Đồng tính và Pussy Riot
Vladimir Putin không chỉ bị áp đặt bởi quy tắc xã giao của Đức mà ông phải tuân theo trong chính trị, và không chỉ chúng làm ông tức giận. Ông còn được đề nghị chấp nhận những chuẩn mực phương Tây về sự mực thước của đạo đức và chính trị(34) mà nước Nga phải chấp nhận như những tiêu chuẩn bắt buộc. “Tại sao đồng tính luyến ái phải là một đề tài quan trọng của quốc gia? Cá nhân tôi không có gì chống lại những người đồng tính”, ông mô tả quan điểm và thái độ của mình đối với những người đồng tính trong một cuộc thảo luận tối mùa xuân 2013. “Quốc gia phải tập trung vào việc quan trọng. Những người đồng tính không thể sinh con. Trong các nhiệm vụ của quốc gia, không có việc xác định ưu tiên về tính dục hay đưa ra định nghĩa của mình trong lĩnh vực này với tư cách những yêu cầu chính trị đối ngoại với một quốc gia khác”. Putin dừng một lúc và chuyển sang điểm quan trọng trong các ý tưởng của mình mà đến nay ông vẫn dựa vào, từ khi nhậm chức ở điện Kremlin. “Đó là quyết định do xã hội chúng tôi đưa ra, chứ không phải ai khác. Tôi cũng không có gì chống lại cá nhân ngài Westerwelle”, ông mỉa mai nói thêm. Lý do cụ thể của phát biểu này là dự luật về tuyên truyền đồng tính mà Nghị viện Nga thông qua đã gây nên những cuộc thảo luận gay gắt ở Đức, không chỉ trong giới đồng tính mà còn trong chính giới. Liên quan đến việc này, mùa hè năm 2013, Ngoại trưởng Đức khi đó là Guido Westerwelle đã công bố trên trang web Bộ Ngoại giao Đức cảnh báo các công dân khi đi lại nước Nga. Đó không chỉ là một hành động quan tâm chung tới các công dân mà còn là biểu hiện nỗi giận dữ cá nhân. Ai cũng biết ông Guido Westerwelle là một người đồng tính công khai.
(34) Tạm dịch từ “нормы моральной и политической корректности”. Полити́ческая корре́ктность (tiếng Anh là political correctness), có nghĩa là tìm cách sử dụng từ ngữ mới thay cho những lời nói có thể làm tổn thương tình cảm hoặc phẩm giá cá nhân do bất cẩn, hoặc do thiếu linh hoạt, liên quan đến các đặc điểm về bản dạng giới, sắc tộc, tuổi tác, tình trạng sức khỏe, địa vị xã hội… (Theo định nghĩa của Giáo sư Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva S.G. Tera Minasova, trong cuốn sách Ngôn ngữ và truyền thông liên văn hóa) - ND.
Văn bản cảnh báo viết như sau: “Đồng tính ở Nga không phải là tội hình sự bị trừng phạt. Thế nhưng, đa số đại diện xã hội Nga xem quan hệ đồng giới là không thể chấp nhận. Luật liên bang chống tuyên truyền quan hệ tính dục không truyền thống trong giới vị thành niên sẽ có hiệu lực từ ngày 13-7-2013. Theo luật này, với việc truyền bá thông tin, biểu tình công khai hoặc ủng hộ đồng tính, kể cả người nước ngoài, người có tội sẽ bị phạt tới gần 100.000 rúp, bị bắt giữ đến 15 ngày và trục xuất khỏi Liên bang Nga” (85). Thế nhưng, trên trang web của Bộ Ngoại giao Đức không có cảnh báo đặc biệt cho những người đồng tính muốn đến Arabia Saudi hay các nước Hồi giáo khác, nơi mà việc thể hiện các hành vi tình dục đồng giới có thể nhận hậu quả nặng nề hơn. Trên đó chỉ nêu ra những nguy cơ đặc biệt trong mục “Những quy định đặc biệt của luật hình sự”. Sự hưng phấn xã hội đạt tới đỉnh điểm đúng vào thời điểm chuyến thăm được lên kế hoạch của Thủ tướng Liên bang Đức đến Saint Petersburg, dự kiến diễn ra một tháng sau đó. Angela Merkel đã công khai kêu gọi Nga bãi bỏ đạo luật mới về những người tình dục đồng giới. Yêu cầu này phần lớn gắn với cuộc vận động tranh cử Đức hơn là với chính sách của người dân chủ Cơ Đốc giáo nhắm vào các giá trị nhất định nào đó. Không một lãnh đạo chính phủ nước nào lại phát biểu với một yêu cầu công khai giống như thế.
