Vụ án Mikhail Khodorkovsky
Tin tức mà Vladimir Putin trì hoãn đến tận cuối cuộc họp báo tổng kết năm 2013 mới công bố làm hưng phấn hàng trăm nhà báo đến từ khắp nơi trên thế giới. Tổng thống, với vẻ khoan dung tuyên bố, nhân kỷ niệm 20 năm Hiến pháp Nga, ông ân xá không chỉ cho các nữ thành viên nhóm nhạc punk Pussy Riot mà còn cho cả cựu tài phiệt Mikhail Khodorkovsky: ông này đã ngồi tù hơn 10 năm, và như thế là nhiều. Theo lời Tổng thống, ông không ít lần khuyên Khodorkovsky nộp đơn xin ân xá theo luật. Giờ đây, theo lời Tổng thống, ông ta đã gởi tài liệu giải trình về yêu cầu xin khoan hồng liên quan đến sức khỏe của bà mẹ. Tổng thống đã chạm đến một đề tài nhạy cảm. Cho đến lúc đó, người tù nổi tiếng này luôn bướng bỉnh từ chối nộp đơn xin ân xá, bởi vì nếu như vậy, nghĩa là ông ta đã nhận lỗi của mình, mà từ “tội lỗi” thì luôn xa lạ với ông ta. Thế nhưng vài ngày trước, khi trả lời phỏng vấn New York Times, ông đã nói có thể suy nghĩ lại: “Mẹ tôi đã 80 tuổi, bà bị ung thư và cần được phẫu thuật. (…). Có khả năng lớn là chúng tôi sẽ không bao giờ được gặp nhau trong tự do” (146).
Thông thường, chỉ thị của Tổng thống sẽ được thực hiện trong vài tháng tới. Nhưng lần này, mọi thứ đã diễn ra nhanh chóng hơn so với mọi người nghĩ. Đêm đó, Mikhail Khodorkovsky, vốn chịu án tù ở trại Segyozha không xa biên giới Phần Lan, được đánh thức và đưa bằng trực thăng tới Saint Petersburg. Ở đó, máy bay riêng của doanh nhân Ulrich Bettermann từ Sauerland đang đợi ông ta, sẽ đưa ông ta bay sang Đức. Ủy ban đón tiếp nhà tài phiệt bị thất sủng đợi ông ta ở sân bay Berlin Schönefeld sáng hôm sau, sau cuộc họp báo của Putin, gồm một trong số các luật sư của Khodorkovsky, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Đức Hans - Dietrich Genscher và Aleksander Rahr - chuyên gia Đức về Nga. Từ năm 2011, theo yêu cầu của các luật sư của Khodorkovsky, Genscher đã thương lượng với Putin và hai lần gặp Tổng thống. Aleksander Rahr đã giúp thu xếp cuộc gặp bằng cách sử dụng những mối quan hệ của mình. Sau nhiều năm ngồi tù, cựu tù nhân được đưa vào khách sạn danh giá nhất Berlin - Khách sạn Adlon - và sau đó tiếp tục đi xa hơn về Thụy Sĩ, nơi mà cho đến nay, ông ta sống cùng gia đình trong một ngôi nhà phù hợp với vị trí của mình bên hồ Geneva.
Với chỉ thị khoan hồng của mình, Vladimir Putin đã đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột ầm ĩ nhất kỷ nguyên hậu Yeltsin, cho câu hỏi chủ yếu vào đầu nhiệm kỳ thứ nhất của ông: chính quyền nước Nga thuộc về ai. Mikhail Khodorkovsky đã là một đối thủ nguy hiểm hơn Boris Berezovsky. Khác với người kia, cựu doanh nhân lớn này, mặc cho quá khứ tội phạm của mình, sau khi bất ngờ mất vị thế đầu sỏ tài chính đã gây dựng sự nghiệp thành công ở phương Tây như một “tù nhân cá biệt” của điện Kremlin (147). Còn hồ sơ Yukos(44) đến tận ngày nay, kể cả sau khi Khodorkovsky được tự do, vẫn còn đang được tòa án quốc tế xem xét, mặc cho tập đoàn này đã không còn tồn tại. Cựu trùm dầu mỏ đã bị tạm giam từ tháng 5-2003. Năm 2005, tòa án Moskva tuyên ông ta án tù vì tội trốn thuế, rửa tiền và chiếm dụng tài sản người khác. Tại cuộc họp báo khi tới Đức (một cách biểu tượng, nó được tổ chức ở tòa nhà vốn là nơi kiểm soát giấy thông hành cũ - Checkpoint Charlie ở biên giới Cộng hòa Dân chủ Đức và Cộng hòa Liên bang Đức, nay đã biến thành bảo tàng), Khodorkovsky nói sẽ không tham gia vào chính trị nữa. Đồng thời, cũng theo lời ông ta, ông ta sẽ không tiếp tục đấu tranh cho đế chế trước đó của mình. Cổ phần của ông ta trong các công ty đã được bán trước khi bị bắt, ông ta nói mình không lo lắng về vấn đề tài chính. Vốn liếng còn lại của ông ta ở trong các tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ và những ngân hàng khác, được ước tính khác nhau. Chính ông ta, trong một cuộc phỏng vấn đã nói mình còn hơn 100 triệu đô la và toàn bộ số tiền này đã được khai báo ở Thụy Sĩ (148). Từ đó đến nay, ông ta chọn cho mình một vai trò và tìm kiếm một vị thế nào đó trong vô số các nhà hoạt động sống ở bên ngoài nước Nga cũng như đang hoạt động trong nước. Cựu tỉ phú sử dụng sự nổi tiếng của mình trong các chính khách phương Tây qua vai trò một nhân vật biểu tượng của sự phản kháng, thế nhưng, trong giới đối lập Nga, ông không gợi được sự hân hoan. Từ khi ra tù, ông đã đánh mất vị thế của người tù - tử vì đạo, ông ta khó mà được xếp trong phe các đối thủ của Putin.
