Tháng 11 năm 2011, ngay trước buổi tập cuối cùng trước chuyến đi tới Milan để chơi một trận đấu thuộc vòng bảng Champions League, Pep, lúc đó đang trong năm thứ tư trên cương vị huấn luyện viên đội Một Barcelona, yêu cầu các cầu thủ đứng thành một vòng tròn. Anh bắt đầu tiết lộ bí mật mà anh, Tito Vilanova và các bác sĩ đã cố gắng giấu các cầu thủ, nhưng không làm sao mà nói ra được những điều anh muốn nói. Tính chất nghiêm trọng của sự việc khiến anh nghẹn lời. Anh tỏ ra căng thẳng và không thoải mái. Giọng anh như lạc đi, và rồi anh quyết định đứng sang một bên. Các bác sĩ thế chỗ anh để giải thích với các cầu thủ về điều đang diễn ra. Trong suốt thời gian đó, Pep vừa dán mắt xuống sàn nhà vừa liên tục uống nước. Chai nước ấy là để giúp cho giọng của Pep ngọt hơn, nhưng rõ ràng lần này nó đã không phát huy tác dụng.
Đội ngũ y tế cho biết trợ lý Tito Vilanova, cánh tay phải, đồng thời là bạn thân của Pep, sẽ phải mổ cấp cứu để loại bỏ một khối u trong tuyến mang tai, tuyến lớn nhất trong hệ thống tuyến nước bọt, và bởi thế không thể cùng toàn đội đi sang Italia được.
Hai giờ sau đó, các cầu thủ Barcelona rời khỏi sân tập trong tình trạng sốc nặng. Pep tỏ ra xa cách, hờ hững, cả buổi tập, anh cứ lang thang một mình trong bộ dạng trầm ngâm. Barcelona cuối cùng đã đánh bại Milan 3-2 ở San Siro để dẫn đầu bảng đấu Champions League của mình, sau một trận đấu mà không đội nào muốn tập trung phòng ngự, do đó đã “đãi” các cổ động viên một màn đôi công hấp dẫn với rất nhiều cơ hội được tạo ra. Nhưng dễ hiểu là bất chấp kết quả, Pep vẫn tỏ ra sầu muộn.
Cuộc đời, như người ta nói, là những gì xảy ra trong khi chúng ta còn bận rộn lên những kế hoạch khác. Nó cũng là thứ sẽ vả thẳng vào mặt anh và kéo anh ngã nhào đúng vào lúc anh nghĩ rằng mình là bất khả chiến bại, lúc anh quên mất thất bại cũng là một phần luật chơi. Guardiola, người cố gắng tìm hiểu mọi điều cần biết một cách nhanh nhất có thể ngay sau khi hay tin bạn mình bị bệnh, cũng đã trải qua một hành trình cảm xúc tương tự khi anh được thông báo rằng Eric Abidal có một khối u trong gan ở mùa giải trước đó. Hậu vệ trái người Pháp đã kịp phục hồi để có thể góp một phần nhỏ trong trận bán kết lượt về Champions League với Real Madrid. Pep đã gọi đó là “buổi tối xúc động nhất” mà anh có thể nhớ được ở Camp Nou. Abidal vào sân ở phút 90, khi tỉ số đang là 1-1 và Barcelona đang tiến rất gần tới một trận chung kết Champions League khác sau khi đã đánh bại Madrid ở trận lượt đi. Cả sân vận động đã đứng dậy để hoan nghênh anh, điều vốn không thường xuyên xảy ra. Người Catalonia cũng như người Anh, thường thì họ luôn tỏ ra dè dặt trong việc bộc lộ cảm xúc, chỉ tới khi đứng giữa một đám đông đang rần rần, họ mới giải phóng ra phần nào những xúc cảm mà họ cố gắng kìm nén. Ít tuần sau đó, Puyol, trong sự bất ngờ của Pep và tất cả các thành viên trong đội, đã đưa chiếc băng đội trưởng cho Abidal để anh có thể nhận cúp từ tay Platini. Để rồi gần một năm sau, các bác sĩ lại thông báo với hậu vệ trái người Pháp rằng việc chữa trị đã thất bại và anh cần được cấy gan.
Những vấn đề sức khỏe của Abidal và Vilanova khiến Guardiola rúng động; chúng giáng cho anh những cú nặng nề. Đó là một tình huống không thể nhìn thấy trước, cũng không thể kiểm soát được. Pep là một người thích dự đoán và kiểm soát tất cả những gì xảy ra bên trong đội bóng cũng như lên sẵn kế hoạch đối phó với những tình huống bất ngờ. Nhưng trong những chuyện đó anh hoàn toàn bó tay. Anh chẳng thể làm được gì. Tệ hơn, mạng sống của những người mà anh cảm thấy mình phải có trách nhiệm đang bị đe dọa.
Sau chiến thắng ở Milan, Barcelona phải tới Madrid để làm khách của đội bóng nhỏ Getafe. Thất bại trong trận đấu đó đã khiến Guardiola cũng như các cầu thủ, những người đã thống trị trận đấu nhưng tỏ ra thiếu hiệu quả trước khung thành của đối thủ, không thể có được một chiến thắng làm quà cho Tito Vilanova, lúc đó đang bắt đầu quá trình hồi phục sau ca phẫu thuật thành công.
Trận đấu ở Getafe, trong một đêm lạnh lẽo giữa một sân vận động trống vắng, là một trận đấu tồi tệ mà trong đó Pep càng ngày càng cảm thấy khó khăn trong việc tạo cảm hứng cho một nhóm cầu thủ đã đóng vai chính trong quá nhiều đêm vinh quang trước đó (và cho cả chính mình). Ba điểm đánh mất khiến Pep rất thất vọng. Mùa giải của Barcelona có vẻ đã trượt ra khỏi tầm kiểm soát từ quá sớm. Real Madrid, đội đã đánh bại kình địch cùng thành phố Atlético de Madrid 4-1 ngay trên sân khách, đã vượt lên dẫn trước năm điểm, và quan trọng là họ tỏ ra không thể bị ngăn chặn, tràn đầy khát khao chiến thắng và mang trong mình quyết tâm cháy bỏng là sẽ đẩy kỷ nguyên Guardiola tới hồi kết.
La Liga không phải là nguyên nhân duy nhất khiến Pep xuống tinh thần - bộ dạng của anh sau trận đấu khiến nhiều thành viên của đội bóng cảm thấy lo lắng. Trên chuyến bay trở lại Barcelona, vào sáng sớm Chủ nhật, 27 tháng 11 năm 2011, chưa bao giờ người ta thấy Pep tỏ ra xa cách, chán chường và lặng lẽ đến vậy. Nếu chỉ là một thất bại bình thường, không bao giờ Pep để bị tác động nặng nề như thế. Còn một chỗ trống bên cạnh anh trên máy bay - một chiếc ghế trống cạnh lối đi - mà không ai muốn lấp đầy. Đó là nơi Tito Vilanova vẫn thường ngồi.
