T
hế hệ nào cũng có những danh nhân được ngưỡng mộ vì câu chuyện vất vả thuở đầu đời, khi mà họ phải sống cảnh nhà cửa ọp ẹp nhưng vẫn có thể vươn lên để thành công; hai nhân vật tiêu biểu trong số đó là Abraham Lincoln và Andrew Jackson. Bên cạnh đó, cũng có những người có thể kể về tuổi thơ cơ cực của mình như thể đó là một câu chuyện đẹp như cổ tích. Gladys là một người như vậy.
Gladys không lớn lên trong một căn nhà xiêu vẹo, thậm chí bà còn không được sống trong một căn nhà bình thường. Thực tế là bà lớn lên trong một hầm tránh bão - về cơ bản thì đó là cái hố mà người ta chui xuống để ẩn náu mỗi khi có lốc xoáy. Các căn hầm kiểu như vậy thường có chiều dài, chiều rộng và độ sâu gần hai mét. Một số căn hầm có vách bằng bê tông hoặc gỗ, nhưng cũng có những căn bốn vách chỉ là đất. Đối với Gladys, hầm tránh bão chính là nhà. Thật ra, “người da trắng nghèo khổ” chính là cụm từ được dùng để chỉ cha mẹ, anh chị của bà và cả bản thân bà. Cụm từ này xuất hiện từ trước cuộc Nội chiến Mỹ và được dùng để chỉ những người da trắng có mức sống bần cùng không khác gì những nô lệ da màu. Đến nay, ý nghĩa của cụm từ này vẫn không thay đổi, vẫn là từ chỉ những người da trắng có mức sống nghèo khổ nhất so với cả nước. Đó cũng là tầng lớp xã hội mà Gladys quyết tâm thoát ra.
Hành trình đấu tranh thoát nghèo của Gladys cũng phi thường như mọi câu chuyện kể mà bạn được nghe.
Ông Brewer - cha của Gladys - mắc chứng sợ lốc xoáy. Ông luôn cảm thấy một ngày nào đó mình sẽ bị lốc cuốn đi, vì vậy ông bắt cả gia đình phải sống dưới hầm tránh bão. Ngoài ra, ông còn là một kẻ nghiện rượu. Gia đình ông kiếm sống bằng nghề thu hoạch bông trên những cánh đồng tại Oklahoma trong năm tháng mùa vụ. Hằng ngày, mỗi người con trong gia đình phải mang về lượng bông có giá trị tương đương một đô-la. Nhiệm vụ đó gần như là bất khả thi, nhưng dù sao thì đó cũng là mức kỳ vọng.
Gladys biết cách duy nhất để thoát cảnh nghèo túng là học trung học, điều mà chưa ai trong gia đình bà làm được. Tốt nghiệp trung học dường như là chuyện nằm ngoài khả năng của bà. Một năm có mười hai tháng thì hết năm tháng Gladys phải rong ruổi làm việc trên những cánh đồng bông ở Oklahoma. Trong những tháng còn lại, cả nhà bà làm mọi công việc mà họ có thể tìm được để kiếm tiền. Mối bận tâm lớn nhất trong đời bà lúc bấy giờ là khoảng cách từ cánh đồng bông - nơi bà vất vả làm việc cả ngày - đến ngôi trường tiểu học(1) gần nhất là bao xa. Với hoàn cảnh của Gladys, đến trường và học trọn vẹn một năm học dường như là chuyện không thể.
(1) Vào thời của Gladys, cấp tiểu học bao gồm các khối lớp từ một đến tám.
Tuổi thơ của Gladys chính là như vậy.
Cha mẹ bà đã xoay xở để đặt sáu chiếc giường vào căn hầm trú bão mà họ mượn được. Chiếc bao bố chứa số bông bà thu hoạch mỗi ngày chính là tấm nệm của bà. Trong bao có hai thứ: một là chiếc túi giấy đựng tất cả quần áo của bà, và thứ còn lại là sách.
