Nato và chiến tranh Gruzia
Khi nhạc trưởng Valery Gergiev nhớ về những gì còn lại từ bài phỏng vấn dài mà ông trả lời tờ New York Times hồi đầu năm 2015, thậm chí vài tuần sau, ông vẫn chưa hết phẫn nộ (181). “Tôi trông như thằng ngu, bởi họ đã gạch bỏ 70% những gì tôi nói. Mà trước đó, tôi đã cảnh báo là họ sẽ không thích những gì tôi nói đâu”. Gergiev co người lại, ông bị cảm lạnh và gọi cho mình một suất Whisky đúp. Chỉ huy dàn nhạc ngụ tại Khách sạn Ritz Carlton, một nơi thích hợp với ông và ông luôn sống ở đó mỗi khi đến Moskva. Hiện giờ, ông đang chuẩn bị cho buổi hòa nhạc Phục sinh sẽ diễn ra trong Tuần Thánh ở các thành phố khác nhau của Nga. Ông khó chịu khi những tháng gần đây, người ta luôn hỏi ông về chính trị, chứ không phải về âm nhạc.
“Khi một nhà báo Mỹ hỏi tôi về Crimea, tôi đặt ngược lại cho ông ta câu hỏi: vậy có bao nhiêu người chết trong cuộc chuyển giao Crimea cho nước Nga? Chỉ một người, và đó là một trường hợp bất hạnh. Họ không thích câu trả lời đó, họ không in nó, mặc dù chính họ đưa câu hỏi trực tiếp”.
Giám đốc và chỉ huy chính dàn nhạc Nhà hát Mariinsky ở Saint Petersburg sinh năm 1953, suốt 20 năm thực hiện vai trò một trong những sứ giả chính của văn hóa Nga trên toàn thế giới. Nhà hát opera Metropolitan ở New York, Philharmonic Orchestra ở Vienna, Symphony Orchestra của London hay Philharmonic Orchestra ở Munich - không có một dàn nhạc lừng danh thế giới nào không mời ông vào cương vị nhạc trưởng hay không muốn mời ông. Tài năng của Valery Gergiev là không thể tranh cãi. Thế nhưng theo phương Tây, ông có một khuyết điểm chính. Ông xem Vladimir Putin là bạn, và trong thời gian biểu diễn ở các thủ đô phương Tây, ông thường trở thành tấm bia cho những ai muốn chỉ trích Tổng thống Nga. Tối hôm qua ở Paris cũng không là ngoại lệ: ông đã chỉ huy buổi hòa nhạc với dàn nhạc giao hưởng Munich không chút trở ngại nào. “Tất cả vé đã được bán hết”, ông giải thích ngắn gọn, “dàn nhạc tuyệt vời. Ở đây nói về âm nhạc. Những người tấn công tôi đã chủ tâm sử dụng buổi hòa nhạc cho những hoạt động truyền thông. Họ dùng thương hiệu Gergiev để thúc đẩy hệ tư tưởng của mình”.
Việc mời ông vào chức vụ chỉ huy chính dàn nhạc Munich cũng đã gây ầm ĩ lớn. Những thành viên Đảng Xanh(46) và các nhà hoạt động đồng tính đã yêu cầu ông phải công khai tách biệt mình khỏi Vladimir Putin và chính sách của ông ta. Ý nghĩ này đối với nhạc sĩ thật vô lý, và không chỉ vì tình cảm gắn bó bạn bè. Ông tuyên bố không chuẩn bị làm việc này và không có nghĩa vụ phải công khai khước từ bất cứ ai và bất cứ cái gì, và rằng ông bảo vệ quan điểm của mình. Thành phố Munich đã bổ nhiệm ông vào chức chỉ huy chính dàn nhạc đến năm 2020.
(46) Đảng Xanh hay còn gọi là Liên minh 90/Đảng Xanh là một đảng phái chính trị Đức được thành lập vào năm 1980. Nội dung hoạt động chủ yếu của đảng này là bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế bền vững và trách nhiệm xã hội - BTV.
