Trong quá trình áp dụng BLW, có thể bạn sẽ có rất nhiều câu hỏi và băn khoăn về việc con xử lý thức ăn. Chương này sẽ giải đáp các câu hỏi thường gặp nhất, từ các mối lo về cách khởi động BLW đến lí do khiến em bé 10 tháng tuổi của bạn ném thức ăn ra khỏi ghế, và việc bạn có thể làm trong trường hợp này. Đương nhiên mỗi bé mỗi khác, vì vậy mặc dù hầu hết các câu hỏi đều được sắp xếp theo trình tự tuổi của bé, nhưng hầu hết các câu trả lời đều có thể được áp dụng cho các bé ở mọi giai đoạn BLW.
Có nguy hại gì không nếu tôi vừa áp dụng BLW vừa áp dụng phương pháp bón thìa cho bé?
Hầu hết các bé đều thích được tự ăn hơn là để người khác đút cho ăn - các bé thích tự làm mọi việc và học hỏi các kĩ năng mới. Rất nhiều cha mẹ tìm đến BLW bởi vì em bé của họ từ chối không chịu để người khác đút thìa.
Có một niềm tin hoang đường rằng các em bé phải được thuyết phục để chấp nhận phương pháp bón thìa. Có một số lí do phổ biến khiến mọi người tin rằng bón thìa là phương pháp cần thiết:
• Niềm tin sai lầm rằng các bé phải “quen với thìa” khi bước vào độ tuổi nhất định.
• Niềm tin sai lầm rằng ngày nào các bé cũng phải ăn sữa chua và các bé không thể tự ăn.
• Lo lắng về sự bẩn thỉu nếu bé tự ăn các món lỏng.
• Mối lo rằng bé không thể tự ăn no bụng và các bé cần được “cho ăn no bụng” bằng một số thực phẩm xay nhuyễn.
Một số cha mẹ muốn em bé của họ quen với việc ăn bón thìa trong trường hợp họ không bao giờ cần phải làm vậy, và một số cha mẹ chỉ muốn vừa áp dụng phương pháp bón thìa, vừa cho bé bốc thức ăn.
Tuy nhiên, có thể em bé của bạn lại có ý kiến khác đấy! Rất nhiều em bé BLW nhanh chóng thể hiện rõ rằng các bé không muốn được người khác bón cho ăn. Có rất nhiều cách để bé thể hiện điều này - phổ biến nhất là khi bé lấy thìa từ tay người khác. Điều này đặc biệt đúng đối với các bé bú mẹ - các bé này vốn kiểm soát chế độ bú của mình. Hãy nhớ rằng nếu đôi lúc bạn kiên quyết phải xúc thìa cho con, và đôi lúc cho bé tự ăn, bé sẽ nhận được thông điệp lẫn lộn về sự tin tưởng của bạn đối với bé, và mức độ độc lập mà bé được cho phép.
Nếu bé chấp nhận phương pháp bón thìa, cũng không có hại gì nếu bạn kết hợp phương pháp này với phương pháp BLW. Tuy nhiên, nếu bạn bị BLW hấp dẫn bởi những ưu điểm của phương pháp này đối với bé chúng tôi khuyến khích bạn không nên đút thìa cho bé trong mọi bữa. Đó là bởi vì, nếu bạn làm vậy, có thể bé của bạn sẽ không được làm quen với đa dạng các kết cấu thực phẩm, hoặc cơ hội để bé phát triển kĩ năng. Có thể sẽ có lúc bạn muốn thuyết phục bé ăn nhiều hơn mức bé muốn. Tốt hơn hết là hãy chỉ dùng thìa đối với một số món ăn nhất định (sữa chua hoặc cháo, ví dụ như vậy) hoặc thi thoảng đưa cho bé một thìa xúc sẵn thức ăn, sau đó để bé quyết định có ăn hay không.
“Khi chúng tôi đi ăn ngoài, tôi cũng thử đút thìa cho Sammy và đồ ăn ít bị bừa bộn hơn, nhưng bé không thích đâu. Bé không càu nhàu, nhưng bé thường nhè thức ăn ra, nhìn ngó, sau đó dùng tay nhặt thức ăn lên đưa vào miệng ăn.”
Chị Claire, mẹ bé Sammy 10 tháng tuổi
“Khi chúng tôi ăn cháo, thi thoảng tôi cũng đút thìa cho Nicholas – nhưng đó chỉ là khi bé muốn tôi đút thôi; tôi cố gắng không ép bé. Và khi bé không muốn ăn nữa, tôi dừng ngay lại.”
Anh Dan, cha bé William 3 tuổi và Nicholas 7 tháng tuổi
Trước đây, khi áp dụng BLW, con gái tôi 9 tháng tuổi thường nhét đầy thức ăn vào miệng. Tôi lo lắng không dám cho cậu con trai 6 tháng tuổi tự ăn, vì tôi sợ bé cũng làm như vậy.
So với phương pháp ăn dặm truyền thống, việc các bé lớn hơn nhét quá nhiều thức ăn vào miệng khi áp dụng BLW ít gây rắc rối hơn. Rất có thể, các bé được phép khám phá thức ăn ngay từ đầu học được cách không nhét quá nhiều thức ăn vào miệng, bởi vì các bé đã được luyện tập phản xạ ọe, và phản xạ này xảy ra ở phía trên lưỡi bé khi bé còn nhỏ. Nếu các bé được phép đưa thức ăn lên miệng càng sớm, các bé sẽ càng ít có khả năng nhét quá nhiều thức ăn vào miệng.