Vào những ngày trời mưa to, các công nhân không thể ra đồng thu hoạch bông. Vì vậy trong những ngày đó, Gladys thức dậy trước cả khi mặt trời mọc và đi bộ đến trường. Người đầu tiên mở cổng trường không lạ gì cảnh Gladys ngủ gục trước cổng. Ở trường, Gladys xin giáo viên giao cho mình bài tập của cả tuần. Bà cũng xin những quyển sách cũ mà người ta không dùng tới để mang về nhà học. Gladys học bài vào buổi tối, dưới ánh nến, ngay khoảnh đất phía trên căn hầm trú bão mà gia đình bà đang sống. Thành tích học tập của bà luôn đạt loại giỏi.
Gladys nhờ các thầy cô kiểm tra bài tập bà đã làm, sau đó bà trở lại cánh đồng bông và làm việc đến tận khuya để thu hoạch đủ số bông tương ứng với tiêu chuẩn một đô-la mỗi ngày. Khi biết hoàn cảnh của Gladys, các thầy cô ở trường đã tặng sách và giao cho bà những bài tập đặc biệt để học cho năm tiếp theo.
Khi thời tiết tốt, Gladys ngủ trên chiếc bao đựng bông trong lúc chờ số bông bà thu hoạch được mang đi cân vào sáng hôm sau. Nếu giữa đêm có mưa lất phất, Gladys sẽ chỉ đơn giản là chui vào trong cái bao bố đựng bông dài ba mét - thứ đã trở thành một phần cuộc sống của bà.
Gia đình bà thường mua thức ăn ở các cửa hàng thực phẩm ven đường và quầy hàng trong trạm xăng. Theo thông lệ của nơi này, một số chủ ruộng bông cho phép những người da trắng nghèo khổ như bà vào nhà và sử dụng bếp trong vài giờ, nếu khi đó bếp đang trống.
Trên một số cánh đồng bông rộng lớn, những người chủ chỉ có thể dựng lên các “xác nhà”, tức là chỉ có mái nhà và bốn vách tường. Xác nhà có khung cửa nhưng không có cánh cửa, chỉ có xà nhà chứ không được đóng trần, có bốn phòng nhưng không có gian bếp hay bất kỳ đồ nội thất nào. Gần đó là một nhà vệ sinh và một giếng đào cùng cái máy bơm cũ kỹ mà mọi người đều được phép sử dụng.
Gladys thường tắm vào ban đêm, sau khi bà đã làm hết công việc trong ngày. Chị gái của bà giúp bơm nước tắm trong lúc bà thoa xà phòng khắp người, nếu hôm đó nhà bà vẫn còn xà phòng. Trong khi bà tắm, chị của bà sẽ bảo đảm không có người đàn ông nào lảng vảng gần đó. Thỉnh thoảng những người chủ ruộng bông thể hiện sự tử tế với Gladys và cho phép bà dùng bồn tắm đã được bơm đầy nước ở sân sau. Đó là chiếc bồn tắm duy nhất dành cho tất cả mọi người, từ người da trắng đến da màu, và thậm chí là cả chủ ruộng bông. Chiếc bồn đó cho phép bà được tắm đúng nghĩa, một điều được xem là xa xỉ ở vùng đồng bằng Oklahoma oi bức.
Oklahoma thường phải chịu những đợt hạn hán kéo dài từ một đến ba năm. Mặc dù bông là loài cây nhiệt đới và cần rất ít nước, nhưng có những năm khô hạn đến mức gần như không cây bông nào sống nổi. Đó là những lúc Gladys có thể thật sự chuyên tâm vào việc học.
Vào mỗi Chủ Nhật, Gladys đều đến nhà thờ dự lễ. Đôi khi, vì đi chân trần và mặc áo quần rách nên bà chỉ dám ngồi ở ngoài hành lang, hoặc rón rén ngồi vào hàng ghế cuối trong nhà thờ rồi vội vã ra về khi mọi người dâng lời cầu nguyện cuối lễ. Sau này bà chia sẻ: “Những bài đọc trong Kinh Thánh, bài giảng lời Chúa và thánh ca luôn tiếp thêm sức mạnh để tôi vững tin vào ước mơ của mình”.
