Thất bại 11
Tôi để một mình sếp xách những vật dụng khách hàng gửi, rồi cứ thế mà ung dung về công ty. Tôi bị sếp khiển trách!
Một nhân viên chuyên nghiệp, có năng lực thật sự không chỉ nghĩ đến bản thân mình mà họ còn rất hay quan tâm, giúp đỡ mọi người.
Tôi nghĩ những túi xách đó không nặng lắm. Hơn nữa, khách hàng trực tiếp đưa cho sếp nên tôi nghĩ đó không phải là việc của mình!
Trời ạ, trong những lúc như thế, đáng lẽ ra cậu phải nói: “Nếu có thể, hãy để tôi xách giúp cho”.
Chị nói rất có lý! Nói như thế biết đâu mình lại tạo được ấn tượng tốt với sếp, còn được sếp đánh giá cao nữa.
Cậu đừng nên có suy nghĩ như vậy. Vấn đề tôi muốn nói ở đây là trong mọi quan hệ, đừng chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình mà còn phải biết nghĩ đến người khác nữa. Nếu ta chỉ là kẻ giỏi xun xoe, nịnh hót thì sớm hay muộn mọi người cũng biết thôi.
Lời khuyên của Mammy Fujihara
Trong một công ty luôn đề cao tinh thần tập thể thì những cá nhân chỉ biết đến lợi ích của bản thân sẽ không được người khác tin tưởng. Trong kinh doanh cũng vậy, mình có tỏ ý quan tâm đến đối tác thì mới là người làm ăn chân chính và được đánh giá cao. Đó là phong cách của người làm việc hàng đầu. Có thể nói, quan tâm, chia sẻ giỏi cũng là làm việc giỏi. Đây là những kỹ năng sống bắt buộc của người đi làm ngày nay!
Thất bại 12
Tôi quên mất lời chỉ bảo đó là của ai, và đã dùng chính nó để truyền lại cho người đã giúp mình.
Người biết trân trọng cái duyên gặp được người khác thì chắc chắn cũng sẽ là người thành công trong công việc.
Trời ơi, tôi đã làm một chuyện thật đáng xấu hổ. Tôi đã khuyên bảo đồng nghiệp bằng những lời mà chính họ đã nói với tôi lúc trước.
Người ta đã bỏ công sức chỉ bảo cho người mới như em, vậy mà em lại quên mất. Thật là không phải! Vậy là em không coi trọng cái duyên gặp được người khác rồi!
Duyên gặp được người khác ư?! Em chưa từng nghĩ đến điều này.
Khi tiếp xúc với bất kỳ ai, ta cần phải biết rằng đây rất có thể là cuộc gặp gỡ duy nhất của ta với người đó trong đời. Vì vậy, hãy đối xử với người đó bằng tất cả tấm chân tình của mình. Ta cần phải ghi nhớ cẩn thận mốc thời gian gặp gỡ cũng như những nội dung mà hai người đã trao đổi với nhau.
Lời khuyên của Mammy Fujihara
Liệu ta có thể gặp được bao nhiêu người trong cuộc đời mình? Con số đó là có giới hạn. Trong số những người ta gặp trong năm đầu tiên vào công ty, có thể có một số người ta sẽ còn tiếp xúc cả đời. Đó là một trong những điều kỳ diệu của cuộc sống! Sống ở trên đời, ta phải biết trân trọng cái duyên đã tạo ra nhịp cầu gắn kết ta với những người ấy. Nếu ta thể hiện lòng tri ân dành cho chữ “duyên” ấy thành lời nói thì tình cảm đó sẽ được truyền sang cả người đối diện.
Thất bại 13
Tôi không biết là không được phép xưng hô “cậu”, “Tớ” với đồng nghiệp.
Không được dùng cách xưng hô của bạn bè bằng vai phải lứa trong giao tiếp ở nơi làm việc!
Phải học cách nói chuyện thích hợp với nơi công sở.
Chị ấy nghiêm khắc quá! Tôi xưng hô “atashi” (mình), và gọi “chan” (bạn) mà chị ấy không đồng ý.
Phải dùng từ “watashi” (tôi) thì mới đúng. Rồi những từ như “toka” (như là)(2) “chou” (quá trời!)(3) - cũng không phù hợp ở nơi làm việc. Những gì chị ấy góp ý là rất chí lý đấy. Không phải chị ấy khắt khe gì với em đâu.
(2) Từ đệm, dùng trong nói chuyện thông thường.
