Thảm họa “Kursk” và hậu quả của nó
Trung úy thuyền trưởng Dmitri Kolesnhikov còn ít thời gian để viết nguệch ngoạc lên giấy vài dòng vĩnh biệt. Trong tàu ngầm K-141 “Kursk” nằm ở đáy biển Barents ở độ sâu 108 mét, không khí đang cạn dần. Ông ghi lại chính xác thời gian và đặt nó cạnh ngày tháng. Ngày 12 tháng 8 năm 2000 - ngày đen tối trong lịch sử hải quân Nga. Thời gian: 15.45. “Quá tối để viết nên tôi thử viết mò. Cơ hội, dường như, không còn, 10 đến 20%. Chúng tôi hy vọng có ai đó sẽ đọc được. Ở đây có danh sách nhân sự các khoang, một số nằm ở khoang số 9 và đang cố thoát ra ngoài”. Viên sĩ quan hải quân bổ sung vào đó mấy từ: “Chào tất cả” rồi viết thêm: “Đừng tuyệt vọng”. Đó có thể là lời cổ vũ chính mình (139).
Vài tháng sau, mẩu giấy này cùng với thi thể 118 thủy thủ đã được đưa lên từ con tàu đắm mà lúc trước, nó từng là một trong những tàu ngầm nguyên tử hiện đại nhất và lớn nhất của hạm đội Nga. Nguyên nhân chính thức của thảm họa, được nêu ra trong báo cáo điều tra - là trục trặc khi phóng ngư lôi. Sau hai tiếng nổ trên tàu, tai nạn “Kursk” đã trở thành đòn đánh chí mạng vào hình ảnh tổng thống. Putin vừa mới tới Sochi để nghỉ ngơi bên Biển Đen, và đã đánh giá thấp một cách không thể tha thứ quy mô thảm họa. Buổi tối, Bộ trưởng Quốc phòng Igor Sergeyev gọi cho ông thông báo Kursk “đã mất liên lạc” nhưng tình hình dường như vẫn trong vòng kiểm soát (140). Trên thực tế, kiểm soát cũng đã mất, và ban lãnh đạo hải quân hoàn toàn không đối phó được với tình huống.
Các Đô đốc cố giấu quy mô thảm họa, im lặng trước người thân của các thủy thủ và từ chối sự giúp đỡ của nước ngoài vì sợ gián điệp. Putin tiếp tục lướt sóng và phơi nắng. Chỉ đến khi cú điện thoại của Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton nhất mực gặng hỏi về thảm họa Kursk, mới kéo ông ra khỏi bài ca điền viên này. Hơn một tuần sau tai nạn, khi bi kịch quốc gia đã biến thành scandal quốc tế, ông mới đến căn cứ hải quân trên biển Barents. Ở đó, người thân của các thủy thủ đang đợi ông, những người trong tình trạng mù mịt thông tin, không phải ngày đầu tiên, tức giận và tuyệt vọng. Họ lớn tiếng chỉ trích ông, hỏi tại sao đến giờ ông mới tới. Không ai nói với ông rằng không còn gì để hy vọng.
Đối với Vladimir Putin, đó là kịch bản tồi tệ nhất. Các kênh truyền hình chiếu vị tổng thống bất lực trong complê đen, trên gương mặt ông là sự pha trộn giữa xấu hổ, bàng hoàng và giận dữ. Giận dữ không kém, với chính mình và với những ai đã đưa ông vào tình thế đó. Không phải ông không biết phát biểu trước ống kính. Ông có thể đóng gần như bất cứ vai trò nào. Nhưng giờ đây, ở vai trò tổng thống, mà từ góc nhìn của những người thân các thủy thủ, và không chỉ mỗi mình họ, Tổng thống đã không xoay xở được với nhiệm vụ của mình.
Ông biết điều đó, và về mặt cảm xúc chỉ có thể bày tỏ sự ngỡ ngàng. “Tôi không thể tưởng tượng”, ông nói, nhợt nhạt và bối rối, từ chiếc ghế nhỏ trong hội trường Nhà sĩ quan của căn cứ hạm đội Vidiayevo, “rằng đất nước, quân đội và hạm đội lại trong tình cảnh thế này” (141).
