Có gì trong một cái tên?
1
N
gày xửa ngày xưa - cụm từ gợi ta nghĩ đến cách thích hợp duy nhất để mở đầu câu chuyện, là cách duy nhất gợi nên hơi hướng của những chuyện lãng mạn và những xứ sở thần tiên - tất cả các thành viên vô cùng khăng khít của nhà Lesley đã tập hợp tại Dải Vân Sam để mừng sinh nhật cụ bà như thường lệ. Và cũng là để đặt tên cho con của Lorraine. Thật là buồn lòng ghê gớm, như dì Nina đã thốt lên thống thiết, rằng cô bé con đã đến với thế giới tròn bốn tháng mà vẫn chưa có một cái tên. Nhưng họ có thể làm gì khác, khi mà Leander yêu quý đáng thương đã đột ngột ra đi hai tuần trước khi con gái anh chào đời và Lorraine tội nghiệp thì đã đau buồn đến đổ bệnh hàng tuần sau đó? Nhân nhắc đến chuyện đau ốm, giờ cô ấy vẫn chưa khỏe hẳn. Và ai cũng biết rằng gia đình cô ấy có tiền sử bệnh lao.
Dì Nina không thực sự là dì - ít nhất là không phải dì của ai trong gia đình Lesley. Bà chỉ là một người họ hàng. Truyền thống của nhà Lesley là gọi tất cả mọi người là “chú” và “dì” một khi họ quá lớn tuổi, để tránh gọi cả tên cả họ trước mặt lũ trẻ. Trong câu chuyện này sẽ xuất hiện nhiều cực kỳ những bà dì và ông chú như thế - và cũng có cả một vài bà dì và ông chú thật1. Tôi sẽ không dừng lại để giải thích họ thuộc loại nào. Vì việc đó không quan trọng. Họ đều là nhà Lesley hoặc kết hôn với người nhà Lesley. Chỉ biết thế là đủ. Bạn thuộc dòng dõi vương giả nếu là người nhà Lesley. Thậm chí phả hệ của những con mèo của họ cũng được biết tới.
1. Do tác phẩm xuất hiện khá nhiều người họ hàng gần và xa của cô bé Marigold không rõ vai vế, bản dịch thống nhất là "chú" và "dì" hoặc "ông chú", "bà dì" (trừ trường hợp vợ của chú sẽ là "thím")
Tất cả người nhà Lesley đều yêu mến con của Lorraine. Họ đều đồng lòng rằng mình yêu mến Leander - chắc có lẽ đây là điều duy nhất họ từng được biết đến là đã đồng lòng. Và đã ba mươi năm rồi mới có một em bé ở Dải Vân Sam. Cụ bà đã hơn một lần rầu rĩ nói rằng những điều tốt đẹp xưa cũ đang dần biến mất. Vậy là sự xuất hiện của cô bé gái nhỏ này đáng lẽ đã được chào đón với sự vui mừng hân hoan, nếu không vì cái chết của Leander và tình trạng ốm đau kéo dài của Lorraine. Giờ thì sinh nhật cụ bà đã đến, và nhà Lesley đã có lý do chính đáng cho cuộc vui bị trì hoãn này. Về chuyện cái tên, không có em bé nhà Lesley nào được đặt tên mà chưa có sự tham gia đóng góp ý kiến của tất cả những người họ hàng không sống quá xa để có thể tới được. Việc lựa chọn một cái tên phù hợp, trong mắt họ, là một chuyện quan trọng hơn nhiều so với lễ rửa tội đơn thuần. Và đặc biệt quan trọng hơn trong hoàn cảnh của một đứa bé mà cha thì không còn, mẹ thì là một linh hồn cũng khá ngọt ngào - nhưng bạn biết rồi đấy - ốm đau bệnh tật!
Dải Vân Sam, nơi an cư từ thuở xa xưa của nhà Lesley, nơi cụ bà, bà trẻ, cô Leander cùng với đứa bé và cô Salome Silversides đang sinh sống, nằm trên khu vực bến cảng, đủ xa khỏi ngôi làng Harmony để thuộc về vùng quê thực sự; nó là một ngôi nhà gạch màu kem - một ngôi nhà cũ xinh xắn rộng rãi - với nhiều dây leo quấn quanh tới nỗi trông nó như là một giàn thường xuân hơn là một ngôi nhà; nó như đang khoanh tay và nói: “Tôi sẽ nghỉ ngơi một chút.” Trước đây nó từng nằm trên cảng Harmony đẹp đẽ; với những con sóng trong lành, gần tới nỗi vào những đợt bão mùa thu, những bọt sóng xô lên đến tận những bậc thềm cửa và đập vào cửa sổ. Đằng sau ngôi nhà là vườn cây ăn quả nơi triền đất dốc. Và xung quanh ngôi nhà, ở trên những sườn đồi, luôn là những rặng vân sam to lớn với những tán lá khẽ đung đưa trong gió.
Bữa tối sinh nhật được dùng trong phòng của cụ bà - nơi từng là “căn phòng vườn quả” cho tới khi cụ bà, vào hai năm về trước, đã vui vẻ và thong thả thông báo rằng bà đã mệt mỏi với việc thức dậy trước bữa sáng và làm việc trong suốt khoảng thời gian giữa các bữa ăn tiếp sau đó.
“Ta sẽ dành phần đời còn lại của mình để được phục vụ.” Bà nói. “Ta đã dùng chín mươi năm cuộc đời mình hầu hạ người khác rồi.” Và ra lệnh cho họ nữa, những người nhà Lesley nghĩ thầm trong bụng. Nhưng tất nhiên họ không nói ra miệng, bởi vì đôi khi dường như cụ bà có thể nghe thấy dù cách hàng dặm. Một lần, chú Ebenezer đã nói gì đó về cụ bà, khi ở một mình trong phòng vào ban đêm, khi mà chú biết rằng chú là con người duy nhất ở trong nhà. Và chiều Chủ nhật hôm sau đó cụ bà đã nhắc lại lời đó với chú. Cụ bà nói Lucifer đã kể lại với cụ. Lucifer là con mèo của cụ. Và chú Ebenezer đột nhiên nhớ ra là con mèo của chú quả thực đã ngồi trên mép thùng khoai tây khi chú nói điều đó.
An toàn nhất là đừng nói gì về cụ bà.
Phòng của cụ bà là một căn phòng dài, màu xanh đục, nằm ở dải phía nam của ngôi nhà, với cửa kính mở ngay ra vườn quả. Những bức tường ở đó treo đầy ảnh các cô dâu nhà Lesley trong vòng sáu mươi năm qua, hầu hết bọn họ đều cầm những bó hoa lớn và những tấm mạng đẹp tuyệt trần. Ảnh của Clementine cũng có trong đó - Clementine là vợ đầu của Leander, người đã mất sáu năm trước cùng với cô con gái chưa được đặt tên của mình. Cụ bà treo bức ảnh đó ở bức tường ngay phía chân giường của mình để có thể nhìn thấy nó luôn luôn. Cụ bà rất quý Clementine. Ít nhất là cụ đã luôn khiến Lorraine ấn tượng với điều đó.
