Putin và vai trò của các tổ chức nhân đạo nước ngoài ở Nga
Vladimir Putin ngồi uống trà trong bộ quần áo bơi ở căn phòng nhỏ tại khu vực bể bơi trong dinh thự của ông ở Sochi. Rõ ràng là ông mệt. Chúng tôi đợi Thư ký báo chí Dmitry Peskov. Không khí thoảng mùi clo nhẹ. Vào ngày hôm ấy, cuối tháng 3-2013, Tổng thống vừa từ Nam Phi trở về, nơi ông có chuyến thăm cấp nhà nước. Tôi tháp tùng ông. Trong cái ánh sáng lờ mờ trước rạng đông, Putin đã báo động quân đội, không phải qua điện thoại mà theo cách thức cũ, được kiểm soát. Bởi những cuộc điện đàm từ máy bay đã trở thành con mồi dễ dàng cho các cơ quan tình báo đối phương. Điều đó được biết rõ từ trước khi Edward Snowden bay tới Moskva. Vì thế mà tùy phái viên từ điện Kremlin đã phải dựng Bộ trưởng Quốc phòng dậy để chuyển cho ông một phong bì dán kín với chỉ thị của Tư lệnh tối cao. Tình hình là thế này: kẻ thù đã di chuyển qua Biển Đen và tấn công nước Nga. Những việc còn lại thì cứ theo thông lệ.
Sergey Kuzhugetovich Shoigu là bạn cũ của Putin. Họ biết nhau từ thời Yeltsin, khi Shoigu lãnh đạo Bộ các Tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, vài tháng trước, ông đã giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng và phải chứng minh mình có khả năng điều hành công việc này, cũng như quân đội luôn trong tình trạng sẵn sàng thường trực. Để không như trước: khi xe tăng không thể chạy vì không có xăng, còn tàu thủy không thể ra khỏi cảng vì các máy phát điện chưa được sửa, hay cả đơn vị đã say và chỉ có thể tham gia cho có lệ. Putin không muốn lặp lại tình huống mà ông đã chứng kiến khi còn là thủ tướng dưới thời Yeltsin: khi đó, quân đội trong tình trạng thảm họa. Lương thấp, bế tắc, không có động lực và không có khả năng chiến đấu thành công trong một cuộc xung đột nghiêm trọng. Điều đó đã xảy ra năm 1999, trong cuộc chiến Chechnya, ông tuyệt vọng tìm kiếm khắp đất nước những đơn vị có khả năng chiến đấu.
Vladimir Putin chỉ đạo thư ký của mình, Dmitry Peskov, để có thể phổ biến khái quát một số thông tin chung về cuộc diễn tập. Việc sử dụng quân đội được giới hạn: không hơn 7.000 quân vài giờ trước đã rời doanh trại của mình để bảo vệ tổ quốc. Trong vài ngày tới sẽ kiểm tra tính sẵn sàng chiến đấu của 36 tàu chiến cùng các đơn vị lính dù. “Nếu cơ số quân đông hơn, chúng tôi sẽ phải báo với NATO, mà bây giờ không cần thiết làm việc đó”, Tư lệnh tối cao nói. “Một số chỉ huy của chúng tôi phải làm việc thôi”. Sau đó, ông tạm biệt chúng tôi và đi bơi để hoàn thành chương trình tập luyện thể thao hằng ngày của mình.
Trong thời làm Tổng thống, ông đã tăng gấp đôi chi phí quốc phòng (68) và tuyên bố sẽ tiếp tục gia tăng. Nước Nga đang ở vị trí thứ ba thế giới về chi tiêu quân sự, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Các con số cho thấy, để sánh ngang với Hoa Kỳ, Nga phải vượt qua một chặng đường dài. Năm 2013, chi phí quân sự của Washington vào khoảng 640 tỉ đô la, còn Moskva chỉ hơn 88 tỉ một chút. Nếu tính chi phí quân sự các nước NATO, chẳng hạn như Pháp (61,2 tỉ), Anh (57,9 tỉ) hay Đức (48,8 tỉ) cùng lúc đó, chúng ta thấy cán cân nghiêng đáng kể về phía phương Tây. Phân tích của các chuyên gia về vũ khí Viện quốc tế Stockholm nghiên cứu các vấn đề hòa bình (SIPRI) uy tín đã cho thấy điều đó (69).
Hồ bơi chỉ nằm cách dinh chính phủ vài mét. Thư ký báo chí tổ chức cuộc họp báo từ xa và những hãng tin cùng các kênh truyền hình quan trọng nhất - Interfax, TASS, Bloomberg và Reuters, sau một tiếng nữa sẽ đưa chi tiết về những cuộc tập trận đang diễn ra này.
