1.1. CHUỖI CUNG ỨNG LÀ GÌ?
Khái niệm
“Chuỗi cung ứng là một hệ thống các tổ chức, con người, hoạt động, thông tin và các nguồn lực liên quan đến việc di chuyển sản phẩm hay dịch vụ từ nhà sản xuất, nhà cung cấp đến người tiêu dùng”(1).
(1) Douglas M. Lambert, James R. Stock and Lisa M. Ellram (1998), Fundamentals of Logistics Management, Boston MA: Irwin/McGraw-Hill, c.14.
Theo Thomas Friedman, tác giả cuốn sách “Thế giới phẳng” thì chuỗi cung ứng là nghệ thuật và khoa học của sự cộng tác nhằm đem lại những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất cho người tiêu dùng: “Chuỗi cung ứng là mạng lưới các tổ chức tham gia vào dòng vận động của nguồn tài nguyên đầu vào, các dòng vật chất được chuyển hóa, dòng tài chính và dòng thông tin từ nhà cung cấp đầu tiên đến tay người tiêu dùng cuối cùng”.
Như vậy, chuỗi cung ứng bao gồm mọi công đoạn có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chuỗi cung ứng không chỉ gồm nhà sản xuất và nhà cung cấp mà còn gồm nhà vận chuyển, kho, người bán lẻ và bản thân khách hàng(2).
(2) Supply Chain Management: strategy, planing and operation, Sunil Chopra and Peter Meindl (2001), Upper Saddle Riverm NI: Prentice Hall c.1.
Nguồn: William J.O’Brien, T.Formoso, Vrijhoef and A.London, 2009
Hình 1.1: Mô hình chuỗi cung ứng điển hình trong ngành sản xuất
Các thuật ngữ sử dụng trong chuỗi:
Trong chuỗi cung ứng có các “khâu” được mô tả cụ thể bằng các “hoạt động” để thể hiện rõ các công việc tương đối độc lập trong một chuỗi.
Bên cạnh các khâu của chuỗi cung ứng còn có “tác nhân”. Tác nhân là những cá nhân, tổ chức thực hiện các chức năng của các khâu trong chuỗi, ví dụ như nhà cung cấp đầu vào cho sản xuất, nông dân, thương lái vận chuyển hàng hóa...
Ngoài ra còn có các “nhà hỗ trợ chuỗi”. Nhiệm vụ của các nhà hỗ trợ chuỗi là hỗ trợ cho sự phát triển của chuỗi bằng cách tạo điều kiện nâng cấp chuỗi cung ứng.
1.2. HOẠT ĐỘNG CỦA CHUỖI CUNG ỨNG
Mục đích then chốt của bất kỳ chuỗi cung ứng nào là nhằm thỏa mãn nhu cầu khách hàng trong tiến trình tạo ra lợi nhuận cho các tác nhân tham gia chuỗi. Thuật ngữ chuỗi cung ứng gợi lên hình ảnh sản phẩm hoặc cung cấp dịch chuyển từ nhà cung cấp đến nhà sản xuất rồi đến nhà phân phối và đến nhà bán lẻ, đến khách hàng dọc theo chuỗi cung ứng. Điều quan trọng là phải xác định được dòng thông tin, sản phẩm và tài chính dọc cả hai hướng của chuỗi này. Trong thực tế, nhà sản xuất có thể nhận nguyên liệu từ vài nhà cung cấp sau đó cung ứng đến nhà phân phối. Vì vậy, đa số các chuỗi cung ứng thực sự là các mạng lưới. Đây chính là lý do mà chuỗi cung ứng thường được xem như là mạng lưới hậu cần.
Có 4 hoạt động chính của chuỗi cung ứng:
- Hoạch định: Dự báo lượng cầu, định giá sản phẩm, quản lý lưu kho;
- Tìm kiếm nguồn hàng: Thu mua, bán chịu và thu nợ;
- Sản xuất: Thiết kế sản phẩm, lập quy trình sản xuất, quản lý phương tiện;
- Phân phối: Quản lý đơn hàng, lập lịch biểu giao hàng, quy trình trả hàng.
1.3. NHỮNG TÁC NHÂN THAM GIA CHUỖI CUNG ỨNG
Với hình thức đơn giản nhất, một chuỗi cung ứng cơ bản bao gồm các cá nhân, tổ chức (công ty, các nhà cung cấp) và khách hàng/người tiêu dùng. Đây là tập hợp những tác nhân tham gia cơ bản để tạo ra một chuỗi cung ứng cơ bản.
Chính quyền địa phương, ngân hàng, các Sở/ngành liên quan, Dự án...
Hình 1.2. Các tác nhân tham gia trong chuỗi cung ứng
Tùy thuộc vào từng chuỗi cung ứng mà các tác nhân tham gia là khác nhau và toàn bộ các cá nhân, tổ chức gắn kết, giao dịch với nhau nhằm sản xuất, kinh doanh hàng hóa để hàng hóa đến tay người tiêu dùng được gọi là các tác nhân tham gia chuỗi cung ứng.
