Những năm Petersburg của Putin
Chúng tôi đợi trong phòng VIP của sân bay Vnukovo. Trên bức tường cẩn sơn mài xám là hàng chữ xanh lớn “Aeroflot - Hãng hàng không quốc tế Nga”. Trên tấm thảm màu be nâu là những chiếc sô pha màu xám khổng lồ, bọc da giả, ngồi trên đó là những người đàn ông giống nhau với độ tuổi không xác định cùng cặp táp và máy tính. Tổng thống lại trễ lần nữa.
Sau đó, khi đã ngồi vào máy bay, chúng tôi và Vladimir Putin bàn luận về Boris Abramovich Berezovsky. Người tự xưng là kẻ bảo hộ cho Vladimir Putin cuối cùng đã biến thành đối thủ không khoan nhượng của ông, và, lưu vong ở London, đã tiến hành cuộc vận động chống lại chủ nhân mới của điện Kremlin. Lý do cuộc trò chuyện hôm nay - cái chết bất ngờ của nhà tài phiệt. Chỉ vài ngày trước cuộc nói chuyện này, ngày 23-3-2013, cận vệ đã tìm thấy Berezovsky trong phòng tắm nhà ông ở Ascot, một vùng ngoại ô danh giá của London, không còn dấu hiệu của sự sống. Nằm cạnh ông là chiếc khăn quàng. Nhà bệnh lý học không tìm thấy dấu hiệu của các hành động bạo lực. Nhận định của chuyên gia pháp chứng: nguyên nhân cái chết - ngạt thở. Có thể, nhà tài phiệt Nga đã tự tử - kết luận sơ bộ của cảnh sát tuyên bố.
Berezovsky 67 tuổi, cô đơn và bị phá sản. Ngôi nhà thuộc về vợ cũ của ông. Trong bài trả lời phỏng vấn cuối cùng trước khi chết, ông nói với nhà báo tạp chí Forbes: “Tôi đã đánh giá thấp việc nước Nga quý báu thế nào đối với tôi đến độ tôi không thể là kẻ lưu vong”. Và ông nói thêm: “Tôi đã đánh mất ý nghĩa cuộc sống. Giờ tôi không muốn làm chính trị nữa. Tôi không biết phải làm gì” (92).
Vladimir Putin ngả người ra lưng ghế, lấy tay vuốt tóc. Và ông nói, cuối năm 2012, Berezovsky đã viết cho ông một lá thư, được giao tận tay qua một trung gian vài tuần sau đó. Nội dung đại loại thế này: Berezovsky muốn trở lại Nga, giữ chức giáo sư và từ bỏ chính trị. “Ông ấy xin tôi thứ lỗi và viết là ông đã sai. Lúc nào đó, ông ta đã cố tiêu diệt tôi về mặt chính trị, và đã thua. Đó là một cuộc đối đầu khốc liệt!”, Tổng thống nói.
Liên quan đến yêu cầu chính đặt ra trong thư, Putin giải thích, trong những tuần cuối cùng qua, ông vẫn chưa đi tới quyết định nào. Dĩ nhiên, ông có khả năng ân xá cho Berezovsky, nhưng đó là một quá trình phức tạp bởi các phiên xử của tòa án vẫn chưa kết thúc. Theo lời Putin, trong khi các luật sư của Văn phòng Tổng thống vẫn còn đang kiểm tra xem bước đi này có thể dẫn tới những hậu quả nào thì cái tin choáng váng về vụ tự tử của Berezvosky đã đến.