Chỉ vào lúc đó, ông mới hiểu tận tường trên thực tế, tình hình xấu như thế nào ở nước Nga. “Tất cả phương tiện đã bị phá hủy. Không còn một chút gì”, ông nói - như với chính mình hơn là với người thân của lính thủy. Người ta ngắt lời ông. Mọi người muốn nói, không muốn nghe. Ông lắng nghe, một lần nữa giải thích bằng những lời khác, rằng không thể làm gì, và nói với họ, tình hình là vô vọng. “Thâm nhập tàu”, ông nói, “hôm nay là không thể. Nếu có thể, chính tôi đã leo vào đó”. Đã 11 ngày kể từ lúc xảy ra thảm họa. Thủy thủ đoàn đã chết chỉ vài giờ sau khi thuyền chìm xuống đáy.
Ngược lại, Berezovsky đã trải qua những giờ phút hoàng đạo của mình như một nhà truyền thông. Kênh truyền hình quốc gia ORT mà ông ta lèo lái, đã lắp ghép các khung hình cú va chạm cảm xúc của người thân thủy thủ với Putin bất lực xen lẫn với hình ảnh nghỉ ngơi vô tư của ông ở Sochi, để chỉ ra Tổng thống như một người vô công rỗi nghề bất tài và khinh suất, người không những không biết tôn trọng cảm xúc của người khác lại còn không nắm được tình hình. Chính Putin đã sợ điều đó và từng cảnh báo các ông trùm truyền thông để không xảy ra những điều như thế.
Cả hai cuộc gặp mà Berezovsky đến Kremlin sau thảm họa “Kursk” đã diễn ra trong không khí chẳng mấy vui vẻ. Vladimir Putin tức giận trước việc Berezovsky sử dụng mục đích cá nhân trên chính kênh truyền hình quốc gia chứ không phải phương tiện gì khác. Sau đó, trong chuyến vận động riêng ở Washington và London nhằm bảo vệ tự do và dân chủ ở Nga, Berezovsky kể Tổng thống đã cả quyết khuyên ông ta bán cho mình phần của ông ta trong kênh truyền hình. Và giờ đây, ông ta đang chuẩn bị sáng lập một phe đối lập xây dựng - vị giáo trưởng của chính trị Nga tuyên bố. “Hiện nay, chúng tôi vẫn còn quá nhiều người cộng sản, giờ lại còn thêm cựu nhân viên KGB, những người đang căm thù dân chủ. Đối trọng duy nhất - đó là giai cấp tư sản mới, những người nhận định can thiệp vào chính trị không chỉ bình thường, mà còn là cần thiết”, ông ta đã trình bày như thế trong trả lời phỏng vấn cho tờ Washington Post về sứ mệnh của mình mà giờ đây, ông sẵn sàng nhận lãnh (142). Ông ta trình diện mình như người bảo đảm cho những quyền cơ bản và tự do ở Nga, bởi Putin đã vi phạm sự cân bằng dân chủ.
Khi người ta hỏi Putin về sự kiện của những ngày đó, đến tận hôm nay, ông vẫn còn phản ứng gay gắt. Không chỉ vì bi kịch của những thủy thủ tàu ngầm. “Những người chỉ trích chúng tôi thường dẫn lại những năm 1990 và thán phục nền dân chủ chân chính và tự do báo chí. Tự do báo chí nào? Cho ai? Cho một vài liên minh tội phạm. Tôi cho rằng những gì họ làm chỉ làm mất uy tín khái niệm nền tảng của dân chủ và tự do báo chí”.