Các tác nhân tham gia chuỗi không phải là các tổ chức, cá nhân bất kỳ mà phải là các tác nhân trực tiếp gắn kết với một chuỗi cung ứng cụ thể, tức là có sự gắn kết trong chuỗi.
1.4. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH XÂY DỰNG SƠ ĐỒ CHUỖI CUNG ỨNG
Bước 1: Xác định đối tượng người tiêu dùng cuối cùng
Với quan điểm sản xuất hàng hóa hướng tới người tiêu dùng, việc xây dựng chuỗi cung ứng phải bắt đầu từ người tiêu dùng rồi từ đó hình thành các khâu sản xuất, phân phối.
Trước hết, hãy xác định cụ thể người tiêu dùng cuối cùng của chuỗi cung ứng bằng cách sử dụng các câu hỏi định hướng sau đây:
Hộp 1: Xác định người tiêu dùng cuối cùng
- Người tiêu dùng là ai? Họ ở đâu? Độ tuổi? Giàu hay nghèo?...
- Họ muốn mua sản phẩm nào (loại sản phẩm cụ thể)?
- Chất lượng sản phẩm họ yêu cầu như thế nào?
- Lượng sản phẩm mua nhiều hay ít (càng cụ thể càng tốt)?
- Họ mua vào thời điểm nào?
- Họ mua ở đâu?
- Họ sẵn sàng bỏ bao nhiêu tiền để mua sản phẩm?...
Bước 2: Xác định các khâu trong chuỗi cung ứng
Sau khi xác định được người tiêu dùng cuối cùng trong chuỗi cung ứng, phải xác định được các khâu trong chuỗi cung ứng thông qua việc trả lời các câu hỏi sản xuất sản phẩm gì và làm sao để thỏa mãn người tiêu dùng với chất lượng và giá cả hợp lý nhất (căn cứ trên nhu cầu đã khảo sát ở bước 1).
Hộp 2: Xác định các khâu trong chuỗi cung ứng
- Để người tiêu dùng có thể mua sản phẩm thì trước đó phải làm/có cái gì?
- Để người bán buôn, bán lẻ có sản phẩm đi bán thì trước đó phải làm/có cái gì?
- Để người chế biến có sản phẩm để chế biến thì trước đó phải làm/có cái gì?
- Để người thu gom có sản phẩm để thu gom thì trước đó phải làm/có cái gì?
- Để người có nguyên vật liệu để tạo ra sản phẩm, họ cần làm/có cái gì?
...
Bước 3: Xác định các hoạt động của từng khâu trong chuỗi cung ứng
Trong chuỗi cung ứng, với các khâu tương đối độc lập là sản xuất, phân phối và tiêu dùng thì người xây dựng, thiết lập chuỗi cung ứng phải xác định được các hoạt động xảy ra trong từng khâu:
Hộp 3: Xác định các hoạt động của từng khâu trong chuỗi cung ứng
- Khâu cung cấp đầu vào bao gồm các hoạt động gì?
- Khâu sản xuất bao gồm các hoạt động gì?
- Khâu thu gom bao gồm các hoạt động gì?
- Khâu chế biến bao gồm các hoạt động gì?
- Khâu thương mại bao gồm các hoạt động gì?
Bước 4: Xác định các tác nhân trong chuỗi cung ứng
Bước này nhằm giải quyết câu hỏi “ai - làm gì” trong chuỗi cung ứng sản phẩm.
Hộp 4: Xác định các tác nhân trong chuỗi cung ứng
- Khâu cung cấp đầu vào: Ai cung cấp?
- Khâu sản xuất: Ai sản xuất?
- Khâu thu gom: Ai thu gom?
- Khâu chế biến: Ai chế biến?
- Khâu thương mại: Ai tham gia khâu phân phối?
Bước 5: Xác định các đơn vị hỗ trợ trong chuỗi cung ứng
Đây là bước quan trọng trong việc tăng hiệu quả hoạt động của chuỗi trong bối cảnh việc sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, rất cần sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức khác.
Hộp 5: Xác định các đơn vị hỗ trợ trong chuỗi cung ứng
- Ai có thể hỗ trợ các tác nhân thực hiện các khâu trong chuỗi?
- Các hỗ trợ sẽ giải quyết khó khăn nào của các tác nhân trong các khâu?
...
Bước 6: Kết luận từ sơ đồ chuỗi cung ứng
Đây cũng là bước đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành thành công chuỗi cung ứng. Với việc xác định được các khâu và các tác nhân trong chuỗi cung ứng, người xây dựng, phân tích phải xác định được các ưu điểm, nhược điểm để đưa ra giải pháp phù hợp nhằm hoàn thiện chuỗi cung ứng với mục tiêu mang lại hiệu quả cao nhất cho việc phát triển ổn định và bền vững sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông sản.
Hộp 6: Kết luận từ sơ đồ chuỗi cung ứng
- Sơ đồ thể hiện những khâu nào?
- Liên kết giữa các khâu có được tổ chức chặt chẽ không?
- Việc sản xuất nhỏ lẻ hay tập trung với lượng hàng lớn?
- Các đơn vị hỗ trợ có hỗ trợ kịp thời không?