(3) Từ biểu cảm (ví dụ như nói “Đẹp quá trời”, “Đẹp dã man", v.v).
Nếu cứ phải ngồi nghĩ để chọn lựa từng từ, từng chữ như vậy thì làm sao nói chuyện với nhau thoải mái được. Còn từ nào phải chú ý nữa không?
À, ta nên nhớ là khi nói về công ty của mình thì đừng nói “uchi no kaisha”(công ty mình), mà phải là “heisha, tousha, watashidomo” (công ty chúng tôi). Tốt nhất là ta nên để ý xem những người đi trước dùng từ ngữ như thế nào để noi theo.
Lời khuyên của Mammy Fujihara
Người mới đi làm thường mắc phải một số lỗi trong giao tiếp. Khi nói đến tên một người trong công ty của mình trước mặt người ngoài thì ta vẫn hay dùng chữ “... san” kèm với tên của người đó, như “A san” (anh A), “B san” (anh B). Ta nên nhớ khi nói đến người trong công ty của mình trước mặt người ngoài thì phải khiêm nhường công ty mình xuống bằng cách chỉ gọi chức vụ (nếu có chức vụ) kèm theo tên như “trưởng phòng A”, “thư ký B”,... và nhớ phải bỏ chữ “... san” đi nhé.
Thất bại 14
Tôi không nghĩ pha trà mời khách là việc làm “đương nhiên” của người đi làm!
Pha trà mời khách là việc làm cho thấy thái độ đón tiếp chu đáo, tận tình, qua đó sẽ làm khách cảm thấy thoải mái, được tôn trọng.
Ta hãy làm sao cho phải phép!
Gần đây ở nhiều công ty có đặt máy bán nước uống tự động, nên việc pha trà mời khách cũng giảm bớt nhỉ!
Nhưng khi tiếp khách, ta đâu thể nói: “Xin cứ tự nhiên mua nước uống” được! Ta nên biết cách pha trà cho khéo để có thể mời khách lúc cần. Đó là một việc rất hữu ích đấy.
Tôi không đồng ý với quan điểm “pha trà là việc của phụ nữ”. Nam nữ bình đẳng, nam giới cũng phải biết làm việc này chứ!
Đúng rồi, pha trà mời khách không phải là việc chỉ dành cho phụ nữ. Ý tôi là nam giới đã đi làm mà không thể pha nổi một bình trà thì đó không phải là một nhân viên chuyên nghiệp.
Lời khuyên của Mammy Fujihara
Mang trà ra mời khách là việc làm cho thấy thái độ đón tiếp chu đáo, đầy thiện ý. Trong công ty, cũng có trường hợp nam nhân viên tự tay pha trà mời khách. Tuy nhiên, thực tế là có nhiều vị khách cảm thấy thoải mái hơn khi người pha trà là nữ nhân viên.
Việc gìn giữ những giá trị thẩm mỹ bên trong công ty cũng tương tự thế. Đối với những nhân viên hàng đầu, họ vẫn làm những việc như nhặt rác, lau bàn, dọn dẹp phòng họp mà không cần cấp trên nhắc nhở.
Thất bại 15
Tôi hẹn hò bằng điện thoại di động trong giờ làm việc thì bị sếp "chiếu tướng” và bảo: “Không được bàn việc riêng ở đây!”.
Chỉ sử dụng điện thoại di động hay thư điện tử cho việc cá nhân trong những trường hợp thật cấp thiết.
Thời đại này mà còn quy định cấm dùng điện thoại di động trong giờ làm việc nữa sao!
Dùng điện thoại để liên lạc vì mục đích công việc thì không sao. Ta phải tránh việc nói chuyện điện thoại riêng trong giờ làm việc dù là trường hợp người khác chủ động gọi đến cho mình. Trong giờ làm việc mà mình cứ nói chuyện riêng suốt như vậy thì không thể chấp nhận được.
Vậy thì dùng email sẽ không làm phiền đến ai hết! Khỏi phải lo người ta nghe thấy câu chuyện của mình.
Em lại hiểu nhầm ý chị rồi! Vấn đề ở đây là không được dùng thời gian làm việc ở công ty để giải quyết chuyện riêng tư. Em dùng email cho việc cá nhân thì cũng vậy thôi. Em quên là mình có nhận lương của công ty à?