Năm lên chín, Gladys lần đầu có được một đôi giày của riêng mình. Đó là đôi giày cũ mà một người chủ ruộng bông tốt bụng đã tặng bà.
Năm Gladys mười bảy tuổi, cũng là một trong những năm hạn hán nặng, bà tốt nghiệp trung học phổ thông. Nhà trường tặng bà một chiếc đầm và một đôi giày mới. Lúc bà bước lên bục nhận bằng, mọi người bên dưới đồng loạt đứng dậy và vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Nhưng trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy, điều mà bà nhận được còn mang ý nghĩa sâu sắc hơn thế.
Vào cái thời mà rất ít người được đi học cấp ba thì với tấm bằng tốt nghiệp trung học trong tay, Gladys có thể trở thành giáo viên dạy mẫu giáo, lớp một, lớp hai và lớp ba. Nhưng bà có những ước mơ và quyết tâm khác. Một trong số đó là hoàn thành một năm đại học để đủ tiêu chuẩn dạy hết bậc tiểu học. Với hành trang vỏn vẹn là chiếc bao giấy đựng vài bộ áo quần đơn sơ, Gladys chuyển đến sống tại một thị trấn có trường đại học. Bà đăng ký lớp học buổi tối mỗi khi có lớp phù hợp với chương trình đại học năm nhất của mình. Gladys không có phòng riêng, nhưng bà đã thương lượng với một gia đình để được ngủ nhờ trên chiếc trường kỷ của họ, đổi lại, bà phải dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc con của họ sáu ngày một tuần. Ngoài ra, bà còn làm nhiều công việc lặt vặt khác để trang trải tiền ăn.
Một trong những công việc lặt vặt đó là làm thêm tại tiệm giặt ủi vào thứ Bảy. Một thứ Bảy nọ, có chàng trai trẻ đến tiệm của bà để giặt một bộ vest. Anh có vóc người tầm thước, làn da ngăm đen và trông rất điển trai. Hôm ấy bà đã nhét vào túi áo vest của anh một mảnh giấy nhỏ có viết vỏn vẹn bốn chữ: “Chào anh đẹp trai”. Theo nhiều người thì chàng trai ấy rất cuốn hút bởi anh mang vẻ đẹp như một vị thần Hy Lạp. Không lâu sau đó, họ đến với nhau.
Năm mười chín tuổi, Gladys hoàn thành chương trình năm nhất đại học. Giờ đây bà có thể bắt đầu học các khóa sư phạm và tham gia một năm thực tập dưới sự hướng dẫn của một giáo viên chính quy. Trong thời gian đó, bà làm giáo viên bán thời gian tại một trường mẫu giáo.
Cũng năm mười chín tuổi, Gladys kết hôn và sau đó sinh được hai người con trai. Lúc này bà lại nhen nhóm một ước mơ khác. Đó là được chứng kiến hai con của mình tốt nghiệp đại học, điều mà chưa ai trong hai bên gia đình nội ngoại làm được hay thậm chí là dám mơ tới. Bà hy vọng con mình sẽ là những cậu bé thông minh, sáng dạ. Nhưng ước mơ ấy đã sớm vụn vỡ.
Con trai lớn của Gladys phải học đến tận ba năm lớp một. Đến năm thứ tư, cậu bé được nhà trường châm chước cho lên lớp. Nhưng bà cảm thấy có chút hy vọng khi biết vì bị lác một bên mắt nên con mình mới học kém. Trong suốt năm học tiếp theo, cậu bé đã đeo một miếng vải để che một bên mắt và sau cùng hai mắt của cậu bé đã bình thường trở lại. Sau đó, cậu cứ thế học lên cấp ba như bao bạn bè đồng trang lứa. Đến năm ba đại học, cậu quyết định rời ghế nhà trường để nhập ngũ.
Cậu út nhà Gladys không được may mắn như vậy. Cậu bé chính là nỗi khổ tâm lớn nhất của đời Gladys. Rõ ràng là cậu bé không có khả năng học tập. Không một ai, kể cả chính bản thân cậu bé, đọc được chữ viết tay của cậu.
