Không, nghiêm chỉnh đấy. Đây là lệnh. Các bạn biết đấy, Aphrodite có một chiếc thắt lưng thần kỳ có thể khiến bất cứ kẻ nào nhìn thấy cô ta là mê ngay. Nếu bạn nhìn thấy cô ta và cô ta muốn bạn yêu cô ấy, thì bạn sẽ phải yêu thôi.
Tôi á, tôi may mắn. Tôi đã trông thấy cô ta, nhưng tôi đoán chắc cô ta không hứng thú với việc muốn được tôi ca ngợi hay sao đấy. Vì thế nên tôi vẫn ghét cay ghét đắng cô ả.
Chắc vài bạn đang nghĩ, OMG! Cô ấy đẹp thế cơ mà! Sao cậu lại ghét cô ấy chứ?
Rõ ràng, các bạn chưa gặp người phụ nữ này.
Cô ta là mớ rắc rối ngay từ lúc bò ra khỏi biển. Mà tôi muốn nói là cô ta bò theo đúng nghĩa đen ra khỏi biển đấy.
Aphrodite không có bố mẹ. Cái thời trước kia khi Kronos quẳng mấy mảnh Ouranos bị bằm nhỏ xuống biển ấy, dòng máu bất tử của vị thần bầu trời hòa quyện với nước muối mà hình thành một mảng sủi bọt rồi hóa rắn lại thành một nữ thần.
Nói cách khác, Aphrodite được sinh ra từ kết cục của vụ sát nhân đầu tiên, như vậy cũng nói được cho các bạn biết đôi điều về bản chất của cô ta.
Sau khi trôi dạt qua vùng Địa Trung Hải một thời gian, tìm kiếm nơi đẹp đẽ để tấp vào, thì cuối cùng cô ta quyết định chọn đảo Cyprus. Đám cá heo và cá biển thấy nhẹ cả người, vì vị nữ thần trần truồng trôi nổi lềnh bềnh với vầng hào quang tỏa sáng đang bắt đầu làm chúng thấy lo.
Aphrodite từ dưới biển nhô lên rồi bước băng qua bãi cát. Hoa nở bung ra theo mỗi bước chân. Chim chóc kéo đến trên những cành cây gần đấy mà líu lo những bài ca ngọt ngào. Những chú thỏ con hay sóc nhảy bé xíu cùng chồn sương và các loài muông thú khác nhảy múa chung quanh cô. Giống như phim hoạt hình Disney ấy.
Mô tả Aphrodite khó lắm, vì cô ta là người phụ nữ xinh đẹp nhất trong tạo vật. Điều này với nhiều người khác nhau có thể mang nghĩa khác nhau. Tóc vàng hoe, nâu óng hay đỏ rực? Da trắng hay sậm màu? Mắt xanh dương, xanh lục hay mắt nâu đây? Tùy bạn chọn. Bạn cứ hình dung ta người phụ nữ hấp dẫn nhất mà bạn có thể tưởng tượng, và cô ta sẽ trông giống như thế. Vẻ bề ngoài của cô ta sẽ thay đổi để thu hút mỗi một ai đưa mắt ngắm nhìn mình.
Ngày hôm ấy, ba nàng Horai, những nữ thần mùa màng, tình cờ lại hẹn gặp nhau ở Cyprus – có lẽ là để lên kế hoạch xem nông sản nào được đặt vào dãy hàng "theo mùa" trong tiệm tạp hóa. Tôi không rõ.
Họ trông thấy Aphrodite đi về phía mình thế là quên sạch mọi chuyện khác.
"Ô, chu cha, cô đẹp quá!" nàng Mùa Hạ thốt lên.
"Tôi đẹp ư?" Aphrodite hỏi lại, dù cô ta đã biết tỏng đi rồi. Cô ta chỉ muốn nghe mấy người kia nói ra thôi.
"Đẹp chói lóa!" nàng Mùa Xuân đáp. "Bọn ta phải đem cô đi gặp các thần Olympian thôi."
"Còn có các thần khác nữa sao?" Aphrodite kinh ngạc. "Ta là nữ thần của tình yêu và sắc đẹp. Các người cần những thần khác làm gì nữa chứ?"
Mùa Thu và Mùa Xuân thận trọng nhìn nhau.
"Ừm… làm một số chuyện ấy mà," Mùa Thu đáp. "Nhưng bọn ta phải mặc quần áo cho cô trước khi đem cô lên Olympus. Cô không lạnh à?"
"Không," Aphrodite đáp. "Sao ta phải che chắn mình làm gì?"
Mùa Thu chỉ muốn hét lên: Vì cô đẹp quá chừng đi khiến bọn còn lại chúng tôi thấy tự ti lắm!
Nhưng không cô chỉ nói, "Nếu cô xuất hiện như thế kia, cô sẽ khiến các thần thèm thuồng đến phát cuồng. Ý tôi là… bọn họ sẽ phát cuồng thật thụ."
"Ồ," Aphrodite bĩu môi. "Nhưng ta chẳng mang theo gì để mặc cả."
Các nàng Horai lo chuyện này. Họ triệu đến vài thứ quần áo thần tiên rồi tổ chức một cuộc trình diễn thời trang. Mùa Xuân mời Aphrodite mặc bộ trang phục Thỏ Phục Sinh. Mùa Thu nghĩ Aphrodite sẽ trông xinh đẹp nếu mặc như phù thủy Halloween. Mấy kế hoạch này bị phủ quyết hết. Rốt cuộc Mùa Hạ đưa ra một chiếc váy vải sa trắng tuyệt đẹp. Các nàng Horai đội một vương miện vàng mỏng manh lên đầu Aphrodite, đeo khuyên tai vàng cho cô ấy, rồi quàng sợi dây chuyền vàng qua cổ cô.
Aphrodite trông càng thêm quyến rũ khi mặc quần áo vào, khiến Mùa Thu phát cáu; nhưng nữ thần thời tiết gượng nở nụ cười. "Tuyệt vời! Chúng ta đưa cô lên đỉnh Olympus nào."
Đến giờ thì các bạn chắc đã hiểu khá rõ về các thần Olympian nên cũng hình dung ra được chuyện gì đã xảy ra khi Aphrodite xuất hiện rồi chứ gì.
Đám phụ nữ thì kiểu như ngay lập tức: Ta ghét ả.
Mấy ông thì đổ hết, vấp phải chính lưỡi mình và cố làm sao để không nhỏ dãi.
"Ta sẽ rất lấy làm vinh hạnh khi được cưới nàng," Apollo, vị thần của thơ ca và xạ tiễn lên tiếng.
"Không, vinh hạnh cho ta chứ!" Ares, vị thần chiến tranh quát.
"Cho ta!" Poseidon gào lên.
"Mấy người có gia đình hết rồi mà," Zeus gắt. "Sẽ là vinh hạnh của ta."
"Ngài kết hôn rồi!" Hera phản đối. "Với tôi đây này!"
"Tức điên!" Zeus thốt lên, "Ơ, ý ta là, tất nhiên rồi, nàng yêu dấu."
Các thần tranh cãi xô đẩy nhau rồi dâng tặng Aphrodite đủ thứ quà cáp để nhận được lời chấp thuận kết hôn của cô ta. Poseidon tự nhiên quên béng đi cô vợ Amphitrite và hứa tặng nữ thần tình yêu mọi thứ hải sản cô ta muốn ăn, thêm một đống ngựa, và một bộ đinh ba chàng-và-nàng khớp với mình.