Điên cuồng và thực tế
Mười năm sau, trên tầng ba tòa nhà Tòa án Tối cao ở London, dù khó khăn, Thẩm phán Elizabeth Gloster từng bước khôi phục lại những sự kiện lịch sử Nga và xem xét vụ án “Berezovsky chống Abramovich”: kỷ nguyên Yeltsin đã kết thúc như thế nào cùng với sự thay đổi nguyên thủ quốc gia, các quân bài trong trò chơi quyền lực đã bị xáo trộn ra sao, những nhà hoạt động chính của kỷ nguyên tích lũy vốn đầu tiên đã bị chế ngự thế nào. Thảm họa “Kursk” cũng đóng một vai trò nào đó. Liên quan đến quan hệ với “cha đỡ đầu”, Abramovich nói với nhóm các luật gia rằng năm 2000, những tưởng tượng của Berezovsky bắt đầu khác biệt với thực tế. “Quan hệ của tôi với ngài Berezovsky cũng thay đổi sau thảm họa ‘Kursk’”, Abramovich nói tại tòa. “Đến bây giờ tôi vẫn cho rằng, ông ta đã hành động không đúng khi sử dụng bi kịch này để trả thù chính trị với quốc gia”.
Cuộc tấn công của Berezovsky vào Chính phủ trong những tuần đầu tiên sau thảm họa ngày càng khiến nhà tỉ phú tức giận. Ông cho rằng chúng tác hại đến việc làm ăn, và sợ chúng sẽ xua đuổi các nhà đầu tư cũng như những đối tác kinh doanh tiềm năng. Đấu thủ nghiêm túc nào trên thị trường Nga cũng đều tự động gắn tên Abramovich và sự nghiệp chóng mặt của ông ta với cái tên của kẻ gian hùng Berezovsky. Ông ta quyết định tách mình khỏi ân sư. “Việc Berezovsky đánh mất ảnh hưởng của mình lên người kế nhiệm Yeltsin chỉ ra rằng ảnh hưởng chính trị ra đi rất nhanh chóng”, Abramovich khô khan giải thích tại tòa. “Rasputin”(42) của nền chính trị Nga hiện đại đã là mô hình trở nên lạc hậu, thời hạn khai thác nó đã kết thúc, thế nhưng, “Rasputin” không muốn nhận ra điều đó.
(42) Tác giả ám chỉ một nhân vật lịch sử Nga G.E. Rasputin (1869-1916). Xuất thân trong một gia đình nông dân, nhưng tên tuổi Rasputin về sau được cả thế giới biết đến do là bạn thân thiết của gia đình Sa hoàng Nicolas II. Những năm 1910, trong xã hội thượng lưu Petersburg, Rasputin được nhắc đến như “bạn vua”, “kẻ khôn ngoan”. Trong văn học Nga, cái tên Rasputin thường gắn với những nhân vật phản diện thao túng quyền lực nhờ các mối quan hệ - ND.
Khi Tổng Công tố viện Liên bang Nga bắt đầu xem xét kỹ vụ án rối rắm này của “ngài Berezovsky”, ông ta lên kế hoạch chuồn sang Anh và đòi bảo đảm cho ông ta cái “đệm an toàn” trị giá 300 triệu đô la, mặc dù trong tình hình thay đổi ở Nga, ông ta liệu có thể “che chắn” được cho ai khi ở chốn lưu vong. Quá trình tách rời khỏi người thầy biến thành trận poker ăn tiền.
Lại thêm 150 triệu nữa để Abramovich mua lại gói cổ phiếu của ông ta trong kênh truyền hình ORT. Để tự bảo hiểm, Abramovich đã hỏi ý Putin, và ông, qua lời Abramovich, đã cẩn thận dùng công thức khiêm tốn hơn - “không phản đối”. Abramovich nói ông biết Tổng thống “không hài lòng” việc Berezovsky, mặc cho phần tài sản không lớn, “đã có khả năng điều khiển kênh truyền hình và sử dụng nội dung các chương trình cho mục đích cá nhân”. Abramovich cũng nằm dưới sự giám sát. “Một số người trong vòng thân cận của Putin có thể gây cho tôi không ít vấn đề nếu họ biết được quy mô những chi trả của tôi”, Abramovich thành thật thú nhận. Thêm vào đó, ông trả cho “cha đỡ đầu” của mình hơn một tỉ đô la “bồi thường” cho việc tháo dỡ “nóc nhà” và chứng minh với tòa việc chi trả vốn thực hiện trong nhiều đợt và được chuyển bằng những con đường vòng rối rắm. Trả tiền “bồi thường” là một bước logic của việc làm ăn này, không bình thường chỉ ở số lượng khổng lồ. Giải thích vì sao sự giải thoát lại có giá đắt như thế, câu thoại từ bộ phim Hollywood kinh điển Bố già vang lên: “Đó là quyết định cá nhân. Tôi có cơ hội kết thúc chương này trong cuộc đời mình”. Roman Abramovich với một cơn cảm xúc nào đó giải thích nguyên nhân thúc đẩy ông trả tiền bồi thường. “Tôi có cảm giác rất tôn trọng và trung thành với ông ta bởi tôi chịu ơn ông ta rất nhiều. Nếu ông ta cần tiền, tôi có nghĩa vụ quan tâm tới việc làm sao cho ông ta có tiền. Ông như một thành viên gia đình. Với tôi, đó là vấn đề danh dự” (143).