Chưa có thời điểm nào mà tinh thần của vị huấn luyện viên của Barca xuống thấp hơn.
“Chỉ có thằng ngốc mới bỏ dở công việc giữa chừng.” Sir Alex Ferguson chắc chắn sẽ nói như thế với Pep trước khi anh đưa ra quyết định. Nhưng vị huấn luyện viên của Manchester United có thể sẽ nghĩ khác nếu ông nhìn thấy Pep, đơn độc, trong chuyến bay đó.
Andoni Zubizarreta nhanh chóng nhận ra tác động từ bệnh tình của Tito đối với Pep. Anh ấy nhìn thấy điều đó trên các chuyến đi tới Milan và Madrid, và trong cách vị huấn luyện viên của mình hành xử trên sân tập trước và sau các trận đấu. Cứ như thể trên người của Pep có một lỗ thủng và tất cả năng lượng của anh chảy ra ngoài hết qua lỗ thủng ấy. Trông anh xọp hẳn đi: người gầy hơn, lưng còng xuống, mặt già đi và trông thật xanh xao.
Tới bây giờ Zubi vẫn ước rằng lúc ấy anh nên biết phải nói gì với Pep, phải làm gì để an ủi và động viên bạn mình. Có thể là làm thế cũng chẳng thay đổi được gì đâu, nhưng Zubi vẫn không thôi cảm thấy áy náy.
Rồi Tito cũng vượt qua được cuộc phẫu thuật, nhưng những gì diễn ra trong tuần đó xác nhận những nỗi sợ hãi lớn nhất của Pep - anh không thể gắng gượng hơn được nữa. Anh không đủ sức chịu thêm trách nhiệm, tìm kiếm thêm các giải pháp, chống chọi thêm với khủng hoảng, không đủ sức để lại làm việc trong nhiều giờ không nghỉ, và cứ sống xa gia đình mãi.
Nó xác nhận một mối hoài nghi dai dẳng đã đeo bám anh suốt từ tháng 10, khi mà sau trận đấu với Bate Borisov ở Champions League, anh đã nói với Zubi và Chủ tịch Sandro Rosell rằng anh cảm thấy mình không còn đủ mạnh mẽ để có thể tiếp tục thêm một mùa giải nữa. Rằng nếu lúc đó anh được mời gia hạn hợp đồng, câu trả lời chắc chắn sẽ là “Không”. Đó không phải là một quyết định chính thức, nhưng anh vẫn muốn những người có trách nhiệm biết được anh đang cảm thấy như thế nào. Phản ứng đầu tiên của (lãnh đạo) đội bóng là trấn an Pep, rằng anh sẽ có nhiều thời gian, chẳng việc gì phải vội.
Zubi, bạn thâm niên và cũng là đồng nghiệp của Pep, hiểu rõ anh là người như thế nào, và tốt nhất là không nên gây áp lực với anh. Vị giám đốc bóng đá hi vọng rằng lời thú nhận của Pep chỉ đơn giản xuất phát từ việc anh cảm thấy hơi mệt mỏi và xuống tinh thần, điều hoàn toàn dễ hiểu. Thời còn là đồng đội, Zubi đã đôi lần chứng kiến bạn mình ngồi lên chiếc “tàu lượn cảm xúc” kiểu đó. Nhưng Zubizarreta cũng chợt nhớ lại lần ông đi ăn với Pep trong mùa giải đầu tiên của anh ở đội Một. Đó chỉ đơn thuần là một cuộc gặp giữa những người bạn. Thời điểm đó Zubi còn chưa làm việc cho Barcelona và Pep thì vẫn còn rất phấn khích với những gì anh đang làm với đội bóng và cách mà những việc đó được đón nhận. Nhiệt huyết của anh là một thứ bệnh truyền nhiễm. Nhưng ngay từ lúc ấy anh đã nhắc Zubizarreta rằng anh không định làm ở Barcelona mãi mãi. Đó là một cơ chế phòng vệ của Pep, bởi vì anh biết rõ hơn ai hết, đội bóng của anh có thói quen “nhai” và “nhổ” các huấn luyện viên một cách không thương tiếc. Pep khăng khăng rằng tới một ngày anh sẽ không còn kiểm soát được các cầu thủ, những thông điệp của anh sẽ không còn sức nặng như trước, và rằng trong dài hạn thì việc kiểm soát toàn bộ môi trường (truyền thông, những kẻ thù của chủ tịch, các chương trình talk-show, các cựu huấn luyện viên và cầu thủ) là điều bất khả.
Một người bạn khác của Pep, Charly Rexach - cựu cầu thủ, từng là trợ lý huấn luyện viên của Johan Cruyff và huấn luyện viên đội Một Barcelona, một biểu tượng của đội bóng xứ Catalonia và là một triết gia huyền thoại - luôn nói rằng một huấn luyện viên Barcelona chỉ có thể cống hiến 30% cho đội bóng; 70% còn lại được dành để đối phó với đống rác rưởi đi kèm thể chế khổng lồ mà đội bóng là một phần trong đó. Pep đã cảm nhận được điều này khi anh còn là một cầu thủ, nhưng phải tới khi làm huấn luyện viên thì anh mới thực sự được trải nghiệm thứ áp lực liên tục này, và phải công nhận tính toán của Charly là chính xác.
Johan Cruyff, người thường xuyên có những lần dùng bữa rất lâu với Guardiola, cũng hiểu điều đó, và đã cảnh báo Pep rằng năm thứ hai sẽ khó khăn hơn năm thứ nhất, và năm thứ ba sẽ còn khó khăn hơn năm thứ hai. Cruyff cũng thú nhận rằng nếu ông có thể trở lại thời làm huấn luyện viên của Dream Team, ông sẽ rời câu lạc bộ sớm hơn hai năm so với thực tế. “Đừng ở lâu hơn cần thiết”, có lần Cruyff đã nói với Pep như vậy.
Thế nên, Zubizarreta biết rằng thuyết phục Pep ở lại là rất khó, nhưng ông vẫn cứ phải cố hết sức. Chiến thuật của vị giám đốc bóng đá là kết hợp bảo vệ với yên lặng, và đôi lúc có kèm thêm một chút áp lực. Mục đích cuối cùng là một câu trả lời. Nhưng câu trả lời ấy không bao giờ xuất hiện. Trước những câu hỏi của Zubi liên quan tới tương lai của mình, Guardiola luôn trả lời theo một kiểu: “Anh biết rõ là tôi đang phải trải qua những gì, chuyện này thực sự rất khó” và “Rồi, rồi, ta sẽ nói chuyện này sau.”