Valery Gergiev không bao giờ che giấu mối giao hảo thân thiết của mình với Tổng thống Nga. Họ biết nhau từ thời ở Petersburg, vào những năm khó khăn, khi nhạc trưởng trẻ tìm cách trả lại danh tiếng thế giới cho nhà hát phá sản Mariinsky. Nhận chức giám đốc, Gergiev phải đấu tranh cho sự tồn tại theo đúng nghĩa đen của nhà hát opera, ba lê và dàn nhạc giao hưởng cổ nhất này. “Chúng tôi trực thuộc liên bang. Nhưng Moskva đã ngừng trả lương. Tôi phải làm tất cả để giữ người. Vladimir Putin, khi đó còn là Phó Thị trưởng đã cố giúp chúng tôi, bởi ông hiểu giá trị của nhà hát Mariinsky”.
Nhiều năm sau, Nhà hát Mariinsky và nhạc trưởng Gergiev đã nổi tiếng thậm chí với cả những cư dân Nga nào ít hiểu biết về âm nhạc. Ngày 7-8-2008, quân đội Gruzia tấn công nam Ossetia để một lần nữa buộc tỉnh phân lập này phục tùng Chính phủ trung ương Tbilisi. Moskva ngay lập tức đưa quân Nga vào Gruzia và trong chỉ vài ngày, đã đuổi quân Gruzia khỏi nam Ossetia, khôi phục lại “status-quo”(47). Cuộc chiến năm ngày của Tbilisi và Moskva ở Kavkaz tháng 8-2008 - cũng như cuộc đảo chính ở Ukraine vài năm sau đó - đã đặt châu Âu bên bờ vực chiến tranh. Hai tuần sau, tối 21-8-2008, nhạc trưởng đã đứng cùng dàn nhạc Petersburg của mình trên đống đổ nát của tòa nhà nghị viện bị bắn phá trong Tskhinvali, thủ phủ nam Ossetia, chơi Bản giao hưởng số 7 của Dmitri Shostakovich(48). Trước đó, ông cũng đã xúc động chỉ trích Gruzia vì tấn công quân sự nam Ossetia, cướp đi mạng sống hàng trăm người, chia buồn với hàng nghìn người tập trung ở quảng trường trong các bộ quần áo cuối tuần hay quân phục. Đó là một trong những khoảnh khắc hút hồn, thống thiết. Dàn nhạc đã bay thẳng đến đây ngay sau liên hoan BBC Proms. Buổi hòa nhạc được phát sóng trực tiếp trên khắp nước Nga. Gergiev có vợ là người Ossetia.
(47) Thuật ngữ Latinh, có nghĩa hiện trạng hoặc nguyên trạng - ND.
(48) Dmitri Dmitrievich Shostakovich (1906-1975): nhà soạn nhạc Nga thời Liên Xô và là một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất của thế kỷ 20 - BTV.
Nhà bình luận của báo Washington Post đã chỉ trích gay gắt hành động của nhạc sĩ như một “tuyên bố chính trị”. Giờ đây, nhạc trưởng, theo lời nhà bình luận, “đã đứng về phía chủ nghĩa dân tộc Nga với tất cả những hậu quả phi dân chủ của nó” (182). “Không nghi ngờ gì, tinh thần yêu nước của ông ta”, tờ Guardian viết một ngày sau buổi hòa nhạc ngoài trời tràn đầy cảm xúc, “là chân thành (183)”.
