Thế khoảng chừng một triệu trang trước, tôi có đề cập đến người vợ đầu tiên của Zeus, thần Titan Metis. Còn nhớ bà ta chứ? Tôi cũng chẳng nhớ đâu. Tôi phải quay ngược lại xem đấy. Mấy cái tên: Metis và Thetis và Themis và phô mai Feta – tôi nhức cả đầu khi cố nhớ chúng cho rạch ròi.
Mà thôi, tóm tắt nội dung lần rồi này:
Tuần trước trong chương trình Các thần thực thụ của Olympus: Metis có mang con của Zeus. Bà ta nhận được lời sấm rằng đứa bé sẽ là bé gái, nhưng nếu sau đấy Metis và Zeus có thêm đứa nữa, thì đấy sẽ là một bé trai sau này lớn lên sẽ soán ngôi Zeus. Nghe thấy thế, Zeus làm chuyện đương nhiên. Ông ta phát hoảng và nuốt chửng người vợ đang mang thai của mình.
Dun-dun!
Chuyện gì xảy ra sau đấy?
Vâng, thánh thần không thể chết, ngay cả khi bị thần khác tiêu hóa, nên Metis đã hạ sinh con gái ngay trong bụng Zeus.
(Các bạn cứ tự nhiên mà phát ói đi. Hoặc có thể chờ thêm chút nữa. Chuyện sẽ ghê gớm hơn…)
Metis dần dà tan đi thành ý nghĩ, vì bà ta là thần Titan của suy tư mà lại. Bà ta biến thành chỉ còn là giọng nói đay nghiến trong trí Zeus.
Còn con gái bà ta, cô bé lớn lên trong cơ thể Zeus, cũng như cách các thần Olympian trước kia lớn lên trong bụng Kronos vậy. Một khi đứa trẻ thành người lớn (một người lớn nhỏ thó, bị nén hết cỡ, vô cùng khó chịu) cô ta bắt tìm cách thoát ra thế giới bên ngoài. Chẳng có tùy chọn nào có vẻ hay ho cả. Nếu cô ta trào ra từ mồm Zeus, mọi người sẽ cười nhạo cô rằng cô được nôn ra. Như thế rất mất tư cách. Nếu cô theo con đường tiêu hóa của Zeus mà ra từ đầu kia – Không đời nào! Như thế còn tởm lợm hơn. Cô ta là một nữ thần trẻ mạnh mẽ, nên cô lẽ ra đã có thể xông ra từ ngực Zeus rồi, nhưng khi ấy thì mọi người sẽ cho cô là một trong mấy con quái vật trong phim Alien, và cũng vậy, đấy không phải là kiểu lối ra mà cô đang tìm kiếm.
Cuối cùng cô có ý tưởng này. Cô tan ra vào trong ý nghĩ – một chiêu con con mà mẹ Metis đã dạy cho cô – rồi di chuyển dọc lên dây tủy sống của Zeus đến thẳng não ông ta, đến đây thì cô ta tái tạo lại. Cô bắt đầu đấm đá la hét trong sọ Zeus, cố hết sức gây náo loạn. (Có lẽ cô ấy có được khá rộng chỗ để cử động trong ấy vì não của Zeus quá nhỏ. Đừng mách với ông ta là tôi nói thế nhé.)
Như các bạn đoán được, trò này khiến Zeus đầu đau như búa bổ.
Ông ta không thể ngủ được nguyên cả đêm với tiếng nện ầm ầm trong sọ. Sáng hôm sau ông ta lảo đảo đi ra dùng điểm tâm cố ăn lấy gì đấy, nhưng ông ta cứ mãi cau có, la hét và dộng nĩa xuống bàn mà gào lên, "THÔI ĐI! THÔI ĐI!"
Hera và Demeter lo ngại nhìn nhau.
"Ơ, chồng yêu này?" Hera hỏi. "Mọi chuyện…ổn đấy chứ?"
"Nhức đầu!" Zeus rống lên. "Nhức, nhức lắm!"
Cứ như để chứng minh cho lời mình, vị chúa tể vũ trụ nện mặt mình vào chồng bánh kếp, làm hỏng chồng bánh cùng chiếc đĩa và khiến cho bàn nứt ra, nhưng không giúp gì cho cơn đau đầu của ông ta cả.
"Aspirin nhé?" Apollo gợi ý. (Anh này là thần chữa lành.)
"Một tách trà ấm chăng?" Hestia đề nghị.
"Con có thể chẻ đôi sọ bố ra đấy," Hephaestus, vị thần rèn bảo.
"Hephaestus!" Hera quát. "Đừng có nói năng với bố con như thế!"
"Sao chứ?" Hephaestus gặng hỏi. "Rõ ràng bố đang có vấn đề trong đấy mà. Con có thể mở nắp ra mà nhìn qua. Biết đâu lại giảm đi sức ép. Với lại, bố bất tử cơ mà. Sẽ không làm ông ấy chết đâu."
"Thôi, cảm ơn…" Zeus nhăn nhó. "Ta…" Thốt nhiên những đốm đỏ nhảy nhót trước mắt Zeus. Cơn đau cào cấu thân thể ông ta, và một giọng nói trong đầu ông ta hét lên: CHO TA RA! CHO TA RA!
Zeus té khỏi ghế, quằn quại vì đau. "Cắt sọ ta đi!" ông rền rĩ. "Đem nó ra khỏi ta!"
Các thần khác xám xanh vì sợ. Cả Apollo cũng đứng hình, mà anh này có được cả tá huy hiệu Hướng Đạo trong kỹ năng sơ cứu đấy nhé.
Hephaestus đứng lên. "Được thôi. Để con đi lấy dùi đã." (Cơ bản đấy là một dùi chọc đá có độ dài chuyên dụng dùng để chọc lỗ trên những bề mặt dày, như là kim loại, hay là đầu các thần.) "Mấy người còn lại, đưa Zeus ra khỏi ngai rồi đè ông ta xuống."
Các thần Olympian chuẩn bị cho một cuộc phẫu thuật não cấp cứu. Họ lôi Zeus ra khỏi ngai vàng rồi ghì chặt ông ta xuống trong khi Hephaestus đi lấy dụng cụ. Vị thần rèn không chút chần chừ. Anh ta đi thẳng đến chỗ Zeus, nhắm mũi dùi ngay chính giữa trán vị thần bầu trời, rồi nâng búa lên, rồi BỘP!
Sau vụ ngày, các thần gọi anh ta là Hephaestus Phát Một.
Anh vận đủ lực để xuyên thấu qua sọ mà không phải biến Zeus thành thần thịt nướng. Từ mũi thanh dùi cho đến sống mũi Zeus, một khe nứt lan ra – chỉ đủ rộng cho Athena lách ra ngoài.
Cô ta búng ra khỏi trán Zeus, rồi ở ngay trước mặt mọi thần, cô lớn phổng lên cho đến khi thành một nữ thần hình dạng hoàn chỉnh, mặc áo choàng xám cùng bộ giáp đánh trận, đội mũ đồng và cầm một thanh giáo cùng một tấm khiên.
