Chiến tranh Chechnya và cuộc tấn công các nhà tài phiệt
Thiếu tướng Gennady Shpigun không có cơ hội nào được cứu sống. Chiến dịch sáng ngày 5-3-1999 đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng và kéo dài chỉ vài phút. Máy bay Tu-134 tại sân bay Groznyi đang chờ tín hiệu cất cánh để bay về Moskva thì bị những người đàn ông mang mặt nạ tấn công, những kẻ biết chính xác mình cần ai. Quân bắt cóc lôi đại diện Bộ Nội vụ Nga ở Chechnya từ máy bay xuống và biến mất về một hướng không xác định trên chiếc ô tô được chuẩn bị đặc biệt. Thi thể Shpigun chỉ được tìm thấy vào đầu tháng 4, không xa một ngôi làng miền nam Chechnya.
Vài tháng sau, vào tháng 8, hàng trăm quân du kích Hồi giáo có vũ trang tấn công Cộng hòa Kavkaz Dagestan. Những kẻ cực đoan do thủ lĩnh phe ly khai Shamil Basayev và một người gốc Cherkes ở Arabia Saudi là Amir Ibn Al-Khattab lãnh đạo, tuyên bố thành lập Cộng hòa Hồi giáo ở Dagestan. Thế nhưng, chúng không thể bắt người dân ăn mừng chúng như những người giải phóng. Ngược lại: đa số cho rằng chúng là những kẻ cuồng tín và tiếm đoạt, nên đã phản kháng. Trong những trận chiến kéo dài nhiều tuần lễ, các đơn vị vũ trang Nga cuối cùng cũng đã đánh tan những kẻ tiên phong của cái gọi là quốc gia Hồi giáo.
Tháng 9, trong vòng vài ngày đã xảy ra một loạt các vụ khủng bố: những vụ nổ phá hủy các tòa nhà dân cư ở Moskva và các thành phố khác của nước Nga. Hàng trăm người chết, bị tàn phế, bị thương. Đáp lại, tân Thủ tướng tuyên bố tiến hành cuộc chiến tranh Chechnya, mặc dù nó không nằm trong thẩm quyền chính thức của ông (118).
“Tôi đã nghĩ, đó là bắt đầu của kết thúc, mặc dù tôi thậm chí còn chưa bắt tay vào việc. Nhìn chung mà nói, cuộc xung đột đó nằm trong phạm vi trách nhiệm của tổng thống, và tôi có thể thư giãn và đợi đến bầu cử tổng thống. Nhưng tôi không thể làm như thế”. Vladimir Putin ngưng một chút, rót trà cho mình rồi tiếp tục cuộc trò chuyện của chúng tôi trong văn phòng ông: ông khái quát hành động của mình như một biện pháp triệt để, mà phương Tây chỉ hiểu được sau các cuộc khủng bố 11-9, đại thể là nếu họ hiểu.
“Về mặt chính thức, thủ tướng như tôi nói chung không có quyền đó, bởi đó là nhiệm vụ của tổng thống. Nhưng nếu khi đó tôi hành động không nhất quán, nước Nga sẽ bị kéo vào một loạt bất tận những cuộc chiến địa phương đẫm máu, và chúng tôi sẽ là Nam Tư thứ hai. Vì thế, tôi đã hành động như cần hành động”, ông nói.
Đó là một cuộc xung đột cũ mà Thủ tướng vừa được bổ nhiệm thừa hưởng từ thời Xô viết. Stalin ra lệnh trục xuất sang Kazakhstan gần nửa triệu người Chechnya, bởi họ dường như đã cộng tác với quân đội của nước Đức Hitler. Vào thời Khrushev, họ được phép trở về quê hương. Với sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, ngày 1-11, Tổng thống Chechnya Dzhokhar Dudayev, cựu tướng lĩnh quân đội Nga, đơn phương tuyên bố độc lập cho cựu Cộng hòa tự trị Xô viết này. Thực tế, chỉ có mỗi Gruzia công nhận nó, nhưng cũng chỉ trong một thời gian ngắn.
Tiếp sau đó, quá trình “Chechnya hóa” khu vực đã dẫn đến cuộc di tản hàng loạt của hơn 200 nghìn dân Nga chỉ trong vài tháng. Boris Yeltsin ra lệnh can thiệp quân sự lần thứ nhất. Đó là một cuộc xung đột đẫm máu và không được ưa chuộng. Vì những tổn thất nặng nề, tâm trạng phản chiến gia tăng. Nước Nga không thể chiến thắng trong cuộc xung đột với một cộng hòa nhỏ và không lâu trước cuộc tái cử, Yeltsin đã phải ký thỏa thuận ngừng bắn, vừa đủ che đậy thất bại nhục nhã. Trong thỏa thuận hòa bình ký một năm sau đó, vấn đề độc lập cũng được đặt ra. Những năm tiếp theo, Chechnya biến thành một nhà nước thất bại cổ điển. Các chỉ huy chiến trường và gia tộc giao chiến khốc liệt với nhau nhân danh Hồi giáo, độc lập Chechnya hoặc các lợi ích làm ăn của họ. Nạn bắt cóc biến thành việc kinh doanh có lợi. Cơ cấu chính quyền quốc gia thật sự không còn.
