Các bạn phải thấy thương cho mẹ của Apollo.
Có bầu đã là vất vả rồi. (Chẳng phải do tôi biết đâu, mà là mẹ tôi đã nói với tôi đến cả triệu lần ấy.) Mẹ của Apollo, thần Titan Leto, lại mang bầu song thai, mà không thể đến bệnh viện khi lâm bồn. Thay vào đấy bà ta phải bỏ chạy giữ mạng, lủi từ hòn đảo này sang hòn đảo khác, bị một nữ thần hằn học cùng một con rắn khổng lồ truy sát.
Bạn có ngạc nhiên không khi biết rằng toàn bộ vụ này là lỗi của Zeus?
Lão Sấm Quần đem lòng yêu Leto và thuyết phục bà ta sẽ ổn cả thôi nếu hai người có con.
"Hera sẽ không bao giờ phát hiện ra đấu!" ông ta hứa hẹn.
Zeus đã nói lời dối trá kia với quá nhiều phụ nữ rồi, chắc đến bản thân ông ta cũng tin vào điều đó nốt.
Dĩ nhiên là Hera phát hiện được. Bà ta từ trên ngọn Olympus trừng mắt nhìn xuống một Leto xinh đẹp đang mang thai, đang ngời ngời sức khỏe, ngồi ngoài đồng cỏ mà vuốt ve cái bụng bầu to tướng, khẽ hát cho những đứa con chưa chào đời của mình.
Hera lầu bầu, "Sao ả dám hạnh phúc thế chứ? Để xem khi bị đau đớn đến vĩnh cửu thì ả sẽ hạnh phúc thế nào nào!" Nữ hoàng của thiên đàng dang rộng hai tay ra chỉ thị cho toàn mặt đất bên dưới mình. "Hãy nghe ta đây, cả thế giới! Hãy nghe ta đây, hỡi Đất Mẹ Gaea! Ta ngăn cấm không cho bất cứ vùng đất nào có nguồn rễ từ trái đất được phép nhận Leto vào khi ả đến kỳ sinh nở. Bất cứ vùng đất nào dám trái lời ta, ta sẽ nguyền rủa nơi đó đến muôn đời! Leto sẽ không được có giường mà nằm, không có nơi để nghỉ! Ả sẽ buộc phải lang thang không có chốn sinh con, ả sẽ mãi mãi mang thai và muôn đời chuyển dạ, chịu đau đớn vì tội đã chiếm đoạt chồng của ta! HAHAHA!"
Phải rồi, nhất định Hera hôm đấy đã tung ra phần nội tâm Phù Thủy Xấu Xa Phương Tây của mình. Mặt đất rung chuyển. Tất cả những thiên linh trên mọi vùng đất có xuất nguồn từ đất đều hứa sẽ không giúp cho Leto. Nào, các bạn chắc đang thắc mắc, sao Leto không chịu mua một con thuyền rồi ra biển mà đẻ đi? Sao bà ta không đi xuống nước, hay tận Erobos, hoặc mướn một chiếc trực thăng rồi sinh đẻ trên không trung ở độ cao nghìn dặm ấy?
Theo như tôi đoán được, thì Hera bao gồm mọi khu vực ấy trong lời nguyền của mình. Bà ta tạo nên một tình huống bất khả thi, trong khi Leto chỉ có thể sinh con trên nền đất cứng, nhưng mọi nền đất cứng đều đã bị cấm không được dung nạp bà ta rồi. Hera hiểm thế đấy.
Khi Leto có mang được bảy tháng, bà ta bắt đầu chuyển dạ.
"Ôi hay ghê," bà ta rền rỉ. "Mấy đứa nhỏ này sẽ không chịu chờ đâu!"
Bà cố nằm xuống, nhưng mặt đất rung rinh. Cây cối bùng lên thành ngọn lửa. Các khe nứt mở ra trên mặt đất, thế là Leto phải bỏ chạy tìm nơi an toàn. Dù có di chuyển đến đâu, bà vẫn không thể tìm được một chỗ an toàn để nghỉ ngơi. Bà bơi thuyền sang một hòn đảo khác, nhưng tình huống tương tự vẫn xảy ra. Bà thử tìm trong cả tá chỗ khác nhau trong và ngoài Hy Lạp. Ở mỗi nơi, các tiên nữ đều từ chối giúp cho bà.
"Xin lỗi vậy," họ bảo. "Hera sẽ nguyền rủa chúng tôi đời đời nếu bọn tôi cho cô lên bờ. Cô không thể sinh con trên bất cứ vùng đất nào bắt nguồn từ trái đất cả."
"Nhưng như thế có nghĩa là tất cả các vùng đất mất rồi!" Leto phản đối.
"Vâng, ý đồ là thế đấy," các tiên nữ đáp.
Leto trôi dạt từ nơi này sang nơi khác, người ngợm đau nhức, mấy đứa bé chưa ra đời mỗi lúc một thêm nóng nảy. Leto có cảm giác như mình vừa nuốt chửng nguyên một quả bóng chơi ngoài biển bị bơm quá căng cùng vài con mèo hoang vậy.
Tuyệt vọng khốn cùng, bà ta đi đến Đền thiêng Delphi, nơi từng một thời là chốn linh thiêng của Phoebe mẹ của bà. Leto nghĩ rằng Đền thiêng sẽ cho mình chỗ nương náu.
Không may thay, hang động trong Đền thiêng đã bị một con rắn khổng lồ tên Python chiếm cứ. Nó ở đâu ra vậy? Các bạn sẽ thích chi tiết này cho xem. Từ python là từ tiếng Hy Lạp pytho, nghĩa là thối rữa. Quái vật Python được sinh ra từ thứ chất nhờn thối rữa còn sót lại từ trận đại hồng thủy khi Zeus nhấn chìm thế giới ấy. Ngon chưa!