Tôi không biết cô ta lấy phục trang ấy từ đâu ra. Có lẽ Athena đã tạo ra nó một cách thần kỳ, hay có lẽ Zeus dùng quần áo cùng vũ khí làm món ăn vặt. Dù sao thì, vị nữ thần này đã tạo ra một sự xuất hiện ấn tượng.
"Chào mọi người," cô bình thản nói. "Ta là Athena, là nữ thần của chiến tranh và trí khôn."
Demeter xỉu lăn quay. Hera trông choáng váng, vì chồng bà ta vừa mới hạ sinh một đứa con ngay từ chính trán ông ta, mà Hera khá đoan chắc Athena không phải là con gái của mình.
Ares vị thần chiến tranh nói, "Ngươi không thể chịu trách nhiệm về chiến tranh được! Đấy là việc của ta!"
"Ta đã nói là chiến tranh và trí khôn," Athena giải thích. "Ta sẽ đảm nhận các loại hình giao chiến cần đến phác thảo kế hoạch, đến mánh khóe cùng thuật tình báo đỉnh cao. Anh vẫn có thể chịu trách nhiệm về những khía cạnh chiến tranh xuẩn ngốc, máu me, đàn ông đàn ang của chiến tranh cơ mà."
"Ồ, thế thì được," Ares đáp. Đoạn gã cau mày. "Chờ đã… gì chứ?"
Hephaestus khâu khép vết nứt trên trán Zeus. Mặc cho các thần khác còn e ngại, Zeus khăng khăng buộc mọi người chào đón con gái Athena của mình vào hàng ngũ. Cô ta đã trở thành một trong các thần Olympian như thế.
Như các bạn đã nghe rồi đấy, Athena là nữ thần của trí khôn, bao gồm những lời khuyên bổ ích và kỹ năng hữu dụng. Cô đã cho người Hy Lạp cây ô liu, nhưng cũng dạy cho họ cách tính đếm số, cách dệt vải, cách dùng bò kéo cày, cách xỉa răng sau bữa ăn, và hàng đống những mẹo có ích khác.
Phàm là nữ thần chiến tranh, cô ta thiên về phòng ngự hơn tấn công. Cô ta không thích giao chiến, nhưng cũng biết đôi khi giao chiến là cần thiết. Cô luôn cố đánh thắng nhờ chiến lược thích hợp và mánh khóe lươn lẹo. Cô ra sức giảm thiểu thương vong, trong khi Ares thì yêu thích bạo lực và chỉ muốn chiến trường vương vãi những xác người đan mắc vào nhau mà thôi. (Vâng, tay này đáng yêu cực, cái ông thần ấy đấy.)
Loài cây thiêng của Athena là cây ô liu, vì đấy là móng quà to lớn của cô cho người dân thành Athens. Các con vật thiêng của cô là cú và rắn. Như người ta cho rằng, con cú là biểu tượng của sự thông thái từ trời cao. Rắn tượng trưng cho trí khôn từ trái đất. Tôi à, tôi chẳng bao giờ hiểu được cả. Nếu chim cú thông thái đến thế, sao chúng cứ bay lòng vòng mà hỏi Who? mãi thế, cứ như chúng không thể nhớ được cả tên của mình ấy? Rắn rít tôi cũng chẳng bao giờ thấy chúng thông minh cả; nhưng hình như người Hy Lạp cho rằng mỗi khi rắn rít lên, nghĩa là chúng đang thì thào những bí mật quan trọng. Vâng phải rồi đấy ông Hy Lạp ơi. Giữ con rắn rung chuông kia gần gần sát vào tai ông một tẹo. Nó có điều muốn nói với ông đấy.
Athena rất dễ được nhận ra trong mấy bức tượng hay tranh vẽ thời Hy Lạp xưa. Cô ta khi nào cũng như chỉ mặc cùng một kiểu. Mũ miện của cô được trang hoàng với cừu đực, ngựa, điểu sư cùng nhân sư, và trên đỉnh mũ miện là một chùm lông kiểu bờm Mohawk to tướng. Cô ta thường mang theo giáo và khiên, mặc váy kiểu Spartan không tay cùng áo choàng thụng thần kỳ được gọi là Aegis khoác qua vai. Theo lời các truyền thuyết, áo choàng này được viền bằng da rắn với kim đính là đầu của Medusa, như là đóa hoa trước ngực áo ấy. Có khi bạn sẽ nghe thấy áo Aegis được mô tả như là tấm khiên của nữ thần thay vì là áo choàng. Tôi đoán là đã chẳng có ai nhìn gần cho thật kỹ để xác định như thế nào mới đúng, bởi vì với cái đầu của Medusa ở đó thì… à, mục đích của thứ ấy là khiến cho bạn gào thét và bỏ chạy cơ mà.
Trong nhiều câu chuyện, Athena trao áo Aegis cho Zeus làm quà, nên nói đúng ra áo này là của ông ta; nhưng thỉnh thoảng cô ta vẫn mượn lấy của bố, như là Ê bố này, cho con mượn cái đầu bị chặt của Medusa tối nay nhé? Con đi chơi với chúng bạn mà.
Được thôi cưng, nhưng nhớ đem nó về lúc nửa đêm nhé, với lại đừng làm ai hóa đá cả đấy.
Một trong những điều bí ẩn nhất về Athena là vì sao cô ta được gọi là Pallas Athena. Mãi bấy lâu nay, tôi cứ tưởng người ta đang nói đến Palace Athena, như là một khách sạn ở Vega đấy chứ, hay có lẽ là sào huyệt bí mật của Athena vậy.
Ngay cả người Hy Lạp cũng không thể đồng thuận vì sao vị nữ thần yêu thích của họ lại có bí danh là Pallas, nhưng đây là chuyện tôi đã nghe thấy này.
Khi Athena là một nữ thần trẻ, vừa mới ra khỏi tránh của Zeus, bố cô phái cô đến ở cùng các tiên nữ hồ Tritones ở Libya ven vùng duyên hải Bắc Phi.
"Con sẽ thích họ cho xem," Zeus hứa hẹn. "Họ là những phụ nữ thích chinh chiến, như con vậy. Biết đâu họ lại còn dạy cho con vài chiêu đánh đấm nữa ấy chứ!"
"Con không nghĩ thế đâu," Athena đáp. "Sao bố phải gửi con đi vậy?"
Zeus cố gượng cười, không dễ dàng gì đâu, vì trán ông ta còn đau nhức mà. "Nghe này, cục cưng chiến tranh bé bỏng của—"
"Đừng gọi con như thế!"
"Cả đời con đã bị kẹt trong bụng ta rồi," Zeus nói. "Như thế này sẽ cho con cơ hội được học hỏi về thế giới bao la. Và cũng để cho các thần Olympian khác có thời gian làm quen với ý tưởng rằng con là một thần trong hội đồng. Nói thật thì con làm bọn họ hơi e ngại. Con thông minh và mạnh mẽ."
Athena hỉnh mũi, thế là cô ta đồng ý bỏ chút thời gian ở châu Phi.