Trong chuyến đi của tôi tới London năm 2012, vài tuần trước cuộc tái đắc cử của Putin vào chức tổng thống, Berezovsky ngồi sau bàn viết trong văn phòng của mình ở khu phố danh giá London Mayfair tại số 7 Down Street, bao quanh là những tấm ảnh thời xưa trong đó ông chụp với nhiều người có ảnh hưởng khác nhau. Vẫn như trước, ông tin chẳng bao lâu mình sẽ trở lại. Các cuộc biểu tình ở Moskva cho thấy lần này Putin đã tính sai, ông nói. “Đây là thế hệ mới, sinh ra không phải ở Liên Xô và không muốn ‘một lần nữa ở Liên Xô’, như Putin”, ông khẳng định, dẫn điệp khúc một bài hát cũ của The Beatles. Càng nói lâu, mà ông nói nhanh và nhiều - ông càng hân hoan hơn với ý nghĩ sẽ lại đóng một vai trò không phải cuối cùng ở Moskva. Nếu Putin thua, mà điều đó ít nhiều dễ hiểu, và theo ý ông, rằng nó sẽ là như thế, “tôi sẽ trở về Moskva ngay ngày đầu tiên sau bầu cử”, Berezovsky tuyên bố. Theo lời ông, việc làm quan trọng nhất sau chiến thắng - đó là phát triển một hệ tư tưởng mới, có sức sống. Vladimir Putin không thể bị ngăn chặn bởi thế hệ mới, ông nhận định.
Boris Berezovsky, nhà cựu “điều khiển rối” ở hậu trường điện Kremlin kỷ nguyên Yeltsin đã tích lũy tài sản bạc tỉ nhờ những mối quan hệ của mình, và sử dụng số tiền đó để củng cố quyền lực, từ lâu đã nuôi dưỡng trí tưởng tượng của những người cùng thời mình. Trên thực tế, không ai ở nước Nga biết ông ta có bao nhiêu tiền bởi nguồn gốc của mọi dữ liệu là chính ông, mà vấn đề kế toán chưa bao giờ là mặt mạnh của ông ta. Có lẽ, chính ông ta cũng không biết câu trả lời chính xác: ông chỉ biết là mình phải luôn có tiền và có lúc đã có rất nhiều tiền. Từ khi bỏ chạy sang Anh sau xung đột với Putin năm 2001, ông ta tập trung toàn bộ năng lượng của mình vào nỗ lực lật đổ lãnh đạo mới của Nhà nước Nga. Ông không tha thứ cho mình lẫn Putin về việc đánh mất ảnh hưởng của bản thân. Những năm đó, ông thường nói: “Tôi tạo ra hắn ta được thì cũng sẽ tiêu diệt được hắn ta”.
Cơ quan tài chính London, phụ trách gia tài của Berezovsky và những hóa đơn chưa thanh toán còn lại sau cái chết của ông ta, thông báo với họ hàng người đã khuất một tin xấu. Boris Berezovsky trước khi chết đã phá sản và nợ thuế ngân khố vương quốc Anh lên tới 46 triệu bảng Anh (93). Và cũng như thuở sinh thời, con người từng sở hữu một sức mạnh như thế, sau cái chết đã được bao phủ bởi một huyền thoại - thứ duy nhất mà ông ta để lại: theo ý kiến các đối thủ của Putin, cái chết của Boris Berezovsky có thể là thêm một vụ giết người nữa, được thực hiện theo đơn hàng Tổng thống Nga.
Ai là người đã đích thân chuyển tới tay Tổng thống lá thư đề nghị ân xá vào đầu tháng 1-2013, Putin đã kể không lâu trước khi chuyến bay kết thúc. Đó là người quen cũ của Berezovsky, chính là người mà nửa năm trước đó giáng cho nhà tài phiệt đòn chí mạng cuối cùng: Roman Arkadievich Abramovich, một trong những người giàu nhất nước Nga, nổi tiếng ở phương Tây với việc sở hữu du thuyền khổng lồ và câu lạc bộ bóng đá Chelsea tham gia giải đấu Premier League. Đó chính là nhà tài phiệt mà vào thời Yeltsin, khi Berezovsky còn là một “bố già” ảnh hưởng, đã chi hàng trăm triệu đô la để có được một “nóc nhà” giúp xoay xở và mở cánh cửa điện Kremlin. Việc giờ đây, bức thư được chuyển không bởi ai khác mà là Abramovich - chính là cách để thể hiện lòng biết ơn sự bảo trợ cũ liên quan đến một trong những nhân vật chính của bộ máy quan liêu hậu Xô viết, của nền chính trị và việc kinh doanh phạm tội. Bởi Berezovsky đã bảo đảm tài sản bạc tỉ cho Roman Arkadievich Abramovich.