Mà thôi, Python đã di dời vào trong khu vực ấy và tự nhủ, Ê, cái hang này dễ thương đây. Có nhiều con người béo tốt để ăn quá! Python bắt đầu nuốt sạch mấy thầy tế rồi đến các nhà tiên tri rồi những người hành hương đến tìm trợ giúp. Đoạn nó cuộn mình chợp mắt chốc lát.
Khi Leto ghé đến, bà ta sửng sốt khi thấy một con rắn dài cả ba chục mét to như xe buýt chuyên chở học sinh đang ở trong nơi linh thiêng được mẹ mình yêu thích.
"Mi là ai?" Leto tra hỏi.
"Ta là Python," Python đáp. "Còn mi chắc phải là bữa điểm tâm rồi."
Con rắn phóng đến Leto. Bà ta bỏ chạy, nhưng bà trông ngon miệng quá, vừa no tròn vừa bầu bì lại chậm chạp, nên Python đuổi theo bà hàng dặm dài. Đôi lần nó suýt nữa tóm được bà ta. Leto chật vật lắm mới chạy thoát ra đến thuyền mình.
Zeus ở đâu trong suốt thời gian ấy? Đang trốn. Hera đang trong cơn nhấm nhẳng, nên Zeus không muốn mình là tâm điểm cơn thịnh nộ của bà ta, thế là ông ta để Leto hứng hết. Gã đáng yêu chưa.
Leto chèo thuyền đi mãi cho đến khi nảy ra một ý tưởng điên rồ. Bà ta yêu cầu thuyền trưởng cho thuyền đi đến đảo Delos.
"Nhưng thưa bà," thuyền trưởng đáp, "Delos là hòn đảo nổi cơ mà! Không ai biết nó nằm ở đâu từ ngày này sang ngày khác cả."
"CỨ ĐI TÌM ĐI!" Leto hét lên. Cơn đau chuyển dạ khiến hai mắt bà ta đỏ vằn lên vì đau đớn.
Viên thuyền trưởng ngắc ngứ. "Đảo Delos, đến ngay đây ạ!"
Sau nhiều ngày căng thẳng, họ cũng tìm ra hòn đảo. Nó trông như một hòn đảo bình thường – cũng bờ biển, cũng đồi, cũng cây cối vân vân – nhưng Delos không gắn liền vào trái đất. Nó nổi trôi trên đầu sóng như một chiếc phao cứu hộ khổng lồ, dạt quanh vùng Địa Trung Hải, thỉnh thoảng va vào những hòn đảo khác rồi bật ra, hay bơi cán qua mấy con vá voi ngờ nghệch.
Khi con thuyền tiến đến gần hơn, Leto gắng gượng đứng trên mũi tàu. Bà ta đang đau vô cùng đến nỗi nghĩ cũng không được; nhưng bà vẫn gọi lớn đến thiên linh chính của hòn đảo: "Ôi Delos vĩ đại, chỉ có người mới giúp được ta! Xin hãy cho ta lên bờ mà hạ sinh trên đảo của người!"
Hòn đảo rùng rùng rung chuyển. Một giọng nói từ những ngọn đồi dội lại: "Hera sẽ tức tối vô bờ nếu ta làm thế."
"Bà ta không thể hại được người!" Leto la lên. "Lời nguyền của bà ta nói cụ thể là những vùng đất bắt nguồn từ trái đất. Người đâu có nguồn! Với lại, khi con ta được sinh ra, chúng sẽ bảo vệ người. Những hai thần Olympian về phe người đấy. Hãy nghĩ đến điều ấy. Delos sẽ trở thành nơi thiêng liêng của chúng. Người sẽ có những đền đài vĩ đại cho riêng mình. Người cuối cùng cũng được yên vị tại một chỗ. Nội ngành du lịch không thôi cũng sẽ mang đến cho người hàng triệu đồng!"
Delos ngẫm nghĩ đến điều này. Hòn đảo đã quá ngán phải trôi dạt lung tung. Các tiên nữ của rừng đang bị say sóng vì cứ mãi nhồi lên nhồi xuống trên các con sóng.
"Được rồi," giọng nói đáp. "Lên bờ đi."
Ngay khi Leto tìm được một chỗ để nằm xuống, cả thế giới run rẩy ngóng chờ. Đâu phải ngày nào cũng có hai thần Olympian mới được sinh ra đời đâu. Mọi nữ thần – tất nhiên là trừ Hera ra – đều lao đến bên Leto giúp bà ta sinh nở.
Leto sinh ra hai đứa bé xinh đẹp – bé trai tên Apollo, bé gái tên Artemis. Hai bé được sinh ra ngày thứ bảy của tháng thứ bảy, khi Leto mang thai bảy tháng, nên con số thiêng của chúng là số 13. (Đùa thôi. Là số 7 đấy.)
Chốc nữa chúng ta sẽ bàn đến Artemis, nhưng Apollo thì không phí chút thời gian nào để giành làm tâm điểm. Ngay khi uống tiên tửu từ bình sữa mình xong, cậu bé nhảy ra khỏi vòng tay mẹ, đứng trên hai chân mình mà cười tươi rói.
"Sững chưa mấy cô?" cậu bé hỏi. "Tên tôi là Apollo, và tôi cần cung và tên, nhanh lên! Với lại, một thứ nhạc cụ cũng hay đấy. Có ai phát minh ra đàn lia chưa vậy?"
Các nữ thần bối rối nhìn nhau. Ngay cả các thần Olympian cũng không quen cảnh trẻ sơ sinh cười toe nói chuyện nguyên câu và yêu cầu vũ khí đâu.
"E hèm, ta chưa từng nghe nói đến đàn lia," Demeter thừa nhận.
Thật ra, sau này đàn lia mới được phát minh ra, nhưng đấy lại là chuyện khác.