Dinh thự mà Stalin từng ở đã trải qua một khóa trẻ hóa thật sự. Khi Dmitry Medvedev giữ chức vụ tổng thống trong bốn năm, ông đã yêu cầu xây dựng lại di tích kiến trúc thời Stalin này sao cho giống một biệt thự theo kiểu Phục hưng của Ý: đá cẩm thạch với nơ trang trí, tông màu vàng, đèn chùm khổng lồ. Trong vườn mùa đông ở tầng hai, trên các ghế bành đan bằng nhành liễu gai, một nhóm bộ trưởng và các cố vấn đang ngồi. Họ chờ tới lượt của mình. Việc chờ đợi có khi rất lâu. Người lãnh đạo bộ phận lễ tân của Putin từ lâu đã bỏ những nỗ lực can thiệp, khi một đề tài nào đó hay một người thăm nào đó làm sếp ông ta quan tâm đến nỗi thời gian bay dự kiến hay những thỏa thuận khác đối với ông không còn tồn tại. Tính tự phát này của Putin đôi khi thật ra chỉ là một cơ hội cụ thể để thể hiện quyền lực hoặc khả năng luôn hành động theo ý riêng của ông.
Vào ngày hôm đó, Dmitry Peskov còn có một nhiệm vụ quan trọng nữa. Ông phải thông báo với sếp mình kết quả của những cuộc lục soát văn phòng của các quỹ chính trị Đức ở Nga diễn ra trước đó hai ngày. Theo đạo luật mới có hiệu lực từ tháng 11-2012, tất cả những tổ chức phi chính phủ hoạt động chính trị phải đăng ký và công khai nguồn gốc tài trợ. Các quy định mới trong tương lai sẽ cản trở các nước khác can thiệp vào chính trị nội bộ Nga. Các tổ chức chính trị phi lợi nhuận nào nhận tiền từ nước ngoài sẽ phải đăng ký với tư cách “các agent (đại diện) nước ngoài”. Hoạt động và việc kế toán của chúng sẽ chịu kiểm tra nghiêm ngặt hơn (70).
Khái niệm “agent” có hai nghĩa cả trong tiếng Anh lẫn tiếng Nga. “Agent” - vừa có nghĩa là điệp viên, vừa có nghĩa là đại diện hay ủy quyền của một tổ chức nào đó. Ý nghĩa chính trị đằng sau khái niệm này hoàn toàn rõ ràng. Nhiều tổ chức phi lợi nhuận Nga nhận tiền từ nước ngoài. Sự phẫn nộ của những tổ chức bị quy định mới động chạm là rất lớn. Việc chống đối dự luật về các “agent” này bắt đầu mạnh lên. Hiện các cơ quan chính quyền Nga bắt đầu việc kiểm tra. Bên cạnh việc đến thăm các tổ chức phi lợi nhuận Nga, công tố viện còn đến Quỹ Kondrad Adenauer ở Saint Petersburg, gần với Đảng CDU của Đức và quỹ Friedrich Ebert ở Moskva, gần với SPD.
Trên máy bay, vào buổi điểm tâm sáng, Vladimir Putin không biết gì về hoạt động mà thông tin của nó đã được đưa lên các trang nhất của các nhật báo ở Đức. Câu trả lời ngắn của ông cho câu hỏi của tôi - điều đó có nghĩa là gì - là thế này: ông không phải công tố viên, ông là Tổng thống Nga, và ông giả định là Thủ tướng Liên bang Đức Angela Merkel cũng không được thông báo về bất cứ cuộc lục soát nào ở Đức. Thế nhưng, ông sẽ thử thu thập thông tin. Hoàn toàn có thể là ông thật sự không biết gì về hoạt động của công tố viện. Angela Merkel chuẩn bị cùng Vladimir Putin khai trương một triển lãm ở Hannover sau một tuần nữa. Nó được dự kiến vào ngày 7-4-2013. Vụ ầm ĩ ngay trước hoạt động này rõ ràng là phản tác dụng về mặt chính trị.
Trong bữa ăn tối chung của chúng tôi, Putin bật tin tức trên một màn ảnh lớn và cho thấy: trong ngày, ông đã tìm ra lời đáp cho câu hỏi ban sáng. Thông báo đó nằm thứ ba giữa những tin tức. Ủy viên phụ trách nhân quyền Vladimir Lukin trong ngày hôm ấy đã gặp Tổng thống và chuyển cho ông báo cáo về tình hình hiện nay. Putin cảm ơn và hỏi các tổ chức phi lợi nhuận làm việc trong lĩnh vực nhân quyền có ủng hộ dự luật mới hay không. Sau đó, ông chỉ thị việc kiểm soát phải nằm trong các khuôn khổ hợp lý. Chỉ thị được nhận và hiểu rõ. Ngày hôm sau, các quỹ của Đức được nhận lại các máy tính bị tịch thu, còn Vladimir Putin điện đàm với Angela Merkel rồi lên đường đi Hannover.