(44) Yukos là một trong những tập đoàn lớn nhất Nga hoạt động trong ngành khai thác dầu khí và kỹ nghệ hóa học dầu hỏa, đồng thời là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất thế giới. Sau khi Mikhail Khodorkovsky vào tù năm 2003, tập đoàn này gặp khó khăn về tài chính. Đến ngày 1-8-2006, Yukos bị tuyên bố phá sản - BTV.
Con đường của Mikhail Khodorkovsky đến với sự giàu có và vinh quang - đó là một trong những câu chuyện huyền thoại của “kỷ nguyên công khai” Gorbachev. Người thanh niên từ một gia đình Moskva không giàu có đã thử nghiệm đủ loại kinh doanh: từ nhập khẩu máy tính phương Tây đến bán rượu Cô-nhắc Pháp giả. Ông ta khởi đầu với vai trò một sinh viên hóa và một cán bộ đoàn - tổ chức được xem như miền đất thực nghiệm của Đảng Cộng sản cho những kinh nghiệm tư bản buổi đầu. Sau đó ông ta bắt đầu làm ăn lớn. Trong hai năm, ông ta kiếm được nhiều tiền đến độ có thể mở một trong những ngân hàng thương mại đầu tiên trong nước mang tên Menatep, và đến lúc đó, ông ta thử sức trong những giao dịch tài chính và đầu cơ. Chính vào giai đoạn này, có nghi ngờ về việc Khodorkovsky nhận được giấy phép để chuyển tiền của giới tinh hoa của Đảng Cộng sản đang chìm ra nước ngoài, điều ông ta phủ nhận (149).
Nhờ sự giúp đỡ của công cụ đời mới từ kho vũ khí của chủ nghĩa tư bản thực tiễn - chúng ta hãy nhớ lời Berthold Brecht: “Một vụ cướp ngân hàng có là gì so với việc sáng lập ngân hàng?”- trong một thời gian cực ngắn, ông ta đã tích lũy được một khối tài sản không thể tưởng tượng. Ông ta duy trì mối liên hệ với các chính khách, năm 1993, trong kỷ nguyên Yeltsin, ông ta trở thành Thứ trưởng Năng lượng và nhận được nhiều thông tin nội bộ, trước tiên liên quan đến lĩnh vực dầu hỏa. Đó là một sự nghiệp chưa từng có, phiên bản Nga của Rockefeller(45), mặc dù kết thúc của nó khác với doanh nhân huyền thoại người Mỹ. Mikhail Khodorkovsky từ một kẻ gian lận ranh ma ngoài đường lộ đã lớn lên thành nhà tỉ phú - từ thiện, tìm cách tiếp xúc với các chính trị gia phương Tây và cuối cùng kết thúc trong tù như một người hùng chính trị tự xưng, chiến đấu cho tự do chống lại chính quyền Nga. Với sự thất bại của Mikhail Khodorkovsky, Vladimir Putin cuối cùng đã đưa được vào đời sống dự án chính trị của một nhà nước mạnh. Đó là trận chiến khắc nghiệt, kéo dài, nguy hiểm hơn nhiều so với xung đột Berezovsky.
(45) John D. Rockefeller (1839 - 1937) là một nhà công nghiệp người Mỹ, người đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp dầu mỏ thời sơ khai. Ông là người sáng lập Công ty Standard Oil nhưng đồng thời cũng là nhân vật gây tranh cãi trong lịch sử nước Mỹ - BTV.
Việc mua lại công ty dầu hỏa nhà nước Yukos năm 1995 - vào lúc Putin còn làm việc ở chính quyền Thành phố Saint Petersburg - là đỉnh cao sự nghiệp Khodorkovsky trong kinh doanh. Từ đỉnh cao này, ông ta lên đường vào những chuyến bay cao khác. Trong quá trình siêu giao dịch này, ngân hàng riêng của ông ta là Menatep không chỉ tổ chức đấu giá thế chấp theo lệnh nhà nước, mà còn ngay lập tức được chuyển giao giải thưởng chính - Yukos - bằng những món tiền nực cười với chủ một ngân hàng, tức với chính ông ta. Những đề nghị cạnh tranh mua lại công ty khai thác dầu này với giá cao hơn đều không được xem xét “vì những lý do kỹ thuật”. Tất cả điều đó diễn ra như một hệ thống tự phục vụ khép kín. Menatep hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và Bộ Tài chính. Chủ nhân mới trong tương lai sẽ sử dụng việc cung cấp dầu từ Yukos như một khoản vay để mua, tức trả tiền mua Yukos bằng chính quỹ của Yukos. Anatoly Chubais, kiến trúc sư của việc tư hữu hóa tài sản nhà nước, khi đó giữ chức Bộ trưởng Tài chính, sau này đã thú nhận: “Có thể nói, Khodorkovsky đã sử dụng những đồng tiền không có thật, rằng ông ta đơn giản sử dụng tiền riêng của Yukos và tiền gởi của nhà nước mà Bộ Tài chính bỏ trong ngân hàng ông ta, rằng ông ta giả mạo thương vụ này. Nhưng những tiêu chí của tôi khi đó đơn giản. Ngoài những lý do chính trị, tôi cần tiền để bổ sung ngân sách” (150).