Apollo nhún vai. "Không sao. Đàn ghi ta cũng được. Hay một cái ukulele. Chỉ làm ơn không phải là đàn banjo. Tôi không chơi banjo đâu."
Các nữ thần tất tả đi tìm thứ mà cậu nhỏ cần. Hephaestus làm cho cậu bé một chiếc cung vàng tuyệt đẹp cùng một ống tên. Thứ nhạc cụ hay ho nhất họ có thể tìm ra là kera, giống như chiếc kèn trumpet.
Khi các nữ thần quay lại Delos, Apollo đã lớn thật nhanh trông như cậu bé năm tuổi, dù mới chưa tới một ngày tuổi. Cậu bé có mái tóng dài vàng óng, nước da bánh mật, đôi mắt sáng ngời như mặt trời. Cậu đã tự tìm cho mình một chiếc váy Hy Lạp dệt từ vàng, nên nhìn vào cậu cứ chói lóa hết cả mắt.
Cậu quàng cung cùng ống tên lên vai và vơ lấy keras. Cậu thổi một bản nhạc du dương bằng kèn trumpet, rồi bắt đầu hát không nhạc đệm.
"Ô, ta là Apollo, ta bảnh tỏng quá chừng! La la la, gì gì đó vần với bảnh!"
Thật ra tôi chẳng hiểu cậu ta hát gì, nhưng cậu thông báo rằng mình sẽ là thần của thuật bắn cung và của thơ ca nhạc họa. Cậu cũng thông báo rằng mình sẽ trở thành thần tiên tri, sẽ thông dịch ý nguyện của Zeus cùng lời lẽ từ Đền thiêng cho mọi kẻ truyền tin người phàm nhỏ bé đáng thương.
Khi bài hát của cậu chấm dứt, các nữ thần lịch sự vỗ tay, mặc dù họ vẫn nghĩ toàn bộ chuyện này hơi có chút kỳ quái. Đảo Delos hân hoan khi nó có được một thần bảo hộ mới. Delos đặt gốc xuống neo mình giữa biển khơi để khỏi phải dịch chuyển đi đâu nữa. Hòn đảo bao phủ lên mình loài hoa vàng rực để vinh danh vị thần vàng óng Apollo. Ngày nay nếu bạn đến thăm Delos, bạn vẫn có thể nhìn thấy những cánh đồng hoa dại ấy trải dài giữa các tàn tích, mặc dù mừng thay là Apollo không thường xuyên ở đó thổi kèn trumpet nữa.
Apollo lớn nhanh như thổi. Qua chừng một tuần, cậu đã trở thành một thần trưởng thành như mọi người, nghĩa là cậu ta hoàn toàn bỏ qua trường học, nhận bằng danh dự, và thôi không già đi nữa khi cậu ta trông như hai mươi mốt tuổi. Rồi cứ hai mươi mốt mãi đến muôn đời. Không tồi lắm, nếu bạn có hỏi tôi.
Hành động đầu tiên của Apollo là báo thù cho mẹ mình vì bà phải chịu đau đớn khổ sở khi đang tìm chỗ sinh nở. Buồn thay là cậu không thể tiêu diệt Hera, vì bà này là nữ hoàng của thiên đàng các kiểu, nên khi cậu nghe đến con rắn khổng lồ Python từng đuổi mẹ mình ra khỏi Delphi, Apollo nộ khí xung thiên.
"Con quay lại ngay," cậu bảo Leto.
Apollo bay đến Delphi (vâng cậu ta có thể bay) mà gọi lớn tên Python.
"Thằng rắn kia!"
Python mở mắt ra. "Muốn gì đây?"
"Hát cho mi nghe một vài về sự tuyệt vời của ta!"
"Ôi thôi. Giết ta đi cho rồi."
"Okay!" Apollo rút cung ra bắn con rắn ngay giữa hai mắt. Rồi cậu ta hát một bài về sự tuyệt vời của mình. Cậu lôi xác con rắn vào một khe nứt bên dưới hang động, để nó thối rữa ra trong ấy đến muôn đời và tỏa ra đủ thứ mùi hương hay ho.
Apollo chiếm lĩnh đền thiêng Delphi. Cậu chào đón các thầy tế cùng người hành hương trở lại. Vì Oracle trước kia từng thuộc về bà ngoại của cậu là Phoebe, nên đôi khi cậu được gọi là Phoebus Apollo. Nữ tư tế chính yếu, người tiên đoán tương lai, được biết đến như là Pythia, đặt theo tên con rắn Python. Hay có lẽ cô ta được gọi như thế vì cô ta nói ra toàn những chuyện thối hoắc. Mà thôi, cô ta luôn nhận lời tiên tri trực tiếp từ thần Apollo, và lời thoại luôn là những câu đố khó hiểu hay những bài thơ dở tệ, hay cả hai.
Cô ta sống trong hang nơi con rắn bỏ mạng. Thường cô ta hay ngồi trên chiếc ghế đẩu ba chân cạnh một trong mấy khe nứt lớn phả ra khí núi lửa ngột ngạt, có mùi như mùi rắn chết. Nếu bạn dâng đồ tế lễ, Pythia sẽ nói cho bạn biết tương lai hoặc trả lời bất cứ câu hỏi nào. Như thế không có nghĩa là bạn sẽ hiểu được câu trả lời đâu nhé. Mà nếu có hiểu thật, chắc các bạn cũng sẽ không thích đâu.
Apollo đòi được vị trí của mình giữa các thần Olympian, mà ngay cả Hera cũng không dám phản đối. Anh ta trông thật… thần thánh mà.
Anh ta cao lớn vạm vỡ người màu đồng hun như một chàng cứu hộ trong phim Baywatch. Anh để tóc vàng dài, nhưng cột lại thành búi tó để tóc không cản tài bắn cung của mình. Anh thong thả đi quanh ngọn Olympus trong bộ váy óng ánh cùng cung tên, nháy mắt với các chị và vỗ tay thân mật với các anh, hay thỉnh thoảng đá lông nheo với mấy anh và vỗ tay với mấy chị. Apollo không quan tâm. Anh ta biết mọi người thích mình.
