Quốc gia Nga đã bị cướp đoạt thế nào trong những năm 1990?
Vốn liếng chủ yếu của Boris Berezovsky ở thủ đô Nga - đó là các mối quan hệ. Năm 1993, ông ta làm quen với Valentin Yumashev, Phó Tổng biên tập tuần san Ngọn lửa nhỏ, vừa chuyển vào điện Kremlin giữ chức cố vấn cho Yeltsin. Yumashev đã mở cho ông ta cánh cửa đi vào chính trị. Câu lạc bộ tennis của Tổng thống khi đó ở Moskva cũng giống câu lạc bộ golf Texas của George Bush - con đối với người Mỹ. “Tôi là doanh nhân Nga đầu tiên được nhận vào câu lạc bộ”, (97) Berezovsky nói câu này với sự tự hào trông thấy: chính ở đó, trong câu lạc bộ này, có “gia đình” tổng thống, cách người ta gọi những cố vấn thân cận nhất của Yeltsin và các thành viên chính phủ. Nhà tài phiệt Berezovsky, trong động thái có mục đích vươn tới đỉnh cao của chủ nghĩa tư bản Nga, đã được định hướng bởi câu châm ngôn cũ của Karl Max rằng sự giàu có của cá nhân phụ thuộc hoàn toàn vào sự giàu có của các mối quan hệ.
“Nhờ câu lạc bộ tennis mà tôi thiết lập được mối quan hệ tốt với các chính khách hàng đầu và Tachiana Dyachenko, con gái của Tổng thống Yeltsin”, và “bà Dyachenko và ngài Yumashev đều chia sẻ những cái nhìn chính trị của tôi”, ông đã mô tả sự phát triển năng động các mối quan hệ mới như thế tại tòa. Khái niệm “gia đình” ở Kremlin được nêu không chỉ trong nghĩa bóng. Valentin Yumashev trở thành Chánh văn phòng điện Kremlin, và sau đó cưới con gái của Tổng thống Yeltsin. Berezovsky đạt được mục tiêu của mình, ông đã bước vào số ít người có thể tiếp cận những vòng chính giới cao cấp và biết cách mở rộng vùng ảnh hưởng. Rất nhanh, ông hiểu rõ vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong cuộc chiến chính trị tương lai, và ông quyết định tham gia vào bữa tiệc poker quyền lực.
Ông bàn bạc với Valentin Yumashev về khả năng tư hữu hóa công ty truyền hình nhà nước Ostankino. Kênh Một có số khán giả đông đảo nhất trong tất cả các kênh truyền hình Nga. 98% những người xem truyền hình đều mở kênh Một khi muốn biết tin tức. Berezovsky thuyết phục Boris Yeltsin đạt được việc tư hữu hóa tập đoàn khổng lồ này (98).
Cả hai đều muốn thu lợi từ hợp đồng này. Sự nổi tiếng của Yeltsin đang sụt giảm thảm hại: đa số người Nga đang đau khổ bởi chủ nghĩa tư bản ăn thịt. Những người cộng sản lại có thể được nhắc tới lần nữa trong một xã hội tử tế. Boris Berezovsky hứa với Tổng thống mà vị thế của ông ta đang lung lay rằng kênh truyền hình tương lai sẽ ủng hộ các cử tri có đầu óc dân chủ, mà đại diện hợp pháp duy nhất của họ trong cuộc bầu cử sắp tới, như được biết, không ai khác hơn Yeltsin (99). Yeltsin thích ý tưởng này, và vào ngày 29-11-1994, ông ký sắc lệnh tổng thống về tư hữu hóa Ostankino, cải tổ nó thành công ty mới có tên gọi ORT. Nhà nước giữ cho mình 51% cổ phần, còn lại 49% chuyển vào tay các nhà đầu tư tư nhân. Berezovsky cùng với các hội viên dần dần mua hết các cổ phần. Giờ thì không có ông ta, không thể làm được gì. Theo điều lệ mới của kênh này, tất cả các quyết định chỉ được thông qua với sự đồng tình của ông ta và không được chống lại ông ta. Dần dần, thêm vào đó, ông ta mua lại cổ phần các tờ báo lớn. Với Berezovsky, các phương tiện truyền thông đại chúng là vũ khí quyết định, còn những cuộc bầu cử tương lai chỉ là giai đoạn kế tiếp của cuộc đấu tranh nhằm chia lại tài nguyên. Cùng với đó, ông ta dựa vào tín niệm chính của mình: “Những người lớn lên ở Liên Xô tin vào những gì đọc thấy trên báo. Còn truyền hình - đó chính là Kinh Thánh của người Nga” (100).