Lời kết án mà Thẩm phán Elizabeth Gloster đưa ra tại Tòa án tối cao London cuối tháng 8-2012 sau nhiều tháng xét xử, không cho phép mơ hồ. Kết luận nói: “Khẳng định của Boris Berezovsky rằng người từng được ông ta che chở - Roman Abramovich - đã tống tiền ông ta theo lệnh của Tổng thống Nga và mua của ông ta số cổ phần tập đoàn dầu khí Sibneft và những công ty khác theo giá thấp hơn trị giá thị trường, là không đúng với thực tiễn”. Chủ tọa phiên tòa từ chối yêu cầu bồi thường 5 tỉ đô la. Trong biện giải dài 500 trang, thẩm phán đã phân xử và bác bỏ những luận điểm được dẫn ra. “Boris Berezovsky”, bà viết, “là một nhân chứng không thuyết phục và thiếu tin cậy, xem sự thật như một hiện tượng nhất thời và linh hoạt, thay đổi tùy theo nhu cầu hiện tại”. Theo lời bà, đôi khi ông ta “cố tình nói dối” và “đôi khi đơn giản là sáng tác ra bằng chứng khi gặp khó khăn” với những lời đáp cho các câu hỏi về vụ việc (144).
Sau khi tự chuộc mình khỏi “cha đỡ đầu”, Roman Abramovich đã được Kremlin sẵn lòng tiếp nhận. Ông ta còn ăn năn thêm cho những tội lỗi quá khứ khi giúp đỡ cho những hoạt động xã hội đặc biệt mà chỉ có các nhà tài phiệt mới có thể làm. Ngoài việc điều hành kinh doanh bạc tỉ ở Moskva và London, trong nhiều năm, ông đã làm thống đốc tỉnh viễn đông Chukotka, chỉ nằm cách Alaska eo biển Bering, sắp xếp trật tự ở đó. Khu vực này lớn gấp đôi nước Đức về diện tích và nằm cách Moskva 9 múi giờ, là nơi ở của những người nuôi hươu nai và săn cá voi. Nhiều năm trước, ở đây chỉ ngự trị sự đổ nát. Abramovich đã đầu tư tiền của mình vào đó, đổi lại được cắt giảm thuế, và đưa nó vào tình trạng tương đối chấp nhận được.
Vladimir Putin chỉ một lần công khai nhắc đến nhà cựu tài phiệt đang lưu vong. Năm 2001, tại một cuộc họp báo, một nhà báo đặt cho ông câu hỏi về những cuộc tấn công mà Berezovsky thực hiện từ nước ngoài. Giữ một “khoảng lặng Stanislavski(43)”, ông hỏi lại: “Boris Berezovsky, đó là ai?” (145).
(43) Cụm từ nhắc đến một thủ thuật diễn xuất mà nhà cải cách sân khấu và nhà sư phạm Nga Konstantin Stanislavski đưa ra, cho rằng những khoảng lặng dài mang đến những tác động tâm lý còn lớn hơn lời nói - ND.
Đó là một chiến thắng quan trọng. Nhưng không phải cuối cùng. Đối thủ tiếp theo khó chơi và sử dụng một chiến lược khác. Ông ta thuộc thế hệ khác và xây cho mình “nóc nhà” khác - ở nước ngoài.