Khi Putin lên nhậm chức, tạp chí nổi tiếng Foreign Affairs - cơ quan báo chí trung ương của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ đã in một bài báo chi tiết nhiều trang mô tả hệ thống gian lận một cách hoàn hảo mà Khodorkovsky theo đó hành động (151). Theo bài báo, Yukos buộc các công ty con khai thác dầu bán phá giá vàng đen cho công ty mẹ, để sau đó đem bán với giá thế giới vốn cao hơn nhiều. Theo tạp chí này, chỉ trong năm 1999, Yukos mua hơn 200 triệu thùng dầu với giá chỉ 1,70 đô la/thùng. Còn giá dầu trên thị trường thế giới khi đó là 15 đô la. Tức, những gì với Mikhail Khodorkovsky là lợi nhuận kinh doanh, thì với người khác có nghĩa là phá sản.
Khu vực Nefteyugansk, nơi có các công ty con, đã gánh chịu những hậu quả bi thảm của hoạt động này. Những khoản thuế địa phương sụp đổ. Đồng lương công nhân thảm hại. Trị giá các công ty khai thác nhanh chóng sụt giảm. Bằng cách này, Yukos đã lừa cả các cổ đông thiểu số của các công ty khai thác này, bởi giá cổ phiếu cũng rẻ đi. Trong số các cổ đông thiểu số này có một số nhà đầu tư nước ngoài, thêm 13.000 công nhân Nga và người về hưu ở vùng Tomsk, những người mua một ít cổ phiếu như một hình thức đầu tư mới, và giờ đây, họ cầm trong tay mớ giấy mất giá. Đa số họ, quan sát nguồn “dự trữ không cháy” này bị giảm giá, đã lập tức lao đi bán cổ phiếu để cầm tay được dẫu chỉ vài rúp. Yukos sẵn lòng mua hết chúng (152).
Năm 1998, Thị trưởng Nefteyugansk Vladimir Petukhov đã xin Kremlin giúp đỡ. Vài tuần sau, ông bị bắn ngoài phố giữa thanh thiên bạch nhật. Trước đó, tại cuộc họp cổ đông Yukos, ông đã phản đối hoạt động của tập đoàn. Cựu lãnh đạo bộ phận an ninh kinh tế nội bộ của Yukos đã bị kết án chung thân vì tội ác này. Bản thân Khodorkovsky phủ nhận mọi liên hệ tới vụ giết người theo đơn đặt hàng này. Tài năng cụ thể của ông ta là ở chỗ biết đưa một phần “những công ty Yukos” ra các tài khoản trốn thuế ở nước ngoài (153). “Trong lúc Khodorkovsky ngày càng giàu và giàu lên, thì danh sách những nhà đầu tư phương Tây bị lừa ngày càng dài và dài ra”, tờ Sunday Telegraph bình phẩm như thế về hoạt động của ông ta (154). Những gì còn lại ở Nga dưới cái tên Yukos đã biến thành cái thùng rỗng trong lớp giấy gói đẹp đẽ cho các nhà đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như ngân hàng Đức Westdeutsche Landesbank hay ngân hàng Nhật Daiwa. Danh tiếng của Yukos và nhà quản lý hàng đầu của nó thì còn đáng ngờ hơn. Tờ New York Times đã viết chi tiết về việc Khodorkovsky trên thực tế đã vớ bẫm từ các cổ đông thiểu số của công ty, và cảnh báo không nên làm ăn với ông ta. “Mỗi nhà tư bản Nga”, tờ báo viết, “phải có khả năng chứng minh một cách thuyết phục rằng không một đô la đầu tư nào vào Nga sẽ bị ăn cắp. Sự ám muội của Yukos chứng minh là nước Nga còn xa mục tiêu này” (155).
Bài báo về những vụ làm ăn tội phạm này được đăng tháng 4-1999, ba năm trước khi luật pháp Nga bắt giam nhà tài phiệt vì tình nghi gian lận. Trước đó, ông ta đã cho phá sản ngân hàng Menatep của mình. Nhân viên ủy thác phá sản được gởi tới theo thủ tục tòa án đã không thể làm sáng tỏ các vụ làm ăn rối rắm của tổ chức này, bởi chính hôm đó, chiếc xe tải chở hồ sơ ngân hàng lại bị rơi xuống sông.
Hình ảnh và ảnh hưởng
Chính quyền Yeltsin cho phép Khodorkovsky làm gì cũng được, nhưng ông ta đã tiếp nhận lời cảnh báo từ phương Tây. Những yêu cầu rõ ràng của Putin cũng buộc ông ta phải thay đổi chiến lược. Nếu ông ta muốn tiếp tục nhân tài sản mình lên và bảo đảm an toàn cho chúng, giờ đây, sau khi đổi chính quyền, ông ta cần sự giúp sức từ nước ngoài, từ phương Tây. Để trở thành một đấu thủ đủ quyền hạn trên thị trường quốc tế, ngay từ lúc này, ông ta phải tuân thủ một số quy tắc nhất định. Bên ngoài Nga, tư bản đã phát triển những phương pháp tinh tế hơn cho việc kinh doanh lớn. Bên cạnh đó, Khodorkovsky, bất chấp cảnh báo của Tổng thống, lại đang muốn tiếp tục tham gia vào chính trị.
