2.1. ĐẶC ĐIỂM VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA ĐỒNG BÀO TÂY BẮC
2.1.1. Đặc điểm tự nhiên vùng Tây Bắc
Đặc điểm địa lý cơ bản của vùng Tây Bắc là vùng núi cao, địa hình chia cắt nhiều tầng trên một nền địa chất phức tạp và sự phân hóa khí hậu sâu sắc. Độ dốc chiếm phần lớn diện tích Tây Bắc, thoải dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Khí hậu Tây Bắc khá phức tạp, mùa khô hạn kéo dài cộng với lượng gió Tây khô nóng gây khó khăn cho cây trồng và vật nuôi. Tây Bắc cũng phải chịu sương muối và băng giá, vào đầu mùa mưa thường có gió lốc, mưa đá và lũ ống, lũ quét gây ra sự tàn phá bất thường đối với đất đai, sản xuất và đời sống. Tất cả những khó khăn, thuận lợi của tự nhiên đều trực tiếp tác động đến đời sống kinh tế - xã hội của các cư dân vùng Tây Bắc.
Địa hình Tây Bắc hiểm trở có nhiều khối núi và dãy núi cao chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, trong đó có dãy Hoàng Liên Sơn dài đến 180 km, rộng 30 km, cao từ 1.500 m trở lên, các đỉnh cao nhất như Phan Xi Păng cao 3.142 m, Yam Phình 3.096 m, Pu Luông 2.983 m. Dãy Hoàng Liên Sơn chính là bức tường thành phía đông và vùng Tây Bắc. Tây Bắc nằm bên bờ phải Sông Hồng, con sông mà tổ tiên người Thái gọi là Nậm Tao, nên ngày nay đoạn sông này còn có tên tiếng Kinh là Sông Thao. Dòng Nậm Tao chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử thiên di của người Thái Đen vào Tây Bắc.
Tây Bắc nằm trong vành đai nhiệt đới gió mùa, nhưng do ở độ cao từ 800 - 3.000 m nên khí hậu ngả sang cận nhiệt đới và nhiều nơi cao như Sìn Hồ có cả khí hậu ôn đới. Địa hình lại chia cắt bởi các dãy núi, các dòng sông, khe suối, tạo nên những thung lũng, có nơi thành lòng chảo như vùng Nghĩa Lộ, Điện Biên. Do vậy, Tây Bắc còn là nơi có nhiều tiểu vùng khí hậu. Trong lúc ở thung lũng Mường La, người ta mặc áo ngắn tay giữa mùa đông thì ở Mộc Châu phải mặc áo bông dày. Vì vậy mà thiên nhiên Tây Bắc rất đa dạng, thổ nhưỡng nhiều loại hình.
2.1.2. Đặc điểm kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc
Cho đến nay, các tộc người sống ở Tây Bắc vẫn duy trì một số nghề thủ công gia đình như dệt vải, đan lát, làm mộc, làm rèn, chế tác kim loại làm trang sức, làm giấy dó. Tuy nhiên, mỗi tộc người lại có những nghề nổi trội như người Thái, người Lào, người Mường rất nổi tiếng với nghề trồng bông, dệt vải thổ cẩm; người Mông nổi tiếng với nghề rèn, chế tác công cụ sản xuất và trồng lanh, dệt vải lanh. Các công việc thủ công này thường do người phụ nữ đảm nhiệm, riêng nghề đan lát đồ gia dụng nổi tiếng của nhóm Môn-Khmer như: Khơ Mú, Xinh Mun, Kháng lại chủ yếu do đàn ông đảm nhiệm.
Hình 2.1: Người Mường với nghề dệt vải
Hình 2.2: Người Mông với nghề rèn
Hình 2.3: Tây Bắc mùa lúa chín
Trao đổi hàng hóa là nhu cầu thiết yếu đã có từ lâu đời của các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, họ thường cùng nhau họp chợ tại trung tâm xã, huyện hoặc ngay ven đường cái. Do các tộc người đều cư trú ở vùng sâu vùng xa nên họ chỉ họp chợ 5 ngày 1 lần hoặc 1 tuần 1 lần.