Vở kịch, diễn ra suốt nhiều tháng ở gian số 26 tòa nhà Roll Building - nơi ngự trị Tòa án tối cao London, là phiên xử ầm ỉ nhất trong vài thập niên gần đây. Phiên bản Nga của loạt phim truyền hình nhiều tập Sóng gió chính trường(36) nói về những tài sản bạc tỉ, quyền lực và sự sụp đổ, nạn tống tiền và những lời hứa không thực hiện, chính trị, tình bạn, nỗi thất vọng và đôi chỗ là hoang tưởng về sự vĩ đại. Câu chuyện riêng của hai người đàn ông, một chủ đề kinh điển thật sự: một người còn trẻ, người kia thì già, cả hai nằm trong số những người thành công và quyền lực nhất thời đại mình. Nhưng hoàn cảnh đã thay đổi, cả với bản thân họ lẫn với quan hệ của họ. Đó là một tuyến chủ đề.
(36) Sóng gió chính trường: bộ phim truyền hình nổi tiếng của Mỹ nói về những câu chuyện hậu trường trong Nhà Trắng, lấy bối cảnh Washington, D.C. thời hiện tại, ra mắt lần đầu tiên vào tháng 2-2013. Với cách tiếp cận không ngại động chạm, bộ phim đã gây chú ý trên truyền hình Mỹ và nhiều nước với lượng người xem kỷ lục, đạt 9 đề cử giải Emmy, 3 đề cử Quả cầu vàng - BTV.
Tuyến khác: diễn biến năm 2012 đã trình ra những bức ảnh thoáng qua của thời kỳ bão tố đó, khi hàng triệu người Nga không chỉ bị mất đi định hướng xã hội mà cả tiền tiết kiệm của mình. Những cảnh hồi tưởng lại một thí nghiệm hiện trường thất bại - những nỗ lực trong 10 năm biến đất nước lớn nhất thế giới từ xã hội chủ nghĩa sang tư bản chủ nghĩa. Đó là thời mà Vladimir Putin đang học nghề chính trị sau khi giã từ giới tình báo. Những nước khác cần đến hơn cả trăm năm cho giai đoạn chuyển tiếp này. Thí nghiệm đó với nhiều người đã thành thảm họa.
Nhưng không phải cho hai người đàn ông thường xuyên đến tòa kinh tế tối cao ở thủ đô Anh với đoàn tùy tùng lớn gồm các cận vệ, luật sư, phiên dịch và cố vấn. Họ đã kiếm được từ sự hỗn loạn đó những món lợi và sau này thì tranh cãi về việc chia con mồi khổng lồ đó. Ngoài ra, đó là trận chiến cuối cùng để giành quyền giải thích sự kiện có lợi cho mình và làm sáng tỏ bức tranh đang diễn ra.
Thẩm phán Elizabeth Gloster, phụ trách vụ án số 2007, cần phải đưa ra quyết định phức tạp. Bà đã nhận phẩm cấp Dame Commander(37) của Vương quốc Anh, nổi tiếng là người ngoan cường và một luật sư tuyệt vời. Bà là người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm thẩm phán Tòa án tối cao Anh. Tư liệu của vụ án hết sức phức tạp. Boris Berezovsky đòi Roman Abramovich không nhiều cũng không ít - 5 tỉ đô la. Theo lời Berezovsky, đầu tiên, Abramovich theo lệnh Vladimir Putin đã đe dọa ông ta rồi sau đó, khi ông ta cãi nhau với tân Tổng thống và rời bỏ đất nước, đã lừa để tước mất phần của ông ta trong các công ty Nga mà cả hai đồng sở hữu. Nhưng những văn bản giấy trắng mực đen chứng minh rằng ông ta là đồng sở hữu đế chế kinh tế đó thì lại không có. Tất cả đều dựa trên những thỏa thuận miệng, Boris Berezovsky khẳng định. Vụ án này, dựa trên các sự kiện của những năm 1990 bão tố, không chỉ phức tạp mà còn rất tiêu biểu. Làm việc với nó, thẩm phán thử tư duy về lịch sử chưa xa của nước Nga.
