(KHÔNG HẲN LÀ VẬY, NHƯNG ÔNG TA NHẤT ĐỊNH NÊN LÀM THẾ)
Nếu các bạn muốn xem ảnh thời em bé của Hephaestus, các bạn không may rồi.
Ông ta lúc sinh ra thật xấu xí đến nỗi người mẹ đáng yêu Hera của ông ta quẳng ông ra khỏi ngọn Olympus như một bịch rác. Nếu có ai đó đã chụp hình em bé, thì tấm ảnh sẽ là một Hephaestus bé bỏng xấu hoắc đang rơi xuyên qua đám mây cùng với vẻ ngạc nhiên trên mặt, MẸ ƠI, SAO LẠI THẾ?
Chuyện gì xảy ra tiếp theo? À, Hera hy vọng sẽ không bao giờ phải gặp lại đứa bé nữa.
Nhưng dần dà Hephaestus cũng quay lại, giống như một cái boomerang, đánh bốp vào đầu Hera. Tôi kết tay này quá.
Nhóc tì Hephaestus rơi xuống biển, tại đây bé được nàng tiên cầm đầu của năm mươi linh hồn biển cả Nereid cứu sống – nàng Thetis. Nàng chính là người sau này giải thoát cho Zeus khi ông ta bị trói ấy.
Thế là, Thetis thấy tội nghiệp cho đứa bé nhỏ xíu. Cô quyết định nuôi nấng cậu trong một cái hang bí mật dưới nước.
Thetis không quan tâm vẻ xấu xí. Cô sống cùng sứa cùng lươn và cá vảy chân lưng gù kia mà, nên Hephaestus với cô trông cũng không đến nỗi. Ừ thì hai chân cậu xộc xệch gầy nhẳng không đỡ nổi sức nặng của cậu khi không có nạng hay dây chằng đấy. Cậu lại có quá nhiều lông người, phải cạo một ngày chừng cả năm lần, ngay cả từ khi còn là trẻ sơ sinh. Mặt cậu đỏ lựng gồ ghề, giống như vừa ngủ trong tổ ong sát thủ châu Phi ra. Nhưng phần thân trên của cậu thì vạm vỡ khỏe mạnh. Cậu sở hữu đôi bàn tay khéo léo cùng trí óc ham học hỏi. Khi vị thần trẻ tuổi lớn dần lên, cậu phát triển năng khiếu xây dựng và chế tác, như những Cyclopes Lớn. Cứ đưa cho cậu nhỏ một xô Lego – một tiếng sau quay lại, thì cậu đã làm xong một tên lửa đạn đạo tầm xa hoàn chỉnh.
May là Thetis không muốn thống lĩnh thế giới. Cô chỉ muốn nữ trang mà thôi. Cô đưa Hephaestus đi làm tạo nên những vòng cổ vàng tinh tế, những vòng tay san sô lẫn ngọc trai, cùng các vương miện neon bừng sáng chạy những dòng chữ khác nhau như CHÚC MỪNG NĂM MỚI và QUẢNG CÁO CỦA BẠN Ở ĐÂY, để cô luôn có được những thứ long lanh lóng lánh mới mẻ mỗi khi đi dự tiệc.
Hephaestus ở dưới đại dương chín năm làm thợ rèn cho riêng Thetis. Cậu thích công việc của mình và yêu quý người mẹ nuôi, nhưng sâu trong tâm trí, cậu luôn muốn trả thù Hera.
Thời gian rỗi, cậu làm một thứ đồ gỗ đặc biệt – một món quà nguy hiểm cho người mẹ nguy hiểm của cậu – và cậu mơ về ngày có thể trở về Olympus.
Cuối cùng cậu cũng hoàn thành dự án của mình và đến chào tạm biệt Thetis.
"Mẹ nuôi yêu dấu." Hephaestus quỳ dưới chân mẹ, không dễ lắm đâu, vì hai chân cậu bị vặn vọ teo tóp đóng trong khung đỡ bằng vàng. "Con phải quay về nhà chiếm lấy chỗ của mình giữa các thần."
Thetis vẫn luôn ngờ rằng ngày này sẽ đến, nhưng dù vậy cô cũng khóc. "Họ sẽ không coi trọng con đâu," cô cảnh báo. "Họ chỉ đánh giá con qua bề ngoài mà thôi."
"Vậy thì họ ngốc lắm," Hephaestus bảo. "Con không quan tâm kẻ khác nghĩ gì. Mẹ con quẳng con đi. Bà ấy phải trả giá cho sự sỉ nhục này."
Thetis không thể tranh cãi. Cô chúc Hephaestus may mắn, và vị thần lên đường trở lại Olympus. Cậu cưỡi lừa đi lên núi, vì cậu thích lừa. Lừa vừa xấu vừa lì, vừa trông buồn cười, nhưng chúng khỏe và vững chãi. Hephaestus có thể liên tưởng đến mình. Và nếu bạn đánh giá thấp hoặc đối xử tệ với một con lừa, khả năng cao là bạn sẽ bị đạp dập răng đấy.
Ở đằng sau Hephaestus kéo theo một cả một đoàn la, chất đầu những món quà đặc biệt cho các thần.
Hephaestus cưỡi lừa thẳng vào trong ngự điện trên ngọn Olympus, các thần khác im bặt vì sửng sốt.
"Thứ kia là ai thế?" Ares hỏi.
Hera phát ra tiếng nghèn nghẹt trong họng. "Không thể nào."
"Mẹ!" Hephaestus cười toe. "Là con nè, Hephaestus đây!"
Zeus sặc cả rượu ra. "Hắn mới gọi nàng là Mẹ đấy à?"
Hephaestus trèo khỏi lừa, khung đỡ chân của cậu kêu cót két. "Ồ, mẹ không có nhắc đến con sao hả bố?"
(Thật ra, Zeus không hẳn là bố của cậu, vì Hera tự thân vận động tạo ra cậu mà; nhưng Hephaestus quyết định không băn khoăn đến vấn đề kỹ thuật.)
"Chắc chỉ do sơ suất thôi." Hephaestus mỉm cười duyên dáng. "Bố biết đấy, Hera quẳng con ra khỏi ngọn Olympus khi con còn là đứa bé. Nhưng đừng lo. Như hai người thấy này, bố mẹ yêu quý, con đã sống sót!"
"Ồ," Hera thốt lên. "Thật…mừng."
Hephaestus kể lại chuyện mình lớn lên dưới đáy biển. "Và con có mang quà đến nữa!" Cậu dỡ những món to tướng từ các con la xuống. "Ngai vàng mới cho mọi người!"
"Ngai vàng kìa!" Ares nhảy phắt xuống múa may mừng rỡ.
Các thần khác thì thận trọng hơn, nhưng họ cũng hào hứng cả lên khi trông thấy tác phẩm nghệ thuật của Hephaestus.