Vấn đề về vai trò các tổ chức nhân đạo ở nước ngoài tại Nga không mới. Hoạt động của phương Tây đôi khi nhắc tới hoạt động truyền giáo của nhà thờ Công giáo ở châu Phi thế kỷ trước. Các tổ chức nhân đạo chỉ làm toàn những việc tốt. Họ quan tâm tới trẻ em khuyết tật, chiến đấu chống AIDS và bảo vệ thiên nhiên. Họ làm việc nhân danh Chúa. Cùng với đó, họ giải thích các nguyên tắc của kinh tế thị trường, đấu tranh cho tự do báo chí và mềm mỏng tạo điều kiện cho việc nền dân chủ được lãnh đạo của Putin chuyển thành xã hội dân sự theo kiểu mẫu phương Tây. Phương Tây xem đó như một kế hoạch phổ quát đang được thực hiện cả ở những nơi khác trên thế giới. Hàng tỉ đô la đã được đổ vào cuộc đấu tranh này.
Trong nhiều năm, Hoa Kỳ đã tài trợ chiến lược cho việc thành lập các tổ chức phi lợi nhuận ở Nga, những tổ chức kiểu như “Tiếng nói” - trong các cuộc bầu cử năm 2011 và 2012 đã đưa hàng nghìn quan sát viên và thông báo về những bất thường, vi phạm trong việc tiến hành bầu cử. “Tiếng nói” không đơn độc. Hàng trăm tổ chức phi lợi nhuận khác đã tổ chức đào tạo, hội thảo về đề tài phản kháng dân sự và những kỹ thuật truyền thông đối trọng cho phe đối lập (71). Washington cũng ủng hộ các đơn kiện chống lại những vi phạm cụ thể hay giả định. Vì các lý do đó, mùa hè năm 2012, Chính phủ Nga đã khởi xướng dự luật về việc đăng ký các tổ chức nhân đạo nhận tài trợ từ hải ngoại.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền nổi tiếng và đáng kể nhất ở Nga là “Memorial” cũng rơi vào đạo luật này, vì phần tài trợ chủ yếu họ nhận được từ nước ngoài, chẳng hạn như từ Quỹ Heinrich Böll hay Quỹ của tỉ phú Mỹ George Soros. Tổ chức này được thành lập năm 1989 bởi Andrey Sakharov - người bất đồng chính kiến từng đoạt Nobel Hòa bình, để tưởng nhớ các nạn nhân của chế độ Xô viết và nghiên cứu tội ác của nền độc tài Xô viết. Từ đó, trong khuôn khổ tổ chức này, các nhóm phái khác nhau đã tập hợp, chuyên hoạt động bảo vệ nhân quyền. Vì thế, Bộ Tư pháp ngay lập tức thông qua nỗ lực dẹp bỏ tổ chức này, thế nhưng lại thua kiện tại tòa án Hiến pháp. Còn hiện nay, “Memorial” vẫn đang cố quyên góp thêm ở Nga.
Cho đến nay, Vladimir Putin vẫn thường lặp lại quan điểm ủng hộ những hạn chế này của mình. Ông ứng dụng những quy luật mà ở nhiều khu vực khác trên thế giới là thực tiễn thông thường. Những hoạt động cứng rắn này là hậu quả của việc can thiệp vào cuộc vận động tranh cử quá khứ, còn làn sóng bất bình nổi lên liên quan từ đó - chỉ là một trong những hình thức ứng dụng tiêu chuẩn kép bởi phương Tây. Ông chỉ ra hình mẫu mà phiên bản Nga của đạo luật này nhắm tới: “Ở Hoa Kỳ, một luật tương tự đã hoạt động từ năm 1938, và chính quyền Washington chắc chắn hiểu vì sao”.
