Tôi thấy tội cho ông này.
Không, thật lòng đấy.
Có thể Hades là kẻ lập dị, nhưng rõ ràng ông ta toàn nhận lấy phần đầu thừa đuôi thẹo. Mặc dù là con trai cả của Rhea, ông ta vẫn luôn bị xem như là con út, vì các thần tính theo thứ tự được khạc ra khỏi bụng Kronos.
Nếu thế vẫn còn chưa đủ khó chịu, thì khi các thần tung xúc xắc để chia phần thế giới, Hades nhận lấy phần ít ai thèm nhất – Âm phủ.
Tất nhiên, đúng là Hades thuộc loại ủ ê ảm đạm, nên các bạn có thể tranh cãi rằng cái số ông ta là phải chui rúc dưới lòng đất. Ông ta suốt ngày cứ mặt ủ mày chau và mặc toàn đồ đen. Mái tóc đen phủ hết cả mắt như một trong mấy anh chàng trường phái emo trong truyện tranh Nhật Bản. Khi trở thành chúa tể của Âm phủ, da dẻ ông ta tái nhợt không còn chút sắc màu nào, vì ông ta bỏ lại thế giới con người sau lưng.
Ngay cả nếu như các thần khác muốn giữ liên lạc với ông ta (mà thực ra thì họ không làm), Âm phủ có dịch vụ điện thoại rất kém còn Wi–Fi thì không tồn tại. Khi Hades ở dưới đấy, ông ta chẳng biết tí chuyện nào xảy ở thế giới bên trên cả. Tin tức duy nhất ông ta nhận được đến từ linh hồn của những người mới chết, họ sẽ kể lại cho ông ta nghe những tin đồn mới nhất.
Thật ra, ở thời Hy Lạp Cổ Đại, bất cứ khi nào bạn kêu lên tên của Hades, bạn phải nện nắm đấm xuống đất, vì đấy là cách duy nhất lôi kéo sự chú ý của ông ta. Giống như là, Ê, tôi đang nói chuyện với anh đấy!
Mà tại sao bạn lại muốn sự chú ý của Hades chứ? Tôi không rõ.
Dần dà toàn bộ thế giới Âm phủ sẽ được gọi là Hades theo tên thần Hades, khiến cho mọi thứ rối tung lên; nhưng Âm phủ thực ra đã tồn tại lâu đời hơn các thần. Tên nguyên thủy của nó là Erebos, rồi khi Hades xuống tiếp quản, nơi này cần phải được nâng cấp đại tu toàn bộ.
Bắt đầu từ hệ thống cống xả nhé. Năm dòng sông khác nhau chảy vào Âm phủ, và bạn sẽ không muốn dùng bất cứ dòng nào để tắm rửa hay đánh răng đâu. Con sông ít nguy hiểm nhất là Cocytus, Dòng Sông Than Khóc, trông cũng khá hiền hòa. Dòng nước xanh thẫm của nó yên ả uốn lượn qua những bình nguyên dưới Erebos, dọc bờ sông lại có nhiều điểm đẹp mắt để dã ngoại; nhưng nếu bạn đến quá gần, bạn có thể nghe thấy tiếng la hét của những linh hồn bị tra tấn dập dờn trong dòng chảy.
Đấy, dòng sông Cocytus lấy nước từ nước mắt của những kẻ bị nguyền rủa. Chỉ ở gần con sông ấy thôi là đã khiến bạn lâm vào trạng thái trầm uất rồi. Còn nếu bạn thực sự nhúng tay vào nước ấy… thì, tin tôi đi, bạn không muốn làm vậy đâu. Có bao nhiêu đoạn video về những con cún dễ thương trên mạng đi nữa cũng sẽ không làm cho tinh thần bạn phấn khởi lên được.
Con sông thứ hai là dòng Phlegethon, Dòng Sông Lửa. Nó cuồn cuộn chảy qua các hang dưới Âm phủ như một dòng xăng bốc hỏa, đục thành những mạch kênh xuyên qua lớp đá núi lửa đen tuyền, thắp sáng vạn vật thành màu đỏ như máu, dâng đầy trong không khí những khói và hơi cay cho đến khi con sông lao thẳng xuống như một thác nước rực cháy vào trong vực thẳm sâu xa hơn trong lòng Tartarus, giống như là tầng hầm trong tầng hầm vậy.
Thế cho nên, phải rồi… khi Hades mở vòi nước nóng trong phòng tắm của mình, ông ta bị thứ nước Phlegethon cháy sục sôi tràn khắp mặt. Chẳng trách sao mà ông này cứ cau có luôn.
Điều kỳ khôi là, nước dòng Phlegethon sẽ không giết bạn đâu, ngay cả khi bạn có là người thường. Đương nhiên, nó sẽ đốt phỏng như sốt tiêu ớt nhiễm phóng xạ trộn trong a–xít. Nó sẽ khiến cho bạn ước gì mình đã chết. Nhưng con sông thực ra được thiết kế sao cho giữ được các nạn nhân mình còn sống để chúng có thể đau đớn đến muôn đời – hooray! Nhiều linh hồn bị nguyền rủa phải muôn đời bơi băng qua đấy, hoặc là bị mắc kẹt trong dòng nước lửa ngập đến tận cổ.
Thể theo vài truyền thuyết, dòng Phlegethon có thể dần dần đốt sách tội lỗi của bạn và tha cho bạn đi nếu bạn thật sự, thật sự hối hận về những gì bạn đã làm. Nếu các bạn muốn kiểm tra xác thực cái lý thuyết ấy, thì cứ việc thử đi, nhảy xuống đấy đi. Còn tôi ấy à, tôi xin kiếu.
Con sông thứ ba, dòng Acheron, là Dòng Sông Đau Khổ. Nếu bạn đoán rằng dòng sông này đau đớn lắm thì bạn đã thắng được chiếc bánh quy rồi! Dòng Acheron khởi nguồn từ trên dương thế, gần ngôi đền của người chết ở Epirus. Có lẽ đấy là lý do vì sao các thần bị lôi cuốn đến đấy rồi lấp đầy sông bằng những nỗi đau đớn thống khổ của riêng mình. Dòng Acheron ngoằn ngoèo len lỏi cho đến khi đổ ào xuống địa ngục và chảy vào Erebos. Tại đâu nó mở rộng ra thành một vùng nước đầm lầy tối đen nghi ngút hơi, gây ra đau đớn cho bất cứ kẻ nào xui xẻo đến độ chạm phải dòng nước hay thậm chí là nghe thấy dòng chảy của nó. Ra xa thêm một đỗi thì con sông Acheron chẻ ra làm hai dòng sông nhỏ – dòng Cocytus và sông Styx – chảy theo hai hướng ngược chiều nhay cho đến khi cả hai con sông đổ vào Tartarus.
Con sông thứ tư là sông mà cá nhân tôi không thích nhất: dòng Lether, Dòng Sông Quên Lãng. (Tôi từng có vài kinh nghiệm đau thương với chứng mất trí mà. Dài dòng lắm.) Dòng Lethe trông rất vô hại. Đa phần nó là vùng nước màu trắng sữa chảy trên nền cạn những đá cuội, nhẹ nhàng róc rách theo một cách khiến mắt bạn nặng trĩu. Chắc hẳn bạn nghĩ mình sẽ băng qua dòng sông này không chút trở ngại nào. Lời khuyên của tôi ư? Đừng làm thế.