Bức ảnh khá đẹp - Clementine Lesley rất xinh. Cô không mặc váy cưới - thực tế là bức ảnh đã được chụp trước khi cô làm đám cưới và có đề tựa ở dưới Clementine với hoa ly. Cô tạo dáng đứng với hai cánh tay xinh xắn đặt trên bệ và trong một bàn tay mảnh mai hoàn hảo - đôi bàn tay của Clementine đã trở thành truyền thống của cái đẹp - cô cầm một nhành hoa ly, và trìu mến nhìn vào đó. Cụ bà từng nói với Lorraine rằng một người khách đặc biệt từng đến Dải Vân Sam - một nghệ sĩ nổi danh quốc tế - đã nói như sau khi nhìn thấy bức ảnh này:
“Đôi bàn tay tuyệt diệu! Đôi bàn tay mà bất kỳ người đàn ông nào cũng sẽ không chút e sợ mà đặt tâm hồn mình vào đó!”
Lorraine đã thở dài và nhìn vào đôi bàn tay khá gầy guộc và nhỏ bé của mình. Không đẹp - thậm chí cũng chẳng xinh xắn nữa; mặc dù Leander từng một lần hôn lên những ngón tay của cô và nói... - nhưng Lorraine không kể với cụ bà những gì Leander nói - Có lẽ cụ bà sẽ thích cô hơn nếu cô nói ra.
Cụ bà có một chiếc đồng hồ ở góc cạnh giường - một chiếc đồng hồ đã điểm giờ cho những đám ma, đám cưới, chuyến đi, chuyến viếng thăm, gặp gỡ, tiệc tùng của năm thế hệ; chiếc đồng hồ “cụ” được bố chồng của bà mang về từ Scotland một trăm bốn mươi năm trước, (nhà Lesley tự hào về bản thân khi là những cư dân tiên phong trên hòn đảo Hoàng tử Edward). Chiếc đồng hồ vẫn chạy tốt và cụ bà đi ra khỏi giường hàng đêm để lên dây cho nó. Bà có lẽ vẫn sẽ làm vậy kể cả khi bà đã chết đi.
Một vật báu khác của bà nằm ở góc đối diện đó. Một chiếc hộp thủy tinh lớn với Alicia - con búp bê da thật nổi tiếng - ở trong đó. Mẹ của cụ bà là người buôn da thú và con búp bê này không nằm trong truyền thống gia đình Lesley, nhưng mọi đứa trẻ nhà Lesley đều đã được nuôi lớn trong nỗi sợ hãi kinh khiếp về nó và câu chuyện đằng sau nó. Chị gái của mẹ cụ bà đã mất đứa con gái nhỏ ba tuổi duy nhất và không bao giờ hoàn toàn hồi phục tinh thần sau cú sốc. Bà cho làm một phiên bản bằng sáp của con gái mình và luôn giữ nó bên mình, nói chuyện với nó như thể nó là vật sống. Nó được mặc những chiếc váy thêu tuyệt đẹp của cô con gái đã chết, và đi một trong hai chiếc giày của cô bé. Chiếc kia thì được giữ ở trong một bàn tay sáp đang chuẩn bị mang vào bàn chân trần nhỏ bé thò ra khỏi nếp váy muslin. Con búp bê giống thật tới nỗi Lorraine luôn rùng mình khi đi qua nó, và Salome Silversides rất nghi ngờ tính đúng đắn của việc có một vật như thế ở trong nhà, đặc biệt sau khi cô biết rằng Lazarre, người làm thuê người Pháp, nghĩ và kể rằng đó là “Thánh” của cụ bà và tin rằng cụ bà thường xuyên cầu nguyện trước nó. Nhưng cả nhà Lesley lại có một niềm tự hào ở mức độ nào đó về nó. Không có gia đình nào khác ở đảo Hoàng tử Edward lại có thể khoe khoang về một con búp bê như thế. Nó thể hiện sự khác biệt của dòng họ Lesley và các du khách sẽ viết về nó trong tờ báo địa phương của họ khi họ kết thúc chuyến thăm viếng và trở về nhà.
Tất nhiên là lũ mèo cũng có mặt ở bữa tiệc. Lucifer và Phù thủy xứ Endor. Cả hai đều có bộ lông đen tuyền và đôi mắt tròn. Dải Vân Sam nổi tiếng vì có những chú mèo đen với mắt màu ánh hoàng ngọc. Con cái của chúng không được phân phát công khai mà được cho đi với sự phân biệt rõ ràng.
Lucifer là chú mèo yêu quý của cụ bà. Một chú mèo cảnh giác và khôn ngoan. Một chú mèo bí ẩn với quá nhiều những câu chuyện huyền bí đến nỗi thỉnh thoảng chúng lại rò rỉ ra từ chú. Phù thủy xứ Endor thì có cái tên rất ghê gớm, nhưng khi so với Lucifer thì chú ta chỉ là tay mơ. Salome thầm băn khoăn rằng tại sao cụ bà lại không cảm thấy e ngại khi đặt tên cho mèo theo tên của ngài Harry quá cố. Salome cũng khá thích mèo nhưng cô giận giữ khi chú Klon nói với cô rằng:
“Salome Silversides ư? Sao lại thế, với cái tên như thế cô phải là một con mèo mới đúng. Một giống Maltese mập mạp xù lông.”
“Tôi chắc chắn là mình trông không giống một con mèo.” Salome nói, khá là bị xúc phạm. Và chú Klon đồng ý rằng trông cô ấy không giống chút nào.
Cụ bà giống như một nữ thần lùn chín mươi hai tuổi và chắc chắn sẽ sống đến trăm tuổi. Một tạo hóa của tự nhiên nhăn nhúm, nhỏ bé với đôi mắt đen lóe sáng. Mọi thứ cụ làm hoặc nói đều mang hơi hướng tinh quái và thâm thúy. Cụ chỉ đạo cả “bộ tộc” Lesley và biết mọi thứ được nói ra và làm ra trong gia đình mình. Nếu cụ đã từ bỏ việc “làm hầu” thì chắc chắn cụ chưa từ bỏ việc “làm chủ”. Hôm nay cụ ngồi dựa vào một đống gối màu đỏ thẫm, với chiếc mũ trắng viền lượn sóng mới tinh ôm quanh mặt cụ, ăn tối một cách nhiệt tình và nghĩ về những thứ sai trái cần được chỉnh lại cho đúng ở con dâu, cháu dâu và chắt dâu của mình.
2
Bà trẻ, gần sáu mươi lăm tuổi, ngồi ở đầu chiếc bàn dài - bà là một phụ nữ xinh đẹp, cao ráo với đôi mắt sáng màu xanh nhạt và tóc trắng, bà là người mà cụ bà nghĩ rằng có tính khí khá là sỗ sàng. Trông bà chẳng giống một người bà truyền thống với mũ và đồ đan. Bà giống như một vị công chúa uy nghiêm trong bộ váy nhung màu tía với cái cổ ren tuyệt đẹp. Chiếc váy được may vào tám năm trước, nhưng bất cứ thứ gì bà trẻ mặc đều dứt khoát trông như đang là mốt thời thượng. Hầu hết người nhà Lesley đang có mặt đều nghĩ rằng bà trẻ không nên thôi mặc bộ váy đen cho dù là vì bữa tiệc sinh nhật. Nhưng bà trẻ cũng chẳng quan tâm về những gì người khác nghĩ, giống như cụ bà vậy. Bà trẻ là người nhà Blaisdell - một trong những “con người bướng bỉnh nhà Blaisdell” - và truyền thống của nhà Blaisdell thì cũng có bề dày như nhà Lesley, không thua chút nào.