Bạn nên:
• Cho phép bé thử nghiệm với thức ăn từ khi 6 tháng tuổi.
• Đảm bảo bé ngồi thẳng lưng.
• Cố gắng không gây xao nhãng cho bé trong khi bé đang ăn - hãy để bé tập trung.
• Nếu bé ọe, đừng hoảng hốt - phản xạ này sẽ giúp bé biết chừng nào là quá nhiều.
Có vẻ như với BLW, sẽ có rất nhiều thức ăn bị lãng phí. Kinh tế gia đình tôi eo hẹp và không thể chịu cảnh đổ thức ăn đi. Làm cách nào để tránh lãng phí quá nhiều thức ăn?
Đây là mối lo chung của các bậc cha mẹ đang nghĩ đến việc áp dụng phương pháp BLW. Nhưng khi bé bắt đầu tập ăn dặm, luôn luôn có một chút thức ăn thừa - ngay cả với món xay nhuyễn - BLW có thể sẽ ít lãng phí hơn phương pháp đút thìa, thậm chí còn rẻ hơn. Đó là bởi vì:
• Các em bé BLW ăn cùng món với cha mẹ; việc mua thêm một chút rau (ví dụ như vậy) sẽ tạo ít sự khác biệt hơn trong hóa đơn mua thực phẩm hàng tuần so với khi mua các thực phẩm nhũ nhi được bày bán trên thị trường.
• Tự xay thực phẩm tại nhà có thể rất lãng phí - rất nhiều thức ăn còn dính lại trên rây và máy xay.
• Dù bạn cho bé ăn bằng phương pháp nào, một số thức ăn vẫn sẽ rơi xuống ghế hoặc sàn nhà; so với các giọt cháo rơi, các mẩu thức ăn dễ cầm hơn và có thể đưa lại cho bé cầm.
• Các bé được phép tự ăn từ khi bắt đầu tập ăn dặm thường ít kén ăn hơn; những người kén ăn lãng phí rất nhiều thức ăn.
• Cuối cùng, nếu bạn nuôi chó, chắc hẳn bạn muốn để lại một phần thức ăn cho nó; chó nhanh chóng học được cách đi vòng quanh chỗ em bé đang tự ăn!
Dưới đây là một số mẹo nhỏ để giữ mức lãng phí ở mức tối thiểu:
• Lập kế hoạch từ trước, để bạn có thể đảm bảo thức ăn bị ném hoặc rơi xuống bề mặt sạch, ví dụ chiếu nhựa, để thức ăn đó có thể được đưa lại cho bé (hoặc bạn ăn).
• Đảm bảo mỗi bữa ăn đều có món bé có thể ăn được (việc này rất dễ, nếu chế độ ăn của bạn cân đối, tham khảo Chương 7).
• Mỗi lần cho bé một vài mẩu thức ăn để chơi cùng; nếu cho bé quá nhiều, có thể bé sẽ muốn “làm sạch khay” để giúp bé tập trung.
• Hãy thong thả trong khi con học cách xử lý thức ăn và cho bé nhiều thời gian. Lượng thức ăn lãng phí sẽ sớm ít dần nếu kĩ năng của bé phát triển.
• Kiềm chế mong muốn được khuyến khích con “ăn hết”. Bắt bé ăn nhiều hơn mức bé cần có nghĩa là để lại ít thức ăn thừa hơn, nhưng có thể việc này sẽ can thiệp vào cảm giác no bụng của bé, khiến bé tăng cân nhiều hơn mong muốn - vì vậy việc này không thực sự bớt lãng phí hơn.
Bé nhà tôi 7 tháng tuổi và tôi cảm thấy tôi không biết bé nên ăn bao nhiêu, hoặc tôi nên cho bé bao nhiêu loại thức ăn khác nhau. Tôi liên tục cho bé ăn món bé thích, chỉ nhằm đảm bảo bé ăn được chút gì đó vào bụng.
Một em bé 7 tháng tuổi khỏe mạnh không thực sự cần gì nhiều hơn là sữa mẹ hoặc sữa công thức; ở tuổi này, thức ăn dặm chỉ nhằm khám phá, học hỏi và thực hành kĩ năng. Nhưng đối với nhiều cha mẹ, quả là không dễ dàng từ bỏ các quan niệm cũ về việc phải cho bé ăn và họ thấy khó có thể tin rằng bé chỉ ăn món mà bé cần. Các bé có sự khác biệt lớn về tốc độ làm quen với món ăn dặm; khi 7 tháng tuổi, các bé mới chỉ tập làm quen mà thôi.
Ban đầu, các bé BLW thường ăn ít hơn cha mẹ kì vọng - nhất là khi so sánh với lượng thức ăn mà các bé được cho ăn món xay nhuyễn có thể ăn được. Nhưng việc cho bé tập ăn dặm dần dần và duy trì các bữa sữa của bé trong những ngày đầu tốt hơn cho bé, thay vì hối thúc bé ăn thêm đồ ăn dặm.
