Các nguyên nhân gốc và tác nhân kích thích các loại ung thư. Độc tố không được kiểm soát trong môi trường gây “bùng nổ” ung thư - và các chuyên gia nhất trí rằng “y tế dự phòng phải bắt đầu từ trong đất.”
“Hiện nay hầu như không còn đất hoặc nước sạch, độc tố có trong tất cả thực phẩm chúng ta ăn, nước chúng ta uống, không khí chúng ta hít thở.”
– Tiến sĩ Joseph D Weissman, chuyên gia về y tế dự phòng và miễn dịch học (Mỹ)
Nguyên nhân gốc rễ ung thư là sự ô nhiễm môi trường chưa từng có trên quy mô toàn cầu. Ô nhiễm môi trường là không có biên giới, và nếu sự ngộ độc chung của đất, các con sông, đại dương và không khí không được giải quyết một cách nghiêm túc, thì ung thư và dị tật bẩm sinh, dị ứng, hen suyễn, tiểu đường, viêm khớp và nhiều bệnh thoái hóa khác, sẽ tiếp tục gia tăng. Và tỷ lệ sống sót của chúng ta sẽ không được cải thiện hơn.
Những sự thật tàn nhẫn nổi lên ở Đại hội thế giới về ung thư tổ chức tại Darwin (tháng 4/1997) với 20 đoàn chuyên gia quốc tế đến từ chín quốc gia trong đó có 72 bác sĩ, chia sẻ những gì họ biết.
Tầm quan trọng sống còn của chế độ ăn uống và dinh dưỡng trong việc ngăn ngừa và điều trị ung thư xuất hiện ở thời gian bàn luận. Trong khi nói về nguyên nhân gây ung thư và cách phòng chống không thể nằm trong báo cáo ngắn gọn của bất kỳ chuyên gia nào, nhưng mọi người đều đồng ý rằng “Y học bảo vệ và Y tế dự phòng phải bắt đầu với đất.”
“Con người bạn là ‘sản phẩm’ của thứ bạn ăn và hít thở…”, Tiến sĩ David Spall người đứng đầu phòng khám ung thư theo phương pháp tổng thể đầu tiên của Úc ở Queensland cho biết.
“Nếu chúng ta thực sự là ‘sản phẩm’ của những gì ta ăn vào, thì hầu hết chúng ta và vật nuôi đều là hỗn hợp hóa học của thuốc trừ sâu, thuốc trừ dịch hại, thuốc diệt nấm, thuốc diệt cỏ và phân bón tổng hợp”, Alex Podolinsky - người sáng lập ra cách canh tác hữu cơ - biodynamic ở Victoria (Úc) - cảnh báo, người mà cho đến những năm 1990, vẫn “đơn thương độc mã chống lại các lực lượng của sức mạnh hóa học.” (Tổ chức Gawler ở Yarra đã mua số lượng lớn các loại thực phẩm toàn phần hữu cơ từ các kho của trang trại Podolinsky trong thị trấn Powell gần đó để bổ sung những gì khu vườn hữu cơ của riêng họ sản xuất ra).
Đối với những thứ mà chúng ta hít thở, các nhà nghiên cứu người Ý đã thông báo tìm thấy một liên kết mạnh mẽ giữa mức độ ô nhiễm không khí và tỷ lệ tử vong do ung thư. Những nhà nghiên cứu này là một phần của một nhóm nghiên cứu từ 12 thành phố châu Âu đang nghiên cứu tác động ô nhiễm không khí trên tỷ lệ tử vong và phát hiện của họ cho thấy, ngay cả ở mức chấp nhận hiện tại, tình trạng ô nhiễm vẫn ảnh hưởng tới sức khỏe và làm chết người. Phát hiện của họ đã được báo cáo trong tất cả các tạp chí y học mới nhất của Anh.
PM2.5, kẻ giết người thầm lặng mà chúng ta hít thở hàng ngày
Tại Singapore, tờ báo Straits Times ngày 10/5/2006 báo cáo rằng chất gây ô nhiễm không khí Ultrafine (PM 2.5) được tìm thấy ở đảo quốc này vượt quá tiêu chuẩn cho phép tối thiểu là 15mcg/m3, do Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ công bố.
Chất gây ô nhiễm không khí Ultrafine là chất siêu mịn, vô hình và có thể thẩm thấu vào các hốc sâu nhất của lá phổi gây ra các tổn thương đáng kể. Trẻ em và phụ nữ lớn tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương.