Apollo sáng tác vài bài thơ haiku dở tệ vinh danh nữ thần và thề nguyền sẽ dạy Aphrodite học bắn cung miễn phí.
Ares đề nghị được đưa cô ta dạo một vòng chiến xa lãng mạng trên những xác chết dập nát của kẻ thù.
Các nữ thần kia thấy phát tởm. Họ bắt đầu quát nạt mấy ông kia phải trưởng thành hơn mà thôi không cư xử như những thằng ngốc.
Toàn hội đồng Olympian ngấp nghé bờ vực nội chiến. Trong khi đấy, Aphrodite chỉ đứng đấy mà chớp chớp hàng mi, giống như đang hỏi: Rần rần vậy là vì một kẻ hèn mọn như ta đây sao? Nhưng trong thâm tâm thì cô ta khoái chí lắm.
Rốt cuộc, Hera thối lui, hít một hơi sâu, và nhận ra gia đình thần thánh của mình sắp sửa tan rã. Thân là nữ thần của đời sống gia đình, Hera không thể cho phép chuyện này xảy ra, ngay cả nếu hơn nửa thời gian chính bà lại muốn bóp cổ cho các thần kia chết hết.
Bà liếc đến góc kia ngự điện, nơi có một nam thần không tham gia vào cuộc tranh cãi này. Anh ta ngồi lẫn tróng bóng tối, im lặng buồn bã, vì biết rằng mình không có cơ hội nào để tranh giành Aphrodite cả.
Hera mỉm cười. Bà ta nảy ra một ý, và tôi có thể nói cho các bạn biết từ kinh nghiệm bản thân rằng hễ khi nào mà Hera nảy sinh ý tưởng, thì bạn phải bỏ chạy NGAY LẬP TỨC.
Hera giơ tay lên rồi quát, "IM LẶNG!"
Các thần giật mình thảng thốt, ngưng ngay trò đấu đá.
"Ta có một giải pháp," Hera tuyên bố. "Là nữ thần của hôn nhân, ta chịu trách nhiệm chọn ra người chồng thích hợp nhất cho người bạn mới đáng mến Aphrodite đây. Ta chắc rằng phu quân của ta, chúa tể Zeus, sẽ ủng hộ cho quyết định của ta… bằng vũ lực, nếu cần thiết."
"Ta ư?" Zeus hỏi. "Ý ta là… phải rồi, nàng yêu dấu. Dĩ nhiên ta sẽ ủng hộ!"
"Vậy thì giờ sao đây?" Ares hỏi. "Và cho phép con nói, thưa Mẹ, rằng hôm nay mẹ trông xinh đẹp tuyệt trần. Ai sẽ cưới Aphrodite vậy ạ?"
"Con trai của ta…" Hera mở lời.
Ares rạng ngời hạnh phúc.
Nhưng Hera đã chỉ sang góc phòng kia. "Hephaestus, vị thần rèn."
Hephaestus bất ngờ đến nỗi té lăn khỏi ngai, hai thanh nạng rơi loảng xoảng xuống sàn.
Trong khi anh ta vất vả gượng đứng lên, thì Ares nổi xung: "Sao? Làm sao thứ đấy có thể cưới được thứ này cơ chứ?"
Anh ta khoa tay về phía Aphrodite đẹp ngời ngời, đang đứng trố mắt kinh hoàng nhìn vị thần rèn, với hai chân vẹo vọ, với khuôn mặt méo mó, với bộ quần áo bảo hộ lao động vấy bẩn, cùng phần sót lại từ bao bữa ăn vương trên mấy sợi râu cằm.
"Hai người này thật hòa hợp với nhau," Hera bảo. "Một phụ nữ đẹp phải cần đến một người chồng chăm làm, thẳng thắn, không vớ va vớ vẩn để giữ cho cô ta vào khuôn phép!"
Tôi khá chắc rằng đấy là lần đầu tiên cụm từ vào khuôn phép từng được dùng để mang nghĩa hình phạt.
"Với lại," Hera nói tiếp, "Aphrodite phải kết hôn ngay, bằng không cuộc chiến tranh giành cô ấy sẽ không có hồi kết. Chúng ta không thể để cho hội đồng các thần hỗn loạn cả lên chỉ vì một phụ nữ. Phải không, thưa chúa tể Zeus?"
"Hừm?" Zeus đang sao lãng, mãi mê ngắm nhìn đôi cánh tay yêu kiều của Aphrodite. "Ồ! Đúng rồi, quả đúng vậy, nàng yêu dấu. Nàng tuyệt đối là phải."
Athena đứng dậy, đôi mắt xám long lanh vẻ thích thú tàn nhẫn. "Ta nghĩ đây là một ý kiến tuyệt vời. Và dù sao thì ta cũng là nữ thần của trí khôn mà lại."
"Chí phải!" Demeter hòa vào. "Aphrodite xứng đáng một người chồng tốt như Hephaestus."
Các nam thần thôi không gầm ghè nữa. Tất cả đều muốn cưới Aphrodite, nhưng họ phải thừa nhận là Hera có lý. Nếu bất cứ một nam thần coi được nào đó cưới cô ta, thì các thần còn lại sẽ không bao giờ ngưng đấu đá và sẽ cảm thấy bị sỉ nhục. Nhưng nếu Aphrodite cưới Hephaestus thì… ha, anh chàng này như thằng hề thôi. Họ không thể nào mà ghen tị với anh ta được.
Với lại, nếu Aphrodite mắc kẹt vào một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, như thế sẽ mở ra đủ thứ cơ hội để trở thành tình nhân bí mật của cô ấy.
"Quyết định vậy đi," Zeus phán. "Hephaestus, lại đây!"
Vị thần rèn khập khiễng bước tới. Gương mặt anh ta đỏ rực màu Cheetos Cay Xé.
"Hephaestus, con có chấp nhận người phụ nữ này, vân va vân vân?" Zeus hỏi.
Hephaestus tằng hắng. "Phu nhân Aphrodite của ta, ta biết mình không được, ừm, được đẹp trai lắm…"
Aphrodite không đáp lại. Cô ta đang mãi bận trông cho ra vẻ vừa xinh đẹp lại vừa giận dỗi, không dễ dàng cho lắm.
"Ta nhảy không giỏi." Hai khớp chân kim loại của Hephaestus kêu lên cót két. "Ta không miệng lưỡi cũng không duyên dáng. Và ta không được thơm tho. Nhưng ta hứa sẽ là người chồng hết mực thương yêu. Ta thạo việc sửa chữa lặt vặt trong nhà, và nếu có khi nào nàng cần cờ lê mỏ lết, hay máy bào chạy điện—"
"Ực," Aphrodite thốt lên, nuốt cơn lợm giọng của mình xuống.
"Thôi, chừng đó với ta là tốt lắm rồi!" Zeus nói. "Ta tuyến bố hai người là vợ là chồng!"
Thế là Aphrodite cưới Hephaestus và con thuyền người nổi tiếng Aphrophaestus hoàn toàn chiếm lĩnh tin báo lá cải Olympian trong chừng cả ngàn năm.
Họ có sống hạnh phúc đến răng long đầu bạc không?
HAHAHAHAHA. Không.
