối cho bạn hoặc là người mà bạn gọi vào giữa đêm khuya khi gặp chuyện không may. Không phải quyết định nào cũng dễ thực hiện nên đôi khi bạn cần được hỗ trợ để vượt qua chướng ngại. Người này giúp đỡ bạn vô điều kiện và không phán xét hay gặng hỏi. Họ vững vàng và đáng tin cậy.
NHÀ THÔNG THÁI: Sự thông tuệ của người này được hình thành từ hành trình cuộc sống mà họ kinh qua. Có lẽ họ thuộc về thế hệ đi trước. Có lẽ họ đã nhìn thấy hoặc trải nghiệm rất nhiều điều trên đời. Họ có cách đơn giản hóa bất kỳ vấn đề nào và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để giúp bạn có quyết định chân thực. Vì đã nếm đủ cay đắng ngọt bùi, họ có thể phát hiện các cơ hội ở những nơi bạn không ngờ đến nhất. Nhà Thông thái cũng có thể chỉ ra khi bạn có bất kỳ suy luận thiển cận nào dựa trên cảm xúc, và thậm chí giúp bạn trong các bài thực hành tâm linh.
NGƯỜI KẾT NỐI:Người này yêu thích kết nối với mọi người, cứ như họ “quen biết cả thế giới”. Bất cứ khi nào bạn đề cập đến một chủ đề thì họ biết ngay những ai có hứng thú về chủ đề đó. Không thể phủ nhận rằng Người Kết nối có vẻ quen hết mọi người và có một khả năng kỳ lạ là hiểu bạn sẽ hợp với ai hoặc ai sẽ giúp được bạn. Họ thậm chí có thể hỗ trợ bạn phát triển Nhóm Quyết định.
NGƯỜI PHA TRÒ: Đây là người mà bạn gặp gỡ khi muốn giải khuây. Họ thích cười đùa, thích giao du và luôn vui vẻ. Họ có thể giúp bạn xả stress để đầu óc và tâm hồn bạn được thư giãn. Họ thường ở trạng thái thoải mái và có khả năng đưa bạn vào trạng thái tương tự.
NHÀ TƯ VẤN:Người này thích chia sẻ các thông tin mới nên bạn có thể tìm đến họ nếu cần thu thập kiến thức nhằm đưa ra một quyết định nào đó – đặc biệt là khi bạn phải tìm kiếm những bằng chứng thực tế và chính xác. Hãy lưu ý lựa chọn Nhà Tư vấn là một chuyên gia trong lĩnh vực liên quan đến quyết định của bạn. Giả sử nếu đó là quyết định về tài chính, bạn sẽ cần một người có chuyên ngành tài chính, kế toán hoặc đầu tư. Hoặc nếu đó là quyết định về sức khỏe thì bạn hãy chọn một bác sĩ hoặc người làm trong ngành chăm sóc sức khỏe.
NGƯỜI HỌC HỎI:Người này có tinh thần học tập không ngừng và thích học hỏi từ bạn. Đây là vai trò rất ý nghĩa vì mang lại cho bạn cơ hội chia sẻ vốn hiểu biết của mình. Trí tò mò của họ có thể kích thích bạn nuôi dưỡng trí tò mò của chính bạn. Một điều cần lưu ý là có một số người thay vì thật sự học hỏi kiến thức thì họ có thể sao chép hoặc ăn cắp ý tưởng của bạn. Hãy ghi nhớ rủi ro này nhằm bảo vệ mình và không tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng.
NHÀ TRỊ LIỆU: Ở đây chúng ta không nói về một nhà trị liệu có bằng tiến sĩ tâm lý họ, mà chúng ta nói về người bạn có thể tìm đến để nhận được những lời khuyên thẳng thắn và khách quan. Người này thường giúp bạn làm rõ vấn đề. Nhưng hãy cẩn thận vì đôi lúc họ cũng khiến bạn rối trí. Điều bạn cần lưu ý là vì Nhà Trị liệu không được đào tạo bài bản nên lời khuyên họ đưa ra thường dựa trên trải nghiệm cá nhân.
Bạn có thể có một số vai trò khác cho những người mà mình quen biết và cứ viết ra nếu có. Tiếp theo, bạn cần tự hỏi những người nào trong mạng lưới mối quan hệ của bạn phù hợp với các vai trò này. Ngoài ra, có vai trò mới nào mà bạn muốn bắt đầu đảm nhận hay không?