Đối với cậu, toán học là “vùng đất kỳ lạ” và cậu không tài nào tiếp thu nổi kiến thức toán sau năm lớp ba. Cậu không đánh vần đúng một chữ nào. Cuối mỗi năm học, điểm số của cậu đa phần chỉ ở mức trung bình yếu, có khi cậu còn không qua được môn. Nhưng Gladys đã tìm cách giúp con vượt qua khó khăn. Khi ấy bà đang làm giáo viên tại ngôi trường mà chỉ có đúng một phòng học dùng chung cho tất cả các khối lớp. Bà có học sinh từ lớp một đến lớp sáu, không có học sinh lớp bảy và có ba học sinh lớp tám, tức năm cuối tiểu học.
Giải pháp của Gladys rất đơn giản. Bà đăng ký cho cậu con trai tội nghiệp vào ngôi trường nơi bà dạy, rồi kèm cặp con học hành ngày đêm. Khi cảm thấy con đủ sức học năm học đó, bà chuyển con về lại trường tiểu học trong vùng kèm theo bảng điểm chứng tỏ cậu bé đã hoàn thành năm học trước đó. Đáng tiếc là đến năm cậu bé học lớp bảy, trường của mẹ cậu không có học sinh nào lớp bảy, do đó cậu phải lên thị trấn học. Cậu không qua được năm học đó, nhưng Gladys không quan tâm bảng điểm mà đăng ký cho con học lớp tám ở trường bà dạy. Cuối cùng cậu bé cũng được tốt nghiệp tiểu học.
Khi ấy vợ chồng Gladys đã có nhà riêng. Đó là một ngôi nhà rất nhỏ, có chiều dài và chiều rộng chỉ sáu mét. Gian bếp trong nhà chật đến mức không thể được gọi là “gian bếp”. Cả nhà bà phải dùng bữa tại chiếc bàn chân gấp đặt trong phòng khách. Nhà bà chỉ có một phòng ngủ, nhưng vẫn có nhà vệ sinh trong nhà. Phòng khách có một chiếc ghế và một chiếc trường kỷ có thể kéo ra để làm giường. Bên dưới chiếc trường kỷ là hộc tủ để cất quần áo của hai cậu con trai.
Nhưng những món đồ khác bên dưới chiếc trường kỷ làm Gladys phải suy nghĩ lại về trí thông minh của cậu con trai út. Cậu bé cất khoảng hai mươi đến một trăm quyển sách dưới đó, tất cả đều là những tác phẩm văn học kinh điển. Con trai bà biết đọc, ít nhất là cậu bé có thể đọc cho đến khi người ta yêu cầu cậu đọc to thành tiếng. Cậu bé thích đọc sách và đọc bất cứ thể loại nào. Gladys đã dành dụm tiền để mua cho con một bộ bách khoa toàn thư, và cuối cùng cậu bé cũng đọc hết bộ sách đó.
Vì băn khoăn về trí thông minh của con trai út, Gladys đã lái xe đưa con đến thủ phủ của tiểu bang. Bà bước vào nơi kiểm tra IQ và lớn tiếng thông báo: “Con trai tôi hoặc là kẻ ngốc hoặc là thiên tài, và tôi muốn tìm ra câu trả lời”. Gladys - người phụ nữ Ai-len với đôi mắt xanh biếc - quả là rất tinh ý. Khi cầm kết quả kiểm tra IQ của con mình trên tay, Gladys nhìn xuống giấy báo kết quả rồi nhìn lên ban tổ chức và hỏi: “Đây là chỉ số IQ của con trai tôi hay của cả bang Texas cộng lại vậy?”.
