Quá khứ cần hỗ trợ sự tự nhận thức tập thể ra sao?
Cha Tikhon phụng sự trong nhà nguyện tổng thống. Người ta nói Tu viện trưởng Tu viện Sretensky là đức cha tinh thần của nhân vật số một quốc gia (60). Có đúng thế không thì cha Tikhon không nói rõ. Ông không trả lời những câu hỏi trực tiếp về nhiệm vụ chính thức của mình. Cha Tikhon tin rằng, đức tin có thể chuyển dời núi non, và luôn tuân thủ một nguyên tắc đã được kiểm chứng ở chỗ: hồng y xám chỉ có thể giữ được uy tín khi nào không ai biết được cụ thể mối quan hệ của ngài với chính phủ, và chỉ một ít người được biết chi tiết những quan hệ này. Vào ngày mùa xuân năm 2015 ấy, khi chúng tôi lần đầu gặp nhau cho cuộc trò chuyện dài, ông gặp vấn đề về hô hấp vì ô nhiễm không khí ở Moskva. Mặc cho áo choàng và râu, thoạt nhìn, ông không giống như một đấng phụng sự tiêu biểu của Giáo hội Chính thống giáo Moskva. Tu viện trưởng ngôn từ sắc sảo, ông quan tâm dẫn dắt cuộc bàn luận với niềm hân hoan. Còn việc Tổng thống là một tín đồ, ông không chút nghi ngờ.
Vladimir Putin là một Kitô hữu. Đó không phải vì ông gọi mình như thế, mà còn vì ông đã được rửa tội. “Ông xưng tội, bái lãnh thánh thể và biết được trách nhiệm của mình”, vị linh mục cho biết. Tu viện với những mái vòm cổ củ hành điển hình được tường trắng bao quanh nằm ở trung tâm Moskva trên Đường Bolshaya Lubyanka. Cách đó không xa, ở góc đường là trụ sở an ninh, mà vào thời Stalin, người đứng đầu của nó đã đưa hàng chục nghìn đại diện giáo hội vào các trại tù hoặc xử bắn. Từ thuở đó, Giáo hội Chính thống giáo đã xây dựng hình ảnh của mình, nhấn mạnh nhờ sự quan phòng của Chúa mà giáo hội là cơ cấu xã hội duy nhất có thể vững như đá trong lịch sử bão táp của đất nước. Nó cũng chính là một phiên bản của lịch sử Nga, dù với một sắc thái mạnh mẽ của niềm tin vào tính không thể sai lầm của riêng mình.
“Chúng tôi có ở đây trước, nhà thờ được thành lập trước KGB(31) 560 năm, và người sáng lập nó không phải là KGB”, câu trả lời của cha Tikhon nhanh gọn và chuẩn xác. Sự gần gụi với tổng hành dinh của cơ quan tình báo cũ - đó là câu hỏi tiêu chuẩn của các nhà báo phương Tây. Thời Xô viết, nhà thờ bị đóng cửa, và như nhiều tòa nhà và các tổ chức tôn giáo khác, KGB sử dụng những công trình này vào mục đích riêng của mình. Chiếc thập giá bằng đá trong vườn nhắc lại quá khứ đen tối, để tưởng nhớ những Kitô hữu chính thống giáo đã bị tra tấn và sát hại vào thời loạn lạc.
(31) KGB: Cơ quan tình báo Nga - BTV.
Về khởi đầu sứ mệnh của mình, cha Tikhon nhớ lại với thái độ không đặc biệt phấn khởi. “Tôi được triệu về đây, như bị gọi vào quân đội. Nhà thờ bị phá hủy hoàn toàn nên cần được sửa chữa. Năm 1992, tôi là tu sĩ duy nhất ở đây”.