Chỉ một giọt nước từ dòng Lethe thơi cũng đã chùi đi trí nhớ ngắn hạn của bạn. Bạn sẽ không nhớ được chuyện gì đã xảy ra hồi tuần trước. Còn uống hết một hơi ư, hay là lội vào trong vùng nước ấy à, thì trí óc của bạn sẽ bị xóa sạch. Bạn sẽ không nhớ được tên mình, hay mình từ đâu đến, hay thậm chí là đội New York Yankees rõ ràng chơi hay hơn đội Boston Red Sox. Tôi biết mà – kinh khủng quá phải không?
Tuy nhiên, đối với vài linh hồn của người chết, dòng Lethe thật sự là phúc lành. Từng đám từng đám hồn ma tụ tập quanh bờ sông, uống lấy uống để nước sông để họ có thể quên đi kiếp trước của mình, bởi vì bạn không thể nhớ nhung những gì bạn không nhớ. Thỉnh thoảng các linh hồn còn được phép đầu thai – được tái sinh vào dương gian trong một kiếp khác. Nếu bạn chọn cơ hội này, trước tiên bạn phải uống nước sông Lethe để không nhớ gì về kiếp trước của mình nữa. Bởi vì là, nói thật chứ – có ai lại muốn học hết 12 năm học chán ngắt một lần nữa nếu bạn vẫn nhớ mình từng học nhý thế trýớc kia?
Hoa anh túc mọc dọc hai bờ sông Lethe, đấy là lý do vì sao nước quả anh túc có công hiệu làm người ta ngủ và dịu đi cơn đau. (Bọn anh gọi đấy là opium đấy mấy nhóc. Và đừng có chơi ma túy đấy, bởi vì MA TÚY RẤT CÓ HẠI. Okay, tôi phải đưa câu này vào trong đấy.) Có một khúc, dòng Lethe cuộn quanh lối vào hang động tối om nơi thần Hynos cư ngụ – Hypnos là vị thần của giấc ngủ. Trong hang ấy trông thế nào á? Chưa từng có ai mô tả về nó, chắc là bởi vì bất cứ kẻ nào ngốc đến nỗi đi vào trong ấy đều lăn ra ngủ và không bao giờ trở ra nữa.
Con sông thứ năm dưới Âm phủ và dòng Styx, Dòng Sông Thù Hận. Dứt khoát đây là con sông nổi tiếng nhất rồi, nhưng chỉ cái tên của nó không thôi cũng đã làm cụt hứng mọi cơ hội cho ngành du lịch. "Này mấy con, nhà mình sẽ đi nghỉ kỳ nghỉ xuân tại Dòng Sông Thù Hận!" "Hay quá!"
Dòng Styx chảy qua những vùng tối tăm, sâu thẳm nhất dưới Âm phủ. Vài truyền thuyết cho rằng con sông này do một thần Titan tên Tethys tạo ra, và được châm nước từ những con suối nước mặn dưới đáy đại dương.
Dòng Styx chảy bao quanh Erebos như một chiến hào, nên các bạn đúng là phải băng qua nó để đi vào Âm phủ. (Vài câu chuyện kể rằng dòng Acheron mới là con sông bạn phải băng qua, nhưng vì Styx là một nhánh của sông Acheron, nên tôi nghĩ cả hai phiên bản đều đúng.)
Dòng nước sông này vừa đen thui vừa đục ngầu, lúc nào cũng phủ một lớp sương mù hôi thối, còn nước sẽ làm tan rữa da thịt con người. Cứ trộn axit sulfuric với nước cống và một vốc chất lỏng thù thận, thế là bạn có ngay dòng sông Styx.
Vậy thì bạn băn khoăn: Sao lại có kẻ nào muốn chui xuống Âm phủ làm gì? Tôi không biết. Nhưng kể từ thời con người được tạo ra, bất cứ khi nào họ chết đi, linh hồn họ cứ như là theo bản năng trôi dạt xuống Erebos, như là chuột nhảy lemming nhảy khỏi mỏm đá, hay là khách du lịch đổ dồn vào quảng trường Thời Đại vậy. Bạn cứ nói với họ như bạn muốn rằng đấy là một ý kiến xuẩn ngốc, nhưng họ vẫn cứ làm thế thôi.
Vấn đề là, các linh hồn không có được cách nào băng qua con sông Styx cho an tâm. Một số linh hồn xoay sở bơi qua được. Một số khác cũng thử, chỉ để rồi bị hòa tan trong dòng nước. Nhiều linh hồn chỉ lang thang bên bờ khả tử của dòng sông, khóc lóc than van chỉ tay sang bên kia bờ, như muốn nói Tôi muốn đi lối đấy!
Rốt cuộc, một con thiên tinh cần cù tên Charon quyết định dấn thân làm việc này. Thiên tinh là gì? Không phải loại yêu tinh quỷ sứ đầu mọc hai sừng có đuôi và da đỏ quạch đâu. Thiên tinh là những linh hồn bất tử, một loại thần nhưng hèn kém hơn. Một số thì giống như quái vật hay người phàm. Một số tốt tính. Một số xấu tính. Một số lưng chừng nửa nạc nửa mỡ.
Gã thiên tinh Charon này là con của Nyx, nữ thần của đêm. Charon có thể biến thành nhiều hình dạng, nhưng hầu như anh ta thường hóa ra một lão già xấu xí quần áo tả tơi, râu dài nhớt nhờn cùng cái nón hình chóp. Nếu là tôi và tôi có thể biến hình ấy mà, tôi sẽ xuất hiện như là Brad Pitt ấy; nhưng tôi nghĩ Charon không quan tâm đến việc tạo ấn tượng với các hồn ma.
Dù gì thì, một ngày nọ Charon nhận thấy rằng mấy đám linh hồn con người này đang hét hò đòi sang Erebos, thế là Charon tự tay cất một chiếc thuyền và bắt đầu đưa đò sang sông.
Dĩ nhiên không phải miễn phí rồi. Gã nhận vàng, bạc cùng hầu hết các loại thẻ tín dụng phổ biến. Vì Âm phủ không có luật lệ gì, nên Charon cứ tính tiền bao nhiêu tùy thích. Nếu gã thích bạn, gã có thể cho bạn qua đò với giá vài xu thôi. Nếu gã mà không thích à, gã sẽ đòi cả gia tài đấy chứ. Nếu bạn vận đen đến mức bị chôn mà không có tiền chôn theo – thì than ôi! Bạn sẽ phải lang thang bên bờ khả tử của dòng sông Styx đến muôn kiếp. Vài người đã chết thậm chí còn trôi dạt ngược trở lại dương gian để làm ma ám người sống nữa kia.
Ngay cả nếu bạn sang được sông Styx, bạn cũng sẽ thấy rằng Erebos hoàn toàn hỗn độn. Các hồn ma đáng ra phải được chia làm nhiều nhóm khác nhau căn cứ vào việc khi còn sống họ đã tốt đẹp đến mức nào. Nếu họ thực tình là thứ đốn mạt, họ sẽ đi đến Cánh Đồng Trừng Phạt để nhận lấy những đòn tra tấn đặc biệt đến vĩnh viễn. Nếu họ là người tốt, họ đi đến Elysium, giống như là Thiên Đường, là Las Vegas và Disneyland trộn chung làm một ấy. Nếu linh hồn ấy trước kia không tốt quá mức và cũng không xấu vô chừng mà chỉ là tồn tại thôi thì (như đa số mọi người là thế) họ bị buộc phải lang thang trong Cánh Đồng Asphodel, là một nơi không kinh khủng lắm – chỉ là tẻ ngắt đến tê tái, đến không tưởng mà thôi.