VÀI LỜI VỀ “MỤC ĐÍCH RIÊNG” |
Xét trong bối cảnh mối quan hệ, nhiều người xem cụm từ “mục đích riêng” có ý nghĩa xấu vì nó ám chỉ động cơ hoặc ý định ngấm ngầm. Thế nhưng tôi tin là trong đa số trường hợp, động cơ hay ý định của mọi người không phải bất chính, chỉ có lẽ họ vì lợi ích cá nhân nhiều hơn. Song, không phải bởi ai đó có mục đích riêng mà họ không giúp ích cho bạn. Nếu một nhóm trong đó các thành viên có các mục đích riêng tương hỗ với nhau thì họ hoàn thành được nhiều việc hơn đáng kể. “Mục đích riêng” vẫn có thể rất hữu ích trong các mối quan hệ hợp tác và vấn đề chỉ phát sinh khi chúng không còn phù hợp với nhau. Ví dụ nếu một cô gái đang cân nhắc có nên lấy người bạn trai đang quen làm chồng hay không thì khi hỏi ý kiến mọi người, cô cần cẩn thận xem xét mục đích riêng của người được hỏi. Đối với mẹ cô gái, bà có thể đang mong có cháu ẵm bồng và cho rằng con gái mình “lấy ai không quan trọng” miễn là sinh được cho bà đứa cháu. Lúc này, mục đích riêng của bà và con gái không tương hỗ với nhau. Mặt khác, có thể người bạn thân của cô hiểu rõ điều gì là tốt nhất cho bạn mình, vì vậy mục đích riêng của hai người phù hợp với nhau và lời khuyên của người bạn sẽ hữu ích hơn. Khi ở trong trạng thái dễ bị tổn thương – chuyện thường xảy ra khi chúng ta cần quyết định một điều gì đó, chúng ta không muốn mục đích riêng của người khác ảnh hưởng đến quyết định của mình. Thế nên trong quá trình xây dựng Nhóm Quyết định, bạn cần lưu ý đến các mục đích riêng. Hãy tự hỏi “Mục đích riêng của người này có thể là gì và nó có phù hợp với mục đích của mình hay không?” trước khi hỏi xin lời khuyên từ họ. |
XÂY DỰNG NHÓM QUYẾT ĐỊNH
Sau khi đã cân nhắc những vai trò cụ thể mà bạn muốn có trong Nhóm Quyết định, bạn hãy viết ra giấy tất cả những người mà bạn thấy phù hợp. Có vài người mà bạn rất dễ nghĩ đến, ví dụ như bạn đời hoặc anh em họ hàng – nếu bạn thường trò chuyện người nào về các quyết định của mình thì người này gần như sẽ xuất hiện đầu tiên trong danh sách của bạn. Tuy nhiên, tôi cũng khuyến khích bạn nghĩ về những người khác, những thành viên ít ra mặt hơn. Có lẽ bạn có sở thích lắng nghe chương trình podcast, theo dõi mạng xã hội của một số nhân vật của công chúng và lời nói hay hành động của họ tạo động lực, thúc đẩy bạn có một hướng đi mới mẻ. Nếu đúng như vậy thì bạn hãy đưa những người này vào danh sách. Xin nhắc lại, bước này liên quan đến việc xác định Nhóm Quyết định tương ứng với con người chân thực của bạn và luôn giúp bạn kết nối với Phiên bản Tốt đẹp nhất khi ra quyết định.
Hãy nhớ rằng những thành viên này không chỉ ở bên bạn trong quá trình quyết định mà ngay cả khi bạn trải nghiệm kết quả từ lựa chọn của mình. Một số người có thể giúp giữ cho bạn hành động đúng theo các mục đích tốt đẹp ban đầu vào những lúc bạn thấy hoang mang. Ví dụ người chăm sóc sẽ khuyên giải khi bạn thấy cô đơn và có ý định quay lại với người yêu cũ, vì họ biết việc đó không giúp ích cho bạn. Hoặc người biết nghĩ lớn sẽ nhắc bạn nhớ tại sao bạn chuyển nghề để làm những điều có ý nghĩa với bạn hơn dù hành trình ban đầu có khó khăn đi nữa. Có thể người truyền động lực sẽ cùng bạn đi bộ hoặc tập thể dục khi bạn cảm thấy mình không giảm được cân nặng. Bất kể những vai trò đó là gì đối với bạn, hãy viết hết ra trong danh sách thành viên Nhóm Quyết định bên dưới.
DANH SÁCH THÀNH VIÊN NHÓM QUYẾT ĐỊNH CỦA TÔI
Bạn hãy xây dựng Nhóm Quyết định sao cho phù hợp với khía cạnh bạn đang muốn cải thiện lúc này. Ví dụ, nếu đang tập trung tìm kiếm một mối quan hệ lành mạnh, bạn có thể tìm những người có thể giúp bạn cân nhắc các quyết định về việc hẹn hò – một người truyền cảm hứng hoặc biết nghĩ lớn chẳng hạn. Hoặc giả sử bạn đang muốn thay đổi công việc, vậy có lẽ bạn cần một người kết nối và một nhà thông thái vì nhiều khả năng họ từng ở vào hoàn cảnh của bạn. Nếu cần giải quyết gấp một số vấn đề tài chính, người truyền cảm hứng hoặc người giúp đỡ có thể là chỗ dựa cho bạn. Tuy nhiên, hãy lưu ý là tất cả những thành viên này phải hiểu rõ bạn thật sự là ai và có thể giúp bạn luôn sống thật. Tôi không thể diễn tả hết tầm quan trọng của điều này.