Cô yêu nơi ấy, đúng như Zeus dự đoán. Các tiên nữ hồ Tritones là những chiến binh lẫn vận động viên xuất sắc, có lẽ do họ sinh sống trong môi trường khắc nghiệt đến vậy. Athena học hỏi được đủ loại kỹ thuật giao chiến siêu bí mật của tiên nữ ninja. Các tiên nữ thì coi Athena là điều hay ho nhất kể từ khi tiên lương cắt sẵn ra đời.
Người bạn thân nhất của Athena là Pallas, là tiên nữ duy nhất có thể thỉnh thoảng đánh bại Athena trong cuộc giao đấu tay không. Họ có cùng sở thích về vũ khí và áo giáp. Cùng một óc khôi hài. Họ suy nghĩ giống nhau đến nỗi có thể nói hộ hết câu cho nhau. Chẳng mấy chốc họ đã thành BFF.[6]
Thế rồi một ngày nọ, Athena và Pallas đang chọi nhau bên bờ hồ thì Zeus tình cờ từ trên trời nhìn xuống để xem Athena làm ăn thế nào.
Zeus choáng quá. Athena và Pallas đánh nhau thoăn thoắt và căng thẳng đến nỗi, Zeus không thể tin được đây chỉ là đánh trận giả. Athena trông như thể sắp bị giết tới nơi! (A đúng rồi, tôi biết cô ta là bất tử nên không thể thật sự bị giết, nhưng Zeus là ông bố bao bọc con quá mức mà. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng đó, ông ta quên mất.)
Pallas phóng lao vào ngực Athena làm Zeus phản ứng thái quá. Ông ta từ trên trời xuất hiện xuống ngay sau lưng Athena và giơ tấm áo Aegis lên (lúc đó áo do ông ta giữ) nên Pallas chẳng thể nào né không nhìn vào áo được.
Gương mặt bằng đồng của Medusa làm tiên nữ hoảng hồn. Athena gạt lao của bạn mình đi rồi phản đòn, đâm giáo thẳng vào bụng Pallas.
Thường thì Pallas sẽ né được không chút trở ngại nào. Athena tưởng Pallas sẽ dịch đi.
Nhưng lần này, Pallas quá chậm. Thanh giáo của Athena xuyên thẳng qua bụng tiên nữ ra đến bên kia. Pallas ngã gục xuống đất.
Tiên nữ là sinh vật có phép màu. Họ có thể sống thật lâu và chịu đựng rất nhiều, có lẽ cả cái nhìn của Medusa nữa cơ, nhưng họ không phải là bất tử. Nếu bạn dùng giáo xuyên qua tiên nữ, cô ta sẽ chết.
Palles chết.
Athena sụm xuống hai gối, nấc lên vì choáng và vì sợ. Cô ta ôm lấy cái xác không hồn của cô bạn đáng thương mà trừng mắt nhìn Zeus, lúc này vẫn đang chờn vờn trên không trung với tấm áo Aegis.
"BỐ!" Athena thét lên. "TẠI SAO CHỨ?"
Nhìn vào đôi mắt xám ngùn ngụt của con gái, Zeus thấy thật đáng sợ như khi ông ta cảm thấy lúc đối mặt với tên khổng lồ Typhoeus. "Bố tưởng… bố không có ý thế… úi chết."
Ông ta biến đi bỏ chạy về Olympus.
Athena khổ sở trong đau đớn. Thân xác cô bạn tan biến ngược vào nước hồ Tritones, như các thủy tiên nữ thường như thế, nhưng Athena quyết định ghi công Pallas bằng một tượng đài thiêng liêng. Nữ thần tạc nên một bức tượng gỗ bản sao của Pallas sơn phết thật khéo léo khiến bức tượng trông như người còn sống. Đoạn cô cắt một mẩu nhỏ áo choàng Aegis (mà vì theo kích cỡ của thần nên thật ra là khá lớn) rồi quàng quanh vai tượng bản sao Pallas.
Bức tượng trở thành một món tạo tác quan trọng. Dần dà sau này nó được đặt trong thành Troy, đứng trong một đền thờ đặc biệt gọi là Palladium, có nghĩa là chỗ của Pallas. Phụ nữ có thể đến đấy cầu xin Athena cho trú náu. Không ai được phép làm hại đến họ. Ngược lại, đàn ông thậm chí còn không được phép nhìn vào bức tượng. Hình phạt cho hành vi ấy là cái chết.
Bức tượng trông quá giống Athena đến nỗi người ta bắt đầu gọi nó là Pallas/Athena. Rồi con người nhầm lẫn tung lên và bắt đầu gọi nữ thần là Pallas Athena.
Athena chẳng lấy đó làm điều. Nói cách khác, bằng việc lấy theo tên bạn, nữ thần đang giữ cho ký ức về Pallas được sống mãi.
Vậy nên cứ tự nhiên kêu cô ta là Pallas Athena, nhưng đừng hỏi cô liệu bạn có đặt được phòng tại Palace Athena không nhé. Tôi có thể nói cho bạn biết từ kinh nghiệm bản thân, rằng cô ta không nghĩ nói thế là khôi hài đâu.
Mà nghĩ đến chuyện này thì… Athena nói chung không có khiếu khôi hài lắm.
Ví dụ như cái cách cô ta xử vụ Arachne ấy? Hà khắc.
Arachne bắt đầu cuộc đời mà không chút lợi thế gì. Cô sống trong vương quốc tên Lydia, là quốc gia mà ngày nay chúng ta gọi là Thổ Nhĩ Kỳ. Nơi này chẳng có gì đặc biệt, kiểu như là vùng South Dakota của người Hy Lạp cổ đại thôi. (Xin lỗi South Dakota nhé.) Bố mẹ Arachne là những người thợ nhuộm len tầng lớp hạ dân, nghĩa là họ cả ngày phải quậy từng cuộn vải trong những xô chậu chứa thứ hỗn hợp đỏ tía bốc hơi hôi hám – giống như tương đương với việc nướng thịt trong tiệm McDonald.
Họ qua đời khi Arachne còn nhỏ, để lại cô không bạn bè, không người thân, cũng không có tiền. Ấy vậy mà Arachne trở thành cô gái nổi tiếng nhất vương quốc chỉ vì tay nghề của mình thôi. Cô có thể dệt thoăn thoắt.
Tôi biết mà, các bạn chắc đang nghĩ, Chà. Dệt cơ đấy. South Dakota bắt đầu nghe thú vị đây.
Nhưng này mấy cậu, bạn thử đi mà dệt đi. Khó lắm đấy! Các bạn có từng bao giờ quan sát kỹ loại vải áo bạn chưa? Lần tới trong lớp giảng hóa học chán ngắt kia, bạn thử nhìn đi nhé. Vải được làm từ sợi – hàng triệu sợi đan lên đan xuống, đan tới đan lui. Phải có người lấy vải ấy, như là len hay cô tông hay gì cũng được, chải nó ra để cho các sợi đi theo cùng một hướng, rồi phải quay rồi se nó thành những sợi chỉ be bé kia. Rồi họ phải sắp hàng ty tỷ những sợi chỉ xiên xiên, song song với nhau như sợi dây đàn ghi ta, rồi luồng những sợi đan lên–xuống kia vào chúng.