Zeus nhận được một ghế ngồi bằng vàng khối hai bên tay vịn có chỗ để ly, có phần đỡ thắt eo, và một rãnh tạc vào để dựng cột phóng sét. Ngai của Demeter tạc theo hình cây ngô bằng vàng và bạc. Poseidon được ghế ngồi của thuyền trưởng có chỗ để đinh ba lẫn cần câu. Ngai của Ares được lợp da cùng hai bên tay vịn là hằng hà sa số những mũi nhọn ghê người cùng dây kẽm gai.
"Ta thích lắm," Ares nói. "Đây là loại da thuộc Corinthian đấy phỏng?"
"Thật ra là da người," Hephaestus đáp.
Ares ứa nước mắt. "Đây là món quà ý nghĩa nhất… Ta – ta không thể…"
Ngai mới của tất cả các thần đều có thể điều chỉnh được với bánh xe, thế là chẳng mấy chốc các thần Olympian đã lăn khắp cung điện xoay tít trên ghế của mình.
"Anh làm ra mấy thứ này đấy ư?" Apollo vuốt tay dọc theo lưng ghế của mình, có hình dạng như một chiếc đàn hạc to tướng. "Đẹp quá!"
"Ừ," Hephaestus đáp. "Ta là thần của thợ rèn và thợ thủ công. Ta có thể làm gần như là mọi thứ." Cậu mỉm cười với Hera. "Mẹ, mẹ không thử ghế mới à?"
Hera đứng cạnh ghế mới của mình, được làm bằng adamantine – thứ kim loại cứng chắc mang sắc màu trắng đục lóng lánh, một dạng lai giữa bạc và kim cương. Ngai này là thứ đẹp đẽ nhất bà ta từng trông thấy, nhưng bà sợ ngồi lên. Bà ta không thể tin được là Hephaestus lại thân thiện với mình đến vậy.
Tuy nhiên, các thần khác đều đang xoay xoay ghế khắp phòng, đang vui vẻ hào hứng lắm, nên rốt cuộc Hera cũng mủi lòng. "Tốt lắm, con trai…của ta. Ngai vàng rất đẹp."
Bà ta ngồi xuống. Ngay lập tức những sợi cáp vô hình quấn quanh bà ta thật chặt đến không thở nổi.
"Á," Hera ngáp ngáp.
Bà ta thử biến hình. Không thể được. Bà càng cưỡng lại, các sợi cáp càng quấn chặt hơn. Bà cố thả lỏng người ra. Những sợi cáp vô hình siết lấy cho đến khi mặt bà trắng nhợt, hai mắt lồi ra, ichor ứ lại hai tay hai chân bà.
"Mẹ ơi?" Ares hỏi. "Sao mẹ ngồi im thế? Sao hai tay hai chân mẹ lại phù lên tỏa ánh vàng thế kia?"
Hera chỉ có thể rên rỉ, "Cứu."
Các thần quay sang Hephaestus.
"Được rồi," Zeus gầm gừ. "Ngươi đã làm gì thế?"
Hephaestus nhướn hàng chân mày rậm rịt. "Sao vậy chứ thưa Cha, con tưởng cha sẽ đồng tình mà. Giờ thì cha sẽ có một bà vợ im lặng hơn rồi đấy. Đúng ra thì bà ta sẽ không bao giờ ra khỏi chiếc ghế ấy nữa đâu."
Hera ré lên hoảng sợ.
"Bà đã quẳng tôi đi," Hephaestus nhắc cho Hera nhớ. "Tôi xấu xí què quặt, thế là bà quẳng tôi xuống núi. Tôi muốn bà phải trả giá cho chuyện này, thưa mẹ yêu quý. Hãy nghĩ về mọi thứ mà tôi đã có thể làm cho bà nếu bà đã đối xử tốt với tôi. Rồi có lẽ bà sẽ hiểu ra rằng bà đã quẳng đi một thứ có giá trị. Bà không bao giờ nên đánh giá một vị thần chỉ qua bề ngoài."
Dứt lời, Hephaestus khập khiễng bước về phía con lừa của mình và trèo lên yên bỏ đi.
Các thần khác không ai cố sức ngăn anh ta lại. Có lẽ họ đang lo là ghế ngồi của mình sẽ nổ tung ra chăng, hay là đâm chồi mọc lên lưỡi dao máy xanh sinh tố.
Hephaestus đi xuống hạ giới rồi dựng lên cửa hàng trong một trong mấy thành phố của Hy Lạp. Tại đấy anh ta làm móng ngựa, làm đinh, cùng những thứ đơn giản không cần phải động não gì nhiều. Anh ta từng mong cuộc báo thù sẽ làm mình cảm thấy vui hơn, nhưng lại không phải. Anh cảm thấy thậm chí còn giận dữ và vô nghĩa hơn trước.
Trong khi đấy trên ngọn Olympus, các thần bắt đầu thấy mệt mỏi phải nghe lấy Hera rên rỉ. Họ tìm mọi cách gỡ bà ta ra – kềm cắt bù loong, sét, mỡ thịt muối, thuốc chống rỉ WD-40. Không thứ nào có kết quả.
Cuối cùng Zeus mới bảo, "Thôi đủ rồi đấy. Ares, đi tìm thằng em Hephaestus của con rồi thuyết phục nó thả mẹ con ra đi."
Ares nham hiểm mỉm cười. "Ô, con sẽ thuyết phục nó ngay đây ạ."
Ares sửa soạn chiến xa. Gã khoác vào chiếc áo giáp vàng rực lửa, mang theo ngọn giáo máu me, cùng chiến khiên nhỏ nhớt. Hai con trai Phobos và Deimos thắng đàn ngựa khè ra lửa, và cả bọn lên đường.
Chúng phi qua thành phố của con người, gây ra hoảng loạn, dẫm đạp lên bất cứ kẻ nào trên đường đi của chúng. Chúng lao vào sân cửa hàng rèn của Hephaestus, nơi vị thần cà thọt đang sửa một ấm trà.
Mấy con ngựa lồng lên rồi thở ra lửa. Phobos cùng Deimos thả ra những luồng sóng kinh hoàng tột độ gây ra sáu mươi lăm vụ nhồi máu cơ tim quanh vùng lân cận.
Ares giương mũi giáo về phía Hephaestus. "NGƯƠI PHẢI THẢ HERA!"
Hephaestus liếc nhìn lên. "Cút đi Ares." Anh vẫn đều tay nện xuống ấm trà.
Phobos và Deimos hoang mang nhìn nhau.
Ngọn giáo của Ares run run. Gã từng mong đợi một phản ứng khác kia.
Gã thử lại lần nữa. "GIẢI PHÓNG CHO HERA HOẶC PHẢI ĐỐI MẶT VỚI CƠN THỊNH NỘ CỦA TA!"
Đàn ngựa của gã phà lửa khắp Hephaestus, nhưng ngọn lửa chỉ làm anh ta thấy nhột.
