T
ôi quen biết Ruth đã hơn bốn mươi năm nay. Câu chuyện của người phụ nữ này cảm động và riêng tư đến mức tôi cảm thấy mình không nên thay mặt bà kể chuyện. Tôi tin Ruth làm điều này tốt hơn tôi. Vì vậy, sau đây bà sẽ đích thân kể lại câu chuyện của mình.
***
Cuộc đời tôi chẳng khác gì một bộ phim truyền hình về gia đình thập niên 1960. Cha mẹ tôi rất yêu thương nhau (và sáu anh chị em chúng tôi cũng gắng noi gương cha mẹ). Gia đình tôi sống trong một căn nhà xinh xắn ở ngoại ô, cùng nhau quây quần bên bữa ăn gia đình mỗi tối và đi lễ nhà thờ mỗi Chủ Nhật. Mẹ tôi ở nhà chăm sóc con cái, và bà luôn mặc váy đồng bộ với tạp dề. Mẹ là một nghệ sĩ vô cùng tài năng và tháo vát. Đôi tay mẹ có thể làm nên mọi thứ, bao gồm cả quần áo của chúng tôi, và mẹ luôn có thời gian cùng cả nhà làm mấy món đồ thủ công, cũng như giúp đỡ các thành viên khác trong cộng đồng.
Cha tôi dạy Giáo lý tại nhà thờ vào Chủ Nhật. Ông cũng từng làm việc cho chiến dịch truyền giáo của Billy Graham. Cuộc sống của chúng tôi ngập tràn Lời Chúa và tình yêu thương của Ngài. Nhưng rồi điều tồi tệ nhất đã xảy ra. Mẹ tôi lâm bệnh, và chúng tôi vô cùng đau xót khi chứng kiến mẹ qua đời vì ung thư. Năm đó mẹ ba mươi chín tuổi, còn tôi mới lên mười. Tôi cho đó là một hành động tàn nhẫn và vô tâm của Chúa.
Thời đó chưa có các nhóm hỗ trợ cho những trường hợp như tôi. Sau ngày mẹ mất, chúng tôi vẫn đi học bình thường, cố gắng tỏ ra mạnh mẽ và kìm nén nỗi đau rồi đêm về khóc ướt cả gối. Riêng tôi thì như phát điên lên. Tôi cảm thấy Chúa phải chịu trách nhiệm cho sự ra đi của mẹ, và tôi đã đoạn tuyệt với Ngài, dù trước khi mẹ tôi qua đời, tôi từng được chứng kiến sự hiện diện của Chúa trong mẹ. Sự hiện diện của Chúa là điều không thể phủ nhận ngay cả với một đứa trẻ như tôi, và tôi chưa bao giờ quên điều này. Nhưng giờ thì điều này không còn quan trọng nữa. Tại sao lại là mẹ tôi? Mẹ tôi không đáng phải chịu đựng nỗi đau này. Mẹ đã luôn sống tốt và nuôi dạy chúng tôi tin vào Chúa. Nhưng bây giờ tôi không còn tin vào Ngài nữa rồi.
Tôi đâm ra cáu kỉnh và cộc cằn theo cách mà mọi đứa trẻ đang đau buồn vẫn thường làm. Và tôi nổi loạn. Tôi hủy hoại bản thân, tỏ ra hung hăng và căm hận cả thế giới. Người cha tội nghiệp của tôi cũng đang bế tắc. Người đàn ông chưa từng mang đồ đi giặt giờ phải một tay nuôi nấng bảy đứa con. Bà nội và bà ngoại tôi cũng xắn tay vào phụ giúp. Trong số các anh chị em, tôi là đứa không biết giữ mồm giữ miệng nhất, và tôi đã gây gổ với cha. Kết quả là tôi phải dọn đến sống cùng họ hàng.
Sau đó tôi được gửi đến một trường nội trú Ki-tô giáo ở tận đầu bên kia đất nước. Với nỗi căm giận vì mất đi chỗ dựa gia đình và bạn bè, tôi dự định bỏ trốn khỏi trường. Tôi đến dự buổi định hướng đầu năm học và lập sẵn kế hoạch bỏ trốn. Thế nhưng ở đó tôi đã gặp được Cindy, người chị tri kỷ của tôi, và kế hoạch của tôi đã thay đổi.
Gần cuối năm học, Cindy mời tôi về nghỉ hè cùng cha mẹ chị ấy ở bờ Tây nước Mỹ. Tôi đã định từ chối, nhưng chị vẫn gọi cho cha mẹ, và hai ông bà đã đồng ý chào đón tôi về nghỉ hè. Cầu Chúa chúc phúc cho họ. Họ không biết mình sắp phải đối mặt với điều gì đâu.
Đó là khởi đầu của hành trình cuộc sống nhiều khó khăn mà tôi sẽ đi qua, nhưng lúc ấy tôi không hề nhận ra cuộc đời mình đã nằm gọn trong bàn tay vô hình của Chúa.