Tất nhiên, chúng ta đã có máy móc làm việc ấy. Nhưng hãy tưởng tượng xem, vào thời ấy, làm mọi chuyện ấy bằng tay. Mỗi thước vuông vải mất hàng mấy giờ mới làm xong. Người ta đa số chỉ có thể mua được một áo và một quần, vì may áo quần khó kinh khủng. Còn màn cửa hay drap giường hả? Thôi quên đi!
Mà đấy là nếu bạn chỉ dệt vải có một màu, như màu trắng thôi đấy. Thế nếu bạn muốn hoa văn thì sao? Khi đấy bạn phải hoạch định trước sợi chỉ nào nhuộm màu gì rồi phải dệt chúng vào đúng chính xác vị trí, như một trò xếp hình to tướng. Với chứng rối loạn tăng động giảm chú ý của tôi ấy à, tôi chẳng khi nào có thể làm được việc ấy.
Dệt là cách duy nhất tạo ra thứ làm từ vải, cho nên trừ phi bạn muốn lúc nào cũng ở truồng chạy lung tung, bằng không thì bạn nên tìm cho mình một thợ dệt khéo tay.
Arachne khiến cho việc dệt vải trông dễ dàng. Cô ấy có thể may cho bạn chiếc áo sơ mi kiểu Hawai có hình hoa hòe cóc nhái cùng cây dừa dệt vào trong vải, và cô có thể làm trong chừng năm phút. Cô ấy có thể dệt màn cửa có chỉ xanh chỉ bạc để khi lớp vải lăn tăn, nó trông như những đám mây thực thụ đang di chuyển ngang bầu trời. Thứ cô yêu thích nhất là làm thảm thêu – là một mảnh vải lớn đậm tính nghệ thuật mà bạn có thể treo trên tường. Chúng chỉ để trang trí thôi, nhưng đối với hầu hết các thợ dệt thì chúng khó làm đến nỗi không ai có thể mua nổi chúng trừ vua với mấy cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp, thế mà Arachne lại làm chúng cho vui rồi phân phát lung tung như quà cảm ơn.
Thế là khiến cô ấy được yêu mến và rất nổi tiếng.
Chẳng mấy chốc người dân trong vùng hàng ngày đều tụ tập trước lều của Arachne để xem các tác phẩm của cô. Ngay cả các tiên nữ củng bỏ rừng bỏ suối ra ngắm nghía những tấm thảm dệt của cô, vì chúng còn đẹp hơn cả thiên nhiên.
Đôi tay Arachne chừng như bay lượn. Cô nhặt một túm len lên, quay tít thành chỉ, rồi nhuộm chúng thành màu gì mình muốn, đoạn mắc vào khung cửi trong chưa tới một giây. Khi cô cho nguyên hàng sợi chỉ di chuyển lên xuống, cô kết những sợi chỉ xiên vào một thanh gỗ dài gọi là con thoi, giống như một cây kim may khổng lồ. Cô trượt con thoi tới lui nhanh như một quả bóng trong trận tennis, dệt những sợi chỉ lại với nhau thành một mảnh vải, và vì cô đã lên kế hoạch cho màu sắc của mình thật hoàn hảo, một bức tranh xuất hiện trên mảnh vải như thể có phép màu.
Đan qua, đan lại, đan qua, đan lại: BÀM!
Đột nhiên bạn đang nhìn vào quang cảnh đại dương dệt từ vải, nhưng lại quá hiện thực đến nỗi các con sóng dường như đang vỗ vào bờ. Mặt nước lóng lánh sắc chỉ xanh dương và xanh lục kim loại. Những con người được dệt nên trên bờ biển được tỷ mỉ tạo ra đến mức bạn có thể nhìn thấu nét biểu cảm trên mặt họ. Nếu bạn chìa kính lúp ra quan sát mấy đụn cát, bạn có thể nhìn rõ từng hạt cát một. Arachne cơ bản đã sáng tạo ra kỹ thuật dệt độ nét cao.
Một trong mấy tiên nữ thảng thốt, "Arachne, cô kỳ diệu quá!"
"Cảm ơn ạ." Arachne mỉm cười tự mãn khi cô sửa soạn dệt kiệt tác tiếp theo.
"Hẳn chính thần Athena đã dạy cô dệt rồi!" tiên nữ nói.
À, đây là một lời ca ngợi lớn lao đấy. Lẽ ra Arachne chỉ cần gật đầu, nói cảm ơn rồi bỏ qua đi.
Nhưng Arachne quá tự hào về tác phẩm của mình. Cô chẳng cần gì đến các thần. Họ đã từng làm gì cho cô chứ? Arachne đã gầy dựng tên tuổi mình từ tay trắng. Bố mẹ cô đã qua đời và chẳng để lại cho cô xu nào. Cô đã chẳng bao giờ có được chút may mắn.
"Athena ư?" Arachne khịt mũi. "Tự tôi dạy tôi dệt đấy chứ."
Đám đông lào xào bất ổn.
"Nhưng rõ là," một người đàn ông lên tiếng, "cô nên tạ ơn Athena vì năng khiếu của mình, vì nữ thần là đã phát minh ra nghề dệt mà. Không có bà ấy—"
"Không tặng thảm cho ông!" Arachne dùng cuộn len đập vào mặt ông ta. "Dệt là nghề của tôi! Nếu Athena tài giỏi đến thế, bà ta có thể xuống đây mà so tài với tay nghề của tôi. Chúng ta sẽ thấy ai mới cần được dạy."
Các bạn có thể đoán chuyện gì xảy ra rồi đấy. Athena nghe được câu thách thức này. Khi là thần thì bạn thật sự không thể để cho ai thoát tội khi gọi bạn ra như thế.
Ngày hôm sau, Athena giáng trần, nhưng thay vì đi xuống với những thanh giáo rực lửa, cô ta lại quyết định ngầm ghé thăm Arachne để xem sự thể ra sao. Athena khi nào cũng thận trọng thế đấy. Cô ta thích tự mình thu thập dữ liệu, và cô ta tin vào việc cho người ta cơ hội thứ hai. Dầu sao thì cô cũng đã vô tình giết chết người bạn thân Pallas của mình cơ mà. Cô ta biết sai lầm có xảy ra.
Athena khoác vào hình dạng một bà lão ốm yếu rồi tập tễnh đi đến lều của Arachne, nhập vào đám đông đã tụ tập để xem cô thợ dệt trổ tài.
Cô bé người phàm này giỏi đấy. Không nghi ngờ gì. Arachne dệt nên quang cảnh núi đồi rồi suối nước, thành phố long lanh dưới sức nóng buổi chiều, muông thú nhẩn nha trong rừng cây, và những loài hải quái kinh khủng đến mức chúng trông như nhảy ra khỏi màn vải mà tấn công. Arachne cuộn các tấm thảm len lại bằng vận tốc phi thường, ném chúng ra đám đông như giải thưởng, bắn đi từ súng phóng lựu, khiến cho khách đứng tham quan vui mừng với những món quà chia tay giá trị.
