H
ôm đó là Quốc khánh Mỹ và Annie đã có ngày nghỉ lễ vui vẻ bên gia đình. Đêm đã buông, và ai cũng muốn lên giường đánh một giấc. Đến giữa khuya, Marie - cô con gái mười hai tuổi của Annie - mò vào giường của mẹ và than bị tức ngực, khó thở. Sau một hồi dỗ dành con, Annie quyết định đợi trời sáng rồi sẽ đưa con đến bác sĩ.
Sáng hôm sau, hai mẹ con Annie trình bày với vị bác sĩ gia đình về những cơn đau đêm qua của cô bé. Ông hỏi một loạt câu hỏi rồi nghe tim phổi của Marie. Cuối cùng ông kết luận: “Sức khỏe của cháu không có gì nghiêm trọng, chỉ là chứng hen suyễn thôi. Tôi sẽ kê cho cháu một ống thuốc xịt. Nhưng để cho chắc thì tôi cho cháu chụp X-quang lồng ngực”.
Sau khi chụp X-quang, hai mẹ con đi đến nhà thuốc. Khi Annie đang chờ nhận thuốc thì nghe dược sĩ nói: “Chị có điện thoại này Annie”.
Hóa ra người ở văn phòng bác sĩ lúc nãy đang cố liên lạc với Annie, và một nhân viên phòng khám báo với cô: “Chị đến bệnh viện ngay nhé. Bác sĩ đang chờ chị ở đó”.
Annie lập tức gọi điện về báo tin cho chồng. Sau đó, cô chở con gái về thẳng bệnh viện. Vài phút sau, hai mẹ con họ đã ở có mặt ở phòng khám.
Bác sĩ cho biết kết quả chụp X-quang cho thấy tim của Marie to bất thường. Trong vài giờ tiếp theo, Marie phải làm xét nghiệm máu, chụp cộng hưởng từ và làm các xét nghiệm khác. Cuối cùng, vợ chồng Annie được mời vào một căn phòng nhỏ, bên trong có kê một chiếc bàn và ba cái ghế. Bác sĩ đưa ra kết quả chẩn đoán. Những lời ông nói thật bất ngờ. “Các xét nghiệm cho thấy con gái của anh chị không chỉ mắc chứng tim to”, ông dừng một chút rồi nói tiếp, “mà cho thấy cháu bị ung thư hệ bạch huyết. Không những thế, khối u đã di căn đến tim, và đây là chuyện rất hiếm xảy ra”.
Ca mổ dự tính gồm hai phần. Bác sĩ phẫu thuật tim sẽ phẫu thuật trước, sau đó ông sẽ chuyển Marie sang bác sĩ phẫu thuật lồng ngực để tiến hành xem xét các khối u. Vị bác sĩ thứ hai sẽ đặt một cổng truyền hóa chất dưới da, và cô bé sẽ bắt đầu quá trình hóa trị ngay ngày tiếp theo.
Gia đình Marie nhận được tin này vào thứ Năm, và ca mổ diễn ra vào sáng thứ Hai tuần tiếp theo. Marie được về nhà vào thứ Sáu với lời khuyên là hãy tận hưởng ngày cuối tuần với gia đình.
Annie vẫn không tin nổi những lời mình vừa nghe. Cô lặp lại lời bác sĩ: “Con gái tôi mắc chứng tim to. Con bé bị ung thư. Con bé sẽ phẫu thuật vào sáng thứ Hai tuần sau. Và có phải bác sĩ đã nói ‘Chúc ngày cuối tuần tốt lành’ đúng không?”.
Sau khi rời bệnh viện, Annie đi thẳng tới bốt điện thoại gần nhất và gọi cho mục sư của mình. Ông báo tin cho các thành viên trong nhà thờ, và họ lần lượt liên lạc với các nhóm giáo dân có trách nhiệm thông báo cho cộng đoàn về các yêu cầu cầu nguyện. Chỉ trong một thời gian ngắn, rất nhiều người đã biết chuyện Marie phải phẫu thuật vào thứ Hai và bắt đầu cầu nguyện cho cô bé. Đến sáng thứ Hai, Chúa đã nghe được rất nhiều lời cầu nguyện dành cho Marie.