Trong chiến dịch mới chống Chechnya năm 1999, hai phía đánh nhau dữ dội và khốc liệt, bất chấp tổn thất. Hàng trăm thường dân trở thành nạn nhân của những vụ đánh bom của quân đội Nga, chiến thuật du kích Hồi giáo dẫn đến tổn thất lớn cho các đơn vị Nga. Số binh lính bị thiệt mạng tăng cao. “Trên giấy, chúng tôi là một quân đội khổng lồ, nhưng lại có rất ít đơn vị phù hợp cho các chiến dịch như vậy”, Putin nói, “đó là cơn ác mộng”. Cuộc tàn sát đó đã báo động các tổ chức nhân quyền và chính khách. Phương Tây chỉ trích nó như một cuộc phiêu lưu của KGB mà thậm chí sau khi Liên Xô tan rã cũng chưa chịu hiểu thế nào là những giá trị như văn minh, độc lập của các nước bên ngoài khuôn khổ khối cộng sản cũ.
Ở nước Nga, ngược lại, sự nổi tiếng của chính khách ít được biết đến trước đó, Vladimir Vladimirovich Putin với việc thể hiện quan điểm cứng rắn của ông, lại tăng nhanh, trong đó nhờ những phát biểu khiến người ta nhớ như lời hứa “nhận nước” bọn khủng bố khắp nơi, “thậm chí là vào bồn cầu” (119). Vladimir Putin cố giải thích tại sao ông hành động như thế mà không là cách khác, và tìm cách hợp tác với Hoa Kỳ. Trong bài báo đăng tháng 11-1999 trên tờ New York Times dưới nhan đề: “Vì sao chúng ta phải hành động?”, Thủ tướng mới viết: “Chúng tôi đánh giá cao quan hệ với Hoa Kỳ, và quan điểm của Hoa Kỳ quan trọng với chúng tôi. Vì thế, cho phép tôi giải thích hành động của mình. Hãy tạm quên trong một phút những tin tức bi thảm từ Kavkaz và hãy nghĩ gì đó hòa bình. Những con người bình thường ở New York hay Washington đang ngủ trong nhà mình. Bỗng nhiên, những tiếng nổ vang lên, hàng trăm người chết ngay trong khu mình sống, trong khu phố Watergate ở Washington hay West Side ở Manhattan. Hàng nghìn người bị thương, vô số người tàn phế. Đầu tiên, cơn hoảng loạn chỉ ngự trị trong các vùng xung quanh, sau đó lan ra toàn đất nước”. Mô tả kịch bản giả định này, ông tiếp tục: “Người Nga không cần phải tưởng tượng tình huống này. Hơn 300 người ở Moskva và các thành phố khác đã bị tấn công bởi cú đánh chết người này: bọn khủng bố đặt chất nổ dưới năm tòa chung cư và phá hủy chúng” (120).
Không đầy hai năm sau, hình ảnh khủng khiếp này đã biến thành sự thực: những kẻ khủng bố Hồi giáo đã thực hiện vụ tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, và Hoa Kỳ cùng với các đồng minh đã tiến hành cuộc chiến chống khủng bố toàn thế giới, kéo dài tới tận ngày nay và đã gây ra cái chết của hàng chục ngàn sinh mạng. Không lâu trước đó, để tăng mức ủng hộ mình, các đối thủ của Putin bắt đầu phổ biến ở phương Tây giả thiết rằng chỉ thị tiến hành khủng bố ở Moskva dường như do Thủ tướng ban hành (121). Nhưng họ không trình ra được những bằng chứng quan trọng để thuyết phục. Từ lúc đó (nếu không sớm hơn), họ bắt đầu tiến trình bôi xấu Vladimir Vladimirovich Putin.
Đối với Boris Berezovsky, quyết định có lợi cho ứng viên Vladimir Putin - không là gì khác hơn việc tiếp tục logic của mô hình kinh doanh đã được chứng minh. Ông cùng với Roman Abramovich, đến lúc đó cũng đã trở thành “người của ta” ở Kremlin, cơ cấu một tổ chức kiểu như “đảng lựa chọn tổng thống” dưới tên gọi Đảng Nước Nga thống nhất để tham gia tranh cử quốc hội không lâu trước khi thay đổi đội canh gác vào tháng 12. Chủ tịch đảng không cần phải tìm kiếm lâu: chức vụ đó được giao cho Sergey Shoigu, người bạn của Putin. Bản thân Thủ tướng, là ứng viên tổng thống, không muốn chính thức đồng nhất mình với một đảng phái nào để phòng khi “Nước Nga thống nhất gặp thất bại. Mục tiêu duy nhất của đảng này - thành lập để làm chỗ dựa cho Putin trong Quốc hội (122).
Công thức cũ của việc phân công trách nhiệm đã chứng tỏ hiệu quả ngay cả trong lần này. Trong điều kiện quen thuộc của mình, Boris Berezovsky đã một lần nữa, cũng giống như trước cuộc bầu cử cuối cùng của Yeltsin, đưa đế chế truyền thông của mình vào hoạt động, bảo đảm công tác truyền thông cho ứng viên bên mình và làm mất uy tín các đối thủ chính trị ở phái cộng sản.