Cô gái trông không có vẻ gì là tham lam. Cô ta chỉ muốn chia sẻ tác phẩm của mình với thế giới.
Athena tôn trọng điều đó. Cô gái Arachne này không xuất thân từ gia đình giàu có hay học trường danh giá gì. Cô ta không có lợi thế, nhưng lại tạo được tên tuổi chỉ nhờ vào kỹ năng. Athena quyết định cho Arachne thêm cơ hội.
Nữ thần chen qua đám đông và bắt chuyện với Arachne khi cô gái trẻ đang làm việc.
"Cháu biết không, cháu yêu quý," bà lão Athena nói, "có thể ta già cả thật, nhưng ta đã thu lượm được chút khôn ngoan cùng tuổi tác của mình. Cháu có muốn nhận lấy đôi lời khuyên nhủ không?"
Arachne chỉ ậm ừ. Cô đang bận dệt và chẳng muốn nghe bất cứ lời răn bảo này hết, nhưng cô chẳng nói gì.
"Cháu rất có khiếu," Athena nói tiếp. "Tuyệt đối không có hại gì khi lấy được lời ca tụng từ những người khác. Cháu đã tự gầy dựng mà! Nhưng ta hy vọng cháu đã tạ ơn xứng đáng cho nữ thần Athena về tài năng của cháu. Dầu sao thì bà ấy cũng đã phát minh ra nghề dệt, và ban tặng tài năng cho những con người như cháu đây."
Arachne ngừng tay dệt trừng mắt nhìn bà lão. "Chẳng có ai ban cho tôi gì cả, Ngoại à. Có lẽ mắt bà đã lòa rồi, nhưng cứ nhìn vào tấm thảm len này đi. Cháu đã làm nên nó đấy. Cháu không cần phải cảm ơn ai khác vì công sức của chính cháu cả!"
Athena cố giữ bình tĩnh. "Cháu tự hào lắm. Ta có thể thấy thế. Và cháu có quyền như vậy. Nhưng cháu đang báng bổ nữ thần đấy. Nếu ta là cháu, ta sẽ cầu xin nữ thần tha tội ngay lúc này. Ta chắc nữ thần sẽ tha cho cháu thôi. Bà ấy rất độ lượng với những ai—"
"Thôi cút đi Ngoại!" Arachne gắt lên. "Để giành lời khuyên của bà cho con gái với con ghẻ của bà ấy. Tôi không cần đâu. Nếu bà yêu Athena đến thế, đi mà bảo bà ấy đến tìm tôi rồi chúng ta sẽ xem ai là người sở hữu nghệ thuật dệt vải nào!"
Đến đây là quá lắm rồi.
Vẻ cải trang của Athena cháy rụi đi trong luồn ánh sáng chói lòa. Nữ thần đứng trước đám đông, khiên cùng giáo lấp lánh. "Athena đã đến," cô ta bảo. "Và nữ thần chấp nhận lời thách thức của ngươi."
Mách nước này: nếu bạn là người thường và một nữ thần xuất hiện ngay cạnh bạn, và nếu bạn muốn sống sót trong mấy phút tới, thì điều cần phải làm là phủ phục úp mặt xuống đất.
Đám đông làm đúng như vậy, chỉ Arachne là cả gan. Tất nhiên trong bụng thì cô ta hoảng cả lên rồi. Mặt cô tái xanh, rồi ửng đỏ, rồi tái xanh trở lại. Nhưng cô vẫn ráng đứng quắc mắt nhìn lại nữ thần. "Được thôi. Ta hãy xem bà có gì nào, bà già kia!"
"Ố ồ," đám đông thốt lên.
"Ta có gì ư?" Athena đáp trả. "Cô gái bé nhỏ từ Lydia sẽ chỉ cho ta cách dệt vải à? Khi ta làm xong, đám đông này sẽ dùng thảm len của cô làm giấy vệ sinh đấy!"
"Xiiì!" đám đông giễu.
"Ô, không phải à?" Athena nhạo. "Hẳn trong đầu óc bố cô tối tăm lắm nếu cô nghĩ là cô có thể dệt giỏi hơn ta. Chắc Zeus đã nuốt mất mẹ cô để ngăn không cho cô ra đời rồi tự làm mất mặt mình."
"Dào!" đám đông la ó.
"Ồ, không phải sao?" Athena gầm gừ. "A, mẹ của cô…" Vị nữ thần hít một hơi sâu. "Thôi cô biết sao không? Nói bôi bác thế là đủ rồi. Đến lúc dệt thôi. Mỗi người một tấm thảm len. Người thắng cuộc sẽ được quyền khoe khoang khoác lác."
"Ừ hử. "Arachne chống nắm đấm lên hông. "Mà ai quyết định người thắng cuộc đây. Bà hả?"
"Vâng," Athena đáp nhẹ như không. "Thề trên dòng sông Styx, ta hứa sẽ phán xử công bằng. Trừ phi cô muốn những con người này quyết định giữa ta và cô."
Arachne nhìn những con người đang hoảng sợ và nhận ra mình lâm vào tình trạng vô vọng rồi. Rõ ràng những người này sẽ quyết định chọn Athena bất chấp tay nghề dệt của Arachne có giỏi đến đâu. Họ sẽ không muốn bị đánh xèo thành tro bụi hay bị biến thành lợn lòi vì đã chọc giận nữ thần. Arachne không tin chút nào rằng Athena sẽ công bằng, nhưng có lẽ thánh thần thực sự phải giữ lời nếu họ đã thề trên dòng sông Styx.
Arachne quyết định mình không còn lựa chọn nào khác, thôi thì cô cũng nên ra đi trong tư thế cao đầu. "Tới luôn đi, Athena. Bà có muốn mượn khung cửi của tôi không, hay bà lại cần một cái đặc biệt có bánh xe con thế?"
Athena nghiến răng. "Ta đã có khung cửi của ta rồi. Cảm ơn."
Nữ thần búng tay. Một khung cửi sáng rực xuất hiện ngay cạnh khung cửi của Athena. Nữ thần và cô gái cùng ngồi xuống rồi điên cuồng bắt tay vào việc. Đám đông hò reo, "DỆT! DỆT!" rồi thoi nắm tay vào không trung.
Người dân Lydia đáng lẽ nên bán quảng cáo và kiếm công ty tài trợ, vì đấy hẳn phải là trận so tài dệt vải có tỷ lệ người theo dõi cao nhất trong lịch sử truyền hình thời Hy Lạp cổ đại.
Hóa ra là, trận khẩu chiến bôi nhọ nhau giữa Athena và Arachne vẫn tiếp diễn – nhưng mà là bằng ngôn ngữ của thảm len. Athena dệt một cảnh những thần trong hào quang chói lòa, ngồi trong tòa hội đồng trên đỉnh Olympus, như thể muốn nói: Bọn ta tài giỏi nhất. Đừng bận tâm đến lũ còn lại. Bà mô tả những đền đài trên vệ thành quanh Athens để chỉ ra người phàm nên tôn kính các thần là khôn ngoan đến thế nào.