Khi chiếc máy bay chở tôi chuẩn bị đáp xuống một ngôi làng ven biển tuyệt đẹp, tôi trông thấy một đám đông cầm tấm bảng có viết dòng chữ “Chào mừng Cindy và Ruth”. Chúng tôi vừa bước xuống máy bay thì mọi người đã đến vây quanh, hát mừng và trao cho chúng tôi những cái ôm ấm áp. Tôi phát hiện nơi mình sắp ở cách bờ biển Thái Bình Dương chưa đến một trăm mét. Thế giới mới của tôi đầy ắp các sinh viên trẻ sống trong tình yêu và lòng thành tâm với Chúa, điều mà tôi chưa từng thấy và cũng không tin là có thật.
Nếu là người khác, hẳn là họ sẽ cảm thấy biết ơn cơ hội quý giá này, nhưng tôi thì không. Tôi khi ấy vẫn mang tâm lý mình là nạn nhân của cuộc đời, vẫn đầy giận dữ và không muốn buông bỏ khổ đau.
Chúng tôi rời sân bay và chuẩn bị về nhà Cindy. Tôi biết cha của Cindy là một Ki-tô hữu mộ đạo. Vì vậy, tôi đoán ông ấy sẽ đóng đồ vest màu đen và không bao giờ mỉm cười.
Mẹ của Cindy lái xe đưa chúng tôi về nhà. Cindy và tôi ngồi ở băng ghế sau. Xe của chúng tôi vừa rẽ vào nhà thì cha Cindy ra đón. Ông ấy bước tới trước xe và đột nhiên hóa thân thành một nghệ sĩ kịch câm. Nghệ sĩ kịch câm này quyết định mở nắp ca-pô của xe để kiểm tra. Ông làm nhiều hành động rất buồn cười theo kiểu các nghệ sĩ kịch câm thường làm. Ông không mở được nắp ca-pô. Tất nhiên hành động đó chỉ là giả vờ. Nắp ca-pô thật đã được mở ra, nhưng ca-pô của nghệ sĩ kịch câm trước mặt tôi thì không. Bàn tay của ông bị kẹt trong chiếc mui xe tưởng tượng và không tài nào rút ra được. Cuối cùng, khi ông cố chịu đau để rút bàn tay đó ra thì đến phiên tay kia bị kẹp dưới nắp ca-pô. Ba người chúng tôi thật sự không nhịn được cười.
Rốt cuộc người nghệ sĩ kịch câm cũng mở được nắp ca-pô. Ông ấy thò đầu vào và bị cái nắp ca-pô tưởng tượng rơi trúng đầu. Người nghệ sĩ kịch câm rất tức giận, nhưng dù sao thì cái nắp ca-pô vẫn cứ đổ sập xuống đầu ông hết lần này đến lần khác. Lúc đó chúng tôi đã cười lăn cười bò. Đột nhiên, ông ấy đóng nắp ca-pô lại và leo lên xe. Ông đứng trên mui xe và nhảy điệu jig(4), sau đó ông nhảy lên nóc xe và lại nhảy thêm một điệu jig nữa. Cuối cùng, đôi chân của ông xuất hiện ngay cửa sổ bên Cindy đang ngồi. Sau đó nữa, ông nằm dài trên nóc xe, thò mặt xuống cửa sổ phía tôi, đập mạnh vào cửa sổ và ra hiệu cho tôi hạ kính xuống. Sau đó, với một vẻ vô cùng tỉnh táo và điềm tĩnh, ông ấy cất tiếng chào thân thiện: “Chào Ruth, chào mừng cháu đến nhà”.
(4) Một điệu nhảy truyền thống của Ireland.
Tôi chưa từng thấy màn chào hỏi nào đặc sắc như thế, nhưng đó chỉ mới là khởi đầu. Thời đó là giữa thập niên 60, và thị trấn đại học nhỏ rộng gần ba ki-lô-mét vuông này là một nơi nổi loạn, phức tạp và tội lỗi nhất nước Mỹ. Trong suốt thời gian sống ở thị trấn đầy sinh viên này, tôi chưa từng thấy chiếc xe cảnh sát nào xuất hiện, vì cảnh sát cũng không muốn đi vào lãnh địa khét tiếng này.
Hồi tôi còn ở đó, các sinh viên đã phóng hỏa ngân hàng. Họ tiến hành những cuộc bạo động như thể đã lên kế hoạch từ trước. Có những lúc chúng tôi đi từ nhà đến trường thì mọi ngả đường của làng đại học đều bị chốt chặn bởi những thùng rác lớn. Những lúc như vậy, thật không dễ để lái xe ra khỏi làng đại học đó.
Nhưng ở thị trấn tội lỗi nhất mà một người có thể tưởng tượng vẫn tồn tại một nhóm nhỏ gồm hơn một trăm Ki-tô hữu - những con người đáng quý nhất mà tôi từng biết. Họ chăm sóc và yêu thương tôi theo cách tôi chưa từng được nếm trải.
Các buổi họp mặt của họ cũng khác hẳn với những gì tôi từng biết. Trong hầu hết các buổi họp mặt, mọi người cùng nhau ca hát hoặc tâm sự chia sẻ. Thường thì họ không chỉ định trước người phát biểu của buổi hôm đó. Thay vì một vị mục sư mặc vét chủ trì buổi gặp, một tín hữu nào đó sẽ phát biểu. Đôi khi người phát biểu là cha của Cindy.
Chúng tôi vừa quàng tay nhau diễu hành khắp phố vừa hát ca. Đó là hoạt động gần giống nhất với truyền thống của các Ki-tô hữu ở thế kỷ thứ nhất. Tuy có lẽ không nơi nào ở phương Tây nổi loạn như làng sinh viên này, nhưng nơi đó lại tồn tại một nhóm Ki-tô hữu tuyệt vời, hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh.
