Thời nay, con người tôn sùng khoa học; trên cơ sở tận dụng vật chất nghèo nàn, Phật pháp đã lập ra Tam đế để làm rõ bản tính và đạo đức của chúng sinh. Nhìn sơ lược, ta sẽ thấy lý tính và sự tướng của sự vật có sự khác biệt, nhưng suy xét kỹ càng thì lý tính và sự tướng cũng giống nhau. Trên thực tế, khoa học không thể vượt ra ngoài phạm vi Tam đế, Tam đế cũng không xa rời khoa học, duy chỉ có Phật pháp thông tỏ giác ngộ và viên dung, cho nên tùy duyên bất biến, cứu cánh Niết bàn. Con người mê muội và thiên kiến, thành ra hễ tiếp xúc với trần cảnh thì đều sinh vọng tưởng trói buộc tâm mình, dẫn đến luân hồi trong lục đạo. Tuy sẵn có bản tâm tỉnh giác nhưng do mê muội làm vọng tưởng thêm sâu dày, cho nên người u mê cần nương theo phương tiện để khởi lên chính giác, người đã tỉnh giác cần dựa vào hoằng pháp giáo hóa chúng sinh để được viên mãn. Kẻ mê thì đắm chìm trong Tam hoặc, còn người giác ngộ thì thấu tỏ nghĩa Tam đế.
Nói về Không đế, ngôn ngữ hay tư duy đều không thể nghĩ bàn, không hình thành bất cứ pháp nào. Kinh viết: Mảy bụi đậu trên đầu sợi lông con thỏ, lông con dê (dương thố mao trần)1. Chúng ta phân tích ra sẽ thấy chúng chỉ là tướng trạng của các kim trần, thủy trần hợp thành, phân tích thêm nữa, lại biết đó là các mảy bụi cực nhỏ, không thể tiếp tục chia tách được nữa, gần với hư vô. Còn trong lĩnh vực khoa học, khi phân tích sẽ thấy nguyên tử do các hạt nucleon, electron cấu thành, tiếp tục phân tích lại được các hạt neutron tinh vi hơn nữa. Đó đều là chân lý “Sắc chẳng khác Không”, là Không đế vậy. Một khi chúng ta đã biết bản thể của vạn pháp đều là Không thì có thể phá trừ mọi mê mờ sự lý2.
Chú thích:
1 Dương thố mao trần: Mảy bụi đậu trên đầu lông con thỏ, tương đương với một phần bảy của mảy bụi dính trên đầu sợi lông con dê. Bụi nhỏ (vi trần) là yếu tố cấu thành vật chất, mảy bụi cực nhỏ (cực vi) là đơn vị nhỏ nhất, không thể chia được nữa. Hợp bảy vi trần thành một kim trần, bảy kim trần là một thủy trần, bảy thủy trần là một thố mao trần. (Theo Từ điển Phật học online)
2 Mê mờ sự lý: Chỉ kiến hoặc (見惑) và tư hoặc (思 惑). Kiến hoặc chỉ những nhìn nhận sai lầm, mê hoặc do chưa có cái nhìn của chính kiến, tức thiếu vắng cái nhìn trên tinh thần duyên khởi. Tư hoặc chỉ sự tư duy sai lầm dưới sự điều khiển dẫn dắt của tham lam, sân hận và ngu si.
Nói về Giả đế, muôn vàn sự vật hiện tượng trong vũ trụ như cây cối um tùm, không xả bỏ bất kỳ pháp nào. Kinh viết: Sáu yếu tố cấu thành thế gian hiện diện và dung hòa tự tại vô ngại trong nhau, cỏ cây ngói vụn thảy đều là thân Phật trong Mạn đồ la Tam muội da (Tam muội da thân), đối với các mặt kỹ thuật nghệ thuật, y dược thuốc men, thanh âm tiếng giọng, tử vi chiêm tinh,... đều phải hiểu rõ. Từ đó ta mới biết, tất cả phát minh trên phương diện khoa học, vật lý, hóa học, điện tử, đều nhờ sáng tạo mà thành.
Đó đều là chân lý “Không chẳng khác Sắc”, là Giả đế vậy. Đã biết bản thể của các pháp là chân không diệu hữu, cái có chẳng phải thật có thì có thể phá trừ trần sa hoặc.
