Pep rời bỏ Barcelona và tất cả những gì mà anh gây dựng được ở đó bởi vì, Sir Alex ạ, anh không giống như phần lớn các huấn luyện viên khác. Anh ra đi bởi vì anh đơn giản không phải là một “con người bóng đá” điển hình trong quan niệm của Ngài.
Ngài có thể đã nhận ra điều đó trong lần đầu tiên hai người đối đầu trên băng ghế huấn luyện, trận chung kết Champions League ở Rome hồi 2009. Để chuẩn bị cho trận chung kết ấy, Guardiola đã làm ra hẳn một cuốn yếu lược về những suy nghĩ của mình và áp dụng triết lý của câu lạc bộ cho mọi vấn đề liên quan tới trận đấu, từ khâu chuẩn bị cho tới chiến thuật, từ bài nói chuyện cuối cùng cho tới cái cách mà họ ăn mừng chiến thắng. Pep đã mời cả thế giới cùng chung với anh và các cầu thủ niềm vui được chơi một trận chung kết lớn của Cúp Châu Âu.
Anh ấy rất tự tin là đã chuẩn bị đủ những gì cần thiết để đánh bại đội bóng của Ngài, nhưng nếu điều đó không xảy ra, các cổ động viên vẫn có thể trở về nhà với niềm tự hào là đội bóng đã cố gắng để chiến thắng theo cách của Barca, và quan trọng hơn là đã vượt qua được một giai đoạn tăm tối trong lịch sử của đội bóng. Guardiola không chỉ thay đổi được xu hướng tiêu cực trong lòng đội bóng, mà anh còn, chỉ trong vòng mười hai tháng, bắt đầu lấp bỏ một số “điều răn” quyền lực, bất thành văn nhưng đầy sức thu hút, nói về tầm quan trọng của việc đặt chiến thắng cao hơn tất thảy, về sự bất khả trong việc hài hòa giữa mong muốn vươn tới những mục tiêu cao nhất với chơi hay, chơi đẹp mắt. Hay là quan điểm cho rằng những giá trị thiết yếu về tinh thần thể thao mã thượng và sự tôn trọng đều đã lỗi thời. Ngay từ ngày đầu tiên có mặt trên băng ghế huấn luyện của Barcelona, Pep đã sẵn sàng đi ngược dòng nước, bởi vì đó là tất cả những gì mà anh tin tưởng.
Nhưng đấy là chuyện của ngày xưa.
Vào giai đoạn cuối của nhiệm kỳ ở Barcelona, anh đã không còn là vị huấn luyện viên trẻ trung, háo hức, nhiệt thành mà Ngài đã gặp trong buổi tối hôm đó ở Rome hay trong năm tiếp theo ở Nyon, tại trụ sở của UEFA, trong một khoảnh khắc giao lưu hiếm hoi.
Vào cái ngày Pep thông báo với cả thế giới rằng anh chuẩn bị rời bỏ đội bóng của thời niên thiếu sau bốn năm nắm quyền dẫn dắt đội Một, Ngài có thể nhìn thấy bốn năm ấy đã lấy đi của anh ấy những gì. Ngài chỉ cần nhìn kỹ vào đôi mắt của anh ấy là đủ hiểu. Anh ấy đã không còn sôi động và nhạy cảm như trong buổi sáng hôm ấy ở Thụy Sĩ, khi Ngài tặng cho anh ấy những lời khuyên của một người cha. Ngài có biết rằng anh ấy vẫn còn nói về cuộc nói chuyện hôm đó, về mười lăm phút mà anh ấy được trải qua với Ngài, như là một trong những điểm nhấn trong sự nghiệp? Chẳng khác nào một cậu thiếu niên bất ngờ đụng mặt thần tượng, anh ấy đã nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần câu “Tôi đã ngồi cùng Sir Alex, tôi đã nói chuyện với Sir Alex Ferguson!”. Lúc ấy, mọi thứ còn mới mẻ và đầy phấn khích: những rào cản chỉ là những thách thức thay vì là những chướng ngại không thể vượt qua.