Lời khuyên của Mammy Fujihara
Chuyện sử dụng email hay điện thoại cho việc riêng tư cũng tương tự như chuyện ngoại hình hay trang phục của bạn vậy. Trong quy tắc làm việc nơi công sở, có những “giới hạn chung” mà ai ai cũng phải biết và không được phép vi phạm. Ta hãy luôn ghi nhớ rằng không được dùng thời gian làm việc ở công ty để giải quyết việc riêng, chỉ ngoại trừ những trường hợp thật sự cấp thiết. Và đừng cho là người khác làm được thì mình làm cũng không sao. Nếu có ai dùng email hay điện thoại cho việc riêng thì người mới vào làm cũng có quyền nhắc nhở đấy.
Thất bại 16
Tôi trả lời điện thoại nội bộ gọi đến trong khi đang nói chuyện với sếp thì bị mắng: “thật vô phép!”.
Có rất nhiều quy tắc cần ghi nhớ trong cách nói chuyện với sếp.
Hãy nắm những điểm cốt lõi, từ đó phấn đấu để trở thành nhân viên mẫu mực.
Trước nay tôi có nguyên tắc luôn trả lời điện thoại gọi đến, nhưng sếp lại bảo “Không trả lời cũng được”!
Cần phải nhớ rằng khi đang nói chuyện với sếp hay với các anh chị đi trước thì ta phải dừng việc của mình lại để tập trung lắng nghe họ nói. Đối với những cuộc gọi nội bộ thì ngoại trừ trường hợp thật cấp thiết, còn lại ta nên nhờ những người xung quanh nhận lời nhắn, rồi gọi lại sau.
Tôi có quyền trả lời những cuộc gọi từ bên ngoài chứ?
Ta nên ưu tiên những cuộc gọi của khách hàng rồi mới đến các liên lạc gấp từ đối tác. Khi đang nói chuyện với sếp, cần phải xin phép trước khi nhận điện thoại. Như thế mới đúng phép tắc.
Lời khuyên của Mammy Fujihara
Thái độ lắng nghe sếp nói như ví dụ trên là một biểu hiện rất quan trọng trong phong cách của người đi làm. Ngoài ra, việc chọn thời điểm hay cách thức mở lời với cấp trên cũng có nhiều điều phải lưu ý. Thật không phải nếu ta chen ngang cuộc nói chuyện của các sếp, hay ta cứ nói ngay mà không có một lời xin phép. Ta hãy tập cho mình thói quen trình bày kết luận của vấn đề cần trình bày trước, không mở đầu dông dài.
Thất bại 17
Không ai nói cho tôi biết là trong công ty phải nhường đường cho sếp nên tôi cứ “hiên ngang” bước qua mặt sếp!
Nhường đường cho sếp là một quy tắc mà ai ai cũng phải biết khi đi làm.
Đừng quên để ý đến sự có mặt của người khác. Hãy luôn niềm nở chào hỏi mọi người.
Tôi rất hay đi ngang qua mặt sếp ở hành lang. Cứ mỗi lần như thế, tôi phải nhường đường cho ông ấy ư?
Tất nhiên rồi. Đó là một nguyên tắc bất di bất dịch. Có khá nhiều người khi đi ngang, chạm mặt sếp hay các bậc đàn anh đàn chị mà cứ thản nhiên như không, cứ thế mà thẳng bước. Ấn tượng của tôi với những cá nhân có cách hành xử như thế thật không tốt chút nào.
Để cấp trên có ấn tượng không tốt là không được rồi! Vậy tôi phải làm sao đây?
Khi chạm mặt sếp hay bậc đàn anh đàn chị ở hành lang, ta hãy chào bằng mắt hay gật đầu chào nhẹ, miệng nở một nụ cười tự nhiên cùng cử chỉ nhường đường, không quên kèm theo câu “douzo” (xin mời). Đó là phong cách của một nhân viên chuyên nghiệp đấy.
Lời khuyên của Mammy Fujihara
Chỉ cần một biểu hiện, cử chỉ nhỏ cũng có thể làm thay đổi ấn tượng của người khác về mình. Nếu lúc nào ta cũng quan tâm đến người khác, lúc nào cũng chào hỏi mọi người vui vẻ thì việc tạo một phong cách riêng chuẩn mực cho bản thân nơi công sở không phải là việc khó khăn. Động tác nhường đường, hay cái gật đầu chào nhẹ khi gặp mặt cấp trên, bậc anh chị đi trước là những cử chỉ tự nhiên của một người trưởng thành mà ta phải tự trang bị cho mình. Khi sếp đến chỗ ta ngồi để bàn việc gì đó, ta hãy đứng lên để nghe. Những quy định trong cách hành xử này sẽ thành thói quen nếu ta luôn ghi nhớ và thường xuyên thực hiện.