Sự kiện mà phong trào đồng tính ở Đức phải mất vài thập niên đấu tranh miệt mài mới nhận được sự bảo đảm cho quyền lợi của mình nhưng không được một bộ phận các nhà dân chủ Cơ Đốc giáo chấp nhận, thì lại không đóng một vai trò gì. Lời kêu gọi được đưa ra chủ yếu liên quan đến nền chính trị đối nội hiện nay. Ở Đức, về nguyên tắc, đồng tính đã được xã hội thừa nhận. Còn ở Nga, sự thừa nhận đang ở mức độ thập niên 1950 của Cộng hòa Liên bang Đức, khi mà đồng tính nữ và nam bị công khai lên án. Hơn thế nữa, trước năm 1973, đồng tính luyến ái bị coi là tội hình sự ở Đức, và chỉ đến năm 1994, Quốc hội Đức mới bãi bỏ đoạn 175 nổi tiếng mà dựa vào đó, hàng chục nghìn người từng đã bị kết án bởi tòa hình sự.
Ấn bản Taz phát hành với tiêu đề: “Ở đó, nỗi sợ đồng tính - là chủ đạo” đã mô tả khá chính xác tình hình (87). Ở Nga, hơn 2/3 dân số chống đồng tính luyến ái. Không một phê phán nào từ phía bà Merkel, không một cảnh báo nào về hiểm họa của những chuyến đi đến nước Nga đối với những người ủng hộ tình yêu đồng giới từ phía Bộ Ngoại giao Đức, tác động được xã hội Nga. Duma không bác bỏ đạo luật - các đại biểu ở Moskva, cũng như đồng nghiệp họ ở Berlin, không có khuynh hướng tự sát chính trị. Bản án công khai từ phía Đức không giúp được gì nhiều cho phong trào đồng tính. Nó phải tiến hành cuộc đấu tranh gian khó trong xã hội Nga trong vòng vài thập niên nữa để có thể đạt được dù chỉ chút ít quy chế được thừa nhận. “Phương Tây cứ theo suy nghĩ của mình, cho dù chúng tôi thích hay không thích”, cha Tikhon, cố vấn Putin về các vấn đề tinh thần nói, “và ở một số điểm, ý kiến của chúng ta luôn sẽ khác nhau”.
“Dĩ nhiên”, ông thừa nhận, “hôn nhân đối với những người đồng tính, đó là vấn đề tổ chức cuộc sống riêng, thế nhưng, từ quan điểm Giáo hội Chính thống giáo Nga, một cuộc hôn nhân như thế dứt khoát không thể được chấp nhận”. Còn trong trường hợp, nếu Nhà nước Nga công nhận cuộc hôn nhân đó, điều đó, theo lời cha Tikhon, không là gì khác hơn “con đường trực tiếp dẫn tới suy đồi”. Quan điểm này của cha Tikhon hoàn toàn trùng hợp với ý kiến của Giáo hội Công giáo.
Sau đó, Tu viện trưởng kể một câu chuyện để minh họa cho cái nhìn thực tiễn của Putin đối với đề tài này. Một lần nọ, khi họ dùng bữa trưa, báo chí Nga viết về chuyến viếng thăm sắp tới (của Putin) đến Berlin, đồng thời về việc Thị trưởng điều hành Berlin khi đó - Klaus Wowereit - là một người đồng tính công khai. Cha Tikhon, như một đại diện tư tế, đã khuyên ông Putin không nên đưa tay cho người đồng tính bắt. Putin phản đối: từ một phía, tất cả những việc đó là chuyện riêng của Wowereit, từ phía khác, con người này đại diện chính thức cho Berlin. Khi phu nhân của Putin là bà Liudmila đứng về phía linh mục và ủng hộ yêu cầu của Tikhon, câu trả lời của Putin ngắn gọn và khôi hài: “Em yêu, không nên ghen tuông”. Thậm chí nếu câu chuyện này là hư cấu, thì dẫu sao nó cũng đã mô tả được phong cách hành xử của Putin. Ông thể hiện sự linh hoạt vừa đủ, nếu hoàn cảnh yêu cầu, nhưng điều đó ít ảnh hưởng đến những quan điểm chính trị của ông.