Đấy là phương thức các linh hồn được phân loại, theo lý thuyết. Rủi thay, trước khi Hades tiếp quản, chẳng có ai chịu trách nhiệm cai trị Âm phủ cả. Giống như một ngày ở trường khi các thầy cô của bạn đồng loạt ốm hết và bạn chẳng có ai ngoài những thầy cô thay thế không biết luật lệ, thế cho nên theo lẽ thường thì bọn nhóc lợi dụng ưu thế triệt để. Những linh hồn bị kết tội từ Cánh Đồng Trừng Phạt thì lẻn vào Asphodel mà chẳng ai ngăn chúng lại. Những linh hồn ở Asphodel thì đi phá bĩnh tiệc tùng ở Elysium. Rồi vài linh hồn ngu vãi nhưng lại cao quý đáng lẽ ở Elysium thì lại đi lạc, kết cục chui vào khu Trừng Phạt, và rồi hoặc là không thể thoát ra được hoặc là hiền lành quá không dám phàn nàn gì.
Điều còn khiến mọi chuyện tồi tệ hơn nữa là, ngay cả những linh hồn đi đến nơi họ phải đến thường không phải lúc nào cũng xứng đáng được ở đấy, bởi vì trước khi Hades đến tiếp quản, người ta được phán xét cho kiếp sau từ khi đang còn sống kìa.
Cái hệ thống đấy hoạt động thế nào vậy chứ? Tôi chẳng rõ. Hình như là có một ban ba quan tòa còn sống đến phỏng vấn bạn ngay trước khi bạn chết rồi quyết định xem bạn xứng đáng được vào Cánh Đồng Trừng Phạt, vào Elysium hay Asphodel. Đừng hỏi tôi sao mấy quan tòa kia biết bạn sắp chết. Chắc họ đoán ra. Hay là mấy thần mách với họ. Hay có lẽ các quan tòa chỉ gào lên vô tội vạ với người nào đó, "Ê anh kia! Lại đây coi! Tới lượt anh ngủm rồi đấy!"
Sao cũng được, các quan tòa lắng nghe lời khai của bạn rồi quyết định số phận muôn đời cho bạn. Đoán xem xảy ra chuyện gì nào. Người ta nói dối. Mua chuộc quan tòa. Họ dẫn xác đến trong quần áo tinh tươm, cười cười nịnh nịnh rồi cư xử lễ phép để các quan tòa cứ tưởng là họ dễ thương thật. Họ đem nhân chứng đến để nói, "Ô đúng rồi. Anh chàng này đã sống một cuộc đời đàng hoàng hết sức. Hầu như chẳng bao giờ làm khổ ai." Đại loại như thế.
Rất nhiều người quỷ quyệt đã xoay sở nịnh nọt để được vào Elysium, còn lắm người tốt không bợ đỡ các quan tòa thì phải đáp xuống Cánh Đồng Trừng Phạt.
Bạn hiểu rồi đấy… Âm phủ rối tinh rối mù lên. Khi Hades đến tiếp quản, ông ta nhìn quanh rồi nói, "Không được rồi! Như thế này là không xong!"
Thế là ông ta lên Olympus giải thích tình hình cho Zeus biết. Việc phải cần có sự chấp thuận của Zeus cho những gì ông ta lên kế hoạch để làm khiến Hades khó chịu lắm, nhưng ông ta biết mình cần sự nhất trí của Sếp Lớn cho bất cứ thay đổi quan trọng nào đến kiếp sau, nhất là khi có liên quan đến con người. Các thần coi con người là tài sản chung mà.
Zeus lắng nghe rồi trầm ngâm nhíu mày. "Vậy anh đề nghị thế nào?"
"À," Hades nói, "chúng ta có thể vẫn giữ lại ban ba quan tòa, nhưng—"
"Khán giả có thể bỏ phiếu!" Zeus phỏng đoán. "Vào cuối mỗi mùa thi đấu, người phàm nào thắng giải sẽ được chọn làm Thần tượng của Elysium!"
"Ơ, không phải thế," Hades bảo. "Thật ra, ta đang nghĩ rằng các quan tòa có thể là những linh hồn của người chết thay vì người sống. Và mỗi linh hồn con người sẽ chỉ bị phán xử một khi nó bước chân vào Âm phủ."
"Thế… thế không phải là hình thức thi đấu à? Hừm, chán chưa."
Hades cố giữ bình tĩnh. "Thưa ngài thấy đấy, nếu các quan tòa là linh hồn dưới sự kiểm soát của ta, thì họ sẽ không thể nào bị chi phối. Các linh hồn ra trước tòa sẽ bị tước đi mọi thứ chỉ chừa lại bản chất thực của chúng mà thôi. Chúng không thể dựa vào vẻ ngoài đẹp mã hay quần áo rườm rà gì. Chúng không thể mua chuộc quan tòa hay cho gọi những nhân chứng về tính cách cho mình. Mọi hành động tốt đẹp hay xấu xa của chúng sẽ được bày hết ra đấy, vì các quan tòa có thể nhìn xuyên thấu qua chúng được. Khai gian là chuyện không thể nào."
"Ta thích đấy," Zeus bảo. "Thế anh chọn ai làm quan tòa vậy?"
"Có lẽ là ba người phàm đã qua đời mà từng là vua trên dương trần," Hades đáp. "Vua thì quen với việc phán xét rồi."
"Tốt," Zeus đồng tình. "Miễn là chừng nào các vua ðấy ðều là con trai của ta. Nhất trí không?"
Hades nghiến răng. Ông ta không muốn em trai mình chõ mũi vào mọi chuyện, thế nhưng vì hầu như các vua Hy Lạp đều là con trai thần Zeus, nên sẽ vẫn còn nhiều lựa chọn lắm. "Nhất trí."
Zeus gật gù. "Anh làm sao bảo đảm cho các phát quyết đều được thực thi, và các linh hồn đều đi đến nơi chúng phải đến nào?"
Hades lạnh lùng mỉm cười. "Ồ đừng lo. Ta đã tính hết chuyện ấy rồi."
Khi quay về Erebos, Hades chỉ định cho ba vị vua đã qua đời, tất cả đều là á thần con trai của Zeus, làm giám-khảo-đã-chết cho mình: Minos, Aiakos, và Rhadamanthys.
Rồi ông ta cho gọi ba Nữ thần Đại Nộ – là những linh hồn báo thù được hình thành từ máu của Ouranos hồi lâu trước kia. Ông thuê họ làm lực lượng hành pháp của mình, quả là khôn, vì chẳng ai muốn chọc giận quỷ bà bà có hơi thở thúi ùm và cầm roi cả.
Cũng như đa số các thiên tinh, các Nữ thần Đại Nộ có thể biến thành nhiều hình dạng, nhưng thường thì chúng xuất hiện như những bà lão xấu xí tóc dài lê thê, áo váy đen rách mướp, có đôi cánh dơi to tướng. Những sợi roi phừng phừng lửa của chúng có thể gây đau xé da xé thịt cho người sống lẫn kẻ đã chết, và chúng có thể bay trong vô hình, nêu bạn không thể nào biết lúc nào chúng sà xuống bạn đâu.