Đạo luật đăng ký các đại diện nước ngoài (FARA) ở Hoa Kỳ mà Putin chỉ ra, đầu tiên đã được thông qua để ngăn chặn sự xâm nhập của những nhà xã hội dân tộc (72). Tuy được đưa ra đã lâu, đạo luật này vẫn tiếp tục có hiệu lực đến tận ngày nay và chống lại những “quỷ kế chống Mỹ”, chống sự can thiệp của những cường quốc khác hoặc giới tình báo. Trên trang của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đạo luật này được mô tả như sau: “Liên quan tới đạo luật đã nêu, bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào, là đại diện của một khách hàng nước ngoài, phải đăng ký với Bộ Tư pháp và nêu tên khách hàng mà theo lệnh người đó, đại diện này hoạt động”. Theo luật FARA, các “khách hàng nước ngoài” là “những chính phủ, chính đảng và những cá nhân hay tổ chức nằm ở Hoa Kỳ, đồng thời là bất cứ công ty nào hoạt động theo luật nước khác” (73).
Hoa Kỳ cũng như Nga, chú trọng đến ý nghĩa kép của khái niệm “agent”. Thông tin mà Bộ Ngoại giao Nga chuyển một cách không chính thức cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ trong cuộc gặp vào một buổi sáng tháng 9-2012 trong hội nghị thượng đỉnh các nước thành viên APEC ở Vladivostok - đó là một trong không nhiều những hỗ trợ thân thiện của quan hệ căng thẳng này. Trong cuộc thương lượng về hợp tác tương lai ở các không gian băng giá của vùng Cực, Sergey Lavrov đã báo trước với người đồng cấp Hoa Kỳ là Hillary Clinton về việc trong những ngày tới, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ nhận được yêu cầu đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID) ở Moskva (74). Ba ngày sau, Đại sứ Hoa Kỳ Michael McFaul đã chuyển cùng với thông báo chính thức về việc này cả ngày chính xác. Theo chỉ thị, các chi nhánh của USAID phải đóng cửa trước ngày 1-10-2012, và các nhân viên Hoa Kỳ có quy chế ngoại giao phải rời nơi làm việc. Trong nhiều năm, Washington đã tích cực can thiệp vào chính sách đối nội Nga, sử dụng hình thức đặc thù của việc hợp tác nhân đạo (75).
Quyết định của Putin đã kết thúc hoạt động của cơ quan nhà nước Hoa Kỳ ở Nga, vốn được xem là một tổ chức khá hiệu quả trong việc xúc tiến lợi ích Mỹ (76). Nó được chính phủ Hoa Kỳ thành lập năm 1961 để “ủng hộ dân chủ toàn thế giới, nhân quyền, bảo vệ sức khỏe cộng đồng”. USAID làm việc ở hơn 100 nước trên thế giới và trong quá khứ, đã cộng tác tích cực với tình báo Mỹ (77). Có thể nguyên nhân của quyết định khá cứng rắn này, như tờ New York Times giả định, là “lịch sử hoạt động của cơ quan phát triển này trong thời chiến tranh lạnh, khi tình báo đối ngoại Mỹ làm việc dưới vỏ bọc của nó. Câu chuyện này còn tươi mới trong ký ức của các đại diện nước ngoài, nhiều người trong số họ vẫn không thể hoàn toàn thoát khỏi cảm giác mất lòng tin” (78).
Từ năm 1992, cơ quan Hoa Kỳ về phát triển đã bỏ vào các dự án của Nga 2,7 tỉ đô la. Tuy vậy, những năm gần đây, số tiền hầu như không được chi cho hoạt động bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà phần lớn đã được rót cho hơn 50 các tổ chức phi lợi nhuận chuyên “ủng hộ dân chủ, nhân quyền, xã hội dân sự ổn định” - như Victoria Nuland của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thừa nhận tại cuộc họp báo về tình hình USAID ngày 18-9-2012 (79). Công việc sẽ được tiếp tục, nhưng bằng các phương thức khác. “Về thực thể, USAID không còn hiện diện ở Nga nữa, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ phát triển dân chủ ở Nga, nhân quyền và xã hội dân sự ổn định”. Sau đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ tuyên bố ai sẽ tiếp tục theo chân USAID. Đó là Viện Dân chủ Quốc gia về các vấn đề Quốc tế (NDI), Viện Cộng hòa Quốc tế (IRI) và Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (NED) (80). Điều này có nghĩa là cuộc đấu tranh chính trị được tiếp tục bằng những phương tiện tương tự. Tên gọi các tổ chức này cũng đã được biết. Trong nhiều thập niên, chúng đã hoạt động theo đơn hàng của chính phủ Hoa Kỳ ở nước ngoài và