Aphrodite tránh xa khỏi chồng mình được chừng nào hay chừng ấy. Họ chẳng bao giờ có con. Aphrodite có cả đống con… chỉ là không phải với Hephaestus. Ngay sau khi kết hôn, cô ta bồ bịch với Ares, vị thần chiến tranh, chuyện này trở thành điều bí mật được giấu kín kém cỏi nhất trên ngọn Olympus.
Khi không phải bận rộn lén lút sau lưng chồng, Aphrodite dùng thời gian để khiến các thần khác cùng con người phải khổ sở - ừm, ý tôi là, giúp họ khám phá ra niềm sướng vui của tình yêu!
Aphrodite đảm nhận vị trí của mình giữa các thần Olympian khác như là nữ thần của sắc đẹp, của khoái lạc, của nịnh bợ, của phim truyền hình dài tập, của tiểu thuyết lãng mạn mùi mẫn, và (tất nhiên) là của tình yêu. Khi phải di chuyển, cô ta đi trên cỗ xe bằng vàng được kéo bởi một đàn chim bồ câu trắng muốt, mặc dù thỉnh thoảng khi các thần tham gia chiến tranh, Aphrodite đi chung xe với bạn trai Ares trên chiến xa của gã ta và thậm chí còn cầm cương khi gã bận giết hại người ta.
Cô ta có một đám người hầu được gọi là những erotes – những vị thần tình yêu có cánh thu nhỏ. Thần cầm đầu là Eros, con trai của Aphrodite, tay này là thần của sự quyến rũ hình thể và là tay sai của Aphrodite. Bất cứ khi nào cô ta muốn ai đó yêu cuồng yêu dại, cô ta sai Eros bắn mũi tên thần vào kẻ đáng thương kia. Sau này, Eros được người ta biết đến như là thần Cupid. Cậu ta vẫn xuất hiện trên mấy kệ trưng bày hàng ngày Lễ Tình Nhân sến sẩm ấy thôi. Có thể cậu này nghe ra vớ vẩn thật đấy, nhưng nếu Aphrodite mà phái cậu ta đi săn lùng bạn, thì chẳng còn là chuyện đùa nữa đâu. Cậu ta có thể khiến bạn phải lòng bất cứ ai đấy nhé.
Nếu Aphrodite thích bạn, cô ta có thể khiến bạn phải lòng một ai đó hấp dẫn dễ thương. Nếu Aphrodite cáu, cô ta có thể khiến bạn phải lòng kẻ đáng ghét nhất mà bạn biết, hay là phải lòng con cún đồ chơi, thậm chí là cột điện thoại nữa cơ.
Trò chơi khăm được Aphrodite chuộng nhất là khiến ai đó đem lòng yêu người không yêu lại mình. Cô ta nghĩ trò này là trò vui nhất thiên hạ. Nếu có khi nào bạn say như điếu đổ một ai đó mà người ta không để mắt đến bạn, là lỗi của Aphrodite đấy. Tôi đoán là nữ thần này nghĩ nhờ thế mà nhiều con người sẽ phải cầu nguyện đến cô ta hơn, như là: Ôi, xin làm ơn, hãy làm cho anh ấy/cô ấy để ý đến tôi! Tôi sẽ nguyện dâng bà một hộp sô cô la ngon tuyệt, tôi xin hứa!
Thật ra thì, ở thời Hy Lạp Cổ Đại người ta không có sô cô la, nhưng Aphrodite lại rất thích táo. Đấy là thứ trái cây thiêng của cô ta, có lẽ là vì táo vừa đẹp lại vừa ngọt, giống như cô ta vậy. (Tới đây thì chêm tiếng sặc vào.)
Cô ta có hàng tá các loại cây lá thú vật cùng đủ thứ thiêng liêng khác, một số thì hợp lý đấy; một số khác thì không hẳn. Hoa hồng là một trong những loài hoa của cô ta, đây là lý do vì sao chúng ta vẫn còn dùng hoa hồng như một món quà lãng mạn. Cô ta cũng thích cả hoa thủy tiên, và… chờ nghe này… rau diếp. Đúng thế. Cái thứ chất xơ lãng mạn đến không ngờ ấy được xem là nguyên liệu rau trộn thiêng liêng của Aphrodite. Điều này cũng có lý do, chúng ta sẽ bàn đến trong vài giây nữa. Nhưng nếu một ngày nào đó bạn đang trộn món salad Caesar và bỗng thấy lâng lâng mê muội khi bạn xắt xà lách cây, thì bạn sẽ biết lý do vì sao rồi đấy nhé.
Thứ đá thiêng của Aphrodite là ngọc trai, vì nó xuất thân từ biển cả, giống như Aphrodite.
Các loài thú yêu thích của Aphrodite là thỏ (vì chúng đẻ ra hàng đống hàng đống hàng đống thỏ con!) và ngỗng, thỉnh thoảng bạn sẽ thấy những bức tranh vẽ Aphrodite cưỡi ngỗng ngồi một bên.
Sao lại là ngỗng? Chả biết. Hẳn phải là một con ngỗng to vật.
Tôi chỉ biết là, nếu có khi nào trông thấy Aphrodite cưỡi ngỗng, tôi sẽ phá lên cười ngay. Rồi chắc chắn cô ta sẽ nguyền rủa tôi, rồi kết cục là tôi sẽ đính hôn với chiếc xe ’72 Impala hay gì đấy.
Aphrodite là nữ thần ai ai cũng biết đến vì ai cũng muốn có tình yêu, nhưng cô ta không phải khi nào cũng hòa thuận với các thần khác hay với con người.
Ví dụ này, một lần cô ta ghen tị với Athena vì mọi người đang ca tụng tài dệt vải của cô.
Aphrodite chẳng thích thế tí nào khi tâm điểm chú ý là rơi vào người khác chứ không phải mình.
"Xào, dệt vải chả là gì cả," Aphrodite bảo. "Ta có thể làm được thôi nếu ta muốn."
"Thật sao?" Athena mỉm cười. "Có muốn thách đấu với ta không?"
Chưa bao giờ nghe đến cuộc so tài dệt vải vĩ đại giữa Athena và Aphrodite chứ gì? Là bởi vì chẳng hay ho gì đâu. Là đại họa thì có.
Vị nữ thần tình yêu chẳng biết gì về dệt. Cô ta nào phải là Athena hay bất quá là Arachne gì đâu. Cô ta chưa bao giờ làm ra thứ gì từ chính đôi bàn tay mình ngoài những rắc rối.
Trong lúc Athena dệt nên tấm thảm len đẹp tuyệt, Aphrodite loay hoay quấn mình trong mớ chỉ, hai chân bị trói vào ghế đẩu còn đầu thì ló ra khỏi khung cửi.
"Dầu sao thì ta cũng đâu có thích dệt!" cô ta dằn dỗi khi ông chồng Hephaestus cắt gỡ mình ra.
Từ đấy trở đi, Aphrodite ráng không chỉ trích các nữ thần khác. Nói đúng ra thì cô ta thậm chí đôi khi còn giúp cho họ nữa.