Hades sử dụng chúng để khép người chết vào phép tắc. Đôi khi ông ta để cho đám Nữ thần Đại Nộ này nổi điên lên rồi chế ra nhiều hình thức tra tấn mới dành cho các linh hồn bị kết tội xấu xa nhất. Thậm chí ông ta có thể phái Nữ thần Đại Nộ đi truy lùng những người còn sống nếu họ phạm phải các tội ác khủng khiếp vô cùng – như là giết hại người thân, báng bổ đền đài, hay là hát mấy bài của bang nhạc Journey trong đêm karaoke.
Cải thiện tiếp theo của Hades cho Âm phủ: ông ta giúp các linh hồn kẻ chết tìm đến Erobos được dễ dàng hơn nhiều. Hades thuyết phục Hermes, thần truyền tin, để mắt tìm kiếm những linh hồn đi lạc bên bờ khả tử của dòng Styx. Nếu Hermes mà thấy bất kỳ con ma nào trông hoang mang, anh ta sẽ quay chúng về hướng đúng rồi trao cho chúng tấm đản đồ đủ màu rất tiện dụng, là quà chào mừng của Văn phòng Thương mại chốn Âm phủ.
Một khi linh hồn của người chết tìm được đường đến dòng sông Styx, thiên tinh Charon sẽ đưa đò chở họ băng qua sông với giá bình dân một đồng xu bạc. Hades đã thuyết phục gã (đúng ra là: đe dọa gã) phải tính phí mọi người bằng nhau.
Hades cũng loan truyền cho con người trên trần gian rằng họ nên coi trọng các nghi thức ma chay, bằng không sẽ không được phép xuống Âm phủ. Khi bạn mất, gia đình bạn phải dâng đồ cúng tế cho các thần. Gia đình bạn phải chôn cất bạn đàng hoàng và đặt một đồng xu vào dưới lưỡi bạn để bạn có thể trả cho Charon. Nếu không có đồng xu này, bạn sẽ có kết cục làm ma đi ám dương thế suốt đời, như thế vừa chán phèo vừa chẳng có nghĩa lý gì cả.
Hades đã làm cách nào để quảng bá cho người sống? Ông ta sở hữu một quân đoàn nghịch tặc cánh đen được gọi là những oneiroi, hay là mộng thiên tinh, chúng ghé thăm người phàm khi họ đang ngủ, để phân tán cảnh mộng hay ác mộng.
Từng bao giờ nằm mơ rồi giật mình thức dậy vì bạn cảm thấy như đang rớt xuống chưa? Đấy là đám oneiroi đang chọc phá bạn đấy. Chắc là chúng nhấc bạn lên rồi thả xuống, ác ý thôi. Lần tới mà có xảy ra như thế, bạn hãy đập nắm tay xuống sàn rồi la lên, "Hades, bảo đám mộng thiên tinh ngu ngốc của ông thôi đi nhé!"
Một nâng cấp khác Hades đã thực hiện: ông ta siết chặt an ninh tại các cổng vào Erebos. Ông ta xuống Hội nhân đạo của Tartarus để nhận nuôi một con chó to nhất, hung dữ nhất mà bạn có thể tưởng tượng được – một con quái vật tên Cerberus, một loại lai giữa chó pit bull, chó rottweiler, và một con voi ma mút đầy lông bị dại. Cerberus có ba đầu, nên nếu bạn là một anh hùng người phàm tìm cách lẻn vào vương quốc của Hades, hay là một người chết tìm cách lẻn ra ngoài, thì cơ may bạn bị phát hiện và bị nhai ngấu nghiến phải tăng đến ba lần. Ngoài hàm răng và móng vuốt sắc nhọn, Cerberus còn được cho là có cái bờm đầy rắn và đuôi là đuôi rắn độc. Điều này thì tôi không thể xác minh được. Tôi chỉ giáp mặt Cerberus có một lần. Lúc đó tối thui, tôi thì chủ yếu đang trập trung sao cho không run lẩy bẩy hay tè ra cả quần thôi.
Mà thôi, một khi các linh hồn người đã chết vào qua cổng, chúng được ba vị quan tòa người nổi tiếng quá cố phân loại rồi đẩy vào nơi thích hợp. Như trước tôi có nói, đa phần người ta chẳm làm gì nhiều trong suốt cuộc đời, không làm gì xấu cũng như tốt, nên kết cục là họ vào Cánh đồng Asphodel. Tại đây họ tồn tại như những cái bóng lướt thướt chỉ có thể kêu ríu rít như dơi và trôi dạt vô định bồng bềnh trong không trung, cố nhớ ra mình là ai và mình đàng làm gì – giống như mấy thầy cô trong tiết đầu, trước khi uống đủ cà phê ấy.
Nếu bạn đã sống tốt, thì bạn sẽ vào Elysium, nơi đấy là nơi dễ chịu nhất bạn có thể đến ở dưới Âm phủ tối tăm này. Bạn có nhà to cho mình, đồ ăn thức uống miễn phí, và cơ bản là dịch vụ năm sao cho bất cứ thứ gì bạn cần. Nếu Elysium trở nên tẻ ngắt, bạn có thể chọn uống nước từ sông Lether để được tái sinh làm kiếp người.
Một vài linh hồn tốt đẹp đến mức, chúng đã sống được đến liên tục ba kiếp tiết hạnh. Nếu đấy là bạn, thì bạn có thể về hưu tại quần đảo Blest, giống như các hòn đảo tư kiểu Caribe trong một cái hồ ở giữa Elysium. Không được lắm người may mắn hay tiết hạnh như vậy đâu. Giống như là trúng số độc đắc cho giải Người Tốt ấy.
Nếu bạn sống một cuộc đời lươn lẹo, bạn sẽ được biệt đãi oái oăm – được vĩnh viễn tắm sôi trong dầu, được lột da, được những con quỷ đói rượt khắp cánh đồng đầy mảnh chai, hay trượt qua lưỡi dao sắc khổng lồ rồi rơi xuống một hồ nước chanh. Bạn biết đấy, những trò thông thường ấy mà. Đa phần các hình phạt chẳng có sáng tạo gì, nhưng nếu bạn làm cách nào đó khiến Hades hết sức bực bội, thì ông ta luôn có thể nghĩ ra những cách thú vị mới mẻ nào đó để hành hạ linh hồn bất tử của bạn ngay.
Cho vài ví dụ ư?
Tantalus. Gã này xấu xa thôi rồi. Gã là một vị vua ở Hy Lạp – tất nhiên là con trai của Zeus – gã được mời lên ngọn Olympus uống tiên tưởu ăn tiên lương cùng các thần. Vinh hạnh quá, đúng không? Nhưng Tantalus trở nên tham lam.
"Chà," sau bữa ăn gã thốt lên, vừa nói vừa xoa xoa bụng. "Mấy món này ngon ghê! Có thể cho tôi túi mang về chia cho mấy bạn ở nhà được không?"
"Trời đất ơi!" Zeus buột miệng. "Tất nhiên là không rồi! Tiên tưởu tiên lương là những món quý hiếm và thần kỳ. Con đâu thể đem đi chia cho ai là chia đâu."