Anh ta giỏi làm thơ làm nhạc… hay ít ra là có vài người thích thứ ấy. Tôi ấy à, tôi thì thuộc kiểu rock ‘n’ roll trăm phần trăm, nhưng sao cũng được. Apollo trong các bữa tiệc bao giờ cũng được yêu thích, vì anh ta có thể mua vui cho bạn với đờn ca, nói cho bạn biết tương lai, hay thậm chí có thể bắn cung vài chiêu hay ho, như là bắn xuyên táo một tá banh bóng bàn một lúc hay bắn rơi cốc rượu khỏi đầu Dionysus.
Apollo cũng trở thành thần của dân chăn cừu và lùa bò. Vì sao ư? Tôi nào biết chứ. Rõ ràng Apollo thích phần thịt hạng thượng thặng. Anh ta nuôi được đàn gia súc ngon lành nhất thế giới mà. Ai ai cũng muốn trộm lấy chúng, nhưng Apollo cho canh gác chúng luôn. Nếu kẻ nào đến gần đàn gia súc thiêng liêng của anh ta, rất có thể họ sẽ khơi mào cho Thế Chiến B (viết tắt của bò).
Khi Apollo nổi giận, anh ta không lằng nhằng gì. Anh ta có thể trừng phạt bất cứ người thường nào ở bất cứ nơi đâu chỉ bằng việc giương cung lên mà bắn. Mũi tên sẽ vồng lên xuyên qua trời xanh mà tìm đích đến, không cần biết là bao xa. Nếu như Apollo đang ở đâu đó tại Hy Lạp và một gã nào đấy mãi tận Tây Ban Nha lẩm bẩm, "Apollo ngu ngốc!"… BÀM! Một gã Tây Ban Nha chết ngắc. Mũi tên cũng sẽ là vô hình – nên những người thường khác sẽ không bao giờ biết thứ gì đã đánh trúng gã.
Vào thời Hy Lạp Cổ Đại, bất cứ khi nào ai đó lăn ra chết bất đắc kỳ tử, người ta sẽ cho rằng Apollo đã bắn gục người này – có lẽ là hình phạt, hay là phần thường cho những kẻ thù của người ấy.
Các bạn nghĩ mà xem này, chuyện này nghe sẽ rất là lạ đây: Apollo là vị thần của chữa lành. Nếu các bạn muốn có băng cá nhân hay thuốc giảm đau, Apollo có thể giúp cho đấy. Nhưng anh ta cũng có quyền năng về dịch bệnh truyền nhiễm nữa. Anh ta có thể chữa cho hoặc hại chết cả một đội quân hay một quốc gia. Nếu nổi khùng lên, anh ta sẽ bắn một mũi tên nổ tung thành hơi độc hại làm lây lanh bệnh đậu mùa, dịch hạch hay bệnh than. Nếu như một ngày tận thế chết chóc có khi nào xuất hiện, thì bạn sẽ trách ai rồi đấy.
Apollo là thần của rất nhiều thứ, đến cả người Hy Lạp cũng lẫn lộn. Họ cứ như là, "Hừm, mình quên mất ai là thần đan giỏ rồi. Chắc là Apollo thôi!"
Có lẽ đấy là nguyên do, về sau này, người Hy Lạp và La Mã bắt đầu gọi Apollo là thần mặt trời. Thực chất đây là việc của Helios, nhưng con người dường như quên đi Helios và quyết định thay vào đó trao cho Apollo cỗ xe mặt trời vậy. Vì Apollo khi nào cũng sáng lóa ánh vàng như mặt trời nên chuyện này cũng hợp lý thôi.
Nhưng trong quyển sách này, chúng ta hãy không nghĩ đến anh ta như là thần mặt trời nhé. Anh chàng này đã có quá nhiều trách nhiệm rồi. Với lại, ý tưởng Apollo cưỡi cỗ xe mặt trời làm tôi phát hoảng, vì bạn biết anh ta đa phần sẽ nói chuyện điện thoại luôn còn radio vì vặn hết cỡ, phần loa thùng khiến cả cỗ xe xập xình. Anh ta sẽ đeo kiếng đen vào và ngắm nghía mấy cô nàng, như là, Em sao rồi?
Mà thôi, biểu tượng của Apollo là cung và tên – có gì ngạc nhiên đâu. Sau này, khi đàn lia (giống một chiếc đàn hạc nhỏ) được phát minh ra, nó cũng trở thành biểu tượng của anh ta luôn.
Điều chủ yếu cần biết về Apollo: đừng bao giờ đánh giá thấp anh này. Hôm nay anh ta có thể là thần của các bài thơ ngũ ngôn hay mấy bài nhạc nhức tai ngu xuẩn và những lớp học sơ cứu đấy. Nhưng hôm sau anh ta sẽ là thần của vũ khí hóa học cùng các dịch bệnh tàn phá thế giới. Vậy mà bạn lại cho Poseidon là kẻ thái nhân cách cơ đấy.
Apollo sẽ không giết bạn mà không có lý do. Chỉ là anh ta không cần lý do gì cao siêu cho lắm.
Ví dụ nhé: Một lần nọ mẹ anh ta, bà Leto, đến thăm anh chàng tại Delphi. Dọc đường đi bà ta bị gã khổng lồ tên Tityos chọc phá. Tôi biết. Cái tên nghe thấy ghê, Tityos. Tôi chẳng thể làm gì được với cái tên này rồi.