(37) Phẩm cấp cao thứ hai trong hệ thống phong tước của Vương quốc Anh, được Nữ hoàng ban tặng cho những công dân có thành tích cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực hoạt động của mình - ND.
Trong thời công khai và cải tổ, vị tiến sĩ toán học Berezovsky nhanh chóng hiểu ra rằng về lâu về dài, vị trí một công chức - người thường gặp sự cố với tiền lương vào thời đó, không có cơ hội thành công trong sự nghiệp. Ông làm việc trong một viện nghiên cứu hàng đầu của công nghiệp ô tô Nga, thế nhưng khi đó, ngành này còn ngắc ngoải được chỉ vì không có đối trọng. Trong thời gian công ty LogoVAZ được sáng lập, Berezovsky bỗng nhiên rơi vào đúng chỗ và đúng thời điểm. Việc làm ăn của công ty cổ phần nhanh chóng mở rộng. LogoVAZ chuyên về phần mềm, máy tính, nhập khẩu ô tô đã sử dụng, trở thành chi nhánh hàng đầu của công nghiệp ô tô Nga, rồi sau - là công ty cổ phần cho các loại doanh nghiệp. Hiểu đúng theo nghĩa đen của từ này.
Quá khứ và thay đổi
Berezovsky quen với Vladimir Putin đầu thập niên 1990. Vì triển vọng mù mịt, cựu điệp viên đối ngoại vừa chuyển sang làm công chức nhà nước. Anatoly Sobchak, Thị trưởng Saint Petersburg, đề nghị ông một công việc triển vọng trong bộ máy hành chính thành phố. Putin sinh trưởng ở Saint Petersburg và học thành chuyên gia luật ở đó, còn Sobchak có lúc từng là giáo sư khoa luật cùng trường đại học và dạy Putin. Giờ đây, Putin nhận nhiệm vụ Phó Thị trưởng phụ trách quan hệ đối ngoại và các vấn đề kinh tế.
Berezovsky đến Saint Petersburg vì công việc. Ông và Putin đơn giản chỉ quen biết chứ thật sự chẳng có liên hệ gì với nhau. Đối với doanh nhân Moskva, cuộc gặp này là một việc bình thường, một mối liên hệ nữa với giới chức địa phương mà có thể có lợi cho công việc. Một người quen nào đó đã hướng Berezovsky chú ý tới “người phó của Anatoly Aleksandrovich”. Ủng hộ Gorbachev, Anatoly Sobchak là Thị trưởng đầu tiên được người Leningrad bầu lên trong cuộc bầu cử tự do. Đồng thời với cuộc bầu cử thị trưởng, người dân Leningrad cũng bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu để trả lại thành phố cái tên lịch sử “Saint Petersburg”.
Tổng thống tương lai và doanh nhân Berezoksky nằm ở những phạm trù định lượng khác nhau, và người thứ nhất rất xa người thứ hai. Tình hình ở Saint Petersburg gần tới thảm họa. Ngăn kệ trong các cửa hàng trống rỗng, ngân quỹ thành phố cũng thế. Người công chức chính quyền thành phố cố giữ Saint Petersburg trôi theo dòng và tìm cách xoay xở với sự thiếu hụt.