"Thế ạ…" Tantalus gượng cười. "Đúng thôi. Con hiểu rồi. À… lần tới mời mọi người đến dùng bữa tại nhà con nhé?"
Lẽ ra Tantalus phải quên chuyện này đi. Lẽ ra gã phải nhớ điều gì đã xảy ra cho Premetheus khi ông ta cố lấy những thứ của thần đem chia cho con người. Nhưng Tantalus lại tức tối. Gã thấy bị xúc phạm. Các thần không tin tưởng gã. Họ không muốn gã được nổi tiếng được làm người phàm đem tiên lương xuống trần.
Càng nghĩ, gã càng thấy điên tiết. Gã mời các thần xuống yến tiệc tại cung điện của mình, nhưng để trả đũa, gã quyết định sẽ dọn cho họ một bữa ăn báng bổ nhất mình có thể nghĩ ra. Gã chỉ không rõ bữa ăn đó là gì thôi.
Gã đang đứng trong nhà bếp, nhìn trân trân vào mấy chiếc nồi rỗng không, thì Pelops con trai gã bước vào.
"Tối nay ăn gì vậy bố?" Pelops hỏi.
Tantalus chẳng bao giờ ưa gì con trai mình. Tôi không rõ vì sao. Có lẽ Tantalus biết rằng một ngày nào đó con trai mình sẽ tiếp quản cả vương quốc của gã. Mấy vua ở Hy Lạp lúc nào cũng lo lắng thái quá về chuyện này. Thế, Tantalus mỉm cười tinh quái với con trai mình rồi lôi dao thái thịt ra. "Buồn cười con hỏi đúng lúc ghê."
Đêm ấy, các thần tề tựu trong cung điện của Tantalus dùng bữa tối và được dọn lên một nồi thịt hầm ngon lành.
"Thịt gì đây?" Demeter cắn một miếng rồi hỏi. "Có vị như thịt gà ấy."
Tantalus đáng lẽ phải chờ cho đến khi tất cả các thần đều ăn kia, nhưng gã lại không nhịn được cười khúc khích liên hồi. "Ồ….món gia truyền thôi mà."
Zeus cau mày đặt thìa xuống. "Tantalus… con đã làm gì thế?"
Hera đẩy bát ra xa. "Với lại Pelops con trai ngươi đâu?"
"Thật ra," Tantalus đáp, "nó nằm trong nồi thịt ấy. Ngạc nhiên chưa, lũ ngốc! Ha ha! Ha ha!"
Nói thật chứ, tôi không biết gã này đang trông đợi gì nữa. Gã nghĩ là mấy thần sẽ chỉ tặc lưỡi rồi quất vài roi vào mông gã hay sao? Ồ Tantalus, nghịch ngợm hoài thôi. Giỏi đấy!
Các thần Olympian hoảng hồn. Dù sao thì, họ vẫn còn bị căng thẳng rối loạn hậu chấn thương vì đã bị ông bố Kronos nuốt sạch mà. Zeus lôi cột sét ra, đáng Tantalus tan tành thành tro bụi, rồi trao linh hồn của gã vua này cho Hades.
"Trừng phạt đặc biệt tên này giùm," Zeus bảo. "Trò nào đấy liên quan đến thức ăn ấy."
Hades vui vẻ tuân lệnh. Ông ta ngâm Tantalus vào vũng nước ngập đến eo, hai chân dính cứng xuống lòng hồ như dính vào xi măng. Treo lủng lẳng bên trên đầu Tantalus là những nhành cây của một cây thần mọc đủ thứ trái ngon thơm lừng chín mọng.
Hình phạt dành cho Tantalus là gã phải đứng đó mãi mãi.
Hừ, gã nghĩ, thế cũng không tệ lắm.
Rồi gã thấy đói. Gã thử chộp lấy một trái táo, nhưng những cành cây chỉ vươn lên ngoài tầm với của gã. Gã chuyển qua trái xoài. Không ích gì. Gã cố nhảy lên, nhưng hai chân đang kẹt cứng. Gã vờ như đang ngủ để có thể đột ngột phóng lên tấn công mấy trái đào. Lại cũng thế, không ích gì. Lần nào, Tantalus cũng dám chắc là mình sẽ hái được một trái, nhưng gã chẳng khi nào làm được.
Khi gã khát, gã vốc nước lên, nhưng ngay khi tay gã chạm đến miệng, nước trong đấy biến mất một cách thần kỳ, hai tay gã khô ran. Gã cúi xuống, hy vọng nốc được nước trực tiếp ngay từ hồ, nhưng toàn bề mặt hồ nước né khỏi gã. Dù có cố đến mất, gã vẫn không thể uống được lấy một giọt. Gã ngày càng đói càng khát tợn, mặc cho đồ ăn và nước ở sát ngay bên mình – gần đến trêu ngươi, là từ ngữ xuất phát từ tên của gã. Lần tới nếu như bạn rất muốn có thứ gì đấy nhưng nó lại ngoài tầm với, nghĩa là bạn vừa bị trêu ngươi đấy.
Ý nghĩa của câu chuyện là gì? Tôi không biết. Chắc là: Đừng có xẻ thịt con mình đem cho khách mình ăn. Hình như tôi thấy hiển nhiên quá, nhưng thôi sao cũng được.
Một kẻ khác nhận sự trừng phạt đặc biệt là Sisyphus. Nghe cái tên như Sissy-Fuss thì bạn hẳn đã hình dung ra được rằng lão này có vấn đề rồi, nhưng ít ra lão không đem con mình đi ninh. Vấn đế của Sisyphus là rằng lão không muốn chết.
Tôi có thể thông cảm được. Mỗi sáng tôi thức giấc và nghĩ: Mày biết hôm nay sẽ làm gì không? Không phải chết.
Nhưng Sisyphus thì làm quá. Một ngày nọ, thần Chết xuất hiện trong nhà lão. Mà bảo là thần Chết, ý tôi muốn nói đến Thanatos, vị thần của cái chết, Grim Reaperino, một trong những cánh tay phải của Hades.
Sisyphus mở cửa ra thì thấy một người cao to có cánh da đen đứng lù lù nhìn mình.
"Chào buổi chiều." Thanatos tra cứu vào bản ghi chú trên tay. "Ta cần phải giao hàng cho Sisyphus – một cái chết đau đớn, cần chữ ký người nhận. Ngươi là Sisyphus phải không?"
Sisyphus cố nhẹm đi nỗi hoảng loạn. "Ừm… à, phải rồi! Mời vào nào! Đợi tôi lấy cây bút đã nhé."
Trong lúc Thanatos chúi người len qua lối cửa lè tè, Sisyphus vơ lấy thứ nặng nhất mà lão có thể tìm thấy – một cái cối đá gã thường dùng để nghiền bột – rồi táng vào đầu vị thần cái chết.
Thanatos lăn đùng ra bất tỉnh. Sisyphus trói ông ta lại, nhét giẻ vào mồm, rồi nhét ông ta xuống gầm giường. Khi bà Sisyphus về nhà, bà ta ngạc nhiên, "Sao có cái cánh màu đen to đùng thò ra từ dưới giường vậy?"
Sisyphus giải thích chuyện xảy ra. Vợ lão không được vui.
"Vụ này rồi sẽ khiến cả hai chúng ta gặp rắc rối đây," bà ta bảo. "Lẽ ra ông phải chết chứ."