Tôi có nói đến sợi thắt lưng thần của cô ta chưa nhỉ? Đôi khi nó được gọi là vòng đai, vì cô ta đeo nó bên dưới váy để đám các ông không nhận ra là mình đang bị ếm bùa. Nhưng đấy không phải là cái đai giống như thứ dải quấn bằng vải pha thép xấu xí dùng để ém mỡ vào đâu. Thắt lưng của Aphrodite là một dải dây lưng tinh tế có thêu thắt những cảnh ve vãn và lãng mạn và những người xinh đẹp đang làm những chuyện đẹp xinh. (Rõ ràng Aphrodite không đích thân thêu nên bằng không nó sẽ trông như một tác phẩm từ nhà trẻ.)
Có lần Hera mượn thắt lưng này, phải nói là muối mặt lắm, vì hai nữ thần này đâu có ưa nhau.
"Ôi Aphrodite thân mến," Hera bảo, "cô làm ơn làm phước này cho ta nhé?"
Aphrodite duyên dáng mỉm cười. "Tất nhiên rồi, thưa mẹ chồng yêu dấu của ta! Sau những chuyện mà bà đã làm cho ta ư? Làm sao ta có thể từ chối được chứ?"
Mắt Hera giật giật. "Tuyệt. Ta muốn mượn dây thắt lưng thần của cô."
Aphrodite ghé người gần lại. "Đang mê anh chàng người phàm đẹp trai nào đấy phỏng?"
"Đâu có!" Hera đỏ tía mặt tía tai. Bà là nữ thần của hôn nhân mà. Bà không bao giờ phản bội cả! Hera ráng hết sức giữ bình tĩnh. "Ý ta là… không, dĩ nhiên không phải thế. Zeus và ta mới cãi nhau. Ông ấy đang khó chịu lắm, không chịu nói chuyện với ta hay thậm chí là ở trong cùng một phòng với ta. Nhưng nếu ta mang thắt lưng của cô—"
"Thì nữ thần sẽ không thể cưỡng lại được!" Aphrodite đồng tình. "Ôi, mẹ chồng thương mến, ta rất vui vì bà đến cầu ta giúp cho. Bấy lâu nay ta cứ muốn tặng cho bà vài bí quyết làm đẹp, nhưng ta lại không muốn vượt quá giới hạn cho phép. Hẳn phải là khó khăn lắm khi làm một nữ thần đoan trang mà trông không… đứng đắn."
Hera nghiến răng. "Vâng, à… thắt lưng nào?"
Aphrodite cho Hera mượn vòng đai tình yêu thần thánh, thế là Hera chẳng gặp trở ngại nào để khiến Zeus làm lành với mình. Theo như lời thi sĩ Homer, bà ta đã "đánh lừa trí não của ông ta." Cá nhân tôi, tôi không thích não mình bị lừa gì cả. Nhưng nếu bạn có thấy tội nghiệp cho Zeus hả, đừng nhé.
Thỉnh thoảng, ngay cả ông ta cũng nhờ Aphrodite giúp cho, mà không phải giúp khoản gì đẹp đẽ hay yêu thương gì đâu.
Các bạn còn nhớ thời trước thuở ban sơ của con người không, khi thần Titan Prometheus cho họ lửa ấy? Vâng, thậm chí sau khi Zeus trừng phạt Prometheus bằng cách xích ông ta vào núi đá và cho một con đại bàng rỉa gan làm bầu bạn, thì vị chúa tể bầu trời vẫn còn giận lắm.
Ông ta nhìn quanh tìm người khác để trừng phạt. Đoạn ông ta quyết định: "Các ngươi biết sao không? Ta sẽ trừng phạt hết thảy. Tất cả bọn người phàm sẽ phải đau khổ vì đã chấp nhận món quà lửa. Và ta sẽ tìm một cách lén lút nào đấy để thực hiện, để bọn chúng không trách cứ ta vì những rắc rối của chúng. Ta sẽ điều chỉnh sao cho chúng phải trách cứ gia đình của Prometheus kia… Như thế càng khiến cho cú phục thù của ta thêm phần thỏa mãn!"
Hóa ra là Prometheus có một ông em, Epimetheus, người không được thông minh nhanh nhạy gì cho cam.
Ngay trước khi Zeus đẩy Prometheus đến thị trấn Nhục Hình, Prometheus đã cảnh báo em trai mình, "Epimetheus này, em phải thờ ơ lạnh lẽo vào. Chắc chắn Zeus sẽ tìm cách trừng phạt em vì em có bà con với anh. Đừng có nhận bất cứ mòn quà nào từ các thần hết nhé!"
"Lạnh lẽo ư?" Ephimetheus hỏi. "Em thích băng giá lạnh lẽo lắm."
"Em thật hết thuốc chữa," ông anh trai lầu bầu. "Hãy cẩn thận vào! Anh phải đi đây. Có tí chuyện với núi đá và đại bàng…"
Zeus quyết định gửi cho Epimetheus một món quà bẫy. Nếu ông ta dụ được Epimetheus mở món quà ra, một đống linh hồn quỷ dữ sẽ thoát ra ngoài và gây ra đủ thứ rắc rối cho con người. Con người sẽ tìm kiếm lời giải đáp từ Đền thiêng, như chúng vẫn thường làm. Đền thiêng sẽ nói, "Ô, do lỗi của Epimetheus tất." Và Zeus sẽ cười vỡ cả bụng.
Vấn đề là, Zeus không thể dụ Epimetheus nhận món quà nào cả. Epimetheus nhớ đến lời cảnh báo của anh trai nên từ chối nhận mọi gói hàng từ người lạ hay từ thần. Zeus phái thần Hermes đến nhà Epimetheus cùng hộp quà kẹo Candygram có lời nhắn. Không ích gì. Hephaestus ăn vận như anh chàng hãng truyền hình cáp đến tặng Epimetheus một hộp cáp HDTV có mọi kênh thể thao hạng nhất. Epimetheus đuổi anh ta đi.
Zeus bực bội đến nỗi phải ta thán với các thần khác. "Cái tay này, Epimetheus đấy. Ta muốn hắn nhận một món quà ngu ngốc kia, mở nó ra, rồi xổ tung đau thương chết chóc lên loài người! Đòi hỏi thế có gì quá lắm đâu? Nhưng hắn lì lợm quá! Có ý kiến gì không?"
Các thần còn lại bồn chồn cục cựa trên ngai.
Cuối cùng Aphrodite nói, "Thưa chúa tể Zeus, có lẽ ngài nên thử cách tiếp cận khác… cách gì đấy mà không người đàn ông nào có thể từ chối được."
"Ta đã thử đài cáp miễn phí rồi đấy thôi!" Zeus đáp. "Với cả các kênh thể thao hạng nhất nữa chứ!"
"Không đâu, thưa đức vua." Aphrodite chớp chớp mắt. "Ý thần là tình yêu kia. Có lẽ Epimetheus cần một người vợ. Nếu ngài có thể đưa một người vợ vào nhà hắn, cô ta có thể nhận lấy món quà mà ngài muốn gửi. Nếu mọi chuyện được xử lý đúng đắn—"
"Ta kết cái ý kiến này!" Thật ra nãy giờ Zeus chẳng nghe lấy một lời cô ta nói. Ông ta đang mãi nhìn chăm chú cô ta mà nghĩ, Trời ơi, cô này đẹp quá. Nhưng các thần khác đang gật gù, nên Zeus nghĩ rằng kế hoạch của cô ta phải là hay lắm.