Cuộc làm quen của Abramovich và Berezovsky trong chuyến đi du thuyền dọc biển Caribê - đó là sự va chạm của hai thế giới. Abramovich 28 tuổi, là một doanh nhân thành đạt, giành được tất cả một cách độc lập, nhưng không có những mối liên hệ chính trị đặc biệt. Chàng thanh niên này đã tốt nghiệp kỹ sư và lại còn tập trung vào việc kinh doanh dầu hỏa nước nhà vào buổi đầu cải tổ. Các công ty của anh ta gồm Petroltrans, Runicom hay BMP nằm trong số những công ty hàng đầu, mua dầu của các công ty nhà nước, chẳng hạn như Omsk Oil ở Tây Siberia, hay NPZ ở Samara và Moskva, rồi lập ra hệ thống chi nhánh tiêu thụ bao trùm khắp đất nước.
Abramovich cũng bỏ tiền vào Aeroflot, nhôm, phân bón, vào tất cả những gì có thể mang tới lợi nhuận. Anh ta sáng lập công ty tư vấn riêng, điều phối tất cả những khoản đầu tư và tiếp tục mở rộng lĩnh vực hoạt động. Tất cả những gì anh ta còn thiếu - đó là mối liên hệ với giới chóp bu chính trị. “Tôi hiểu rõ là thiếu những con người với những mối liên hệ cần thiết, tôi sẽ chẳng tiến đâu được xa hơn”, Abramovich giãi bày suy nghĩ khi đó của mình về chiến lược tiếp theo như thế (101). Anh ta bắt đầu tìm kiếm, và đã gặp may.
Sự duyên dáng của những nhà tài phiệt
Alfa Pyotr Aven và Mikhail Fridman - những lãnh đạo uy tín của Ngân hàng Moskva tập trung chú ý vào thị trường dầu hỏa và mời doanh nhân trẻ tham gia chuyến đi dọc biển Caribê. Họ muốn đánh giá triển vọng của những khoản đầu tư lợi nhuận cao trong công nghiệp dầu và giới thiệu anh ta với Boris Berezovky. Berezovky, bậc thầy công nghệ chính trị, không quen biết với “tay buôn dầu Abramovich” bởi người này không nằm trong các nhóm thượng lưu Moskva; với ông ta, Abramovich chỉ là một chàng trai dễ mến, người muốn nói chuyện với ông về những kế hoạch làm ăn.
Vào một trong những ngày gần đấy, chàng thanh niên dễ mến này, trong cuộc trò chuyện giữa món khai vị và rượu giúp tiêu hóa, đã đưa ra cho các trùm tư bản tập trung ở đó một ý tưởng quyến rũ. Giá “vàng đen” ở Nga thấp hơn nhiều so với mức thế giới, và vì sự chênh lệch này, công ty anh ta có thể nhận được lợi nhuận khổng lồ. Công thức không chỉ có lợi, mà còn quá đơn giản: theo lời Abramovich, tất cả những gì anh ta cần là tiếp tục mua dầu ở Nga rồi bán ra nước ngoài với mức giá thế giới. Thế nhưng, để làm được việc đó ở quy mô lớn hơn trước kia, anh ta cần sự hỗ trợ. Abramovich trình bày kế hoạch cho phép hiện thực hóa vào đời sống ý tưởng kinh doanh đầy hứa hẹn với sự giúp đỡ của chương trình tư nhân hóa tài sản nhà nước đang hoạt động lúc đó. Nếu những công ty như Noyabrskneftegaz và Omsk Oil đang thuộc công ty nhà nước Rosneft, được đưa vào danh sách các doanh nghiệp cần tư hữu hóa để thành lập một tập đoàn dầu khí thực thụ, có thể trở thành nguồn tiền bất tận cho các chủ sở hữu mới, anh ta phân tích.
Berezovsky, vốn sở hữu sự thính nhạy không sai vào đâu được với tiền và những cơ hội mới mở ra, hiểu ngay những triển vọng nào từ việc làm ăn này, bèn đưa chàng trai vào dưới trướng của mình. Ông hứa sẽ quan tâm đến vấn đề này và nói với Tổng thống về một kế hoạch mới mang tên “Sibneft”. Ngay lập tức, ông gặp lãnh đạo ủy ban quốc gia về tư hữu hóa, người ông quá quen biết, và sau đó đi dự phiên chầu thường lệ với chủ nhân cao nhất của điện Kremlin. Ngày 24-8-1995, Tổng thống Yeltsin ký Sắc lệnh 972. Sắc lệnh Kremlin này cho phép thành lập công ty mới mang tên Sibneft và đưa nó vào chương trình tư hữu hóa với sự hỗ trợ của các cuộc đấu giá thế chấp (102).