Số đo trung bình hàng năm của PM2.5 ở Singapore đứng ở mức không an toàn là 21mcg/m3 (micrograms cho mỗi mét khối). Chất gây ô nhiễm không khí này được tạo ra bởi các loại xe, đặc biệt là xe buýt động cơ diesel, xe taxi và xe tải, các nhà máy, nhà máy điện, lò đốt, văn phòng, nhà cao tầng khu mua sắm, bình xịt thuốc trừ sâu và khói thuốc lá.
Hơn bốn triệu dân Singapore sử dụng hơn 40 tỷ túi nhựa một năm và tạo ra 2,5 triệu tấn rác thải (thống kê 2003), phần lớn (90%) các chất thải này được đốt, là một trong những yếu tố tạo ra ô nhiễm môi trường.
Singapore cũng là một trong những quốc gia có số người sử dụng giấy lớn nhất trên thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Chỉ có khoảng 40% số giấy được sử dụng ở đây được thu gom để tái chế, phần lớn (60%) được đốt hoặc chôn.
Nhưng chất ô nhiễm gây ung thư tồi tệ nhất được sinh ra từ các ngành công nghiệp hoá dầu, Tiến Sĩ Ralph Moss cáo buộc (Báo cáo của Moss về chất gây ung thư). Singapore là nơi có khu phức hợp hóa dầu hàng đầu thế giới. Thu thập và xử lý chất thải đã trở thành một ngành công nghiệp phát triển và mọi người đang bị dẫn dắt để tin rằng đốt nhựa hoặc chôn lấp chất thải không phân hủy sinh học không phải là một vấn đề!
Cũng cần phải lưu ý rằng người Singapore cũng bị phơi nhiễm thường trực với khí độc của thuốc diệt muỗi (nguyên nhân gây tỷ lệ cao mắc sốt xuất huyết). Hơn nữa, nhiều hộ gia đình thường xuyên khử trùng nhà để ngăn chặn gián, kiến, ve - chưa kể đến việc họ thường sử dụng tùy tiện thuốc trừ sâu trong gia đình!
Nếu Singapore, được coi là một thành phố “xanh sạch”, mà lại tràn ngập không khí bị ô nhiễm như thế, vậy các thành phố như Kuala Lumpur, Jakarta và Thượng Hải thì sao? Hơn nữa, “ý tưởng để người dân tự làm sạch” cũng có nghĩa là sử dụng quá mức cần thiết các chất khử mùi, chất tẩy rửa và chất làm sạch mạnh - tất cả đều tạo ra khí độc cho con người hít vào.
Cũng cần lưu ý rằng số đo chất gây ô nhiễm không khí của PM2.5 là giá trị trung bình và chưa xem xét những tháng mùa khô khi Singapore và Malaysia có thể bị bao phủ bởi khói mù độc hại từ các đám cháy rừng ở Indonesia tràn tới.
Rất có thể các nhà phát minh ra trên 100.000 hóa chất tổng hợp trong môi trường của chúng ta hiện nay tin rằng cơ thể con người có khả năng hấp thụ các chất này mà không bị chúng làm tổn hại. Tuy nhiên, các bằng chứng (ví dụ trường hợp bị ung thư và các cụm làng ung thư) đang chồng chất trên cả thế giới công nghiệp phát triển đã chỉ ra rõ ràng rằng cơ thể con người không thể chống trả được.
Cần lưu ý rằng ung thư phổi là một trong ba loại ung thư hàng đầu tại Singapore và ung thư là tính đến tất cả mọi thứ, một căn bệnh chết người hàng đầu ở Singapore.
Rõ ràng con người không thể đối phó nổi trong một nồi canh hóa chất
Bằng chứng cho thấy sự sống của con người không đối phó nổi trong một nồi canh hóa chất bắt đầu được đưa ra vào đầu những năm 1970 khi những nhà nghiên cứu y tế tiết lộ rằng có sự ‘bùng nổ’ về ô nhiễm môi trường và việc sử dụng các chất hóa học đã sản xuất ra số lượng lớn bất thường các gốc oxy trong thân thể con người mà, qua thời gian, chúng trở thành chất hoạt hóa và tác nhân khởi xướng bệnh ung thư.
Trong số những người lên tiếng vào những năm 1980 có Tiến sĩ Joseph D Weissman, phó giáo sư tại Đại học Y khoa UCLA (California). Ông lên tiếng cảnh báo rằng hầu hết các căn bệnh chết người ngày nay đều do độc tố môi trường được tạo ra từ xã hội công nghiệp, bao gồm cả cách canh tác công - nông nghiệp.