Vì ở ngay Thái Bình Dương, nên sau cuộc họp mặt buổi tối, thỉnh thoảng chúng tôi tản bộ dọc bờ biển. Chúng tôi cắm khoảng năm đến mười ngọn đuốc xuống cát, rồi những người mới cải đạo được rửa tội trước sự chứng nhận và ủng hộ của hơn một trăm Ki-tô hữu. Sau đó người sắp lãnh nhận phép rửa thường có đôi lời phát biểu. Nếu người được rửa tội là nam thì một người đàn ông sẽ làm phép rửa cho anh ta. Còn nếu người đó là nữ, một nữ Ki-tô hữu sẽ thực hiện việc đó.
Một buổi tối nọ, tôi là một trong những người sắp được chịu phép rửa. Lúc đó tôi rất hạnh phúc, nhưng nỗi đau tôi đeo mang suốt thời gian qua nhanh chóng nuốt chửng niềm vui trong tôi. Tâm trí và cảm xúc của tôi xáo trộn đến nỗi tôi không thể tập trung cho cuộc chuyển biến tâm linh đầy tình yêu và niềm vui này. Dường như ngay cả tình yêu của Thiên Chúa cũng không thể cứu tôi thoát khỏi nỗi đau của chính mình. Tôi đã dựng nên một bức tường mà ngay cả thứ tình yêu mạnh mẽ nhất cũng không thể xuyên qua, chứ đừng nói là hạnh phúc. Tôi cảm thấy mình vô giá trị và đáng hổ thẹn. Tôi bắt đầu nổi loạn và phá vỡ các luật lệ.
Giờ đây khi nhìn lại mọi chuyện, tôi tự hỏi tại sao mình lại khước từ tình yêu, sự chăm sóc, niềm vui, các buổi họp mặt, sự hiện diện của Chúa và rất nhiều ân sủng của Ngài. Thế nhưng khi đó tôi vẫn gạt đi mọi tình yêu thương. Ở nơi mà tôi nhận được nhiều tình thương hơn bất cứ nơi nào khác, tôi vẫn sống nổi loạn. Trái tim của tôi chất chứa hận thù. Tôi đã quyết không yêu mến Đấng Tối Cao vì Ngài đã để căn bệnh ung thư cướp đi người mẹ yêu quý của tôi. Trong lòng tôi tràn ngập nỗi tủi thân, cảm giác muốn trả thù Chúa và muốn chống lại toàn thể nhân loại. Tôi cũng không biết mình đã trộn lẫn thế giới của tình yêu và của lòng thù hận ấy vào nhau như thế nào.
Ở đó có lòng căm hận nhưng cũng có bàn tay vô hình của Chúa.
Kỳ nghỉ hè đã kết thúc, và đã đến lúc tôi phải trở về ngôi trường mình ghét. Lần này Cindy không quay lại trường cùng tôi. Sau một thời gian sống ở đây - nơi như thuộc về một thế giới khác, suy nghĩ quay lại trường học khiến tôi nảy ra một âm mưu. Tôi đã cố tình chỉ sai đường cho mẹ Cindy khi bà ấy chở tôi và Cindy đến sân bay cách nhà một trăm sáu mươi cây số. Tôi canh giờ sao cho chúng tôi đi lạc đủ lâu để tôi bị lỡ chuyến bay. Và thực tế là chúng tôi đến sân bay quá trễ nên tôi không được lên máy bay nữa.
Lúc đó tôi bắt đầu khóc lóc và nói: “Cindy ơi, hãy gọi điện cho cha chị và xin ông ấy cho em ở lại. Chị gọi cho cha chị đi. Em biết ông ấy sẽ đồng ý mà”.
Họ tìm thấy một buồng điện thoại và gọi cho cha của Cindy (thời đó chưa có điện thoại di động). Cha của Cindy biết rõ những tính toán trong đầu tôi. Ông ấy biết tôi sẽ không ngừng nổi loạn và vẫn là một thanh niên khó quản giáo. Tuy vậy, ông ấy vẫn đồng ý cho tôi ở lại. Mãi sau này tôi mới biết ông đã cân nhắc rất nhiều trước lời đề nghị giữ tôi thêm một năm. Nhưng ông ấy vẫn chấp nhận dù biết mình đang vướng vào rắc rối lớn.
Mẹ của Cindy vòng xe lại và đưa chúng tôi trở về thiên đường mà bất kỳ cô gái trẻ nào cũng mong được sống ở đó. Nghịch lý ở chỗ, dù đã sống một năm tuyệt vời ở đây, tôi vẫn chưa buông được lòng hận thù cuộc sống. Bản tính nổi loạn của tôi vẫn chưa ngủ yên.
Tôi vẫn không hòa thuận với gia đình mình. Tôi quyết định chạy trốn khỏi tất cả mọi người. Tôi sẽ trưởng thành và chứng tỏ cho họ thấy tôi có thể tự chăm sóc bản thân. Tôi không cần gia đình và cũng chẳng cần Thiên Chúa.