Theo hướng dẫn của Aphrodite, các thần tạo nên một người phụ nữ hoàn hảo từ tay trắng. Hephaestus cung cấp đất sét cùng bí quyết kỹ thuật để dựng nên phần thân thể của cô ta. Athena ban cho cô ta trí thông minh và óc tò mò. Quan trọng hơn cả, Aphrodite truyền cho cô ta sắc đẹp lẫn sự duyên dáng để khiến cô ta không gì cưỡng nổi.
Họ đặt tên cho cô ta là Pandora, dịch thoáng nghĩa là mọi món quà, hay là trọn gói. Vài câu chuyện cho rằng Pandora là người phụ nữ đầu tiên nhất, rằng trước khi cô ta xuất hiện, nhân loại toàn là đàn ông. Tôi chẳng biết. Điều này tôi nghe thấy sao mà nhảm nhí và chán ngắt. Dù sao đi nữa, cô ta là điểm 10 hoàn hảo. Aphrodite đảm bảo cho điều này. Pandora phải là thứ vũ khí tối thượng của các thần để gieo rắc điều ác.
Các thần dẫn Pandora đến trước hiên nhà Epimetheus, nhấn chuông cửa, rồi vừa bỏ chạy đi vừa khúc khích cười. Khi Epimetheus ra mở cửa, anh ta nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp đang mỉm cười với mình.
"Chào, em là Pandora, và em yêu chàng," Pandora bảo. "Em vào được chứ?"
"Được," Epimetheus đáp.
Anh ta quên bẵng lời cảnh cáo của Prometheus. Cô gái đẹp tuyệt trần này không thể nào là một phần của chiêu trò lừa đảo nào được!
Epimetheus và Pandora đính hôn còn nhanh hơn là bạn có thể nói "đám cưới ở Vegas."
Các thần không được mời đến hôn lễ, nhưng Aphrodite có ghé qua đưa quà. Vì món quà đề tặng cho Pandora, nên Epimetheus không thể khước từ được.
Món quà là một chiếc pithos lớn bằng gốm, là một cái lọ chứa đồ thật to, đầu nhận nút bấc và một chiếc nơ lụa trắng to tướng thắt quanh tay quai.
"Ôi anh yêu, nhìn này!" Pandora bảo. "Dùng để đựng dầu ô liu của chúng mình thì quá hợp!"
Epimetheus càu nhàu, vẫn còn thấy nghi ngờ lắm. "Anh sẽ không mở ra đâu."
"Chồng cô nói phải đấy." Aphrodite hăng hái gật đầu. "Đừng nhé, Pandora… cái lọ này chỉ để ngắm thôi. Đừng bao giờ mở nó ra. Cô sẽ không muốn biết trong đấy có gì đâu."
Sau khi Aphrodite bỏ đi, Pandora như thiêu đốt vì tò mò. Chẳng phải lỗi cô ta – cô ta được tạo nên để tò mò cơ mà. Cô chỉ có thể nghĩ được đến chuyện mở cái lọ ra.
Pandora cố lắm cũng nhịn được nhiều ngày, nhưng một sáng nọ, khi chồng đang ở ngoài vườn, cô ngồi trước chiếc lọ và nhìn chăm chăm vào nó, cố tưởng tượng xem bên trong có gì. Tại sao các thần gửi cho cô món quà rồi lại bảo cô đừng bao giờ mở ra chứ? Không hợp lý chút nào!
"Ta phải xem xem trong đó có gì," cô lẩm bẩm. "Ôi, sẽ thú vị lắm đây!"
Cô ta lôi nút bấc ra.
Chẳng thú vị gì cả.
Zeus đã nhốt vào trong ấy ty tỷ những linh hồn quỷ dữ. Chúng túa ra ngoài và lan tràn khắp thế giới, đem đến đau thương, tật bệnh, chứng nấm chân, đói kém, hơi thở thối, và chết chóc đến với con người. Bỗng nhiên việc làm một con người trở nên tệ hơn cả ngàn lần trước kia, mà vốn dĩ làm người đã có bao giờ được dễ dàng cho cam. Lẽ ra nhân loại đã tự tử chết hết cả rồi vì tuyệt vọng – nhảy ra khỏi mỏm đá như mấy nàng công chúa thành Athens điên rồ - nhưng một linh hồn tốt sót lại trong lọ, có lẽ do Zeus cũng có chút xấu hổ. Elpis, linh hồn của hy vọng, ở lại cùng con người để họ không từ bỏ hoàn toàn. Họ luôn có thể tin rằng mọi chuyện sẽ trở nên sáng sủa hơn.
Nếu bạn có thắc mắc vì sao con người phải chịu nhiều đau khổ đến vậy, đó là do cái lọ ngu ngốc kia. Khi đấy chúng ta phải thốt lên rằng, "Được lắm, Pandora! Cảm ơn nhiều nhé!"
Trở lại thời xưa, các tác giả (mà tất cả đều là nam nhi) sẽ bảo rằng, "Đấy thấy chưa? Câu chuyện này cho thấy phụ nữ là chúa gây chuyện mà! Toàn là lỗi của bọn họ cả!"
Epimetheus và Pandora. Adam và Eve. Trò trách cứ đổ lỗi ấy đã diễn ra từ lâu lắm rồi.
Nhưng tôi không rõ sao chúng ta lại chỉ trích Pandora quá tò mò, hay không nghe theo mệnh lệnh, hay gì đi nữa. Cô ta được tạo ra để mở cái lọ đấy mà… do các thần ấy.
Câu hỏi thật tình từ tôi này: Aphrodite đang nghĩ gì thế chứ? Nếu cô ta mà biết toàn bộ cái trò Pandora này sẽ mang đến tiếng xấu muôn đời cho phụ nữ, thì sao cô ta lại cứ làm theo? Tôi à, tôi cho rằng cô ta không quan tâm đến hậu quả. Cô ta muốn tạo ra Pandora xinh đẹp. Cô ta muốn chứng tỏ rằng tình yêu có thể thành công ở nơi các thần khác đều đã thất bại – ngay cả nếu tình yêu có gây ra thảm họa toàn cầu.
Được lắm đấy, Aphrodite. Cảm ơn nhiều nhé!
Công bằng mà nói, những sự sáng tạo của cô ta không phải khi nào cũng mang lại kết quả xấu.
Một lần kia Aphrodite thấy tội nghiệp cho anh thợ điêu khắc tên Pygmalion, sinh sống trên đảo Cyprus, hòn đảo yêu thích của cô. Anh này không thích phụ nữ trong vùng, vì tất cả bọn họ dường như đều nanh nọc thô lỗ với anh ta. Họ sẽ đu theo bất cứ ai có tiền và có xe đẹp. Họ không tin vào tình yêu đích thực. Thật ra, nhiều người trong bọn họ không tin là Aphrodite có tồn tại, điều này khiến Pygmalion giận lắm. Anh ta rất tự hào về vị nữ thần "đồng hương" của mình, mặc dù anh ta vẫn chưa tìm thấy nửa kia đích thực cho mình. Anh nhất mực tin rằng ngoài kia luôn có một người hoàn hảo cho bất cứ ai.
Trong thời gian rỗi, Pygmalion tạc một bức tượng Aphrodite bằng ngà cỡ người thật – vì cô ta là hình mẫu lý tưởng của anh này về phụ nữ.
Anh tạc nên bức tượng thật đẹp đến mức anh ứa lệ. Theo như Pygmalion nghĩ, mọi phụ nữ khác nếu đem so ra thì đều xấu cả.