Chuyên gia y tế dự phòng và miễn dịch học này cũng cho biết nhiều bác sĩ đồng ý rằng sự gia tăng của các bệnh thoái hóa như ung thư và tim mạch, chủ yếu là do việc sử dụng rộng rãi các hóa chất tổng hợp trong chế độ ăn uống hàng ngày, chất bảo quản thực phẩm, thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm, thuốc trừ dịch hại…
Tuy nhiên, ngày nay, đã hơn hai thập kỷ kể từ khi những lời cảnh báo y tế được đưa ra, các thức ăn mà chúng ta tiêu thụ với số lượng lớn hơn nữa đã được trồng hoặc sản xuất (thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, thịt gia cầm) trên đất/đồng cỏ vẫn thường xuyên được bón ướt đẫm các hóa chất này!
Hơn thế nữa, khi bạn cắn một miếng thịt hamburger ngon ngọt là bạn đang đưa vào cơ thể hàng loạt chất progesterone, testosterone, hormon tăng trưởng và thuốc kháng sinh mà động vật đã được cho ăn, và chúng tôi hiểu lý do tại sao không có Nhà chữa bệnh tự nhiên có lòng tự trọng nào lại đưa thịt vào trong chế độ ăn uống chống ung thư của mình! Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên nhất lại là các bệnh viện chính thống vẫn làm! Quả thật, thực phẩm dùng cho chữa bệnh có nhiều cách hiểu rất khác nhau!
Ngay từ năm 1912, nhà khoa học người Pháp đoạt giải Nobel, Tiến sĩ Alexis Carrel, đã cảnh báo rằng kể từ khi “đất là cơ sở cho tất cả cuộc sống của con người, hy vọng duy nhất của chúng ta cho một thế giới lành mạnh dựa trên việc tái thiết lập sự hài hòa trong đất, mà chúng ta đã phá vỡ bằng các phương pháp hiện đại về nông học của chúng ta.”
Trong những năm 1923 - 1924 Tiến sĩ Rudolf Steiner không chỉ đưa ra các cảnh báo nghiêm trọng tương tự như vậy mà ông còn dạy nông dân Đức Anthroposophy một cách chính xác làm thế nào để khôi phục lại sự hòa hợp trong đất! Điều này, như chúng ta đã biết, dẫn đến nông nghiệp biodynamic. Ngày nay nông dân biodynamic đang chữa lành đất đai và trồng thực phẩm lành mạnh trong các bao/túi ở khắp nơi trên thế giới. Một điểm sáng hàng đầu là Peter Proctor ở New Zealand - người gieo trồng theo biodynamic ở Ấn Độ vào năm 1993 đã được giới thiệu trong một phim tài liệu “Làm thế nào để cứu thế giới”... với nông nghiệp hữu cơ-biodynamic.
Tại Nhật Bản năm 1980, Giáo sư Yuki Niwa tham gia hành nghề y tế giống như Tiến sĩ người Mỹ Samuel Epstein (Những quan điểm về ung thư - Xem xét lại), cả hai đều rất đau khổ bởi “nỗi kinh hoàng về ô nhiễm môi trường”. Giáo sư Niwa là một trong 20 người có tham luận tại Đại hội Ung thư ở Darwin. Ông vừa xuất bản cuốn sách tiếng Anh đầu tiên của mình: Gốc tự do mời cái chết đến (Free radicals invite death) để miêu tả một cách đơn giản các bệnh đáng sợ (ung thư là một trong số đó), chính là hậu quả từ sự ô nhiễm.”
Niwa cũng dành một phần cuốn sách nói về “sự phá hủy tầng ozone, sự bùng nổ trong các bệnh ung thư da và tình trạng bi thảm của Úc.”
Cần lưu ý rằng Giáo sư Niwa không chỉ là một chuyên gia thế giới về các gốc tự do gây ung thư (gốc tự do oxy), mà từ những năm 1979- 1980, ông đã là Giáo sư thỉnh giảng Miễn dịch học lâm sàng và vi sinh tại Trung tâm Y khoa của Đại học Illinios, Hoa kỳ. Niwa cũng là người sáng lập ra Viện Niwa về Miễn dịch học ở Kochi, Nhật Bản.
Nhà sinh thái tiên phong có giọng nói nhẹ nhàng này đã phát triển thuốc chống ung thư tự nhiên hiệu quả và nói say sưa về “khả năng tự chữa bệnh kỳ diệu của cơ thể con người – được đưa ra trong các điều kiện môi trường thích hợp”.
Những người tham gia Đại hội Ung thư cũng nghe Giáo sư người Mỹ - Eleanore Blaurock - cảnh báo rằng “trong khi sự ô nhiễm công nghiệp gây nguy hiểm cho tất cả mọi người, thì sự phát hiện sớm là rất quan trọng... nhưng hầu hết các bác sĩ biết rất ít hoặc không được đào tạo về Trị liệu Vitamin liều cao hay dinh dưỡng.”