Nhạc được chọn cẩn thận và có tính biểu tượng. Dmitri Shostakovich viết Bản giao hưởng số 7, còn được gọi là Bản giao hưởng Leningrad trong thời bị bao vây. Bản nhạc được biểu diễn lần đầu vào năm 1942. Với Gergiev, buổi hòa nhạc này không phải là vấn đề chính trị mà là quan điểm công dân. “Buổi hòa nhạc của tôi nhằm tưởng nhớ những người đã chết và được trình diễn không vì lời bình luận trên Washington Post. Nếu nước Nga không can thiệp, phải có đến hàng nghìn người Ossetia hy sinh. Âm nhạc đó không chỉ là về Hitler, mà là về bất cứ cái ác nào bước vào cuộc sống chúng ta”, ông giải thích hành động bộc phát của mình như thế.
“Tại những buổi hòa nhạc có các Bộ trưởng Quốc phòng Anh và Đức”, Gergiev kể. Ông rất nhớ cảm xúc của mình khi đó. “Tôi chỉ có độc một câu hỏi cho họ: Ai đã khởi sự chiến tranh? Chẳng lẽ đó là sự thất thường của nước Nga, xảy ra chẳng biết từ đâu? Cuộc trò chuyện về đề tài đó không thành. Họ chỉ lịch sự lắng nghe tôi và không nói gì”.
Không chỉ nhạc sĩ Gergiev phẫn nộ vì những biến cố ở nam Ossetia, mà có cả Vladimir Putin, và hậu quả của nó sẽ đi xa.
Từ trước khi đế chế Sa hoàng tan rã năm 1917, nam Ossetia đã chống lại những mưu toan thôn tính từ phía Gruzia, và một số cuộc xung đột đã xảy ra đẫm máu. Trong Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Gruzia, khu vực này nằm ở ngay giữa lòng Kavkaz, đã nhận được quy chế tự trị. Những thập niên tiếp theo chỉ còn các cuộc xung đột yếu ớt bởi một người Gruzia - Iosif Vissarionovich Dzhugashvili, nổi tiếng hơn với bí danh Stalin, đã giữ Liên Xô trong nắm đấm thép của chuyên chế và thành lập một hệ thống có tuổi thọ còn lâu hơn ông ta nhiều năm. Ông ta khó có thể tưởng tượng rằng không quân Nga hàng chục năm sau đó, chiến đấu vì nam Ossetia, đã phải ném bom xuống thành phố quê hương Gori của mình. Sau cuộc sụp đổ của kế hoạch quy mô “Liên Xô”, những cuộc xung đột đã bùng lên với sức mạnh mới. Gruzia có được nam Ossetia, bắc Ossetia thuộc về Nga. Nhưng ngay cả khi đó, nam Ossetia đã phản đối và tuyên bố độc lập. Mong muốn tự trị ấy cũng thấy được ở miền tây bắc đất nước, tại Abkhazia. Từ đó đến nay, lịch sử Gruzia là biên niên sử những cuộc chiến tranh được tuyên bố và thật sự diễn ra. Năm 2008, những gì Chính phủ Tbilisi cố giới thiệu với phương Tây như một phần của cuộc “chiến tranh lạnh” mới và cuộc tranh đấu chống sự phục hồi Liên Xô cũ bởi Moskva (184), là một âm mưu chết người mà Gruzia mạo hiểm để cuối cùng, sau 100 năm, nuốt chửng tỉnh nổi loạn ấy bằng việc nhân danh tự do và dân chủ.
Đối với Vladimir Putin, xung đột với Gruzia là sự khẳng định ý tưởng: chính phương tiện quân sự là thứ ngôn ngữ dễ hiểu hơn với phương Tây để giải thích cho những lợi ích riêng của Nga. Chiến tranh trở thành điểm bước ngoặt và thuyết phục ông hoàn toàn vào tính đúng đắn của giả định từ lâu rằng phương Tây, trước tiên là Hoa Kỳ, cố sử dụng mọi khả năng để gây bất ổn cho tình hình nước Nga. Không chỉ bối cảnh chiến tranh đã thuyết phục được Putin mà còn vì việc sử dụng có chủ đích và gây căng thẳng có dụng ý mâu thuẫn sắc tộc, kéo dài nhiều thập niên từ phía Hoa Kỳ - nước được dẫn dắt bởi những đánh giá sai về tình hình và những quan điểm tư tưởng, tạo ra những phạm vi ảnh hưởng địa chính trị và vượt qua biên giới cho phép trong hoạt động chính trị. Chính từ đó, các chính khách phương Tây bất lực trong việc đánh giá tính chất bùng nổ của tình hình. Gruzia là cuộc diễn tập của Ukraine.