Anh sinh viên đại học điện ảnh Georgy Aleksandrovich Shevkunov, như ông được gọi ngoài đời, đã “mở mắt” vào thập niên 80 của thế kỷ trước. Đầu tiên, ông đọc Marx, Lenin và Trotski; sau đó, ông học yoga và tiếng Phạn rồi tập trung vào Dostoyevsky, Tolstoy và Kant. Năm 24 tuổi, ông được rửa tội và trở thành tu sĩ ở Tu viện Pskov-Pechorsky phía tây bắc nước Nga, không xa biên giới Estonia. Ông là một trong không nhiều các tu sĩ đã sống sót qua thời Stalin. Còn trước cách mạng, họ có tới hơn 1.000 người. Cha tinh thần của Tikhon là Tu viện trưởng của tu viện, Ioan (Krestiankin), người mà vào năm 1950 đã bị giam giữ 5 năm trong trại cải tạo.
Tu viện trưởng Tu viện Sretensky là ngôi sao của Giáo hội Nga. Vị linh mục năng nổ này đã biến tu viện thành một doanh nghiệp thành công. Năm 2008, ông đạo diễn bộ phim tài liệu truyền hình Cái chết của đế chế - Bài học Byzantine, được phát lại nhiều lần trong khung giờ vàng của truyền hình Nga. Trong phim, cha Tikhon nói về “sự vĩ đại đã mất của đế chế Byzantine, vốn nhẹ dạ rơi vào vòng ảnh hưởng ác hại của những đối tác làm ăn hải ngoại và các cố vấn”, như tóm tắt của tờ báo Neue Zürcher Zeitung (61). Đó là lời cảnh tỉnh nước Nga và tiên báo về sự suy tàn của phương Tây. Trang web của ông là cổng thông tin lớn nhất nước Nga. Cuốn sách best-seller của ông Thánh khiết là một món quà dành tặng các đại diện kiên định đáng được noi theo của Giáo hội trong thời chống đối. Sách ít đề cập đến việc Giáo hội chính thức cộng tác khá tích cực với hệ thống này. Ở Nga, cuốn sách này đã bán được hơn 1.200.000 bản, nhiều hơn số lượng của tiểu thuyết khiêu dâm “50 sắc thái xám” (62). Dàn nam hợp xướng của tu viện đi biểu diễn khắp thế giới. “Ngay từ đầu, tôi đã hiểu là chúng tôi phải tự làm ra tiền nếu muốn được độc lập”, Tu viện trưởng đã mô tả thành tích kinh tế trong việc điều hành tu viện của mình như thế. 45 tu sĩ đều bận rộn. Ngoài ra, đội ngũ kế thừa cũng đang được chuẩn bị: có nhà trẻ, trường học, trường dòng. Đối với một người từng học ở một trường nhà thờ như tôi cũng thấy thật không bình thường khi cùng Tu viện trưởng đi dọc khuôn viên và bắt gặp những người trẻ trong áo choàng đen sụp quỳ thành hàng hôn tay ông, trong khi trên các bức tường của tòa nhà tu viện treo các màn hình cảm ứng của các máy tính mà nhờ chúng, các học viên trường dòng có thể lướt net và biết đâu, thí dụ, xem bản đồ các văn phòng đại diện của Giáo hội Chính thống giáo.
Tikhon không chỉ là bạn của Putin mà còn là trợ lý quan trọng của ông trong những nỗ lực làm sống lại vai trò của Giáo hội như một phần của lịch sử Nga trong nhận thức tập thể của nhân dân. Giáo hội và quốc gia từ lâu đã làm việc trên cùng một sóng. Tu sĩ và chính khách làm quen nhau vào năm 1998, khi Tổng thống Yeltsin muốn theo dõi cuộc sống của bộ máy mình kỹ lưỡng hơn, đã bổ nhiệm người kế nhiệm tương lai làm lãnh đạo cơ quan mật vụ trong 13 tháng. “Putin như một người khách bình thường đã nhiều lần đến tu viện nằm trong góc nơi làm việc của ông”, Tikhon kể về lịch sử mối tương giao của họ. Chỉ sau đó, ông mới nói cho linh mục biết mình là ai. Từ đó, Tikhon đã trở thành đại sứ đặc biệt trong vấn đề tín ngưỡng giữa nhà nước và giáo hội.