Sản xuất nông nghiệp là hoạt động kinh tế chủ yếu của hầu hết đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc. Ngoài ra, họ còn chăn nuôi theo hộ gia đình, làm một số nghề thủ công, thực hiện nhiều hình thức chiếm đoạt các nguồn lợi tự nhiên sẵn có trong rừng quanh khu vực cư trú. Nhìn chung, mặc dù nền kinh tế thị trường đã phổ biến ở đồng bằng và một số khu vực miền núi nhưng về cơ bản, các dân tộc vùng Tây Bắc vẫn duy trì các phương thức sản xuất truyền thống. Tuy vậy, ở một số vùng đã có sự xuất hiện của việc phát triển cây công nghiệp, trồng cây ngô và lúa giống mới có năng suất cao, mở rộng chăn nuôi đại gia súc và chú ý phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Tây Bắc là vùng lãnh thổ không chỉ phức tạp về địa hình, có nhiều ki-lô-mét đường biên giới với Trung Quốc và Lào mà còn đa dạng về thành phần dân tộc. Theo số liệu Tổng điều tra Dân số năm 2019 của Tổng cục Thống kê, 6 tỉnh Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái) có tổng dân số 4.713.048 người. Trong số đó, đông nhất là dân tộc Kinh, 1.197.129 người, chiếm 25,4% tổng dân số trên cả nước.
2.2. TIỀM NĂNG, LỢI THẾ VÙNG TÂY BẮC
Vùng Tây Bắc có địa hình chia cắt mạnh tạo nên nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau đã tạo điều kiện để phát triển một nền nông nghiệp đa dạng về chủng loại sản phẩm bao gồm các sản phẩm nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới.
Sản phẩm trồng trọt:
Tây Bắc có rất nhiều loại sản phẩm trồng trọt khác nhau, trong đó có các nhóm sản phẩm chính là:
- Nhóm cây lương thực chủ yếu là lúa, ngô và một số loại cây có bột như sắn, khoai lang, khoai sọ, dong riềng;
- Nhóm cây rau màu gồm các loại rau nhiệt đới, rau ôn đới;
- Nhóm cây công nghiệp ngắn ngày có mía đường, lạc, đậu tương, bông vải;
- Nhóm cây công nghiệp lâu năm chủ yếu là chè; cà phê (chủ yếu tập trung ở khu vực Tây Bắc), mới đây đã hình thành vùng trồng cao su tại một số tỉnh (Sơn La, Điện Biên, Lào Cai);
- Nhóm cây ăn quả có các sản phẩm chính gồm cam, quýt, chuối, dứa, xoài, vải, nhãn, mận hậu, lê, hồng.
- Nhóm cây dược liệu khá phong phú với nhiều loại sản phẩm có giá trị kinh tế khá cao như hồi, quế, sa nhân, thảo quả, gừng...
Ngoài các nông sản truyền thống địa phương như ngô, chè, gạo... các tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc còn có nhiều đặc sản từ nông nghiệp như quả thanh mai (Lào Cai), đào Bích Nhị (Sa Pa, Lào Cai), mận đỏ Tả Van (Sa Pa, Lào Cai), mận Tam Hoa (Bắc Hà, Lào Cai), đào Pháp (Mộc Châu, Sơn La), táo mèo (Tú Lệ, Yên Bái), cam Cao Phong (Hòa Bình)...
Sản phẩm chăn nuôi:
- Sản phẩm trâu thịt, bò thịt phần lớn được tiêu thụ trong nước, một phần nhỏ được bán sang thị trường Trung Quốc;
- Sản phẩm lợn thịt chủ yếu tiêu thụ nội vùng. Một số địa phương như Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái phát triển chăn nuôi lợn đen địa phương để bán về thị trường Hà Nội nhưng khối lượng không lớn;
- Sản phẩm gia cầm thịt chủ yếu tiêu thụ nội vùng. Sản phẩm gà ta thả phần lớn tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, Hải Phòng và thị trường các khu công nghiệp ở vùng Đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung bộ. Sản phẩm trứng gia cầm cũng chủ yếu tiêu thụ nội vùng, một phần nhỏ được thương lái thu gom mang đi tiêu thụ tại các thị trường ngoài vùng, chủ yếu là thị trường vùng Đồng bằng Sông Hồng.
Vật nuôi ở Tây Bắc đa dạng, gồm các nhóm: đại gia súc (trâu, bò, ngựa); tiểu gia súc (lợn, dê); gia cầm (gà, vịt, ngan); ong mật... Bên cạnh đó còn một số loại vật nuôi đặc sản như: gà H’mông, lợn đen địa phương...
Tây Bắc có lợi thế về chăn nuôi các loại gia súc ăn cỏ như trâu, bò, ngựa, dê. Với diện tích rộng, vùng này có thể hình thành các trang trại chăn nuôi theo mô hình vườn đồi, vườn rừng kết hợp trồng rừng với chăn nuôi gà ta thả đồi. Tuy nhiên đến nay, việc chăn thả trâu, bò theo lối chăn thả tự nhiên đang mất dần ưu thế do đất đai được dành cho phát triển lâm nghiệp và sản xuất nông nghiệp thâm canh. Mặt khác, do sản xuất lương thực không thuận lợi nên vùng Tây Bắc không có lợi thế về nguồn thức ăn cho chăn nuôi lợn, hơn nữa trong vùng lại không có nhiều cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi nên mặc dù có lợi thế về mặt bằng phát triển chăn nuôi lợn trang trại, gia trại quy mô lớn nhưng việc phát triển chăn nuôi lợn đang gặp những khó khăn nhất định.