Nỗ lực của Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili thúc đẩy việc Gruzia gia nhập NATO dưới sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đã bị thất bại (185). Mặc dù thời điểm là thành công. Ở Hoa Kỳ đang bắt đầu chiến dịch tranh cử, và cái tên Vladimir Putin cũng như một nhắc nhở về nước Nga thôi cũng đủ gợi nên những kêu ca âm ỉ, có lợi để tận dụng. Chính xác hơn, đó là cảm giác sợ hãi còn lại từ thời chiến tranh lạnh. Mùa xuân năm 2008, khi Saakashvili xuất hiện ở Washington và nộp đơn xin kết nạp Gruzia vào NATO, Tổng thống Hoa Kỳ đã hứa sẽ ủng hộ. George Bush - con đang tại chức năm cuối. Trong số những người Cộng hòa tham gia cuộc đua vào chức tổng thống có thượng nghị sĩ cứng rắn phái hữu John McCain. Ứng viên tổng thống này từ lâu đã phát biểu ủng hộ việc Gruzia gia nhập liên minh Bắc Đại Tây Dương. Ông biết Saakashvili từ năm 1997, từ khi chính khách trẻ này trao cho ông niềm hy vọng, và họ kết thân. McCain đã nhiều năm bay đến các nước cựu Cộng hòa Xô viết như một kiểu “nhà truyền giáo dân chủ”. Ông sẽ xuất hiện ở quảng trường. Phương châm của ông thay đổi tùy theo tình hình lúc đó xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị nào: “Tất cả chúng ta đều là người Gruzia” hay “Tất cả chúng ta đều là người Ukraine” (186). Một công thức đã được kiểm chứng, và không chỉ ở Hoa Kỳ. McCain là một đối thủ khốc liệt của Tổng thống Nga và không che giấu ác cảm với ông. Ứng viên của Đảng Cộng hòa này, ở những đỉnh điểm của mỗi cuộc khủng hoảng đều kêu gọi sự can thiệp ngay lập tức của NATO. Theo Washington Post và New York Times, cố vấn của ông về chính sách đối ngoại đã nhiều năm nhận tiền của Chính phủ Gruzia nhờ việc vận động hành lang cho lợi ích của nước này (187). Còn cuộc đối đầu giữa Gruzia và Nga sau chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ tới Gruzia, diễn ra ba năm trước, thì liên tục leo thang.
Công thức đảo chính
Từ sân bay quốc tế Tbilisi đến trung tâm thủ đô Gruzia mất nửa giờ xe chạy. Con đường cao tốc nhiều làn có tên Đại lộ G. Bush nhằm kỷ niệm chuyến thăm ngắn của Tổng thống Hoa Kỳ tháng 5-2005. Trên Quảng trường Tự Do trước tòa nhà thị chính treo cờ Hoa Kỳ và Gruzia, hàng chục ngàn người đang đứng. Họ đến dự lễ mừng chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ đến Gruzia và say mê lắng nghe, mặc cho micro thỉnh thoảng lại bị ngắt và phát biểu của Tổng thống Bush chỉ vọng tới từng đoạn. Lãnh đạo Hoa Kỳ trong chuyến thăm các nước khối phương Đông cũ phát biểu cũng chỉ một ý: ông nói tự do và dân chủ giờ đây đang lan rộng khắp thế giới, và hiện chúng đang ngự trị ở Gruzia, rằng người dân có thể tự hào về những thành tựu của mình. George Bush - con cũng thực hiện một cú công kích nhỏ về phía Putin và nói thêm, chủ quyền của đất nước phải được tất cả các quốc gia tôn trọng (188). Washington hoàn toàn nhận thức được các xung đột lịch sử quanh nam Ossetia và những khu vực khác, đồng thời họ cũng nắm rõ những hứa hẹn công khai đầy tham vọng của Tổng thống Gruzia đưa ra trong chiến dịch tranh cử vừa qua: ông ta tuyên bố, sẽ một lần nữa tái sáp nhập những lãnh thổ không chịu khuất phục, và trong trường hợp cần thiết - là bằng vũ lực.