Vào buổi sáng nhiều nắng của tháng 9 năm 2010 ấy, tại tòa nhà hình chữ nhật hiện đại của UEFA tọa lạc bên bờ hồ Geneva, cuộc hội thảo thường niên của giới huấn luyện viên đã trở thành bối cảnh cho cuộc gặp gỡ xã hội đầu tiên giữa Ngài và Pep Guardiola kể từ khi hai người trở thành huấn luyện viên. Trước đó, hai người hầu như không có thời gian để trao đổi điều gì ngoài mấy câu xã giao ở Rome, và Pep lúc nào cũng mong ngóng được ngồi riêng với Ngài, ở một nơi nào đó không còn những áp lực cạnh tranh. Và rồi thời cơ cũng tới. Cuộc hội thảo mang tới cho các huấn luyện viên cơ hội được chuyện phiếm, thảo luận các xu hướng mới, hay đôi khi chỉ để phàn nàn về một điều gì đó. Đấy là cơ hội hiếm hoi để họ, một nhóm những cá nhân tinh hoa trong nghề, có thể tìm thấy sự gắn kết. Sau cuộc hội thảo, họ sẽ dành phần còn lại của năm trong cảnh cô độc, nhọc nhằn tìm cách quản lý hơn hai mươi cá tính cùng với gia đình và người đại diện của họ.
Trong số những khách mời ở Nyon hôm ấy, có cả José Mourinho, vị huấn luyện viên mới đầy màu sắc của Real Madrid, đồng thời là nhà đương kim vô địch châu Âu với Inter Milan, đội đã đánh bại Barcelona của Pep ở vòng bán kết mùa giải trước đó. Vào buổi sáng của ngày đầu tiên trong hai ngày hội thảo, Ngài đến trụ sở của UEFA trên một trong hai chiếc minibus; chiếc đầu tiên chở vị huấn luyện viên người Bồ Đào Nha cùng với huấn luyện viên của Chelsea lúc đó là Carlo Ancelotti và huấn luyện viên của Roma, Claudio Ranieri. Guardiola đi trên chiếc xe bus thứ hai, cùng với Ngài. Ngay khi Ngài vừa bước vào tòa nhà, Mourinho nhanh chóng nhập hội với nhóm huấn luyện viên vừa tụ tập xung quanh Ngài, trong khi Guardiola bước sang một bên và chụp một bức ảnh lưu lại khoảnh khắc lúc đó. Guardiola là thế, lúc nào cũng ý thức được tầm quan trọng của những sự kiện như thế trong câu chuyện của chính cuộc đời anh. Sau tất cả, anh đang đứng giữa một số trong những bộ óc bóng đá vĩ đại nhất, nên việc của anh là nghe, là xem, và học hỏi. Điều mà anh luôn luôn làm.
Pep đứng riêng, tách mình khỏi những cuộc thảo luận đang diễn ra. Rồi Mourinho phát hiện ra anh và bước tới. Anh ta chào Guardiola, và bắt tay anh một cách rất nồng nhiệt. Cả hai cùng cười. Họ bắt đầu thảo luận sôi nổi được vài phút thì huấn luyện viên của Werder Bremen, Thomas Schaaf, nhập bọn.
Đó là lần cuối cùng Pep Guardiola và José Mourinho có thể nói chuyện với nhau một cách thân tình như thế.
Các nhóm bắt đầu bước vào hội trường chính để chuẩn bị cho một trong hai phiên thảo luận của ngày hôm ấy. Trong phiên đầu tiên, Ngài đã nói về những xu hướng chiến thuật vừa được sử dụng ở chiến dịch Champions League trước, cũng như những chủ đề khác liên quan tới kỳ World Cup ở Nam Phi mà Tây Ban Nha là đội vô địch. Vào cuối phiên thảo luận đầu tiên, tất cả mọi người được yêu cầu ngồi lại để chụp một bức ảnh tập thể. Didier Deschamps ngồi giữa Guardiola và Mourinho ở trung tâm của hàng trước. Ở góc trái, Ngài ngồi kế bên Ancelotti. Mọi người cười nói, trêu chọc nhau rổn rảng. Ngày đầu tiên hóa ra lại rất thú vị.
Ngay trước khi phiên thảo luận thứ hai diễn ra là thời gian nghỉ uống cà phê. Ngài và Guardiola vô tình cùng ngồi ở một khu vực có góc nhìn choáng ngợp ra hồ Geneva, mà từ đó có thể thấy được mặt nước trong xanh và cả những căn nhà ở xa xa bên kia mặt hồ.