Rồi nữa, vì mục đích cao đẹp, Athena dệt cả những lời cảnh cáo nho nhỏ vào tấm vải. Nếu các bạn nhìn thật kỹ, các bạn có thể thấy những con người nổi tiếng khác nhau, những kẻ dám so sánh mình với các thần để rồi bị biến thành thú vật hay bị chết giẫm chết dẹp ngoài đường.
Trong khi đấy, Arachne dệt một câu chuyện khác. Cô miêu tả những điều lố bịch lẫn kinh hoàng mà các thần từng gây ra. Cô dệt cảnh Zeus biến thành con bò mộng để bắt cóc công chúa Europa. Cô dệt Poseidon như một con ngựa chiến đuổi theo Demeter là một con ngựa cái màu trắng, và rồi Medusa đáng thương, một cô gái ngây thơ bị Poseidon rù quến và biến thành thứ quái vật gớm ghiếc nhờ tay Athena. Cô khiến cho các thần trông ngu xuẩn, và độc ác, trẻ con, không lợi ích gì cho con người… và tôi rất tiếc phải nói rằng, cô ấy có khá nhiều tài liệu để chọn đấy.
Khi các tấm thảm được dệt xong, đám đông im phăng phắc, vì cả hai tấm thảm đều đẹp diệu kỳ. Thảm của Athena trông huy hoàng tráng lệ khiến bạn cảm nhận được quyền năng của các thần Olympian. Thảm của Arachne là lời chỉ trích cay độc nhất về các thần từng được đưa ra, khiến cho bạn muốn cười rồi khóc rồi nổi sung lên cùng lúc – nhưng nó cũng vẫn rất đẹp.
Athena nhìn tới nhìn lui hai tấm thảm, cố định xem tấm nào đẹp hơn.
Vài câu chuyện kể bạn rằng Athena đã thắng trong cuộc so tài, nhưng không phải thế. Thật sự thì, Athena buộc phải thừa nhận rằng cả hai tấm đều chất lượng y như nhau.
"Hòa," cô ta cáu cẳn bảo. "Tài năng, kỹ thuật, cách dùng màu của cô… Dù ta có muốn lắm, ta vẫn không thể tìm ra lỗi nào."
Arachne cố đứng lên, nhưng việc vừa rồi đã lấy đi gì đấy trong cô. Tay cô đau nhức. Lưng cô mỏi nhừ và cô ráng lắm mới đứng được lom khom. "Thế giờ thì sao đây? Tái đấu hử? Trừ khi là bà sợ…"
Rốt cuộc Athena cũng nổi sung. Cô ta lấy con thoi ra khỏi khung cửi – một thanh gỗ trông như chiếc gậy bóng chày vuông vắn. "Giờ thì, ta sẽ đập ngươi lòi tói ra vì đã phỉ báng các thần!"
BỘP! BỘP! BỘP!
Nữ thần đánh vào đầu Arachne trong khi cô thợ dệt lủi quanh, cố né đi. Thoạt tiên đám đông sợ hoảng hồn. Rồi họ làm điều mà con người thường làm khi họ sợ và lo lắng và ai đó khác đang bị đánh… Họ bắt đầu phá ra cười và chọc ghẹo Arachne.
"Oánh nó đi Athena!" một người la lên.
"Phải rồi, giờ ai xếp sòng đây hử, con ranh?" một người khác nói.
Cũng chính những con người đó đã trầm trồ ngắm nghía tác tác phẩm của Arachne và đã đứng quanh túp lều của cô hy vọng có được thảm miễn phí giờ lại quay lưng với cô, gọi cô đủ thứ tên tục tĩu và cười cợt khi Athena đánh cô.
Tàn nhẫn quá phải không? Còn phải hỏi nữa. Nhưng nếu các bạn hỏi tôi, đám đông ấy đã vẽ nên một bức tranh về con người thật chân thật và chua chát y như tấm tảm của Arachne về các thần.
Rốt cuộc cơn giận của Athena cũng dịu đi. Cô ta quay lại thấy đám đông đang cười nhạo chỉ trỏ Arachne, thế là Athena nhận ra có lẽ mình đã đi quá xa với trò trừng phạt.
"Đủ rồi!" cô quát đám người. "Các người quay lưng với đồng loại nhanh vậy sao? Ít ra Arachne còn có chút tài năng. Thứ gì khiến các người đặc biệt đến thế chứ?"
Trong khi Athena đang bận mắng nhiếc đám đông, Arachne vất vả đứng dậy. Từng phần cơ thể trong cô đau nhức, nhưng phần bị hủy hoại nặng nề nhất là lòng kiêu hãnh của cô. Dệt là niềm vui duy nhất của cô, thế mà Athena đã tước nó đi mất. Arachne sẽ không bao giờ có thể thích thú với công việc của mình nữa. Những người dân mà cô đã cố hết sức chiều lòng giờ cũng đã quay lưng với cô. Hai mắt cô cay xè vì nhục nhã, vì căm hận lẫn tủi thân.
Cô vội lao đến khung cửi gom lại một chùm sợi chỉ dày – đủ để tạo thành một sợi thừng dã chiến. Cô thắt thành thòng lọng rồi quấn quanh cổ mình, đoạn thòng đầu kia sợi thừng lên xà nhà bên trên.
Khi Athena và đám đông để ý đến, thì Arachne đã đang treo lơ lửng trên trần nhà, đang cố tự kết liễu mình.
"Cô gái ngu ngốc," Athena bảo. Cô tràn ngập lòng xót thương, nhưng đồng thời cũng ghét tự tử. Đấy là một hành động hèn nhát. "Ta sẽ không để cô chết. Cô sẽ sống tiếp, và dệt mãi."
Cô ta biến Arachne thành con nhện, thế là từ đấy trở đi, Arachne cùng con cái mình đã tiếp tục đan mắc màng nhện. Nhện không thích Athena, Athena cũng ghét cay ghét đắng chúng. Nhưng nhện cũng ghét cả con người; vì Arachne không bao giờ quên được sự nhục nhã và cơn phẫn nộ khi mình bị nhạo báng.
Vậy bài học từ câu chuyện này là gì? Những người kể chuyện hay dạy đời thời xưa sẽ bảo rằng: Đừng so sánh bản thân mình với các thần, vì ta không thể nào tài giỏi như thế được. Nhưng không phải thế.
Arachne tài giỏi đến vậy cơ mà.
Có lẽ bài học là: Phải biết khi nào khoe khoang được còn khi nào nên ngậm miệng lại. Hay là: Đôi khi đời chẳng công bằng gì, ngay cả nếu bạn tài năng như Arachne. Hay có lẽ: Đừng có cho không thảm len.
Tôi để các bạn tự quyết vậy.
Athena xé bỏ những tấm thảm từ cuộc so tài ấy, dù chúng đẹp là thế. Bởi vì nói thật là, tôi nghĩ sẽ chẳng ai từ cuộc đối mặt ấy bước ra mà cảm thấy vui vẻ cả.