Chuyến thăm của vị khách cao cấp được xem như sự tưởng thưởng cho Mikhail Saakashvili. Chàng thanh niên học ở Hoa Kỳ và giữ chức tổng thống đã được một năm. Saakashvili cơ bản tự tin và cảm thấy thoải mái khi ở Mỹ, ông học ở Đại học Columbia tại New York và Đại học George Washington ở Washington. Vào thời của mình, Tổng thống Gruzia và cựu Ngoại trưởng Liên Xô Eduard Shevardnadze đã đưa tài năng chính trị trẻ tuổi này về dưới sự bảo bọc của mình và chẳng bao lâu, bổ nhiệm ông vào chức bộ trưởng. Năm 2004, người được ông bảo trợ đã tận dụng cơ hội này, với sự ủng hộ tích cực của Washington trên làn sóng căm phẫn mãnh liệt của toàn dân bởi những gian lận hàng loạt trong các cuộc bầu cử, lật đổ Shevardnadze và bẻ gãy xương sống của hệ thống. Mikhail Saakashvili - người ủng hộ cuồng nhiệt chiến lược an ninh Mỹ, mà ấn bản mới của nó nhất định phải được thực hiện, đã được in vào giai đoạn đầu thời kỳ lãnh đạo của George Bush - con: “Cuộc đối đầu vĩ đại của thế kỷ 20 giữa tự do và chủ nghĩa toàn trị đã kết thúc bằng chiến thắng thuyết phục của các lực lượng tự do và bằng việc tạo ra mô hình đáng tin cậy cho sự thành công của quốc gia trên cơ sở tự do, dân chủ và nền kinh tế thị trường tự do” (189).
Trong chiến dịch thay đổi chính quyền, Saakashvili đạt được thành công với sự hỗ trợ của công nghệ mới, từng được hoàn thiện ở Đông Âu trước đó. Về chính thức, nó là việc thay đổi chính quyền từ bên trong, nhưng với sự hỗ trợ hậu cần từ nước ngoài. Điều kiện để áp dụng nó - đó là sự bất mãn chung với hệ thống, thường là trong tình trạng khủng hoảng. Những nhà hoạt động là những người trẻ tuổi có lý tưởng, chủ yếu học ở nước ngoài. Họ năng động, linh hoạt, biết cách tiếp xúc với báo giới, thường xuyên tạo ra nội dung mới, lèo lái sự bất mãn chung và tổ chức những cuộc biểu tình hiệu quả trong khuôn khổ các sáng kiến với những cái tên thơ mộng kiểu “Cách mạng Hoa hồng”, “Cách mạng Cam” hay “Cách mạng Tuyết tùng”(49). Như một quy luật, họ thông minh và nhanh nhạy hơn bộ máy nhà nước nặng nề. Ở Đông Âu, họ thường được các quỹ Hoa Kỳ vốn gần với chính phủ hỗ trợ; những tổ chức có mối liên hệ tốt với các chính khách tân bảo thủ và những mối giao hảo không tệ với giới an ninh giúp họ trong việc đào tạo cũng như hỗ trợ các thiết bị kỹ thuật. Tạp chí Spiegel gọi gánh xiếc rong chính trị này là “Công ty Cách mạng” và từ tháng 11-2005, trong bài báo gồm hai phần, họ đã mô tả chính xác những cuộc cách mạng thời đại mới đang được chuẩn bị thế nào (190). Những sự kiện năm 2003 ở Gruzia và năm 2004 ở Ukraine giống “cuộc nổi dậy bộc phát chống lại các chính phủ chuyên quyền”, nhưng thật ra, đó là những hành động “được lên kế hoạch kỹ lưỡng”, Spiegel viết. Ở Tbilisi, phong trào mới vì dân quyền có nhiều sinh viên tham gia, mang cái tên dễ nhớ “Kmara!” (“Đủ rồi!”). Nó được quỹ “Xã hội mở” của tỉ phú Hoa Kỳ George Soros, người có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền Mỹ, tài trợ. Trong số đó, theo Spiegel, vào tháng 6-2003, Soros đã tài trợ cho “một cuộc huấn tập ba ngày về đề tài những cuộc cách mạng hòa bình ở thị trấn Tskhvarichamia với hơn một ngàn nhà hoạt động được chuẩn bị cho cuộc chiến giành chính quyền sắp tới”.