Tiến sĩ Ian E. Brighthope - “Chúng ta sẽ càng ngày càng bị suy dinh dưỡng ngoại trừ có một phép lạ xảy ra.”
Nhận thức về sự vô ích của việc phát triển các loại thuốc mới chữa bệnh trong khi các biện pháp phòng ngừa liên tục bị bỏ qua, đã khiến cho người đứng đầu về dinh dưỡng và Y tế môi trường Úc, Tiến sĩ Ian E. Brighthop cảnh báo rằng “loài người chỉ có 16 năm để thay đổi suy nghĩ của mình và chấm dứt sự coi thường về việc điều trị đất đai của chúng ta.”
Tiến sĩ Brighthope nói điều này vào năm 1997 và bây giờ là năm 2007, do đó chúng ta chỉ có sáu năm còn lại theo ước lượng của ông để khôi phục lại khả năng sinh sản cho đất chết. Chưa đến 5% đất nông nghiệp trên thế giới được chữa lành bằng canh tác theo kiểu hữu cơ và biodynamic. Chúng ta sẽ càng ngày càng bị suy dinh dưỡng, trừ khi có một phép lạ xảy ra.
Câu hỏi đặt ra bây giờ là đất được xử lý bằng hóa chất (thay vì bằng mùn hữu cơ) ảnh hưởng thế nào đến thực phẩm?
Theo Tiến sĩ Alexis Carrel, bệnh được sinh ra chủ yếu vì mất sự hài hòa giữa các khoáng chất hiện diện với lượng rất nhỏ trong không khí, nước, thực phẩm, nhưng quan trọng nhất là trong đất.
“Dùng phân bón hóa học”, Tiến sĩ Carrel nói, “để tăng sự phong phú của cây trồng mà không thay thế các yếu tố đã bị kiệt chất từ đất đã góp phần làm thay đổi các giá trị dinh dưỡng của các loại ngũ cốc.”
Nông dân Úc Percy Weston, người đã tìm ra nguyên nhân dẫn tới bệnh ung thư của vợ chồng ông và của những con cừu là từ phân bón supe phốt phát (nhân tạo) mà ông đã bón cho cây trồng và vườn cây ăn trái của mình, người đã cống hiến toàn bộ cuộc sống của mình (tất cả 100 năm) và cuốn sách Ung thư: Nguyên nhân và Cách chữa trị để vạch trần sự nguy hiểm của việc sử dụng phân bón và thuốc trừ hại. Vậy khi nào chúng ta sẽ tìm hiểu đây?
Al Gore và Hoàng tử Charles cân nhắc lại các mối đe dọa từ sinh vật biến đổi gen (GMO)...
“Al Gore - Chúng ta đang tháo bỏ các khu Vườn Eden...
Bởi vì chúng ta đã giả định cuộc sống của mình không cần phải kết nối với thế giới tự nhiên, rằng tâm trí của chúng ta riêng biệt với cơ thể chúng ta, rằng trí thức là quái gở, chúng ta có thể xoay chuyển thế giới theo bất kỳ cách nào chúng ta lựa chọn...”
- Trái đất trong sự cân bằng (Earth in the balance) (1979)
Thậm chí tệ hơn, trong cuốn sách đầu tiên của mình, Trái đất trong sự cân bằng, Al Gore, khi đó là Phó Tổng thống Hoa Kỳ, tiết lộ rằng “cây trồng hiện đại đang bị tê liệt về mặt di truyền” và bằng hình ảnh ví tuổi thọ trung bình của một giống cây trồng mới “khoảng tương đương với cuộc sống của một kỷ lục nhạc pop mới - vì cây trồng được thiết kế hoặc biến đổi gen như vậy vốn rất yếu và dễ bị sâu bệnh”. Điều này, đến lượt nó, đã biện minh cho việc phun thuốc trừ sâu quy mô lớn trong đất trồng trọt ở khắp mọi nơi để bảo vệ mùa màng yếu và tiêu phí sức khỏe của con người và vật nuôi.
Hơn nữa, bất chấp sự phản đối của các nhà môi trường khắp nơi trên thế giới – mà dẫn đầu là Thái tử Anh Charles - cây trồng biến đổi gen vẫn đang được phát triển (đặc biệt là ở Trung Quốc) và các loại thực phẩm biến đổi gen đang ngấm ngầm lên kệ tại các siêu thị của chúng ta.