Sự có mặt của Ngài làm Pep cảm thấy bối rối. Trong mắt anh ấy, Ngài là một người khổng lồ trên băng ghế huấn luyện. Nhưng trong buổi sáng hôm đó, Ngài chỉ là một người Scotland nhã nhặn lúc nào cũng sẵn sàng cười - hình ảnh thường thấy của Ngài khi bước ra khỏi ánh đèn sân khấu. Ngài ngưỡng mộ sự khiêm tốn của vị huấn luyện viên trẻ, bất chấp thực tế là Pep đã giành được bảy trong số chín danh hiệu tối đa ở thời điểm đó, và đã khiến thế giới bóng đá phải tranh cãi xem liệu những gì mà anh đang làm là một sự thay đổi hay là một cuộc cách mạng ở FC Barcelona. Ý kiến chung ở thời điểm đó là, chí ít, sự trẻ trung và tích cực của Pep là một luồng gió mới mát lành.
Cuộc trò chuyện bên tách cà phê đó nhanh chóng biến thành buổi học một thầy, một trò. Pep rất thích dành thời gian nghiên cứu và học hỏi những giá trị mà các huyền thoại bóng đá mang tới cho môn thể thao này. Anh ấy có thể kể lại một cách chi tiết các trận đấu của Ajax thời van Gaal hay những thành tựu mà Milan có được với Sacchi. Anh ấy có thể nói với Ngài cả ngày về hai đội bóng này. Và anh ấy xem chức vô địch châu Âu có giá trị cũng gần như tương đương với chiếc áo có chữ ký của thần tượng Michel Platini mà anh ấy vẫn giữ. Ngài cũng là một thành viên trong “ngôi đền huyền thoại” đặc biệt của Pep.
Trong khi cậu học trò lắng nghe như nuốt vào từng chữ, sự tôn trọng mà anh ấy dành cho Ngài đã chuyển thành sự sùng bái. Không chỉ vì nội dung mang tính biểu tượng của cuộc nói chuyện, hay tầm nhìn của Ngài về nghề huấn luyện viên. Điều quan trọng nhất không hẳn là nội dung câu chuyện mà là tầm vóc của người đàn ông đang nói.
Anh ấy rất ngưỡng mộ cách mà Ngài duy trì được triều đại của mình ở Manchester United trong thời gian dài như thế, ngưỡng mộ sự bền bỉ và sức mạnh nội tại mà Ngài cần phải có để trụ được trong nghề lâu đến vậy. Pep vẫn luôn nghĩ rằng áp lực ở Barcelona và Manchester hẳn là phải khác nhau. Anh mong muốn hiểu được, làm thế nào mà một người có thể giữ khát khao chiến thắng và động lực phấn đấu không ngừng, sau những thành công liên tiếp. Anh ấy tin rằng một đội bóng đã thắng quá nhiều cần phải thua để có được những bài học mà chỉ thất bại mới có thể mang tới. Pep muốn khám phá cách Ngài đối mặt với điều đó, cách Ngài tìm lại sự thanh thản, và cách Ngài nhìn nhận về mỗi thất bại. Các Ngài đã không có đủ thời gian để nói về mọi thứ, nhưng trong lần tiếp theo hai người gặp lại, chắc chắn những vấn đề như thế sẽ được Pep nêu ra.
Pep sùng bái thái độ điềm tĩnh cả trong chiến thắng lẫn thất bại của Ngài, cũng như cách Ngài chiến đấu đến cùng để bảo vệ thứ bóng đá mà Ngài theo đuổi, và Ngài cũng khuyên anh ấy phải kiên định với con người thật, với những niềm tin và với lòng mình.
“Pepe,” Ngài nói với anh ấy - và anh ấy tôn trọng Ngài tới mức không dám nói rằng Ngài đã gọi sai tên anh ấy - “cậu phải chắc chắn rằng cậu sẽ không bao giờ đánh mất chính mình. Nhiều huấn luyện viên trẻ đã thay đổi, vì đủ lý do, có thể vì những vấn đề vượt ra ngoài tầm kiểm soát của họ, vì mọi chuyện không khởi đầu như mong muốn hay chỉ đơn giản vì thành công có thể khiến ta thay đổi. Đùng một cái, họ muốn thay đổi chiến thuật, thay đổi chính mình. Họ không nhận ra rằng bóng đá là một con quái vật mà ta chỉ có thể đương đầu và đánh bại nếu ta luôn là chính mình, trong bất kỳ trường hợp nào.”
Với Ngài, những lời ấy có thể chỉ là những lời khuyên bình thường, giúp Ngài thỏa mãn bản năng của bậc trưởng bối mỗi khi có những gương mặt mới xuất hiện trên sân khấu. Nhưng dù không cố tình, Ngài cũng đã tiết lộ cho Pep biết những bí mật tạo nên sự bền bỉ của Ngài trong bóng đá, nhu cầu được tiếp tục cũng như mối quan hệ lạ kỳ giữa Ngài với môn thể thao này, nơi Ngài đôi khi cảm thấy bị mắc kẹt, nhưng có lúc lại cảm thấy được giải phóng.