(49) Cách mạng Hoa hồng diễn ra trong tháng 11 năm 2003 với sự tham gia của hơn 100.000 người trên các đường phố Tbilisi nhằm để lật đổ Eduard Shevardnadze, nhà lãnh đạo lâu năm của Gruzia. Đây là cuộc cách mạng màu đầu tiên tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Cách mạng Tuyết tùng diễn ra năm 2005 tại Lebanon sau khi Rafig Hariri, người từng làm thủ tướng 2 lần và có ảnh hưởng lớn tại Lebanon, bị ám sát. Vì tin rằng Syria đã nhúng tay vào vụ ám sát này, ngay lập tức, hàng chục ngàn người đã kéo về thủ đô Beirut để biểu tình, phản đối Tổng thống thân Syria là Emile Lahoud, cũng như phản đối sự hiện diện của quân đội Syria trên đất Lebanon - BTV.
Ngày 22-11-2003, diễn đàn nhân dân của Mikhail Saakashvili cùng với bạn bè đã tấn công tòa nhà quốc hội. Vòng vây bảo vệ của cảnh sát không chống cự nổi. Tổng thống từ chức. Richard Miles, Đại sứ Hoa Kỳ tại Gruzia, điều khiển việc ra đi của chính quyền Shevardnadze. Kết thúc hoạt động này, người đứng đầu quốc gia gọi George Soros là bạn tốt và nói, ông này đã tích cực tham gia cuộc cách mạng bằng cách chi tiền cho tổ chức sinh viên (191).
Vladimir Putin quan sát diễn biến tình hình ở nước láng giềng và Saakashvili với sự thiếu tin tưởng. Nguyên nhân mất lòng tin, theo quan sát của ông, không chỉ vì nước láng giềng đang dần biến thành một tiền đồn của Mỹ mà còn ở sự ác cảm nhau của hai chính khách. Theo ý Putin, Saakashvili là một kẻ khiêu khích, đau khổ vì chứng hoang tưởng tự đại, không đánh giá đúng tình hình và đang cố hết sức chứng minh sự vượt trội của mình. Còn Saakashvili cho rằng cuối cùng cần cho Putin thấy, ai là nhân vật chính trong sân trường và cách phòng hờ tốt nhất là dọa dẫm bằng cách gọi ông anh cả mình ra. Nhà lãnh đạo mới của đất nước nhỏ bé giáp biên giới Nga có gần 4 triệu dân, nuôi dưỡng tưởng tượng của mình về vai trò lịch sử của đất nước và không bỏ lỡ cơ hội nào, cả ở Đông lẫn ở Tây, tự quảng bá và nhấn mạnh rằng ông ta, giống David, nổi dậy chống lại Goliath hùng mạnh cho toàn bộ thế giới tự do. “Giờ đây, chúng tôi sẵn sàng đưa vào cuộc sống chương trình tự do này - vì nhân dân chúng tôi, vì những giá trị của chúng tôi và Hoa Kỳ, những giá trị quan trọng vì chúng chỉ ra lý tưởng cho toàn bộ thế giới còn lại”, ông tuyên bố trong cuộc trò chuyện với Bush vào chuyến thăm Washington (192). Sự kết hợp của phong cách dọa dẫm và ý tưởng vĩ đại cá nhân này là thứ mà Putin dị ứng bẩm sinh. Vai trò không nói ra, nhưng đồng thời lại rất rõ ràng của Washington lại càng khiến ông tức giận. Bush không coi những phát biểu cảnh báo thẳng thừng của Putin về sự cần thiết chấm dứt mở rộng NATO về phía đông, về phía Gruzia là nghiêm túc. Tình hình không thể không dẫn tới xung đột.