Những nhà tài phiệt còn lại thì đóng góp chi phí từ quỹ của mình cho kế hoạch của các thành viên câu lạc bộ tinh hoa. Abramovich không chỉ chi tiền, ông ta còn nhờ cha đỡ đầu vốn đã tiếp cận được giới chóp bu quyền lực, củng cố quan hệ với con gái Yeltsin là Tachiana và giờ đây đã gần hơn với Putin. Hai người đàn ông ném cho nhau những cái nhìn thẩm định và cảm thấy thông cảm nhau. Putin cần Abramovich trong cuộc chiến sắp tới với các nhà tài phiệt. Nhà lãnh đạo chính trị tương lai đánh giá cao phong thái hành xử dè dặt của nhà lãnh đạo kinh tế tương lai. Nhà tỉ phú trẻ, khác với những nhà tài phiệt còn lại, mặc dù có thể ở nhà, anh ta cư xử như một “nouveau riche” [nhà giàu mới] và không cho phép mình thể hiện thái quá, nhưng ở Nga, anh ta thể hiện rõ hình ảnh một người khai phá thương trường tỉnh táo và đứng đắn. Với những trò lố lăng ở mức độ cao nhất, anh ta chỉ cho phép mình khi ở nước ngoài.
Berevovsky khoan ái quan sát diễn tiến sự kiện, hơn thế nữa, tiền chi cho “nóc nhà” vẫn đều đặn rót vào tài khoản của ông ta như trước. “Tôi xem cậu ta như người mình đỡ đầu từ thế hệ trẻ hơn. Cả hai chúng tôi đều có lợi, nếu cậu ta giữ được những mối quan hệ tốt đẹp với thế hệ tiếp theo của vòng thân cận nhất ‘gia đình’ Yeltsin”, Berezovsky nói (123). Ông không thể nào tưởng tượng rằng vì sự thay đổi thế hệ này mà chẳng bao lâu sau, ông sẽ phải rời khỏi con tàu.
Đảng Nước Nga thống nhất - là bất ngờ chính tại cuộc bầu cử tháng 12-1999. Nó nhận được 23% phiếu và ngay lập tức xếp thứ hai sau những người cộng sản. Cuối tháng 12, ngay đêm giao thừa, Yeltsin từ chức và bổ nhiệm Putin làm quyền tổng thống. Vài tháng sau, Putin thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, tự tin đánh bại ứng viên cố định của Đảng Cộng sản là Gennady Zyuganov.
Chechnya chỉ là một trong số nhiều mặt trận khi đó. Nhiệm vụ chính trên chiến trường chính trị ở nhà - đó là giải quyết hoàn toàn chính xác vấn đề liệu Kremlin có lấy lại được quy chế của một trung tâm quyền lực chính trị độc lập, hay vẫn là trung tâm điều khiển dưới sự kiểm soát của các nhà tài phiệt. Đây sẽ là cuộc đối đầu có tính quyết định trong sự nghiệp của Vladimir Putin. Con người với “tâm thế phục tùng” trong những tháng tới sẽ chính thức chỉ cho những ai đã đưa ông lên chức vụ này thấy rõ đâu là biên giới ảnh hưởng của họ, và thử đặt ra luật chơi khác.
“Đất nước tan rã từ bên trong. Rõ ràng cần phải hành động, thậm chí với hiểm họa thất bại. Từ phía khác, chúng tôi chẳng còn gì để mất”, Putin nhìn lại phía sau và mô tả tình huống xuất phát của mình. “Vì thế, tôi bắt tay vào việc”.
Những vấn đề và động cơ
Trong cương vị quyền tổng thống, Vladimir Putin đã hành động một cách chiến thuật, dần thay đổi người ở các vị trí chủ chốt. Từ góc nhìn của ông, điện Kremlin ngay từ đầu đã giống như mê cung hơn là trung tâm quyền lực, và chính điều đó đã giải thích chiến thuật của ông. Ông bắt đầu hạ thấp ảnh hưởng “gia đình” Yeltsin. Con gái Yeltsin - Tachiana - và Valentin Yumashev rời khỏi chính quyền tổng thống và được thay bằng người của Putin. Một mặt, Tổng thống giữ khoảng cách với những ông trùm kinh tế, mặt khác, ông hiểu rất rõ mình không có lựa chọn. Vấn đề của ông tiêu biểu cho tất cả những ai bất ngờ bay lên các chức vụ cao: để sống sót, phải biết giữ cân bằng. Công thức được Putin ứng dụng ngay cả hôm nay - đó là kết hợp sự gắn bó với trách nhiệm. Ông phải tìm tới sự giúp đỡ của những người ông tin tưởng. Theo quy luật, đó là những người gần với môi trường của ông, những người quen cũ ở nơi làm việc trong chính quyền Saint Petersburg hay trong giới tình báo. Những ứng viên khả dĩ khác vào các chức vụ này, sở hữu đủ trình độ, đang làm việc với mức lương chóng mặt trong thế giới tài phiệt, và họ có những hình dung hoàn toàn khác về cuộc sống. Bản tuyên ngôn tư bản của thế hệ này trong hình thái châm ngôn đã được Mikhail Khodorkovsky đưa ra trong cuốn sách xuất bản năm 1992: Con người và đồng rúp: “La bàn của chúng tôi - lợi nhuận” - lời hiệu triệu chiến đấu đã vang lên như thế. “Thần tượng của chúng tôi - Đức Hoàng đế tài chính Vốn” (124). Và tất cả là thế, bất chấp tổn thất.