Có lẽ các bạn đang dần hiểu được Athena… oài, nói sao cho nhẹ nhàng đây? Có thể cô ta là nữ thần của trí khôn đấy, nhưng không phải khi nào lựa chọn của cô ta cũng là thông minh nhất.
Vì một nhẽ, cô ta ý thức thái quá về bản thân. Ví dụ nhé, như cách cô phát minh ra ống sáo ấy. Một ngày nọ Athena đang đi dạo trong rừng gần thành Athens thì nghe thấy tiếng một ổ rắn rít lên, thế là cô nghĩ, Hừ, một đống những ống rỗng dài dài phát ra âm thanh. Và cứ như thế cô ta nảy ra ý tưởng cho một loại nhạc cụ mới. Cô khoét rỗng một ống sậy, đục lên đấy vài lỗ, thổi vào một đầu, thế là âm nhạc thánh thót vang lên.
Thoạt tiên cô ta rất tự hào về ống sáo của mình. Athena thậm chí không phải là nữ thần của âm nhạc, thế mà cô ta đã phát minh ra một thứ âm thanh hay ho mới mẻ. Cô mang ống sáo lên đỉnh Olympus, hăm hở khoe các thần khác, nhưng ngay khi cô ta bắt đầu thổi, những nữ thần còn lại bắt đầu khúc khích rù rì với nhau.
Athena đang thổi dừng lại ngay. "Cái gì mà buồn cười thế?"
"Không có gì đâu," Aphrodite, nữ thần tình yêu đáp.
"Âm nhạc du dương lắm cưng à," Hera bảo mà cố nhịn cười.
À, nói thẳng ra, các nữ thần khác thấy e ngại Athena, vì cô ta vừa thông minh vừa mạnh mẽ. Lẽ đương nhiên, họ chế nhạo cô sau lưng và ra sức loại cô ra khỏi vây cánh. Athena không thích những nữ thần khác. Cô nghĩ họ đa số đều ngu ngơ và nông cạn. Nhưng Athena muốn hòa đồng, nên khi họ nhạo báng cô thì cô tức lắm.
"Sao các người lại đang cười?" Athena gặng hỏi.
"À…" Demeter nén cười. "Chỉ là khi cô thổi sáo ấy, mắt cô lé xẹ còn má thì phình ra, miệng chu ra trông đến là buồn cười."
"Như thế này này…" Aphrodite mô phỏng lại, cố hết sức bắt chước gương mặt thổi sáo của Athena, trông giống như mặt con vịt bị táo bón.
Các thần nam thần nữ cùng phá ra cười. Athena bỏ đi trong ê chề. Các bạn sẽ nghĩ, là một nữ thần của trí khôn, cô ta phải có khả năng cười cho qua rồi không để tâm đến chuyện này chứ; nhưng cô ta thấy bực bội đến nỗi quẳng luôn cây sáo đi, mặc cho nó rơi xuống trần.
Cô ta thậm chí còn đưa ra lời nguyền. "Bất cứ kẻ nào đám thổi thứ ấy lần nữa," Athena lầm bầm, "vận rủi xấu xa nhất sẽ rơi xuống đầu hắn!"
Sau này cũng có kẻ nhặt cây sáo lên, nhưng chuyện đó để sau…
Sau vụ này, Athena trở nên còn để ý thái quá hơn đến bề ngoài của mình. Là một nữ thần chiến tranh, cô ta đã quyết định là mình sẽ không bao giờ kết hôn. Cô ta không muốn có bất cứ tên đàn ông nào cho mình là chủ nhân của cô, với lại cô cũng không có thời gian cho trò yêu đương nhảm nhí mà Aphrodite thường cứ rêu rao luôn.
Vì thế, Athena rất nhạy cảm về sự riêng tư của mình. Một đêm nọ cô ta quyết định đi bơi trong hốc đá ở miền trung Hy Lạp, thư giãn thôi. Cô ta tắm tiên, và trong lúc đang tắm táp dưới dòng thác, tận hưởng sự thanh bình tĩnh mịch, thì Athena nghe thấy một tiếng rên rỉ nấc nghẹn.
Cô ta nhìn lên bờ sông trông thấy một ông lão đang trố mắt nhìn mình với mồm há hốc còn hai mắt to như hai đồng tiền.
Athena hét.
Ông lão kia hét.
Athena khua nước bắn vào mắt ông ta và quát lớn, "Mù đi!" Ngay lập tức ông già mất thị giác vĩnh viễn. Hai mắt biến thành trắng nhách. Ông ta loạng choạng lùi lại, va vào thân cây, ngã ngồi xuống đất.
"Th–thư–thưa nữ thần!" ông than van. "Tơ–tôi xin lỗi ạ! Tôi không—"
"Ngươi là ai?" nữ thần gặng hỏi.
Ông lão đáng thương giải thích tên mình là Teiresias. Ông chỉ từ Thebes, thành phố gần đấy, đi ra ngoài dạo bộ thôi. Ông không hề biết Athena đang ở đấy, và ông ta rất rất lấy làm xin lỗi.
Cơn giận của Athena dịu lại, bởi vì rõ ràng ông già này đang nói thật.
"Ngươi vẫn phải cứ mù," nữ thần bảo, "bởi vì không một người đàn ông nào được trông thấy ta khỏa thân mà không bị trừng phạt cả."
Teiresias nấc lên. "Ư… cũng được ạ…"
"Tuy nhiên," Athena nói tiếp, "vì đây chỉ là tai nạn, ta sẽ bù đắp cho việc ngươi bị mù lòa bằng cách ban cho ngươi những ân điển khác."
"Như là… một đôi mắt khác phải không ạ?" Teiresias hỏi.
Athena gượng cười. "Dạng như thế. Từ rày trở đi, ngươi sẽ có khả năng hiểu được ngôn ngữ của loài chim. Ta sẽ ban cho ngươi một thanh quyền trượng, và cùng với sự giúp đỡ của chim muông, ngươi sẽ có khả năng bước đi gần như là ngươi nhìn được bằng mắt mình vậy."
Tôi không rõ chính xác là trò này hoạt động thế nào. Là tôi thì tôi sẽ lo đám chim biết đâu lại đùa mình, kiểu như, Xa hơn chút. Rẽ trái. Giờ thì chạy đi! Thế là tôi sẽ hụt chân rơi khỏi mỏm đá, hoặc đâm đầu vào tường gạch. Nhưng hình như thỏa thuận kia lại phù hợp với Teiresias, và chim chóc chăm sóc cho ông ta. Điều này cũng chứng tỏ rằng Athena có thể hạ giận bình tâm và đưa ra hình phạt vừa phải như thế nào.
Tuy vậy, có một điều cô ta không thể chịu được, đó là đám đàn ông ve vãn mình. Và điều này dẫn chúng ta đến câu chuyện về Athena và Hephaestus. Okay, thở sâu vào nhé, bởi vì chuyện sắp trở nên kỳ quái đây.
Hephaestus là vị thần rèn đi cà nhắc. Sẽ kể nhiều về anh này sau.