Vâng, Tityos là thứ cặn bã. Gã là một trong mấy đứa con kinh dị nhất của Zeus. Mẹ gã là một công chúa điển hình người thường của các bạc, Elera; nhưng khi cô ta có mang, Zeus có ý tưởng vô cùng thông minh để giấu cô ta khỏi Hera bằng cách nhét cô này vào hang ngầm dưới lòng đất. Thứ gì đó trong hơi ẩm bốc lên trong hang khiến cho đứa con chưa chào đời của Elera trở nên xấu xí và to lớn hơn khả năng chứa đựng của cơ thể mẹ nó. Cũng hơi gớm ghiếc chút, nhưng mà… à thì, KA BÀM! Elera chết tươi. Tuy nhiên, đứa bé cứ tiếp tục lớn lên cho đến khi nguyên một cái hang trở thành phòng ấp cho nó. Thế rồi Gaea, chính nữ thần Mặt Bụi già nua ấy, quyết định làm mẹ mang thai hộ cho Tityos. Bà ta hoàn tất việc huấn luyện thằng bé trong Nơi Hắc Ám. Khi cuối cùng Tityos cũng đi ra khỏi lòng đất, thì gã trông ít giống con trai của Zeus mà giống con của quái vật Frankenstein thì đúng hơn.
Mà thôi, Hera tóm được gã này và nghĩ mình có thể dùng gã khổng lồ này để trả lại mối thù Leto đã chờ đợi bao lâu nay.
"Này Tityos," một ngày nọ Hera bảo gã.
"Máu!" Tityos thét lên. "Thịt và máu!"
"Phải rồi," Hera nói. "Mấy thứ đó ngon lắm. Nhưng một cô vợ xinh đẹp cho mi thì thế nào nhỉ?"
"Thịt!"
"Được rồi. Để sau nhé. Một phụ nữ chút nữa đây sẽ đi ngang lối này, đến Delphi. Cô ta rất thích được mấy tên khổng lồ to khỏe bắt cóc lôi đi xuống sào huyệt dưới đất của chúng đấy. Có hứng thú không?"
Tityos gãi gãi cái đầu to cộ. "Máu?"
"Há, dĩ nhiên rồi." Hera mỉm cười. "Nếu cô ta kháng cự, cứ đổ bao nhiêu máu tùy mi thích!"
Tityos đồng ý, thế là Hera cho gã một chiếc bánh quy vì đã ngoan ngoãn và để gã nằm trên đường đến Delphi đấy mà chờ. Chẳng mấy chốc Leto xuất hiện, và Tityos nhảy ra tóm lấy bà.
Nhờ kinh nghiệm với Python, Leto có kha khá thời gian tập luyện bỏ chạy khỏi quái vật, và lần này bà ta còn không đang có bầu. Bà thụp người né khỏi gã khổng lồ rồi chạy thục mạng đến Delphi.
"Con này con?" bà la lên. "Ra ngoài này nhờ chút với?"
Apollo nghe thấy tiếng mẹ gọi. Anh ta chụp lấy cây cung và bắn. THỊCH. Tityos ngã sấp mặt xuống đất với một mũi tên vàng cắm thẳng vào tim.
Nhưng trả thù như thế với Apollo là quá chóng vánh. Anh ta đi xuống tìm Hades dưới Âm phủ và nói, "Cái tên Tityos này… tôi nghĩ hắn vẫn được xem như là á thần người thường. Không rõ nữa. Mà thôi, nếu hồn hắn có xuất hiện, thì tra tấn hắn giùm tôi cái. Trò gì hay hay vào… như Zeus đã làm với Prometheus ấy. Ngoại trừ là đừng sử dụng đại bàng. Có lẽ là kền kền hay gì đấy."
"Kền kền, hay gì đấy hả?" Hades hỏi lại.
"Phải rồi! Quá chuẩn!"
Hẳn là Hades đang không thấy muốn sáng tạo cho lắm, vì ông ta làm chính xác theo gợi ý của Apollo. Khi linh hồn của Tityos xuất hiện, gã khổng lồ bị kết tội sàm sỡ Leto. Gã bị đày đến Cánh đồng trừng phạt, tại đây gã bị xích lại, được ban cho một lá gan biết tự tái tạo, rồi bị mổ toang hung để lũ kền kền có thể suốt đời rỉa ăn từ đấy. (Tôi nghĩ sau này Prometheus có đâm đơn kiện tội vi phạm bản quyền.)
Một lần khác, Apollo trả đũa cho một lần bị sỉ nhục bằng một trận thảm sát hàng loạt. Nghe có vẻ công bằng nhỉ? Hoàng hậu của Thebes, tên Niobe, có mười bốn đứa con – bảy trai bảy gái. Lũ trẻ khỏe mạnh đẹp đẽ và đạt điểm tốt trong trường, nên Niobe luôn miệng khoe khoang về chúng. Chắc các bạn đã từng gặp mấy bà mẹ như thế rồi. Bạn nói, "Vâng, cháu ghi được một bàn trong trận đá bóng tối qua đấy ạ." Thế là bà ta nói, "Ô, giỏi nhỉ. Tất cả mười bốn đứa con của ta đều là đội trưởng trong đội của chúng đấy, và chúng đạt toàn điểm A không thôi và còn biết chơi violin nữa cơ." Và bạn chỉ muốn vả vào mặt bà ta.
Vâng, Niobe là một bà như thế đấy. Ngày nọ thành phố Thebes có lễ hội vinh danh Leto. Các thầy tu đang ngợi ca thần Titan thật đẹp thận can trường và đã hạ sinh ra không chỉ một mà đến hai vị thần tuyệt vời, là Apollo và Artemis. Lời cầu khấn cứ kéo dài mãi không thôi, khiến hoàng hậu Niobe không chịu được nữa.
"Ôi dào, thế có gì đặc biệt!" bà ta nói với toàn thể người nghe. "Ta nghĩ Leto cũng chẳng đẹp hay can trường hơn gì ta. Với lại bà ta chỉ có hai đứa con. Ta có đến mười bốn đứa tuyệt vời kia!"