Vì vậy, không cần thiết phải hạn chế các món ăn mà bạn cung cấp cho bé xuống chỉ còn các món mà bé thích nhằm đảm bảo bé ăn được chút gì đó. Khi 7 tháng tuổi, bé vẫn đang học rằng thức ăn là điều thú vị và có vị ngon, vì vậy tốt hơn là hãy cho bé cơ hội được thử nhiều hương vị khác nhau. (Điều này sẽ tối đa hóa nguồn dinh dưỡng cho bé - cho dù bé không ăn nhiều). Quan trọng là hãy cho bé cơ hội được thực hành với thức ăn có hình dạng và kết cấu đa dạng, thay vì chỉ cho bé ăn các món mà bé dễ dàng xử lý, nhằm giúp bé phát triển kĩ năng tự ăn. Nhưng bé không cần phải có thật nhiều món ăn vào mỗi bữa. (Thực ra, bé có thể bị choáng ngợp nếu bạn cùng lúc đặt quá nhiều món trước mắt bé).
Cha mẹ thường giả định rằng em bé của họ không thích món nào đó, nếu như bé nhè hoặc từ chối thức ăn - nhưng có thể điều đó chỉ đơn giản vì hôm đó bé không có cảm giác thích ăn hoặc bé không cần. Trẻ nhỏ vốn thường xuyên thay đổi sở thích - có hôm bé ăn rất nhiều món này, nhưng hôm sau bé không thích nữa. Điều này hoàn toàn bình thường. Chỉ cần bạn kiên trì cho bé các món ăn mà bạn thường ăn và đảm bảo sự đa dạng của món ăn. Bạn hãy cố gắng không nói về thức ăn như “món ưa thích” hoặc không ưa thích của bé. Các bé có xu hướng hành xử theo cách mà bé nghĩ cha mẹ chờ đợi nơi bé, vì vậy nếu bạn liên tục nói bé không thích món nào đó, chắc chắn bé sẽ tin bạn!
Nếu bé nhà bạn uống sữa công thức, có thể trong những ngày đầu tập ăn dặm bé sẽ chậm chấp nhận các hương vị mới hơn, vì từ khi bé chào đời đến bây giờ, tất cả các bữa sữa của bé đều chỉ có một hương vị mà thôi. Mặc dù các bé uống sữa bột mất nhiều thời gian hơn để thử nghiệm những cái mới mẻ, nhưng điều quan trọng là bạn vẫn phải cho bé đa dạng các món ăn để bé có thể mở rộng khẩu vị khi bé sẵn sàng.
Phương pháp tốt nhất là hãy cho bé một chút thức ăn mà bạn đang ăn (chỉ cần món đó giàu dinh dưỡng) để bé có cảm giác được gia nhập vào bữa ăn và biết rằng món ăn đó an toàn.
Sau đó, bạn hãy ngồi xuống và cho phép bé làm mọi việc bé muốn với chút thức ăn đó. Nếu bé không muốn ăn, vậy thì bé sẽ không cần ăn - bạn không cần phải lục tung tủ lạnh lên để tìm ra món gì đó có thể hấp dẫn bé.
Bạn nên:
• Tiếp tục cho bé các món ăn có trong bữa cơm gia đình.
• Nhớ rằng các bữa sữa vẫn cung cấp đủ dưỡng chất cho bé.
• Cho bé làm quen với nhiều khẩu vị.
• Cho bé làm quen với thức ăn có nhiều hình dạng và kết cấu khác nhau.
• Không đặt quá nhiều thức ăn vào đĩa của bé (hoặc khay ăn trên ghế).
• Hãy cùng ăn món ăn với bé mỗi khi có thể.
• Biết rằng khẩu vị của bé có thể thay đổi theo ngày, theo tuần.
• Tin tưởng bé nếu bé không muốn ăn.
Ai ai cũng hỏi tôi là bé ăn được bao nhiêu, nhưng thực sự tôi không thể nói được vì thức ăn bị vương vãi khắp nơi xung quanh bé!
Các chuyên gia dinh dưỡng, người thân và bạn bè thường hỏi: “Bé ăn được bao nhiêu?” và họ mong đợi cha mẹ bé sẽ nói: “Mỗi lần một bát, hai lần mỗi ngày,” hoặc: “Một bình đầy mỗi lần, mỗi ngày ba bình.” Nhưng BLW nói về sự đa dạng, mùi vị, kết cấu và sự học hỏi, thay vì nói đến số lượng mà hầu hết mọi người đều thấy quen quen đối với phương pháp bón thìa.
Khi các bé tự ăn, ban đầu, có thể sẽ rất khó nói các bé ăn được bao nhiêu. Khi bé biết cách gạt thức ăn quanh khay ăn trên ghế, làm rơi một ít dưới mông và trên sàn, sẽ là một thử thách thực sự khi bạn cố tìm hiểu xem bé ăn được bao nhiêu. Và trước nhất là khi chúng ta cho bé các thanh thức ăn để cầm, chúng ta không hề đo bằng thìa! Dù hiểu rõ điều này, nhưng chúng ta vẫn muốn biết bé ăn được “bao nhiêu”.
Nhưng hầu hết các quan niệm của mọi người về lượng thức ăn bé “nên” ăn đều phi thực tế. Các quan niệm đó thường là vết tích có từ những ngày mà các bà mẹ muốn con bụ bẫm. “Bụ bẫm” tức là “khỏe mạnh” và người ta hướng tới mục tiêu tăng cân thật nhiều. Vì vậy, bé càng ăn nhiều càng tốt.