Vào đầu mùa giải 2011-12, sau khi đã giành chức vô địch La Liga và Champions League ở mùa giải trước đó, Guardiola triệu tập một cuộc họp với các cầu thủ để nhắc lại cho họ điều mà mọi huấn luyện viên đều đã nói với đội bóng thành công của mình kể từ ngày bóng đá được phát minh: “Các anh cần biết rằng câu chuyện sẽ không kết thúc ở đây. Các anh cần phải tiếp tục chiến thắng.” Và thực tế là đội bóng tiếp tục gặt hái các danh hiệu: Siêu Cúp Tây Ban Nha, Siêu Cúp Châu Âu, và chức vô địch World Cup các Câu lạc bộ vào tháng 12.
Chấn thương của Villa và Abidal, cộng với việc Guardiola chỉ muốn xây dựng một đội hình không quá cồng kềnh, đã khiến Barcelona phải trả giá đắt ở La Liga cho năng lượng mà họ đã tiêu tốn ở Cúp Nhà Vua và Siêu Cúp Tây Ban Nha (những giải đấu chứng kiến họ đánh bại Real Madrid). Cổ động viên của Barcelona ủng hộ Pep, bởi vì họ cũng bị ám ảnh về việc phải chặn đà hồi sinh của kình địch đáng ghét nhất.
Trận đấu với AC Milan ở vòng bảng Champions League vào tháng 9 trở thành bước ngoặt và là điềm báo cho mùa giải phía trước. Đội bóng Italia gỡ hòa 2-2 trong những phút cuối của trận đấu ở Camp Nou - bàn gỡ là hậu quả của một tình huống phòng ngự phạt góc không tốt - khiến Guardiola đi đến kết luận rằng đội bóng của anh đã đánh mất lợi thế cạnh tranh. Họ đã không còn chú ý đến những tiểu tiết, vốn là điều đã làm nên sự đặc biệt của Barcelona. Theo sau trận hòa này là một loạt những trận đấu đáng thất vọng trên sân khách ở La Liga, trong đó có thất bại 1-0 trên sân của Getafe trong tháng 11 mà chúng ta đã nói tới.
Nhiều lúc Pep tự hỏi không biết các cầu thủ có còn tiếp nhận thông điệp từ anh theo cách mà họ vẫn làm trước đây hay không, trong khi vò đầu bứt tai không hiểu tại sao sơ đồ 3-4-3 từng rất thành công lại không vận hành như mong muốn. Anh thực hiện nhiều điều chỉnh táo bạo với đội hình xuất phát, cứ như thể anh biết rằng mình sẽ không gắn bó với đội bóng tới mùa thứ năm. Linh tính mách bảo Pep rằng việc kiểm soát các cầu thủ càng ngày càng khó khăn. Một vài người còn có nguy cơ lạc lối trong thế giới bóng đá nếu họ không nhanh chóng loại bỏ những thói quen xấu. Dani Alves, người chia tay vợ trong mùa hè và mắc lỗi báo cáo muộn sau kỳ nghỉ Giáng sinh, bất ngờ được cho nghỉ phép hẳn một tuần trong giai đoạn giữa mùa giải để có thể thả lỏng đầu óc. Đó là một hành động chưa từng có tiền lệ, ít nhất là theo cách công khai như thế, trong lịch sử của gã khổng lồ bóng đá Tây Ban Nha.
Ngoài ra, còn có vài lần hậu vệ người Brazil bị nhắc nhở ngay trước mặt các đồng đội vì không để ý tới chiến thuật; đây cũng là một hành động mà Pep hiếm khi làm. “Hậu vệ, đầu tiên và trước hết cậu là một hậu vệ”, Pep nói với Alves sau một trận đấu mà anh ta tham gia tấn công nhiều hơn cần thiết. Cầu thủ người Brazil, trong khi đó, lại bày tỏ sự khó chịu mỗi khi bị bỏ trên băng ghế dự bị. Anh ta không phải là người duy nhất. Nhìn thấy những gương mặt bực bội trong các trận đấu khiến Pep khó chịu. Anh chỉnh những người cảm thấy tức giận vì bị loại khỏi đội hình xuất phát một cách gián tiếp thông qua việc khen ngợi thái độ mà những cầu thủ như Puyol và Keita thể hiện mỗi khi họ không đá chính. “Tôi chắc là họ cũng gọi tôi bằng đủ thứ, nhưng điều đầu tiên họ làm khi họ biết mình không ra sân là cổ vũ cho đội bóng”, anh nói.
Không có gì khó hiểu khi những vấn đề kiểu đó xuất hiện nhiều lên theo cấp số nhân khi mùa giải trôi đi; đó là tình trạng chung của mọi phòng thay đồ. Nhưng mọi xung đột, dù là nhỏ nhặt nhất, đều ít nhiều khiến cho những “cây cầu” mà Pep đã kỳ công dựng lên giữa ông và đội bóng bị bào mòn.
Dẫu vậy, vẫn có những khoảnh khắc vui vẻ. Khi Barcelona loại Real Madrid khỏi vòng bán kết Cúp Nhà Vua vào tháng 2, Guardiola có vẻ như đã trở lại là Pep của những mùa giải trước: tràn đầy năng lượng, quyết liệt, hoạt bát. Đội bóng vẫn đang có cơ hội giành mọi danh hiệu, và ban lãnh đạo đã nghĩ rằng thành công sẽ thuyết phục anh ở lại, dù việc anh giữ im lặng về tương lai của mình đã bắt đầu trở thành cái cớ để một số quan chức chỉ trích anh. Những người này thường gọi Pep là “Dalai Lama” hay là “người thần bí”. Ở một chừng mực nào đó, đúng là đội bóng đã trở thành con tin cho quyết định của Guardiola.
Từng bước một, Zubizarreta cố gắng tìm ra một tiếng nói chung để có thể thuyết phục Pep đặt bút ký vào bản hợp đồng mới. Thế rồi, vào tháng 11, vị giám đốc thể thao đề xuất Tito Vilanova là người kế nhiệm của Pep. Đó là một phương án B nghe có vẻ hợp lý nhất, nhưng có thể cũng là một chiến thuật để buộc Pep phải có sự hình dung cụ thể hơn về ngày ra đi của mình, để từ đó buộc ông phải nghĩ lại về nó.