Ô - ố - ồ - okay. Nói không hay rồi.
Cách nửa kia thế giới, Apollo và Artemis nghe thấy lời sỉ nhục đấy bèn bay thẳng đến cung giương sẵn sàng.
Họ đáp xuống Thebes và một làn sóng kinh hoàng quét qua thành phố. Mọi người chết lặng hóa đá chỉ trừ hoàng hậu cùng gia đình bà ta.
"Hãnh diện với lũ con của ngươi lắm phỏng?" Apollo gầm lên. "Có lẽ bọn ta cần phải chỉ cho ngươi thấy trời cao đất rộng thôi."
Anh ta bắn đi bảy mũi tên vàng giết chết đám con trai của Niobe ngay tại chỗ. Artemis bắn hạ hết bảy con gái. Chồng của Niobe, ông vua ấy, khóc rống lên vì phẫn nộ, rút gươm ra, lao đến Apollo, thế là vị thần này cũng hạ luôn ông ta.
Tim Niobe tan nát. Bà ta bỏ chạy lên một ngọn núi trong vùng tiểu Á – là quốc gia mà chúng ta gọi là Thổ Nhĩ Kỳ ấy – rồi khóc than năm này qua tháng nọ, cho đến khi cuối cùng hóa thành đá. Người Hy Lạp từng hay đến thăm một điểm trên ngọn Sipylus nơi có một hình thù người đàn bà đang đứng bằng sa thạch dãi dầu sương gió, nước rỉ ra từ mắt bức tượng. Có lẽ bà ta vẫn còn đấy.
Còn về gia đình đã chết hết của bà ta, họ không được chôn cất đến chín ngày. Xác của họ nằm phơi trên đường phố thành Thebes, thu hút ruồi nhặng và mỗi lúc một thêm gớm ghiếc và, ừm, python, trong khi toàn bộ người dân trong trấn đều chết đứng như tượng.
Rốt cuộc, Zeus thấy xót thương cho thành Thebes. Ông ta giải bùa cho người dân cho phép họ chôn cất gia đình hoàng tộc. Không ai trong thành Thebes dám sỉ nhục Leto lần nào nữa, nhưng tôi bảo đảm Apollo và Artemis cũng chẳng được ưa thích gì ở đó lắm đâu.
Vậy mà Apollo vẫn có thể tìm ra những cách mới mẻ khủng khiếp khác để trừng phạt người ta.
Điều kinh khiếp nhất mà anh từng gây ra là với thần rừng Marsyas.
Anh chàng chân dê này sống ở Phrygia, trên vùng Tiểu Á, cũng gần gần cái nơi Niobe hóa đá thôi. Một ngày nọ Marsyas đang lúp xúp đi dọc bờ sông, lo chuyện của mình, thì anh ta nhìn thấy một thứ nhạc cụ là lạ nằm trên cỏ. Hóa ra đấu là ống sáo do Athena tạo ra - ống sáo đầu tiên nhất trên thế giới. Có lẽ các bạn còn nhớ những nữ thần khác đã trêu Athena trông thế nào khi cô ta thổi sáo, thế là cô ta quẳng sáo khỏi ngọn Olympus và thề là kẻ nào chơi thứ nhạc cụ này sẽ phải chịu một số phận khủng khiếp.
Thế đấy, Marsyas đáng thương không biết chuyện này. Có phải Athena dán nhãn cảnh cáo gì lên ấy đâu. Anh chàng thần rừng nhặt ống sáo lên bắt đầu thổi. Vì ống sáo đã được chứa đầy hơi thở của nữ thần, nên nó nghe mới kỳ diệu làm sao. Chẳng mấy chốc, Marsyas đã thành thục ngón bấm sáo và đang thổi thật du dương, những tiên nữ thiên nhiên quanh đấy cả dặm đều đến nghe anh ta thổi.
Loáng cái Marsyas đã ngồi ký tặng rồi. Anh ta giữ đến sáu ca khúc hạng nhất trên Billboard. Kênh YouTube của anh chàng thu hút bảy triệu lượt xem, và album đầu tiên của anh ta đoạt hạng bạch kim trong vùng Tiểu Á.
Thôi được, có lẽ tôi nói hơi quá. Nhưng Marsyas nổi tiếng nhờ âm nhạc của mình. Tên tuổi anh ta lan rộng.
Apollo không thích thế. Anh ta chỉ có năm ca khúc hạng nhất trên Billboard thôi. Anh không muốn một gã thần rừng vớ vẩn nào đó được lên trang bìa tờ Rolling Stone trong khi người đó lẽ ra phải là anh ta.
Apollo đi xuống Phrygia trôi lềnh bềnh vô hình trên đám đông đang tụ tập nghe Marsyas chơi nhạc. Gã này chơi hay đấy, khỏi phải hỏi. Điều này càng khiến Apollo giận điên.
Anh ta lắng nghe và chờ đợi, biết rằng chỉ là vấn đề thời gian mà thôi…
Ngay sau đấy, một tiên nữ mắt long lanh lóng lánh ngồi trên hàng đầu gào lên, "Marsyas, chàng là Apollo mới!"
Lời khen ấy chui thẳng vào đầu Marsyas. Anh chàng nháy mắt với cô tiên. "Cảm ơn cưng. Nhưng nói thật này, cưng thích nhạc của ai hơn – của Apollo, hay của ta?"
Đám đông hò reo vang dội – cho đến khi Apollo xuất hiện trên sân khấu sau một tia ánh sáng vàng óng xẹt qua. Mọi người im phăng phắc.
"Một câu hỏi thật hay đấy Marsyas!!" Apollo nói lớn. "Thế là thách đấu phải không? Vì nghe giống lời thách đấu lắm."