Lời chỉ trích cho rằng nhà thờ đã trở thành bộ phận tư tưởng của điện Kremlin đã bị Tu viện trưởng phản đối: “Putin đâu có cầm cương chúng tôi, mà chúng tôi cũng chẳng cầm cương ông ấy. Như vậy đâu được việc”. Cái nhìn chung của họ về thế giới và những giá trị truyền thống, về đạo đức và lịch sử làm ông hoan hỉ, nhưng đó hoàn toàn là tình cờ. “Chỉ có thể điều hành một đất nước khổng lồ như của chúng tôi trong một thời gian dài trên cơ sở kinh nghiệm lịch sử, trong đó có những kinh nghiệm tồn tại từ trước cách mạng, và tiếp thu những điều tốt nhất trong số các kinh nghiệm của Liên Xô. Chúng tôi chỉ có một lịch sử. Nếu không nhìn nhận quá khứ của mình, chúng tôi sẽ chẳng có tương lai. Chủ nghĩa Marx không hiệu quả. Còn dân chủ ở hình thức đáng rùng mình mà chúng tôi được giới thiệu như thời thập niên 1990, cũng không hiệu quả. Nước Nga phải tìm ra hình thức riêng của mình”.
Sứ mệnh thúc đẩy những thành tựu lịch sử riêng mình, với sự hỗ trợ của điện Kremlin vì một lý tưởng dân tộc, đòi hỏi không chỉ năng lực hướng dẫn tinh thần mà cả truyền thông của cha Tikhon. Và ông đã thể hiện chúng thành công. Cuộc trưng bày lịch sử đa truyền thông hoành tráng: Lịch sử của tôi - Rurikovich(32) kể về dòng dõi vương triều mà trước đây chỉ các chuyên gia quan tâm, đầu tiên được giới thiệu ở Moskva vào tháng 11-2014, sau đó dưới dạng triển lãm di động được giới thiệu ở những khu vực khác nhau của đất nước. Chúng thu hút hàng trăm nghìn khách tham quan, những người muốn biết nhiều hơn về các hoàng tử đã cai trị tổ tiên của họ. Triều đại này đã trị vì nước Nga từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 16. Một trong những cao trào của cuộc tìm kiếm những dấu tích lịch sử này là lễ rửa tội của Hoàng tử Vladimir trên miền đất Kiev hiện nay - một huyền thoại dân tộc về việc sáng lập quốc gia. Cuộc triển lãm đã ủng hộ chiến lược của Putin nhắm vào việc xác lập mối liên hệ giữa các giai đoạn lịch sử, “để giới thiệu một chân lý đơn giản là nước Nga, cũng như những nước khác, có một lịch sử rất lâu đời; trên cơ sở đó, chúng ta có thể xây dựng tương lai, tập trung vào những mặt mạnh của mình và sử dụng chúng vào việc phát triển đất nước”.
(32) Rurikovich: các hậu duệ của Rurik - vị hoàng tử đầu tiên trong biên niên sử nước Nga cổ đại. Những công vương trị vì nước Nga Kiev và những công quốc sau đó được thành lập do sự tan rã của nước Nga Kiev này đều thuộc dòng dõi Rurik - ND.
Trong tinh thần của việc chép sử mới này, đoạn kết của tiểu thuyết trường thiên về những vương triều Rurikovich cho phép nhìn vị đại diện rực rỡ cuối cùng của triều đại này trong một ánh sáng dịu dàng hơn trước đây. Đó là Sa hoàng Ivan IV, nổi tiếng trong dân gian Nga với biệt danh Ivan Hung đế bởi ông được cho là đã giết chết người con trai kém trí tuệ của mình, khác với người kế nhiệm đã làm được nhiều việc để giữ gìn sự toàn vẹn của cường quốc. Cuộc triển lãm quốc gia trước đó về các Sa hoàng của triều đại Romanov mà cuộc trưng bày được cha Tikhon, theo tinh thần thời đại, giới thiệu dưới hình thức một loạt các màn ảnh tương tác kèm theo những dòng trích dẫn nổi tiếng, cũng rất thành công với công chúng (63).