Màn trình diễn ồn ào của Pussy Riot năm 2012 ở một nhà thờ quan trọng nhất và lớn nhất nước Nga - Nhà thờ Chúa cứu thế - đã mang đến cho ông lợi ích chính trị đối nội. Các tượng thánh của cuộc phản kháng chống Putin là cách mà báo chí phương Tây gọi các phụ nữ trong nhóm tiên phong với ý nghĩa là “cuộc nổi loạn của âm đạo”, đã chứng minh cho sự đánh giá sai lầm về tình hình ở nước Nga. Cuộc phản kháng ở nhà thờ thoáng chốc đã biến nhóm này trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Các thành viên của Pussy Riot đã giả dạng tín đồ vào nhà thờ và gào thét lời cầu nguyện nhạc punk của họ chống đối Putin và người đứng đầu Giáo hội Nga - Thượng phụ Kirill. Họ quay video rồi sau đó công bố trên Internet cho các phương tiện truyền thông. Họ kịp làm tất cả trước khi các nhân viên choáng váng của nhà thờ tống khứ họ ra khỏi đó. Câu chuyện về cuộc đấu tranh của những nhạc sĩ rock trẻ can đảm chống lại hệ thống khắc nghiệt và ngày càng ít được ưa chuộng, đã thành công lớn ở phương Tây. Hàng triệu người đọc tin này trên Internet. Thế nhưng ở Nga, toan tính nhìn nhận cuộc phản kháng tiên phong này như một hành động anh hùng, đã không được biện hộ. Hành động này chỉ gợi lên duy nhất sự phản cảm. Điệp khúc trong lời cầu nguyện - punk: “Đức Mẹ đồng trinh, Maria, hãy đuổi Putin đi” vang lên có vẻ vô tội. Thế nhưng, những lời khác của bài hát - “cứt thánh”(35) và “chó cái” nhắm vào Thượng phụ - đã bị các tín đồ Nga xem như cố tình xúc phạm. Nadezhda Tolokonnikova, một trong những nhà hoạt động nữ đã cùng với chồng mình là Petr Verzilovyi kiếm được tiếng tăm trong một số giới nhất định khi tổ chức ở Bảo tàng sinh học Moskva một cuộc chơi bời tình dục công khai nhằm tưởng nhớ nhóm “Kommuna 1” ở Đức thập niên 1960 - tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung đã viết như thế về hành động này (88).
(35) Nguyên văn từ bài hát: “срань господня”. Quanh cụm từ này vẫn còn nhiều tranh cãi. Một số ý kiến biện hộ cho các cô gái nhóm Pussy Riot cho rằng cụm từ này tương tự cụm từ “Holy shit” trong tiếng Anh, một thành ngữ nhằm diễn tả một sự ngạc nhiên khó chịu. Tuy nhiên, những người phản biện không chấp nhận vì từ “Holy” nhằm chỉ thần thánh chung chung, trong khi trong tiếng Nga từ “господня” hàm ý về Chúa - ND.
Với phe đối lập Nga, hành động trong nhà thờ này là một đòn tấn công khó chịu. Và Vladimir Putin vô hình trung đã được tiếp tay. Tổng thống Nga nhanh chóng nhận ra khả năng chính trị và sử dụng nó. Ông công khai tuyên bố lấy làm tiếc về sự cố: “Tôi thay mặt họ [Pussy Riot], nếu họ không thể tự mình làm việc này, xin lỗi tất cả những tín đồ và các giới chức nhà thờ. Tôi hy vọng chuyện này sẽ không tái diễn” (89). Giáo hội cũng sử dụng tình huống thành công này để vận động. Chỉ hai tháng sau sự cố, với sự hiện diện của 50.000 tín đồ, đức Thượng phụ Kirill đã có bốn giờ phụng vụ trong một lễ cầu nguyện cho “việc bảo vệ đức tin, chống lại những kẻ làm ô uế đền thờ, Giáo hội và tên tuổi tốt lành của nó” (90).
Nỗ lực của người đại diện bạo gan của nhóm, Nadezhda Tolokonnikova, trong phiên tòa và sau đó so sánh phiên tòa với các vụ án Moskva tiêu biểu thời Stalin, kiểu như “đây là phiên tòa trên toàn bộ hệ thống nhà nước của Liên bang Nga” - cũng không thành công. Thật tình thì cô ta đã chứng tỏ mình là một nhân vật ở tận rìa của tuyến đầu phản kháng, và ở một số giới trí thức Moskva và Saint Petersburg, điều này đã tạo điều kiện cho việc tăng cường sử dụng rượu vang và những cuộc tranh cãi sôi nổi về điều gì có thể và không thể làm trong nghệ thuật. Thế nhưng, từ góc độ chính trị, hoạt động này là một thất bại.
Qua các cuộc thăm dò, các nhà xã hội học thuộc Trung tâm Levada xác định, 86% người Nga muốn trừng phạt các thành viên của hoạt động này. Hơn một nửa đồng ý với bản án trừng trị nghiêm khắc, hai năm giam giữ, mặc dù thời hạn này bị nhiều người, trong số đó có Ủy viên nhân quyền Vladimir Lukin, chỉ trích là quá mức. Chỉ 5% dân số ủng hộ không để các cô gái nhận lãnh hậu quả vì hành động này (91).
“Chúng ta vấp phải một thực tế không thể chối cãi: đó là những con gà mái ngu ngốc thực hiện một hành động tiểu côn đồ để tự quảng cáo”, Aleksey Navalnyi, một blogger và nhà đối lập nổi tiếng, đối thủ của Putin, đã giận dữ tóm tắt tình hình như thế. Ông chỉ phát biểu chống lại việc trừng phạt cứng rắn. Giáng sinh năm 2013, ba tháng trước khi họ mãn án, Vladimir Putin đã ân xá các nhà nữ hoạt động này.