Một số bạn bè ở thị trấn hạnh phúc đó đã cho tôi địa chỉ của gia đình họ ở Little Rock, Arkansas. Họ nói nếu tôi đến thì gia đình họ sẵn sàng chào đón.
Lúc đó tôi mới mười sáu tuổi, nhưng tôi đã tự cho mình là người lớn. Tôi mua vé tàu đi từ bờ Tây đến Little Rock. Hành trang của tôi chỉ là năm đô-la và một quả táo. Tôi không biết tháng sau mình sẽ sống thế nào.
Tôi đã mua được vé tàu, nhưng có một vấn đề nhỏ. Trên đường đến Arkansas, tàu sẽ tạm dừng một ngày rưỡi ở San Antonio. Vì nghĩ ga xe lửa ở đó lớn lắm nên tôi dự định ở lại đó và đi lòng vòng một ngày rưỡi mà không bị ai để ý, sau đó tôi sẽ tiếp tục hành trình đến Arkansas. Nhưng tôi đã lầm.
Chuyến đi đến San Antonio của tôi lẽ ra đã trở thành một thảm họa. Tôi không có tiền mua đồ ăn thức uống và cũng không hiểu ý định của Chúa. Một lần nữa, hồng ân và bàn tay vô hình của Thiên Chúa đã đưa tôi đến San Antonio, bảo vệ tôi khỏi mọi mối nguy hiểm và đưa tôi đến Little Rock an toàn.
Tôi đã mua vé tàu như thế nào? Để có số chứng minh thư, tôi lấy thư rác của một chị đã chuyển nhà và dùng tên của chị ấy để đặt vé tàu. Tôi làm vậy để không ai tìm ra mình.
Khi tôi đến quầy lấy vé, nhân viên ở đó yêu cầu tôi xuất trình giấy tờ tùy thân. Tôi giải thích mình chưa có chứng minh thư, nhưng có vài lá thư có tên tôi trên đó. Như vậy có được không? Câu trả lời là có!
Nhân viên phòng vé nhắc tôi về khoảng nghỉ dài ở San Antonio. Tôi nhận ghế và được nhân viên chỉ chính xác vị trí chỗ ngồi. Một lần nữa, bàn tay của Chúa đã sắp xếp cho tôi ngồi cạnh một hành khách tên Bea. Bea đi cùng mẹ của cô ấy, và tôi ngồi ngay bên cạnh Bea.
Tôi không hề biết Bea thực chất là thiên sứ mà Chúa đã gửi đến để trông nom cô bé tóc vàng mười sáu tuổi là tôi. Tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ quên Bea.
Bea để ý thấy tôi chưa ăn gì nên rủ tôi đến toa ăn. Tôi muốn đi nhưng trong túi chỉ có đúng năm đô-la. Lỡ như món nào trên thực đơn cũng đắt hơn năm đô-la thì sao? Lúc đó Bea hoặc những người khác có thể phát hiện ra tôi không chỉ là kẻ đang chạy trốn mà còn là kẻ không có tiền. Bea vẫn cố rủ, nên tôi nói dối là mình không đói lắm, nhưng điều này không cản được Bea. Khi quay về từ toa ăn, cô ấy mang cho tôi một ít đồ ăn. Cô nói phần ăn nhiều quá nên cô không ăn hết và hỏi tôi có muốn ăn không, vì nếu bỏ đi thì thật phí phạm.
Khi tàu gần đến San Antonio, Bea hỏi tôi dự định ở đâu trong một ngày rưỡi đó. Đến lúc đó tôi biết Bea rất khôn ngoan. Tôi tự hỏi Bea sẽ làm gì. Cô ấy có giao nộp kẻ chạy trốn là tôi cho cảnh sát không? Hay cô có thể làm gì khác?
Khoảng giữa đêm hôm ấy, tôi thấy hai nhân viên đi dọc lối đi giữa hai hàng ghế về phía tôi. Tôi chắc mẩm Bea đã khai ra tôi. Hai nhân viên đó cúi xuống cạnh chỗ tôi ngồi. Tôi nghĩ phen này mình tiêu thật rồi. Họ nói rất khẽ để không làm phiền những hành khách khác và giải thích rằng họ cùng các nhân viên khác trên tàu đã quyên góp cho tôi một số tiền để đảm bảo tôi đến được điểm đến cuối cùng an toàn.
Một lần nữa, bàn tay kiên định của Chúa lại che chở cho kẻ chạy trốn mười sáu tuổi này.
Sau đó họ không hỏi thêm gì mà chỉ nhét tiền vào tay tôi và rời đi. Tôi thật sự kinh ngạc! Tôi nhớ mình đã ngồi đó và cố hiểu xem chuyện gì vừa xảy ra. Tôi nhìn sang Bea - lúc đó đang giả vờ ngủ - và cảm thấy linh hồn của mẹ đang hiện diện đâu đây.
Sáng hôm sau, vị kỹ sư của tàu cùng một nhân viên đến chỗ tôi và mời tôi đi cùng họ đến toa cuối. Tôi lại có cảm giác như mình đã bị phát hiện và chắc chắn sẽ bị nộp cho cảnh sát khi tàu đến San Antonio.