“Đã diễn ra sự thay đổi tâm thế”, ông giải thích công khai sự thay đổi cái nhìn của mình, với một chút hối tiếc. “Giờ đây, người ta hiểu rằng sự minh bạch, quan hệ tốt đẹp với các nhà đầu tư và các hành vi kinh doanh trung thực đã mang lại những kết quả tích cực ngay cả trong triển vọng ngắn hạn” (156). Ông ta bắt đầu đưa những chuẩn mực phương Tây tối thiểu vào công ty của mình. Khodorkovsky thuê công ty truyền thông Hoa Kỳ APCO, vốn có trụ sở ở Washington và có những mối quan hệ tuyệt vời ở đó. Nhiều nhà tư vấn nổi tiếng làm việc cho APCO. Đó là khởi đầu của việc chuyển đổi công khai và bước đầu tiên để tiến tới việc tu sửa hoàn toàn mặt tiền: thay cho chiếc áo khoác da và bộ râu mép là bộ complê của dân kinh doanh và cặp kính không vành, thay cho việc bóc lột và gian lận là những mánh khóe hoàn toàn hợp pháp của những tập đoàn tư vấn quốc tế. Chúng có đủ cho những tay chơi của giải đấu lớn mà trong đó giờ đây có cả ông ta.
Với sự hỗ trợ của công ty truyền thông chủ yếu cộng tác với các tập đoàn đa quốc gia, nhà tài phiệt nhanh chóng làm quen với quy tắc cơ bản trong công việc của những người khổng lồ kinh doanh và sân chơi của họ. Thí dụ, những tổ chức từ thiện riêng chính là công cụ được thừa nhận để cải thiện hình ảnh, thêm vào đó, chúng còn giúp tiết kiệm tiền thuế. “Hãy làm việc tốt và nói về điều đó” - nguyên tắc này có hiệu quả đối với những người tiên phong, như triều đại Rockefeller hay Ford, và đến nay vẫn hiệu quả như trước, như kinh nghiệm của những đại tỉ phú như Bill Gates hay George Soros.
Sáng tạo của Khodorkovsky được gọi là “Nước Nga mở” và có nhiệm vụ bảo đảm “phát triển quan hệ giữa Đông và Tây”. Đứa con của Yukos là “một tổ chức từ thiện quốc tế độc lập, hoạt động như một quỹ tư nhân” (157). Đó là bản sao “Xã hội mở” của George Soros, có lẽ, là tổ chức thành công nhất loại đó. Tỉ phú Mỹ và là nhà đầu cơ tiền tệ này sinh trưởng ở Hungary, có những mối quan hệ tuyệt vời ở Washington. Suốt nhiều năm, ông duy trì một bộ máy ngoại giao riêng để thúc đẩy những ý tưởng chính trị của mình, đào luyện các nhà hoạt động trẻ để sử dụng hiệu quả vào việc bảo vệ dân chủ và hợp tác tình nguyện với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Soros đã góp một tay trong việc lật đổ các chính phủ ở một loạt nước khối cựu phía đông như ở Serbia, Gruzia và Ukraine.
Trong số các nhà sáng lập quỹ có những nhân vật được tuyển chọn cẩn thận. Danh sách các quý ông tập hợp để dự buổi lễ kỷ niệm trang trọng sáng lập “Nước Nga mở” cuối năm 2001 tại Somerset House, London, thuộc sở hữu của triều đại ngân hàng Rothschild, được tô điểm bằng những cái tên rất kêu. Thí dụ Henry Kissinger hay chủ nhân tòa nhà, Lord Rothschild. Từ New Jersey có Thượng nghị sĩ Bill Bradley. Quyền lợi của Yukos ở Anh sẽ được cựu Ngoại trưởng Anh David Owen đại diện.
Một nhóm thanh lịch không kém được triệu tập một năm sau tại buổi tiệc hoa lệ nhân dịp giới thiệu “Nước Nga mở” ở Hoa Kỳ, chỉ có khác là lần này vì lý do địa lý nên danh sách khách mời đa số là người Mỹ. Cuộc gặp diễn ra ở tòa nhà lịch sử Thomas Jefferson của thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. Khodorkovsky đã đóng góp cho giám đốc của nó, James Hadley Billington, một triệu đô la (158). Đó là một khoản đầu tư tốt. Chưa kể Billington là một nhà sử học tên tuổi và là nhà biên niên sử Nga ở Hoa Kỳ, vì thế ông ta có một ảnh hưởng rất lớn đối với các giới chức chính phủ. Ông ta đã xoay vần trong lĩnh vực này từ thời Ronald Reagan nên đã tìm ra lời thích hợp cho một chương trình độc quyền phục hồi lại danh tiếng. Ông phát biểu trước khách mời bài diễn văn phù hợp cho dịp này: “Không thường khi ta gặp được một người đạt được thành công và muốn làm việc tốt” (159). Tại Liên hoan sách quốc gia do Billington tổ chức được đệ nhất phu nhân Laura Bush đánh giá cao, doanh nhân Nga đã trích một khoản đóng góp hậu hỉ để cảm ơn Tổng thống và phu nhân đã chụp ảnh cùng ông và ký tặng trên tấm ảnh. Chính quyền Nga ở Moskva hết sức chăm chú dõi theo những sáng kiến của Khodorkovsky. Các cố vấn của Putin đặt giả thiết rằng doanh nhân nhã nhặn này với sự hỗ trợ của quỹ đang tạo nền tảng cho một đảng riêng trong tương lai.
Khodorkovsky trở thành cố vấn của nhóm Carlyle, vốn là một nhóm đầu tư rất nổi tiếng và có ảnh hưởng thuộc gia tộc Bush. Ông làm quen với cựu Tổng thống Bush - cha và cựu Ngoại trưởng James Baker, với Condoleezza Rice và Phó Tổng thống Hoa Kỳ Dick Cheney, thảo luận với Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Spencer Abraham về dầu hỏa, và trước hết là những hợp đồng có thể với Hoa Kỳ. Thế nhưng, ông cũng đang đàm phán với George Brown ở British Petroleum. Phương pháp tốt nhất để bảo vệ khỏi những xung đột ở nhà chính là lôi cuốn các nhà đầu tư Hoa Kỳ hay Anh quốc. Ở Nga, như dân gian hay nói, quá khứ không thể tiên đoán được, vì vậy, việc làm ăn trong tình trạng dễ bị tổn thương, nên phương Tây có thể trở thành lá chắn. Ở nhà, Khodorkovsky có khuynh hướng dựa vào những cột trụ truyền thống hơn của xã hội Nga. Ông ta thuê một phần nhân viên an ninh từ đội ngũ những cựu nhân viên KGB (160).