Lorraine ngồi ở phía bên phải bà trẻ, với đứa bé ở trong chiếc nôi đặt bên cạnh cô. Nhờ có đứa trẻ mà cô có một tầm quan trọng không thể chối cãi chưa bao giờ cô được sở hữu. Tất cả nhà Lesley đều đã từng có chút phản đối “sự lựa chọn thứ hai” của Leander. Chỉ có mỗi lý do rằng cô là con gái của linh mục khiến họ ủng hộ cô. Cô là một nguời nhút nhát, trầm tính, xinh xắn - vẻ ngoài trông khá là nhạt nhòa ngoại trừ mái tóc dày màu vàng bóng mượt. Khuôn mặt nhỏ nhắn của cô ngọt ngào như một bông hoa và cô có đôi mắt xanh xám to tròn và hiền dịu với hai hàng lông mi dài. Cô nhìn rất trẻ và mong manh trong bộ váy màu đen. Nhưng cô đã bắt đầu vui vẻ trở lại một chút. Đôi tay từng với vào khoảng không trống rỗng trong màn đêm tĩnh lặng của cô giờ lại đã được lấp đầy. Những cánh đồng và ngọn đồi quanh Dải Vân Sam từng ảm đạm và lạnh giá khi cô bé con của cô chào đời giờ đây xanh tươi và vàng óng, trải dài với những đóa hoa, và vườn quả bản thân nó là một thế giới thanh tú, ngát hương thơm. Người ta không thể hoàn toàn buồn phiền, vào mùa xuân, với một em bé tuyệt vời đến khó tin như vậy.
Em bé nằm trong chiếc nôi Heppelwhite cũ, chiếc nôi mà bố em và ông em đã từng nằm - một em bé khá đáng yêu, với chiếc cằm nhỏ bụ bẫm, đôi bàn tay nhỏ nhắn nhìn trang nhã như những bông hoa táo, đôi mắt xanh thiên thần, và nụ cười đầy kiêu hãnh, đầy vẻ bề trên của một em bé chưa quên đi tất cả những điều tuyệt vời mà em biết đầu tiên. Lorraine không ăn uống được gì mấy vì mải nhìn con gái - và băn khoăn suy nghĩ. Sinh linh nhỏ bé này liệu có trở thành một cô bé với ánh mắt lấp lánh tinh nghịch - một cô dâu mặc váy trắng - một người mẹ? Lorraine run rẩy. Không cần thiết phải nghĩ xa như vậy. Dì Anne đứng dậy, mang một chiếc khăn choàng và khoác nó lên vai Lorraine. Lorraine gần như chảy nước ra, vì những ngày tháng Sáu thì khá nóng, nhưng cô vẫn quàng cái khăn đó suốt bữa tối vì không muốn làm tổn thương cảm xúc của dì Anne. Đây cũng là một chi tiết để mô tả tính cách của Lorraine.
Phía bên trái bà trẻ là chú Klondike, người đàn ông đẹp trai, bí ẩn và khó nắm bắt của nhà Lesley, với cặp lông mày rậm và thẳng, đôi mắt xanh dương lấp lánh, mái tóc hung bồng bềnh và chòm râu vàng đỏ đã khiến một quý bà đa sầu đa cảm nào đó của làng Harmony nói rằng chú khiến bà nghĩ về người Viking hùng tráng cổ xưa1.
1. Người Viking là tên gọi dùng để chỉ những nhà thám hiểm, thương nhân, chiến binh, hải tặc đến từ bán đảo Scandinavia vào thời đại Đồ đá muộn.
Chú Klondike tên thật là Horace, nhưng từ khi chú quay trở lại từ Yukon với vàng rơi ra khỏi các túi, chú được biết đến với cái tên Klondike Lesley. Vị thánh thần mà chú thờ phụng là Chúa của Những người Lang thang và trong nghiệp phụng sự của mình với Ngài, chú Horace Lesley đã trải qua những năm tháng hoang dại, huy hoàng và đầy tính phiêu lưu.
Khi chú Klondike còn là một cậu bé ở tuổi đi học, chú đã có thói quen nhìn vào các địa điểm cụ thể trên bản đồ và nói: “Tôi sẽ tới đó.” Và chú có tới thật. Chú đã đứng ở tảng đá ở cực nam Ceylon và ngồi trên ụ đá Phật giáo tại ranh giới Tây Tạng. Chòm Nam Thập Tự2 là một người bạn cũ và chú từng được nghe tiếng hót của chim sơn ca trong những khu vườn ở các cung điện Alhambra. Biển Ấn Độ và Trung Quốc đối với chú như chính những câu chuyện đã được kể, và chú đã đi bộ một mình ở vùng Bắc cực dưới ánh sáng cực quang. Chú đã sống ở nhiều nơi nhưng chưa bao giờ nghĩ những nơi đó là nhà. “Nhà” mặc nhiên được gìn giữ một cách thiêng liêng dành cho ngôi nhà xanh tươi hướng biển, nơi mà chú đã sinh ra.
2. Chòm Nam Thập Tự gồm 4 ngôi sao khá sáng xếp thành hình chữ thập, là một trong những chòm sao nổi tiếng nhất và sáng nhất trên bầu trời, là chiếc la bàn đáng tin cậy cho các nhà thám hiểm.
Và cuối cùng chú cũng về nhà, đã thỏa mãn, để sống phần đời còn lại của chú như một thành viên thị tộc chuẩn mực tuân thủ luật lệ, dấu hiệu và bằng chứng là chú đã tỉa ria mép và râu theo chuẩn mực. Ria của chú trước đó trông khá là hung dữ. Hai bên ria mép kéo dài xuống gần bằng chiều dài của râu. Khi dì Anne hỏi chú một cách tuyệt vọng rằng vì lý do quỷ quái nào mà chú lại để một bộ ria như vậy, chú đáp lại rằng chú quấn nó quanh tai để giữ ấm. Cả họ đã sợ hãi kinh khủng rằng chú sẽ tiếp tục để ria như thế - vì chú Klon mang cả hai dòng máu Lesley và Blaisdell. Cuối cùng thì chú cũng tỉa nó đi, dù chú không bao giờ có thể để một khuôn mặt không râu ria, thời trang hay không cũng mặc kệ. Nhưng, mặc dù chú vẫn đi ngủ sớm ít nhất một lần một tuần, chú vẫn thích cuộc sống thoải mái, và cả họ đều luôn luôn âm thầm sợ hãi cái nháy mắt châm biếm và những câu nói nhạo báng của chú. Dì Nina đặc biệt khiếp hãi chú từ cái ngày mà dì đã nói với chú đầy tự hào rằng chồng dì chưa bao giờ nói dối dì.