“Đấu giá thế chấp” là tên gọi vô thưởng vô phạt của một chương trình khổng lồ nhằm chia lại tài sản, được Chính phủ đưa ra để nhận lại tiền. Cơ sở của nó là đề nghị các doanh nhân mua lại các công ty nhà nước. Những hòn ngọc của công nghiệp khai thác như Norilsk Nickel, Yukos hay Lukoil được bán cho các tư nhân thấp hơn giá trị của chúng. Các điều kiện của chương trình rất giống nhau. Các doanh nhân và các quan chức từ lâu đã quen biết nhau, một số doanh nhân từng có thời gian làm việc trong chính phủ. Họ có thông tin nội bộ. Nhà sở hữu tương lai này chính thức cho nhà nước vay số tiền với trị giá của doanh nghiệp. Nhờ đó, ông ta nhận được gói kiểm soát trong công ty mới. Việc bán đổ bán tháo này là cơ sở cho sự giàu có đáng kinh ngạc của nhiều nhà tài phiệt.
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Joseph Stiglitz, “chương trình đấu giá thế chấp là giai đoạn cuối cùng trong cuộc làm giàu của các nhà tài phiệt, không chỉ đưa đời sống kinh tế mà cả đời sống chính trị đất nước vào guồng ảnh hưởng của mình”. Stiglitz biết mình nói gì. Từ năm 1997 đến cuối năm 1999, ông là kinh tế gia trưởng của Ngân hàng thế giới, người đã cùng với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) phân phát hàng tỉ đô la tín dụng cho các quốc gia trải qua khó khăn kinh tế. IMF, nổi tiếng với những điều kiện cho vay khắc nghiệt, đã cho nước Nga vay hàng tỉ đô la tín dụng với chỉ một điều kiện là chính phủ phải tiếp tục đẩy mạnh tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước. “Nhà nước đã bán đấu giá gần như tất cả các ‘món trang sức quý của gia đình’, nhưng đồng thời lại không có khả năng trả tiền hưu và trợ cấp xã hội. Chính phủ đã vay của IMF các khoản vay bạc tỉ, và vì đó mà nợ quốc gia tăng càng cao hơn”. Như thí dụ về Hy Lạp cho thấy, mô hình này đến nay vẫn không thay đổi.
“Chúng ta, tức phương Tây, và các chính phủ của chúng ta hoàn toàn không đóng vai trò trung lập trong việc này và vai trò không phải nhỏ”, người đoạt giải Nobel viết, “vì IMF cho rằng điều đó có thể thay đổi tận gốc rễ nước Nga”. Trong những hồ sơ nội bộ, Stiglitz đã chỉ trích kịch liệt chính sách của IMF: “Các ngài Nga mới đã cướp bóc những công ty nhà nước, tiêu diệt chúng và để lại sau lưng một đất nước bị cướp sạch. Tất cả các công ty… do Berezovsky kiểm soát đã bị đưa tới phá sản” (103). Chính phủ Bill Clinton muốn ủng hộ Yeltsin tại vị bằng bất cứ giá nào và nằng nặc yêu cầu tư hữu hóa. Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers đã gây áp lực lên Stiglitz đến nỗi ông này phải từ chức. Năm 2001, hai năm sau khi từ nhiệm, Stiglitz được trao giải Nobel Kinh tế.
Không chỉ một mình Abramovich kiếm được hàng triệu đôla nhờ làm theo kế hoạch này. Những nhà tài phiệt khác cũng tranh thủ cơ hội và làm giàu một cách hệ thống. Thí dụ như Khodorkovsky đã mua công ty dầu khí nhà nước Yukos với giá 300 triệu đô la. Không lâu sau, trị giá của công ty này đã lên tới 8 tỉ đô la và còn tiếp tục tăng. Ủy ban quốc gia về tư hữu hóa tài sản nhà nước (Goskomimushechctvo) đã giao Ngân hàng Menatep thực hiện vụ đấu giá này. Một trong những chủ sở hữu của Menatep là Khodorkovsky và ngân hàng đã chuyển công ty cho ông ta. Quy luật cơ bản của “cơn sốt vàng đen” được nhà nước ủng hộ này là: ai có thể tìm ra phương tiện và có mối quan hệ, thì sẽ nhận được thêm nhiều tiền. Berezovsky biết quá rõ luật chơi. Chỉ một tháng sau chỉ thị của Yeltsin, Goskomimushechctvo đưa Sibneft ra đấu giá (104). Một trò chơi không có rủi ro.