Ông gặp các chủ tịch Hội đồng quản trị ExxonMobil và Chevron. Họ có quan hệ chặt chẽ với Nhà Trắng, và ở đó đón chào thuận lợi sáng kiến của chàng trai trẻ. George Bush - con và đội ngũ ông ta quan tâm đến dầu hỏa. Nước Nga sở hữu nguồn tài nguyên lớn nhất thế giới. Chính phủ Hoa Kỳ rất cần một lựa chọn bổ sung trong chính sách năng lượng, bên cạnh những nhà xuất khẩu dầu hàng đầu như Arabia Saudi, Iraq hay Iran. Tình hình ngày càng khó đoán ở các nước Hồi giáo khiến họ tức giận. Khodorkovsky trở thành một nhân vật chủ chốt, hứa hẹn với Hoa Kỳ lối vào thiên đường nhiên liệu Nga. Ông ta giao Ngân hàng Thụy Sĩ UBS kiểm tra khả năng bán tập đoàn dầu hỏa Nga lớn thứ hai, và bất chấp mọi lời bác bỏ, có vẻ như ông ta đã sẵn sàng cho những nhiệm vụ chính trị phức tạp hơn. Ở Nga, ông ủng hộ phe đối lập và tài trợ cho các đại biểu (161).
Thông qua Quốc hội, Khodorkovsky đã một lần chỉ ra cho chính phủ mình đâu là ranh giới quyền lực của họ. Mùa xuân năm 2003, giá dầu thế giới bỗng nhiên tăng trở lại, và Chính phủ quyết định quốc gia cũng phải thu lợi từ diễn biến này. Vladimir Putin đưa ra Quốc hội dự luật về tăng thuế nhiên liệu thô. Đêm trước cuộc bỏ phiếu cho dự luật này ở Duma, một trong những nhà quản lý hàng đầu Yukos gọi cho Bộ trưởng Phát triển Kinh tế German Gref và cách diễn đạt của ông ta không hề có tính ngoại giao: “Nhà quản lý nói: ngài Gref, chúng tôi biết, các ông làm thế để phát triển kinh tế thị trường. Nhưng đề nghị của ông đe dọa lợi ích của chúng tôi. Vì thế, chúng tôi báo cho ông biết: dự luật sẽ không được thông qua”. “Chúng tôi đã chăm sóc cho việc đó”, tiếp theo, Gref hồi tưởng: “Suýt chút nữa thì Bộ trưởng Tài chính Kudrin và tôi bước ra khỏi Duma trong tuyệt vọng. Giá dầu thì tăng, nhưng thu nhập chỉ tăng ở những công ty dầu khí”. Chính phủ phải thu hồi dự luật. Với quan điểm của Bộ trưởng Tài chính Kudrin, đó không là gì khác ngoài việc tống tiền (162).
“Tại các cuộc họp của ủy ban phụ trách vấn đề thuế trong Quốc hội, các luật sư Yukos ngồi và chỉ dẫn, nên bỏ phiếu thế nào”, tờ Chicago Tribune viết. “Bất cứ dự luật nào, hoặc bị phá hoại hoặc không được đưa ra bỏ phiếu, chỉ vì hoạt động vận động hành lang của Khodorkovsky” (163). Theo lời các nhà báo, Putin đã nỗ lực hoài công khi muốn hạn chế sự hùng mạnh và lợi nhuận của các công ty dầu khí Nga bằng luật pháp. Khodorkovsky cam kết với Tổng Giám đốc British Petroleum John Brown mà ông ta đang thương lượng rằng Quốc hội nằm dưới sự kiểm soát của ông ta. “Chẳng bao lâu, tôi bắt đầu lo âu. Ông ta kể cách đưa người vào Duma, cách ông ta giải quyết sao cho các công ty dầu khí hầu như không phải đóng thuế và ông ta kiểm soát được bao nhiêu nhân vật uy tín” (164). John Brown có cảm tưởng là doanh nhân Nga này muốn bằng bất cứ giá nào cũng phải thuyết phục cho được tập đoàn khổng lồ BP tham gia đồng sở hữu Yukos, và cuối cùng ông ta đã từ chối hợp đồng. Ông ta nhớ lại lời cảnh báo của Putin, rằng giới kinh doanh không nên tham gia vào chính trị. Hồi tưởng của Putin về cuộc xung đột với Khodorkovsky trong giai đoạn này mang một màu sắc cá nhân rõ rệt: “Con người này mang đến cho tôi nhiều rắc rối hơn cần thiết”.
Bản án và nhân quyền
Khodorkovsky ngày càng có ít thời gian hơn. Tháng 2-2003, sự việc tiến đến chỗ va chạm công khai giữa ông ta và Tổng thống được phát trên truyền hình. Ông ta cáo buộc quản lý các công ty dầu nhà nước tham nhũng, còn Vladimir Putin đáp lại điều đó đã hỏi, thế ông có đóng thuế hay không. Ở Moskva, công tố viện tiến hành điều tra chống lại các nhân viên Yukos về việc chiếm đoạt tài sản người khác và giết người. Một trong các nhân viên thân cận của Khodorkovsky bị bắt (165). Vài tuần sau, trong một báo cáo mật gởi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đại sứ Hoa Kỳ ở Moskva viết, đó là cách cảnh báo người đứng đầu tập đoàn đừng chen chân vào chính trị và chấm dứt việc ủng hộ phe đối lập bằng những khoản trợ cấp nhằm mục đích thúc đẩy hay phong tỏa các dự luật trong Quốc hội. Thế nhưng, ngay lập tức, Đại sứ tổng kết: “Đa số các chuyên gia chính trị cho rằng Yukos và điện Kremlin sẽ kiềm cương xung đột và giải quyết những bất đồng của họ một cách kín đáo” (166).