“Ôi, người phụ nữ tội nghiệp.” Chú Klon nói, với giọng thương cảm thực sự.
Dì Nina cho rằng có lẽ đó chỉ là lời nói đùa nhưng không bao giờ có thể tìm ra được câu trả lời. Dì là một thành viên của W.C.T.U1 và I.O.D.E2 và hầu hết những chữ cái khác trong bảng chữ cái - nhưng làm sao đấy mà dì thấy rất khó để có thể hiểu được những lời nói đùa của chú Klondike.
1. Viết tắt của: The Woman’s Christian Temperance Union (Hiệp hội Điều độ Cơ Đốc Phụ nữ).
2. Viết tắt của: The Imperial Order Daughters of the Empire, một tổ chức từ thiện dành cho phụ nữ.
Chú Klondike Lesley được biết đến là một người-ghét- phụ-nữ. Chú chế giễu tất cả các thể loại tình yêu, đặc biệt là kiểu tình yêu sét đánh đầy vô lý. Điều này không thể cản được việc những người họ hàng của chú cố gắng mai mối cho chú trong nhiều năm. Sẽ là phước lành cho chú Klondike khi chú có một người vợ tốt, người không dung thứ cho những trò vớ vẩn. Họ chắc chắn về điều đó, và với tính quyết liệt nổi tiếng của nhà Lesley, họ đã giới thiệu cho chú vài mối tuyệt vời. Nhưng chú Klondike Lesley rõ ràng là quá khó để được làm vừa lòng.
“Katherine Nichols nhé?”
“Nhưng cứ nhìn cặp mắt cá chân dày cộp của cô ta xem.” “Emma Goodfellow thì sao?”
“Mẹ cô ta từng kêu “meo” ở nhà thờ mỗi khi linh mục nói gì đấy mà bà ta không thích. Không thể liều với tính di truyền.”
“Rose Osborn?”
“Tôi không thể chịu nổi phụ nữ có đôi bàn tay béo mập.”
“Sara Jennet?”
“Một quả trứng không có muối.”
“Lottie Parks?”
“Cô ta làm gia vị thì được, không thể làm món chính.”
“Ruth Russel?” - với vẻ chiến thắng, vì đã để người phụ nữ ở cuối danh sách là một người mà không một quý ông nào có thể tìm ra điểm yếu.
“Quá khác thường. Khi không có gì để nói thì cô ta chẳng nói gì. Như thế thì quá là kỳ lạ đối với một người phụ nữ, đúng chứ?”
“Dorothy Porter?”
“Trông khá đẹp đẽ dưới ánh nến. Nhưng tôi không tin là cô ấy trông ổn vào bữa sáng.”
“Amy Ray?”
“Lúc nào cũng kêu lên khe khẽ, nháy mắt, lả lướt và giơ nanh vuốt ra. Một con mèo dễ thương nhưng tôi lại chẳng phải chuột.”
“Agnes Barr?”
“Một phụ nữ lẩm bẩm phương pháp Coué1 thay cho những lời cầu nguyện.”
1. Một phương pháp chữa bệnh bằng tinh thần của nhà tâm lý, dược sĩ Émile Coué người Pháp, người đặt nền móng cho phương pháp ám thị chữa lành.
“Olive Purdy?”
“Nhiều lời - đỏng đảnh - mau nước mắt. Xin kiếu, cảm ơn.”
Kể cả cụ bà cũng đã nhúng tay vào nhưng chẳng được gì hơn. Cụ bà khôn khéo hơn ở chỗ không ném một cô gái vào mặt chú - những người đàn ông họ Lesley không bao giờ lấy người phụ nữ được người khác chọn cho họ. Cụ bà có cách khác.
“Người đi một mình luôn đi được xa nhất.” Là câu trả lời mà cụ có được từ chú Klondike.
“Thông minh lắm.” Cụ bà nói. “Nếu đi xa là tất cả ý nghĩa của cuộc sống.”
“Không phải cháu thông minh. Bà không biết Kipling hả bà?”
“Kipling là cái gì?” Cụ bà hỏi.
Chú Klondike không trả lời. Chú chỉ đơn giản nói rằng ông ta đã được định sẵn sẽ chết đi là một người độc thân - và không thể thoát khỏi số mệnh của mình.
Cụ bà không phải là một phụ nữ ngốc cho dù bà không biết Kipling là ai.
“Cháu đã chờ quá lâu rồi - cháu đã mất đi cả khẩu vị của mình.” Bà nói một cách cay đắng.
Họ nhà Lesley bỏ cuộc. Không có ích gì khi cố gắng làm mối một cô vợ cho người họ hàng khó chịu này nữa. Chú Klon vẫn là một người độc thân, với thói quen kinh khủng là bày tỏ “lòng cảm thông chân thành” mỗi khi một người bạn nào của chú lập gia đình. Mà có lẽ như vậy cũng đúng. Các cháu của chú có thể được lợi, đặc biệt là em bé nhà Lorraine, người mà chú rõ ràng là rất yêu mến. Vậy là chú hiện đang ở đây, chưa lập gia đình, vô tư và hạnh phúc, ngắm nhìn tất cả những người họ hàng của mình với nụ cười thích thú.
Lucifer đã nhảy ngay lên đùi chú khi chú vừa ngồi xuống. Lucifer chiếu cố rất ít người, nhưng như những gì chú ta đã nói với Phù thủy xứ Endor, Klondike Lesley có cái kiểu của riêng mình. Chú Klon cho Lucifer ăn trong đĩa của mình, và Salome - người ăn cùng với gia đình bởi vì cô ấy là chị họ bốn đời của Jane Lyle, người đã lấy một người em con riêng của nhà Lesley - nghĩ rằng như thế thật là tởm.
3
Em bé được nói đến nhiều lần và chú William-phía- bên-kia-vịnh thể hiện sự ghét bỏ rõ ràng của mình bằng câu nói đầy nghi ngại:
“Con bé, e hèm, không xinh xắn cho lắm, nhỉ?”
“Như vậy thì sau này nó mới đẹp.” Cụ bà độp lại đầy sắc sảo. Bà đã chờ đợi thời khắc của mình, như một chú mèo rình con mồi, để tung ra lời châm biếm sâu cay. “Chính anh.”
Bà thêm vào một cách ác ý. “Anh hồi bé rất là xinh trai - mặc dù đầu cũng chẳng nhiều tóc hơn bây giờ là mấy.”
“Xinh đẹp là một món quà mang hiểm họa. Con bé không nên xinh đẹp thì hơn.” Dì Nina thở dài.
“Vậy thì tại sao cô lại đắp kem lạnh lên mặt mỗi tối và ăn cà rốt sống cho đẹp da rồi nhuộm tóc nữa?” Cụ bà hỏi.
Dì Nina không thể tưởng tượng được tại sao cụ bà lại biết về vụ cà rốt. Dì không có chú mèo nào để có thể mách lẻo với Lucifer.
“Chúng ta đều như những gì mà Chúa đã tạo ra.” Chú Ebenezer nói một cách sùng đạo.