Đội bóng âm thầm tính toán rằng sinh nhật của Pep có thể là bước ngoặt. Hai năm trước, vào sinh nhật thứ 39, Pep và bạn gái Cris tới dự khán một buổi biểu diễn của ban nhạc gốc Catalonia, Manel. Lúc ấy, việc anh chưa chịu gia hạn hợp đồng đã trở thành một tin tức tầm quốc gia, và ban nhạc, cũng như khán giả, đã thay lời của một bài hát để chúc mừng sinh nhật anh, đồng thời kêu gọi anh ký vào hợp đồng. Ngày hôm sau, Pep thông báo anh sẽ ở lại thêm một mùa giải nữa.
Tới ngày 18 tháng 1 năm 2012, sinh nhật thứ 42 của Pep, Tito Vilanova đã trở lại làm việc, còn Barcelona thì vừa vùi dập Santos trong trận chung kết Club World Cup ở Tokyo. Đội bóng nghĩ rằng điều kiện đã chín muồi để Pep thay đổi ý định. Nhưng chẳng có một sự xác nhận nào cả.
Trong những tháng tiếp theo, cho tới tận ngày 25 tháng 4 năm 2012, thời điểm Pep thông báo quyết định cuối cùng của anh, cả vị giám đốc bóng đá lẫn Chủ tịch Sandro Rosell đều không từ một cơ hội nào để khơi chủ đề hợp đồng ra thảo luận, ngay cả trong những bữa ăn tối riêng tư.
“Thế nào, mọi chuyện ra sao rồi?” - Sandro hỏi Pep trong một sự kiện diễn ra hồi tháng 2. Đó có lẽ không phải là thời điểm thích hợp nhất để nêu vấn đề ra, bởi vì bao quanh họ lúc đó toàn là những nhân vật quan trọng trong giới chính trị gia Catalonia cũng như trong xã hội.
“Giờ chưa phải lúc, Ngài Chủ tịch ạ”, Pep trả lời một cách dứt khoát. Anh chưa bao giờ mất cảnh giác.
Rosell giành chiến thắng trong cuộc bầu cử chủ tịch vào tháng Sáu năm 2010 sau khi Joan Laporta buộc phải kết thúc nhiệm kỳ của mình giữa chừng. Từ nhiều tháng trước đó, Pep đã đồng ý sẽ tiếp tục ở lại thêm một mùa giải nữa, nhưng vẫn yêu cầu vị sếp mới phải xác nhận trước các chi tiết. Hai tuần sau khi Rosell đắc cử, không có bản hợp đồng nào được ký, thỏa thuận, thương thảo hay thậm chí là nói tới. Cùng lúc đó, Dmytro Chygrynskiy, người được mua về trong mùa giải trước đó với giá 25 triệu euro, bị bán lại cho đội bóng cũ Shakhtar Donetsk với giá 15 triệu euro. Guardiola không vui. Anh không muốn trung vệ của mình ra đi, nhưng theo người ta nói với anh thì đội bóng cần tiền để trả lương do đã rơi vào tình trạng cạn kiệt tiền mặt, một bằng chứng xác đáng cho thấy Laporta đã đẩy đội bóng rơi vào tình trạng tài chính tệ hại.
Lập tức có người phản ứng. Johan Cruyff, người thầy của Pep, quyết định trả lại cho đội bóng Huân chương Chủ tịch Danh dự mà Laporta đã trao cho ông, một cử chỉ có thể xem là lời tuyên chiến chính thức giữa hai vị chủ tịch. Chiếc găng tay đã được ném xuống đất. Và Guardiola sẽ thấy mình mắc kẹt ở giữa tất cả những chuyện đó.
Rõ ràng đó không phải là cách người ta bắt đầu một mối quan hệ.
Cuộc sống trong khu vực dành cho các quan chức trở nên giống như địa ngục kể từ khi Rosell lên nắm quyền, nào là những cáo buộc vô căn cứ về việc Barcelona sử dụng doping trên sóng truyền thanh quốc gia, những trận bán kết Champions League căng thẳng với Real Madrid và hệ lụy, cuối cùng là tương lai của huấn luyện viên trưởng. Nhưng không như người tiền nhiệm nhiều lời Laporta, vị chủ tịch mới chủ động tránh gây ồn ào, một phần vì ông cảm thấy mình chưa thuộc về đội bóng. Rosell có cảm giác hai tay của mình bị trói chặt bởi một câu lạc bộ đã nâng Guardiola, không cần biết ông có muốn hay không, lên thành một thần tượng, vậy nên ông buộc phải chiều lòng vị huấn luyện viên trong rất nhiều vấn đề mà nếu có nhiều quyền lực hơn ông sẽ phản đối ngay. Chẳng hạn việc có quá nhiều trợ lý, kéo theo chi phí lớn, và trên tất cả là việc ký hợp đồng với Cesc Fàbregas.
Khi Rosell, người miễn cưỡng muốn kết thúc mọi ân oán với kẻ thù của mình, tiến hành một vụ kiện dân sự chống lại Laporta với cáo buộc về sai phạm trong quản lý tài chính ở câu lạc bộ, mà hệ quả có thể là việc tất cả bất động sản và tài sản của Laporta bị đóng băng, Pep đã mời vị chủ tịch cũ đi ăn tối. Trong bữa ăn, ông đã phải chứng kiến bạn mình, người đã trao cho ông công việc huấn luyện đầu tiên, khóc một cách ngon lành ngay tại bàn. Người đàn ông ấy đang chuẩn bị mất mọi thứ, và cuộc sống cá nhân của ông cũng đang bung bét hết cả lên. Vài ngày sau đó, Guardiola thừa nhận trong một cuộc họp báo rằng ông cảm thấy buồn cho Laporta. Theo người của Rosell, phát biểu ấy của Pep là một “bất ngờ không hề dễ chịu”.
Vụ việc sau đó dịu đi, và đơn kiện cũng được rút, nhưng chẳng có điều gì bị lãng quên ở Camp Nou!
Thế nên, không có gì bất ngờ khi Guardiola không bao giờ thể hiện sự tận tâm với Rosell như ông từng làm với Laporta. Nhưng một ông chủ tịch thì không cần phải yêu ai cả. Sau lễ trao giải Laureus ở London mà Barcelona chiến thắng ở hạng mục Đội tuyển của năm, khi được hỏi “Điều gì sẽ xảy ra nếu Pep ra đi vào cuối mùa?”, Rosell đã trả lời một cách lạnh lùng rằng: “Trước khi anh ta đến, chúng tôi đã sống và sau đó vẫn vậy.” Đúng vậy, ông ta không cần phải yêu Pep, nhưng sẽ là tốt hơn cho đội bóng nếu cả hai không thể hiện rõ ra là họ không chung một nhịp.