Vladimir Putin sẵn sàng thương lượng với Bush - con về việc hợp tác sâu hơn trong lĩnh vực năng lượng. Ông thấy trong việc này có những lợi thế nhất định, ít nhất là về bí quyết công nghệ của người Mỹ và triển vọng giảm chi phí khai mỏ của các mỏ dầu ở Nga. Các tổng thống đã vài lần gặp gỡ và có với nhau những đồng cảm nhất định. Cuộc khủng bố ngày 11-9-2001 đã dẫn đến không chỉ một sự gần gũi nào đó giữa hai nước ở cấp độ chính thức, mà còn củng cố mối quan hệ giữa hai nguyên thủ. Một tháng sau đó, Vladimir Putin và phu nhân đã đến thăm George và Laura Bush ở trang trại của họ tại Crawford, bang Texas, ăn tối cùng họ và trò chuyện. Trong tương lai, họ sẵn sàng, như cách diễn đạt thận trọng chính thức, hợp tác chặt chẽ hơn (167). Từ dạo đó, các tổng thống duy trì liên lạc thường xuyên.
Vào một trong những ngày thứ Sáu của tháng 9-2003, người đứng đầu thị trường chứng khoán New York, được bao quanh bởi 20 lãnh đạo khác của nền kinh tế Hoa Kỳ, chờ tiếp một vị khách tại tòa nhà số 11 Phố Wall. Một trong những người có mặt đặc biệt sốt ruột. Lee Raymond, Chủ tịch Hội đồng quản trị ExxonMobil và là bạn thân của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Dick Cheney, đã sắp xếp một cuộc gặp Vladimir Putin để thảo luận với ông về việc mua lại Yukos theo kế hoạch. Với Mikhail Khodorkovsky, ông ta đã bàn xong việc này, các bên đã đạt được sự đồng ý trên nguyên tắc. Giờ ông muốn được bảo đảm nên thảo luận hợp đồng này với lãnh đạo điện Kremlin (168).
Đối với Tổng thống Nga, gặp gỡ giới doanh nhân Phố Wall là cuộc làm việc quan trọng thứ hai vào dịp cuối tuần này, và về bản chất, cả hai cuộc gặp đều gắn với ý tưởng của Vladimir Putin về xã hội Nga và tương lai của nó. Chúng ta đã mô tả cuộc gặp của ông ở New York với các đại diện Giáo hội Chính thống giáo Nga ở hải ngoại để thảo luận về tiến trình hợp nhất của Giáo hội Chính thống giáo Nga với phần ly khai của nó. Cuộc gặp trong khu phố tài chính Manhattan, cách vết thương còn hoác miệng ở chỗ tòa tháp đôi chỉ vài mét, cũng liên quan tới một quyết định có tính nguyên tắc với nước Nga sau khi Liên Xô tan rã và việc tư hữu hóa nền kinh tế tiếp sau đó. Ông phải chia phần như thế nào cho các tập đoàn đa quốc gia có ảnh hưởng đến nguyên liệu thô của nước Nga, nguồn nguyên liệu vốn rất quan trọng cho việc phát triển kinh tế tiếp theo của đất nước? Đánh giá được thảm họa của những năm qua, ông hiểu: không có luật kinh tế thị trường, nước Nga không thể phục hồi. Nhưng để bảo vệ lợi ích đất nước, ông cần những quy tắc có thể trao cho ông khả năng tác động lên diễn tiến sự kiện trong khuôn khổ kinh tế thị trường.
Lee Raymond - đại diện của văn hóa thương lượng cứng nhắc trong thế giới các nhà khổng lồ dầu hỏa. Trong những thương vụ mua bán của mình, ExxonMobil làm theo nguyên tắc cũ vốn đã được thử thách của ngành: hoặc tất cả, hoặc không có gì. Điều kiện mua lại mà Chủ tịch Hội đồng quản trị trình bày với Putin trong cuộc nói chuyện tay đôi ở một trong những phòng họp của thị trường chứng khoán New York, được đặt ra cứng nhắc và không thể thương lượng. Theo đề nghị của Lee Raymond, người khổng lồ dầu hỏa phải được 51% cổ phiếu Yukos, tức gói kiểm soát. “Còn những gì còn lại với 49%, các ngài có thể tự quyết định. Có thể, Chính phủ cũng sẽ sở hữu một phần hay tất cả sẽ được đem bán trên thị trường chứng khoán”, Giám đốc giải thích cho Tổng thống Nga bằng giọng tử tế, giống như 49% ấy là sự gia ơn của tập đoàn ông ta. Bấy giờ, chỉ còn yêu cầu Tổng thống báo cho ông ta biết, ExxonMobil có thể có được 51% cổ phần hay không, Raymond nói, bằng ngược lại thì có thể quên hợp đồng đi (169).