Vị thần rèn thở dài. "Này Ares, trước hết, tôi không phản ứng tốt cho lắm với mấy lời đe dọa đâu. Hai là, anh nghĩ vì anh đánh đấm nhiều nên anh mạnh đấy phỏng? Thử đi làm việc cả ngày trong lò rèn xem sao. Dọa tôi nữa đi, rồi tôi sẽ cho anh thấy khỏe là gì đấy nhé." Hephaestus vận cơ tay cơ ngực, nơi cuồn cuộn những bắp thịt.
"Ba là," anh ta nói tiếp, "tôi là thần của lửa đấy. Phải thế thôi, vì nghề của tôi là nung chảy kim loại mà. Tôi từng rèn vũ khí sắt và đồng trong lòng những ngọn núi lửa dưới mặt nước, cho nên đừng có đem mấy con ngựa con bé xinh của anh ra mà dọa tôi nữa."
Hephaestus xua tay về phía Ares như đang đuổi ruồi. Một bức tường lửa từ mặt đất phụt thẳng lên quét qua cỗ xe thần chiến tranh. Khi ngọn lửa tắt đi, bờm mấy con ngựa đã cháy xém. Bánh xe đã xẹp lép thành hình ô van. Mũ giáp của Phobos và Deimos đã chảy ra trên đầu chúng như trứng rán, còn da chúng thì phủ một lớp muội than mịn.
Áo giáp của Ares tỏa hơi nghi ngút. Phần chóp đẹp đẽ trên mũ giáp của gã đang âm ỉ cháy.
"Lần cuối này," Hephaestus bảo. "Cút đi."
Ares quay đầu bỏ chạy, cỗ chiến xa cà lọp cà lọp lăn đi trên mấy bánh xe xiêu vẹo, để lại mùi thần chiến tranh bị nướng không lẫn vào đâu được vương trong không khí.
Các thần Olympian thử đủ kiểu chiến thuật để thuyết phục Hephaestus thả mẹ mình ra. Họ phái nhiều đại sứ khác nhau.
Hephaestus chẳng hề bị thuyết phục.
Trên đỉnh Olympus, Zeus dang tay ra thở dài. "Thôi, ta nghĩ chắc Hera phải ngồi trên cái ngai mắc dịch kia suốt đời rồi."
"Ưm ưm ưm!" Hera lên tiếng, gương mặt bừng bừng sắc ichor vàng.
Thế rồi một anh hùng không ai ngờ tới nhất bước ra – Dionysus, vị thần của rượu vang. "Đừng lo," anh ta bảo. "Con có thể xử lý Hephaestus."
Các thần khác nhìn anh ta.
"Ngươi á?" Ares hỏi. "Ngươi thì sẽ làm được gì đây? Đe dọa Hephaestus bằng một chai vang Chedonnay ngon dịu ấy à?"
Dionysus mỉm cười. "Rồi các người sẽ thấy."
Dionysus bay xuống hạ giới. Anh ta bắt đầu lảng vảng quanh khu vực xưởng rèn. Anh ta chẳng đưa ra yêu cầu gì với Hephaestus cả. Không đe dọa mà cũng chẳng đề cập đến mặc cảm tội lỗi nào. Anh ta chỉ trò chuyện, kể chuyện khôi hài, cư xử thân thiện.
Này, kinh nghiệm của tôi về khứa D. này thật khác hẳn, nhưng rõ ràng anh ta có thể rất duyên dáng khi muốn. Anh này từng là một gã người phàm và chỉ mới thành thần gần đấy thôi, nên anh ta không cao sang kiêu kỳ như những thần Olympian khác. Anh ta không ngại chui rúc xó xỉnh với con người và với những gã thợ rèn xấu xí. Anh ta hợp cạ với Hephaestus vô cùng.
Sau vài tuần qua lại với nhau, Dionysus bảo, "Này ông, ông làm việc vất vả quá đấy. Ông cần phải nghỉ ngơi!"
"Tôi thích làm việc mà," Hephaestus làu bàu.
Sự thật là, làm việc giúp đầu óc anh ta quên đi nỗi đau. Mặc dù đã trả thù Hera thành công, nhưng Hephaestus không thể gột bỏ được nỗi cáu giận cùng sự chua chát trong mình. Anh vẫn là một vị thần bị ruồng bỏ, chẳng hạnh phúc hơn gì trước đây.
"Tối nay tôi sẽ dẫn ông đi chơi," Dionysus bảo. "Bọn mình sẽ đến mấy quán rượu rồi tôi sẽ giới thiệu cho ông cái thứ mà tôi mới sáng tạo ra nhé. Gọi là vang đấy."
Hephaestus cau mày. "Là máy móc gì à?"
Hai mắt Dionysus lấp lánh. "À thì… nó cũng có công dụng riêng. Ông sẽ thấy mà."
Này này mấy nhóc… vang là rượu có cồn nhé. Là thứ đồ uống cho người lớn thôi.
Xời, thưa ông Percy Jackson, các bạn sẽ nói, bọn tôi không thể uống chút rượu vang sao?
Không, không được đâu nhóc. Rượu vang nguy hiểm lắm. Tôi không muốn bất cứ ai trong các bạn uống rượu cho đến khi được ít nhất là ba mươi lăm tuổi. Mà có đến lúc ấy, các bạn vẫn cần có giấy của bác sĩ lẫn sự cho phép của bố mẹ, phải uống có trách nhiệm (chừng một ngụm một tháng ấy), và không bao giờ được vận hành máy móc hạng nặng khi đang chịu ảnh hưởng của rượu đấy nhé.
Okay… tôi nghĩ chừng này đã bao đủ các liên đới pháp lý của tôi rồi. Tiếp tục câu chuyện thôi.
Đêm hôm ấy, Dionysus đưa Hephaestus đi nhậu. Chẳng mấy chốc, Hephaestus đã khóc tu tu vào trong cốc của mình, trải lòng về câu chuyện đời mình cho Dionysus.
"Tôi – tôi quý ông lắm đấy ông à," Hephaestus nấc lên. "Chẳng ai khác hiểu được tôi cả. Ơ… trừ mấy tên này." Hephaestus chỉ vào chén đựng đậu phụng rang muối của mình. "Chúng hiểu được tôi. Nhưng… nhưng chẳng có ai khác."
"Ừm hừm." Dionysus gật gù đồng cảm. "Chắc chắn là vất vả lắm, khi phải sống dưới đáy biển, bị chính mẹ mình ruồng bỏ."
"Ông không hiểu được đâu. Thật là…" Hephaestus sụt sịt, cố tìm ra từ thích hợp. "Thật vất vả."
"Chính xác," Dionysus nói. "Ông biết thứ gì sẽ làm ông thấy khá hơn không?"
"Thêm nhiều rượu vang hơn chứ gì?" Hephaestus đoán.
"À, cũng có thể. Nhưng hơn nữa, là biết tha thứ."