"Ơ… thưa thần Apollo… tôi đâu có—tôi không phải—"
"Một cuộc tranh tài âm nhạc ư?" Apollo cười toe toét. "Ta đồng ý liền! Chúng ta sẽ để đám đông chọn xem ai tài hơn, và để cho thêm phần thú vị, người thắng cuộc có thể làm bất cứ trò gì hắn muốn với kẻ thua – đòi bất cứ giá nào, áp dụng bất cứ hình phạt nào! Thấy sao hử?"
Marsyas tái mét, nhưng đám đông thì hò reo cổ vũ đồng tình. Buồn cười thay một buổi biểu diễn sáo có thể biến thành một cuộc hành quyết công khai nhanh đến thế nào.
Marsyas không có nhiều lựa chọn, nên anh ta phải thổi thật hay hết cỡ. Tiếng sáo của anh làm các tiên nữ phải rưng rưng. Những thần rừng khán giả khóc la, giơ đuốc lên không trung, kêu be he he như mấy chú dê con.
Apollo biểu diễn tiếp theo với đàn lia (lúc ấy đã được phát minh ra – để lát kể sau). Anh bập bà bập bùng rồi cất tiếng ca và chơi thêm một đoạn solo bốc lửa. Đám con gái ngồi ở hàng đầu xỉu hết. Khán giả rống lên hào hứng.
Thật không thể xác định được ai đã thắng trong cuộc so tài này. Cả hai nhạc sĩ đều tài năng như nhau.
"À…." Apollo gãi đầu. "Thế thì thi đấu quyết định vậy. Hãy xem xem ai có thể trình diễn chiêu hay nhất."
Marsyas chớp chớp mắt. "Trình diễn chiêu hả?"
"Ừ, anh biết mà. Mấy động tác đẹp mắt ấy! Tung hứng ấy! Anh có thể làm thế này không?"
Apollo đặt đàn lia ra sau đầu rồi gảy lên một điệu nhạc mà không cần cả nhìn vào dây đàn. Đám đông vỡ òa. Apollo xoay vòng hai tay. Anh trượt gối băng ngang sân khấu trong khi luyến nốt thoăn thoát chơi một đoạn nhạc biến hóa, đoạn anh ta bấm nút phát âm vang trên đàn lia rồi quăng mình nhảy vào trên đám đông, vẫn biểu diễn một đơn khúc khi đám đông chuyền đẩy anh ta trở lại sân khấu.
Những tràng cổ vũ phải sau chừng gần một tiếng đồng hồ mới ngơi bớt. Apollo tươi cười với Marsyas. "Ngươi có làm được không?"
"Với ống sáo ư?" Marsyas la lên. "Tất nhiên là không rồi! Không công bằng gì cả!"
"Vậy thì ta thắng!" Apollo nói. "Ta có hình phạt thích đáng này dành cho ngươi. Ngươi thấy đấy, Marsyas ạ, ngươi nghĩ mình đặc biệt chứ gì, nhưng người chỉ là thứ mới nổi nhất thời thôi. Ta mới là nổi tiếng mãi mãi. Ta bất tử. Còn ngươi? Hoa hòe hoa sói, không chút giá trị. Cạo bỏ đi lớp bề mặt, thì ngươi chỉ là một tên thần rừng phàm trần thôi – bằng xương bằng thịt. Ta sẽ chứng minh điều này cho đám đông biết."
Marsyas bước thụt lùi. Miệng mồm anh ta có vị như nhớt rắn. "Thưa ngài Apollo, cho phép tôi được xin lỗi vì—"
"Ta sẽ lột da sống ngươi!" Apollo vui vẻ nói. "Ta sẽ gỡ lớp da của ngươi đi, để tất cả chúng ta cùng thấy bên dưới đấy là gì!"
Thấy gớm chưa?
Phải rồi. Khá là kinh hoàng.
Marsyas chịu một cái chết rùng rợn chỉ bởi vì anh ta đám tạo ra thứ âm nhạc hay bằng âm nhạc của Apollo. Xác của anh thần rừng được chôn trong hang gần nơi so tài âm nhạc, máu của anh biến thành dòng sông đổ xuôi xuống sườn đồi.
Apollo lên trang bìa Rolling Stone. Nhìn nụ cười trên gương mặt anh ta, bạn không bao giờ nghĩ được gã này lấy da thần rừng may màn cửa đâu.
Điều chót về Apollo: anh ta được xác định là người độc thân và là tay hấp dẫn phụ nữ. Ê, một kẻ tâm thần giết người hàng loạt biết chơi đàn lia cơ mà? Không gì duyên dáng hấp dẫn hơn thế đâu!
Theo vài câu chuyện, Apollo hẹn hò với chín nàng Thơ – những nữ thần coi sóc cho các loại hình nghệ thuật khác nhau, như là bi kịch, hài kịch, kịch tả chân, hay gì đấy. Apollo không thể quyết định được phải chọn ai. Chín nàng đều đáng yêu; thế nên anh ta thề không bao giờ lấy vợ, chỉ hẹn hò lung tung thôi.
Duy chỉ một lần anh ta muốn phá bỏ lời thề. Anh ta phải lòng nhưng rồi tan nát con tim – toàn do lỗi của mình.
Một chiều nọ tình cờ Apollo đang thả bộ qua cung điện trên ngọn Olympus thì chạm mặt Eros, con trai của Aphrodite. Tay giết thuê tình yêu này đang ngồi bên bậu cửa sổ so lại dây cung. Thằng nhỏ nhìn thật non, cung thì bé tí, làm Apollo phá ra cười.
"Ôi mấy thần ơi!" Apollo chùi nước mắt. "Cậu gọi đó là cung đấy hả? Mấy mũi tên kia nhìn giống phi tiêu quá đi. Cậu có thể bắn trúng gì không thế?"
Eros trong lòng nguyền rủa, nhưng vẫn ráng gượng cười. "Cũng tàm tạm thôi."