Theo thỏa thuận, nếu Chính phủ lâm vào tình trạng không thể trả nợ trong một thời gian nhất định, người cho vay tự động trở thành chủ sở hữu công ty. Sau này Berezovsky đã viết: “Trả nợ là điều không thể. Chính phủ Nga đã phá sản, và Tổng thống Yeltsin cho là sẽ có lợi nếu trong nước chỉ có một số, nói chính xác hơn, rất ít những doanh nhân giàu có và hùng mạnh, những người trong triển vọng dài hạn sẽ là phương tiện lẫn động lực bảo đảm đường lối cải cách Nga”.
Trong cuộc đấu giá, nhà nước kiếm chỉ được hơn 100 triệu đô la một chút. Mười năm sau, tháng 10-2005, Roman Abramovich bán 72% cổ phiếu của mình trong Sibneft cho Gazprom với giá 13,1 tỉ đô la. Chính vì thế mà Boris Berezovsky mới kiện ra tòa. Giờ đây, ông muốn nhận phần của mình. Khi sáng lập Sibneft, ông và bạn đồng hành của mình khi đó đã ký với Abramovich hợp đồng như để tưởng thưởng cho các nỗ lực. Ông ta cho biết các bên đã thỏa thuận rằng các món lợi tương lai của công ty sẽ được phân chia giữa họ. Không thể gọi người kia ra làm nhân chứng được: thật đáng buồn, ông ta đã mất năm 2008. Giấy tờ thỏa thuận lại không có. Abramovich kể cho thẩm phán Tòa án Tối cao London là Elizabeth Gloster một phiên bản khác. Theo lời ông ta, đó là phiên bản Nga đặc biệt của thực tế mafia. “Ngài Berezovsky là ‘nóc nhà’ của tôi, tức là người sử dụng những quan hệ chính trị của mình để giải quyết những vấn đề nhất định. Vì thế mà ông ta được nhận tiền. Ông ta không phải đối tác kinh doanh trong ý nghĩa cổ điển của từ này”. “Nóc nhà” có nghĩa là “sự bảo vệ”. “Đó là hiệp ước với nhà bảo trợ bảo đảm cho người cần bảo trợ rằng tất cả những sự kiện chủ chốt sẽ diễn ra sao cho có lợi cho khách hàng, và khi cần thì phải loại bỏ những rắc rối” (105).
“Một việc khác không kém phần quan trọng vào thời điểm chính là ‘bảo vệ tính mạng’: dẫu sao thì tôi phải làm việc với tiền mà”, Abramovich nói về phần tiếp theo của hợp đồng. Sự bảo vệ đặc biệt này được bảo đảm bởi bạn hàng của Berezovsky, Badri Patarkatsishvili, người có những quan hệ tuyệt vời với những giới tương ứng. Cái giá của “gói phục vụ” này khá cao. “Một khi người bảo vệ cung cấp dịch vụ cho khách hàng cần thiết, khách hàng đó phải trả tiền, và bất cứ khi nào hay người bảo hộ đòi bao nhiêu, thì anh ta phải trả bấy nhiêu”, Abramovich trình bày những điều kiện của thỏa thuận như thế.
Chi phí cho một “nóc nhà” như thế không hề rẻ. Khi Berezovsky cần máy bay, khi thuê du thuyền hay mua nhà trên mũi Antibes(39), ông ta gởi hóa đơn tới người được bảo trợ. Abramovich đã trả tiền, theo luật sư của bị đơn. Đầu tiên là 30, sau đó là 50 triệu đô la mỗi năm, và vào năm 2001, khi Abramovich ngưng chi trả bởi “nóc nhà” đã lưu vong và mất ảnh hưởng ở Nga. Khoản cuối cùng Abramovich phải chi là 1,2 tỉ đô la.
(39) Thuộc tỉnh Alpes-Maritimes, vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur ở đông nam nước Pháp – ND.
Lắng nghe ý kiến một số chuyên gia về tống tiền, thẩm phán viết kết luận - một khái quát vắn tắt và chính xác tình hình ở Nga sau khi Liên Xô tan rã. Vào thời đó, không có “nóc nhà”, không thể tiến hành bất kỳ việc kinh doanh nào, bà viết. Đó là một kiểu đổi chác - ảnh hưởng chính trị, bảo vệ thực thể, gian lận hình sự để đổi lấy tiền. Trong đa số trường hợp cần cả cái này lẫn cái kia, và cái thứ ba.
Tại tòa, cựu chính khách Berezovsky cũng giải thích cả việc vì sao quan hệ đối tác đó không được ghi lại bằng giấy trắng mực đen. Theo lời ông ta, Abramovich đã yêu cầu ông ta đừng để công ty gặp nguy hiểm bởi ông ta quá nổi tiếng, và nếu Yeltsin thua trong cuộc bầu cử vào năm 1996, và những người cộng sản lên nắm quyền lần nữa, thì chính quyền mới sẽ để mắt tới ông ta trước nhất.