Về du lịch:
Với sự đa dạng, phong phú về văn hóa, phong cảnh thiên nhiên, dân tộc, du lịch Tây Bắc trong những năm gần đây đã có những lợi thế mà nhiều vùng khác hiếm có được với những điểm đến hấp dẫn như: Sa Pa, Cao nguyên đá Đồng Văn, hồ Ba Bể, thác Bản Giốc... Người dân nơi đây cũng đã bắt đầu tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch qua việc tổ chức du lịch “home stay”...
Một lợi thế khác của người Tây Bắc đó là tiềm năng sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đặc sản truyền thống, dược liệu. Đây là những sản phẩm có thể được sản xuất vào lúc nông nhàn, ít rủi ro, mang giá trị gia tăng cao.
Khoáng sản vùng Tây Bắc
Tây Bắc là khu vực có tiềm năng về các loại khoáng sản bởi địa hình phần lớn là núi cao, bị chia cắt phức tạp nhưng lại chứa đựng một tiềm năng lớn về tài nguyên khoáng sản.
Một số tài nguyên khoáng sản giá trị của Tây Bắc như quặng sắt, apatit, đồng ở Lào Cai; đất hiếm, vàng, đồng ở Lai Châu; chì, kẽm ở Bắc Kạn; đá vôi trắng ở Yên Bái; quặng sắt, mangan ở Hà Giang, Cao Bằng. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoạt động chế biến, khai thác khoáng sản vùng Tây Bắc hiện nay tương đối sôi động, nhưng chỉ có hoạt động khai thác ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng là có đóng góp đáng kể cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Do đó khai khoáng ở một số tỉnh Tây Bắc được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đóng góp ngân sách, phát triển và mở rộng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, tạo việc làm cho một bộ phận lao động địa phương. Những yếu tố này chính là động lực cho việc xóa đói, giảm nghèo.
2.3. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CHO ĐỒNG BÀO TÂY BẮC THÔNG QUA CHUỖI CUNG ỨNG
Trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, hoạt động tiêu thụ nông sản sẽ có những cơ hội mới nhưng cũng phải đối diện với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. Do vậy, các chính sách hỗ trợ phát triển và nhân rộng mô hình chuỗi cung ứng ở Tây Bắc cần phải có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với luật pháp và các thông lệ quốc tế. Do vậy, các quan điểm về chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng để tạo điều kiện cho đồng bào Tây Bắc tham gia vào chuỗi dựa trên các quan điểm sau:
- Sản phẩm nông nghiệp nguyên liệu ở Tây Bắc hiện nay chủ yếu được sản xuất trong các hộ nông dân, trong đó phần đông là hộ nghèo nên quy mô nhỏ, phân tán, kém đồng đều về chất lượng. Do vậy, để nâng cao hiệu quả tham gia của người nghèo vào chuỗi cung ứng thì các chính sách của Nhà nước cần hướng đến mục tiêu tổ chức lại sản xuất nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương để cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở/doanh nghiệp chế biến.
- Các chính sách khuyến khích phát triển và nhân rộng mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp ở Tây Bắc có sự tham gia của người nghèo cần tạo động lực thúc đẩy sự hình thành các quan hệ liên kết giữa nông dân/tổ chức nông dân với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Chỉ có như vậy mới có thể giúp chuỗi cung ứng phát triển bền vững, thu hút được nhiều người nghèo tham gia và phân phối lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi được hợp lý, hài hòa hơn.
- Các cơ sở/doanh nghiệp thu mua chế biến sản phẩm nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển chuỗi cung ứng ở Tây Bắc để thu hút người nghèo tham gia vào chuỗi này. Do đó, để phát triển và nhân rộng mô hình chuỗi cung ứng tạo điều kiện cho người nghèo tham gia vào chuỗi thì phải tạo được động lực hấp dẫn mạnh mẽ các nhà đầu tư bỏ vốn vào hoạt động chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở Tây Bắc.
- Các chính sách khuyến khích phát triển và nhân rộng mô hình chuỗi cung ứng để tạo điều kiện cho người nghèo tham gia vào chuỗi phải tương thích với các quy định của luật pháp quốc tế và đảm bảo lợi ích quốc gia.
2.4. NGUYÊN TẮC CHUNG XÂY DỰNG CHUỖI CUNG ỨNG
Việc xây dựng chuỗi cung ứng phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Chuỗi cung ứng được xây dựng cho nhóm sản phẩm tương đồng hoặc cho từng loại sản phẩm cá biệt;
- Việc xây dựng chuỗi gồm 2 nội dung chính: xây dựng mô hình và quản lý chuỗi;
- Phải lưu ý tính kết nối của các tác nhân trong chuỗi;
- Mô hình phải có tính linh hoạt để có thể thay đổi phù hợp với sự biến động của thị trường;
- Chuỗi phải gắn với người dân địa phương và mang lại lợi ích kinh tế cho họ.