Ôi, sao ta không thể tìm thấy một phụ nữ như thế này! Anh tự nhủ. Nàng ấy sẽ rất nhân từ hiều hậu đầy tình yêu thương và tuyệt vời, giống hệt Aphrodite vậy!
Tôi đoán là anh này không biết rõ bản tính của Aphrodite cho lắm.
Khi buổi tiệc Lễ hội Aphrodite trong vùng diễn ra, Pydmalion đi đến đền thờ nữ thần và dâng lên lễ vật hậu hĩ những hoa hồng và ngọc trai (và có lẽ thêm ít rau diếp).
Anh ta rất ngượng không dám thú nhận lời ước thật lòng của mình: anh ta muốn cưới cô gái tượng ngà. Nhưng anh biết thế là ngớ ngẩn lắm. Bạn không thể cưới một bức tượng được! Thế là thay vào đấy, anh ta cầu khấn, "Ôi nữ thần Aphrodite, hãy cho tôi tìm được người phụ nữ tuyệt vời như nữ thần, và xinh đẹp như bức tượng ngà trong xưởng nhà tôi!"
Tít trên ngọn Olympus kia, Aphrodite nghe thấy lời khấn của anh chàng. Cô ta thở dài sườn sượt. "Ôi, dễ thương quá chừng!"
Khi Pygmalion về đến nhà, anh ta đứng mê mải ngắm nhìn bức tượng ngà. Dần dà, anh bỗng thấy niềm thôi thúc không kiềm chế nỗi muốn hôn lên bức tượng.
"Điên rồ quá," anh tự mắng mình. "Đấy chỉ là bức tượng thôi mà."
Nhưng anh chẳng đặng đừng. Anh bảo đảm không có ai đang theo dõi, đoạn anh bước đến cô gái tượng ngà rồi đặt một nụ hôn lên môi cô.
Ngạc nhiên thay, đôi môi cô thật ấm. Anh lại hôn cô lần nữa, rồi khi anh lùi lại, cô gái tượng ngà đã chẳng còn là ngà. Cô là một người phụ nữ có thật, đang hít thở, đẹp đến mức làm tim Pygmalion nhói đau.
"Em yêu chàng!" cô gái nói.
Khi Pygmalion tỉnh dậy sau cơn ngất, anh cầu hôn người phụ nữ hoàn hảo của lòng mình. Họ kết hôn, sinh vài đứa con, và sống hạnh phúc đến răng long đầu bạc.
Nhưng điều kỳ lạ là gì? Các câu chuyện đều không cho chúng ta biết tên cô gái bằng ngà là gì. Chắc Aphrodite sẽ nói rằng, "Ồ, có quan trọng gì đâu! Cô ta trông giống ta. Các ngươi chỉ cần biết thế là đủ!"
Vaaaaâng.
Thế nên Aphrodite là một trong những vị thần Olympian có cũng chết, không có cũng chết. Cô ta thường xuyên giúp cho các thần lẫn con người, nhưng cũng gây ra hàng tấn rắc rối.
Đến một lúc, Zeus phát ngấy việc thò tay phá bĩnh của cô này. Ông đổ lỗi cho cô ta về mọi cuộc lăng nhăng của mình với các phụ nữ phàm trần, làm thế dễ hơn là tự trách mình.
Zeus ngồi trên ngai vàng, lầm bà lầm bầm, "Mụ nữ thần tình yêu ngu xuẩn, lại khiến ta gặp rắc rối với vợ nữa rồi! Aphrodite cứ luôn làm người khác phải lòng khi không phải lúc. Ta phải khiến cho cô ả phải lòng một tên người phàm hạ tiện để xem cô ta có thích không."
Ý tưởng đó giúp Zeus thấy khuây khỏa hơn. Ông ta ếm bùa lên Aphrodite. Tôi không biết bằng cách nào. Có lẽ là nhỏ gì đấy vào ly rượu của cô ta, hay là áp dụng liệu pháp gây sốc bằng thanh sét. Dù là gì đi nữa, ông ta khiến cho Aphrodite say như điếu đổ một anh chàng người phàm tên Anchises.
Anchises đẹp trai, nhưng chỉ là một tay chăn cừu, nên Aphrodite nằm quá xa tầm với của anh ta. Tuy thế, một ngày nọ Aphrodite từ trên ngọn Olympus nhìn xuống, trông thấy chàng trai này đang nằm ườn trên bãi cỏ, chỉ đang thư giãn và coi ngó đàn cừu, thế mà nữ thần bỗng nhiên va phải tiếng sét ái tình.
"Ôi thánh thần ơi!" cô ta reo lên. "Đám chăn cừu trông hấp dẫn quá! Sao trước đây mình không chú ý đến nhỉ? Ta phải cặp đôi với chàng chăn cừu kia, ngay lập tức thôi."
Cô ta nghĩ đến chuyện dùng con trai Eros của mình làm người chuyển tin. Có thể cậu ta sẽ mang đến cho Anchises mẩu tin nhắn: BẠN CÓ THÍCH APHRODITE KHÔNG? ___CÓ ___KHÔNG.
Nhưng rồi cô quyết định lại thôi. Có thể Anchises sợ không dám hẹn hò với nữ thần tình yêu. Hay tệ hơn, nếu cô xuất hiện trong bộ dạng thật của mình trước mặt anh ta, biết đâu cô làm anh ta sợ bỏ chạy mất, hay vô tình giết chết anh ta cũng nên. Trái tim tội nghiệp của anh ta sẽ ngừng đập, hay anh ta sẽ bùng lên thành ngọn lửa. Như thế sẽ phá hỏng buổi hẹn hò đầu tiên giữa hai người mất.
Cô quyết định cải trang thành cô thôn nữ người thường.
Aphrodite tắm một trận nước nóng thư thái, mặc vào chiếc váy lụa, xịt lên mình thứ nước hoa hương hoa. Cô bay xuống trần rồi bước đến chỗ Anchises như là Là lá la, chỉ tình cờ đang dạo qua đồng cỏ chăn cừu trong bộ váy đẹp nhất của mình.
Hai mắt Anchises lồi ra khi nhìn thấy cô. "Chao ôi. Nàng hẳn phải là nữ thần thôi. Nàng là ai – Athena? Artemis? Hay có lẽ thậm chí là Aphrodite?"
Nữ thần đỏ mặt. Cô ta vui lắm vì được nhận diện, nhưng lại không dám thú thật mình là ai. "Không phải đâu, ngốc ạ. Em chỉ là một thôn nữ người thường đẹp đến khôn lường thôi. Tình cờ em đi dạo ngang qua, và…ồ, ôi chao! Chàng là Anchises phải không? Em nghe đủ chuyện về chàng đấy!"
Anchises chớp chớp mắt. "Nàng có nghe ư?"
"Nhất định rồi! Em hâm mộ lắm. Chúng ta phải lấy nhau thôi!"
Lẽ ra Anchises phải nhận biết có chuyện gì rồi chứ. Thường anh ta có khi nào được mấy cô gái xinh đẹp tìm đến mà cầu hôn đâu. Nhưng anh chàng đang cô đơn, ông bà già cứ cằn nhằn bảo anh ta cưới vợ. Thử tưởng tượng xem ông bà sẽ nghĩ gì nếu anh mang cô gái này về nhà này!
"Okay, được thôi!" anh ta đáp. "Anh sẽ giới thiệu em với bố mẹ. Họ sống ngay kia thôi."