Sergey Ivanov là một trong những người được Putin bổ nhiệm vào chức vụ khi vẫn còn ở ghế Giám đốc FSB, để bên cạnh ông trong ban lãnh đạo cao cấp có một người tin cậy. Hiện nay, ông này lãnh đạo chính quyền tổng thống và là một trong những chính khách ảnh hưởng nhất đất nước. Cả hai đều quê ở Saint Petersburg, đều từ những gia đình không giàu có, quen biết nhau từ khi bắt đầu học ở bộ phận tình báo đối ngoại. “Bộ phận này là khả năng duy nhất, ngoại trừ ngành ngoại giao, ra được nước ngoài, nơi có thể cảm thấy mình là một người tự do, độc lập”, người cựu điệp viên giải thích sự lựa chọn ngành nghề của mình nhiều năm trước. “Bộ Ngoại giao không đặc biệt hấp dẫn chúng tôi. Ưu thế của ngành này là ở chỗ, chúng tôi ngay từ những năm đó đã thấy những gì rất khác với Liên Xô. Ngoài ra, tôi đứng đầu một mạng lưới điệp viên. Chúng tôi thường xuyên phân tích, so sánh hệ thống văn hóa, kinh tế, chính trị phương Tây làm việc thế nào và những gì không làm được ở đất nước chúng tôi”.
Cũng như Putin, Ivanov có một thời gian dài sống ở nước ngoài, hơn thế lại là phương Tây, ở Helsinki, London và châu Phi. Ông không phải là chiến hữu duy nhất của Putin trong giới tình báo. Các cán bộ Putin nhận vào làm việc cho mình là sự kết hợp giữa sự tự nhận thức của giới tinh hoa và cảm giác sứ mệnh cá nhân. Còn một nguyên nhân nữa cho sự lựa chọn nhân viên này - đó là không có lựa chọn: vào lúc đó, sự hỗn loạn của Nga một lần nữa đạt đến một trong những đỉnh điểm.
Hiện nay, Sergey Ivanov gặp vấn đề về việc tự do đi lại. Từ tháng 4-2014, vì cuộc xung đột Ukraine, ông nằm trong danh sách “persona non grata” [nhà ngoại giao không được nước sở tại chấp nhận], bị cấm vào EU và Hoa Kỳ (125). Khi đó, ông không thể tưởng tượng nỗi vấn đề này. Putin bổ nhiệm ông vào chức vụ người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia hùng mạnh, Bộ trưởng Quốc phòng và Phó Thủ tướng. “Khi đó, nhiệm vụ chúng tôi là làm đất nước - một lần nữa - điều khiển được”, Ivanov đã mô tả động lực chung của đội ngũ Putin ở thời điểm chuyển giao thế kỷ. “Chúng tôi đã đứng xòe tay và chỉ đợi xem IMF có cho tiền chúng tôi hay không. Liệu chúng tôi có thể trả lương cho công chức, bác sĩ và thợ mỏ hay không. Chúng tôi cần một trật tự xã hội cơ bản, chứ không phải chính quyền KGB khát máu và không phải kỷ luật công an. Cái chính là khả năng quản lý và độ tin cậy trong cuộc đối đầu chính trị”.
Mọi thứ còn lại đều được thực hiện bằng cách thử và sai. Cán cân quyền lực thay đổi. Những quyết định có tính nguyên tắc của Tổng thống không thể dễ dàng hủy bỏ chỉ bằng một cú điện thoại đến điện Kremlin nữa. “Cha đỡ đầu” Boris Berezovsky thấy phiền nhiễu vì sự cứng rắn liên quan tới Chechnya. Chiến tranh đe dọa những lợi ích của ông ta. Theo giả định của New York Times, ông ta có quan hệ tốt với những kẻ ly khai bởi họ có ích cho ông trong quan hệ chính trị lẫn cá nhân. Chính tờ New York Times này năm 2000 đã giải thích sự bực tức ngày càng tăng giữa người bảo trợ và người tuy được bảo trợ nhưng ngày càng chọn những con đường riêng của mình (126). Nỗ lực của Berezovsky nhằm thuyết phục lại Putin đã gặp thất bại.
“Ông ta không hiểu Putin thật sự là ai”, Sergey Stepashin, người tiền nhiệm của Putin trong chức thủ tướng, đã lý giải nguyên nhân thất vọng của Berezovsky. “Khi đó tôi vừa từ chức đã chuyển sang Duma, và ông ta luôn nói với mọi người là chính ông đã làm cho Vladimir thành người như hiện tại. Nhưng ngay cả Mephistophel(41) cũng có thể sai lầm (127)”. Và không chỉ một mình ông ta mắc sai lầm trong tính toán.
(41) Mephistophel là ác quỷ trong văn hóa dân gian Đức, làm việc dưới trướng quỷ Sa-tan, chuyên đi bắt linh hồn của những kẻ bị kết tội hay tham nhũng. Nó được miêu tả có hình dáng con người, móng tay dài như phù thủy, khuôn mặt đáng sợ của quái vật và đôi cánh của thiên thần - BTV.