Tôi ngồi trong văn phòng của vị kỹ sư. Bea cũng đang ở đó vì ông muốn Bea cùng có mặt để chứng kiến chuyện này. Ông không hỏi bất cứ thông tin gì về hoàn cảnh của tôi, mà chỉ chia sẻ rằng ông sống ở San Antonio và sẽ xuống tàu để về nhà với gia đình trong đêm đó. Ông nói với tôi: “Nếu cháu không có nơi nào để ở trong lúc nghỉ chân tại San Antonio thì cháu có thể đến ở với gia đình bác”.
Nói rồi ông nhấc điện thoại gọi cho vợ và đưa ống nghe cho tôi. Bác gái kể mình có hai cô con gái đang đi học xa nhà và tôi có thể nghỉ qua đêm trong phòng của con gái họ.
Vị kỹ sư nói ông còn khá nhiều việc giấy tờ cần xử lý trước khi về nhà và bảo tôi đợi ở ga cho đến khi ông xong việc. Tôi đã bị sốc ngay khi bước vào ga. Nhà ga ở đó rất nhỏ, đã thế lại nằm ở ngoại thành. Ở đó chẳng có ai khác ngoài tôi. Mọi thứ trông thật đáng sợ. Bên ngoài chỉ có hai người đàn ông trông dữ tợn đang ngồi uống bia và nói chuyện. Tôi bị choáng trước ý nghĩ qua đêm ở đó - một nơi cực kỳ nguy hiểm đối với một cô gái trẻ.
Lúc tôi chào tạm biệt Bea, cô đưa tôi một phong bì có chứa mười lăm đô-la, trong đó có mười đô của Bea và năm đô của mẹ cô. Tôi từ chối, nhưng cả hai nhất quyết không nhận lại tiền. Có thể nói Chúa và các thiên sứ đã luôn dõi theo và che chở cho cô gái trẻ đầy sợ hãi là tôi.
Tôi rơi nước mắt vì cảm động nhưng vẫn cố trả lại tiền cho Bea. Nhưng Bea dúi phong bì vào tay tôi, vòng tay ôm tôi và nói lời tạm biệt mà tôi nghĩ đó là một lời cầu nguyện bằng tiếng Tây Ban Nha.
Trên đường về nhà, vị kỹ sư đưa tôi đi tham quan một vòng thành phố. Cuối cùng chúng tôi cũng về đến nhà và tôi gặp vợ của ông - một người phụ nữ tuyệt vời. Tối hôm ấy nhà họ có một buổi họp mặt gia đình, vì vậy bà đang chuẩn bị tiệc thịt nướng ở sân sau. Người phụ nữ đáng mến ấy dẫn tôi đến căn phòng mà họ đã sắp xếp cho tôi. Bà nói nếu tôi muốn đi tắm hay đánh một giấc thì cứ tự nhiên.
Vậy là tôi đã tìm được một nơi nghỉ chân tốt hơn bất kỳ nhà trọ nào mà tôi có thể mơ đến. Tôi tắm rửa sạch sẽ và ngủ thiếp đi. Rồi tôi chợt tỉnh dậy khi ngửi thấy mùi thịt nướng, chưa bao giờ tôi ngửi thấy mùi thịt nướng nào thơm ngon đến vậy.
Khách đã đến đông đủ và họ đều là người nhà của vợ chồng vị kỹ sư. Không ai thắc mắc hay hỏi han bất cứ điều gì về tôi, mà chỉ khiến tôi cảm thấy tự nhiên như ở nhà. Phải cố gắng lắm tôi mới kìm được dòng nước mắt cảm động đang chực trào nơi khóe mi. Chúa đã luôn dõi theo tôi. Một lần nữa, tôi cảm nhận được bàn tay vô hình của Chúa.
Sáng hôm sau, vị kỹ sư đưa tôi đến ga xe lửa rồi ra về. Trước đó ông đã lén đút thứ gì đó vào túi tôi. Tôi lên tàu và thò tay vào túi để tìm món đồ mà ông đã đưa. Đó là một ít tiền và mảnh giấy có viết số điện thoại của vợ chồng ông.
Tàu rời ga và thẳng tiến đến Little Rock, Arkansas. Hóa ra tôi không chỉ được một thiên sứ, mà được cả một phái đoàn thiên sứ trông nom chăm sóc.
Ở Little Rock, tôi là khách của những người thân mà bạn bè tôi đã giới thiệu. Những người này làm việc cho một đài truyền hình ở Little Rock, và họ đã sắp xếp cho tôi vào thực tập tại đài truyền hình. Tôi có thể vào đó làm việc khi tôi đến nơi.
Trong mấy ngày sau đó, tôi học cách cài đặt máy quay truyền hình. Công việc của tôi còn là vận chuyển các thiết bị mỗi khi cần thiết và pha cà phê cho đội ngũ sản xuất.
Tôi gọi điện cho chị mình, người mà tôi đang nhớ da diết, và chia sẻ mọi chuyện. Tôi nói thêm: “Nói với cha là em đang ở Arkansas và em sẽ ở đây cho đến khi cha đồng ý cho em sống tự lập”.
Chị tôi chuyển lời của tôi cho cha. Ông đồng ý cho tôi trở lại bờ Tây và ở lại đó luôn. Tôi không phải quay lại ngôi trường tư thục mà tôi ghét nữa. Ông đồng ý để tôi tự do sống cuộc đời mình, nhưng ông cũng nói thêm: “Nếu con muốn làm người lớn thì cứ làm đi. Nhưng cha sẽ không cho con xu nào để đi từ Little Rock về bờ Tây đâu”.