Vladimir Putin nói thông thạo tiếng Đức. Ông cùng vợ Liudmila và con gái - Maria và Ekaterina - có năm năm sống ở Đức khi làm điệp viên ở Dresden và tôn trọng người Đức. Từ khi làm việc ở bộ máy chính quyền thành phố, ông vẫn duy trì mối giao hảo chính thức với các bang của Tây Đức cũ. Thí dụ, với Thị trưởng Hamburg Henning Foscherau. Từ thành phố kết nghĩa anh em Elba đến Saint Petersburg qua sông Neva, nhiều tháng liên tục chuyển hàng viện trợ nhân đạo tới. Các gói hàng quyên góp được tự nguyện chọn lựa. Chỉ có Liên minh cựu chiến binh cho rằng, việc nhận sự giúp đỡ này là nhục nhã, và gởi than phiền đến Thị trưởng rằng họ chiến đấu trong Thế chiến thứ hai không phải để nhận của bố thí này (94). Đó là một đề tài khó xử. Vì những khiếu nại này, Vladimir Putin đã tới Hamburg, thảo luận tình hình với đồng nghiệp mình là Anatoly Sobchak, Henning Foscherau để cải thiện tình hình và dần dần ngưng hoạt động này.
Ở Saint Petersburg không chỉ có thế hệ già còn nhớ Thế chiến thứ hai. Hơn một triệu người dân đã chết, mỗi gia đình đều mất đi ai đó gần gũi. “Quốc trưởng đã cứng rắn quyết định sẽ xóa sổ Thành phố Petersburg khỏi mặt đất”, chỉ đạo của Bộ Tư lệnh tối cao Wehrmacht (95). “Cha tôi, một người lính, bị thương nặng và phút cuối cùng đã cứu mẹ tôi khỏi chết đói khi từ bệnh viện về nhà”. Vladimir Putin đã kể câu chuyện khổ đau của cha mẹ mình trong chuyến đi chung đầu tiên của chúng tôi đến Saint Petersburg mùa thu 2011 khi đi ngang đài tưởng niệm cuộc bao vây trên Quảng trường Chiến thắng.
871 ngày dài đằng đẵng, từ tháng 9-1941 đến tháng 1-1944, quân đội Đức đã phong tỏa thành phố, cắt mọi nguồn tiếp tế. Putin không bao giờ được gặp hai anh trai của mình: ông là đứa con sinh muộn, khi ông ra đời vào năm 1952 thì những người kia đã mất. Một người chết không lâu trước chiến tranh, người còn lại mất trong cuộc bao vây. Cha mẹ ông sống sót và nhìn chung, phải tự đối phó với chấn thương của chính mình. “Cha mẹ tôi không muốn nói về đề tài này”, Vladimir Putin nhớ lại “tôi có nghe về chuyện này khi có khách hay những người quen trò chuyện về thời kỳ đó”. Không đủ chỗ ở, gia đình Putin phải sống trong căn hộ tập thể. Cậu thiếu niên dạo chơi trên phố, trong sân. “Mỗi người sống, như khép kín trong chính mình”, Vladimir Putin mô tả như thế thời kỳ đó, “tôi không thể khẳng định chúng tôi là một gia đình rất tình cảm, rằng chúng tôi trò chuyện nhiều. Cha mẹ tôi chủ yếu là im lặng. Đến giờ tôi vẫn ngạc nhiên sao họ có thể sống sót được qua bi kịch ấy”. Lịch sử của thành phố là một trong nhiều nguyên nhân khiến cậu thiếu niên mơ về nghề tình báo. Còn lại là những tưởng tượng lãng mạn của một cậu trai 15 tuổi về những cuộc phiêu lưu, về hải ngoại, về việc trở thành anh hùng. Ở trường phổ thông, cậu học tiếng Đức, và ở đại học cũng vậy. Vladimir Vladimirovich là thí dụ của một sinh viên Xô viết bình thường. “Để đạt được thành công, tôi tập trung vào hai việc: thể thao và học tập. Và điều đó đã có hiệu quả”, ông kể về giai đoạn đó của cuộc đời. “Tôi quan tâm tới chính trị nhưng không thể khẳng định rằng vào tuổi 20, tôi đã cân nhắc sâu sắc những vấn đề chính trị. Khi đó, tôi không biết gì về những vụ trấn áp của Stalin liên quan tới KGB, hay về những người bất đồng chính kiến, như nhà vật lý Andrey Sakharov”.