được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cũng như USAID. Tất cả đều đấu tranh cho việc truyền bá “những giá trị dân chủ và nhân quyền” trên toàn thế giới. Ban điều hành của các tổ chức này gồm đa số là các cựu nhân viên ngoại giao, chẳng hạn như Cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright, các cựu nhân viên quân sự như cựu lãnh đạo NATO Wesley Clark hay các đại diện cơ quan tình báo như cựu lãnh đạo CIA James Woolsey. Từ năm 1983, những nghi ngờ về tính hai mặt trong các ý định của những tổ chức này đã không còn nữa, khi trong cuộc gặp ở phòng số 450 tại trung tâm văn phòng cũ ở Washington - một tòa nhà hành chính nằm cạnh Nhà Trắng - Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó Ronald Reagan thành lập Mặt trận Dân chủ Quốc gia đã mô tả nhiệm vụ của cơ cấu này cho các thành viên của Quốc hội: việc thành lập quỹ mới này mang đến hy vọng cho mọi người dân trên thế giới. Quỹ là hiện thân của niềm tin Mỹ vào dân chủ. Biên bản của Nhà Trắng đã ghi lại như thế với thời gian chính xác và ngày tháng sáng kiến truyền thông xúc động của Ronald Reagan - 11 giờ 59 phút, ngày 16-12-1983. Điều đó cụ thể có ý nghĩa gì, cựu diễn viên Hollywood cũng nói: “Điều đó có nghĩa, chúng ta sẽ gởi cho việc thực hiện chương trình dài hạn này tất cả các phương tiện: những nỗ lực tổ chức, hoạt động nội dung và tài trợ”. NED sẽ đề nghị các hội thảo trong khuôn khổ những chương trình huấn luyện dân chủ. “Ở nước ngoài, tổ chức sẽ hợp tác chặt chẽ với những ai muốn theo khóa học dân chủ về phát triển, sẽ ủng hộ hoạt động của những ai hoạt động trong các lĩnh vực cần thiết cho sự phát triển của các nhóm và các cơ cấu này. Dĩ nhiên, phải tương ứng hoàn toàn với những lợi ích quốc gia của chúng ta”, lời mời hợp tác đã vang lên như thế, nhắm đến các nhóm đối lập ở các nước khác (81).
Từ đó đến nay, nhân danh dân chủ, NED đang làm việc trong hơn 90 quốc gia, thành lập những tổ chức phi thương mại và điều phối hoạt động những quỹ quốc gia hay tư nhân khác. Một trong những nhà sáng lập NED, Giáo sư Allen Weinstein của Đại học Georgetown đã mô tả chính xác và ngắn gọn hơn mục tiêu của tổ chức trong trả lời phỏng vấn tờ Washington Post năm 1991: “Nhiều thứ hiện giờ chúng ta đang làm, 25 năm trước chỉ có thể làm trong vòng bí mật, bằng bàn tay CIA” (82).
Phần đóng góp của Đức trong việc cải thiện thế giới được tổ chức ít chặt chẽ hơn. Nó tập trung chủ yếu vào những lời kêu gọi công khai theo nguyên tắc: “Là người Đức - có nghĩa là làm việc vì chính công việc”. Năm 2012, Quốc hội Đức đã trao cho Nga một nhận xét trung gian dưới hình thức nghị quyết. Đầu tiên, nó nhấn mạnh nước Nga là “đối tác trung tâm của Đức và châu Âu” (83), và trong quan hệ của chúng tôi với đất nước này, đang tồn tại một mối lưu tâm lớn trong quan hệ đối tác tổng hợp cho hiện đại hóa. Thế nhưng, 2/3 văn bản lại dành cho các khuyết điểm khác nhau, cho các vi phạm nhân quyền hay cho những biện pháp nhà nước được đưa ra chống lại phe đối lập. “Với mối quan ngại đặc biệt, Quốc hội Đức lưu ý rằng ở nước Nga, với sự lên nắm quyền của Tổng thống Vladimir Putin đã thông qua những biện pháp luật pháp và lập pháp, nhìn chung là nhằm tăng cường kiểm soát các công dân tích cực, gán cho những chỉ trích và phản đối tích cực là hành động tội phạm và đối đầu với những người phê bình chế độ”. Và việc xã hội Nga cự tuyệt quyền làm việc ở Nga của “cơ quan Mỹ USAID” là “thêm một tín hiệu gây lo âu và mâu thuẫn với tinh thần hợp tác giữa hai xã hội”.
Angela Merkel xem sự phê phán công khai của Putin như một hình thức thao luyện chính trị. Chính bà, trong tư cách huấn luyện viên sẽ hành động với sự hài lòng. Theo bà, sự phê bình này mang tính xây dựng và thể hiện sự công khai trong quan hệ giữa các đối tác. “Nếu tôi quá nhạy cảm, tôi sẽ không làm Thủ tướng được ba ngày”, đó là câu trả lời thân thiện của bà đáp lại lời chê trách của Putin trong việc bà ủng hộ những tâm trạng chống Nga (84).