Sự phục hưng Giáo hội Chính thống Nga như một lực lượng chính trị
Đã sau nửa đêm khi ông chủ nhà nghỉ mời tôi một chuyến tham quan nhỏ trên phần đất thênh thang của Novo-Ogaryovo. Chạy chỉ vài trăm mét, ô tô đỗ lại trước một kiến trúc tối nhỏ. Vladimir Putin mở cửa, bật đèn và làm dấu thánh. Đó là một nhà nguyện cá nhân của Tổng thống với nơi cầu nguyện và bàn thờ. Trên những bức tường treo các tượng thánh chói vàng, một số bức khác mô tả các cảnh từ Kinh Thánh. Năm 2000, khi tân Tổng thống Vladimir Putin đến dinh thự chính phủ gần Moskva này, ông đã yêu cầu sửa chữa ngôi nhà thờ gần đổ nát trên phần đất của nhà nghỉ.
Trong chuyến tham quan đêm ấy, Vladimir Putin nói về việc ông là tín đồ Chính thống giáo, kể về cha mình - Vladimir Spiridonovich, công nhân nhà máy và là một đảng viên cộng sản kiên định, khác hẳn với mẹ ông, bà Maria Ivanovna, người chỉ vài tuần sau khi sinh ông đã mang cậu bé tới một nhà thờ ở Saint Petersburg và bí mật rửa tội. Vì việc ấy diễn ra vào ngày thánh Mikhail, và vì cha xứ cũng mang tên này, nên ông đề nghị cũng gọi đứa bé bằng tên ấy. Nhưng bà mẹ phản đối vì đã gọi cậu bé là Vladimir, như cha cậu rồi. Nên Vladimir Vladimirovich vẫn tiếp tục là tên ông.
Sau đó, Putin chỉ lên một bức ảnh đặc biệt treo trên tường. Đó là một người đàn bà trong áo choàng nữ tu - thánh Elizabeth hay Elizabeth Feodorovna, như người ta gọi nữ Đại công tước bằng tiếng Nga. Theo tiếng Đức, tên của người phụ nữ nổi tiếng này là Elizabeth Aleksander Luise Alice Hesse-Darmstadt. Bà là em họ của Hoàng đế Đức Wilhelm II. Và cũng như người chị Aleksandra - Hoàng hậu cuối cùng của nước Nga, bà lấy chồng là một thành viên của gia đình Romanov. Sau khi chồng bà, Đại Công tước Sergey Aleksandrovich trở thành nạn nhân của một vụ mưu sát vào năm 1905, Elizabeth đã lập Tu viện Martha và Mary ở Moskva và trở thành tu viện trưởng. Một ngày sau vụ sát hại gia đình hoàng tộc(30), Elizabeth cũng bị giết. Năm 1992, Giáo hội Chính thống giáo Nga đã phong thánh cho Công chúa Đức.
(30) Gia đình hoàng tộc Nga Romanov gồm Sa hoàng Nikolas II, Nữ hoàng Aleksandra và 5 người con của họ cùng những người tình nguyện theo phục vụ họ khi đi lánh nạn, đã bị nhóm Xô viết Ural bắn chết ở Yekaterinburg vào ngày 17-7-1918. Thánh Elizabeth bị giết vào ngày 18-7-1918. Tổng cộng có 18 người trong hoàng tộc Nga và nhiều người thân cận khác đã bị xử bắn - BTV.
Bức hình đã được Giáo hội Chính thống giáo Nga hải ngoại tặng Putin để cảm ơn những nỗ lực trong nhiều năm qua của ông nhằm hiệp nhất Tòa thượng phụ Moskva - Giáo hội Chính thống giáo Nga với Giáo hội Chính thống giáo Nga hải ngoại. Người đứng đầu Giáo hội Chính thống giáo Nga hải ngoại khi đó, Giám mục New York Lavr đã trao bức ảnh cho Putin. Phải mất nhiều năm để sự thiếu tin tưởng, vốn chiếm ưu thế ở cả hai phía giáo hội mẹ và cánh ly khai của nó, ít nhiều lắng xuống sau khi Liên Xô tan rã. “Đó là một quá trình khó khăn!”, Putin kể. Sự chia rẽ của giáo hội là một đứt gãy chạy qua toàn bộ xã hội. “Ngay từ đầu tôi đã muốn họ hiệp nhất lại với nhau. Điều đó quan trọng cho sự tự nhận thức của chúng tôi”.