Những lời Ngài nói đã quay lại với anh ấy không dưới một lần trong thời điểm anh ấy còn đang vật vã suy nghĩ về tương lai của mình. Anh ấy hiểu Ngài đang muốn nói tới điều gì, nhưng anh ấy vẫn không tài nào ngăn mình khỏi thay đổi trong bốn năm dẫn dắt đội Một của Barcelona. Bóng đá, con quái vật ấy, đã biến đổi anh ấy.
Ngài đã khuyên anh ấy đừng đánh mất con người thật của mình, nhưng anh ấy vẫn thay đổi, một phần là vì áp lực từ đội ngũ cổ động viên luôn biết ơn và ngưỡng mộ anh, tới mức quên đi việc anh chỉ là một huấn luyện viên bóng đá; một phần vì chính anh, vì anh không thể đưa ra những quyết định có thể làm tổn thương mình và các cầu thủ. Hao tổn tinh thần cuối cùng đã trở nên quá lớn, đúng hơn là quá sức chịu đựng. Tới một lúc, Pep tin rằng cách duy nhất để anh ấy có thể tìm lại một phần con người thật của mình là bỏ lại phía sau tất cả những gì mà anh đã dày công gây dựng.
Hóa ra, mặc dù rất muốn nghe theo những lời khuyên của Ngài, Pep không thể giống như Ngài, Sir Alex ạ. Thỉnh thoảng Ngài vẫn ví bóng đá như một loại nhà tù kỳ lạ, một nhà tù mà những người như Ngài không muốn thoát ra. Arsène Wenger cũng chia sẻ quan điểm này của Ngài, và ông ấy cũng không thể nào đồng cảm hay hiểu được quyết định rời bỏ một đội bóng chiến thắng - với những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, được tất cả yêu mến và ngưỡng mộ - của Guardiola.
Vào buổi sáng Pep thông báo quyết định chia tay Barcelona, ba ngày sau khi Chelsea khiến cả thế giới bóng đá rúng động khi loại Barcelona ở bán kết Champions League, Wenger nói với cánh phóng viên: “Triết lý của Barcelona phải vượt lên trên chuyện thắng hay thua một giải đấu. Chưa kể, ngay sau khi vừa bị loại khỏi Champions League cũng không phải là thời điểm thích hợp để đưa ra một quyết định như thế. Tôi rất muốn được thấy Guardiola - dù vừa trải qua một năm khó khăn - ở lại, và trở lại để chứng minh triết lý của mình. Hẳn là sẽ thú vị lắm.”
Đầu óc của Guardiola thường xuyên ở trong tình trạng rối loạn; trước mỗi quyết định, nó lại xoay với tốc độ 100 vòng một phút. Và cho tới lúc đó, dù anh ấy đã có quyết định cuối cùng, nó vẫn không chịu yên mà không ngừng đặt ra những câu hỏi. Anh ấy đã không thể chạy trốn khỏi định mệnh của mình (trở lại Barcelona với tư cách một huấn luyện viên) nhưng cũng không thể nào sống được trong sự căng thẳng cuối cùng đã khiến anh bị đè bẹp. Thế giới của anh ấy đầy những bấp bênh, tranh cãi, nghi ngờ và đòi hỏi mà anh ấy không bao giờ có thể hòa hợp hay thỏa mãn. Chúng xuất hiện mọi lúc mọi nơi, khi anh ấy đi chơi golf với bạn bè, khi đang nằm dài trên sofa xem phim cùng bạn gái Cris và ba đứa con, hay trong những đêm mất ngủ. Dù tới bất kỳ đâu, anh ấy cũng không ngừng làm việc, suy nghĩ, quyết định, không ngừng đặt ra những câu hỏi. Cách duy nhất để anh có thể dứt ra khỏi công việc (và cả những kỳ vọng to lớn) là cắt đứt hoàn toàn mọi mối ràng buộc.
Ngày đến Barca B, anh là một huấn luyện viên mới trẻ trung, tràn trề năng lượng. Sau năm năm và 14 danh hiệu, anh rời đội Một trong tình trạng kiệt quệ. Đấy không phải là tôi tự nói; chính Pep đã nói về việc anh cảm thấy kiệt sức thế nào trong buổi họp báo xác nhận thông tin anh chuẩn bị rời đội bóng.