“Vậy thì Chúa đã làm hỏng một số trong chúng ta.” Cụ bà lại độp lại, đặc biệt nhìn vào đôi tai to lớn và lớp râu trắng bồng bềnh quanh cổ họng của chú Ebenezer, lớp râu ấy khiến chú trông quái lạ như một chú cừu. Nhưng rồi, cụ bà nghĩ lại, ai là người phải chịu trách nhiệm cho cái mũi của chú chứ, và rõ ràng là khó có thể đổ tội cho Chúa vì bộ râu của chú Ebenezer.
“Con bé có đôi bàn tay xinh xắn đó chứ?” Chú William- phía-bên-kia-vịnh khẳng định.
Dì Anne cúi xuống và hôn lên một trong hai bàn tay nhỏ. “Bàn tay của một nghệ sĩ.” Dì nói.
Lorraine nhìn dì đầy biết ơn và ở trong bộ não dưới mái đầu vàng óng, ghét cay ghét đắng chú William-phía- bên-kia-vịnh trong mười phút.
“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.” Chú Archibald, người hiếm khi mở miệng vì dành nó để thốt lên những câu thành ngữ. “Anh có thể nói cho ta biết, Archibald.” Cụ bà nói một cách thích thú. “Lúc ngủ trông anh cũng nghiêm túc như thế này à?”
Không ai trả lời cụ bà cả. Bà dì Mary Martha-phía- bên-kia-vịnh, người duy nhất có thể trả lời, đã mất được mười năm.
“Cho dù có xinh đẹp hay không, con bé cũng sẽ có cặp lông mi rất dài.” Dì Anne nói, chuyển sang chủ đề an toàn là em bé. Thật thiếu khôn ngoan nếu để cụ bà khởi xướng một cuộc cãi vã trong toàn thể gia đình để phục vụ cho thú vui tiêu khiển của riêng cụ, mà lại vào thời điểm Leander mới mất chưa lâu.
“Nếu vậy thì xin Chúa phù hộ cho lũ đàn ông.” Chú Klon nói với giọng bí hiểm.
Dì Anne băn khoăn không hiểu tại sao cụ bà lại cười ngặt nghẽo cho tới khi rung cả giường lên. Dì Anne thì nghĩ rằng sẽ thật tốt nếu Klondike và khiếu hài hước không đúng lúc đúng chỗ của chú ta không có mặt trong một buổi tụ họp như thế này.
“Ồ, dù sao thì chúng ta cũng phải đặt cho con bé một cái tên đi thôi.” Dì Flora cắt ngang. “Thật đáng xấu hổ khi chúng ta để đến tận bây giờ. Chưa có người nhà Lesley nào gặp trường hợp như vậy cả. Nào, cụ ơi, cụ phải đặt tên cho con bé đi. Cụ có ý kiến gì không?”
Cụ bà tỏ ra khá dửng dưng. Cụ đã có ba người được đặt theo tên của mình, nên cụ biết rằng em bé của Leander sẽ không được đặt theo tên đó nữa.
“Thích đặt là gì thì cứ đặt.” Cụ nói. “Ta đã quá già để để ý đến việc đó. Mọi người hãy cứ tranh luận và tìm ra câu trả lời.”
“Nhưng chúng con muốn có lời khuyên của cụ.” Không may thay dì Leah lại nói. Dì là người mà cụ bà vừa mới ghét cay ghét đắng vì cụ đã nhận ra dì làm móng lúc bắt tay dì.
“Ta chẳng có lời khuyên nào cả. Ta chẳng có gì ngoài một chút trí khôn và ta không thể cho con cái đó. Giống như ta không thể làm gì được với một người phụ nữ hay đòi hỏi và tọc mạch.”
“Ý cụ nói con à?” Dì Leah hỏi một cách can đảm. Dì thường nói rằng dì là người duy nhất trong họ không sợ cụ bà.
“Con lợn bị cắn thì kêu lên eng éc.” Cụ bà đáp lời. Cụ dựa vào những chiếc gối với vẻ khinh bỉ và hớp một ngụm trà một cách đầy hài lòng. Cụ đã trừng phạt được dì Leah vì dám làm móng tay.
Cụ đã yêu cầu bằng được sẽ ăn bữa tối trước để có thể quan sát những người khác ăn tối. Cụ biết việc đó khiến họ sẽ thiếu thoải mái hơn. Nhưng có khó chịu một chút thì cũng chẳng sao. Cụ đã quá tốt bụng và thấu hiểu trong vòng bốn tháng rồi. Bốn tháng là đủ để tiếc thương bất kỳ một ai. Bốn tháng rồi cụ không uốn nắn ai cả. Cảm giác như là hàng thế kỷ đã trôi qua vậy.
Lorraine thở dài. Cô biết cô muốn gọi con mình là gì. Nhưng cô biết rằng cô sẽ không bao giờ có đủ dũng khí để nói ra. Và nếu cô có nói ra họ cũng sẽ không chấp thuận. Khi bạn làm dâu một nhà như nhà Lesley bạn sẽ phải chịu những hệ quả của việc đó. Thật khó khăn khi bạn không được đặt tên cho con của chính mình - khi bạn không được hỏi xem mình thích đặt tên gì. Nếu Lee vẫn còn sống, mọi chuyện sẽ khác. Lee, người không giống một chút nào với những người nhà Lesley còn lại - trừ chú Klon, một chút - Lee, người yêu những điều kì diệu và cái đẹp cùng với những tiếng cười - và tiếng cười của anh đã nín lặng quá đột ngột. Chắc chắn hương vị hài hước của thiên đường đã tăng thêm nhiều lần kể từ khi anh lên đó. Anh sẽ thở dài ngao ngán thế nào trước buổi tụ họp tháng Tám về chuyện đặt tên cho con anh! Anh sẽ gạt họ đi như thế nào! Lorraine cảm thấy chắc chắn rằng anh sẽ để cô đặt tên cho con.
“Tôi nghĩ là…” Bà David Lesley nói, bày tỏ nỗi lòng với một vẻ u ám và buồn bã. “... Sẽ rất phù hợp và đúng đắn khi đặt tên con bé theo tên người vợ đầu tiên của Leander.”
Bà David và Clementine từng là những người bạn thân thiết. Nhưng Clementine ư? Lorraine khẽ run rẩy và ước gì cô không bị như vậy, vì mắt của dì Anne nhìn như muốn choàng thêm cho cô một tấm khăn nữa.
Mọi người đều nhìn lên bức tranh của Clementine.
“Clementine nhỏ bé tội nghiệp.” Dì Stasia thở dài bằng một tông giọng khiến Lorraine cảm thấy cô không bao giờ nên thay thế vị trí của Clementine.
“Mọi người có nhớ cô ấy có mái tóc đen đáng yêu thế nào không?” Dì Marcia nói.
“Và đôi bàn tay dễ thương.” Bà dì Matilda nói.
“Cô ấy chết trẻ quá.” Dì Josephine thở dài.
“Cô ấy mới ngọt ngào làm sao.” Bà dì Elizabeth nói.