Tổng thống đã củng cố quyền lực của mình, dựa vào hệ thống thuế mới, sau đó quyết định thay đổi cơ cấu hành chính và kiểm soát các thống đốc từ Kremlin để củng cố chính quyền trung ương. Nhiều trong số hơn 80 các lãnh chúa địa phương thời Yeltsin đã làm giàu đáng kể bằng tiền nhà nước, tự động bán khoáng sản quý với giá rẻ mạt. Quốc hội thông qua luật với đa số phiếu. Đối với Boris Berezovsky, đó lại là một thất bại nữa. Hệ thống các mối quan hệ mà ông ta lập ra nhiều năm qua dần dần bị thu hẹp và bắt đầu tan rã. Ông chuyển sang tấn công đáp trả. Trong một thư ngỏ công bố trên tất cả các tờ báo lớn thủ đô, ông viết luật mới là “sự vi phạm dân chủ” (128). Ông thầy truyền thông chính trị áp dụng vũ khí thử nghiệm: các kênh truyền hình và báo chí thuộc nhà tài phiệt cùng nhắm mục tiêu đến Tổng thống. Không khí trở nên khắc nghiệt. Bắt đầu kết thúc chính trị của nhà đại điều khiển rối Berezovsky.
Chương trình và thực dụng
Vài tháng trước lễ nhậm chức chính thức của Putin, nhóm chuyên gia của Trung tâm các Kế hoạch Chiến lược Moskva đã làm việc với nhiều quan điểm, xem xét các kịch bản cho sự phát triển tồi tệ nhất của kinh tế Nga và những lối thoát có thể, nỗ lực hình thành một chiến lược phát triển mới cho những năm tới. Đội ngũ của Putin trẻ (từ 30 đến 40 tuổi) và không đông. Họ không phải là những nhà quản lý hàng đầu phục vụ các nhà tài phiệt đang thiết lập thanh điệu cho nền kinh tế, mà từ thế hệ mới với những nhà kinh tế gieo hy vọng, không có liên hệ với mô hình kế hoạch cũ của nền kinh tế quốc dân. Tất cả họ sẽ tạo dựng nên sự nghiệp ngoạn mục.
Kế hoạch tương lai do German Oskarovich Gref người gốc Đức phác thảo. Trong vòng bảy năm tới, ông sẽ giữ chức Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Thương mại Nga. Còn hiện nay, ông là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sberbank, ngân hàng lớn nhất Nga và lớn thứ tư ở châu Âu. Gref nằm trong Hội đồng Quản trị của nhiều công ty lớn của Nga và quen biết Putin từ khi còn làm việc trong chính quyền Thành phố Saint Petersburg, nơi ông cũng phụ trách khối tài sản thành phố.
Aleksey Kudrin, được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Tài chính cũng là một người quen tin cậy của Putin từ thời đó, khi ông phụ trách kinh tế và tài chính ở thành phố bên sông Neva và thuộc về cánh các nhà kinh tế tự do. Đồng tác giả thứ ba của chương trình không tham gia vào nhóm nam Petersburg: hiện bà họp trong tòa nhà được cải tạo lại ở địa chỉ phố Neglinnaya, số 26 với tấm biển “Ngân hàng Nga” ở mặt tiền. Từ năm 2013, Elvira Nabiullina lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Nga và thực hiện việc giám sát đồng tiền cũng như các định chế tài chính. Bà là người Ufa, thủ phủ của Bashkiriya. Vladimir Putin chọn người phụ nữ duy nhất này vào vị trí then chốt từ 15 ứng viên. Khi chọn, ông luôn tuân theo những nguyên tắc có thể gọi là “thăng tiến theo mức tăng của lòng tin”. Con đường lên đỉnh cao kéo dài, nhưng theo quy luật, việc hạ chức cũng diễn ra chậm như thế. Putin không vội vã từ bỏ người của mình. Ông đã nhiều năm quan sát Nabiullina, từ năm 2003 khi bà lần đầu tiên tham gia Hội đồng Bộ trưởng với chức vụ thứ trưởng phát triển kinh tế. Khi đó, ông lần thứ hai trở thành thủ tướng, và để bà ở lại vị trí Bộ Phát triển Kinh tế, và khi ông lần nữa được bầu vào chức tổng thống, ông tín nhiệm giao bà lãnh đạo Ngân hàng Trung ương. Để chắc chắn, ông bổ nhiệm người tiền nhiệm của bà làm cố vấn.
“Khi chúng tôi mới bắt đầu, có bốn trung tâm quyền lực tồn tại”, Kudrin đã mô tả như thế về mối tương quan lực lượng thiếu quân bình vào đầu kỷ nguyên Putin. “Chính quyền tổng thống, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, khối các nhà cải cách quanh tôi và Gref trong Hội đồng Bộ trưởng, và giới an ninh. Ngoài ra, còn một nhóm các bằng hữu riêng của Putin, chủ yếu là người Petersburg mà ảnh hưởng của họ suy yếu dần theo thời gian”. Thủ tướng đầu tiên của Putin, Mikhail Kasyanov, giữ chức vụ này từ tháng 5-2000 đến tháng 2-2004. Đó cũng là một người quen thân của Berezovsky. “Ông ta là kết quả của một hợp đồng chính trị mà việc ký kết nó có ‘gia đình’ tham gia ngay từ khi xác định các điều kiện của nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo. Nhưng tất cả chúng tôi đều lạc quan” (129).