Hôm Annie biết tình trạng sức khỏe của con mình, cô đã trăn trở suy nghĩ và khóc rất nhiều. Cô van nài lên Chúa: “Lạy Chúa, cảm ơn Ngài đã mang Marie đến với cuộc đời con. Con bé vô cùng ngoan ngoãn, và con yêu con bé bằng cả trái tim và tâm hồn mình. Con biết Marie thuộc về Ngài, mãi luôn thuộc về Ngài. Giờ đây con bé là của Ngài. Con xin dâng đứa trẻ này cho Ngài. Con bé hoàn toàn nằm trong tay Ngài, và Ngài có thể thực thi mọi ý định với con bé. Con khấn xin Ngài ban phép chữa lành thiêng liêng cho con bé, nhưng dù ý Ngài là thế nào đi chăng nữa thì con cũng sẽ học cách chấp nhận”.
Thật không dễ để Annie và gia đình cô vượt qua cuối tuần đó. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều vì Marie mà tỏ ra mạnh mẽ để cô bé không hoảng sợ thêm. Vợ chồng Annie sợ hãi khi nghĩ đến ngày thứ Hai và những chuyện sẽ xảy ra trong ngày hôm đó. Niềm an ủi duy nhất của họ là biết rằng cả nước đang cùng cầu nguyện cho Marie.
Sáng sớm thứ Hai, Marie được đưa vào phòng phẫu thuật. Mạng sống của cô bé hoàn toàn phó thác trong tay Chúa, và rất nhiều Ki-tô hữu đang cùng cầu nguyện cho cô bé.
Sau khoảng thời gian dài như vô tận, bác sĩ phẫu thuật tim đến gặp vợ chồng Annie và nói: “Tôi cũng không biết phải nói thế nào, nhưng tôi đã cầm trái tim của Marie trong tay, và tim của cháu hoàn toàn bình thường. Trái tim ấy hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng tôi cũng đã xem phim chụp X-quang và kết quả chụp cộng hưởng từ. Cả hai đều cho thấy tim to với các bóng mờ trên đó”.
Vị bác sĩ phẫu thuật bối rối một lúc rồi nói thêm: “Dù sao tim của Marie vẫn ổn. Bác sĩ phẫu thuật lồng ngực đang mổ cho con bé nên anh chị phải đợi đến khi cháu tỉnh dậy và hồi phục thì mới được gặp. Chúc may mắn”.
Vậy là vợ chồng cô lại bắt đầu chờ đợi.
Một đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm đang nỗ lực hết sức trong ca phẫu thuật kéo dài như vô tận. Vợ chồng Annie thấp thỏm đợi chờ tin tức sống còn của con gái mình.
Nhiều giờ đã trôi qua, và việc chờ cho đến khi Marie về phòng hồi sức thật quá sức chịu đựng đối với cha mẹ cô bé.
Cuối cùng, một y tá đến gặp vợ chồng Annie và nói: “Mời anh chị theo tôi vào phòng mổ của Marie. Cô bé vẫn chưa tỉnh, nhưng bác sĩ và ê-kíp phẫu thuật muốn nói chuyện với anh chị. Vui lòng đi theo tôi”.
Vợ chồng Annie nhìn nhau, và một lần nữa họ hiểu cái tin mình sắp phải nghe không phải là tin tốt: các xét nghiệm đã cho thấy con bé bị ung thư. Marie chưa tỉnh lại. Lẽ ra hai người phải gặp con gái trong phòng hồi sức, vậy mà giờ đây họ lại được mời vào phòng phẫu thuật. Làm gì có người thân nào được phép vào phòng mổ. Hay là Marie đã không qua khỏi?