Chuyện này kéo theo chuyện khác. Anchises cưới một cô gái bí ẩn, và họ có tuần trăng mật tuyệt vời.
Thế rồi một sáng nọ Aphrodite thức dậy, và lời bùa chú tình yêu của Zeus đã hết. Cô nhận ra mình đã làm gì và cảm thấy xấu hổ vô cùng. Đáng lẽ cô không được để bị cuốn vào chuyện kết hôn với người phàm hạ cấp chứ! Đó là trò cô gây ra cho các thần khác kia!
Cô vội vã mặc quần áo, nhưng Anchises thức dậy khi cô đang cột dây giày. Anh ta nhận ra vị hôn thê mới của mình đang tỏa hào quang.
"Ơ… em này?" anh ta gọi. "Có chắc em không phải là nữ thần không thế?"
"Ôi Anchises!" Aphrodite kêu lên. "Ta xin lỗi! Hẳn là ta bị bỏ bùa. Bằng không thì ta chẳng bao giờ đem lòng yêu một người như chàng đâu."
"Trời đất… cảm ơn nhiều."
"Không phải là chàng. Là ta! Ta không thể cưới người phàm. Chắc chắn chàng hiểu mà. Nhưng đừng lo. Khi con chúng ta được sinh ra—"
"Con chúng ta á?"
"À phải," nữ thần đáp. "Ta mắn đẻ vô cùng. Chắc chắn ta đang có mang. Dù gì đi nữa, đứa bé sẽ là bé trai. Ta sẽ nuôi nó đến khi lên năm, rồi ta sẽ mang nó đến cho chàng. Nó sẽ trở thành một hoàng tử vĩ đại đối với người dân của chàng và sẽ khiến chàng rất đỗi tự hào. Chỉ hứa với ta là chàng sẽ không nói cho bất kỳ ai biết danh tính thật sự của mẹ đứa bé!"
Anchises hứa. Anh ta hơi chút mất hứng vì bị đá và phải ly dị, nhưng anh vẫn giữ bí mật cho Aphrodite. Năm năm sau, con trai anh ta từ Olympus đến. Tên cậu bé là Aeneas, và quả thật cậu bé trở thành vị hoàng tử vĩ đại của thành Troy. Sau này, khi Troy sụp đổ, Aeneas dong buồm đến ý và trở thàn vị lãnh tụ đầu tiên của một giống người mới. Họ gọi mình là người La Mã.
Về phần Anchises, một ngày kia khi anh ta đã già đi và không cẩn thận nữa, anh đang chè chén với bạn bè thì buột miệng nói ra mẹ của Aeneas thật sự là Aphrodite.
Lời đồn lan nhanh. Vị nữ thần tình yêu sợ mất vía. Cô ta phàn nàn với Zeus, "Cơ bản đây là lỗi của ngài!"
Để sửa sai, Zeus vụt đi một tia sét đánh Anchises tan tành thành tro bụi do đã không giữ lời.
Lại một kết cục có hậu nữa!
Các bạn nghĩ sau vụ này Aphrodite thề không đụng đến đàn ông người phàm chứ gì?
Nếu các bạn đang đoán là không phải thế, thì các bạn đang học hỏi tiến bộ đấy.
Đây là một câu chuyện khác về cô ta, cho chúng ta thấy những lời nguyền từ chính Aphrodite quay lại cắn cô ta như thế nào.
Có một nàng công chúa Hy Lạp tên Smyrna không chịu thờ cúng Aphrodite, làm nữ thần tức giận vô cùng, cô ta nguyền rủa Smyrna bằng cách… bạn biết sao không? Lời nguyền quá kinh khủng và ghê gớm. Tôi không thể nói chi tiết.
Ta hãy cứ nói rằng Smyrna có mang đi nhé, và đấy là một tình huống xấu, xấu vô cùng. Xấu đến mức khi cha cô ta phát hiện ra, ông ta đuổi đánh cô khắp cánh rừng, cầm theo thanh kiếm mà thét, "Ta giết mi! Ta giết mi!"
Smyrna kêu than với các thần, "Xin rủ lòng thương! Đây không phải lỗi tại tôi! Cứu tôi với! Biến tôi thành vô hình đi ạ!"
Các thần không làm thế, nhưng họ quả có biến cô ấy thành cây myrrh.[7] Tôi chắc là Smyrna biết ơn lắm lắm.
Chín tháng sau, thân cây chẻ mở ra, rồi một bé trai lăn cù ra ngoài. Khi Aphrodite nghe thấy tiếng đứa bé rên rỉ trong rừng, cô ta cảm thấy chút tội lỗi. Cô đi xuống nhặt đứa bé lên. Cậu bé thật dễ thương, thế là cô ta quyết định giữ cậu lại nuôi nấng cậu trong bí mật.
Sao lại trong bí mật? Aphrodite là dạng người hay ganh tị. Đứa bé lại đáng yêu quá chừng. Nữ thần không muốn chia sẻ tình cảm của cậu bé với ai khác. Nhưng vì nuôi con nít cực nhọc lắm, còn Aphrodite thì lại có lịch quan hệ xã hội bận rộn, nên cô ta nhanh chóng nhận ra mình không thể lúc nào cũng giữ bé được.
Cô ta quyết định mình phải tin ai đấy làm người trông trẻ. Nữ thần chọn Persephone, nữ thần dưới Âm phủ. Có vẻ như đây là lựa chọn quái đản, nhưng Persephone sống tít dưới Erebos, nên không ai trên Olympus lại có thể hay biết về đứa bé. Persephone thì khá cô quạnh. Cô ta mừng rơn khi có được một bé con xinh xắn làm mình vui. Còn Aphrodite thì nghĩ Persephone không có hại gì – ý tôi là, làm ơn đi! Bạn từng thấy tóc cô ta chưa? Quần áo của cô ta nữa? Aphrodite chẳng có gì phải ghen ghét hết.
Persephone đặt tên đứa bé là Adonis và bỏ nó trong một cái hộp, có tác dụng như lồng ấp cho bé. (Lại thêm một câu chuyện về em bé đựng trong hộp. Tôi không rõ thế là có ý gì, nhưng một lần nữa này, ĐỪNG có mà thử nuôi em bé trong hộp ở nhà nhé. Không có kết quả đâu.) Hai nữ thần chung tay coi sóc em bé, chuyển nó qua lại giữa sào huyệt bí mật của Aphrodite trên đảo Cyprus và cung điện của Persephone dưới Âm phủ; thế là khi Adonis lớn lên, cậu ta cứ quên luôn mình để bài tập về nhà ở đâu hay giày đá bóng của mình bỏ lại nhà nào.
Dần dà cậu bé lớn lên thành một chàng thiếu niên tuấn tú.
Không, nói thế là nói giảm quá đấy. Adonis lớn lên thành một thanh niên đẹp trai nhất quả đất. Anh chàng trông giống chính xác là gì? Tôi không rõ. Tôi không chú ý lắm đến con trai, xin lỗi nhé. Bạn hãy tưởng tượng một tài tử nổi tiếng hạng A đỉnh nhất, phong cách nhất, hào hoa nhất mà bạn có thể nghĩ ra đi. Adonis còn hấp dẫn hơn thế.