“Ngọt ngào thì đúng rồi.” Chú Klon nói. “Nhưng tại sao lại buộc một đứa trẻ ngây thơ mang một cái tên như thế cả đời con bé? Đó sẽ là một tội lỗi.”
Cả họ, trừ bà David, cảm thấy biết ơn chú và thể hiện ra là như thế, đặc biệt là bà trẻ. Cái tên quả thực là không được, cho dù Clementine có ngọt ngào thế nào. Bài hát kinh khủng đó chẳng hạn, Ôi Clementine yêu dấu, mà lũ con trai cứ hú lên dọc các quãng đường vào mỗi buổi tối. Không, không phải với một người nhà Lesley. Nhưng bà David thì rất tức giận. Không phải bởi vì chú Klondike không đồng ý với bà mà là vì chú đã bắt chước tật nói ngọng của bà, tật đó là từ thời xa xưa rồi, nên thật tệ khi chú lại lôi nó ra như vậy.
“Cô dùng thêm một ít nước sốt nhé?” Bà trẻ hào phóng mời.
“Không, cảm ơn ạ.” Bà David sẽ không ăn thêm nữa, để thể hiện sự kém hài lòng. Lúc sau đó bà trả thù một cách ghê gớm hơn khi bỏ lại hai phần ba phần bánh pudding, biết rằng bà trẻ là người đã làm nó. Bà trẻ đã thức dậy giữa đêm và băn khoăn không biết bánh pudding có vấn đề gì. Những người còn lại có lẽ đã cố ăn hết nó vì lịch sự chăng?
“Nếu tên của Leander có thể là gì đó thì đứa bé phải được đặt theo tên cha của mình.” Ông chú Walter nói. “Roberta, Georgina, Johanna, Andrea, Stephanie, Wilhelmina…”
“Hoặc là Davidena.” Chú Klon nói. Nhưng ông chú Walter đã lờ chú đi.
“Không thể tạo ra cái tên nào từ cái tên Leander được đâu. Mà sao cô lại đặt cái tên đó cho thằng bé thế Marian?”
“Ông nội thằng bé đặt tên cho nó theo tên người đã bơi qua dòng Hellespont.” Bà trẻ trả lời một cách kiêu hãnh như thể bà đã quên rằng, ba mươi lăm năm trước, bà đã khóc cả đêm bởi vì cụ ông đã đặt cho con trai bà một cái tên khủng khiếp.
“Hay gọi con bé là Hero?” Chú Klon nói.
“Chúng ta đã có một con chó tên như vậy rồi.” Cụ bà nói.
“Trước khi chết Leander không nói với con rằng nó muốn một cái tên nào đó sao Lorraine?” Dì Nina hỏi.
“Không ạ.” Lorraine khẽ nói. “Anh ấy… anh ấy có quá ít thời gian để nói với con… bất cứ điều gì.”
Cả họ nhăn mặt với dì Nina cùng một lúc. Họ nghĩ dì thật thiếu tinh tế. Nhưng bạn có thể hy vọng gì ở một người phụ nữ viết những bài thơ và bán chúng ra khắp đất nước? Việc viết ra chúng còn có thể được bỏ qua và che giấu. Sau cùng thì, người nhà Lesley không phải là không biết thông cảm và ai mà chẳng có điểm trừ. Nhưng mà bán một cách công khai thì thật là…
“Tôi muốn đứa bé sẽ được gọi là Gabriella.” Dì Nina đề nghị.
“Chưa bao giờ có cái tên như thế trong họ Lesley.” Cụ bà nói. Và đúng là như vậy.
“Con nghĩ đã đến lúc chúng ta có một số cái tên mới.” Nhà thơ nói một cách bướng bỉnh. Nhưng mọi người đều tỏ vẻ lạnh lùng, và dì Nina bắt đầu khóc. Dì luôn khóc cho dù chỉ gặp một chuyện nhỏ xíu. Lorraine nhớ rằng Leander đã luôn gọi dì là bà Mít Ướt.
“Nào, nào.” Cụ bà nói. “Chắc chắn chúng ta có thể đặt tên cho con bé cho dù chúng ta có thoải mái hay không thoải mái với kết quả. Đừng có lầm lẫn, Nina ạ, khi nghĩ rằng cô có thể đóng góp khi tự biến mình thành nạn nhân như vậy.”
“Cô nghĩ sao hả cô Silversides?” Chú Charlie nói, nghĩ rằng Salome đang hoàn toàn tỏ ra thờ ơ và chú không thích như thế.
“Ôi, tôi nghĩ gì thì có quan trọng không ạ, tôi là người không quan trọng mà.” Salome nói, lấy mấy miếng dưa chuột muối một cách phô trương.
“Thôi nào, giờ cô đã là một thành viên của gia đình rồi.” Chú Charlie dỗ dành, như chú tự nhận mình là người biết cách đối xử với phụ nữ.”
“À thì…” Salome thở phào trong lòng bởi vì cô đang muốn nói ra ý kiến của mình chết đi được. “Tôi đã luôn luôn nghĩ rằng những cái tên kết thúc bằng “ine” rất là duyên dáng. Lựa chọn của tôi sẽ là Rosaline.”
“Hay là Evangeline.” Ông chú Walter nói.
“Hoặc là Eglantine.” Dì Marcia hồ hởi.
“Hoặc Gelatine.” Chú Klon nói.
Có một khoảng dừng.
“Juno sẽ là một cái tên hay.” Một người họ hàng tên là Teresa nói.
“Nhưng chúng ta là giáo hội Trưởng lão.” Cụ bà nói.
“Hay là Robinette.” Chú Charlie đề nghị.
“Chúng ta là người Anh mà.” Bà trẻ nói.
“Tôi nghĩ Yvonne là một cái tên rất lãng mạn.” Dì Flora nói.
“Tên tuổi chẳng liên quan gì đến lãng mạn.” Chú Klon nói. “Câu chuyện tình li kì và bi đát nhất mà tôi biết đến là giữa một người đàn ông tên Silas Twingletoe và một phụ nữ tên Kezia Birtwhistle. Theo ý kiến của tôi thì trẻ con chẳng nên được đặt tên làm gì. Chúng nên được đánh số cho tới khi lớn lên và khi đó tự chọn tên của mình.”
“Nhưng vì thế nên con mới không phải là một người mẹ, Horace thân yêu ạ.” Bà trẻ nói đầy thông cảm.
“Bên cạnh đó, có một cô Yvonne Clubine mở một shop quần áo lót ở Charlottetown rồi.” Dì Josephine nói.
“Quần áo lót? Nếu ý cô là quần áo mặc bên trong thì vì Chúa hãy nói như vậy.” Cụ bà cáu kỉnh.
“Juanita là một cái tên khá hay và lạ.” John Eddy
Lesley-phía-bên-kia-vịnh nói.
“J-u-a-n-i-t-a.”
“Sẽ không có một ai đánh vần hay phát âm được cái tên đó cả.” Dì Marcia nói.
“Tôi nghĩ…” Chú Klon bắt đầu, nhưng dì Josephine cũng nói.