Sự cảnh báo khẩn cấp hơn khi Andre Leu, nông dân và Chủ tịch Liên đoàn Hữu cơ Úc (OFA) trình bày một Bài báo cáo năm 2006 (xuất bản trong Acres Australia), cho thấy “nhiều nghiên cứu khoa học phát hiện rằng các hóa chất nông nghiệp cản trở sự phát triển bình thường của tất cả các loài (kể cả con người), gây ra một loạt các vấn đề như đột biến, sẩy thai và bị tổn hại miễn dịch, hormone và hệ sinh sản”.
Chủ tịch OFA Leu trích dẫn các kết quả nghiên cứu từ Sở Dược lý và Sinh học Ung thư, Trung tâm y tế của Đại học Duke rằng “các phôi và trẻ em đang phát triển đặc biệt dễ bị tổn thương với thuốc trừ sâu. Và mức độ dễ bị tổn thương của các đối tượng này là thấp hơn nhiều so với lượng cho phép hiện nay của hầu hết các cơ quan quản lý.
Điều này thậm chí còn quan trọng hơn những gì chúng tôi hỗ trợ người nông dân hữu cơ và biodynamic làm trong các bao/túi ở khắp nơi trên thế giới do hoàn cảnh môi trường ngày càng khó khăn (do hiệu ứng nóng lên toàn cầu).
Bức xạ của trường điện từ và ung thư... cảnh báo của Tiến sĩ Lai Chiu Nan
Mười năm trước, sự nguy hại đến sức khỏe của Trường điện từ (EMF) chưa nổi lên như một vấn đề về sức khỏe. Kể từ đó đến nay đã có sự bùng nổ các loại thiết bị, đồ dùng, thiết bị gia dụng, thiết bị điện tử, tất cả đều bức xạ ra trường điện từ nguy hiểm, có thể gây ung thư.
Lai Chiu Nan, Tiến Sĩ hóa học, trong những năm gần đây đã tái cảnh báo nhiều lần về sự nguy hiểm khi phơi nhiễm hàng ngày với bức xạ điện từ trường và không dây. Trong bản tin Lapis Lazuli của bà, Tiến sĩ Lai dựa vào “các tài liệu từ Nga, châu Âu và Mỹ chỉ ra rằng phơi nhiễm phóng xạ làm tổn hại hệ thống thần kinh của cơ thể và hư hại hoạt động tinh thần, cảm xúc của chúng ta.”
“Nghiên cứu về con người và động vật đã chỉ ra rằng ở giai đoạn đầu của sự can thiệp bức xạ không dây (và nhiều thành phố hiện nay đã hoàn toàn chuyển đổi sang hệ thống truy cập Internet không dây), các dây thần kinh trở nên trơ lì hơn. Sau đó, chúng mất khả năng thực hiện chức năng, làm suy giảm hệ thống miễn dịch và một trong những hậu quả là ung thư”.
Bác sĩ Lai là một trong những người đặc biệt nhạy cảm với EMF. Bà khuyên đôi khi điều duy nhất người ta có thể làm là chuyển ra khỏi môi trường có kết nối internet không dây.
Tiến sĩ Niwa cũng các khuyên bệnh nhân của mình - những người sống trong khu vực mà họ liên tục tiếp xúc với ô nhiễm hóa chất gây ung thư - cần phải chuyển đi. Họ sẽ hồi phục trong bệnh viện của bà nhưng bệnh sẽ tái phát khi họ trở về nhà.
Trường hợp nguyên nhân gây ung thư có thể được truy tìm trực tiếp đến từ môi trường - có thể là trong không khí hoặc nước – thì thiền, tập thể dục và ăn chay, hữu cơ cũng không thể giúp con người phục hồi lâu dài được.
“Ngành công nghiệp ung thư đang tuần hành giống như một ung bướu bất khả trị”
Ngành công nghiệp ung thư, đặc biệt là bộ phận nghiên cứu, phải chịu trách nhiệm về việc môi trường công việc và nhà ở của chúng ta ngày càng bị ảnh hưởng bởi hóa chất gây ung thư chưa được kiểm tra và không được kiểm soát, vị giáo sư về Y học Môi trường và Nghề nghiệp (Đại học Illinois) chỉ trích, người đã vạch trần thực tế trong cuốn Những quan điểm về ung thư xuất bản năm 1979.
Hai mươi năm trôi qua, cả ung thư và các chất gây ung thư dường như đã xoắn lên và ra khỏi tầm kiểm soát khiến, Tiến sĩ Epstein phải cập nhật cuốn sách đầu tiên của mình với Những quan điểm về ung thư - Xem xét lại xuất bản năm 1999.