2.5. LỰA CHỌN CHUỖI CUNG ỨNG PHÙ HỢP VỚI ĐỒNG BÀO TÂY BẮC
Chuỗi cung ứng cho đồng bào Tây Bắc là những chuỗi có tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao và mang lại nhiều cơ hội tăng thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, không phải chuỗi cung ứng nào cũng phù hợp với người nghèo, do đó, nên lựa chọn chuỗi cung ứng phù hợp với người nghèo. Chuỗi cung ứng phù hợp với người nghèo là những chuỗi tạo ra nhiều cơ hội để người nghèo có thể tham gia như:
- Chi phí khởi sự thấp;
- Sản xuất quy mô nhỏ;
- Hoàn vốn nhanh;
- Rủi ro, thất bại thấp;
- Kỹ năng đơn giản;
- Trong sản xuất có sử dụng nguyên vật liệu, lao động, dịch vụ sẵn có tại địa phương;
- Có thể triển khai được tại địa phương;
- Có cơ hội cho phụ nữ tham gia;
- Có cơ hội cho người (đồng bào) thiểu số tham gia.
2.6. ĐỊNH HƯỚNG THỊ TRƯỜNG TRONG XÂY DỰNG CHUỖI CUNG ỨNG CHO ĐỒNG BÀO
Dù là chuỗi cung ứng nói chung hay chuỗi cung ứng dành cho đồng bào Tây Bắc thì cuối cùng hàng hóa sản xuất ra phải có thị trường tiêu thụ. Mỗi tác nhân hay đơn vị hỗ trợ chuỗi cung ứng đều phải ý thức rất rõ về vấn đề này. Xuất phát từ định hướng này mà vai trò của họ được xác định rất rõ và cụ thể:
- Đối với từng tác nhân: Mọi hoạt động trong chuỗi đều có thể xem như là hoạt động kinh doanh mang lại thu nhập hoặc lợi nhuận. Việc các tác nhân tham gia vào chuỗi sẽ gần giống như việc khởi sự kinh doanh, trong đó phải xác định rõ ý tưởng kinh doanh, có tay nghề và kỹ năng cần thiết để sản xuất ra sản phẩm và dịch vụ. Ở một số khâu, tác nhân tham gia chuỗi cung ứng bắt buộc phải đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 hoặc Luật Đầu tư năm 2014.
- Đối với người/tổ chức hỗ trợ chuỗi cung ứng, hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan xúc tiến: Họ có vai trò “xúc tác”, kết nối các tác nhân để làm hoàn chỉnh chuỗi cung ứng hoặc nâng cấp để chuỗi cung ứng vận hành hiệu quả hơn. Một trong những nguyên tắc hoạt động của các cá nhân/tổ chức chuỗi cung ứng là phải đảm bảo không được “bóp méo” quan hệ thị trường. Mọi hỗ trợ cần hướng tới sự bền vững mà khi các cá nhân/đơn vị hỗ trợ chuỗi cung ứng ngừng hỗ trợ thì chuỗi cung ứng vẫn hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu hỗ trợ, để giúp người dân quen dần với quan hệ thị trường, Nhà nước hoặc các tổ chức hỗ trợ vẫn có thể phải bao cấp, trợ cấp một số khoản chi phí hoặc có phương thức sáng tạo để người nghèo tiếp cận điều kiện kinh doanh thuận lợi.
- Đối với nhà hoạch định chính sách: Các nhà hoạch định chính sách có vai trò quan trọng trong việc thiết lập chuỗi cung ứng thông qua:
+ Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ và người nghèo để họ có thể tham gia thị trường thuận lợi.
+ Xây dựng chương trình hỗ trợ thiết thực, sát với nhu cầu thực tiễn của các hộ kinh doanh và doanh nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất cũng như xúc tiến sản phẩm.
Với cách tiếp cận “định hướng thị trường”, các nhà hoạch định sẽ phải quan tâm đến vấn đề là làm thế nào để các nhà cung ứng (các tác nhân trực tiếp trong chuỗi) nhận được đơn đặt hàng từ khách hàng và phải thực sự quan tâm đến việc thu hẹp khoảng cách về năng lực giữa nhà cung ứng và khách hàng. Trong rất nhiều trường hợp, các nhà hoạch định chính sách có thể phải gặp trực tiếp khách hàng để tìm hiểu những vấn đề mà khách hàng gặp phải trên phương diện nhà cung ứng, cũng như đánh giá năng lực của nhà cung ứng trên phương diện của khách hàng.