Annie hít một hơi thật sâu và nhớ lại lời cầu nguyện dâng con cho Chúa của mình.
Khi Annie cùng chồng bước vào phòng mổ, cả ê-kíp phẫu thuật đang đứng thành vòng tròn xung quanh Marie. Vị bác sĩ phẫu thuật lên tiếng: “Tôi đã xem qua tất cả kết quả xét nghiệm của Marie, và rõ ràng cô bé bị ung thư. Nhưng chúng tôi không biết giải thích thế nào khi sáng nay, chúng tôi không hề thấy khối u nào trong lồng ngực của Marie. Con gái của anh chị hoàn toàn khỏe mạnh”.
Vị bác sĩ nhắc lại: “Marie không hề bị ung thư. Chúng tôi không phát hiện khối u nào, và tim của cháu cũng không bị phình to. Marie hoàn toàn khỏe mạnh. Để chắc chắn thì chúng tôi đã cho làm sinh thiết, nhưng với nhiều năm kinh nghiệm điều trị ung thư, tôi đoan chắc Marie không mắc bệnh ung thư. Sự việc chúng ta đang chứng kiến ở đây là không thể lý giải được”.
Ca phẫu thuật tim lúc nãy đã là một phép lạ. Nhưng chẳng lẽ phép lạ lại xảy ra hai lần liên tiếp sao?
Annie gần như quỵ xuống và bắt đầu khóc khi nhận được tin bất ngờ đó. Ê-kíp phẫu thuật chắc chắn đây là chuyện chưa từng xảy ra. Họ cứ nhìn Marie, sau đó nhìn cha mẹ cô bé rồi lại quay sang Marie. Tin tốt lành từ vị bác sĩ phẫu thuật khiến mọi người trong phòng đều vui mừng, nhưng không ai giải thích được chuyện họ vừa chứng kiến. Suy cho cùng, kết quả xét nghiệm máu, kết quả chụp cộng hưởng từ và phim chụp X-quang không thể cùng sai được. Annie biết lời giải thích cho chuyện này. Đó là phép lạ của Thiên Chúa. Chính Ngài đã cứu sống Marie.
Sau vài tuần hồi phục, Marie đã có thể trở lại trường và sinh hoạt bình thường. Cô bé không bao giờ tự hỏi: “Tại sao lại là mình?”.
Khi lớn lên và tốt nghiệp đại học, Marie có ý định phẫu thuật thẩm mỹ để xóa vết sẹo lớn mà ca mổ năm xưa để lại. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, cô nhận ra vết sẹo đó là một phần của con người mình, của hành trình cuộc sống và là lời nhắc rằng cô là một phép mầu.
Nếu bạn có dịp trò chuyện với Annie, cô ấy sẽ nói rằng nếu không nhờ phép lạ của Chúa thì mọi chuyện có lẽ đã khác đi. Marie đã bị ung thư, bị mắc các vấn đề tim mạch và có thể đã không qua khỏi.
Giờ đây Marie đã ba mươi tuổi, rất xinh đẹp và đã sống một cuộc đời sôi nổi, năng động và thậm chí là đầy mạo hiểm.
Giới khoa học cuối cùng đã nghĩ ra một thuật ngữ để chỉ tình huống của Marie, đó là thuyên giảm tự phát (bệnh nhân tự khỏi bệnh). Còn các Ki-tô hữu nơi nhà thờ của Annie có một từ khác để nói về trường hợp này, đó là một phép lạ thiêng liêng. Với nhiều người, đây là điều không thể hiểu nổi, nhưng ai có đức tin thì sẽ hiểu được.
Phép lạ là món quà mà chúng ta không xứng đáng được nhận nhưng vẫn được ban tặng qua hồng ân đầy tràn của Thiên Chúa và Chúa Giê-su Cứu Thế.