Putin hỏi lại: Phải chăng điều đó có nghĩa là trong trường hợp ấy, ông phải hỏi Lee Raymond về việc Yukos đầu tư và làm việc ở đâu, khi nào và như thế nào trên đất Nga; và Giám đốc cười rộng miệng, đáp: “Đúng”. Chính vì thế mà công ty của ông ta mới muốn mua gói kiểm soát, Lee Raymond giải thích, và trong chuyện này chẳng có gì đáng sợ, bởi ExxonMobil đã làm việc theo phương pháp này ở nhiều nước trên thế giới. Vậy thì ông không thể đưa ra quyết định vào hôm nay, Tổng thống khô khan đáp. Người đứng đầu tập đoàn tỏ vẻ hoàn toàn hiểu biết. Cuối cùng, ông ta nói, những vấn đề này không thể quyết định một sớm một chiều. Tổng thống có lẽ cần thảo luận vấn đề này, và không ai đổ lỗi cho ông khi muốn tư vấn với người của mình, vị Giám đốc nói. Đại diện ban lãnh đạo cao cấp của ExxonMobil toát lên vẻ lạc quan về kết quả cuộc thảo luận và tin rằng hợp đồng sẽ thành công. Nhưng ông ta đã sai cơ bản. Sẽ mất thêm nhiều năm nữa trước khi ExxonMobil có thể một lần nữa vào thị trường Nga (170).
Putin không đồng tình với yêu sách của người khổng lồ dầu hỏa Mỹ về gói kiểm soát mà Lee Raymond đưa ra, điều đó không cần phải nói. Nhưng Putin tức giận nhiều hơn trước thái độ cao ngạo trịch thượng mà người quản lý dạy bảo ông, nên làm như thế nào, và lịch sự cho ông thời gian để nắm bắt công việc cũng như tìm hiểu việc những hợp đồng thế giới trong phạm trù giá cả này được thực hiện ra sao. Đây là một kinh nghiệm then chốt tiếp theo sau việc mở rộng NATO, cho phép ông hiểu phương Tây nhìn nước Nga như thế nào và cư xử với họ ra sao.
Một tháng sau, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn dầu khí Yukos đã bị cố tình cầm chân trong lúc máy bay riêng của ông ta hạ cánh tạm ở sân bay Novosibirsk. Cuộc xung đột chính thức giữa Nhà nước Nga với doanh nhân Mikhail Khodorkovsky nằm trong vụ án số 18/412003 về những tội phạm bình thường như trốn thuế, gian lận và chiếm đoạt tài sản người khác, dù trường hợp này nói về những số tiền lớn không thể tưởng tượng được. Nhưng ở mức độ sâu sắc hơn, trường hợp này đang trả lời câu hỏi: chính quyền trong nước thuộc về ai và người ta có thể đi xa tới đâu trong những hành động của mình. “Tôi biết, vấn đề là số thuế bạc tỉ và việc Yukos sử dụng những lỗ hổng trong luật pháp, bỏ tiền vào túi riêng của mình, nhưng Putin không thảo luận với tôi chi tiết toàn bộ thủ tục”, Aleksey Kudrin nhớ lại. Hai trình tự tố tụng được tiến hành chống lại Khodorkovsky cùng đối tác làm ăn của ông ta - Platon Lebedev, cũng bị cáo buộc trong vụ án này, và kết quả cả hai đều bị kết án tù dài hạn (171). Sau phiên tòa và nộp tiền thuế, Yukos tuyên bố phá sản. Tập đoàn chấm dứt sự tồn tại của mình, tài sản của nó bị đem bán đấu giá để, như một biện giải chính thức tuyên bố, trả nợ thuế. Từ quan điểm của Vladimir Putin, đấy là kết thúc hợp logic của một cuộc đấu tranh dài: “Tiền nhận được từ việc bán các cổ phiếu của Công ty Yukos đã được sung vào công quỹ (…). Nếu số tiền này từng bị đánh cắp từ người dân, thì nay phải trả chúng lại trực tiếp cho chính nhân dân” (172).
Ở phương Tây, vụ án Khodorkovsky biến thành một thí dụ tiêu biểu cho việc thiếu những tiêu chuẩn văn minh trong hành xử và tuân thủ quyền công dân. Các luật sư quốc tế của Khodorkovsky cùng với công ty truyền thông của ông ta đã tu chỉnh nốt hình ảnh ông ta. Thêm vào hình ảnh một nhà tư bản thành công, ăn năn vì những tội lỗi của mình, được tôn trọng xứng đáng trên trường quốc tế là hình ảnh một chiến sĩ đấu tranh cho nhân quyền, trong những điều kiện phức tạp đã một mình tiến hành đấu tranh với chế độ bạo tàn và tham nhũng.
Từ cựu lãnh đạo một tập đoàn, người đã kịp đưa một phần tài sản ra hải ngoại và bán các cổ phiếu của mình cho các đồng sở hữu tập đoàn, người ta đúc ra một phiên bản Solzhenitsyn giảm nhẹ. Từ nhà giam, Khodorkovsky thường xuyên trả lời phỏng vấn báo chí và viết những bài báo triết lý cho các phương tiện truyền thông đại chúng phương Tây về tình hình đất nước. Ông trở thành chuyên gia về việc nước Nga nên thay đổi như thế nào. Cũng như, cuối cùng, chính ông cũng thay đổi. Khodorkovsky giải thích, cho lời khuyên, lý giải các xu hướng chính trị thời sự và đưa ra những câu hỏi tu từ. Ông mô tả số phận nặng nề bất công của mình và nói mình chỉ là nạn nhân của các hoàn cảnh. “Ở đây, vào thời chuyển đổi sau khi Liên Xô tan rã, luật rừng thống trị, không ai biết chính xác luật nào đang có hiệu lực. Tôi sử dụng điều đó, giống như những người làm ăn khác”, ông ta viết (173). Thế nhưng, phe đối lập lại giữ khoảng cách với ông ta.