Quan niệm của chúng ta về lượng thức ăn cũng dựa trên các thực phẩm xay nhuyễn. Nhưng khi thức ăn được xay nhuyễn, người ta thường phải bổ sung thêm nước để thức ăn đạt độ đặc, vì vậy món ăn trông có vẻ nhiều thực ra chỉ có một chút thức ăn cứng. Và bạn hãy nhớ rằng, mặc dù em bé được nuôi theo phương pháp đút thìa có thể ăn hết cả bình đầy, nhưng, bé cũng có thể làm cho cháo dính khắp mình mẩy.
Sự thật là việc bé ăn bao nhiêu không quan trọng, nếu như bé khỏe mạnh, có nhiều cơ hội ăn theo ý muốn và được cho uống sữa mỗi khi bé có nhu cầu.
Bạn nên:
• Cố gắng không cảm thấy bị áp lực phải phán đoán xem con ăn được bao nhiêu. Chỉ cần bé được cho đa dạng các món ăn giàu dinh dưỡng và vẫn uống nhiều sữa, điều đó không quan trọng.
• Khi mọi người hỏi “Bé ăn được bao nhiêu?” bạn hãy kể các loại thức ăn mà bé đã ăn thử, và hãy nói về niềm vui của bé khi được tự khám phá thức ăn, thay vì cố gắng ước tính xem bé ăn được bao nhiêu.
“Hôm rồi, bà tôi hỏi Leo ăn được bao nhiêu rồi. Tôi nói: ‘Dạ, bé ăn nhiều lắm bà ạ! Cà rốt, bông cải xanh, thịt gà, chuối, bơ, đậu hạt, bánh mì nướng, quả ô liu, pho mát - cái gì bé cũng ăn được bà ạ.’ Bà tôi không biết phải nói thêm gì nữa!”
Chị Claire, mẹ bé Leo 8 tháng tuổi
Bé nhà tôi 8 tháng tuổi và chúng tôi đang áp dụng BLW rất vui vẻ. Vấn đề duy nhất là bé tăng cân rất chậm. Tại sao lại thế nhỉ?
Sự tăng cân của các bé rất khác nhau. Tuy nhiên, rất nhiều cha mẹ áp dụng BLW cũng cho biết các em bé của họ tăng cân chậm trong khoảng 8 tháng tuổi. Dường như điều này xảy ra trước khi các bé bắt đầu ăn nhiều thức ăn, khi đó cân nặng sẽ tăng trở lại.
Biểu đồ tăng trưởng mà các bác sĩ và y tá sử dụng cũng cho thấy mỗi độ tuổi đều có trọng lượng khác nhau; khi bé nhà bạn tăng cân, sự phát triển của bé được đánh dấu bằng các dấu chấm và sau đó các dấu chấm này được nối với nhau để tạo thành một đường liền. Nhưng rất ít bé tăng cân đều đều theo tuần; dường như các bé tăng cân rất bột phát, vì vậy đường liền này có thể lên xuống hoặc không thay đổi khi bé không hề tăng cân trong vài tuần. Đó là bình thường (và đây cũng là một lí do việc cân cho bé hơn một lần mỗi tháng là không hữu ích, nhất là đối với các bé từ 6 đến 8 tuần tuổi). Đường cong (hoặc phân vị) trên biểu đồ là hướng dẫn tổng quát hóa, nhằm giúp các chuyên gia dinh dưỡng phát hiện ra các em bé thực sự không tăng trưởng phù hợp với độ tuổi; các đường cong này không đồng nghĩa với việc các em bé phải tuân theo một đường thẳng duy nhất. Tuy nhiên, nếu bé nhà bạn khỏe mạnh nhưng không tăng cân trong vài tuần liền, bạn cũng nên tham vấn chuyên gia dinh dưỡng và có thể đưa bé đi kiểm tra - chỉ nhằm đảm bảo sức khỏe của bé không có vấn đề gì.
Nhìn chung, các em bé bú mẹ thường có mô hình tăng trưởng giống nhau: các bé tăng cân nhanh trong 3 tháng đầu tiên và sau đó sẽ chậm lại khi bé được 6 tháng tuổi. Sự tăng cân chậm này tiếp tục cho đến khi bé 9 tháng tuổi, khi bé có mức độ tăng trưởng ổn định hơn. Các em bé uống sữa công thức thường tăng trưởng chậm hơn trong giai đoạn đầu, nhưng trong giai đoạn sau sẽ nhanh hơn (tuy nhiên, hiện giờ người ta nhận thấy rằng lý tưởng nhất là các bé này nên tăng cân theo mô hình của các bé bú mẹ).
Không phải tất cả việc tăng cân đều tốt cho các bé. Thực ra, tăng cân quá nhiều gây hại cho sức khỏe, ít nhất là như vậy, vì đây là sự tăng cân không tương xứng - cả khi bé còn thơ ấu và sau này. Nếu bé nhà bạn tăng cân nhanh hơn mức trung bình cho đến tận bây giờ, giai đoạn tăng trưởng chậm hơn một chút có lẽ chính là thứ bé cần để cân bằng mọi thứ.