Những bài học lịch sử của cha Tikhon dưới ngọn cờ Thiên Chúa và Tổ quốc đã giữ thăng bằng tinh tế giữa chủ nghĩa dân tộc và tinh thần yêu nước, vốn rất gần nhau ở Nga. Đúng lúc đó, quan điểm chính trị đối nội của Putin là củng cố bản sắc Nga bằng truyền thống riêng của mình, chứ không sao chép phương Tây, để giảm thiểu mâu thuẫn giữa phức cảm tự ti điển hình Nga và khát vọng vươn tới sự đại cường. Trong những năm 1990 sóng gió, làm việc trong chính quyền Yeltsin, ông đã rút ra kết luận: đối với một tổng thống tương lai, việc xem xét lịch sử đất nước từ quan điểm dân tộc là điều cần thiết sống còn, kể cả trong trường hợp triển vọng toàn cầu có thay đổi. Ông nỗ lực gieo cấy ý tưởng này vào nhân dân Nga cũng giống như đối thủ Hoa Kỳ của ông đang làm điều đó, cho rằng điều này hoàn toàn tự nhiên. Thiên đường trên trần thế, chỉ có điều theo phong cách Nga.
Sau khi Liên Xô tan rã, Putin đã bắt đầu tìm kiếm một ý tưởng kết nối nào đó. Năm 1999, German Oskarovich Gref - Bộ trưởng Kinh tế tương lai - đã cùng Trung tâm các dự thảo chiến lược lên dự thảo chương trình cho Tổng thống Putin trong nhiều tháng. Ngày 30-12-1999, hai ngày trước khi lên nhậm chức, trong báo cáo chương trình được trình chiếu trên Internet “Nước Nga tại thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ”, Putin đã công bố đường lối chính sách mới (64). Tinh thần yêu nước được xem như nền tảng cho sự phát triển tương lai - mặc dù “từ này ngày nay được dùng trong ý nghĩa mỉa mai hay thậm chí mắng mỏ”. Những nguyên tắc còn lại cũng được ghi nhận trong chương trình. Đó không phải là một nhà nước độc tài, mà là hùng mạnh, “nguồn gốc và sự bảo đảm của trật tự, người khởi xướng và là động lực thúc đẩy chính của bất kỳ sự thay đổi nào”. “Đối với việc cải thiện vị thế của mình, đa số người Nga không chỉ quen gắn với những nỗ lực bản thân, sáng kiến, tinh thần kinh doanh, mà còn với sự hỗ trợ từ phía nhà nước và xã hội”, Putin mô tả tình hình. “Điều đó chúng ta có thể thích hay không thích”, ông thực dụng nhận xét. Đừng cố đưa lời giải đáp cho câu hỏi này, rằng chuyện đó tốt hay xấu. Đó là thực tế và do đó, nó quan trọng với chính sách. Và “thói quen này chết rất chậm”.
Ở giai đoạn đầu, sự tính toán chính trị này đã được đền đáp. Tân tổng thống hòa vào dòng chảy của thời gian - ít thí nghiệm hơn, an ninh nhiều hơn. Nhờ đó mà ông được hoan nghênh. Và nhà văn Aleksander Solzhenitsyn(33) nhận định nỗ lực tăng cường vai trò nhà nước và tìm kiếm bản sắc riêng là một chính sách đúng đắn. Nhà văn đoạt giải Nobel, người 17 năm phải sống lưu vong ở Hoa Kỳ và trở về Nga dưới thời Yeltsin, đã chỉ trích “mưu toan của NATO lôi kéo một phần của Liên Xô tan rã, trước tiên là Ukraine - một đất nước cực kỳ gần gũi với chúng tôi, một đất nước mà chúng tôi gắn kết bởi hàng triệu mối liên hệ gia đình - vào phạm vi ảnh hưởng của mình”, ông phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn với tạp chí Spiegel vào năm 2007, không lâu trước khi qua đời. “Cho đến nay, chúng tôi vẫn còn cho rằng phương Tây trước tiên là một hiệp sĩ dân chủ nào đó. Nhưng giờ chúng tôi buộc phải thất vọng xác nhận rằng, chính trị phương Tây trước tiên được dẫn dắt bởi chủ nghĩa thực dụng vụ lợi và vô sỉ” (65).