Hôm sau là ngày đầu tiên tôi đi thực địa với đoàn của đài truyền hình. Công việc trong ngày hôm đó là tường thuật các cuộc đua ngựa ở Hot Springs, Arkansas. Sau khi lắp đặt máy quay, tôi không còn việc gì để làm nên tôi quyết định đến thăm bầy ngựa. Lúc đó tôi đang mặc áo khoác của nhân viên đài, nếu không thì tôi không thể làm điều tôi sắp làm vì tôi mới chỉ là trẻ vị thành niên.
Sau khi thăm bầy ngựa, tôi lang thang đến khu vực cá độ. Ở đó, tôi gặp hai tay cá độ kỳ cựu và họ dạy tôi nghệ thuật cá cược đua ngựa. Nhưng tôi đã làm ngược lại lời khuyên của họ và đặt cược tất cả số tiền mình có là ba đô-la vào chú ngựa thân thiện nhất mà tôi gặp. Tôi biết mình chưa đủ tuổi để được tham gia trò này một cách hợp pháp.
Nếu bạn thấy chuyện xảy ra tiếp theo khó tin, thì nói thật là tôi cũng ngạc nhiên không kém bạn đâu.
Tôi chưa một lần theo dõi bảng tỉ lệ cá cược. Tôi không hề biết mình đã chọn trúng con ngựa được nhận định là khó có khả năng giành chiến thắng trong ngày hôm đó. Tôi chọn nó chỉ vì nó là một chú ngựa dễ mến.
Nhưng một chuyện đáng kinh ngạc đã xảy ra. Con ngựa ấy không chỉ về tốp đầu, mà nó còn về nhất. Tôi đã đặt cược ba đô-la cho chú ngựa đến đích đầu tiên và có tỉ lệ cược cao nhất.
Khi đến đây tôi chỉ có ba đô-la, nhưng bỗng nhiên giờ đây tôi đã có đủ tiền để mua vé bay trở lại bờ Tây và khao cả đoàn ăn trưa. Phải chăng chú ngựa thân thiện đó đã vì tôi mà nỗ lực chiến thắng?
Tôi nghĩ có lẽ Chúa đã không quên tôi, mặc cho tôi đã nổi loạn, đã phạm luật và quấy phá. Thật khó để phủ nhận chuyện Chúa đang chăm sóc tôi. Ngày hôm đó, bàn tay vô hình của Chúa dường như không còn vô hình với tôi nữa.
Lý do khiến tôi gấp rút quay lại bờ Tây là vì tuần tới tôi có một bài kiểm tra trình độ để có thể tốt nghiệp trung học sớm một năm.
Tôi lên máy bay để trở về bờ Tây. Cindy và cha mẹ cô ấy mở rộng vòng tay chào đón tôi. Cả ba người hoàn toàn không nhắc tới những việc tôi đã làm và đối xử với tôi như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Sau đó, tôi nghĩ về những người mà tôi đã làm tổn thương từ sau khi mẹ qua đời. Tôi đã làm buồn lòng rất nhiều người và khiến gia đình, bạn bè thất vọng. Chẳng lẽ tôi không có cách gì để thôi làm những người xung quanh mình buồn phiền, tổn thương và thất vọng sao?
Cuối cùng, tôi gạt mọi người ra khỏi cuộc sống của mình và quyết sống một mình. Nếu tôi sống một mình, không ai có thể bỏ rơi tôi và tôi cũng không thể làm tổn thương người khác. Hơn nữa, tôi muốn chứng tỏ cho cha thấy tôi không cần ai hết. Nhưng cuộc sống một thân một mình mệt mỏi quá sức tưởng tượng của tôi. Tôi gục ngã và kiệt quệ.
Mặc dù tôi đã tốt nghiệp, có công việc ổn định và có thể tự nuôi sống bản thân, nhưng tôi vẫn chìm trong giận dữ. Tôi là một mớ hỗn độn khốn khổ và bất hạnh. Nỗi buồn luôn bủa vây tôi. Tôi vô cùng mệt mỏi - mệt mỏi vì đau khổ và vì tự hỏi tại sao mình không thể tìm thấy hạnh phúc sau tất cả cay đắng và giận dữ này.
Tôi lúc này đã mười tám tuổi và không có gì để thể hiện hay tự hào cho mười tám năm cuộc đời đó. Cũng trong năm đó, bà tôi - người mà tôi xem như người mẹ thứ hai - qua đời. Nỗi đau này lớn quá mức chịu đựng của tôi. Tôi không thể gắng gượng sống tiếp nữa. Một ý nghĩ bắt đầu nảy sinh và xâm chiếm tâm trí tôi. Bằng cách nào đó, tôi đã thuyết phục bản thân rằng cuộc sống của những người xung quanh sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều nếu họ không bị làm phiền bởi những vấn đề của tôi, và điều tốt nhất tôi có thể làm cho họ là tự kết liễu cuộc đời mình.
Tôi không để ai biết mình đang có ý định tự tử. Tôi đã từ chối tất cả tình yêu thương mọi người dành cho mình, và giờ đây nỗi buồn cùng cảm giác chán ghét bản thân đang dìm chết tôi. Cả đời sống trong căm giận đã vắt kiệt sức lực của tôi. Tôi muốn ở bên mẹ.