Bạn hãy nhớ rằng, ngay cả khi bé tăng cân chậm, bé vẫn sẽ tiếp tục phát triển (chiều cao). Khi các bé ăn và uống, tất cả các dưỡng chất và calo mà bé hấp thu vào cơ thể sẽ đảm bảo trước nhất rằng não và các cơ quan của bé có thể hoạt động và phát triển, sau đó mới cung cấp năng lượng cho bé vận động. Các calo dư thừa được tích lại như là cân nặng thêm. Vì vậy, một em bé không tăng cân nhiều có thể đã có đủ thức ăn cho sức khỏe và sự tăng trưởng, nhưng chỉ đơn giản là bé có ít calo dự trữ. Nhẹ cân không có nghĩa là bé bị đói.
Bạn nên:
• Xem xét bé một cách tổng thể. Nếu bé khỏe và hiếu động, bạn không cần lo lắng gì hết.
• Hãy nhìn biểu đồ tăng cân chung của bé, thay vì chỉ nhìn vào vài tuần: bé bị sút cân thực sự là điều đáng lo, nhưng bé chậm tăng cân giai đoạn ngắn hiếm khi là vấn đề nghiêm trọng.
• Thảo luận về cân nặng của bé với bác sĩ hoặc y tá nếu bạn lo lắng.
Đứa con 8 tháng tuổi của tôi thường phải rặn khi ị - tại sao vậy?
Mọi người thường hay lo lắng thái quá khi thấy bé ị, ngay cả khi phân của bé rất mềm. Không rõ lí do tại sao, nhưng dường như tình trạng phân của bé không liên quan đến món ăn hoặc lượng thức ăn của bé. Một lý thuyết cho rằng bé rặn khi bé phát hiện ra rằng bé có thể thực sự kiểm soát quá trình ị - và thậm chí bé còn có được một chút thích thú từ việc này! Dù sự thật là gì, dường như hầu hết các em bé đều sẽ rặn như vậy, vào thời điểm nào đó.
Tuy nhiên, nếu phân của bé rất cứng, nghĩa là chế độ ăn của bé chưa có đủ chất lỏng. Chứng táo bón như thế này rất ít khi xảy ra nếu bé bú mẹ, nhất là khi đồ uống của bé chỉ là sữa mẹ, bởi vì sữa mẹ có tác dụng nhuận tràng, giúp mọi thứ di chuyển với nhịp độ ổn định. Nếu bạn cho bé uống sữa bột, có thể bạn cần phải cho bé uống nước thường xuyên hơn. Đôi khi, phân cứng cũng là triệu chứng của một chứng bệnh nào đó, vì vậy bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ nếu vấn đề này kéo dài.
Bạn nên:
• Cho bé bú mẹ thường xuyên hơn, hoặc cho bé uống thêm nước nếu bé uống sữa công thức.
• Đưa bé đi khám nếu bé tiếp tục ị phân cứng.
Phân của con tôi rất lỏng. Việc này có bình thường không?
Trong giai đoạn ăn dặm, dù bé có được ăn dặm theo phương pháp BLW hay không, hiện tượng bé ị phân rất lỏng là hoàn toàn bình thường. Đó chỉ là đặc tính của hệ tiêu hóa của bé khi hệ này làm quen với thức ăn khác, dần dần phân của bé sẽ sánh hơn. Nếu bé bú mẹ, có thể phân của bé vẫn luôn luôn mềm và duy trì như vậy vài tháng liền, nhất là khi bé chỉ bú sữa mẹ.
Khi phân của bé lỏng hơn bình thường, bé thường muốn uống nhiều. Nếu bạn cho bé bú mẹ, hãy tiếp tục cho bé bú mỗi khi bé muốn. Nếu bạn cho bé bú sữa bột, hãy cho bé uống nước thường xuyên - nhưng cũng đừng lo lắng nếu bé từ chối; đó là cách bé nói: “Cám ơn mẹ, nhưng con vẫn ổn.”
Đôi khi, phân lỏng là dấu hiệu cho thấy bé không thể tiêu hóa một số loại thức ăn nhất định hoặc bé bị nhiễm khuẩn. Nếu bé không vui hoặc có vẻ không khỏe, bạn hãy đưa bé đi khám ngay; phân lỏng là hiện tượng bình thường, nhưng nếu nó xuất hiện cùng với các dấu hiệu khác, ví dụ bé nôn, xanh xao hoặc sút cân, có thể hiện tượng này không bình thường đâu.
Bạn nên:
• Cho bé bú thường xuyên hoặc cho bé uống thêm nước nếu bé đang uống sữa công thức.
• Dùng kem hăm để ngăn ngừa hăm tã và thay tã cho bé ngay khi bé ị (phân rất lỏng có thể khiến mông bé rát).
• Hãy lưu ý đến các dấu hiệu bệnh và đưa bé đi khám bác sĩ ngay nếu bạn nghĩ bé không khỏe.
Dường như bé nhà tôi không ăn gì suốt hai ngày liền. Bé 9 tháng tuổi. Tôi nên làm gì?