Tiến sĩ danh tiếng Epstein là một trong những chuyên gia chính của các cuộc điều tra đã đưa ra yêu cầu cấm sử dụng các sản phẩm gây ung thư như DDT, Aldrin và Chlordane. Nhưng lệnh cấm như vậy chỉ dẫn đến việc sản xuất các sản phẩm thay thế được cho là ‘an toàn’ khác - nhưng tất cả chúng ta đều biết không có loại thuốc trừ sâu an toàn như vậy (ngoại trừ 100% tự nhiên) hoặc hóa chất tổng hợp vô hại.
“Thật đáng buồn khi dự đoán của Tiến sĩ Epstein rằng bệnh ung thư bị gây ra bởi hóa chất và chất gây ung thư từ môi trường sẽ vượt xa các loại ung thư gây ra bởi các tác nhân trước đây được biết đến như thuốc lá đã trở thành hiện thực”, Martin Walker đã viết như vây khi xem cuốn sách cập nhật của Epstein.
Trong cuốn Những quan điểm về ung thư - Xem xét lại, Tiến sĩ Epstein cũng cáo buộc ngành công nghiệp ung thư đang ngoan cố nắm giữ hai nguyên nhân chính của ung thư nhưng lại đổ lỗi thẳng lên bệnh nhân ung thư, chứ không phải là vào ngành công nghiệp.
Hai nguyên nhân chính là – di truyền và sự lựa chọn lối sống. Tiến sĩ Epstein bức xúc rằng, tại sao các ngành công nghiệp ung thư cương quyết từ chối nhìn vào việc mình đang sản xuất ra chất gây ung thư không được kiểm soát?
Vị giáo sư này biết rằng chúng ta hầu như không kiểm soát được không khí chúng ta hít thở và nước chúng ta sử dụng. Ví dụ, nước mà người nông dân sử dụng để trồng cây lương thực bị ô nhiễm bởi các hóa chất công nghiệp đến nỗi ngay cả những người chọn cách canh tác theo kiểu hữu cơ/biodynamic cũng đang bị đe dọa (Xem chương Tại sao bệnh nhân ung thư cần nước tinh khiết).
Con người mất sự lựa chọn và kiểm soát trong khi đang bị dội bom bằng các chất độc hàng giờ, và “ngành công nghiệp ung thư tiến bước, đang phát triển như một khối u quái vật không thể ngăn cản,”
Các làng ung thư bi thảm của Trung quốc - Báo The Straits Times 19/10/2004
Nước bị ô nhiễm từ sông Hoài (Huai) đã đầu độc hàng ngàn người dân tỉnh Hà Nam. Nông dân Wang Ziqin bị mất hai người anh em của mình do bị ung thư thực quản trong vòng một tháng vào đầu năm 2004. Gia đình ông đã cố gắng để thoát khỏi ung thư bằng cách đào bốn giếng sâu từ năm 1995, cái sau sâu hơn cái trước. Vùng quê Đông Tôn Lâu (Dongsunlou) của ông là một trong những làng ung thư nổi tiếng của Trung Quốc. Làm giấy, thuộc da, nhà máy phân bón hóa học có trong nhiều thập kỷ đã xả chất thải chưa qua xử lý vào sông Hoài. Tiến sĩ Wang Yong Zeng, Giám đốc Shenquin County cho biết, “do ô nhiễm rất trầm trọng nên tỷ lệ ung thư phát sinh trong số dân sống dọc theo con sông đã tăng lên và độ tuổi ung thư đang ngày càng trẻ hóa”.
Dương Tử - con sông dài nhất Trung Quốc đang trở thành “ung thư” - Báo The Straits Times ngày 14/3/2007
21.000 nhà máy hóa chất rải rác dọc theo tuyến đường thủy và đường bờ biển của Trung Quốc kể câu chuyện về nền kinh tế nóng đỏ của đất nước. Nhưng các con sông tự nói về các chi phí môi trường của hai thập kỷ tăng trưởng không kiềm chế. Hơn 70% các tuyến đường thủy và hồ của Trung Quốc đang bị ô nhiễm, nguồn nước ngầm tại 90% các thành phố đang bị ô nhiễm...
Thung lũng ung thư khét tiếng của Mỹ
Đó là thung lũng ở hạ lưu sông Mississippi, nơi có hơn một phần tư lượng hóa chất của Mỹ được sản xuất. Liên hiệp Carbide và Monsanto đều có khu phức hợp ở đó. Đó cũng là nơi có tỷ lệ ung thư cao nhất tại Mỹ. Trẻ em ở đó thường xuyên có vấn đề về hô hấp và mắt.
- Al Gore, Trái đất trong sự cân bằng
Cộng đồng cùng hành động...