Còn bây giờ, bạn chỉ cần phải biết rằng từ khi anh ta giúp Athena thoát ra từ trán của Zeus, Hephaestus đâm ra mê mệt cô. Cũng có lý thôi, vì cả hai bọn họ đều hứng thú với dụng cụ và nghề thủ công. Cả hay đều là những thần suy tư và thích giải quyết những vấn đề về máy móc.
Vấn đề là Athena ghét tình cảm lãng mạn và chẳng bao giờ muốn cầm tay ông nào, cưới một ông lại càng không. Thậm chí nếu Hephaestus có đẹp trai ngời ngời thì Athena cũng từ chối thôi. Nhưng Hephaestus lại xấu đau xấu đớn: Xấu Hạng Nặng Bậc A cộng thêm Siêu Tởm.
Anh ta cố gắng tán tỉnh Athena theo cách của mình, kiểu như, Này cưng, có muốn xem bộ sưu tập búa của anh không? Dạng dạng như thế.
Athena đùng đùng bỏ đi, nhưng Hephaestus cà nhắc cà nhắc lết theo. Athena không muốn hét lên rồi bỏ chạy, vì cô không phải thứ con gái người phàm yếu đuối, hay một trong mấy ả nữ thần "công chúa màu hồng" nhảm nhí thường ngất xỉu hay chớp chớp lông mi gì đấy kia. Cô là nữ thần chiến tranh kia mà!
Cô chỉ liên tục bỏ đi tránh khỏi Hephaestus, gắt lên bảo anh ta để cho mình yên. Cuối cùng lại ông thần tội nghiệp kia mồ hôi mồ kê nhễ nhại, thở hồng hộc, vì di chuyển với đôi chân què không dễ dàng gì cho lắm. Anh ta quăng mình đến Athena, vòng tay ôm eo cô.
"Xin làm ơn," Hephaestus van nài. "Nàng là người phụ nữ thích hợp nhất với ta!’
Anh ta vùi mặt mình vào váy Athena mà nức nở sụt sùi, và ít thứ mồ hôi cộng mũi dãi thần thánh của anh ta cạ vào phần chân trần của Athena nơi váy xẻ ra, Athena kêu lên, "Gớm quá!"
Cô ta đá văng Hephaestus đi chỗ khác rồi giật lấy mảnh vải gần nhất mình có thể tìm thấy – có lẽ là khăn tay hay khăn ăn hay gì đấy. Cô chùi thứ âm ẩm thần thánh đó khỏi chân mình rồi quẳng mảnh vải kinh tởm đấy khỏi Olympus, mảnh khăn chầm chậm phấp phới bay đáp xuống mặt đất.
Rồi cô mới bỏ chay.
Đáng lẽ chuyện đến đây là phải hết, nhưng có chuyện kỳ quái lại xảy đến với mảnh khăn kia. Nó chứa tinh chất của cả Athena lẫn Hephaestus, và bằng cách nào đấy, khi rơi chạm mặt đất, nó biến thành một bé trai người thường.
Ở trên đỉnh Olympus, Athena nghe thấy tiếng trẻ khóc. Cô ta đã cố lờ đi, nhưng ngạc nhiên thay, bản năng làm mẹ trong cô lại trỗi dậy. Athena bay xuống trái đất nhặt đứa bé lên. Cô ta hiểu được đứa bé được sinh ra như thế nào, và mặc dù mọi chuyện với cô mới kinh tởm làm sao, cô vẫn không thể nào trách đứa bé được.
"Ta cho rằng về mặt lý thuyết mà nói thì ngươi là con trai ta," bà quyết định, "dù ta vẫn là một nữ thần đồng trinh. Ta sẽ tuyên bố ngươi là con trai ta, và ta đặt tên cho ngươi là Erikthonius."
(Bà này có một dịp được đặt tên cho đứa nhỏ, thế mà đấy là tên bà ta chọn ư? Đừng có hỏi tôi.)
"Nếu phải nuôi nấng ngươi," Athena nói tiếp, "trước hết ta phải biến ngươi thành bất tử. Ta biết được một thứ…"
Cô ta lấy một chiếc hòm bằng gỗ rồi đặt đứa bé vào. Đoạn cô tạo ra một con rắn thần và cũng đặt vào đấy. (Mà này, đây thật sự là chuyện mà bạn không nên làm thử tại nhà đấy nhé.) Bé trai Erikthonius vui vẻ ngủ thiếp đi với con rắn cuộn tròn quanh mình.
"Đấy," Athena bảo. "Nằm trong hộp này vài ngày, rồi con rắn sẽ làm tăng những phẩm chất thần của ngươi. Ngươi sẽ không còn là người thường nữa mà sẽ trở thành một trong những vị thần!"
Athena đóng hòm lại mang đến đài Acropolis ở Athens, dĩ nhiên đấy là nơi thiêng liêng nhất của cô. Cô đưa hòm cho các con gái của Kekrops, vị vua đầu tiên của Athens.
"Đừng có mở hộp ra!" cô cảnh cáo các công chúa. "Nó phải được giữ đóng kín, bằng không điều tồi tệ sẽ xảy đến."
Các nàng công chúa hứa hẹn, nhưng chỉ sau một đêm, họ nỗi tính tò mò. Họ biết khá rõ rằng mình có nghethấy tiếng con nít trong ấy, đang rù rì khọt khẹt, và họ sợ đứa bé đang gặp chuyện.
"Cái kiểu nữ thần gì mà bỏ con nít trong hộp vậy chứ?" một trong các cô lẩm bẩm. "Chúng ta nên coi qua xem."
Các công chúa mở hộp ra và thấy con rắn cuộn quanh đứa bé. Tôi không rõ vì sao cảnh này lại khiến bọn họ hoảng hốt đến vậy. Chắc họ nhìn thấy ánh sáng thần tiên gì đấy hay say ấy, nhưng mấy cô này phát rồ lên. Họ thả hộp xuống rồi chạy thẳng ra ngoài mỏm đá Acropolis, rơi xuống chết thảm.
Về đứa bé, cậu ta vẫn ổn, nhưng lời chú đã bị phá vỡ trước khi cậu kịp biến thành bất tử. Con rắn trườn đi mất và Athena đến vỗ về đứa bé. Cô ta điên cả tiết, nhưng vì không thể trách phạt các công chúa, vì họ chết hết cả rồi, nên cô ta trút giận lên vua cha, vua Kekrops. Khi Erikthonius trưởng thành, cậu ta đuổi đánh Kekrops và chiếm quyền trở thành vua Athens. Đấy là lý do vì sao các vua thành Athens thích nói rằng họ là hậu duệ của Hephaestus và Athena, mặc cho Athena muôn đời là trinh nữ.
Vậy nên đừng bảo tôi rằng Athena không thể có con nhé, bởi vì kia là câu chuyện đã chứng minh khác hẳn đấy. Với lại, tôi đang hẹn hò với con gái của Athena, và tôi khá chắc chắn rằng cô ấy không phải mọc ra từ một chiếc khăn tay cáu bẩn nào đâu.
Hmm. Thật ra thì tôi chưa bao giờ hỏi cô ấy cả.
Thôi, quên chuyện ấy đi. Tôi chẳng muốn biết đâu.