"Tôi cũng yêu bà nữa," Sisyphus làu bàu. "Sẽ ổn thôi mà. Rồi mình xem."
Chẳng ổn gì sất. Không có Thanatos làm việc, mọi người thôi không chết nữa. Thoạt đầu thì không ai phản đối. Nếu bạn đáng nhẽ phải chết nhưng lại không chết, thì sao bạn phải phàn nàn làm gì?
Rồi một trận đánh lớn xảy ra giữa hai thành phố Hy Lạp, và Ares, vị thần chiến tranh, đâm ra nghi ngờ. Ông ta chờn vờn giữa chiến trường như vẫn thường làm, sẵn sàng cho một ngày sát phạt hào hứng. Khi hai đội quân xông giáp chiến, chẳng binh sĩ nào ngả xuống cả. Họ cứ mãi xông vào nhau, chặt chém nhau tơi tả. Chiến trường bừa bộn tung tóe, máu tươi máu cục khắp nơi, nhưng không ai chết hết.
"Thần Chết đâu?" Ares gào lên. "Trò này chẳng có vui gì cả nếu không có thần Chết!"
Ông ta bay đi khỏi chiến trường và bắt đầu hỏi han quanh khắp thế giới: "Xin lỗi nhé, ngươi có thấy thần Chết đâu không? Cái anh chàng to tê có đôi cánh đen bằng da ấy? Thích xé toạc linh hồn khỏi xác ấy?"
Rốt cuộc cũng có ai đó nhắc đến việc họ từng thấy một gã như thế tiến về phía nhà của ông lão Sisyphus.
Ares đập sập cửa trước nhà Sisyphus. Ông ta gạt lão già sang bên rồi trông thấy cánh trái của Thanatos lò ra dưới gầm giường. Ares kéo vị thần cái chết ra, phủi sạch mấy cục bụi vương khắp nơi, rồi cắt dây trói cho ông ta. Rồi cả hai vị thần trừng mắt nhìn Sisyphus.
Sisyphus thụt lùi vào góc phòng. "Ơ, này mấy anh, tôi có thể giải thích—"
BÙM!
Trong cơn phẫn nộ thánh thần nhân đôi, Ares và Thanatos đánh cho lão già bốc hơi đi mất.
Khi linh hồn của Sisyphus tìm được đường đến Âm phủ, Sisyphus bằng cách nào đó đã được diện kiến với chính Hades.
Lão già cúi lạy trước ngai vàng của thần. "Tâu thần Hades, tôi biết mình đã làm một điều xấu. Tôi đã sẵng sàng đối mặt với hình phạt dành cho mình. Nhưng còn vợ tôi! Bà ấy đã không mai táng tôi cho đúng nghi thức! Làm sao tôi có thể tận hưởng hình phạ của mình khi biết rằng bà nhà mình đã không hiến tế lễ vật cho các thần như ngài đã ra lệnh được chứ? Xin ngài, hãy cho phép tôi trở về dương gian chỉ để la mắng vợ tôi thôi. Tôi sẽ quay trở lại ngay."
Hades cau mày. Tất nhiên ông ta thấy nghi, nhưng ông luôn có cảm giác rằng linh hồn không thể nói dối. (Ông này lầm rồi.) Với lại, câu chuyện của Sisyphus làm ông phẫn nộ lắm lắm. Hades ghét người ta không chịu nghiêm chỉnh chấp hành các nghi thức mai táng. Rồi còn các cống vật cho các thần nữa chứ? Chúng còn quan trọng hơn nữa!
"Được thôi," Hades bảo. "Đi quở trách vợ mi đi, nhưng đừng rề rà quá đấy. Khi mi quay lại, ta sẽ có hình phạt đặc biệt sẵn sàng cho ngươi."
"Tôi rất nóng lòng đây!" Sisyphus đáp.
Thế là linh hồn của lão quay lại dương thế. Lão tìm thấy phần thân xác đã bốc hơi của mình rồi thế nào đấy đã ráp được chúng lại thành một thân thể bình thường. Bạn có thể hình dung ra sự ngạc nhiên của vợ lão khi Sisyphus bước qua cửa nhà, vẫn còn sống sờ sờ. "Cưng ơi, anh về rồi nè!"
Sau khi vợ lão hồi tỉnh sau cơn ngất, Sisyphus kể cho bà ta nghe chuyện làm sao mà lão đã một lần nữa thoát khỏi cái chết một cách khôn lanh.
Vợ lão không vui gì. "Ông không thể lừa gạt Hades suốt được," bà cảnh cáo. "Ông đang tự tìm rắc rối đấy."
"Tôi đã bị phán phải vào Cánh đồng trừng phạt rồi," Sisyphus nói. "Tôi có còn gì để mất đâu? Với lại, Hades bận rộn lắm. Một ngày ông ta phải gặp cả ngàn linh hồn. Ông ta thậm chí sẽ không biết là tôi biến mất đâu."
Trong vài năm, kế hoạch của Sisyphus hóa ra lại có tác dụng. Lão sống ẩn dật. hầu hết thời gian lão ở nhà, còn hễ khi nào phải ra ngoài, thì lão lại mang chòm râu giả. Hades quả là bận rộn thật. Ông ta quên béng Sisyphus, cho đến một hôm tình cờ Thanatos lại hỏi: "Này, thế ngài có làm gì với cái tay quái gở từng nhét tôi xuống dưới giường hắn chưa đấy?"
"Ô…" Hades cau mày. "Thôi chết."
Lần này, Hades cử thần báo tin Hermes đi tìm Sisyphus. Hermes đội nón bảo hiểm, để không bị dễ dàng nện vào đầu. Vị thần báo tin lôi Sisyphus xuống Âm phủ quẳng xuống chân ngai vàng của Hades.
Hades mỉm cười lạnh lùng. "Nói dối với ta thật sao? Ồ, ta có thứ này vô cùng đặc biệt dành cho mi đây!"
Ông ta mang Sisyphus ra giữa Cánh đồng trừng phạt, đến một quả đồi trọc cao chừng trăm rưỡi mét có sườn dốc bốn lăm độ, thích hợp tuyệt đối với trò chơi trượt ván. Ngay dưới chân đồi là một tảng đó tròn vo to lớn co cỡ bằng chiếc xe nhỏ gọn.
"Đây rồi," Hades bảo. "Chừng nào mi đẩy được hòn đá kia lên tới đỉnh ngọn đồi thì mi có thể đi được đấy. Hình phạt cho mi sẽ chấm dứt."
Sisyphus thở phào nhẹ nhõm. Nãy giờ lão cứ tưởng tượng là sẽ ghê gớm hơn kia. Thì vâng, tảng đá kia trông nặng đấy. Đẩy nó ngược lên đồi sẽ khó nhằn đây, nhưng ít ra không phải là không thể.
"Xin đa tạ, chúa tể Hades," Sisyphus bảo. "Ngài thật là quảng đại."
"Phải rồi." Đôi mắt đen của Hades lấp lánh. "Quảng đại."
Vị thần biến mất theo một đám mây u ám, và Sisyphus bắt tay vào việc.
Buồn thay, lão nhanh chóng nhận ra việc này là không thể. Việc lăn tảng đá vắt kiệt sức lão, rồi hễ khi nào Sisyphus lên đến gần đỉnh đồi, lão mất kiểm soát ngay. Dù lão có cố thế nào, tảng đá vẫn lăn ngược xuống chân đồi. Hoặc là lăn chẹt ngang qua lăo rồi mới ngược xuống chân đồi.