• San Francisco cấm thuốc trừ sâu tại các công viên, sân golf và các tòa nhà văn phòng trong một sắc lệnh của thành phố - Các báo cáo Quan sát Trái đất trong tạp chí quốc tế về Mô hình môi trường Sinh thái (Permaculture International Journal), 6-8/1997.
• Malaysia: Một chiến dịch về thực phẩm an toàn đã được đưa ra tại Malaysia bởi Mạng lưới hành động chống thuốc trừ hại - chiến dịch này cũng đã được kích hoạt ở Indonesia, Ấn Độ, New Zealand, Sri Lanka và nhiều nước khác. (Tin từ Quan sát Trái đất - Tạp chí quốc tế về Mô hình môi trường Sinh thái, tháng 6-8/1997).
Sự căng thẳng - Tác nhân kích hoạt đối với hầu hết các loại ung thư?
“Bác sĩ... sự căng thẳng đã gây ra bệnh ung thư của tôi phải không?” Bà Goh 42 tuổi, một điều hành viên cao cấp của một khách sạn hỏi bác sĩ chuyên khoa ung thư của mình.
“Không!” Sự căng thẳng của cả một trại tập trung mới đủ làm bà bị ung thư”, vị chuyên gia chế nhạo lại.
“Về chế độ ăn uống thì sao?” bà hỏi. Ông nhún vai. “Bà có thể tiếp tục ăn bất cứ cái gì bà đã ăn. Ông chỉ dành cho tôi “5 phút trong quỹ thời gian của mình”, ông ta giục tôi đi cắt bỏ tuyến vú và ngay sau đó là những liệu pháp hóa trị.”
Bác sĩ chuyên khoa ung thư X không có thời gian và không quan tâm đến những gì có thể là nguyên nhân hoặc kích thích bệnh ung thư vú của bà Goh (một ung thư phổ biến nhất đối với phụ nữ Singapore). Nhưng hy vọng số bác sĩ ung thư như bác sĩ X sẽ không có nhiều. Điều này là bởi các bằng chứng về căng thẳng - trong tất cả các hình thức của nó – đã kích hoạt bệnh ung thư, đang tăng cao trong những năm qua. Và những bằng chứng ấy không thể chối cãi được.
Bệnh ung thư của Salamah Zahari... chắc chắn là một trường hợp do chấn thương?
Hãy xem xét trường hợp của Salamah Zahari. Cô được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú vào năm 1968 khi mới 32 tuổi. Khi mang thai đứa con thứ tư của mình, Salamah đã phải chứng kiến chồng mình, nhà báo Malaysia Said Zahari, bị bắt trong một cuộc đột kích lúc bình minh, bị còng lại, tra tấn và bị dẫn đi (17 năm dài trong nhà tù Changi, không cần xét xử), như một tù nhân chính trị.
5 năm sau khi chồng cô bị giam giữ, Salamah phát hiện bị ung thư vú (mà một số người đổ lỗi cho chế độ ăn uống nhiều dưỡng chất, một số người khác cho rằng vì nỗi đau tinh thần). Hãy nhớ gần 30 năm trước bệnh ung thư vẫn còn khá hiếm và thực phẩm chế biến cũng chưa phải phổ biến, đặc biệt đối với các gia đình Malaysia bình dân.
Nhiều khả năng là do sang chấn tinh thần khi nhìn thấy người chồng yêu quý của mình bị bỏ tù vì không có tội và phải nuôi bốn đứa con không cha đã kích hoạt các tế bào ung thư phát triển.
May mắn thay, bệnh ung thư của Salamah đã được phát hiện khá sớm và cô được một nữ bác sĩ phẫu thuật giỏi và chu đáo, Tiến sĩ Alice Chia thực hiện ca phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa Singapore. Khi Said, được hộ tống bởi hai cán bộ đặc biệt đến thăm vợ vào ngày hôm sau, Salamah vẫn còn nửa tỉnh nửa mê nhưng Tiến sĩ Chia đích thân nói với Said rằng: “Ông Said, đừng lo lắng về vợ mình. Cô ấy đang hồi phục. Vợ ông là người rất khỏe và dũng cảm. Chúng tôi sẽ chăm sóc tốt cho cô ấy.”
May mắn cho cặp vợ chồng này, còn có Tiến sĩ Beatrice Chen (vợ của tù nhân chính trị, Tiến sĩ Lim Hock Siew), người “đã đặc biệt chăm sóc Sal kể từ khi cô bị ung thư vú và khi tiến hành phẫu thuật. Beatrice thực sự là một nguồn an ủi cho vợ tôi”, Said đã viết trong cuốn sách của mình Những đám mây đen lúc rạng đông (Dark Clouds at Dawn).