Không có gì đáng lo nếu bé không ăn thức ăn hai ngày liền. Không có gì là bất thường khi có những bữa bé ăn rất ít - sau đó bé ăn tất cả các món được bày biện trước mắt. Đôi lúc bé mệt, vì lí do đơn giản như là mọc răng: có thể ăn món cứng khiến bé đau và bé cần sự êm dịu của ti mẹ và ti bình (sữa mẹ rất tốt cho việc làm dịu cơn đau răng). Các em bé thường ăn ít hơn và uống nhiều hơn nếu bé bị cảm lạnh hoặc bị nhiễm khuẩn nhẹ. Điều này là bình thường; việc tiêu hóa thức ăn cần rất nhiều năng lượng và không ăn giúp bé có cơ hội sử dụng toàn bộ năng lượng để chiến đấu với tình trạng nhiễm khuẩn. Khi hết cảm lạnh, mọi thứ sẽ quay trở lại bình thường. Em bé bị bệnh nặng hơn cũng có thể chán ăn, nhưng bạn cũng sẽ nhận thấy các triệu chứng khác nữa, vì vậy nếu bé không muốn ăn và xanh xao, mệt mỏi hoặc khóc nhiều, hoặc có các dấu hiệu bệnh khác, bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ.
Các vấn đề liên quan đến cảm xúc cũng có thể khiến bé chán ăn - bé có thể ngừng ăn dặm trong một hoặc hai ngày khi mẹ đi làm trở lại sau thời gian sinh nở, hoặc khi cha mẹ thay cô giáo, người trông trẻ của bé. Đôi lúc sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa cha mẹ hoặc những thay đổi lớn như chuyển nhà (hay thậm chí là khi đi du lịch) cũng có thể ảnh hưởng đến cơn đói của bé. Và cũng có những bé thường bỏ ăn trong khoảng hai ngày (và sau đó ăn rất nhiều vài ngày liền) mà không vì lí do nào hết.
Vào những ngày bé ăn rất ít thức ăn dặm, một số bé muốn uống nhiều sữa hơn, nhưng các bé khác dường như không đói lắm. Em bé muốn uống thêm sữa có thể “nhất thời” thèm sữa hoặc chỉ là do bé cần một chút nguồn an ủi. Tất cả những điều này đều bình thường. Điều quan trọng là đừng để điều đó khiến bạn lo lắng: bữa ăn gây căng thẳng cho cha mẹ cũng gây căng thẳng cho bé, dễ dẫn đến cuộc chiến ý chí giữa bé và cha mẹ. Bữa ăn căng thẳng sẽ khiến cả gia đình không vui - và cũng sẽ không hữu ích cho cơn đói của bé đâu!
Quan trọng là bạn hãy cố gắng không thuyết phục bé ăn bằng cách dỗ dành hoặc ép bé. Điều này sẽ chỉ khiến bé lúng túng và buồn chán - và có thể có nguy cơ gây ra thái độ không vui vẻ với thức ăn. Hãy nhớ rằng không đứa trẻ nào chủ tâm khiến chính mình chết đói - chỉ cần thức ăn giàu dưỡng chất luôn có sẵn, bé sẽ ăn theo nhu cầu, và nếu bé bỏ lỡ vài ngày không ăn, bé sẽ ăn bù khi cần.
Bạn nên:
• Cho bé nhiều chất lỏng. Nếu bạn cho bé bú mẹ, cho bú thường xuyên là đủ; nếu bạn cho bé uống sữa công thức, hãy cho bé uống cả sữa và nước.
• Tiếp tục cho bé một chút thức ăn giàu dinh dưỡng vào bữa ăn.
• Đảm bảo bạn không chất đầy thức ăn vào đĩa của bé - một số bé sẽ gạt lượng lớn thức ăn đi, bởi vì chúng áp đảo bé. Chỉ cần cho bé một chút thức ăn và để bé xin thêm nếu bé muốn.
Em bé 9 tháng tuổi của tôi không muốn ăn tại bàn, nhưng bé rất thích tìm các mẩu vụn thức ăn trên sàn nhà. Điều này có bình thường không? Tôi có nên ngăn cản bé không?
Không có gì bất thường khi các bé thích nhặt các mẩu thức ăn lên mỗi khi bé nhìn thấy chúng; có vẻ đây là cách ăn hết sức tự nhiên, và không khác với việc người lớn ăn tiệc đứng hoặc ăn ngoài trời - chỉ có điều bé sẽ tìm thấy thức ăn trên sàn bởi vì bé bò hoặc dò dẫm đi khắp nơi. Nếu bé nhà bạn mới biết đi, gần như sẽ không thể tránh khỏi việc bé vô tình bắt gặp một quả táo hoặc một chiếc bánh quy ăn dở, và rất nhiều cha mẹ nhận thấy em bé của họ bắt đầu ăn dặm “không chính thức” bằng cách tìm được vài mẩu đồ ăn ngon lành do anh chị bé vô tình để sót lại.
Khám phá thức ăn bằng cách tự lục tìm có thể giúp bé học cách đánh giá thức ăn nào là an toàn và không an toàn. Tuy nhiên, mặc dù có lý thuyết cho rằng các em bé cần ăn ở bẩn trong mức độ nào đấy để giúp phát triển hệ miễn dịch. Nhưng các thức ăn bị vương vãi lâu, nhất là thức ăn rơi trên sàn, có thể chứa vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm vô cùng nghiêm trọng, vì vậy cách ăn này không được khuyến khích.