"Gì nữa đây?"
"Hera có thể là mụ phù thủy đấy," Dionysus bảo. "Tin tôi đi, tôi biết mà. Nhưng chúng ta là một gia đình, các thần chúng ta ấy. Chúng ta phải kề vai sát cánh bên nhau."
Hephaestus lé mắt trừng trừng nhìn cốc của mình. "Bà ta quẳng tôi đi như một cái bu-gi bị hỏng."
"Tôi chẳng rõ bu-gi là gì," Dionysus nói. "Ấy nhưng mà, ông không thể cứ ôm lòng hằn học mãi. Nếu ông cứ chôn chặt trong lòng, thì…ngay cả thứ vang ngon nhất rốt cuộc cũng biến thành giấm. Công cuộc báo thù của ông có làm ông thấy vui hơn chút nào không?"
"Không hẳn." Hephaestus cau có. "Tôi cần thêm rượu vang."
"Không được," Dionysus nói dứt khoát, như thế này không hẳn là giống anh ta, khi từ chối không cho người khác uống. "Ông cần phải đi cùng tôi ngay lúc này lên Olympus mà thả Hera ra. Hãy làm người rộng lượng. Chứng tỏ cho mọi người thấy ông tốt đẹp hơn bà ta."
Hephaestus lầm bà lầm bầm nguyền rủa chén đậu phụng của mình, nhưng anh ta quyết định là Dionysus nói phải.
Anh cưỡi lừa trở lên ngọn Olympus –thế này thật nguy hiểm, vì anh ta đã có thể bị cảnh sát bắt dừng lại vì đang điều khiển lừa trong khi say xỉn.
May sao mà anh ta đến nơi an toàn, Dionysus bước đi bên cạnh. Hephaestus tiến đến chỗ Hera, và các thần khác túm tụm quanh lại.
"Thưa mẹ, con tha thứ cho mẹ," Hephaestus nói. "Con sẽ thả mẹ đi, nhưng mẹ phải hứa: không được quẳng con nít đi nữa. Ai ai cũng có tài năng, dù họ có trông như thế nào. Đồng ý không?"
"Ưm hưm hưm," Hera đáp.
Hephaestus gạt nút gạt ngừng hoạt động ẩn ở phía sau ngai, thế là Hera được giải thoát.
Theo như vài câu chuyện, thì Hephaestus đòi một cái giá để thả Hera đi. Đồn rằng Poseidon (ghét cay ghét đắng Athena) đề nghị Hephaestus xin phép Zeus được cưới nữ thần của trí khôn làm vợ, và đấy là lý do vì sao Hephaestus đeo đuổi cô nàng trong vụ án chiếc khăn tay tai tiếng kia.
Tôi không thể xác định chuyện này có thật không. Bản thân tôi thì nghĩ Hephaestus chỉ quá mệt mỏi khi mãi ghim gút mẹ mình. Sau đấy, anh ta và Dionysus là bạn khá thân, còn Hephaestus và Hera dẹp hờn oán nhau sang một bên.
Thật sự thì, lần tiếp theo khi Hephaestus gặp rắc rối, đó là vì giúp đỡ cho mẹ mình.
Chuyển nhanh sang thời điểm các thần nổi dậy chống lại Zeus. Có thể các bạn còn nhớ (hay có lẽ chẳng nhớ đâu), khi Zeus đã thoát ra được, ông ta trừng phạt bọn loạn thần. Poseidon và Apollo bị mất quyền làm thần trong một thời gian. Hera bị trói treo lơ lửng trên miệng vực địa ngục.
Trong suốt quá trình đó, Hephaestus không theo phe nào cả. Anh ta nghĩ nổi loạn là ý tưởng ngu ngốc, nhưng chẳng ai buồn đi hỏi ý kiến của anh làm gì. Kết quả là, Zeus không trừng phạt anh. Tuy vậy, vị thần rèn không tán thành chuyện mẹ mình bị trói treo lơ lửng trên miệng vực như một miếng mồi.
Hephaestus có thể nghe thấy tiếng mẹ mình gào thét cả ngày lẫn đêm. Anh ta thấy bực vì Zeus có thể trói bà ta lại được mà không ai phản đối, nhưng khi Hephaestus trói Hera, thì mọi người lại phản ứng như thể anh ta là một thứ kẻ ác xấu xa. Và có lẽ, chỉ là có lẽ thôi, Hephaestus đang bắt đầu thấy hơi yêu quý mẹ mình đôi chút – ít ra là cũng đủ để không muốn chứng kiến mẹ mình bị treo ngang diều Hỗn Mang.
Đến một đêm nọ thì anh ta không chịu được nữa. Hephaestus ra khỏi giường, vơ lấy túi đồ nghề, và đi cứu mẹ. Cùng sự trợ giúp của vài dây quăng móc chấu, đai bảo hộ, máy mé nhánh cây, vài sợi thừng, và tất nhiên là vài cuộn băng keo, anh ta đã xoay sở cắt đưa mẹ mình xuống kéo vào nơi an toàn.
Hera vô cùng cảm kích. Bà ta khóc nức rồi ôm chầm lấy Hephaestus mà hứa sẽ không bao giờ gọi anh ta là xấu xí hay kinh tởm nữa.
Zeus thì chẳng hài lòng gì. Khi phát hiện chuyện gì đã xảy ra, ông ta xăm xăm đi vào phòng của Hephaestus mà quanh mình tia lửa điện tí tách xẹt tung còn mặt mày thì đen ngòm như mây giông.
"KHÔNG CÓ SỰ CHO PHÉP CỦA TA SAO?" Zeus rống lên. "Ngươi sẽ phải học cách tôn trọng quyền hành của ta!"
Đa số mấy ông bố thì sẽ chỉ la lối om sòm, hay phạt cấm túc, hay tịch thu bộ Xbox của bạn mà thôi. Zeus thì tóm lấy cổ chân của Hephaestus, kéo giật anh ta ngã ngửa ra, rồi lôi đến cửa sổ gần nhất.
Ừ, Hephaestus thì khỏe đấy, nhưng hai chân lại yếu. Một khi bị mất thăng bằng rồi thì anh ta không thể bảo vệ cho mình được hiệu quả cho lắm.
Với lại, Zeus to như bò mộng ấy. Ông ta bỏ ra chừng sáu tiếng đồng hồ mỗi tuần để tập cơ thân trên trong phòng tập mà lại.
Zeus quát lên, "Sayonara nhé, tên Đồ Nghề!" rồi quẳng Hephaestus ra khỏi núi – một lần nữa.
Hephaestus mất cả ngày để rơi xuống, thế là anh ta có lắm thời gian mà nghiền ngẫm vì sao số phận mình lại phải nhận lấy thứ bố mẹ kinh khủng đến thế kia. Cuối cùng anh ta chạm đất ngay trên hòn đảo Lemnos trong một tiếng bùm! thật lớn. Cú va chạm không giúp ích được gì cho thân thể méo mó hay cho hai chân què quặt hay cho khuôn mặt xấu xí của anh. Anh gãy hết các xương trong thân mình bất tử của mình và nằm chết dí đấy một thời gian dài, chẳng thể làm được gì ngoài việc nếm trải kinh nghiệm bị mù, bị bỏng cùng đau đớn thấu ruột gan.