Đến một lúc – nghĩa là cùng một lúc – Persephone và Aphrodite đều nhận ra Adonis không còn là con nít nữa. Anh ta có thể là bạn trai đầy tiềm năng. Đấy là khi cuộc tranh giành xảy ra.
"Cậu ta là của ta," Persephone bảo, "Ta đã nuôi cậu ấy hầu hết thời gian."
"Không đời nào!" Aphrodite bảo. "Ta đã tìm thấy cậu ấy trong cái cây kia! Với lại, cậu ta rõ là thích ta hơn mà. Phải không cục cưng?"
Adonis ngắc ngứ. "Ơ…"
Không có câu trả lời đúng ở đây. Ý là, bạn sẽ chọn ai chứ? Aphrodite là nữ thần xinh đẹp nhất trần đời, nhưng mà, vâng… cô ta là Aphrodite. Ai ai cũng muốn được ở bên cô ta, và nếu bạn là bạn trai cô ấy, thì mỗi tên đàn ông trên thế giới này sẽ căm ghét bạn. Với lại, Aphrodite có tiếng là không chung thủy.
Persephone cũng xinh đẹp theo cách của mình, nhất là vào mùa xuân, khi cô ta được phép dạo chơi trên trần thế; nhưng bao năm tháng ở dưới Âm phủ đã biến cô ấy thành lạnh lẽo tái nhợt và có chút đáng sợ. Cô hiếm khi yêu người thường. Dứt khoát là cô có yêu Adonis, nhưng cậu ta không chắc mình có muốn làm bạn trai cô ta không nếu như thế là có nghĩa là phải ở trong cung điện tối tăm ở Erebos, toàn người hầu xác chết cùng hồn ma vây quanh. Adonis cũng khá rõ rằng Hades sẽ không thích vụ dàn xếp ấy đâu.
"Tôi-tôi không thể quyết được," Adonis bảo. "Cả hai người đều tuyệt vời."
Thế là hai nữ thần đem Adonis lên ngọn Olympus nhờ Zeus tìm cách phân giải.
Mắt Zeus lấp lánh. "Cậu may mắn lắm nhỉ, Adonis."
Adonis không cảm thấy may mắn gì cả. Cậu thấy mình như miếng bánh cuối cùng trong buổi tiệc sinh nhật với một tá mấy đứa nhóc đói bụng, nhưng cậu vẫn bồn chồn gật đầu. "Vâng thưa ngài."
"Giải pháp rất đơn giản," Zeus nói. "Chia sẻ theo thời gian!"
Aphrodite cau mày. "Ta có thể làm thế với bạn trai được à?"
"Tất nhiên rồi!" Zeus đáp. "Adonis sẽ ở một phần ba thời gian trong năm bên cô, một phần ba bên Persephone, một phần ba còn lại ở một mình, làm việc gì cậu ta thích." Zeus vỗ vỗ vai Adonis. "Một chàng trai cần phải có thời gian thư giãn tránh xa các cô gái của mình. Đúng không đệ?"
"Tôi-tôi cho là thế…huynh à."
Vẻ mặt Zeus sa sầm. "Không được gọi chúa tể vũ trụ là huynh. Mà thôi, ta nghĩ chúng ta đã giải quyết xong!"
Kế hoạch ấy có tác dụng được một thời gian, nhưng phần của Persephone lại rơi vào mùa đông, nên cô ta gặp bất lợi nhất; và Adonis thì không thích Âm phủ. Cậu phải thường xuyên trốn trong tủ quần áo hay nhảy xuống gầm giường của Persephone mỗi khi Hades gõ cửa phòng, vì Hades không biết đến bạn trai bí mật của Persephone.
Dần dà Aphrodite dùng lời lẽ ngon ngọt và vẻ yêu kiều của mình dụ được Adonis. Cô ta thuyết phục anh chàng dùng thời gian tự do trong năm để ở bên mình luôn, thế là cô ta có được hai phần ba để có thể câng câng nhìn Persephone và biết được ai mới là nữ thần hay ho hơn. Aphrodite và Adonis hạnh phúc bên nhau một thời gian. Họ thậm chí còn có một con gái – tên Beroe.
Mối quan hệ ấy chấm dứt như thế nào? Dĩ nhiên là rất xấu.
Một ngày nọ Adonis đang săn bắn trong rừng, là việc anh chàng thích làm khi không ở cùng Aphrodite. Đàn chó của anh ta bắt được mùi một con thú thế là lao đi trước. Adonis cầm giáo theo sau. Khi bắt kịp đàn chó, anh ta đã mệt nhử và thở hồng hộc.
Không may sao, đàn chó của anh đã dồn một con lợn đực hoang vào một góc, đây là loại thú hiểm ác, độc địa nhất mà bạn có thể gặp. Vài câu chuyện kể rằng con lợn lòi là do thần chiến tranh Ares đặt vào đấy. Cũng có lý chứ, vì lợn lòi là vật thiêng của gã ta mà, với lại Ares là bạn trai thần của Aphrodite. Vài phiên bản chuyện khác thì bảo Artemis, nữ thần săn bắt, đã đặt con lợn lòi vào lối của Adonis. Hay có lẽ đấy là Persephone, vì cô ta đang thấy ghen tuông và bị phụ tình. Có thể là bất cứ thần nào, vì như tôi có nói, khi bạn cặp kè với Aphrodite, mọi người khác sẽ căm ghét bạn thôi.
Dù là sao đi nữa, con lợn lòi phóng đến Adonis cắm ngập nanh vào nơi đau nhất mà bạn có thể nghĩ ra, có vẻ buồn cười thật, trừ mỗi chuyện là Adonis đổ máu xối xả rồi chết.
Một lúc sau, Aphrodite bay ghé qu trên cỗ xe bồ câu kéo. Cô ta nhìn thấy thân thể cứng đờ của Adonis bèn lao xuống cạnh.
"Không!" cô rền rĩ. "Ôi, chàng trai xinh đẹp đáng thương của ta! Ngay cả khi chết, chàng cũng trông rạng ngời."
Cô ta đặt xác Adonis nằm vào một luống rau diếp to bự, đây là lý do vì sao rau diếp trở thành cây thiêng của cô ta. Người Hy Lạp gọi nó là "thức ăn của người chết." Họ cho rằng nếu bạn ăn quá nhiều rau diếp, bạn sẽ trở nên lờ đờ không còn khả năng biết đến tình yêu, giống như anh chàng Adonis đã lìa đời.
Mà thôi, Aphrodite rắc tiên tửu lên xác Adonis, anh ta tan vào trong những bông hoa đỏ như máu. Chúng được gọi là anemone, theo từ anemoi trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là những cơn gió. Bất cứ khi nào gió thoảng qua chúng, những cánh hoa đỏ thắm sẽ chập chờn bay đi mang theo mùi hương dịu ngọt nhắc cho Aphrodite nhớ đến mùi của Adonis.
Aphrodite buồn thương cho cái chết của Adonis trong gần trọn một ngày. Rồi cô ta quay lại với bạn trai thần Ares của mình – chính kẻ có thể đã là kẻ phải chịu trách nhiệm.
Aphrodite có giận gã ta không? Không hề. Kiểu của Ares là thế thôi.
Nếu các bạn muốn gặp gã này, gã ta sẽ ở chương kế. Nhưng phải mang theo áo chống đạn cùng súng trường tấn công của bạn đấy nhé. Ares không bắt giữ tù binh đâu.