(33) Aleksander Isayevich Solzhenitsyn (1918-2008): nhà văn Nga, nhà viết kịch, nhà thơ, nhà hoạt động chính trị xã hội. Là người bất đồng chính kiến với chế độ Liên Xô, ông đã phát biểu chống chế độ chính trị và chính quyền Liên Xô. Vì những phát biểu này mà ông bị bắt, bị đi đày đến năm 1953 được trả tự do. Năm 1956, ông được phục hồi. Năm 1970, ông đoạt giải Nobel Văn chương. Đến năm 1974, ông bị tước quốc tịch, trục xuất khỏi Liên Xô vì tác phẩm Quần đảo ngục tù và những hoạt động chống Xô viết. Thời cải tổ, ông được xóa án và năm 1994, ông trở về Tổ quốc - ND.
Đối với một người chống cộng triệt để như Solzhenitsyn, kỷ nguyên Gorbachev và Yeltsin là “sự vô tổ chức trong chính sách đối nội của nước Nga và đầu hàng tất cả các vị trí trong chính sách đối ngoại”. Nó không chỉ gắn với nhu cầu tiến hành những cải cách cơ bản mà còn với cả những tính toán sai lầm của chính quyền. Phương Tây “nhanh chóng quen với ý nghĩ rằng nước Nga giờ đây thật sự là một nước thuộc thế giới thứ ba và sẽ như thế mãi mãi. Khi nước Nga một lần nữa mạnh lên, phương Tây hoảng sợ”. Trước sự chỉ trích có tính dạy đời của phương Tây về việc tân Tổng thống là cựu nhân viên tình báo, Solzhenitsyn, người từng trải qua vài năm trong trại cải tạo, đã chỉ ra một khác biệt không lớn, nhưng quan trọng. Putin, dĩ nhiên, là sĩ quan tình báo nhưng không phải là nhà điều tra KGB, không phải là quản giáo trại GULAG. “Các cơ quan tình báo hoạt động ở nước ngoài, làm việc ở tất cả các nước”. Đến nay, chẳng ai nảy ra trong đầu ý nghĩ “chỉ trích George Bush - cha vì hoạt động quá khứ của ông ta với tư cách điệp viên CIA” (66).
Việc Aleksander Solzhenitsyn, một nhà đạo đức và tượng đài của phương Tây, ủng hộ đường lối của Tổng thống Nga đã gợi sự quan tâm cả ở Washington. Trong công văn khẩn gởi đến Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Sea Street sáng ngày 4-4-2008, có dấu “mật”. Người gởi là Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Moskva. Dưới mục “chủ đề”, Đại sứ Hoa Kỳ William Burns chỉ ra những gì được đề cập trong báo cáo, cụ thể là về Aleksander Solzhenitsyn, NATO và Ukraine (67).
Trong vài đoạn, nhà ngoại giao đã mô tả về chuyến thăm Aleksander Solzhenitsyn tại nhà của ông ở ngoại ô Moskva. Mặc dù mới bị đột quỵ, nhà văn - người đoạt giải Nobel, vừa tròn 89 tuổi, vẫn còn minh mẫn và chăm chú theo dõi tình hình thời sự. Sau đó, Burns đã dẫn lại những phát biểu của Solzhenitsyn cho thấy ông có thiện cảm với Putin.
“Solzhenitsyn nhấn mạnh tính chất tích cực 8 năm cầm quyền của Putin so với những người tiền nhiệm Yeltsin và Gorbachev, những kẻ mà theo lời ông, đã làm trầm trọng thêm những tổn hại mà 70 năm thống trị của Đảng Cộng sản mang tới cho nước Nga”. Dưới thời Putin, dân tộc một lần nữa nhận thức thế nào là một người Nga, “mặc cho những vấn đề vẫn còn tồn tại, thí dụ như đói nghèo và khoảng cách gia tăng giữa người giàu và người nghèo”. Còn lại, theo lời nhà ngoại giao, Solzhenitsyn chỉ trích ý định “tiếp tục lôi kéo Ukraine về phía NATO”.