Cuối cùng anh được một bộ lạc gọi là bộ lạc Sintians tìm thấy, chúng là những kẻ không phải người Hy Lạp và kiếm sống bằn nghề làm cướp biển dọc vùng duyên hải Aegean. Chúng mang tiếng rất xấu với người Hy Lạp, nhưng lại rất nhân từ với Hephaestus. Họ mang anh ta về làng mình rồi chăm sóc anh ta bằng mọi cách. Nhờ thế, Hephaestus trở thành thần bảo hộ cho họ. Anh ta dựng một xưởng rèn khác trên đảo Lemnos, trở thành đại bản doanh của mình. Hàng bao thế kỷ sau đấy, người Hy Lạp đến thăm đảo Lemnos để chiêm ngưỡng nơi Hephaestus rớt xuống đất lần thứ hai. Họ tin rằng đất đai từ nơi va chạm đấy mang tính chữa lành kỳ diệu, có lẽ là vì bao thứ ichor thần thánh đã ngấm vào đất. Bôi một ít bùn Lemnos lên da bạn, mấy vết bầm của bạn sẽ phai ngay. Các vết thương của bạn sẽ lành lại. Đất ở đấy còn được cho là chữa được cả nọc độc rắn.
Vậy nên lần sau nếu có bị rắn hổ cắn thì cũng đừng lo! Bạn chỉ cần đặt vé bay đến Lemnos rồi ăn vào một đống đất. Bạn sẽ khỏe lại thôi.
Hephaestus lành lặn lại. Dần dần sau này anh ta cũng lên lại Olympus. Sau đấy, Zeus và Hephaestus dè chừng nhau, nhưng cả hai đều vờ như vụ Sayonara, tên Đồ Nghề ấy chưa từng xảy ra. Tôi đoán là do Zeus thấy hối hận vì mình phản ứng thái quá, còn Hephaestus không muốn làm tới. Anh ta thấy quá ngán việc bị ném xuống núi rồi.
Hephaestus dùng thời gian chủ yếu làm việc trong những xưởng rèn khác nhau ở Lemnos, hay dưới đáy đại dương, hay trên những hòn đảo khác rải rác trong vùng Địa Trung Hải. Bất cứ khi nào bạn thấy một ngọn núi lửa đang nổi lên xì khói phun dung nham, thì có khả năng cao rằng Hephaestus đang ở đấy, nổi lửa mấy lò rèn của mình.
Vì anh ta dùng núi nửa cung cấp năng lượng cho mấy xưởng rèn của mình, nên Hephaestus là thần của núi lửa. Đúng ra, từ volcano[9] xuất phát từ tên tiếng La Mã của anh ta, Vulcanus, hay Vulcan. Với lại không nhé, anh ta không phải là một trong mấy gã tai nhọn trong phimm Star Wars đâu. Hay là Star Strek nhỉ? Tôi cứ nhầm lẫn luôn.
Con vật thiêng của Hephaestus là con lừa, dĩ nhiên rồi, nhưng anh ta cũng thích cả chó. Loài chim ưa thích của anh là con sếu, chắc là vì nó có đôi chân gầy nhẳng kỳ quặc không hợp với thân mình, giống như một anh thợ rèn nào đó ấy.
Chủ yếu Hephaestus được biết tiếng nhờ tài thủ công của mình. Cứ đọc mấy ông nhà văn Hy Lạp xưa đi, họ nói liên tu bất tận từ trang này sang trang khác về mỗi chiếc khiên hay bộ giáp do Hephaestus tạo ra, mô tả từng sắc màu lẫn hoa văn trang trí, anh ta dùng vòng dây cỡ nào, dùng bao nhiêu đinh và khò khò khò.
Xin lỗi nhé. Chỉ nghĩ đến đây thôi là tôi đã ngủ gật mất rồi.
Tôi sẽ chỉ kể cho bạn những sản phẩm chính thôi, nhưng Hephaestus quả là có làm ra những thứ đẹp đẽ. Anh ta làm ngai vàng cho các thần này, và đa số chúng thậm chí không phải là thứ bẫy nào hết! Anh ta tạo ra một quân đoàn những bàn ba chân pháp thuật – là những chiếc bàn ba chân có bánh xe dưới chân và chạy quanh ngọn Olympus, mang đến cho người ta thức uống hay đồ nguội khai vị hay gì đấy. Nếu bạn đang ở lại ngọn Olympus và nói, "À, mình cất iPhone ở đâu ấy nhỉ?" thì nhoắng cái một trong mấy chiếc bàn ba chân ấy sẽ xuất hiện lăng xăng bên bạn, mở ngăn bàn ra, trong ấy sẽ là điện thoại của bạn. Cũng tiện lắm, mấy anh chàng tí hon ấy.
Hephaestus cũng làm ra áo giáp và vũ khí tốt nhất. Dĩ nhiên, các Cylope Lớn và thủy quái telkhine là những thợ thủ công lành nghề, nhưng không một ai qua mặt được vị thần rèn. Heracles, Achilles, mọi anh hùng vĩ đại nhất của Hy Lạp ư? Họ chỉ sử dụng công cụ hiệu Hephaestus. Tôi thậm chí không cho là Hephaestus có trả phí bảo chứng cho họ đâu.
Anh ta làm ra chiến xa cho các thần Olympian với hệ thống giảm xóc tốt hơn, truyền động bốn bánh, bánh mâm quay ngược, và đủ loại gói nâng cấp tự chọn. Anh ta thiết kế mọi thứ từ nữ trang đến cung điện. Anh xây cho gã kia, vua của Chios ấy, nguyên một dinh thự dưới lòng đất như một boong-ke ngầm.
Nhưng chuyên môn của Hephaestus là thiết bị tự động – là những sinh vật bằng máy cơ bản như là những con rô bốt đầu tiên nhất. Trong xưởng của mình, Hephaestus tạo ra một mớ nữ phụ tá bằng máy làm từ vàng. Anh ta cũng làm ra bốn cô như thế cho đền thờ Apollo, để họ có thể hát vang lời ngợi ca Apollo theo bốn bè. Đối với vua Alcinous, Hephaestus làm ra một cặp chó canh gác bằng kim loại – một con bằng vàng một con bằng bạc – chúng còn thông minh và hung ác hơn chó thật nhiều. Cho vua Laomedon, anh ta làm ra một cây nho bằng vàng mà lại có thể mọc lên được. Còn vua Monis, anh làm ra một chiến binh khổng lồ bằng kim loại tên là Talos, đi tuần tra dọc ranh giới cung điện cả ngày lẫn đêm. Ngựa kim loại, bò mộng kim loại, người kim loại. Thứ nào cũng có. Nếu như tôi có thành vua, nhất định tôi sẽ nhờ Hephaestus làm cho mình một đội quân lạc đà không bướu bằng vàng khổng lồ biết khạc ra a xít.