“Hãy lập ra một danh sách những việc mà anh muốn làm trong mùa giải tới. Anh sẽ có cơ hội để cân nhắc, và xem xem liệu những gì anh viết ra có đúng là những gì anh muốn làm hay không.” Zubizarreta vẫn không chịu từ bỏ. Anh nghĩ đó là một ý tưởng hay để khiến Guardiola phải cân nhắc kỹ hơn về một quyết định có vẻ như đã bắt đầu hình thành trong tâm trí anh. Pep chỉ cười, và nhắc lại câu trả lời quen thuộc: “Giờ không phải lúc.”
Chiến lược gây cho Pep chút áp lực như thế là đã thất bại; tốt nhất là không nên đề cập gì tới nó nữa. Zubi lại một lần nữa thay đổi chiến thuật. Từ khoảnh khắc đó về sau, chủ đề hợp đồng của Pep gần như không được nhắc tới trong các cuộc nói chuyện giữa chủ tịch, giám đốc bóng đá và huấn luyện viên của Barcelona. Guardiola sẽ tự nói với họ anh muốn làm gì bất cứ khi nào anh cảm thấy sẵn sàng làm điều đó. Cũng có đôi lần trong mùa giải, Zubizarreta “bon miệng” định nói ra điều gì đó, nhưng chỉ bằng một cái nhìn kèm một nụ cười nửa miệng của Pep, vị giám đốc bóng đá hiểu rằng, đó chưa phải lúc để nói về một điều gì đó quan trọng, và rằng đơn giản, đó không phải là lúc có thể nói chuyện với Pep.
Cũng như Zubizarreta, các cầu thủ sẽ nói với bạn rằng họ rất hiểu huấn luyện viên của mình. Họ tôn trọng người đàn ông có thể bông đùa với họ, nhưng cũng là người ngay khi xuất hiện có thể khiến họ tự động ngồi xuống và lắng nghe. Cách Guardiola quan tâm tới những chi tiết nhỏ nhất giúp họ tiến bộ, và ông cũng là vị huấn luyện viên có thể nhìn ra và nói cho họ biết mọi bí mật của bóng đá. Nhưng họ cũng có thể nói rằng có rất nhiều điều họ không thể nào hiểu nổi ở sếp của mình. Họ thấy ở anh một người đàn ông quá phức tạp trong suy nghĩ, lúc nào cũng suy suy tính tính, đôi khi có phần thái quá. Các cầu thủ khẳng định họ biết chắc rằng anh muốn dành thêm thời gian bên vợ con, nhưng không thể, bởi vì phần lớn thời gian của anh là để dành cho mục tiêu giành chiến thắng. Đó là lẽ sống của anh, nhưng đôi khi ngay cả các cầu thủ cũng phải tự hỏi, có phải anh đang làm quá hay không?
Với Pep, cái sự “làm quá” đó chính xác là những gì anh cần để tìm ra “ánh chớp của cảm hứng” mà anh hay nói tới. Đó là khoảnh khắc khi anh nhận ra trận đấu tiếp theo sẽ là như thế nào và khám phá ra cách để giành chiến thắng ở trận đấu đó, là khoảnh khắc “mang lại ý nghĩa cho công việc này”, như Pep từng nói.
Dù có tới 24 trợ lý, anh vẫn là người làm việc nhiều nhất, và dù câu lạc bộ đã đề nghị cho một đội ngũ chuyên gia phân tích trận đấu hỗ trợ, anh nhất quyết không chịu từ bỏ quyền kiểm soát phần việc đó. “Với tôi, điều tuyệt vời nhất là lên kế hoạch cho những gì sẽ xảy ra trong mỗi trận đấu” - Guardiola giải thích. “Tôi có trong tay những cầu thủ nào, có thể sử dụng những công cụ gì, đối thủ chơi như thế nào... Tôi muốn được tưởng tượng về những gì sẽ xảy ra. Tôi luốn cố gắng mang tới cho các cầu thủ cảm giác an toàn khi biết họ sắp sửa phải đối mặt với những gì. Điều đó sẽ làm tăng khả năng đội chơi tốt lên.”
Guardiola cảm thấy “sống động” nhất, nhập tâm nhất là khi chuyển từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ kia, từ deadline này tới deadline khác. Anh bị nghiện cái cảm giác adrenaline chạy rần rần trong người mỗi khi hối hả chuyển từ một dự án này sang một dự án khác. Cách nhìn nhận về nghề nghiệp như thế làm cho anh thấy thỏa mãn, nhưng đồng thời cũng khiến anh kiệt quệ. Vấn đề là, đó là lựa chọn duy nhất khả dĩ với anh, người đã hứa với các cổ động viên khi ra mắt đội bóng vào mùa hè năm 2008: “Tôi hứa với các bạn rằng chúng tôi sẽ luôn nỗ lực. Tôi không biết chúng tôi có chiến thắng hay không, nhưng chắc chắn là chúng tôi sẽ luôn nỗ lực hết sức. Hãy thắt chặt dây an toàn, các bạn đang chuẩn bị bước vào một hành trình thú vị.”
Thái độ làm việc ấy, vốn được thừa hưởng từ bố mẹ anh, là một phần không thể thiếu trong tính cách người Catalonia: linh hồn được cứu rỗi thông qua sự cần cù, nỗ lực, tinh thần lao động nghiêm túc và sự hết mình với công việc. Trong bài phát biểu tiếp nhận Huy chương Vàng danh dự quốc gia, hình thức tôn vinh cao nhất dành cho một công dân Catalonia, vì những đóng góp trong việc phát huy các giá trị thể thao Catalonia, trước rất đông quan khách có mặt tài Tòa nhà Quốc hội Catalonia, một địa điểm mang tính biểu tượng, Guardiola đã nói rằng: “Nếu chúng ta dậy sớm, thật sớm, và suy nghĩ về điều đó, thì tin tôi đi, quốc gia của chúng ta sẽ lớn mạnh lắm.”
Nhưng đồng thời, Pep đặt ra những tiêu chuẩn cao tới mức không tưởng và anh lúc nào cũng bị bủa vây bởi cảm giác mình chưa thực sự đủ giỏi. Guardiola trông có vẻ mạnh mẽ và có khả năng gồng gánh cả một câu lạc bộ trên vai, nhưng anh lại rất nhạy cảm với phản ứng của đội bóng và sự thất vọng của các cổ động viên mỗi khi không đáp ứng được kỳ vọng của họ. Hoặc của chính anh.
