Thất bại 7
Tôi đến vừa kịp giờ bắt đầu làm việc, vậy mà bị nhắc nhở: “Hãy đi làm sớm hơn nữa!”.
Nhịp độ cuộc sống bao giờ cũng tất bật vào buổi sáng.
Dậy sớm luôn luôn có lợi đối với người đi làm!
Tôi ngủ quên, sau đó cuống cuồng đi làm, lên xe điện lại gặp sự cố nên bị trễ. Đúng là họa vô đơn chí!
Hãy cố gắng để không ngủ quên. Người đi làm phải luôn dự tính trước sự cố của phương tiện giao thông hay nạn kẹt xe để sắp xếp thời gian. Hãy luôn nhớ rằng phải đến công ty trước giờ làm 10 phút.
Tôi tranh thủ được 10 phút thư thả trước khi bắt đầu làm việc vào buổi sáng. Tôi muốn dùng khoảng thời gian đó để ăn sáng, như vậy có được không?
Không phải chưa đến giờ làm việc thì cậu được tự do làm những gì mình thích. Em cần phải biết 10 phút đó là khoảng thời gian rất quý giá để chúng ta xem xét mọi kế hoạch trong ngày và chuẩn bị cho một ngày làm việc thật hiệu quả.
Lời khuyên của Mammy Fujihara
Tùy theo truyền thống của từng công ty, có một số nơi, cấp dưới cần đi làm sớm hơn cấp trên để sắp xếp báo chí, tài liệu công việc. Ta nên tránh những việc không liên quan trực tiếp đến công việc như ăn uống, đọc báo… vì cho rằng mình còn thừa thời gian. Phải luôn trong tư thế sẵn sàng bắt đầu một ngày làm việc sảng khoái và hiệu quả.
Thất bại 8
Do bị đau bụng nên vừa bắt đầu giờ làm, tôi đã xin nghỉ ngay. Vậy mà bị phê bình: “Báo trễ quá!”.
Ai cũng có lúc không được khỏe và phải nghỉ làm.
Tuy nhiên, đích thân ta phải thông báo lý do xin nghỉ với cấp trên.
Tôi đau bụng đến nỗi không ngồi dậy nổi. Khi liên lạc vô công ty xin nghỉ thì bị mắng: “Cô phải báo trước khi bắt đầu giờ làm việc chứ!”.
Trong trường hợp phải nghỉ làm đột ngột vào buổi sáng do cơ thể không được khỏe thì điều quan trọng đầu tiên cần ghi nhớ là bạn phải báo tin trước giờ bắt đầu làm việc. Bạn phải tự mình nói rõ lý do với người quản lý trực tiếp của mình. Tốt nhất là nên báo cáo trước giờ làm việc khoảng 30 phút.
Nếu ngày hôm đó sẽ có buổi họp quan trọng hay có hẹn với đối tác thì phải làm sao?
Đầu tiên ta phải tìm mọi cách để sự vắng mặt của mình không gây trở ngại đến công việc. Ta phải báo tin sớm, sau đó nhanh chóng xin chỉ dẫn của cấp trên, nhờ đồng nghiệp đi gặp khách hàng thay hoặc dời cuộc hẹn lại.
Lời khuyên của Mammy Fujihara
Dù bị bệnh nặng đến mức phải nghỉ làm, ta cũng phải tìm ra giải pháp tối ưu sao cho đừng gây trở ngại đến công việc. Tuyệt đối không nên nhờ người nhà gọi điện vào công ty để xin phép giúp. Ta hãy tự mình thông báo lý do xin nghỉ. Ngoài ra, bạn nên nhớ rằng một người đi làm cũng cần chăm lo sức khỏe của mình thật tốt.
Thất bại 9
Tôi cứ đinh ninh là đến công ty rồi báo cáo rõ lý do đi trễ với sếp cũng được, nhưng sếp đã đùng đùng nổi giận!
Đi trễ là điều cấm kỵ! Đây không phải là tác phong của một nhân viên chuyên nghiệp!
Phải thông báo cho sếp ngay khi biết mình sẽ đến trễ.
Buổi sáng, mải xem ti-vi, nhìn đồng hồ tôi mới giật mình. Hậu quả là tôi đến công ty trễ.
Hình như em vẫn chưa thoát khỏi tâm lý của một cô học sinh. Hãy xây dựng cho mình ý thức của một người đã đi làm. Phải biết xấu hổ vì lý do đi trễ là do xem ti-vi chứ!
Nhưng mà tôi cũng đã cuống lên rồi còn gì! Tôi không muốn báo tin qua điện thoại, tôi đinh ninh là đến công ty rồi trình bày rõ lý do và xin lỗi sếp cũng được.
Em không được phép tùy tiện hành động theo ý thích của mình. Phải liên lạc điện thoại với sếp ngay khi biết mình sẽ đến trễ. Phải tuân thủ các quy định chứ.
Lời khuyên của Mammy Fujihara
Đi trễ là điều cấm kỵ đối với một người đi làm. Dù với bất cứ lý do nào đi nữa thì việc đi trễ cũng không được chấp nhận. Không có từ “đi trễ” trong phong cách của người đi làm chuyên nghiệp. Nếu không sớm sửa chữa thì nó sẽ thành thói quen xấu, đồng nghĩa với việc bạn bị xem là “nhân viên kém cỏi”. Còn người đã đi trễ mà trước sau đều không báo cáo thì không còn lời nào để bào chữa. Khi liên lạc với sếp, ngoài việc báo cáo lý do đi trễ, ta cũng phải nói rõ giờ nào mình sẽ đến công ty.
Thất bại 10
Hôm có trận đấu ở giải bóng đá tranh cúp quốc gia, tôi muốn xin về sớm thì bị sếp từ chối: “Tại sao anh không nộp đơn xin nghỉ phép từ trước?”.
Chỉ nên xin về sớm trong trường hợp bất khả kháng.
Không được lẫn lộn việc công với việc tư.
Tôi có vé xem trận đấu ở sân vận động mà. Bỏ lỡ một dịp vui như vậy rất đáng tiếc. Tại sao lại không được xin về sớm?
Em chỉ được phép về sớm trong trường hợp ngày hôm đó em không được khỏe, hay gia đình có chuyện quan trọng đột xuất. Còn trường hợp này, dù em có trình đơn xin nghỉ phép thì cũng không được chấp nhận đâu!
Thật vậy ư? Công ty thật là khắt khe với nhân viên quá! Đi làm là xem như không có thời gian giải trí nữa sao?
Em đừng nghĩ như vậy. Tôi nghĩ người đi làm lại càng nên xem trọng nhu cầu giải trí và vun đắp quan hệ với người khác. Ta có quyền tận hưởng thời gian riêng tư của mình, miễn sao đừng gây trở ngại đến công việc.
Lời khuyên của Mammy Fujihara
Đi làm không có nghĩa là hoàn toàn không có thời gian giải trí, nghỉ ngơi. Một nhân viên chuyên nghiệp luôn biết cách quản lý thời gian biểu, lập kế hoạch cho việc công và việc tư một cách hợp lý. Tùy theo từng ngành nghề, từng loại công việc khác nhau, mỗi công ty sẽ có những quy định khác nhau về thời gian làm việc, song, nhìn chung ta phải nộp đơn xin nghỉ phép đến cấp trên trước đó khoảng một tuần. Nếu phải bàn giao công việc thì hãy hoàn thành mọi thủ tục trước ngày nghỉ. Ta cần phải chu toàn mọi việc để không ảnh hưởng đến công việc chung và không làm phiền mọi người xung quanh.