Okay xin lỗi nhé. Tôi lại lạc đi đâu rồi.
Tiếp theo đây chắc tôi nên kể cho các bạn nghe Hephaestus đã phản ứng thế nào khi phát hiện ra vợ mình, nữ thần Aphrodite, lại cắm sừng mình. Câu chuyện khá buồn, không liên quan đến con lạc đà không bướu nào cả, nhưng Aphrodite và Ares thì quả là bị mất mặt vô cùng, điều này khi nào cũng hay.
Aphrodite chẳng bao giờ muốn cưới Hephaestus. Nữ thần tình yêu này chỉ toàn quan tâm đến bề ngoài, trong khi Hephaestus lại chẳng có chút bề ngoài nào coi được.
Hephaestus đã cố làm người chồng tốt. Chẳng ăn thua. Ngay sau khi họ cưới nhau, Aphrodite bắt đầu dan díu với thần chiến tranh Ares, và hình như chỉ có Hephaestus là người không biết gì về chuyện này.
Sao anh ta lại ngờ nghệch vậy? Tôi không rõ. Có lẽ anh ấy muốn tin rằng Aphrodite có thể yêu mình chăng. Có lẽ anh nghĩ rằng nếu mình làm chuyện đúng đắn, thì cô ta cũng thế. Dĩ nhiên, anh có để ý thấy các thần khác đang xì xào khúc khích sau lưng mình, nhưng Hephaestus đã quá quen với chuyện này.
Anh ta bắt đầu thấy nghi ngờ có điều không ổn khi Aphrodite sinh đứa con đầu lòng của họ. Bấy lâu Hephaestus cứ mong đứa bé phải quặt quẹo giống mình, hay ít ra phải mang vài nét của mình – cái đầu méo, mặt nổi cục, biết đâu là có cả râu.
Nhưng đứa bé trai Eros ấy, lại hoàn hảo – đẹp trai khỏe mạnh. Cậu bé thậm chí còn mang nét giống Ares đến ngạc nhiên.
Hừ, Hephaestus thầm nghĩ. Chuyện này quái thật.
Đứa con thứ hai của Aphrodite là một bé gái tên Harmonia, lại nữa con bé tuyệt đối không giống gì Hephaestus. Anh thợ rèn bắt đầu thấy khó chịu. Cứ mỗi lần anh nói đến Harmonis như là "con gái của tôi", thì các thần khác trông như thể họ đang cố nín cười. Với lại sao Aphrodite và Ares cứ liên tục liếc mắt nhìn nhau thế nhỉ?
Cuối cùng vị thần mặt trời Titan Helios thấy tội cho Hephaestus. Helios nhìn thấy mọi chuyện từ cỗ xe mặt trời nam châm hút gái của mình trên trời – cả những chuyện mà anh ta chẳng muốn thấy – nên dĩ nhiên anh ta đã chứng kiến việc Aphrodite và Ares đối xử nhau vượt quá mức "bạn bè."
Một đêm nọ anh ta kéo Hephaestus ra riêng mà bảo, "Này ông, không có cách nào dễ dàng để nói cho ông biết chuyện này. Vợ ông đang phản bội ông đấy."
Hephaestus thấy như mình vừa bị một quả búa tạ hai ký nện vào mặt – một trong những cái búa rất chắc có tay cầm bằng sợi thủy tinh và đầu búa hai đầu bằng thép dập.
"Phản bội tôi ư?" anh hỏi. "Không thể nào!"
"Có thể đấy," Helios buồn bã bảo. "Chính tôi nhìn thấy họ mà. Mà không phải tôi rình mò nhìn ngắm gì đâu! Nhưng, e hèm, hai người đó quả là không thể không nhìn thấy được."
Thần mặt trời Titan giải thích rằng Aphrodite và Ares thường lẻn vào căn hộ của Hephaestus khi vị thần rèn đang làm việc trong lò rèn. Ngay trong chính căn phòng ngủ của anh ta, bọn họ làm đủ trò vô cùng hư đốn.
Con tim Hephaestus có cảm giác như tự nó tái luyện lại. Tan chảy ra vì đau khổ. Nóng hực lên vì tức giận. Rồi nói nguội đi và rắn đanh lại thành một thứ gì đó mạnh mẽ nhưng sắc sảo hơn.
"Cảm ơn đã bỏ nhỏ nhé," anh bảo với Helios.
"Tôi có giúp được gì không? Anh muốn tôi làm họ cháy nắng nghiêm trọng chứ?"
"Không, không," Hephaestus đáp. "Tôi có chiêu này."
Hephaestus quay lại lò rèn làm ra một tấm lưới đặc biệt. Anh ta tạo ra những sợi gân vàng mảnh như mạng nhện nhưng lại chắc như cáp cầu. Anh ta bỏ phép vào chúng để chúng có thể dính chặt vào bất cứ thứ gì chúng bắt được, rồi cứng lại nhanh còn hơn xi măng, giữ cho con mồi chúng bất động.
Anh khập khiễng đi vào phòng ngủ rồi quăng tấm lưới lên trên bốn cột giường cao cao của mình để chúng rũ xuống như một tấm trướng vô hình. Đoạn anh chăng một sợi dây bẫy được kích hoạt do sức ép ngang qua tấm lưới.
Anh cà nhắc đi ra phòng khách, nơi Aphrodite đang nằm đọc cuốn tiểu thuyết diễm tình mới ra nhất.
"Em yêu, anh sẽ đi Lemnos!" Hephaestus thông báo. "Chắc phải ở đấy vài ngày."
"Ồ thế à?" Aphrodite ngước nhìn lên khỏi sách. "Anh bảo vài ngày sao?"
"Ừ. Nhớ em nhiều. Chào nhé!"
Aphrodite cười tươi rói. "Okay. Vui vẻ nha!"
Hephaestus gói ghém túi đồ nghề, thắng yên cho lừa, rồi lên đường. Trong khi đấy, Ares đang từ ban công gần bên quan sát. Một khi thần chiến tranh đã chắc mẩm là Hephaestus đang lên đường đi Lemnos, gã ta phóng ngay đến căn hộ của Hephaestus, nơi có Aphrodite đang chờ.
"Ê cưng," Ares gọi. "Nhớ anh không?"
Họ rút vào phòng ngủ, nhưng chẳng có thời gian mà hư đốn được gì. Vừa khi họ cởi hết quần áo chỉ còn lại đồ lót rồi nhảy lên giường, thì bẫy sụp xuống.