Ông không nghi ngờ những gì xem được trên ti vi và đọc được trên báo. Còn mơ ước về công việc tương lai của ông có thành không, dẫu sao cũng do người khác quyết định. Sau kỳ thi, ủy ban quốc gia nhóm họp. Đại diện các cơ cấu chính quyền chọn các ứng viên mà họ thấy thích hợp. Ước mơ của Putin đã thành sự thật. Sau kỳ thi quốc gia năm 1975, KGB (Cơ quan tình báo Nga) chọn luật gia vào làm việc và huấn luyện ông cho bộ phận tình báo nước ngoài. Đầu tiên, ông phục vụ vài năm ở Saint Petersburg, sau đó được chuyển về Moskva và đưa đi đào tạo nâng cao ở Viện Andropov (96). Đây là học viện trực thuộc KGB, một trung tâm đào luyện giới tinh hoa của tổ chức. Cũng tương tự như West Point với người Mỹ. “Tôi không chọn chỗ làm. Tôi được phân công tới đó. Những ai có quen biết thì được gởi tới Bonn hay Vienna, bởi vì lương được trả bằng ngoại tệ ở nước cư trú”, ông giải thích vì sao ông được gởi tới Cộng hòa Dân chủ Đức (GDR). “Đơn vị của chúng tôi được gọi là ‘tình báo đối ngoại tại chỗ’ vì những việc nội bộ GDR đã có những chi nhánh khác phụ trách”. Nhiệm vụ của ông trong những năm ở đó - nằm ở Dresden, nhận thông tin từ các nước thành viên NATO, chẳng hạn như Tây Đức, và tuyển mộ người cấp tin. Đồng thời, ông cũng phân tích thông tin trên báo chí Đức.
Cùng lúc đó, cảnh quan chính trị ở nhà cũng thay đổi. Những người mới lên nắm Bộ Chính trị già cỗi. Đó là khởi đầu cho kết thúc của đế chế Xô viết. Người điệp viên Dresden nhận thấy ở nhà đang diễn ra điều gì đó nhưng không biết đó là gì, ngoài những tin đồn. Những điệp viên KGB ở Đức, cũng như tất cả những người còn lại, cười nhạo đảng: các đảng viên ngồi ở Moskva lại tiếp tục không xoay xở được những nhiệm vụ của mình, còn chúng tôi trong rừng rậm sự kiện ở tuyến đầu và biết như thế nào thì tốt hơn, nhưng chẳng ai thèm hỏi. Kiểu phê phán như vậy hiện diện ở tất cả các cơ quan. Không có gì đặc biệt, một loại tán gẫu vì buồn chán.
“Điều gì thật sự diễn ra trong các cơ quan chính quyền, chúng tôi không hề có khái niệm. Còn hơn thế nữa là những gì đang xảy ra trong ban lãnh đạo Đảng”, Putin mô tả như thế về mức độ thạo tin của giới tình báo đối ngoại. “Có nghĩa, giờ Gorbachev lên, rồi cùng với ông ta là việc cải tổ. Việc có gì đó cần thay đổi trong triển vọng dài hạn, chúng tôi đã rõ. Cuối cùng thì, chúng tôi làm việc ở nước ngoài và thấy những gì xảy ra trên thế giới và những gì có thể bên ngoài phạm vi Liên Xô”.
Trong thời gian chuyến thăm của Mikhail Gorbachev tới Berlin tháng 10-1989, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Cộng hòa Dân chủ Đức, Putin đang ở đó và nghe được lời cảnh báo huyền thoại của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô với các đồng chí trong Bộ Chính trị của tiền đồn nước Đức xã hội chủ nghĩa: “Hiểm họa chỉ rình rập những ai không đáp ứng yêu cầu của cuộc sống”. Câu nói này sau đó, quả thật, được thay đổi một chút và trở thành một trong những khẩu hiệu phổ biến nhất được ghi nhớ: “Ai chậm chạp, đời sẽ phạt”. Ông đã thấy những cuộc biểu tình hàng nghìn người ở Dresden chống Erich Honecker(38) và chính phủ của ông ta.