Thất bại 18
Tôi chào ông giám đốc: “go kurousama desu”(4)
Thì một đồng nghiệp trừng mắt nhìn tôi ý muốn nói: “anh dùng từ sai rồi”.
(4) Ông vất vả quá! (Dùng với người nhỏ hơn mình hay cấp dưới của mình).
Trong những từ tiếng Nhật ta đã nghe quen, có rất nhiều kính ngữ bị dùng sai. Sử dụng kính ngữ một cách hoàn hảo mới có thể trở thành một nhân viên hàng đầu trong xã hội.
Trước giờ tôi cứ hiểu nhầm “go kurousama” là kính ngữ.
Đây là một trong những lỗi rất nhiều người mắc phải. Khi dùng tiếp đầu ngữ “go” hay “o”(5) thì nghe có vẻ trịnh trọng, nhưng thực ra đối với người bề trên, ta phải nói “o tsukaresama desu”(6) thì mới đúng là kính ngữ.
(5) Khi dùng tiếp đấu ngữ “O" và “GO" thì tùy tình huống mà nghĩa của từ đó sẽ trở thành từ trịnh trọng hay khiêm nhường.
(6) Ông vất vả quá! (Dùng với người lớn hơn mình hay cấp trên của mình).
Cứ mỗi lần muốn sử dụng kính ngữ là tôi cứ bí từ. Không biết có cách nào để nhớ nhanh không?
Muốn vậy, trước tiên ta phải bắt đầu bằng cách dùng từ lịch sự trước. Ta phải phát âm đầy đủ những tiếng cuối cùng như: “desu”, “masu”, “gozaimasu”(7) . Như thế sẽ biểu lộ được ý kính trọng người đối diện.
(7) Những từ ở cuối câu (Một trong những mẫu ngữ pháp cơ bản trong tiếng Nhật. Ví dụ như: Tôi là A: Watashi ha A desu).
Lời khuyên của Mammy Fujihara
Trong kính ngữ, ta có 3 loại: “từ lịch sự”, “từ kính trọng” và “từ khiêm nhường”. Để diễn tả động tác “xem” thôi, ta có những cách dùng từ như sau: Mình xem thì dùng từ khiêm nhường “haiken suru”(8), người đối diện xem thì dùng từ kính trọng “go ran ni naru”(9). Cách nhanh nhất là em chú ý nghe các anh chị đi trước trả lời điện thoại hay nói chuyện với cấp trên để mình học theo khi dùng trong thực tế nhé.
(8) Xem (là khiêm nhường ngữ, dùng để khiêm nhường bản thân mình).
(9) Xem (là kính ngữ, dùng với người lớn hơn mình và cấp trên).
Thất bại 19
Tôi bị chê trách là “phát ngôn không đúng lúc đúng chỗ”!
Chọn đúng thời gian và địa điểm để bàn chuyện công việc là cách cư xử của một người có hiểu biết.
Tôi cứ nghĩ là phải báo cáo ngay cho cấp trên những chuyện liên quan đến công việc. Vậy không được sao?
Báo cáo sớm là một điều tốt. Nhưng có nhất thiết phải chặn sếp lại giữa đường để làm chuyện đó không? Làm sao cậu biết được là có ai đó đang nghe lỏm câu chuyện giữa cậu và sếp không. Khi nói chuyện công việc, ta hãy chọn địa điểm cho phù hợp.
Vậy khi đi công tác cùng sếp trên xe điện thì phải nói gì đây!
Tuyệt đối không được thảo luận nội dung chi tiết về công việc hay những gì liên quan đến thông tin khách hàng trên xe điện hay taxi. Trong trường hợp đó, nếu là tôi, tôi sẽ giữ vai trò của người nghe chứ không cố gợi chuyện.
Lời khuyên của Mammy Fujihara
Ta phải luôn nhớ là để tránh việc tiết lộ thông tin khách hàng, những bí mật của công ty, những cuộc hội họp luôn được tiến hành trong phòng kín, an toàn, đảm bảo tính bảo mật. Vì vậy ta không được đứng bàn chuyện công việc trên lối đi. Đó còn là một việc làm không phải đối với sếp. Hãy tự rèn luyện cho mình khả năng nhận định mọi vấn đề một cách toàn diện. Hơn nữa, nói và hành xử phù hợp với từng tình huống cũng là một kỹ năng mỗi chúng ta cần phải biết. Hàng ngày chúng ta cần chú ý quan sát cung cách xử lý trong giao tiếp của những anh chị đi trước để học hỏi.