Một điểm cần lưu ý khác khi xây dựng Nhóm Quyết định là bạn phải biết không nên bao gồm những ai. Ví dụ, bạn có thể rất thích ai đó và có một mối quan hệ cực tốt với họ và họ thậm chí có thể là người vô cùng hiểu bạn, nhưng họ hoàn toàn không giúp được bạn trong các quyết định kinh doanh. Họ có ý tốt, nhưng đáng tiếc là bạn cần người phù hợp hơn. Tôi rút ra một bài học từ kinh nghiệm cá nhân là, đôi lúc vì cảm thấy hoang mang, tôi tìm đến quá nhiều người thay vì ngồi xuống, thiền, bình tĩnh lại hoặc chỉ trò chuyện với một hai người.
Ví dụ nếu bạn đang cân nhắc quyết định có nên quay lại trường đại học hay không, vậy thì nhóm của bạn có thể bao gồm một người giỏi về kế toán – tài chính để giúp bạn tìm ra cách chi trả học phí hoặc người làm việc trong chuyên ngành bạn muốn học. Mặt khác, có lẽ bạn không nên bao gồm cha mẹ mình vì họ có thể không đưa ra được lời khuyên hữu ích. Tóm lại, đừng tìm kiếm lời khuyên từ những người không phù hợp.
Thêm nữa, hãy nhớ những thành viên trong nhóm không phải lúc nào cũng “thường trực” trong cuộc sống của bạn. Có một số thành viên trong nhóm tôi mà tôi chỉ thỉnh thoảng gặp gỡ, và điều này cũng áp dụng cho bạn. Lý do có thể là vì họ ở xa, hoặc họ là tác giả kênh podcast mà bạn chưa từng tiếp xúc ngoài đời! Song, những người này vẫn có thể là thành viên trong nhóm nếu những nội dung và hiểu biết của họ giúp ích cho bạn.
Khi cần đưa ra một quyết định nhằm cải thiện cuộc sống, người mà bạn cần tìm đến đầu tiên chính là bản thân bạn. Vốn dĩ tự bạn có thể đưa ra đa số các quyết định trong đời. Thế nhưng khi chúng ta thấy do dự, không biết làm sao cho phải, thật tuyệt nếu có sẵn một hậu phương giúp ta xóa tan nỗi hoang mang. Tất cả chúng ta đều cần sự hỗ trợ. Đôi khi ta cần được hỗ trợ để là chính mình, và đôi khi là để thực hiện một hành động cụ thể. Bạn có thể đang đọc những dòng này và nghĩ không có bao người mà bạn quen hiểu được con người thật của bạn. Tất cả chúng ta đều đang trên hành trình không ngừng khám phá bản thân và chúng ta đều cần những người yêu thương ta vì con người thật của ta. Sự kết nối giúp nâng đỡ và định hướng cho ta. Mọi người tham gia các buổi họp mặt trong nhóm phục hồi, đi nhà thờ hoặc hội thảo phát triển bản thân để được kết nối.
Ai cũng cần một nhóm hỗ trợ.
VAI TRÒ COACH MIKE TRONG NHÓM
Tôi cũng muốn bạn hãy bao gồm tôi trong Nhóm Quyết định của bạn. Những nội dung tôi đăng tải và xuất bản, những bài phỏng vấn tôi thực hiện trên podcast đều là thông tin bạn có thể áp dụng để cải thiện cuộc sống. Tôi cực kỳ thích nghe các câu chuyện và các lựa chọn truyền cảm hứng của mọi người, và tôi đoán bạn cũng giống tôi. Tôi đặt ra mục tiêu là hằng ngày sẽ lan truyền những nội dung tích cực. Khi bạn cần đưa ra quyết định và đã nhận thức tốt hơn về khả năng tạo ra thay đổi trong cuộc sống, tôi hy vọng bạn sẽ dựa vào tôi và những ý tưởng tôi chia sẻ để tiến bước trên những con đường mới mẻ. Bạn có thể tìm thấy tôi ở bất kỳ nền tảng mạng xã hội nào bằng cách gõ @CoachMikeBayer.
LÀM MỘT THÀNH VIÊN ĐÁNG TIN CẬY ĐỂ CÓ MỘT NHÓM ĐÁNG TIN CẬY
Điều quan trọng là hãy nhớ rằng không chỉ có bạn mới cần Nhóm Quyết định mà tất cả chúng ta đều cần những nhóm như vậy, thế nên bạn rất có thể là một thành viên trong nhóm của ai đó. Thêm nữa, chúng ta không phải cố đảm nhận mọi vai trò cho mọi người, hay nói cách khác là mỗi chúng ta đều có một vai trò riêng. Vì vậy, khi xem mình là một đồng đội đáng quý của ai đó, bạn hãy tự hỏi vai trò nào phù hợp với bạn. Mục tiêu ở đây là bạn yêu thương họ như con người họ vốn là và thể hiện tình yêu thương đúng cách.
Khi bạn thấy vui về những gì bạn mang lại cho đồng đội, đối phương sẽ cảm nhận được năng lượng tích cực đó. Các bên cùng được lợi. Chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi người khác chấp nhận con người thật của ta, nên bạn hãy xem đây như một lời nhắc nhở mình cần giúp những người xung quanh cảm thấy họ được chấp nhận bởi chính con người họ.