Mặc dù bé mới chỉ khám phá, nhưng cũng có thể là bé không thấy hứng thú với bữa ăn. Nếu bé không thích ngồi tại bàn ăn, lí do có thể đơn giản là bé khó chịu khi ngồi tại bàn ăn. Rất nhiều chiếc ghế cao chỉ được thiết kế cho trẻ mới biết đi và quá to so với các bé mới ăn dặm - khay quá cao với bé hoặc bé cảm thấy bị hạn chế, hoặc không an toàn. Trong những tuần hoặc tháng đầu tập ăn dặm, các bé thường thích ngồi trong lòng mẹ hơn, và bé thích lấy các mẩu thức ăn từ đĩa của người khác.
Hoặc do bé không thích bữa ăn vì lí do nào đó khác. Có thể là do bé được kì vọng sẽ ngồi yên tại bàn quá lâu, bé ngồi ăn một mình, hoặc không được tự do chơi đùa với thức ăn - có thể bé đã phát hiện ra rằng bé có thể khám phá thức ăn thật từ từ và theo cách riêng của bé bên dưới bàn, mà không cần sự “trợ giúp” của ai. Bé cũng có thể từ chối thức ăn nếu bé bị buộc phải cảm thấy tự-ý-thức hoặc chịu áp lực của cha mẹ (hoặc người khác) khi họ quan sát từng miếng thức ăn của bé.
Một chuyến đi chơi và ăn trên một chiếc chiếu hoặc tấm khăn sạch sẽ - dù là trong nhà hay ngoài trời - đều có thể tạo sự thay đổi thú vị đối với cả bạn và bé so với khi phải ngồi tại bàn ăn, và là cách hay để giúp bé khám phá lại niềm vui được ăn chung với gia đình.
Bạn nên:
• Ăn với bé mỗi khi có thể.
• Đảm bảo bé ngồi thoải mái tại bàn ăn.
• Cho phép bé chơi đùa với thức ăn và gây bừa bộn trong khi ăn.
• Cố gắng không nhìn chằm chằm vào bé trong khi bé ăn.
• Không bắt bé phải ngồi tại bàn ăn trong khoảng thời gian dài khi bé không còn hứng thú với chuyện ăn uống nữa.
• Đảm bảo không có thức ăn vương vãi quanh sàn nhà hoặc các bề mặt thấp.
• Cố gắng tổ chức một chuyến picnic (trong nhà hoặc ngoài trời) để tìm lại niềm vui được dùng chung bữa của cả gia đình.
Em bé 10 tháng tuổi của tôi vẫn không hứng thú với các món ăn dặm. Điều này có vấn đề gì không?
Mặc dù rất nhiều em bé tỏ ra rất hào hứng với thức ăn dặm ngay khi các bé có cơ hội tập ăn dặm lúc 6 tháng tuổi, nhưng rất nhiều bé không thực sự hứng thú lắm, cho đến khi bé được 8, 9 tháng tuổi, hoặc thậm chí lâu hơn. Hiện Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị nên cho bé tập ăn dặm từ khi 6 tháng tuổi. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả các bé đều sẵn sàng khi bước vào độ tuổi này - tương tự như việc không phải tất cả các bé đều biết đi khi 1 tuổi.
Khi bé 6 tháng tuổi, không phải sữa mẹ và sữa công thức đột nhiên không còn đủ dưỡng chất cho bé; mà vẫn nên đảm bảo cho bé uống thêm sữa, nhưng có kèm thêm thức ăn vài tháng nữa bổ sung. Vấn đề quan trọng ở chỗ bé có cơ hội quyết định xem bé cần ăn thêm gì nữa.
Các bằng chứng gợi ý rằng, các em bé sinh ra trong gia đình có tiền sử dị ứng thường làm quen muộn hơn với việc ăn dặm; điều này đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ gây ra phản ứng dị ứng trong khi bé còn rất nhỏ. Việc bổ sung vitamin A, C, D và chất sắt có thể cực kỳ hữu ích cho các em bé này.
Một số lượng rất nhỏ các em bé gặp các vấn đề về thể chất (ví dụ yếu cơ hoặc cổ họng bất thường) ngăn cản sự phát triển các kĩ năng tự ăn của bé. Rất có thể, trong một số trường hợp hiếm hoi, các vấn đề này không được phát hiện cho đến khi bé được hơn 6 tháng tuổi. Trong trường hợp này, sự chậm trễ trong việc phát triển các kĩ năng tự ăn có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy bé có điều gì đó bất ổn. Nếu bạn hoài nghi về sự phát triển chung của bé - ví dụ nếu bé không thể cầm đồ chơi và đưa lên miệng - bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ, đề phòng trường hợp sự thiếu hứng thú của bé là một phần của vấn đề nào đó nghiêm trọng hơn.
Bạn nên:
• Tránh cám dỗ phải mô tả con là “người ăn kém” hoặc nói rằng bé “không thèm ăn”. Chỉ cần bạn vẫn cho bé bú mẹ (hoặc sữa công thức) mỗi khi bé muốn, bé vẫn sẽ ăn các thức ăn khác khi bé cần - việc này cho thấy bé không hề kém ăn đâu!
• Tiếp tục cho bé tham gia bữa ăn và cho phép bé cầm thức ăn, cho dù bé có vẻ không hào hứng. Bằng cách này, bé sẽ bắt đầu ăn nhiều hơn ngay khi bé sẵn sàng.