Những va chạm giữa các luật gia với tư pháp Nga trở nên kịch liệt và hung hăng, và những tòa án bị họ tấn công cũng đáp lại tương tự. Nhóm của Khodorkovsky đã phân tích chi tiết những vi phạm giả và thật của tòa án và lớn tiếng đưa ra lời buộc tội, rằng tòa án không là gì khác ngoài sự lập lại những phiên tòa tiêu biểu thời Stalin. Các nhà báo phương Tây tự nguyện tham gia vào cuộc đấu tranh vì nhân quyền ở Nga.
Chiến lược của các nhà truyền thông khẩn khoản dựa vào nền chính trị mực thước của phương Tây, đã thành công. Mặc cho những cuộc tranh luận nội bộ sôi nổi, Tổ chức ân xá quốc tế đã tuyên bố Khodorkovsky là “tù nhân chính trị”. “Để đạt được điều này phải là ‘một cuộc đấu tranh lâu dài’, Yuri Schmidt, một trong những luật sư đã bảo vệ thành công cho Khodorkovsky nói trong cuộc trò chuyện với chúng tôi ở văn phòng, “nhưng chúng tôi đã làm được”. Người luật sư Petersburg chuyên về nhân quyền đã biết luật gia Putin từ thời ông còn là Phó Thị trưởng. Ngay từ khi đó, Schmidt đã là đối thủ của Putin. Nhờ sự thừa nhận của Tổ chức Ân xá quốc tế, Khodorkovsky được sự ủng hộ trên khắp thế giới nhiều hơn, trong số đó có ở Đức. Thí dụ, đại biểu Đảng Xanh Marieluise Beck đã đưa vụ án Moskva vào danh sách những nhiệm vụ chính trong công tác chính trị của mình những năm sắp tới, thường xuyên bay tới Moskva và trò chuyện với các đại diện báo chí nước ngoài và Đức. Bà liên tục và không mệt mỏi vạch trần bất cứ sự bất công nào cùng với chồng mình là Ralph Fuchs, người đứng đầu Quỹ Henrich Boll, bổ sung hiệu quả vào cuộc vận động này nhờ cương vị của mình (174). Những chính khách như Angela Merkel hay Barack Obama cũng đưa ra những nhận xét về tính “định kiến” của các tòa án Nga và công khai kêu gọi Tổng thống trả tự do cho cựu tài phiệt.
Trong số các chính sách của mình, những người bảo vệ Khodorkovsky đã chọn một chiến lược kép. Ngoài những lời kêu gọi đạo đức, các luật sư và cựu cổ đông Yukos đã đệ đơn lên Tòa án Nhân quyền châu Âu ở Strassburg. Họ khẳng định phiên tòa xét xử Khodorkovsky và Yukos được tạo ra bởi những động cơ chính trị, còn những đòi hỏi thêm về thuế đã được đưa ra hoàn toàn nhằm để đẩy công ty vào tình trạng phá sản và đã bán nó với giá thấp hơn giá thị trường. Các cổ đông đòi Nhà nước Nga phải bồi thường tới 75 tỉ đô la (175).
Tòa án Strassburg lại nhận định khác. Họ buộc Nga phải bồi thường các cổ đông Yukos 1,5 tỉ euro bởi việc thực hiện một số khoản phạt tiền là bất hợp pháp. Tuy nhiên, cáo buộc chính cho rằng phiên tòa chống Khodorkovsky có động cơ chính trị thì đã bị hủy bỏ bị đơn Nga (176).
Kết luận của tòa khẳng định: “Việc một đối thủ có thể trong lĩnh vực chính trị hay kinh doanh, gián tiếp hay trực tiếp có lợi bởi phiên tòa, không thể giữ chính quyền khỏi việc truy tố người đó, nếu có những cáo buộc nghiêm trọng chống lại ông ta”. Những bằng chứng chống lại Khodorkovsky ở tòa án Nga, theo ý kiến của các quan tòa châu Âu, là “những nghi ngờ hợp lý” để truy tố hình sự. Họ cũng phê phán một số hoàn cảnh của việc tạm giam, thế nhưng việc phục hồi cho cựu tài phiệt như điều mà những người ủng hộ ông đang hy vọng đã không thành ở Strassburg (177).
Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague đã xét xử vụ án theo kiểu khác. Họ tuyên ban lãnh đạo Nga phải trả tiền bồi thường 50 tỉ đô la, bởi khác với Tòa án châu Âu, họ đánh giá vụ án có tính chính trị (178). Tòa trọng tài không phải là tòa án theo nghĩa cổ điển của từ, mà giống như một cơ quan hòa giải. Nó đề nghị các bên xung đột một nền tảng giải quyết tranh chấp không cần tòa án thông thường. Hình thức giải quyết này được xem xét trong những văn kiện như Thỏa thuận thương mại tự do giữa Mỹ và châu Âu (TTIP) để trao cho doanh nghiệp cơ hội tranh cãi với quyết định của chính phủ bên ngoài tòa án tư pháp chung. Phán quyết của nó bắt buộc phải được thi hành. Nga đã kháng án quyết định này tại tòa chung thẩm Hà Lan. Các cổ đông bắt đầu tịch thu tài sản Nga ở nước ngoài (179). Sau khi các tài khoản Nga ở các nước thành viên EU đầu tiên bị phong tỏa hồi tháng 6-2015, Vladimir Putin tuyên bố sẽ đấu tranh: “Quan điểm của chúng tôi rõ ràng, chúng tôi không công nhận thẩm quyền của tòa án này” (180). Hiển nhiên, vụ án vẫn chưa kết thúc, thậm chí với việc ân xá Khodorkovsky.