“Tôi nghĩ…”
“Place aux dames1.” Chú Klon lẩm bẩm. Dì Josephine nghĩ rằng chú chửi thề nhưng lờ chú đi.
1. Tiếng Pháp, nghĩa là “Mời quý bà nói trước”
“Tôi nghĩ em bé nên được gọi theo tên của một trong những người truyền giáo của chúng ta. Thật đáng xấu hổ khi chúng ta có đến ba nhà truyền giáo đã ra nước ngoài làm việc và không một ai trong số họ có người được đặt theo tên mình - kể cả khi họ chỉ là họ hàng đời thứ tư. Tôi đề nghị chúng ta đặt tên con bé là Harriet theo tên người truyền giáo lớn tuổi nhất.
“Nhưng…” Dì Anne nói. “Như thế là không tinh tế đối với Ellen và Louise.”
“Ôi.” Bà trẻ cất giọng kiêu ngạo. Bà trẻ khó chịu bởi vì chẳng có ai đề xuất đặt tên đứa bé theo tên của bà. “Vậy thì cứ gọi nó bằng cả ba cái tên, Harriet Ellen Louise Lesley. Như vậy là chẳng có người họ hàng đời thứ tư nào cảm thấy phật ý cả.”
Đề xuất của bà có vẻ tìm được tiếng nói chung với mọi người. Lorraine nín thở đầy lo lắng và nhìn chú Klon. Nhưng sự cứu giúp có vẻ như đến từ một góc khác.
“Các người đã thử…” Cụ bà cười khẩy và nói. “...Nghĩ xem khi viết tắt bằng những chữ cái đầu2 thì sẽ thành gì?” Họ chưa thử. Và họ thử. Chẳng ai nói gì về những vị truyền giáo nữa.
2. Harriet Ellen Louise Lesley: khi viết tắt bằng những chữ cái đầu sẽ thành H.E.L.L, trong tiếng Anh có nghĩa là địa ngục.
4
“Sylvia là một cái tên đẹp.” Chú Howard mạo muội bày tỏ ý kiến, cô người yêu đầu của chú có tên là Sylvia.
“Không thể được.” Dì Millicent thốt lên ngỡ ngàng. “Anh không nhớ cô con gái Sylvia của ông chú Marshall đã phát điên sao? Cô ấy đã chết sau một trận gào thét cuồng nộ. Tôi nghĩ Bertha sẽ phù hợp hơn cả.”
“Tại sao? Có một cô Bertha trong gia đình John C. Lesley-phía-bên-kia-vịnh rồi.” Bà trẻ nói.
John C. là một người họ xa đã có xích mích với cả họ. Nên cái tên Bertha sẽ không bao giờ được chọn.
“Đặt tên con bé là Adela được không?” Dì Anne nói. “Mọi người biết đấy, Adela là người đặc biệt nhất mà họ nhà ta có được. Một nữ tác giả nổi tiếng…”
“Ta sẽ chờ người ta làm rõ bí ẩn cái chết của chồng bà ta trước khi bất cứ đứa cháu gái nào của ta được đặt tên theo bà ta.” Bà trẻ buồn bã cất lời.
“Vớ vẩn quá mẹ ơi! Chắc chắn là mẹ không nghi ngờ Adela đấy chứ.”
“Đã có thạch tín ở trong cháo.” Bà trẻ nói với chất giọng u tối.
“Tôi sẽ nói cho mọi người biết đứa trẻ nên được đặt tên là gì.” Dì Sybilla nói, người đã chờ đúng giờ lành mới mở miệng. “Theodora! Tôi đã được nghe cái tên đó trong một cảnh mộng vào nửa đêm. Tôi đã bị đánh thức bởi một cảm giác giá lạnh trên mặt. Tôi đã nổi hết da gà. Và tôi nghe thấy một tiếng thì thầm vọng lại - Theodora. Tôi đã viết ngay cái tên đó vào nhật ký khi tôi tỉnh dậy.”
John Eddy Lesley-phía-bên-kia-vịnh cười lớn. Sybilla ghét anh ta hàng tuần vì chuyện đó.
“Tôi ước gì…” Bà dì Matilda hiền dịu nói. “Con bé sẽ được đặt tên theo đứa con gái nhỏ đã mất của tôi.”
Giọng dì Matilda run rẩy. Con gái bé nhỏ của dì đã mất được năm mươi năm nhưng dì vẫn chưa quên được. Lorraine yêu quý dì Matilda. Cô muốn làm dì vui lòng. Nhưng cô không thể, không thể, gọi con gái mình là Emmalinza.
“Sẽ không may mắn nếu gọi một đứa trẻ theo tên của một người chết.” Dì Anne nói với giọng tích cực.
“Tại sao không gọi con bé là Jane.” chú Peter nói một cách mạnh mẽ. “Tên của mẹ tôi - một cái tên đẹp, đơn giản và tinh tế. Tên thân mật của nó cũng phù hợp với mọi lứa tuổi. Jenny, Janie, Janet, Jeannette, Jean hay Jane khi đã trên bảy mươi tuổi.”
“Ôi, chờ khi ta chết đã, làm ơn.” Cụ bà rên rỉ. “Nó sẽ luôn khiến ta nghĩ tới Jane Putkammer.”
Không ai biết Jane Putkammer là ai hay tại sao cụ bà lại không muốn nghĩ về người đó. Vì chẳng có ai hỏi tại sao cả - bởi vì món tráng miệng đã được bê lên - nên cụ bà tự kể.
“Khi chồng ta chết, bà ta đã gửi cho ta một lá thư chia buồn viết bằng mực đỏ. Ôi Jane!”
Thế nên là em bé thoát khỏi cái tên Jane. Lorraine cảm thấy thực sự biết ơn cụ bà. Cô đã sợ rằng Jane sẽ là cái tên chốt. Thực sự mực đỏ là một thứ mới may mắn làm sao!
“Nói vui về chuyện tên thân mật.” Chú Klon nói. “Không biết thời của Chúa có tên thân mật không nhỉ. Jonathan có được gọi là Jo? Vua David có được gọi là Dave? Và mẹ của Melchizedek đáng yêu lúc nào cũng gọi con bằng cái tên dài như thế à?”
“Melchizedek không có mẹ.” bà David nói một cách đầy vẻ vang, và tha thứ cho chú Klon. Nhưng về phần bà trẻ thì còn lâu. Bánh pudding vẫn không được động tới.
“Hai mươi năm trước Jonathan Lesley đưa cho ta một cuốn sách tên là Kiếp sau.” Cụ bà nhớ lại. “Và ông ta đã sang kiếp sau mười tám năm rồi, còn ta thì vẫn ở đây.”
“Ai cũng sẽ nghĩ rằng bà định sẽ sống mãi mãi.” Chú Jarvis lần đầu tiên cất lời. Chú đã ngồi đó yên lặng, âu sầu hy vọng rằng đứa bé của Leander là một đứa bé được Chúa trời chọn lựa. Tên tuổi thì có quan trọng gì so với điều đó?
“Ta định thế thật.” Cụ bà nói, và cười khúc khích. Điều đó khiến Jarvis, người đàn ông già nghiêm nghị đó, tức tối. “Chúng ta sẽ không bao giờ quyết định được một cái tên cho con bé.” Chú Paul kêu lên tuyệt vọng.