Có lần anh thú nhận với một người bạn thân: “Tôi đưa ra giải pháp cho một vấn đề và nghĩ rằng đó là giải pháp tuyệt vời nhất, nhưng đôi khi trong trận đấu, các cầu thủ lại có những cách giải quyết còn tuyệt vời hơn giải pháp mà tôi từng nghĩ tới. Đối với tôi thì đó giống như là một thất bại nhỏ, bởi vì lẽ ra tôi phải tìm ra giải pháp đó sớm hơn.”
Câu lạc bộ, vị giám đốc bóng đá và huấn luyện viên cùng cố gắng giảm yếu tố bất ngờ hay sự khó lường trong một trận đấu thông qua tập luyện và phân tích đối thủ. Trước một trận đấu, huấn luyện viên muốn biết phải tiếp cận theo cách nào, nhưng cuối cùng thì chính các cầu thủ mới là những người quyết định và thường huấn luyện viên chẳng thể can thiệp gì, chưa kể trên sân còn vô số những yếu tố biến thiên khác. Ai có thể giải thích được bàn thắng của Iniesta ở Stamford Bridge trong năm 2009, vào thời điểm Barcelona tưởng như đã phải chấp nhận thất bại? Với Pep, đó chính là sự kỳ diệu của bóng đá. Nhưng cũng là nguồn cơn của sự khó chịu, bởi nhiệm vụ của anh là biến những điều khó đoán trở nên dễ đoán. Dù anh có nỗ lực đến đâu, anh cũng không thể tránh được thất bại.
“Guardiola yêu bóng đá”, bạn anh, đạo diễn phim David Trueba, từng viết. “Và anh ấy yêu những chiến thắng, bởi vì trong bóng đá, chiến thắng là những gì chúng ta hướng tới. Nhưng không phải là tất cả. Anh ấy đã vạch sẵn cả hệ thống, và điều duy nhất mà anh ấy yêu cầu là ta tin tưởng anh ấy, trung thành với anh ấy. Mỗi lần nhận ra các cầu thủ không nhiệt tâm, thờ ơ, ngờ vực, ngay cả sau một buổi tập bình thường, anh sẽ lập tức biến thành một người đàn ông rầu rĩ, suy sụp, và sẵn sàng rời bỏ tất cả.
“Có điều này mọi người cần hiểu rõ,” Trueba viết tiếp. “Anh ấy là một nhà chuyên nghiệp bị ám ảnh, người luôn để ý tới mọi chi tiết, biết rằng những chi tiết có thể định đoạt một trận đấu. Anh sùng bái câu lạc bộ mà anh đang gắn bó, và đã đặt ra một quy tắc là không làm gì vượt quá phận sự của một mảnh ghép trong hệ thống, đi làm thì hưởng lương, nhưng không bao giờ đòi bất kỳ cái gì miễn phí, dù chỉ là một cốc cà phê. Anh không có nhu cầu được đối xử như là một nhà truyền giáo, một lãnh tụ, hay người dẫn đường. Anh chỉ muốn được nhìn nhận như là một huấn luyện viên - một huấn luyện viên giỏi. Tất cả những việc khác, dù tốt hay xấu, đều là những gánh nặng mà một xã hội đang thiếu những hình mẫu tự đặt lên vai anh. Có lẽ mọi người đều đã chán ngấy những kẻ lừa lọc, những tên cơ hội, những bọn khốn nạn, những kẻ cố tình áp đặt tư duy vị kỷ và cơ hội qua những nền tảng mà chúng có lợi thế, như truyền hình, truyền thông, kinh doanh hay chính trị. Anh thuộc về xã hội ấy. Nhưng anh đã tìm lại phẩm cách cho nó, theo một cách rất đơn giản là làm tốt công việc của mình, lan tỏa những giá trị tốt đẹp một cách rất tự nhiên tới công chúng. Như một người thợ xây đặt những viên gạch của mình mà không cần ai phải nhìn hay vỗ tay khen ngợi.”
“Với một huấn luyện viên thì không có khái niệm xong việc,” người ta thường nghe Pep nói thế. Nhưng một sáng nọ, sau một trong những buổi tối mà Pep (“một kẻ cuồng bóng đá” - enfermo de fútbol, theo cách gọi thân thương của một số ngôi sao trong đội) ở lại sân tập để xem lại những đoạn video đã được các đồng nghiệp mổ xẻ và phân tích, các thành viên trong ban huấn luyện thấy anh lang thang trên sân tập trong dáng vẻ ủ rũ. Pep nhiệt tình mà họ thấy ngày hôm trước đã bị thay thế bởi Pep lặng lẽ, người mà mồm nói một đằng nhưng cặp mắt sâu hoắm lại nói một nẻo. “Có chuyện gì vậy?” - một thành viên trong ban huấn luyện hỏi. “Hôm qua lẽ ra tôi nên tới xem con gái biểu diễn ballet nhưng cuối cùng tôi lại không đi được.” “Tại sao?” - bạn anh lại hỏi, giọng đầy ngạc nhiên. “Bởi vì tôi bận xem video về đối thủ của chúng ta.”
“Để tôi nói cho các bạn nghe: Ngày nào tôi cũng nghĩ rằng hôm sau, tôi sẽ ra đi,” Guardiola nói một cách công khai sau hai năm từ ngày chính thức nhận việc, “Khi ta phải chịu trách nhiệm về một việc gì đó, ta luôn luôn phải nhớ kỹ rằng, ta có thể ra đi bất kỳ lúc nào. Tôi sẽ làm việc có hiệu quả hơn khi nghĩ rằng tôi được tự do quyết định tương lai của chính mình. Việc bị trói buộc vào một bản hợp đồng dài hạn khiến tôi khó chịu, thậm chí nó còn có thể khiến ta chai lì cảm xúc. Đó là lý do tôi chỉ ký từng năm một. Nếu có thể, tôi sẽ chỉ ký sáu tháng thôi. Tôi lúc nào cũng nghĩ là mọi chuyện bắt đầu từ việc tìm kiếm những điều mà ta thực sự thích, ngày nay là chuyện khó nhất trên đời. Kiếm tìm điều đó là cốt lõi của mọi việc.”