Tấm lưới vàng chụp lên họ rồi bám dính như giấy bẫy ruồi. Hai vị thần vùng vẫy la hét. Nói thật chứ, Ares có giọng thét còn the thé hơn cả Aphrodite. Nhưng họ đã bị dán cứng xuống giường, không thể nhúc nhích hay thay hình đổi dạng gì được.
Hephaestus, lúc này đã đánh vòng lại, xong vào phòng ngủ, tay cầm rìu.
"Bố về rồi đây," anh ta gầm lên.
Anh suy nghĩ có nên giở chiêu Kronos với bọn họ rồi biến phòng ngủ thành cảnh trong phim kinh dị hay không, nhưng rồi lại quyết định thôi. Theo cách nghĩ của Hephaestus, không có gì gây chấn động và bẽ bàng bằng việc để cho cặp tình nhân nguyên trạng như thế - bị mắc kẹt ngay giữa lúc dan díu với nhau, Aphrodite thì phấn son nhoe nhoét tóc tai rũ rượi, tay chân ép chặn xuống giường một cách ngược ngạo như thể cô ta tông vào tấm kính chắn gió của xe hơi. Đang la hét rên rỉ cạnh cô ta, Ares chỉ mặc độc một đôi vớ đỏ cùng chiếc quần lót hoa hoét.
Hephaestus dõng bước vào ngự điện Olympian, nơi các thần đang tề tựu dùng bữa trưa.
"Khoan ăn đã," anh bảo mọi người. "Tôi có thứ này muốn cho mọi người xem, mà chắc chắn sẽ khiến mọi người té ngửa."
Tính tò mò trỗi dậy, các thần đi theo anh ta về phòng ngủ, trố mắt nhìn vào tác phẩm nghệ thuật mới mẻ mà Hephaestus vừa tạo ra.
"Mọi người thấy không?" Hephaestus dồn dập. "Đây là điều tôi có được vì đã cố làm một người chồng tốt. Ngay khi tôi vừa đi, hai kẻ này đã giở ngay trò mèo mả gà đồng. Vợ của tôi ghét tôi vì tôi tật nguyền xấu xí, thế là cô ta lén lút sau lưng tôi với – với thằng ngốc kia. Chuyện này làm tôi buồn nôn. Làm tôi muốn ói. Chẳng phải đây là chuyện đáng tởm nhất mà các người từng chứng kiến hay sao?"
Các thần khác im thin thít. Hermes bắt đầu rung lên bần bật, cố giữ nghiêm.
Zeus tự lầm bầm, Mình sẽ không phá ra cười. Mình sẽ không phá ra cười.
Nhưng rồi ông ta bắt gặp ánh mắt của Demeter, thế là đi toi.
"BA HA HA HA HA!" Ông ta gập người tới trước, cười như nắc nẻ, tưởng chừng xương sườn mình vỡ tung ra hết. Các thần khác cũng nhập hội.
"Quần lót in hoa kìa!" Apollo la lớn. "Ô – ôi trời, tôi thậm chí không thể…. HAHAHAHAHA!"
"Aphrodit," Athena khúc khích. "Cô trông cứ là yêu vô cùng."
Các thần không thể ngưng được cười. Chẳng mấy chốc họ đã lăn cả ra sàn, lau lau nước mắt, dùng điện thoại chụp hình để tải lên Tumblr.
Thoạt tiên, Hephaestus phẫn nộ lắm. Anh những muốn quát bọn họ phải xem chuyện này cho nghiêm túc. Anh đang đau khổ. Anh đang bị làm nhục cơ mà!
Nhưng rồi anh hít một hơi sâu và nhận ra: không, Aphrodite và Ares mới đang bị sỉ nhục. Các thần kia sẽ kể đi kể lại chuyện này trong bao thế kỷ nữa. Bất cứ khi nào cặp tình nhân này bước vào ngự điện, các thần Olympian sẽ cười mím chi cố không phá ra thành tiếng, nhớ đến mái tóc rũ rượi của Aphrodite và cái quần lót in hoa ngu ngốc cùng đôi vớ đỏ của Ares. Bất cứ khi nào người ta kể đến mấy chuyện mắc cỡ trong các buổi họp mặt gia đình, thì đây sẽ là chuyện Mắc Cỡ Số Một.
Sau một hồi thật lâu, các thần mới gượng trấn tĩnh lại được.
"Được rồi," Poseidon vừa nói vừa chùi nước mắt. "Cảnh này khôi hài đấy. Nhưng cậu nên thả họ ra đi, Hephaestus."
"Không," Hephaestus càu nhàu. "Sao không để chúng trưng bày ở đây vĩnh viễn đi?"
Zeus hắng giọng. "Hephaestus này, ta nghĩ chúng ta đã quyết định sẽ không trói ai nữa mà. Con đã trả thù được rồi. Giờ thì thả họ đi."
Hephaestus quắc mắt nhìn cha mình. "Được thôi. Aphrodite có thể đi được… ngay sau khi bố hoàn trả lại mọi món quà mà con đã tạo ra làm sính lễ cho cô ta. Con không muốn cô ta ở trong nhà con nữa. Không muốn cô ta trong cuộc đời con. Cô ta không xứng đáng làm vợ con."
Zeus tái mét. Thời đấy, nếu bạn muốn cưới một phụ nữ, bạn phải đưa cho gia đình cô ta một đống quà gọi là sính lễ. Vì Aphrodite cơ bản là không có bố, nên Zeus đã gã cô ta đi, có nghĩa là ông ta có được bao thứ hay ho do Hephaestus làm. Nếu Hephaestus đòi sính lễ lại, nghĩa là cuộc hôn nhân ấy đã chấm dứt. Đồng thời có nghĩa là Zeus phải trả lại cái máy nướng bánh mì bằng đồng, bộ gậy đánh golf, chiếc TV màn hình plasma, cùng một mớ mấy thứ đồ chơi hay ho mới lạ.
"Ừm… à thì," Zeus nói, "ta nghĩ Aphrodite ở trong lưới ấy chắc cũng được."
"Zeus!" Hera quở. Bà ta không thích Aphrodite, nhưng cũng không tán thành cho chuyện nữ thần bị cầm tù.
"Được rồi, được rồi," Zeus nói. "Hephaestus có thể lấy lại sính lễ. Aphrodite chính thức bị đá ra khỏi cuộc đời của Hephaestus."
"Cứ như cô ta từng có khi nào nằm trong cuộc đời ấy," Hephaestus lầu bầu.
Poseidon trông vẫn băn khoăn. Mặc dù có bất đồng với Ares, hai người này thường cũng hợp cạ nhau lắm. Ông ta cảm thấy như mình phải lên tiếng cho vị thần chiến tranh, vì sẽ không ai lên tiếng đâu.
"Cậu cũng phải thả Ares luôn," Poseidon nói. "Thế mới phải."
"Phải ư?" Hephaestus gầm lên. "Hắn biến tôi thành thằng hề ngay trong chính phòng ngủ của tôi, thế mà ông lại muốn nói đến phải trái à?"