Sự và lý vốn là một chứ không phải hai thứ, nhưng có tên gọi và tướng trạng khác nhau. Tiếc là nếu ta chấp trước vào vật chất thì mất đi tinh thần, chấp trước vào tinh thần thì không có vật chất, như thế gọi là nhất nguyên. Nên biết cả hai cách nhìn nhận như vậy đều khiến ta rơi vào thiên kiến lệch lạc. Kinh viết: “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc” là lấy pháp môn bất nhị, tức nói đến trung đạo đệ nhất nghĩa đế vậy. Đã nói pháp môn không hai, tức chỉ duy nhất nguyên lý chân như. Hiểu được như vậy thì các pháp đều viên thông, có thể phá trừ gốc rễ vô minh. Mặc dù đắc trung đạo nhưng cũng không bỏ hai đế Không - Giả, giống như bàn tay lúc xòe, lúc nắm, người trí thấy là một, kẻ mê thấy khác nhau vậy. Nếu những người làm khoa học mê muội không hiểu lý chân không, phỉ báng Phật pháp, bám chấp vào nhân ngã với các tướng trạng bên ngoài, tâm dính mắc thế gian, chưa được nghe chính đạo, thì còn có thể cảm thông. Còn người tu học Phật pháp mà mê chấp cái hiện hữu giả tạm, bài xích khoa học, là mắc vào đoạn kiến và thường kiến do định kiến. Tâm chướng ngại do tri kiến, sao có thể thâm nhập Đại thừa?
Cư sĩ La Vô Hư vừa là nhà khoa học, đồng thời thực hành đạo Bồ tát. Khi nghiên cứu về nguyên tử, ông áp dụng cả Phật pháp vào khoa học nguyên tử, khiến mọi yếu tố đều khế hợp với nhau mà tỏ tường nghĩa lý, lấy nguyên lý duy vật để hiển bày giác tính chân như, trúc xanh hoa vàng đều là Bát nhã, đâu có gì khác nhau.
Nay các bài diễn thuyết hoằng pháp của ông được tập hợp thành một cuốn sách có tên là Phật pháp trong thời đại nguyên tử (佛法在原子時代). Sau khi đọc đi đọc lại, tôi nhận định rằng: Trước đây, hai vị cư sĩ Vương Tiểu Từ, Vưu Trí Biểu đều là những người rất ưu việt trong lĩnh vực này, không ngờ hiện nay còn có tác giả viết ra được tác phẩm xuất sắc như vậy. Thời cuộc không ngừng thay đổi, tác phẩm này vừa hay khế hợp thời cơ, văn phong khí phách còn có nhiều chỗ vượt trội những người đi trước. Thời đại này chẳng phải là thời đại của không gian vũ trụ sao? Là thời đại của nguyên tử sao? Người chấp vào giả tướng, ta chấp vào cái không để đối trị, hai cái chấp xung đột, chỉ thấy không ăn nhập, sao có thể gọi là phương tiện được? Sao có thể gọi là hoằng hóa giáo pháp được?
Nếu không có phương tiện thì pháp thế gian cũng khó thực hành. Ví như ngày và đêm, nếu thực không có mặt trời mọc hay mặt trăng lặn, lại nói với người khác rằng mặt trời tự chuyển động, họ sẽ cười cho là điên đảo. Khi phụng sự sự nghiệp hoằng hóa đạo pháp, nếu không dùng quyền xảo phương tiện thì không thể thu nhiếp; giống y học trị bệnh, ắt phải quán sát căn bệnh mắc phải và tùy bệnh bốc thuốc, nếu cố chấp chỉ dùng một phương thuốc để trị trăm nghìn chứng bệnh thì sẽ gặp phải tai ương. Huống hồ Phật pháp Đại thừa có thể tính và tướng trạng viên thông, không hư không thực, thì há lại có thể chấp trước vào thời gian không gian sao?
Nói Tam đế tức là khoa học, hiểu rõ thể tính, phù hợp vừa vặn; nói khoa học tức là Tam đế, đúng với tác dụng, hiện tại chính là thời điểm. Phương tiện, hoằng hóa đều đã được truyền tải đủ đầy trong đây. Tôi rất vui khi được viết mấy dòng này để bày tỏ.
Lập xuân năm 1966 - Phật lịch 2510
Lý Bỉnh Nam ghi tại Tắc Hạ1
Chú thích:
1 Tắc Hạ (稷下): Tên quê hương của cư sĩ Lý Bỉnh Nam.