Lịch của các cuộc gặp gỡ được lên kế hoạch trong chuyến thăm New York vào một trong những ngày nghỉ của tháng 9-2003 thoạt nhìn giống như một thông lệ chính trị. Cuộc gặp ngắn với Tổng thống Pháp Jacques Chirac và Thủ tướng Liên bang Đức Gerhard Schroeder, sau đó là chuyến thăm Liên Hợp Quốc và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thường niên với những phát biểu chung bình thường. Ngoài ra, Vladimir Putin còn cùng với Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Dầu khí Nga Lukoil khai trương trạm xăng đầu tiên của nhà máy này trên đất Mỹ, ở góc Đường 24 và Đại lộ 10 tại Manhattan. Mới đây, trong một hợp đồng ồn ào để bước ra thị trường ngoại quốc, tập đoàn này đã mua lại mạng lưới trạm xăng của công ty Getty Oil của Mỹ. Ông cũng có một cuộc hẹn trên Phố Wall với những ông trùm của nền kinh tế Mỹ. Sau đó, Putin phải lên máy bay bay đến nhà riêng của George Bush - con ở bang Maine, gần thị trấn Kennebunkport (58).
Nhưng cuộc gặp quan trọng nhất ngày hôm ấy chính là trong lãnh sự quán Nga. Tại đó, ban lãnh đạo Giáo hội Chính thống giáo Nga hải ngoại đang chờ Tổng thống. Ngoài người đứng đầu cộng đồng giáo dân - Tổng giám mục Lavr (Schkurla) hiện đang sống ở New York, các giáo chủ quan trọng khác cũng đến. Giáo chủ Mark (Arndt) vốn chịu trách nhiệm ở Đức và Vương quốc Anh đã bay từ Munich đến, từ San Francisco đến là Giám mục Kirill, Thư ký Hội đồng giám mục của Giáo hội Chính thống giáo hải ngoại. Đại diện cho sự ủng hộ từ Tòa thượng phụ Moskva là Tu viện trưởng Tu viện Sretensky Archimandrite Tikhon (Shevkunov), người tháp tùng cùng Putin.
Sự chia rẽ của giáo hội thành Giáo hội Chính thống giáo ở Nga và Giáo hội Chính thống giáo hải ngoại là hậu quả của cuộc Cách mạng tháng Mười 1917. Đầu tiên, Giáo hội chống lại sự đàn áp của chính quyền mới. Hàng chục năm sau, từ buồng giam, Giáo chủ Sergey (Stagorodsky) đã tuyên bố sự trung thành của giáo hội với chính phủ mới. Tuyên bố của ông là nguyên nhân của việc ly khai và sự thù địch kéo dài nhiều năm giữa hai giáo hội. Giáo hội vấp phải cuộc tranh cãi kinh điển của bất kỳ cuộc đảo chính nào: từ một phía - mong ước giữ được bản sắc riêng của mình, từ phía khác - thích nghi với những điều kiện mới. Với Giáo hội Chính thống giáo hải ngoại và nhiều tín hữu chạy ra nước ngoài, bước đi của Giáo chủ Sergey là việc hợp tác không thể tha thứ với chế độ vô thần. Còn từ quan điểm của giáo hội chính thức ở Moskva khi đó, cuộc đào thoát của nhiều linh mục là dấu hiệu của sự hèn nhát trước kẻ thù, và phục tùng là con đường duy nhất để giữ Giáo hội như một định chế khỏi bị phá hủy hoàn toàn. Trong ngày tháng 9 đó, Vladimir Putin đã chuyển cho Giám mục Lavr của New York thư mời chính thức của Thượng phụ Aleksey II ở Moskva - mời ông tiến hành những cuộc đàm phán tiếp theo để hòa giải ở thủ đô Moskva. Ý đồ chính của cuộc gặp được nêu lên ở San Francisco vài tháng sau trong hội nghị quốc tế các cộng đồng Chính thống giáo với sự tham gia của 250 giáo phận của Giáo hội Chính thống giáo hải ngoại, được hình thành trong một cụm từ và thúc đẩy đáng kể việc hiệp nhất: “Vladimir Putin - người bảo vệ các điều răn của Chúa” (59). Nhưng phải mất thêm bốn năm nữa mới đến sự hiệp nhất chính thức vào tháng 5-2007. Cuộc thảo luận về những tội lỗi quá khứ là một việc tinh tế, diễn ra chậm chạp và đau đớn. Cộng đồng Giáo hội Chính thống giáo hải ngoại đưa ra một yêu cầu chính: họ đòi công khai lên án chủ trương chính thức của Giáo hội Chính thống giáo Nga thời Liên Xô.
Các đại diện chính thức của Tòa Thượng phụ Moskva đã đưa ra những lý lẽ của mình, mà cụ thể là sự cần thiết tự bảo vệ. “Chúng tôi lên án việc phản bội những tư tưởng của mình.” Tuyến biện hộ chính đã vang lên như thế. “Thế nhưng, chúng tôi buộc phải thỏa hiệp với nhà nước, không có lối thoát khác”. Những lý lẽ còn lại chỉ là thuần túy kinh viện. Cán cân quân bình giữa sự thích nghi cần thiết với sự hợp tác công khai là đặc trưng không chỉ cho Giáo hội Nga. Vài năm sau khi nước Đức thống nhất vẫn còn các tranh cãi về việc Giáo hội Cơ Đốc và Tin Lành ở Cộng hòa Dân chủ Đức đã phục tùng ban lãnh đạo Đông Đức cùng các cơ quan mật vụ bao nhiêu, và như thế nào. Còn Vladimir Putin kiên quyết tìm kiếm sự thỏa hiệp giữa các anh em cùng đức tin. Ông trò chuyện với Thượng phụ Aleksey ở Moskva và với Giám mục uy tín Mark ở Munich, và như một nhà thương thuyết thế tục, ông đã đề nghị các con đường giải quyết mâu thuẫn này. Cuối cùng, tháng 5-2007, tại nhà thờ Vasily Blazhennyi trên Quảng trường Đỏ đã diễn ra lễ hiệp nhất long trọng các Giáo hội Chính thống giáo Nga.