"Đây mới là cung này, nhóc!" Apollo lôi ra cây cung bằng vàng của mình, do Hephaestus sản xuất. "Những kẻ thù của ta run bắn lên khi thấy ta xuất hiện. Ta có thể diệt bất cứ kẻ nào chỉ với một mũi tên ở bất cứ cự ly nào! Cậu thì… hừm, ta nghĩ cậu là một tay săn chuột nhảy đáng sợ đấy!"
Apollo bỏ đi, vẫn còn cười hô hố.
Eros nghiến răng. Cậu ta lầm bầm, "Để rồi chúng ta xem nhé, ông To Mồm. Có thể ông hạ được kẻ thù, nhưng tôi có thể hạ được ông."
Sáng hôm sau Apollo đang đi bộ dọc bờ sông ở Thessaly, vừa gảy đàn lia vừa tận hưởng ánh mặt trời, thì Eros bắn một mũi tên thẳng vào tim Apollo.
Tình cờ, gần đấy có một thủy tiên nữ đang thắm – là một trong những cô con gái của linh hồn sông trong vùng. Tên nàng là Daphne. Nói đúng ra thì Daphne xinh đẹp. Đa phần các thủy tiên nữ đều thế. Nhưng lúc Apollo trông thấy nàng, anh ta nghĩ Daphne còn hấp dẫn hơn cả Aphrodite kia. Những cô gái trước nay anh ta hò hẹn dường như biến thành tầm thường hết cả lũ. Apollo nhất định mình phải cưới Daphne.
Buồn cái là, như nhiều tiên nữ sáng suốt khác, từ lâu Daphne đã thề không hẹn hò với thần, vì toàn những chuyện rủi xảy ra cho bạn gái của họ. Có lẽ không phải lúc nào cũng vậy. Chỉ chừng 99.9% thôi.
"Này!" Apollo gọi với. "Tên nàng là gì?"
Daphne phóng ra khỏi sông và quấn váy quanh mình. "Tôi—tôi là Daphne. Làm ơn đi đi cho."
"Ồ, Daphne Làm Ơn Đi Đi Cho," Apollo bảo, "Ta yêu nàng! Hãy cưới ta đi, rồi ta sẽ khiến nàng là thủy tiên nữ hạnh phúc nhất vũ trụ này."
"Không."
"Ta van nàng! Hãy lại đây; để ta hôn nàng nào. Ta sẽ chứng minh tình cảm của mình và… Ê, nàng đi đâu đấy?"
Daphne bỏ chạy.
Apollo nhanh lắm, nhưng Daphne còn nhanh hơn. Apollo vướng víu những cung và đàn kia và lại còn đang ngơ ngẩn vì tình, nên anh ta liên tục dừng lại để sáng tác ra mấy bài haiku mới ngợi ca Daphne.
Nhưng rồi dần dà, Daphne bắt đầu thấm mệt. Nàng chạy đến mỏm đá nhìn xuống một hẻm núi. Apollo đang leo lên sườn dốc sau lưng nàng. Daphne không có cách nào chạy ngược lại.
Thế là nàng chỉ còn hai lựa chọn: nhảy đi bỏ mạng, hoặc đồng ý lấy Apollo. Nghe thấy anh ta lải nhải bài thơ tình, nàng nghĩ việc nhảy khỏi mỏm đá cũng khá hợp lý.
Trong cơn tuyệt vọng, nàng cầu đến điều cuối cùng: "Ôi Gaea, thần bảo hộ cho mọi thiên linh, xin hãy lắng nghe tôi! Hãy cứu tôi khỏi phải làm bạn gái cho tên thần này!"
Gaea thấy tội cho Daphne. Ngay khi Apollo đi đến mỏm đá quàng tay quanh người thủy tiên nữ, Daphne biến thành cây nguyệt quế. Apollo thấy mình đang ôm một thân cây, đang vuốt ve hai cánh tay đã biến thành cành cây, đang lùa tay qua mái tóc nay đã biến thành lá.
Apollo tuyệt vọng nức nở. "Ôi nàng thủy tiên nữ xinh đẹp! Ta sẽ không bao giờ quên nàng. Nàng là tình yêu đích thực duy nhất của ta. Lẽ ra nàng nên làm vợ ta! Ta đã không giành được tình yêu của nàng, nhưng từ rày cho đến khi tận diệt, nàng sẽ là biểu tượng của khải hoàn. Lá cây của nàng sẽ trang hoàng cho đầu ta, và ta sẽ khởi đầu cho hẳn một trào lưu thời trang mới!"
Đấy là lý do vì sao các bạn thường thấy tranh của người Hy Lạp và La Mã đội vòng hoa nguyệt quế trên đầu. Apollo biến đấy thành phong cách thời trang. Cây nguyệt quế trở thành biểu tượng vinh dự. Nếu bạn thắng một cuộc thi hay một sự kiện thể thao, bạn phải đội vòng nguyệt quế. Nếu bạn chinh phạt được một quốc gia thù địch, thềm nhiều nguyệt quế nữa! Nếu bạn quá mệt mỏi phải làm những chuyện hay ho và bạn đã có đủ lượng nguyệt quế để nhồi thành nệm rồi, thì bạn có thể rửa tay gác kiếm và nghỉ ngơi trên vòng nguyệt quế!
Tất cả chỉ vì Apollo vênh vang về cây cung bằng vàng diệu vợi to lớn của mình.
Eros hả hê lắm, nhưng nói chung ra thì, Apollo vênh vang cũng phải thôi. Anh ta là tay cung thủ giỏi nhất thế giới mà. Chỉ có một người giỏi ngang anh ta thôi, thậm chí chắc còn giỏi hơn nữa.
Đấy phải là Artemis em của Apollo. Nếu các bạn muốn đọc về cô này, được thôi. Nhưng mọi người ạ - phải thật nghiêm túc đứng đắn vào đấy. Tôi cảnh cáo này: Artemis không có trí khôi hài đâu nhé.