Em bé nhà tôi 7 tháng tuổi. Mẹ tôi lo rằng bé chỉ biết chơi với thức ăn thôi. Điều này có đáng lo không?
Tin tưởng bé sẽ ăn theo nhu cầu và cho phép bé cầm thức ăn - hoặc chơi đùa với thức ăn - là hai yếu tố quan trọng nhất của BLW. Đây cũng là hai yếu tố của BLW mà cha mẹ (và ông bà) thấy khó thích nghi nhất. Suốt nhiều thế hệ trước, cha mẹ được khuyến khích phải đảm bảo con cái sẽ ăn hết sạch khẩu phần ăn, bất kể con có muốn hay không. Mục tiêu của họ là đảm bảo các bé tăng cân thật nhiều, và chơi đùa với thức ăn bị coi là hành vi xấu, gây lãng phí và nghịch ngợm.
Giờ đây, chúng ta đã biết rằng tăng cân quá nhiều không tốt cho bé, và các bé chỉ cần ăn rất ít trong vài tháng đầu tập ăn dặm. Sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn cung cấp đầy đủ các dưỡng chất và calo cần thiết; thức ăn cung cấp kinh nghiệm học hỏi quan trọng, và điều này sẽ đóng góp vào thói quen ăn uống lành mạnh của trẻ sau này.
Chơi, nghịch đồ ăn là phương pháp để bé tìm hiểu mọi thứ diễn ra thế nào, từ đó bé sẽ phát triển kĩ năng mới, vì vậy bạn cần phải tạo cho bé càng nhiều cơ hội chơi đùa thức ăn càng tốt. Bóp thức ăn, bôi thức ăn nhoe nhoét và làm rơi thức ăn xuống sàn có thể giúp bé hiểu về khối lượng, kích thước, hình dạng và độ thô mịn của thực phẩm - và học hỏi về các loại thức ăn khác nhau, mùi vị của chúng và cách cầm thức ăn.
Khi lớn hơn, bé sẽ ăn nhiều hơn và chơi đùa ít hơn, nhưng thi thoảng bé sẽ vẫn cần được chơi đùa với thức ăn. Cho phép bé tự do dành thời gian theo ý muốn để chơi đùa với thức ăn và không hối thúc bé ăn sẽ đảm bảo kĩ năng của bé phát triển theo nhịp độ phù hợp (tham khảo Chương 2). Khi nhu cầu của bé với thức ăn gia tăng, kĩ năng của bé cũng phát triển. Rất nhiều cha mẹ áp dụng BLW cho biết, so với các bạn cùng trang lứa, hoặc so với anh/chị bé vốn được áp dụng phương pháp đút thìa, các em bé 9 tháng tuổi của họ có đôi tay thuần thục hơn.
Cầm thức ăn trước khi bé đưa lên miệng cũng giúp bé phát hiện ra cách xử lý thức ăn khi thức ăn ở trong miệng bé, vì vậy so với các bạn, có thể bé sẽ xử lý tốt hơn các thức ăn có kết cấu khác nhau. Và cho phép bé chơi đùa với thức ăn sẽ giúp bé có kĩ năng tự ăn rất nhiều loại thức ăn, giúp bé có được đầy đủ dưỡng chất.
Thông thường, một em bé lớn hơn sẽ chơi với thức ăn vì bé đã chán món ăn đó - có thể bé vẫn đói, nhưng bé muốn (hoặc cần) món mới để ăn. Cách đơn giản nhất để kiểm tra việc này là hãy cho bé món khác, hoặc món gì đó trong mâm cơm của bạn.
Bạn thấy khó có thể tin tưởng rằng bé đã ăn no, nhất là khi mới bắt đầu, nhưng rất nhiều cha mẹ và ông bà lại lo lắng chỉ vì họ có kì vọng phi thực tế về lượng thức ăn mà bé nên ăn - sự kì vọng này thường dựa trên thực phẩm xay nhuyễn có chứa rất nhiều nước.
Nhìn chung, chỉ cần bé có thể dùng tay khám phá các đồ vật và được cho nhiều cơ hội để cầm các loại thức ăn khác nhau, bạn hoàn toàn có thể tin tưởng vào bản năng của bé, rằng bé sẽ ăn theo nhu cầu. Tối thiểu cho đến khi bé được 1 tuổi, sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là nguồn cung cấp dưỡng chất chính cho bé. Nếu bé vẫn ị, tè, khỏe mạnh và phát triển tốt, tức là bé đã ăn đủ.
Bạn nên:
• Khuyến khích ông bà của bé trò chuyện về những lo lắng của họ.
• Nói cho bà biết rằng cháu của bà vẫn khỏe và vui tươi, và khuyến khích bà nhìn nhận mọi việc theo quan điểm của bé.
Tin vào lập trường của bạn - thời gian sẽ cho thấy rằng bản năng của bạn khi áp dụng BLW là đúng, khi bé của bạn trở thành người ăn thân thiện, có khả năng và nhiệt tình, và bé thích các món do bà nấu!
“Mọi thứ sẽ thú vị hơn nhiều nếu bạn chấp nhận rằng thức ăn là một trò chơi của bé, thay vì là một việc vặt mà bạn phải làm cho xong.”
Chị Joanne, mẹ bé Caitlyn 2 tuổi.