“Tại sao không để Lorraine đặt tên cho con mình?” Chú Klon đột nhiên nói. “Chị có thích cái tên nào không, chị thân mến?”
Lorraine lại nín thở một lần nữa. Ôi, cô có chứ. Cô muốn gọi con mình là Marigold. Thời con gái cô đã có một người bạn thân tên là Marigold. Người bạn gái duy nhất cô từng có. Một người đáng mến, tuyệt vời, láu lỉnh và dễ thương. Cô ấy đã lấp đầy tuổi thơ thiếu thốn tình cảm của Lorraine bằng cái đẹp và những điều bí ẩn cùng với tình yêu thương. Và cô ấy đã chết. Giá mà cô có thể gọi con mình là Marigold! Nhưng cô biết cả họ sẽ lên cơn hoảng sợ với một cái tên lạ lẫm, kỳ khôi và ngốc nghếch như vậy. Cụ bà, bà trẻ, phải, họ sẽ không bao giờ tán thành. Cô biết như thế. Tất cả lòng dũng cảm của cô trôi ra khỏi người cô bằng một tiếng thở dài đầu hàng.
“Khô...ông ạ.” Cô nói bằng giọng nhỏ bé và yếu ớt. Ôi, giá mà cô không hèn nhát đến vậy.
Và cụ bà biết hết.
Con bé nói dối. Cụ nghĩ. Con bé có một cái tên nhưng quá sợ hãi nên không nói ra. Clementine, nếu là nó lúc này, nó sẽ đứng thẳng và nói với tất cả mọi người cái tên đó là gì.
Cụ bà nhìn lên Clementine - người đã mãi mãi nhìn vào bông hoa ly của cô - và quên rằng sự thực về chuyện Clementine luôn đứng thẳng và nói với mọi người - kể cả cụ bà - từng là điều mà cụ bà chẳng thích thú cho lắm. Nhưng cụ bà luôn thích những người có chính kiến - khi mà họ đã không còn trên đời.
Cụ bà bắt đầu cảm thấy chán. Thật là nhặng xị chỉ vì một cái tên. Cứ như là chuyện con bé nhỏ xíu đang nằm trong nôi với mái tóc tơ vàng óng trên đầu kia gọi là gì thì quan trọng lắm vậy. Cụ bà tò mò nhìn vào sinh linh nhỏ bé đang nằm ngủ. Con bé có mái tóc của Lorraine nhưng cằm và lông mày với mũi của Leander. Một đứa trẻ không cha với con bé ngốc nghếch nhà Winthrop là mẹ.
Ta phải sống đủ lâu để con bé nhớ đến ta. Cụ bà nghĩ. Chỉ cần kiên trì nỗ lực một chút là được. Marian không có đầu óc tưởng tượng còn Lorraine thì có quá nhiều. Phải có ai đó cho đứa trẻ này chút trí khôn để sống tốt cuộc đời của nó, cho dù nó có trở thành ngoan hiền hay là ranh ma.
“Giá nó là con trai thì dễ đặt tên hơn.” Chú Paul nói.
Trong mười phút sau đó cả họ tranh cãi ầm ĩ xem họ sẽ gọi em bé là gì nếu nó là con trai. Họ bắt đầu tranh cãi quyết liệt khi dì Myra tự đấm vào sau cổ.
“Tôi e rằng cơn nhức đầu khủng khiếp của tôi lại tới rồi.” Dì nói giọng yếu ớt.
“Phụ nữ sẽ phải làm sao nếu những cơn nhức đầu không được phát minh ra nhỉ?” Cụ bà hỏi. “Đó là căn bệnh tiện lợi nhất thế giới. Nó có thể đến rất đột ngột và ra đi một cách rất thuận tiện. Không ai có thể chứng minh là ta không có nó.”
“Con chắc chắn là không ai phải chịu đựng nó nhiều như con.” Dì Myra thở dài.
“Tất cả chúng ta đều nghĩ như vậy.” Cụ bà nói, thấy được một cơ hội nữa để bắn một mũi tên độc. “Ta sẽ nói cho cô biết vấn đề của cô. Mắt cô phải làm việc quá sức. Cô nên đeo kính ở tuổi của mình, Myra ạ.”
“Tại sao những cơn nhức đầu đó lại không thể chữa được vậy?” Chú Paul nói. “Tại sao cô không thử tìm một bác sĩ khác?”
“Còn ai nữa khi mà Leander tội nghiệp của chúng ta đã nằm dưới mồ?” Dì Myra rên siết. “Tôi không biết nhà Lesley chúng ta sẽ làm gì khi không có thằng bé. Chúng ta sẽ chết hết cả thôi. Bác sĩ Moorhouse thì nghiện rượu, còn bác sĩ Stackley thì ủng hộ thuyết tiến hóa. Và mọi người sẽ không bảo tôi phải đến chỗ vị bác sĩ nữ đấy chứ, đúng không nào?”
Không, tất nhiên là không. Chẳng người nhà Lesley nào lại đến chỗ bác sĩ nữ cả. Bác sĩ M. Woodruff Richards đã làm việc ở Harmony hai năm, nhưng có chết người nhà Lesley cũng không gọi bác sĩ nữ. Có mà tự tử luôn còn hơn. Bên cạnh đó, một bác sĩ nữ là một điềm gở kinh khủng, không thể được thông cảm hay chấp nhận. Như ông chú Robert đã nói đầy căm phẫn: “Phụ nĩ đang trở nin hoàn toàn quá thông minh.”
Klondike Lesley dành thái độ mỉa mai đặc biệt đối với vị nữ bác sĩ. Một sinh vật không giới tính. Chú gọi cô ấy. Chú Klondike không có cảm tình với phụ nữ không nữ tính mà lại bắt chước đàn ông. “Môn chẳng ra môn, khoai chẳng ra khoai”. Như ông trẻ thường nói. Nhưng họ bắt đầu nói về cô ấy trong khi uống cà phê và không quay lại chủ đề tên của em bé nữa. Họ đều cảm thấy chẳng phiền chút nào với vấn đề đó. Dường như đối với họ cả cụ bà, bà trẻ lẫn Lorraine đều chưa ủng hộ hết mình trong chuyện này. Và kết quả là tất cả các vị khách đi về nhà với câu hỏi lớn chưa có lời đáp. “Đúng như những gì ta nghĩ. Chỉ một lũ om sòm, chẳng có gì khá khẩm cả.” Cụ bà nói.
“Chúng ta nên biết điều gì sẽ xảy ra khi tổ chức những sự kiện như thế này vào thứ Sáu.” Salome nói khi đang rửa đống bát đĩa.
“Ồ, sự kiện lớn đã kết thúc.” Lucifer nói với Phù thủy xứ Endor khi chúng gặm một đĩa xương gà và phao câu ở hiên sau nhà. “Và em bé đó vẫn chưa có tên. Nhưng những sự kiện như thế này là ngày tốt lành của chúng ta. Tôi mới sung sướng làm sao.”