Ngài có còn nhớ cái lần Ngài được hỏi về Pep, ngay trước lễ trao giải Ballon d’Or (Quả Bóng Vàng) 2011 ấy không? Hai người cùng có mặt trong buổi họp báo sau khi Ngài được vinh danh với giải thành tựu trọn đời còn Pep là huấn luyện viên xuất sắc nhất năm. Ngài đã rất thành thật trong câu trả lời của mình: “Guardiola có thể tìm được một chỗ nào khác tốt hơn nhà của mình chứ? Tôi chẳng thấy có lý do gì để anh ấy bỏ tất cả mà đi hết.”
Cũng trong ngày hôm ấy, Andoni Zubizarrreta, Giám đốc Bóng đá của Barcelona, đồng thời là bạn thâm niên của Pep, người hiểu rõ ảnh hưởng của cuộc nói chuyện năm xưa ở Nyon cũng như sự tôn trọng mà Pep dành cho Ngài, đã nhắc lại lời của Ngài trong lúc nói chuyện với Guardiola: “Nghe xem Alex Ferguson, người đàn ông thông thái với kho kinh nghiệm đầy ắp về thế giới và bóng đá, nói gì kìa...”, Zubi nói.
Đáp lại, Pep, lúc ấy đã thông báo cho Zubi ý định ra đi vào cuối mùa giải, mắng người bạn: “Anh đúng là một tên khốn. Lúc nào cũng tìm cách để làm khó tôi!”
Sir Alex ạ, Ngài hãy thử nhìn lại những hình ảnh của Pep khi anh ấy lần đầu bước lên nắm lấy quyền dẫn dắt đội Một Barcelona vào năm 2008 đi. Ngài thấy gì? Một người đàn ông 37 tuổi trẻ trung, đầy háo hức, tham vọng và căng tràn năng lượng phải không? Bây giờ hãy nhìn lại hình ảnh của anh ấy sau bốn năm. Trông anh ấy không giống một người 41 tuổi, đúng không? Trong buổi sáng hôm ấy ở Nyon, Guardiola đã bắt đầu hành trình nâng đội bóng của mình lên những tầm cao mới, và giúp đội bóng ấy làm nên lịch sử. Thời điểm hai người có cuộc nói chuyện ngắn ở bàn cà phê nhìn ra hồ Geneva đó, Pep đã tìm ra những giải pháp chiến thuật mang tính cấp tiến, nhưng tới những mùa giải tiếp theo, anh ấy sẽ còn cho đội bóng phòng ngự và tấn công theo những phương thức mang tính cách mạng hơn hẳn, và đội bóng của anh sẽ chiến thắng ở gần như tất cả mọi giải đấu mà nó góp mặt.
Vấn đề là, trên hành trình ấy, mỗi chiến thắng là một bước đi tới gần hơn sự kết thúc.
Một quốc gia thèm khát những hình mẫu đương đại, lại đang vật lộn trong khủng hoảng, đã tự động nâng Pep lên thành một nhà lãnh đạo xã hội, một người hoàn hảo, một lý tưởng. Đáng sợ ngay cả với Pep. Như Ngài biết đấy, Sir Alex, chẳng có ai hoàn hảo cả. Có thể là Ngài không đồng ý với nhận định này, nhưng có rất, rất ít người có thể trụ vững khi trên đôi vai của họ là cả một gánh nặng khủng khiếp như thế.
Làm huấn luyện viên của Barcelona là một công việc tiêu hao rất nhiều năng lượng, và sau bốn năm, khi anh ấy đã không còn tận hưởng những buổi tối ở Cúp Châu Âu nữa, khi Real Madrid đã khiến cho La Liga trở thành một thách thức đầy mệt mỏi cả trong lẫn ngoài sân cỏ, Pep cảm thấy đã tới lúc anh phải rời xa cái guồng quay nặng nề mà anh đã bị cuốn vào từ khi còn là một cậu bé 13 tuổi. Và vì Pep sẽ trở lại - chắc chắn sẽ trở lại - chẳng phải là tốt hơn nếu ra đi trong thế ngẩng cao đầu, khi mọi chuyện vẫn còn tốt đẹp?
Xin hãy nhìn vào những bức ảnh một lần nữa, Sir Alex! Bây giờ, có phải là việc Pep đã cống hiến hết tất cả những gì có thể cho FC Barcelona đã trở nên rõ ràng hơn?