(38) Erich Honecker (1912-1994): chính trị gia người Đức, từng nắm vị trí lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ Đức từ 1971-1989 - BTV.
Cho đến lúc chấm dứt thời hạn công tác của Putin ở nước ngoài thì thời gian của Cộng hòa Dân chủ Đức cũng dần cạn. Ở Mosvka tình hình cũng thay đổi, và cùng với nó là hệ thống các mối liên hệ cá nhân. Ông từ nước ngoài trở về vào cao điểm của những biến động không đơn giản. Thêm vào đó KGB phải cắt giảm chỗ làm.
Putin không muốn về Moskva. Ông không đến trụ sở KGB, nơi ông được phân công việc làm, mà về nhà ở Saint Petersburg. “Dĩ nhiên, tôi đã nghĩ ngợi xem phải làm gì tiếp theo. Tôi cần nuôi hai con và vợ. Cha mẹ tôi cũng sống ở đó và họ cũng đã ngoài 80. Nhưng nhờ học vấn dân sự mà tôi có chọn lựa khác. Bởi tôi học luật và là người nhà ở Petersburg”, ông nhớ lại nguyên nhân quyết định của mình khi đó.
Vladimir Putin trở về với đời sống dân sự. Bây giờ, trước mặt ông là nhiệm vụ thay đổi nền kinh tế bị phá hủy của thành phố. Ông tiến hành đàm phán với các công ty và doanh nhân nước ngoài - trong số đó có Boris Berezovsky - để giành đầu tư cho Saint Petersburg. Nhân viên mới của chính quyền thành phố đánh giá những sự kiện chính trị ở thủ đô một cách bi quan. Sau những mưu toan chính biến chống Gorbachev năm 1991, ông viết thư cho KGB kiên quyết xin từ nhiệm. “Khi trong nước thành lập Ủy ban Quốc gia về tình trạng khẩn cấp và Gorbachev bị giữ lại ở Crimea”, Putin nói, “tôi hiểu rõ mình đang trong tình cảnh lắt léo như thế nào. Một mặt, tôi là một trong những nhân viên thân cận của Anatoly Sobchak và vì thế, tôi phải chống những người làm chính biến. Nhưng mặt khác, tôi ở trong hàng ngũ KGB. Thậm chí, nếu tôi làm ở bộ phận tình báo đối ngoại, thì dù sao cũng thế thôi, đó cũng là một nhánh của KGB, mà KGB thì ủng hộ chính biến”. Một bộ phận của KGB ở Saint Petersburg cũng có thiện cảm với phe chính biến.
Vladimir Putin lục trong hộc bàn phòng làm việc của mình ở Novo-Ogaryovo, kéo ra một bìa hồ sơ cá nhân và chỉ bức thư từ KGB về việc cho Trung tá Vladimir Vladimirovich Putin thôi việc từ ngày 31-12-1991. “Nhưng như ông và các đồng nghiệp ông biết rõ, không có cựu nhân viên KGB”, ông mỉa mai chua thêm. “Ở đây chẳng giấy tờ nào có thể giúp tôi được cả”.
Thị trưởng Anatoly Sobchak đã tới Moskva để ủng hộ Yeltsin chống lại những người chính biến. Phó Thị trưởng Vladimir Putin đã tổ chức một nhóm cận vệ để khi Sobchak trở về Saint Petersburg, họ đưa ông khỏi sân bay. Thế giới của Vladimir Vladimirovich Putin đã thay đổi một cách từ tốn, nhưng đúng hướng, cũng như thế giới của nhà toán học Boris Berezovsky. Thế nhưng, lúc đó chưa thể tiên đoán rằng chẳng bao lâu ở họ sẽ có thêm nhiều điểm chung.