Nếu Sisyphus dừng lại nghỉ lấy sức, một trong ba nữ thần Đại Nộ sẽ xuất hiện vụt roi vào lão cho đến khi lão phải bắt tay vào việc. Sisyphus bị nguyền rủa phải đẩy tảng đá ngược lên đồi đến suốt kiếp, mà không bao giờ đến được đỉnh đồi.
Lại một kết quả có hậu! Ares, vị thần chiến tranh, lại được quan sát người ta chết. Bà Sisyphus thì có được chút yên bình tĩnh lặng. Và Thanatos, vị thần cái chết, quyết định sẽ không gõ cửa bất cứ ai để yêu cầu ký nhận nữa. Từ đấy trở đi, ông ta chỉ tàng hình rình rập rồi tóm lấy linh hồn của nạn nhân mà không cảnh báo gì sất. Thế nên nếu bạn đang lên kế hoạch sống mãi đến muôn đời bằng cách trói thần chết lại và nhét xuống gầm giường nhà bạn, thì bạn xui rồi.
Vậy đấy là cách Hades khiến cho Âm phủ được tổ chức lớp lang. Ông ta cho xây cung điện đen ngòm của mình ven rìa Cánh đồng Asphodel, rồi khi đã cưới Persephone, ông ta coi như yên bề gia thất và hạnh phúc như một vị thần của Âm phủ có thể.
Ông ta bắt đầu gầy nuôi một đàn gia súc đen thui để mình có thể có được thịt bít tết tươi cùng sữa, rồi ông ta giao cho một thiên tinh tên Menoetes chăm coi đàn bò. Hades cũng trồng một vườn cây ăn quả gồm những cây lựu thần để vinh danh vợ mình.
Các thần trên đỉnh Olympus hiếm khi ghé xuống thăm – trừ Hermes, vì phải truyền tin và giao linh hồn đến – nhưng nếu bạn tình cờ ở trong ngự điện của Hades vào bất cứ ngày nào, bạn có thể sẽ trông thấy Thanatos lang thang ở đấy, hay là các nữ thần Đại Nộ, hoặc ba vị quan tòa nổi tiếng đã chết. Các nghệ nhân hay nhạc sĩ tài ba nhất đã qua đời ở Elysium thường được triệu kiến vào cung điện để mua vui cho đức vua.
Persephone với Hades có phải một cặp hạnh phúc không ấy à? Khó nói lắm. Những câu chuyện xưa không nói rõ liệu họ có con hay không. Hình như Persephone có một con gái tên Melinoe, là một thiên tin chịu trách nhiệm về các hồn ma và ác mộng, nhưng Hades có thể là cha hoặc có thể không. Vài câu chuyện bảo rằng cha thật ra là Zeus giả dạng làm Hades, như vậy lại dẫn chúng ta sang một cấp bậc kinh tởm hoàn toàn mới.
Vài bài thơ nhắc đến Makaria, con gái của Hades và Persephone. Cô ta là nữ thần của những cái chết êm đềm được ban phúc, đối lập với những cái chết khủng khiếp, kinh hoàng, đau đớn, nhưng lại không có nhiều câu chuyện kể lắm về cô này.
Mà dù sao đi nữa, Hades không phải khi nào cũng chung thủy với Persephone đâu. Ông ta là thần kia mà. Bạn mong gì chứ?
Một lần nọ Hades đang đi thăm thần Titan Oceanus dưới đáy đại dương. Ông ta làm gì ở đấy thì tôi chẳng rõ. Có lẽ là đang kiểm tra độ mặn của mấy dòng suối cung cấp nước cho sông Styx. Mà thôi, trong khi đang lòng vòng nơi ấy, Hades tình cờ gặp một tiên nữ đại dương xinh đẹp tên Leuke, một trong những con gái của Oceanus. Cô ấy cao ráo, xanh xao và đáng yêu, và rõ ràng là gây ấn tượng sâu đậm. Đến cuối cuộc viếng thăm, Hades bắt cóc cô nàng mang về Âm phủ.
Đấy chỉ là một cơn say nắng, một sự điên rồ nhất thời, nhưng bạn có thể đoán Presephone đã phản ứng thế nào khi cô ta phát hiện ra chồng mình đã mang một cô gái làm quà lưu niệm về nhà với mình rồi đấy.
"Hoặc tôi hoặc ả phải ra đi," Persephone gầm gừ. "Với lại đừng chỉ có gửi trả ả về đại dương thôi đấy. Ả đã đánh cắp chồng của ta! Ả phải chết!"
"Ừm… okay," Hades đáp. "Ý ta là, đúng thế! Tất nhiên là vậy rồi, nàng yêu quý! Ta đang nghĩ gì vậy ấy nhỉ?"
Hades chạy ra Cánh đồng Asphodel, nơi Leuke đang đứng chờ mình.
"Sao rồi?" Leuke lên giọng hỏi. "Ngài bắt cóc tôi đưa tôi đến đây. Ngài định làm gì với tôi vậy?"
"Thật ra thì, mọi chuyện sẽ không có kết quả gì đâu," Hades nói. "Vợ ta không chấp nhận."
"Choáng chưa," Leuke làu bàu. "Được thôi. Đưa tôi về nhà!"
"Ta không thể," Hades bảo. "Persephone muốn nàng phải chết."
Leuke chuyển sang tái nhợt hơn. "Thế - thế thật không phải! Ngài bắt cóc tôi cơ mà!"
"Không sao đâu," Hades trấn an cô nàng. "Ta có ý này. Thay vì giết nàng, ta sẽ chỉ biến nàng thành gì đấy – thành cái cây thân thảo chẳng hạn. Thế thì nàng sẽ sống hoài sống mãi, còn ta sẽ luôn nhớ đến nàng."
"Ý tưởng kinh khủng quá đi thôi!"
"Thế thì cây thân mộc vậy," Hades trầm ngâm.
"Không!"
"Một cái cây màu trắng, tái nhách, cao xọc," Hades quyết định. "Một cái cây đẹp y như nàng."
"Tôi—"
BỤP.
Leuke biến thành cây dương đầu tiên, và Hades ôm chầm lấy gốc cây. "Cảm ơn nàng đã thông cảm. Ta sẽ luôn nhớ đến nàng."
Cây dương nhanh chóng nhân lên, cho đến khi Cánh đồng Asphodel phủ rải rác loài cây ấy – một thoáng vẻ yêu kiều trong Cánh đồng Asphodel ảm đạm. Cây dương trở thành một trong những thứ cây thiêng của Hades, và có khuynh hướng mọc rậm rạp đặc biệt là những vùng dọc bờ sông của các con sông dưới Âm phủ, có lẽ là vì Leuke nhớ mình từng từ vùng biển đến nên đang cố mọc tìm đường quay về. Chúc may mắn nhé Leuke.
Sau chuyện tình dang dở với cô gái cây dương, Hades trở nên trầm uất. Một ngày nọ ông ta quyết định đi tản bộ dọc sông Cocytus, Dòng sông than khóc, quả là một nơi kỳ quặc để dạo bộ nếu bạn đang cố làm mình vui lên.