Những mâu thuẫn và thất vọng trong nhóm cầm quyền nhanh chóng bộc lộ và được giải quyết bằng những phương pháp cứng nhắc - trong chính phủ cũng như bên ngoài khuôn khổ của nó. Thủ tướng cho rằng các cải cách diễn ra quá nhanh. Chính phủ chia rẽ. Putin tìm sự cân bằng giữa các phe phái, tùy cơ ứng biến, tăng cường các nhà cải cách, xoa dịu những người bảo thủ, cố không để vuột sự kiểm soát và giữ lại cho mình quyền đưa ra các quyết định độc lập. Cuối cùng, mọi việc tiến đến chỗ trao đổi công khai các nắm đấm giữa Thủ tướng Kasyanov và German Gref, người chịu trách nhiệm về kinh tế. Kasyanov triệu tập cuộc họp Bộ Phát triển Kinh tế, quy tụ tất cả các ban bệ và công khai tấn công Gref.
“Đó là sự chỉ trích gay gắt của Bộ trưởng Phát triển Kinh tế, được cố tình dàn dựng bởi tất cả các cấp dưới của ông ta, khoảng gần 300 người”, Kudrin nhớ lại sự sỉ nhục công khai đó. Sau đó, Gref lấy phép nghỉ ốm vài tuần và muốn từ chức. “Kasyanov cho rằng chương trình của chúng tôi quá tham vọng, và, ngoài ra, ông ta không thích vì không có ông ta tham gia”.
Putin khuyên can Gref đừng từ chức và bày tỏ sự ủng hộ chính trị với ông ta. Tổng thống có được nguyên cớ chờ đợi lâu nay để thay Kasyanov, người gắn với đội ngũ Yeltsin cũ, bằng một người mới. Không lâu trước đó, ông đã bổ nhiệm thêm một người quen Petersburg, luật gia Dmitry Medvedev làm người đứng đầu chính quyền tổng thống hùng mạnh. Thủ tướng mới Mikhail Fradkov trước đó từng là Bộ trưởng Ngoại thương Nga, sau đó Putin bắt đầu bổ nhiệm ông vào chức lãnh đạo cảnh sát thuế, rồi vào chức đại diện đặc mệnh toàn quyền Nga ở EU. Ba năm sau ông trở thành người đứng đầu Cục Tình báo nước ngoài (SVR).
“Quyết định bổ nhiệm Fradkov vào chức thủ tướng được Putin tự đưa ra”, Aleksey Kudrin phát biểu như thế về chính sách nhân sự của Tổng thống. “Nó được tạo điều kiện bởi ba nguyên nhân. Thứ nhất - các bạn bè ông trong KGB cũng đề nghị như thế. Thứ hai: Fradkov trước đó đã phụ trách về các quan hệ ngoại thương, làm việc ở nước ngoài rất nhiều, và tất cả xuất phát từ việc ông am hiểu kinh tế. Tôi cũng nghĩ, ông có những quan điểm hiện đại và ông là người tiến bộ nhất trong số những cán bộ cũ. Và thứ ba, Putin cần một người có thể chia sẻ ý kiến với ông. Cả hai thủ tướng, Fradkov và người tiền nhiệm ông ta, Putin luôn phải thúc đẩy để họ thay đổi gì đó. Những đề nghị của các bộ trưởng nằm đọng ở chỗ họ vĩnh viễn”.
Văn kiện đã nhắc ở trên, do Gref và các nhà cải cách khác thảo ra với tư cách chương trình của Chính phủ Putin, mang tên “Nước Nga tại thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ” và tổng kết hoàn toàn không thiên vị kết quả của những năm trước. “Kinh nghiệm thập niên 1990 đã chứng minh hùng hồn rằng: không thể đạt được việc đổi mới đất nước thành công mà không đi kèm với những phí tổn quá mức bằng việc làm đơn giản là đưa vào đất Nga những mô hình và cơ cấu trừu tượng tìm kiếm từ sách giáo khoa nước ngoài. Việc sao chép máy móc kinh nghiệm của các quốc gia khác cũng không dẫn đến thành công. Mỗi đất nước, kể cả nước Nga, có nhiệm vụ tìm kiếm con đường cách tân của riêng mình. (…). Chúng ta đang ở giai đoạn mà thậm chí mỗi chính sách xã hội, kinh tế đúng đắn nhất khi đưa vào cuộc sống cũng gặp trục trặc do sự yếu kém của chính quyền nhà nước, của các cơ quan quản lý” (130).
Điều đó thực tế có nghĩa là gì, Vladimir Putin giải thích cho giới tinh hoa kinh tế dự họp vào ngày hè ấm áp tháng 7-2000, khi triệu tập tầng lớp trên của cộng đồng các nhà tài phiệt tham gia cuộc thảo luận tại điện Kremlin và chuẩn bị cho trận chiến. Ông dạy họ một bài học đặc biệt. Các đại diện doanh nghiệp đã lo lắng từ trước đó. Ngay sau bầu cử chủ nhân mới điện Kremlin đã đưa ra nhận xét gây ồn ào. Vladimir Vladimirovich công khai tuyên bố rằng thời của giới tài phiệt đã qua và cuộc đấu tranh chống tội phạm - đó cũng là cuộc đấu tranh chống tham nhũng (131).
Thông điệp của ông cho giới tài phiệt, đó là lời tuyên chiến dù không phải tất cả phát biểu của ông đều duy trì trong giọng điệu châm biếm cay độc như lúc đầu. “Chính các ngài đã hình thành quốc gia này qua những cơ cấu các ngài kiểm soát, vì thế không nên đổ lỗi cho tấm gương. Cần thảo luận xem nên làm gì để các mối quan hệ trở nên dân chủ, hoàn toàn văn minh và minh bạch” (132).