Tôi lên kế hoạch để đảm bảo mình không thể sống sót sau khi tự sát. Tôi uống một loại thuốc chết người và tăng gấp đôi liều lượng thuốc. (Tôi đã uống gấp đôi số thuốc mà Marilyn Monroe đã dùng để kết liễu cuộc đời cô nhiều năm trước đó.) Tôi ngất đi và suy nghĩ cuối cùng của tôi là mình sẽ không bao giờ tỉnh lại. Tôi sẽ chết và sẽ được lại gặp mẹ.
Tôi muốn kể cho bạn nghe chuyện xảy ra tiếp theo. Loại thuốc tôi đã uống rất độc, và quá trình hồi phục không chỉ đơn giản là mở mắt rồi phát hiện mình còn sống. Tôi mở mắt nhưng không nhận thức được mọi thứ xung quanh. Tôi chỉ biết ở đó có một ô cửa sổ. Tôi cứ nhìn khung cửa sổ ấy mãi, cố gắng nghĩ xem nó là gì và nó có ý nghĩa gì với tôi. Rồi tôi dần dần nhớ được vài suy nghĩ và ký ức, nhưng phải mất một thời gian dài tôi mới có thể thật sự sống trở lại.
Tôi lờ mờ nhớ ra một chiếc xe cứu thương. Tôi nhớ có người đang cố hết sức ấn tim để cấp cứu cho tôi. Anh ta đang hét lên với tôi. Sau này tôi có cảm giác rằng dù cho người đó là ai, hẳn là có lúc anh đã từng để vuột ai đó mà anh rất muốn cứu sống. Tôi có cảm giác như thể anh đang tự nhủ: “Tôi sẽ không để mất thêm một người nào nữa! Cô gái này sẽ không chết. Tôi sẽ không để cô ấy chết”.
Tôi đang nằm trong một phòng bệnh và mơ hồ nhận ra trong phòng có một cô y tá. Khi tôi mở mắt, cô ấy bước đến bên cạnh và hỏi tôi vài câu, rồi cô chạy đi tìm bác sĩ.
Tiếp đến tôi lướt nhìn căn phòng và tự hỏi: “Mình còn sống không?”. Tôi không thể nói chuyện hay cử động. Tôi dần dần nhận thức được rằng mình chưa chết mà đang quay trở về thế giới ý thức.
Một lát sau, một nhóm bác sĩ đứng xung quanh giường của tôi và hỏi tôi có hiểu họ nói gì không. Họ cũng không thể giải thích được vì sao tôi còn sống. Về lý thuyết thì tôi không thể sống được. Các bác sĩ đã tiến hành các biện pháp thải độc, còn tôi thì đã tìm hiểu rất kỹ cách để đầu độc mình. Rõ ràng là lẽ ra tôi không thể sống. Tất cả chúng tôi đều biết không ai sống nổi sau khi nuốt chừng đó thuốc độc.
Một bác sĩ nói: “Chúng tôi là những nhà khoa học nhưng cũng không giải thích được lý do em còn sống”.
Một bác sĩ khác hỏi tôi: “Em có tin vào Chúa không? Nếu không thì em nên cân nhắc lại, vì những tổn thương về nhận thức và thần kinh đó đã có thể khiến em phải sống thực vật”.
Đúng là tôi phải mất vài năm thì mới có thể hoàn toàn hồi phục, và trong thời gian đó, tôi phải tập đi và tập nói lại.
Sau khi tôi hồi phục, mọi thứ xung quanh dường như trở nên mới mẻ và rực rỡ hẳn lên. Màu sắc, vải vóc, nền trời... thứ gì cũng thật kỳ diệu và tuyệt vời. Tôi nhìn mọi thứ với một đôi mắt và tinh thần mới. Việc Thiên Chúa đã cứu sống và luôn đồng hành cùng tôi là một thực tế không thể phủ nhận. Bây giờ tôi cảm thấy thật sự bình yên.
Cuộc đời tôi cũng chào đón nhiều thay đổi khác. Khi sống cùng bạn bè ở làng đại học, tôi có một người bạn cùng phòng tên Marilyn. Trong cộng đoàn tín hữu nơi đó, Marilyn là người tốt bụng nhất đối với tôi. Marilyn thường đến bệnh viện thăm tôi, và cô cũng có mặt vào ngày tôi xuất viện.
Tôi nhỏ hơn Marilyn vài tuổi. Cô ấy thể hiện cho tôi biết là cô muốn đồng hành cùng tôi trên hành trình cuộc sống mới của tôi. Cô đang dạy một lớp về lòng tự trọng ở trường cao đẳng cộng đồng trong thị trấn, và cô thông báo với mọi người rằng tôi sẽ tham dự lớp học. Trong giờ học, cô nói với tôi và những sinh viên khác rằng: “Tôi muốn các em lặp lại những lời này: Tôi là một người quan trọng. Tôi xứng đáng được coi trọng”.
Đó không phải là những lời tôi muốn dùng để mô tả bản thân mình. Tôi đứng dậy và định rời khỏi phòng, nhưng Marilyn ngăn tôi lại, kéo tôi ngồi xuống ghế rồi nói: “Đừng nghĩ đến chuyện ra khỏi căn phòng này”.