Sự hỗ trợ tinh thần này rất quan trọng cho sự hồi phục sức khỏe của Salamah vì Said không được phép gặp lại cô cho đến tận vài tháng sau, khi cô đã đủ khỏe để thăm chồng tại nhà tù Changi. Thậm chí sau đó, họ cũng chỉ có thể nhìn chằm chằm vào nhau qua lớp kính phân cách, và khóc.
Sự căng thẳng của Salamah có vẻ cực đoan nhưng những người khác nhau phản ứng rất khác nhau đối với sự việc giống nhau hoặc tương tự. Điều có vẻ rất căng thẳng đối với một người hay lo lắng, nhạy cảm, nhưng có thể lại đem đến sự phấn khích và thử thách đối với người vô tư, lạc quan.
Vì vậy, theo quan điểm tổng thể, điều quan trọng trong việc ngăn ngừa ung thư – sự xuất hiện và tái phát ung thư – là kiểm soát sự căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày.
Ngày nay chúng ta cũng biết rõ sự căng thẳng – đặc biệt nỗi sợ hãi hoặc giận dữ mãnh liệt - thực sự giải phóng các hormone có hại làm tổn thương hệ thống miễn dịch và cho phép các tế bào ung thư nhân lên.
Caryn Dunning được chẩn đoán bị u lympho không hodgkin1 nhớ lại, cô cảm thấy sốc và sợ hãi thế nào khi được biết kết quả chẩn đoán, rằng mình đang bị một bệnh đe dọa tính mạng, điều đó càng thúc đẩy bệnh nặng hơn.
1 Bệnh u lympho không hodgkin (Non-Hodgkin’s lymphoma), còn được gọi là ung thư hạch không hodgkin, là ung thư bắt nguồn từ hệ thống bạch huyết, lây lan bệnh khắp cơ thể (BT).
Caryn tin rằng chính căng thẳng thúc đẩy bệnh ung thư của cô. Cô đã có một “mối quan hệ rất độc hại” với chồng, người từng lạm dụng và bạo lực với cô.
Bà Irene Yeo, người đứng đầu Tổ chức Hỗ trợ tổng thể cho người dân bị ảnh hưởng bởi ung thư ở Kampung Senang cũng tin chắc rằng sự tức giận tích lũy và nỗi thất vọng có thể thúc đẩy ung thư. Viện dẫn kinh nghiệm của riêng mình, bà nói rằng người chồng quá cố của bà là người rất tệ bạc, không chung thủy và chồng chất các khoản nợ mà bà phải trả. Ngay cả sau khi đã ly hôn, Irene vẫn còn nhiều nỗi tức giận chưa được giải phóng và “các chấn thương tích lũy của những năm tháng đó đã tạo ra các độc tố trong gan của bà cần phải được xả ra ngoài”.
Một tín đồ trong trị liệu Gerson và thụt tháo bằng cà phê hữu cơ, Irene chia sẻ kiến thức của mình như là một “Thủ lĩnh tình nguyện hỗ trợ” tại Trung tâm Điều trị Lối sống Tổng thể ở Kampung Senang (Singapore).
Trong khi căng thẳng chắc chắn là tác nhân kích thích của hầu hết các bệnh ung thư, thì chất độc lại chồng lên những người yếu đuối và dễ bị tổn thương là trẻ em và người lớn tuổi, đó cũng là nguyên nhân và tác nhân kích thích nữa. Đôi khi chất độc hóa học được tích tụ dần dần và tăng lên đến giới hạn cơ thể con người không thể chịu đựng được nữa.
Có khi, tác nhân kích thích lại là nạn nhân của một số lượng áp đảo các độc tố cùng một lúc. Giống như Percy khi ông vô tình bị ngâm trong thuốc diệt cỏ và trở nên ốm yếu đến mức suýt chết. Ông biết rằng tại thời điểm yếu nhất, ông rất dễ bị ung thư tái phát nên ông đã nhanh chóng tăng cường ăn các loại thực phẩm hữu cơ nguyên chất (thô, chưa xử lý) và dùng khoáng chất bổ sung của riêng mình để tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể câu chuyện về Percy tôi xin chia sẻ ở phần sau.
Dù bất kể trong trường hợp nào, điều đã được công nhận, ngay cả trong giới chính thống rằng sự căng thẳng chắc chắn là một tác nhân kích thích bệnh ung thư. Và hiện nay các nhà trị liệu tổng thể, nhà tâm lý học, yoga, khí công và thầy tâm linh từ những truyền thống khác nhau đang tích cực truyền dạy con người cách đối phó với sự căng thẳng.