Sự thống nhất có cái giá của nó. Các giáo xứ ở hải ngoại vẫn duy trì sự điều hành độc lập của mình. Như một dấu hiệu công khai chứng tỏ rằng họ chẳng có gì chung với những tội ác quá khứ, ngay từ năm 1981, Giáo hội Chính thống giáo hải ngoại đã phong thánh những thành viên trong gia đình hoàng tộc bị sát hại và đã yêu cầu Giáo hội Chính thống giáo Nga cũng làm như thế trước khi hiệp nhất. Và như thế, Công chúa Đức Elizabeth Aleksander Luise Alice Hesse-Darmstadt cuối cùng đã trở thành thánh Elizabeth.
Tiềm năng về một phiên bản mới của liên minh cổ xưa giữa ngai vàng và bàn thờ ở Nga còn lớn. Đa số dân chúng, như các thăm dò chỉ ra, tự xem mình là thành viên của Giáo hội Chính thống giáo Nga, mặc dù nhiều người chỉ đi lễ vào những ngày lễ truyền thống. Sau 80 năm tồn tại nhà nước vô thần, mong muốn cứu rỗi linh hồn của dân chúng là rất lớn. “Nhà thờ - đó là một phần lịch sử chung của chúng tôi”, Putin giải thích động lực của mình trong nỗ lực thống nhất các Giáo hội Chính thống giáo Nga trong cuộc tham quan đến nhà nguyện riêng đêm ấy. Hình tượng đó, bức ảnh thánh Elizabeth mà ông được tặng, với ông là thêm một dấu hiệu nữa cho thấy việc tái hợp quan trọng đến đâu.
Vladimir Putin đã không là Vladimir Putin, nếu như vào đêm hôm ấy không nhấn mạnh mối liên hệ có tính biểu tượng của những sự kiện này: “Thánh Elizabeth đã trở về nhà. Trước cách mạng, bà và chồng đã sống trong lãnh thổ của dinh thự tổng thống này”. Ông tắt đèn và đóng cửa. “Không có mối liên hệ với kinh nghiệm tôn giáo và lịch sử”, Putin tóm tắt tôn chỉ của mình lúc chia tay, “nước Nga sẽ không có được bản sắc dân tộc. Sự hiệp nhất của Giáo hội đang giúp chúng tôi”.
Ông quan tâm tới việc sao cho Giáo hội không chỉ trở thành một giá trị đạo đức, mà còn là kinh tế. Năm 2010, Quốc hội đã thông qua đạo luật, theo đó tất cả các cộng đồng tôn giáo ở Nga, gần một thế kỷ sau Cách mạng tháng Mười, được quyền nhận lại phần đáng kể tài sản của mình. Ngoại lệ chỉ có một số thánh địa đã được đưa vào danh sách UNESCO, thí dụ như nhà thờ Vasily Blazhennyi. Như thế, Giáo hội Chính thống giáo Nga trở thành chủ sở hữu bất động sản lớn nhất đất nước.
Từ đó, một thí nghiệm chính trị đã được tiến hành, nhắm vào việc sao cho tôn giáo giúp củng cố nhận thức Nga. Sự bảo trợ tâm hồn mới sử dụng những phương tiện cổ điển từ công cụ truyền thống: chỉ ra cuộc sống sau cái chết như một sự an ủi hay đe dọa; quy tắc quan trọng nhất là sao cho con người phải làm theo Kinh Thánh như định luật bất biến vào thời buổi bất ổn, khi những hình dung về đạo đức thường xuyên thay đổi; phải tôn trọng chính quyền. Như vào những năm 1960, khi ở Liên bang Đức cũ, và không chỉ ở Bavaria, đồng tính luyến ái đã bị trừng phạt hình sự, còn các vị linh mục vào lúc giảng đạo ngày Chủ nhật, không hiếm khi giải thích cho các con chiên nên viết gì trên phiếu bầu và bên cạnh đảng nào thì cần đánh dấu thập.
Về lâu dài, liệu liên minh như thế ở Nga có hiệu quả không thì vẫn chưa được rõ. Từ một phía - trong nước, số dân theo Hồi giáo đang gia tăng, từ phía khác - trong những thành phố, một thế hệ mới đang lớn lên, và với họ, sự trở về với tôn giáo mang tính chất tìm về truyền thống hơn là một nhu cầu tâm linh.