Có nhiều nguyên nhân gây nghèo ở vùng Tây Bắc, trong đó, một trong những nguyên nhân quan trọng là khả năng tiếp cận thị trường của người nghèo rất hạn chế. Do vậy, việc nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp phát triển các mô hình thị trường phù hợp với đồng bào Tây Bắc có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo nơi đây.
Phát triển thị trường phù hợp cho người nghèo có thể thực hiện theo hai phương thức: Một là, coi người nghèo là những người tiêu dùng, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn đa quốc gia khai thác phân khúc thị trường người có thu nhập thấp, còn được gọi là “Thị trường đáy tháp” (Bottom of pyramid - BOP); hai là, coi người nghèo là những người bán (nhà cung cấp), từ đó hỗ trợ giúp đỡ họ tham gia vào chuỗi cung ứng để nâng cao thu nhập cho họ. Với cách tiếp cận này, trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu được triển khai nhằm xây dựng cơ sở khoa học cho việc tìm kiếm các giải pháp phát triển thị trường cho người nghèo.
Cuốn sách “Phát triển thị trường cho đồng bào Tây Bắc thông qua chuỗi cung ứng” được xuất bản với mục tiêu giới thiệu cách thức triển khai để phát triển một chuỗi cung ứng, theo đó đồng bào Tây Bắc có thể tiếp cận thị trường một cách hiệu quả. Điểm khác biệt chính trong cuốn sách này là ngoài những hướng dẫn về việc phát triển chuỗi cung ứng nói chung thì trọng tâm của nó sẽ đi sâu vào việc phát triển chuỗi cung ứng và làm thế nào để vận hành nó ở khu vực Tây Bắc một cách hiệu quả và mang lại giá trị cho người nghèo nơi đây.
CUỐN SÁCH NÀY DÀNH CHO AI?
Có nhiều tác nhân tham gia phát triển chuỗi cung ứng, trong đó doanh nghiệp, chủ thể trực tiếp trong chuỗi, đóng vai trò quyết định. Đối với chuỗi cung ứng thông thường, theo quy luật cung cầu của thị trường, bản thân các doanh nghiệp này cũng có thể kết nối, liên kết để tạo nên một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh mà không nhất thiết cần có sự can thiệp của các tác nhân/tổ chức bên ngoài. Tuy nhiên, đối với chuỗi cung ứng vì người nghèo thì ngoài những nỗ lực của các tác nhân chính, cần có sự hỗ trợ từ các cán bộ xúc tiến và các nhà hoạch định chính sách. Nội dung cuốn sách này chủ yếu sẽ dành cho những người dùng là:
- Các nhà hoạch định chính sách địa phương, với vai trò là những người kiến tạo môi trường thuận lợi để các chuỗi cung ứng được vận hành tốt.
- Các cán bộ xúc tiến: nhà tư vấn, môi giới khách hàng, chắp mối kinh doanh đến từ các cơ quan xúc tiến: khuyến công, khuyến nông, khuyến khích công nghệ; các cán bộ đến từ tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ.
- Các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp hoạt động trong cung ứng.
Nội dung cuốn sách gồm các phần cụ thể như sau:
Chương 1. Tổng quan về chuỗi cung ứng
Chương 2. Thiết lập chuỗi cung ứng nhằm phát triển thị trường cho đồng bào Tây Bắc
Chương 3. Khởi nghiệp kinh doanh cho đồng bào Tây Bắc thông qua chuỗi cung ứng
Chương 4. Hỗ trợ thiết lập chuỗi cung ứng cho đồng bào Tây Bắc
Người đọc nên tìm hiểu tất cả các chương của cuốn sách và cũng có thể tự xác định công việc của mình chuyên sâu ở mục nào. Điều này cũng sẽ rất có ích khi các tác nhân tham gia phát triển chuỗi cung ứng nắm được mình sẽ làm việc gì, với ai và hiểu thêm công việc của các tác nhân khác, cũng như hiệu quả tổng thể có thể thu được trong toàn chuỗi.