Các đối thủ kinh tế nặng cân phải đưa ra quyết định: hoặc tham gia chính trị, hoặc làm kinh doanh. Họ phải chấm dứt sự thao túng của mình trong các hành lang quyền lực, thêm vào đó, họ phải đóng thuế. Đó không phải là những lời đe dọa rỗng tuếch. Không phải ngày đầu tiên mà tất cả các cuộc bàn luận trong các giới thượng lưu của xã hội lại xoay quanh một biến cố thất thường. Không lâu trước cuộc gặp, một trong những người “phe ta” đã bị đưa vào trại tạm giam vì bị cáo buộc gian lận. Bị cáo, Vladimir Gusinsky - không đơn giản là một nhà tài phiệt nào đó mà là một trong những thành viên của câu lạc bộ độc quyền bảy triệu phú tài trợ cho cuộc tái cử của Yeltsin, mặc cho việc tất cả họ không thể chịu đựng được nhau (133). Trong cuộc chạy đua cho chức vụ tổng thống, kênh truyền hình tư nhân NTV của Gusinsky và kênh ORT của Berezovsky đã phá hủy có hệ thống uy tín đối phương.
Hiện kênh NTV dần bắt đầu chiến dịch chống lại nguyên thủ mới của quốc gia bởi những quyết định của ông ta không làm Gusinsky hài lòng. Bước vào thị trường truyền thông, chủ ngân hàng và cựu giám đốc đã theo đuổi cũng những mục tiêu như thế và cũng không tiếc tiền, như chính Berezovsky. “Điều đó được thực hiện chỉ để có được ảnh hưởng, ảnh hưởng 100%, lên các chính khách và lên xã hội”, ông ta đã mô tả như thế về động cơ và chủ đích đầu tư của mình vào lĩnh vực này trong cuộc nói chuyện với cựu phóng viên Washington Post David Hoffman (134).
Cáo buộc của Vladimir Gusinsky dẫu sao cũng đã được dỡ bỏ sau đó. Thế nhưng, tuyên bố chiến tranh đã được nghe thấy. Ông trùm truyền thông vì cuộc khủng hoảng kinh tế đã nợ Gazprom và bán cho tập đoàn năng lượng quốc gia này toàn bộ đế chế truyền thông của mình với giá 300 triệu đô la. Sau đó, khi ở nước ngoài, ông than phiền là phải đi tới quyết định này bởi những đe dọa từ phía chính quyền, bởi ngược lại, họ sẽ tiến hành những cuộc điều tra mới chống lại ông (135). Điều tra gì, ông không nói.
Chiến dịch xác định khuôn khổ cho các lãnh đạo kinh tế - đó là một công việc mạo hiểm và khắc nghiệt. Nga đang ở giai đoạn tàn bạo và tham nhũng nhất của chủ nghĩa tư bản. Thật tình, Putin có quyền lực, ông tích lũy được hàng khối thông tin về các thủ thuật tội phạm mà nhờ đó, giới tài phiệt đã kiếm được bạc tỉ. Ông có thể huy động công tố viện và sở hữu thêm một ưu thế nữa: cộng đồng tài phiệt xác định con người có mái tóc thưa này tuy làm việc hiệu quả nhưng cũng chỉ là người thừa hành nên do đó, đã không đánh giá ông đúng mức.
Thế nhưng 30 người, ngồi sau bàn, bắt đầu trao đổi ý kiến. Thực tiễn đang có lợi cho họ. Các nhà tài phiệt vẫn như trước, có ảnh hưởng và tiền tỉ, trong tài sản của họ có những doanh nghiệp quan trọng nhất cho nền kinh tế Nga, còn các nhà quản trị của họ thì sở hữu những kiến thức kinh tế cần thiết. Họ sẽ tự bảo vệ. Vladimir Putin biết rằng phát triển kinh tế chỉ chịu sự quản lý đến một mức độ nào đó, còn việc chấm dứt phân chia lại tài sản, mà đến thời điểm ấy đã diễn ra nhiều năm, đòi hỏi một cuộc chiến khắc nghiệt. Quốc gia đã phá sản, cần tiền gấp, và nó hầu như không có chuyên gia. Các nhà tài phiệt có thể hành động, bỏ qua yêu cầu của Tổng thống, và họ đang thử làm điều đó. Vị thế khởi điểm của tổng thống tương đối yếu.
Vì vậy, ông chuẩn bị cho những thành viên cuộc họp một thỏa hiệp hấp dẫn - một hợp đồng mà họ khó khước từ. Nếu các doanh nhân tiếp nhận đề nghị này và chấm dứt sử dụng nhà nước như cửa hàng tư nhân bảo đảm lợi ích riêng của họ, họ sẽ được phép giữ lại các công ty mà họ đã chiếm được bằng con đường phạm pháp. Bằng những điều kiện đó, nhà nước đang đề nghị hòa bình với giới tài phiệt.
“Không nghi ngờ gì, vào những năm này đã có nhiều sự bất công. Nhưng chúng tôi, tiếc thay, đã đi theo con đường này và trong nhiều trường hợp, sẽ tốt hơn nếu để mọi thứ như nó đang hiện có thay vì bắt đầu tất cả lại lần nữa”, Vladimir Putin mô tả chiến lược của mình vào đầu nhiệm kỳ thứ nhất, rồi sau đó nhún vai, “dĩ nhiên, đó là đánh giá thực tế tương quan lực lượng cần thiết để có thể thay đổi điều gì đó nói chung, mà chúng tôi nhất định là muốn thay đổi tình hình mình đang lâm vào”.