"Nghe này," Poseidon bảo, "ta hiểu mà. Nhưng cậu cứ yêu cầu bất cứ giá nào dể dàn xếp thôi. Tấm lưới vàng kia quả là đang làm rộp làn da mong manh của cậu ấy đấy."
"Thôi được," Hephaestus nói. "Nếu Poseidon bảo đảm cho chi trả, thì tôi đồng ý thôi. Tôi muốn có một trăm toa xe kéo chất đầy áo giáp, vũ khí, cùng chiến lợi phẩm từ pháo đài của Ares, mà tôi phải được chọn kia."
Quả là một giá trừng phạt nặng nề, vì Ares rất quý các chiến lợi phẩm của mình, nhưng gã cũng gật đầu chấp thuận.
Hephaestus thả cặp tình nhân đi. Như anh đã nghĩ, câu chuyện ấy được kể đi kể lại quanh bàn ăn trên đỉnh Olympus đến hàng thế kỷ, nên Aphrodite và Ares là trò cười của thiên hạ. Aphrodite và Hephaestus không bao giờ chung sống trở lại. Họ có chính thức ly hôn không? Tôi không rõ. Nhưng có phải là họ từng bao giờ kết hôn với nhau ngoài danh nghĩa đâu.
Sau đấy, Hephaestus tự do quan hệ với các phụ nữ khác. Anh ta có con với lắm cô. Với lại, từ đấy trở đi anh ta căm ghét những đứa con mà Aphrodite và Ares có với nhau, thậm chí chúng chẳng đáng bị như thế…
Trường hợp điển hình: Harmonia.Tôi từng đề cập đến cô này trước đây. Cô là tiểu nữ thần sau biến thành người thường và cưới vua Cadmus, rồi sau đấy cả hai bị biến thành rắn.
Nếu từng ấy vẫn chưa đủ xui xẻo cho một kiếp người, thì Harmonia còn nhận được quà cưới bị nguyền rủa từ Hephaestus. Ông ta căm ghét cô này, vì cô là niềm gợi nhớ không ngừng nghỉ về cuộc tình vụng trộm của Aphrodite với Ares. Chẳng phải là lỗi gì của Harmonia, nhưng này, ngay cả những vị thần đáng yêu hơn như là Hephaestus kia cũng có thể là thằng đểu lắm chứ.
Khi Harmonia cưới Cadmus, Hephaestus làm cho cô gái một sợi dây chuyền vàng làm quà cưới. Đấy là một món trang sức xinh đẹp nhất bạn có thể tưởng tượng được, nào là đá quý rũ xuống từ viền ren bằng vàng tinh vi, nhưng nó cũng được ám vào những ma thuật chết người. Nó đem vận rủi đến cho Harmonia (cũng là rõ mồn một thôi, vì cô gái bị biến thành rắn mà), nhưng đồng thời còn truyền qua cho con cháu cô ấy. Bất cứ kẻ nào mang sợi dây chuyền ấy thì trong bao thế hệ đều có những thảm kịch tang thương xảy đến với họ. Chúng ta sẽ không đề cập chi tiết, nhưng chuyện này cho thấy Hephaestus cũng có phần tâm địa xấu xa. Nếu có khi nào bạn tìm thấy một trong những sợi dây chuyền của ông ta, hãy nhớ kiểm tra phần chữ khắc. Nếu là Chúc mừng Harmonia! thì bạn quẳng nó đi.
Sau Aphrodite, mối quan hệ tái xuất đầu tiên của Hephaestus là với vị nữ thần tên Aglaia. Cô này là một trong ba thần Phước Lành. Mà nói Phước Lành, tôi không có ý nói đến hội Thiện Nguyện hay Đội Cứu Tế đâu nhé. Ba nữ thần Phước Lành này là nữ tì của Aphrodite, nên hẳn Aphrodite phải cáu lắm khi Hephaestus bắt đầu hẹn hò với một cô trong số đó.
Giống như là, Phải, tôi đá cô, rồi tôi sẽ hẹn hò với nữ tì của cô. Ráng mà chịu đi.
Mà thôi, Hephaestus và Algaia có nhiều con gái nữ thần.
Rồi Hephaestus hẹn hò với một mớ công chúa phàm trần và có lô lốc con á thần sau này thành vua của thành phố Hy Lạp này thành phố Hy Lạp nọ.
Ông ta thậm chí còn say nắng với một tiên nữ tên Etna, là nữ thần của ngọn Etna ở đảo Sicily. Nếu các bạn có theo dõi, thì đấy là ngọn núi mà Zeus đã dùng để đập tan tên khổng lồ giông bão Typhoeus. Tôi không rõ vì sao Hephaestus lại muốn hẹn hò với một tiên nữ núi hơi sứt mẻ đôi chút, nhưng họ có vài con với nhau gọi là những palikoi, là linh hồn của suối nước nóng và mạch nước. Nếu có khi nào bạn đi công viên Đá Vàng để xem dòng Old Faithful làm trò, thì hãy nhớ la lên, "Hephaestus gửi lời chào! Gọi cho bố anh thường xuyên hơn nhé, đồ lười!"
Những người con thú vị nhất của Hephaestus là cặp trai song sinh ông ta có cùng một tiên nữ biển tên Kabeiro. Cặp song sinh được gọi là anh em Kabeiroi theo tên mẹ, nhưng tên thật của họ là Alkon và Eurymedon. (Và không đâu, bạn không phải ghi nhớ điều này để làm bài kiểm tra gì cả. Nếu thầy các bạn có nói khác, thì thầy bạn SAI RỒI.)
Anh em Kaberoi rất giống Hephaestus, nghĩa là họ giỏi chế tác đồ kim loại và xấu xí vô cùng. Đôi khi họ được mô ta là những thằng lùn, mặc dù có lẽ họ chỉ trông nhỏ thó khi đứng cạnh bố mà thôi. Họ giúp cho Hephaestus nơi các lò rèn ở Lemnos và thậm chí tham chiến dưới danh nghĩa ông ta. Có lần họ phi về hướng đông cùng Dionysus trong khi Hephaestus tiến sang Ấn Độ. Rồi khi họ gặp rắc rối, Hephaestus phải đi giải cứu.
Các bạn không biết vị thần rượu vang đã tuyên chiến ở Ấn Độ chứ gì? Chúng ta sẽ nói đến chuyện này trong chốc nữa. Nhưng ngay lúc này đây, tôi đang thấy thích chút thơ.
Các bạn có thấy thơ thẩn không? Không á?
Thế thì, MẶC CÁC BẠN. Apollo đang mất hết kiên nhẫn rồi đây này. Ông ta muốn tôi viết đến chương về ông ta, và vì ông ta là vị thần Olympia anh tài nhất (thậm chí nếu ông ta có tự nói là thế), nên các bạn không thể lần lữa với Cậu Bé Vàng thêm được nữa.