Nhưng cái cốt lõi ấy, trong mùa giải cuối cùng của anh, đã lảng tránh anh: bị hành hạ bởi những lo lắng và do dự của chính mình, anh thậm chí còn không thấy hứng thú với những đêm lớn ở châu Âu. Mình có nên tiếp tục hay không? Nếu mình cứ tiếp tục như thế này thì có tốt hơn cho Barcelona không? Hay là mình nên tìm kiếm những thông điệp, những giải pháp mới để giữ cho mọi người lúc nào cũng sẵn sàng? Mình có thể làm gì để tìm ra những cách mới để mang cho Leo Messi thứ mà anh ta cần? Rồi Iniesta, Cesc và Alves nữa? Mình có thể tiếp tục thế này thêm một tháng, một năm nữa không? Các huấn luyện viên trẻ thành công quá sớm sẽ làm gì khi họ già đi? Kiếm tìm những chân trời mới có tốt hơn hay không?
Roman Abramovich đã nhận ra những lo lắng của Guardiola từ sớm và rất muốn nhân cơ hội ấy có được vị huấn luyện viên mà ông ngưỡng mộ. Ông đã không ngừng theo đuổi Pep trong suốt hai năm trước khi anh rời Barcelona. Hè 2011, sau khi Ancelotti rời Chelsea, ông chủ người Nga quyết định tăng tốc. André Villas-Boas chỉ đứng thứ tư trong số những lựa chọn thay thế huấn luyện viên người Italia, sau Guus Hiddink, José Mourinho và Pep, người trong tháng Hai năm đó đã gia hạn hợp đồng thêm một mùa. Vào tháng Sáu, ngay trước khi Guardiola bước vào mùa giải cuối cùng ở Barca, Abramovich thông qua một trung gian đã đề nghị đón Pep bằng trực thăng cá nhân tới du thuyền của ông ở Monaco để nói chuyện riêng. “Đừng có nói với tôi những chuyện như thế nữa. Tôi không muốn gặp Roman, không muốn vì ông ấy mà đổi ý” là câu trả lời lịch sử của Pep. Nhưng Abramovich sẽ còn trở lại vào thời điểm Pep đang trong những tháng cuối cùng xuất hiện với tư cách huấn luyện viên của Barcelona. Ông đã hai lần đề nghị Rafa Benítez một bản hợp đồng ba tháng để chữa cháy tạm thời sau khi sa thải André Villas-Boas. Ông chủ của Chelsea nghĩ rằng ông có thể thuyết phục Pep thay đổi kế hoạch nghỉ ngơi và tiếp nhận công việc ở Stamford Bridge ngay sau khi rời Barcelona.
Trong lời đề nghị cuối cùng, được đưa ra trước khi Pep Guardiola “biến mất” vào cuối mùa giải 2012, Abramovich đề xuất kế hoạch bổ nhiệm một huấn luyện viên tạm quyền trong một mùa giải, để ngỏ cánh cửa tới Stamford Bridge sau một năm cho Pep, đồng thời bày tỏ mong muốn anh thiết kế đội hình cho mùa giải 2013-14 ngay khi anh sẵn sàng.
Chelsea là đội bóng đầu tiên cố gắng lôi kéo anh một cách tích cực. Tiếp theo là AC Milan, Inter và Bayern Munich.
Có một khoảnh khắc xảy ra ở đầu mùa giải rồi sẽ tác động tới cơ cấu đội hình trong phần còn lại của mùa. Trong trận đấu với Real Sociedad ở San Sebastián thuộc vòng ba La Liga, Pep đã để Messi xuất phát từ băng ghế dự bị. Anh nghĩ là Messi bị mệt sau khi thực hiện nghĩa vụ với đội tuyển Argentina. Leo tỏ ra hết sức giận dữ, tới mức anh gần như chẳng có chút đóng góp gì trong những phút ít ỏi có mặt trên sân, và thậm chí không xuất hiện trong buổi tập ngày hôm sau. Kể từ đó về sau, Messi không nghỉ thêm một trận nào nữa.
Vai trò của Messi rất đáng để suy nghĩ. Pep xây dựng đội bóng xung quanh cầu thủ người Argentina - nhỏ bé, nhưng là chuyên gia xô đổ những kỷ lục. Đã có rất nhiều tiền đạo đến và đi (Brahimović, Eto’o, Bojan; ngay cả David Villa cũng phải làm quen với việc chơi dạt biên dù trước khi tới, anh được hứa hẹn sẽ là số 9 mới của Barca) vì không thể nào hòa hợp được với phong cách chơi bóng đòi hỏi sự phục tùng với Messi. Khi đội bóng bắt đầu chơi tệ đi, đặc biệt là trong các trận sân khách, cầu thủ người Argentina phải cáng đáng thêm nhiều trách nhiệm hơn, và Pep lựa chọn đội hình theo hướng phục vụ cho anh. Nhưng chính sự ưu ái đó với Messi đã làm hạn chế vai trò của những cầu thủ khác, và làm kinh hãi các cầu thủ trẻ.
Mùa giải 2011-12 ấy, Messi ghi được tới 73 bàn thắng trên mọi đấu trường. Ngược lại, những cầu thủ ghi bàn tốt nhất ngay sau anh là Cesc và Alexis cũng chỉ có 15 bàn mỗi người. Pep đã tạo ra một con quái vật săn bàn, nhưng sức mạnh tập thể của đội bóng lại vì nó mà bị ảnh hưởng - và Pep biết rằng, cũng như các cầu thủ, anh phải chịu trách nhiệm về chuyện này. Như Johan Cruyff từng nói: “Guardiola phải kiểm soát rất nhiều cái tôi trong phòng thay đồ. Không có gì ngạc nhiên khi cậu ấy cạn kiệt năng lượng.”
Pep Guardiola gọi điện cho một trong những huấn luyện viên hàng đầu thế giới để hỏi: Nếu ông rơi vào một tình huống mà trong đó sự cân bằng dường như đã bị phá vỡ, ông sẽ làm gì? Ông sẽ ra đi hay ông thay cầu thủ? Anh đã nhận được câu trả lời mà có lẽ anh không muốn nghe: Thay cầu thủ. Đó chính là điều mà Sir Alex Ferguson vẫn thường làm, nhưng rõ ràng vì huấn luyện viên của United cảm thấy ít có sự gắn kết với các cầu thủ, cả về mặt đạo đức lẫn tinh thần, hơn Pep, người đã đầu tư rất nhiều cảm xúc cá nhân vào trải nghiệm đầu tiên với tư cách huấn luyện viên. Quá nhiều thì đúng hơn. Guardiola cuối cùng phải dùng thuốc mới có thể ngủ được; anh cũng thường xuyên đi bộ với vợ con, hi vọng có thể tìm được một chút cân bằng cảm xúc.