Thế nhưng cậu bé vẫn chật vật với việc học. Khi đã đủ lớn để hiểu chỉ số IQ là gì, cậu lái xe đến một trường đại học ở vùng khác trong tiểu bang và xin được làm bài kiểm tra đầu vào. Cậu đã vượt qua bài kiểm tra đầu vào với điểm số cao nhất từ trước đến giờ. Sáu tháng sau, cậu bước vào đại học khi mới mười lăm tuổi. Thật ra, cậu là người đầu tiên trong cả dòng họ tốt nghiệp đại học. Gladys tự hào đến dự lễ tốt nghiệp của con. Vậy là một trong những ước mơ của bà đã trở thành hiện thực. Vài tuần sau đó, bà cũng tốt nghiệp đại học. Người con trai lớn lúc bấy giờ đã xuất ngũ, quay lại học tiếp đại học và cũng tốt nghiệp không lâu sau mẹ mình.
Gladys vẫn còn một mục tiêu khác trong đời. Bà muốn viết một quyển tiểu thuyết và chứng kiến ngày “đứa con tinh thần” của mình được xuất bản. Tiếc là điều đó đã không xảy ra. Nhưng gia đình và hàng xóm của bà đều không thể quên ngày bà xuống phố và hô to: “Tôi đã bán được một truyện ngắn. Tôi đã bán được một truyện ngắn!”. Một tay bà cầm lá thư, tay kia cầm một tờ mười đô-la nhuận bút cho câu chuyện ngắn có tựa Một trăm đô-la tiền boa của mình.
Hai người con của Gladys đều đã trưởng thành và có gia đình riêng. Gladys trở thành người đầu tiên nhận bằng thạc sĩ trong lĩnh vực nghiên cứu chứng khó đọc. Bà cũng là người đầu tiên trong tiểu bang được chứng nhận dạy trẻ em mắc chứng khó đọc - những đứa trẻ không có khả năng đánh vần hay làm toán - nhưng tính đến thời điểm đó, bà đã có mười năm kinh nghiệm trong việc kèm cặp và dạy dỗ con mình. Cuối cùng, Gladys trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu cả nước trong lĩnh vực giáo dục trẻ mắc chứng khó đọc.
Gladys đã sống đến ngày được thấy bốn người con của con trai cả trưởng thành. Các cháu của bà đều giỏi giang và thành công vượt bậc trong sự nghiệp. Trong bốn người cháu đó, có hai người làm luật sư và hai người làm thẩm phán. Tiếc là bà đã không sống đủ lâu để chứng kiến hai cô cháu gái - con của cậu con trai út - trưởng thành. Một cô cháu gái có bằng thạc sĩ chuyên ngành giáo dục và quản trị, và người cháu còn lại trở thành giảng viên tiếng Anh tại một trường đại học.
Gladys cũng đã được chứng kiến cậu con trai cả trở thành giám thị của những ngôi trường thuộc chính hệ thống giáo dục đã đánh rớt cậu ba lần thuở cậu còn học lớp một. Bà cũng sống đủ lâu để thấy “nỗi khổ tâm” của đời bà - đứa con út học chậm - trở thành tác giả của nhiều quyển sách nổi tiếng được dịch sang gần một trăm ngôn ngữ.
Một hôm, người con trai út đang diễn thuyết ở châu Âu thì hay tin mẹ anh đang hấp hối ở quê nhà. Anh tức tốc trở về Mỹ. Trước khi về, anh đã kịp ghé qua nhà xuất bản để nhận ấn phẩm đầu tiên của quyển sách thứ ba mà anh viết. Khi về đến nhà và bước vào phòng của mẹ, anh đã quỵ xuống và hôn lên bàn chân mẹ rồi thấm ướt đôi bàn chân ấy bằng nước mắt.
Anh đặt vào tay mẹ mình một quyển sách về lịch sử giáo hội và đọc lời đề tặng trong sách:
Quyển sách này dành tặng GLADYS EDWARDS - người luôn dành cho con mình tất cả những gì bà có và tận tụy cả đời vì con cái. Bà luôn là người ủng hộ trung thành nhất của tôi và là gia tài quý giá nhất mà Chúa thương ban cho một người con. Mẹ yêu quý, hẹn gặp lại mẹ ở thiên đàng rực rỡ ánh sáng - nơi mà chỉ có chúng ta sống trong Chúa.
Gladys là mẹ của tôi.