Trong những tuần kế tiếp, Marilyn giúp tôi hiểu ra nhiều điều, mà một trong số đó là chính tôi đã tự dạy mình phản ứng tiêu cực và nổi đóa với mọi chuyện. Đó là thế giới mà tôi đã tạo ra và nhốt mình trong đó kể từ ngày mẹ tôi qua đời. Marilyn giúp tôi nhận ra rằng tôi không cần đeo mang tâm lý nạn nhân đó suốt cuộc đời. Cô giúp tôi hiểu rằng tôi tức giận và đau khổ về sự ra đi của mẹ là hợp lý, nhưng tôi không cần phải sống quãng đời còn lại với gông cùm khổ đau đó.
Tôi từng nghĩ nếu tôi chấp nhận sự ra đi của mẹ thì điều đó nghĩa là tôi không quan tâm đến mẹ. Tôi chưa bao giờ chấp nhận rằng mẹ đã mất, chưa bao giờ để cơn giận nguôi ngoai và không chịu sống tiếp với sức mạnh và tình yêu mà mẹ hằng mong.
Khi nghĩ về vai trò quan trọng của Marilyn trong đời mình, tôi muốn nói rằng Marilyn hệt như một vị thánh của các tín đồ.
Giờ đây Marilyn đã ra đi nhưng ký ức về cô vẫn sống mãi trong tim tôi.
[Bạn đọc thân mến, Ruth và tôi đồng ý rằng chúng tôi muốn dành tặng câu chuyện này cho Marilyn vì bà đã toàn tâm toàn ý dâng cuộc đời mình cho Chúa.]
Khi quan điểm sống mới của tôi trở thành một phần cuộc sống thường nhật, tôi bắt đầu tham gia các hoạt động tình nguyện, và công việc của tôi là khuyên can những người có ý định tự tử. Cuộc đời tôi đã hoàn toàn thay đổi. Từ một người cần sự giúp đỡ, giờ đây tôi đã có thể giúp đỡ người khác.
Có lẽ điều khác biệt lớn nhất là hiện tôi đang có một cuộc sống hạnh phúc. Hoàn cảnh sống của tôi không có gì thay đổi: vẫn còn đó nỗi thất vọng, rắc rối và những khó khăn hệt như những gì tôi đã trải qua trước đó. Thế nhưng trong những hoàn cảnh tiêu cực đó, trong lòng tôi vẫn tràn ngập bình yên và tôi biết ơn những gì mình đang có. Tôi có thể để hoàn cảnh sống vùi dập mình hoặc chọn phản ứng với mọi hoàn cảnh bằng niềm hy vọng và tinh thần tích cực thay vì chọn thái độ tiêu cực như trước đây.
Nếu gặp một người đang có ý định tự sát, tôi sẽ nói với người đó: “Dù hoàn cảnh của bạn tồi tệ đến mức nào hay bạn đang cảm thấy bất lực đến đâu, bạn luôn có thể chọn cách phản ứng tích cực. Hãy buông bỏ mọi điều tiêu cực trong cuộc sống của bạn. Những chuyện tồi tệ trong đời có thể giúp bạn trưởng thành hơn rất nhiều. Tìm kiếm điều tích cực trong mọi việc là bước đầu tiên giúp bạn khám phá ra giá trị của những tình huống mình đang trải qua. Bạn có đủ mọi điều kiện để sống tốt, dù cuộc đời có thử thách bạn thế nào đi nữa”.
Tôi muốn lặp lại lời mà một bác sĩ đã nói với tôi vào lúc tôi đang nằm viện: “Em có tin vào Chúa không? Nếu không thì bây giờ em nên cân nhắc lại”.
***
Giờ đây Ruth đã ngoài năm mươi, và thỉnh thoảng tôi vẫn ghé thăm bà. Tôi nhớ hồi bà còn là một cô bé mười lăm tuổi. Chỉ có cái tên và đường nét bề ngoài của bà là không thay đổi. Không khó khăn nào có thể đánh gục Ruth. Bà luôn sống vui vẻ, yêu thương và biết ơn. Tôi cũng biết chắc bà có thể tự viết lại câu chuyện của mình để làm chứng cho Chúa. Tôi muốn nói với Ruth rằng tôi chưa từng thấy nhà văn không chuyên nào có thể kể lại hành trình cuộc sống của mình theo cách đẹp đẽ và trọn vẹn đến vậy.
Trong lần gần đây nhất tôi gặp Ruth, bà nói bàn tay vô hình của Chúa đã theo bà suốt cuộc đời, và tôi hoàn toàn đồng ý.
Bà nói: “Bàn tay vô hình của Chúa vẫn luôn ở đó”.
Thật tuyệt nếu đông đảo Ki-tô hữu có thể nghe Ruth kể lại câu chuyện của bà. Ruth của ngày xưa và Ruth của ngày nay là hai người khác nhau. Ruth của ngày nay là tuyệt tác của hồng ân Thiên Chúa. Bàn tay vô hình của Chúa đã đến trong đời Ruth với mục đích thật đẹp đẽ và tuyệt vời, và những đau khổ cũng như muộn phiền trong cuộc sống của bà cũng mang ý nghĩa như vậy. Thiên Chúa đưa chúng ta vào những hoàn cảnh ngặt nghèo để rồi ban tặng cho ta tình yêu thương của Ngài.