Tình cờ Hades gặp một thiếu phụ đáng yêu mặc chiếc váy xanh non ngồi bên dòng nước. Mùi hương tỏa ra từ nàng dạt đến chỗ ông ta theo làn gió nhẹ dưới lòng đất – một mùi hương tinh tế không giống như bất cứ thứ gì Hades từng ngửi thấy.
Ông ta bước đến ngẩn ngơ nhìn chăm chú cô gái. Hades thường khiến người ta ngạc nhiên, vì cứ tối đen lén lén lút lút như thế; cho nên khi cô gái cuối cùng cũng để ý thấy ông ta, cô rúm người lại cảnh giác.
"Ngươi muốn gì?" cô hỏi.
"Ừ…" Hades thấy khó nghĩ quá. Đôi mắt thiếu phụ kia xanh non như màu áo. "Ta là Hades. Cô thơm quá. Cô là ai?"
Cô gái chun mũi. "Dĩ nhiên tôi là Minthe. Tôi là con gái của dòng Cocytus."
Hades cau mày. "Sông suối dưới Âm phủ có nữ thủy thần sao? Ta chưa bao giờ biết đấy."
"À, có lẽ là chúng tôi không lấy đấy làm tự hào," Minthe lầu bầu. "Làm linh hồn thiên nhiên của một dòng sông than khóc không dễ dàng gì, ngài biết đấy. Tôi thà được ở trên dương gia, nơi tôi có thể tận hưởng ánh nắng mặt trời cùng gió mới."
"Ta sẽ đem nàng lên đấy," Hades thốt lên. "Chỉ hôn ta một cái thôi, rồi ta sẽ đem nàng lên dương thế."
Minthe cau mày. "Sao ngài lại làm thế?"
"Ta yêu nàng," Hades ngớ ngẩn đáp, nhưng ông ta không được gặp nhiều phụ nữ xinh đẹp mà. Với lại, đấy đang là mùa xuân. Persephone đã đi thăm mẹ mình trên trần gian, nên Hades thấy cô đơn.
Minthe đứng lên. Cô không biết phải nghĩ gì về vị thần hắc ám này, nhưng được một chuyến lên trần gian nghe cũng hay đấy. Cô bảo, "Được thôi."
Cô hôn Hades. Hades vòng tay quanh người cô, cả hai tan biến vào bóng tối.
Họ xuất hiện trên sườn ngọn đồi gần một thị trấn Hy Lạp tên Pylos. Minthe há hốc khi trông thấy bầu trời xanh và mặt trời, những ngọn đồi xnah ngát trải dài đến ngút ngàn.
Cô mỉm cười quàng tay quanh Hades, trong chừng hai mươi giây hai người ấy say đắm nhau lắm lắm. Mùi hương từ Minthe thật ngất ngây.
Rồi có gì đấy thay đổi. Hades cứng người. Có lẽ không khí trong lành làm đầu óc ông ta sáng suốt trở lại.
"Ta đang làm gì thế này?" ông ta rên rỉ, đẩy Minthe ra xa. "Bây giờ là mùa xuân. Vợ ta sẽ xuất hiện đâu đó quanh đây, làm cây cỏ mọc rồi đủ trò đủ chuyện. Cô ấy sẽ tìm ra chúng ta mất!"
"Ai thèm quan tâm chứ?" Minthe hỏi. "Ngài nói ngài yêu tôi cơ mà."
"Ta—ta—" Hades ngắc ngứ.
Đôi mắt xanh lục của Minthe xoe tròn xinh đẹp. Cô rất xinh và tỏa hương rất thơm, nhưng giờ thì Hades nhận thấy cuộc tình của họ vô vọng quá. Ông ta nhớ đến cái nhìn sát nhân trong mắt Persephone khi cô ấy nghe đến Leuke.
"Ta phải quay về Erebos," Hades bảo. "Hãy vui thú với trần gian đi."
"Ngài sẽ quay lại chứ, phải không?" Minthe hỏi.
"Ừm…" Hades lỉnh đi biến mất vào trong bóng tối.
Lẽ ra Minthe nên quên ông ta đi. Cô đã đến được trần gian rồi kia mà! Cô đã có thể tìm một con sông khác để gắn kết nguồn sinh lực của mình vào. Cô đã có thể sống trường sinh trong những cánh rừng cùng ngọn đồi xinh đẹp của Hy Lạp.
Nhưng không. Dễ dàng quá!
Bị bỏ rơi lại sườn đồi khiến cô tức tối. Cô ngộ ra mình vừa thao túng thần Hades mà không cần phải nhọc công nhọc sức gì. Cô thật sự hẳn phải rất xinh đẹp. Với lại cô thơm nức cơ mà. Cô xứng đáng làm nữ hoàng lắm chứ.
"Hades yêu ta!" cô la lên với làn gió. "Ngài sẽ quay lại đón ta và biến ta thành nữ hoàng của Âm phủ! Ta xinh đẹp hơn Persephone, tuyệt vời hơn, thơm hơn, và—"
Sườn đồi rùng rùng rung chuyển. Cỏ cây hoa lá cuộc xoáy thành một chiếc phễu đám mây cánh hoa khổng lồ. Nữ thần Persephone hiện lên như một bức tượng khổng lồ cao mười lăm mét.
Đến lúc ấy, Minthe nhận ra mình đã phạm sai lầm.
"NGƯƠI, XINH ĐẸP HƠN TA Ư?" Persephone sang sảng. "HA, PHẢI RỒI! NHƯNG NGƯƠI ĐÚNG LÀ THƠM THẬT. CÓ LẼ TA CÓ THỂ TÌM ĐƯỢC CÔNG DỤNG CHO NGƯƠI GIỮA ĐỐNG CÂY CỎ NÀY!"
Persephone nhấc một chân khổng lồ mang xăng đan của mình lên mà dẫm nát bét Minthe. Khi bà ta quệt chân mình lên sườn đồi, những cây xanh be bé nẩy mầm mọc lên. Lá của chúng thơm ngát mỗi khi bị chà nát. Persephone quyết định gọi chúng là cây mint,[2] còn ngọn đồi gần Pylos nơi những cây này mọc lên đầu tiên ngày nay vẫn được gọi là đồi Minthe.
Thế nên lần sau nếu bạn ăn kem bạc hà trộn vụn sô cô la, bạn có thể cảm ơn Persephone, mặc dù có thể hơi khó khăn ăn một thứ khi bạn nhận thức được là thứ ấy làm từ một nữ thủy thần bị dẫm nát.
Sau vụ đấy, Hades không lăng nhăng nhiều nữa. Ông ta chủ yếu ở trong cung điện lo làm chuyện của mình mà thôi.
Nhưng các anh hùng người thường lại không để cho ông ta yên. Họ liên tục xuất hiện dưới đấy, đòi hỏi này nọ. Một vị anh hùng muốn con chó của ông ta, Cerberus. Một người hùng khác muốn Hades trả người yêu mình lại dương thế. Một người hùng khác nữa thậm chí còn dám bắt cóc Persephone. Có lẽ để lần khác tôi kể mấy chuyện này cho các bạn nghe, nhưng mấy chuyện Âm phủ u ám này đang làm tôi thấy ngột ngạt rồi đây này.
Tôi cần chút không khí biển trong lành. Ta ghé ra Địa Trung Hải nhé, và tôi sẽ giới thiệu cho các bạn bố tôi – thần Poseidon độc nhất vô nhị.