Từng có thời điểm Barcelona bị Madrid bỏ xa tới 13 điểm. “Những gì mà tôi đã làm tới lúc này không đảm bảo cho tôi bất kỳ điều gì. Nếu các cổ động viên có bất kỳ hoài nghi nào, họ sẽ có đủ lý do cho những hoài nghi đó”, anh nói, vào một trong những thời điểm căng thẳng nhất của mùa giải. Những thống kê vẫn ấn tượng, nhưng đã kém đi nhiều so với ba mùa giải trước. Đội bóng đã đánh mất khát khao chiến thắng và Pep cảm thấy đó là lỗi của anh. Sau thất bại trước Osasuna ở Pamplona (3-2) vào tháng 2, anh nói: “Chúng tôi mắc quá nhiều lỗi. Tôi đã không thể nào tìm được câu trả lời trước khi các câu hỏi được đặt ra. Tôi thất bại rồi. Tôi đã không làm tốt công việc của mình.”
Nhưng thực tế là Pep vẫn còn một quân bài trong tay áo. Anh học theo Johan Cruyff, áp dụng thủ thuật tâm lý nghịch, bằng cách thừa nhận một cách công khai rằng Barcelona “sẽ không thể vô địch mùa giải này”. Nó đã tạo ra hiệu ứng như mong muốn. Các cầu thủ, ngờ rằng huấn luyện viên của họ đang tính chuyện ra đi, muốn thể hiện họ vẫn còn sẵn sàng cho những thách thức, vẫn còn rất khát khao. Barcelona sau đó vùng lên và rút ngắn được khoảng cách với Madrid xuống còn bốn điểm, nhưng những nỗ lực đó là không đủ và quá muộn. Với thất bại trước chính Madrid ở Camp Nou vào tháng 5, Barcelona coi như đã tự tay dâng chức vô địch cho Mourinho và những kẻ kình địch.
Đã xuất hiện những lời phàn nàn về trọng tài, vốn không thường thấy ở Pep, trong nhiều buổi họp báo diễn ra trong những tháng cuối cùng của mùa giải. Nỗ lực tìm kiếm những lời bào chữa ấy chỉ cho thấy, Guardiola đã đánh mất sự tập trung.
Pep cảm thấy khó khăn trong việc chấp nhận một thực tế của cuộc sống: rằng sau một giai đoạn thành công chưa từng thấy (13 danh hiệu trong ba mùa giải đầu tiên với đội Một), sự sa sút là không thể tránh khỏi. Nếu bạn cứ thắng suốt, thì khát khao chiến thắng tự khắc sẽ giảm đi. Anh đã cố gắng chặn đứng tiến trình không thể cưỡng lại đó bằng cách làm việc nhiều hơn, hi sinh nhiều hơn. Ngay cả việc chăm sóc bản thân cũng bị đẩy xuống trên danh sách ưu tiên, và những vấn đề về sức khỏe bị phớt lờ cho tới khi chúng trở nên nghiêm trọng, như khi anh bất động trong mấy ngày hồi tháng 3 vì lệch đĩa đệm.
Phân tích của ban huấn luyện cho thấy sai lầm không xuất hiện trong khâu chuẩn bị - những bài nói chuyện trước trận vẫn dựa trên những nghiên cứu chi tiết về đối thủ và được truyền đạt với sự nhiệt thành và sức hút - mà trong khâu thực hiện. Nhưng cũng đã xuất hiện những câu hỏi liên quan tới niềm tin của Pep đối với những cầu thủ trẻ mới được đôn lên đội Một từ La Masia. Tello (người xuất phát ở cánh trong trận đấu với Real Madrid ở Camp Nou - trận đấu mà đội bóng của Mourinho đã có được một thắng lợi then chốt) và Cuenca (đá chính trước Chelsea trong trận lượt về vòng bán kết Champions League 2012) được kỳ vọng sẽ thể hiện được như Cesc Alexis hay Pedro, những người đã bị loại khỏi đội hình chính trong các trận đấu đó.
Để từng ấy tài năng trên băng ghế dự bị có phải là một sự hoang phí quá sức chịu đựng của Barcelona hay không? Có phải Pep quá gần gũi với đội bóng, tới mức chỉ thấy cây mà không thấy rừng? Đó đều là những quyết định quan trọng, có ảnh hưởng tới thành bại của cả mùa giải; việc Guardiola thay những tuyển thủ quốc gia nhiều kinh nghiệm bằng những anh lính mới trong những trận đấu quyết định mùa giải hẳn nhiên khiến nhiều người phải nhướng mày. Nó cũng có những tác động tiêu cực tới sự tự tin của cả những cầu thủ trẻ được lựa chọn lẫn những cầu thủ lớn tuổi hơn bị loại.
Chứng kiến cảnh đó, từ Madrid, José Mourinho có thể nở nụ cười. Tác động từ Mourinho và những chiến thuật gây mất ổn định của anh là không thể chối cãi, dù Pep luôn cố gắng phủ nhận. Trong đêm trước trận Clásico cuối cùng, khi được hỏi đâu là những điều anh nhớ nhất về các trận Clásico trước đó, Pep hạ giọng: “Tôi không có nhiều ký ức đẹp, cả trong chiến thắng cũng như trong thất bại. Luôn luôn xảy ra những chuyện chẳng liên quan gì tới trận đấu khiến cho nhiều việc trở nên không thể nào giải thích nổi với tôi.” Có thật thế không? Anh không thể nhớ được ngay cả màn hủy diệt 2-6 ở Bernabéu? Rồi thắng lợi 5-0 trong trận Clásico đầu tiên của Mourinho, mà theo nhiều người là màn trình diễn ấn tượng nhất trong lịch sử bóng đá? Áp lực là rất khủng khiếp, không chỉ từ Mourinho mà còn từ đội ngũ phóng viên thể thao của Madrid, những người đã đi xa tới mức xúc phạm Pep khi cho rằng sở dĩ Barcelona có thể chơi được như thế trong mấy năm qua là nhờ chất kích thích. Với một tâm hồn nhạy cảm như Pep, như thế là đủ để xóa sạch ngay cả những ký ức đẹp đẽ nhất.
Khi mùa giải đi về cuối, quyết định về tương lai của anh là không thể đảo ngược - anh sẽ rời bỏ đội bóng mà nhờ sự lãnh đạo của anh đã trở thành một trong những tập thể được ngưỡng mộ nhất trên thế giới. Điều duy nhất anh cần làm lúc này là tìm ra cách thích hợp để thông báo với đội bóng. Và các cầu thủ. Và cả các cổ động viên. Cách nào bây giờ? Nếu họ vô địch Champions League, mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Trong lúc đang chốt lại những chi tiết cuối cùng trong kế hoạch ra đi của mình, anh quyết định không chia sẻ bất kỳ điều gì với bất kỳ ai, kể cả bố mẹ.