Ngay sau đó, trong cuộc bàn luận với phóng viên tờ New York Times, Khodorkovsky đã diễn giải cuộc gặp này từ quan điểm của giới tài phiệt: “Ông ta khẳng định với chúng tôi rằng kết quả của tư hữu hóa sẽ không bị xét lại, rằng một trong những nhiệm vụ hàng đầu của nhà nước sẽ là tiếp tục phát triển kinh tế Nga” (136). Xây dựng đế chế dầu hỏa Yukos dựa trên việc sở hữu một cách đáng ngờ tài sản nhà nước, Khodorkovsky đã thực hiện một trong những hợp đồng có lợi nhất trong những năm qua. Ông ta không phổ biến những điều kiện của thỏa thuận, thêm vào đó, ông cũng chẳng quá mong muốn chơi theo luật đã công bố. Những người còn lại cũng phản ứng thận trọng, và chờ. Tâm trạng chung là giới làm ăn đã nghe lời kêu gọi của Tổng thống và sẽ tuân thủ pháp luật, nếu nhà nước không sờ đến tài sản mới sở hữu của họ. Cuộc chiến chỉ vừa mới bắt đầu. Những người có mặt nhận thấy Boris Berezovsky, Roman Abramovich và Vladimir Gusinsky không được điện Kremlin mời. Những thành viên cuộc gặp thảo luận nguyên nhân quyết định này và hợp đồng có thể giấu sau đó, vì thế sự hiện diện của những người ấy tại cuộc gặp được cảm nhận rất rõ mặc dù về thực thể, họ không có ở đó (mà có thể, chính vì thế). Các báo viết, Sibneft đã trả chỉ 1/3 số tiền thuế vào ngân quỹ quốc gia cho một công ty tầm vóc như thế (137).
Trước đó Putin, Gref và Kudrin nhiều tuần liên tục tranh cãi về các phương thức bổ sung vào ngân quỹ quốc gia đang trống rỗng. Gref và Kudrin muốn gặp các doanh nhân. Đề nghị của Bộ trưởng Tài chính rất đơn giản nhưng cũng triệt để: bởi vì theo nguyên tắc, các công ty luôn tránh nộp bất cứ loại thuế nào, nên trong tương lai, họ sẽ được đề nghị chỉ nộp 13% thuế. Điều đó, theo ý của Gref, sẽ đủ để giải quyết nợ lương hưu và trả lương cho khu vực công. Sau đó sẽ tính xem làm gì tiếp theo. Thế nhưng những khoản thuế được giảm này phải được thu một cách hết sức nghiêm khắc, không một ngoại lệ nào (138).
German Gref nhớ lại, đề nghị của ông đã được tiếp nhận hoài nghi ra sao. “Putin hỏi: ‘Ông tin chắc là việc giảm thuế sẽ không làm giảm thu nhập quốc gia không?’. Tôi nói: ‘Đúng’. Ông ấy tiếp tục: ‘Còn nếu ông sai?’. Tôi đáp: ‘Khi đó, tôi sẽ từ chức’. Putin nhận xét khô khan: ‘Vậy điều đó giúp gì cho ngân sách? Việc từ chức chính trị của ông đâu làm giảm tổn thất’”.
Bộ Tài chính thành lập một bộ phận riêng phụ trách về những tập đoàn lớn và năm 2000, lần đầu tiên gởi thanh tra về các địa phương để kiểm soát việc nộp thuế. Việc trốn thuế không còn được xem là vi phạm nhỏ có thể tha thứ nữa. Một luật mới thông qua, tăng sức ép và ngăn chặn tình trạng vô chính phủ trước đây trong lĩnh vực này. “Bây giờ, tôi cần đưa vào cuộc sống kế hoạch riêng của mình”, Kudrin, Bộ trưởng Tài chính khi đó viết. “Chúng tôi bắt đầu trả lương cho quân nhân, bác sĩ, thầy cô giáo cũng như các khoản tiền hưu còn nợ đến khi đó, và chúng tôi đã có thể làm điều đó thường xuyên, đồng thời bắt đầu thu thuế”. Việc che giấu nợ thuế giờ đây, bắt đầu từ một số tiền nhất định, trở thành tội hình sự và có thể bị kết án phạt số tiền lớn hoặc án tù. Nhờ những quy định mới trong kế toán, việc rút tiền triệu ra khỏi ngân quỹ công ty và chuyển tiền mặt bí mật hay công khai là rất khó. Việc trả tiền cho “nóc nhà” như trước, bằng tiền mặt, cũng trở nên rủi ro.
Các kiểm soát viên viếng thăm Sibneft của Abramovich và nghiên cứu cách thức sáng tạo của ông ta trong việc kế toán. Chi phí chính trị gia tăng - trong tất cả các quan hệ. Boris Berezovsky không hiểu tại sao ảnh hưởng của ông ta lên Putin lại trở nên giảm sút. Kênh truyền hình ORT của ông ta tăng cường tấn công lãnh đạo chính phủ, áp dụng những biện pháp so sánh dọa dẫm như với nền độc tài cộng sản những năm quá khứ. Berezovsky chờ đợi ở người lãnh đạo đất nước nhiều hơn lòng biết ơn, bởi ông ta xem người đó như tay sai của mình.