Không lâu trước khi về hưu vào năm 2005, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Colin Powell đã đưa trước cho chàng thanh niên này lời khuyên giá trị: “Ông cho rằng ông đang nói về những lợi ích cơ bản của đất nước mình. Chúng tôi không chắc lắm về điều đó, nhưng, trong bất cứ trường hợp nào, không nên nói về những lợi ích quốc gia của chúng tôi. Vì thế, hãy cố đừng để rơi vào tình huống mà ông không thể xử lý. Đừng nghĩ bất cứ lúc nào chúng tôi cũng có thể đến và cứu ông” (193). Thế nhưng, những cảnh báo như thế từ Hoa Kỳ là rất hiếm. Người kế nhiệm Colin Powell là Condolezza Rice ít nghiêm ngặt hơn trong những phát biểu công khai của mình. Không lâu trước cuộc xung đột, khi bà phát biểu phản đối Putin vì căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Gruzia và truyền đạt cảnh báo của Bush về việc điều này có thể làm căng thẳng cả quan hệ Nga - Mỹ, Putin đề nghị bà chuyển tới Nhà Trắng câu trả lời ngắn gọn: “Tôi nhất định sẽ làm việc mà tôi sẽ làm” (194).
Nhà lãnh đạo trẻ triển vọng của Gruzia đã cung cấp 2.000 quân nhân từ đất nước nhỏ bé của mình cho Bush và quân đội của liên minh đang tiến hành chiến tranh ở Iraq, trong lúc Đức dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Liên bang Gerhard Schroeder, Pháp dưới sự lãnh đạo của Jacques Chirac và Nga từ chối tham gia các hoạt động quân sự. Cuộc chiến này đã cướp đi mạng sống hơn 100.000 người Iraq và khiến khu vực này bất ổn tới tận ngày nay. Còn ở tầng 4 của Bộ Quốc phòng ở Tbilisi từ lúc đó bắt đầu có các huấn luyện viên Mỹ ngồi, những người đưa quân đội nhỏ bé của Gruzia lên tầm hiện đại. Lầu Năm Góc cung cấp vũ khí, còn Tổng thống Gruzia trong bốn năm nắm quyền đã tăng ngân sách quốc phòng lên gần sáu lần (195).
Đến nay, đã biết rõ ai là người bắn phát súng đầu tiên trong cuộc xung đột này. Tổng thống Gruzia Saakashvili đã khởi chiến và tấn công tỉnh nổi loạn nam Ossetia bằng một nguyên cớ giả tạo (196). Người tiền nhiệm ông - Eduard Shevardnadze đã cố gắng trong vô vọng chinh phục nam Ossetia với cuộc chiến đẫm máu vào năm 1992. Theo thỏa thuận ngừng bắn ký kết khi đó, Nga được ủy nhiệm chính thức triển khai quân đội trong khu vực này để theo dõi lệnh ngưng bắn (197). Ngay trước cuộc tấn công, Saakashvili chính thức tuyên bố là Nga đã đưa thêm quân bổ sung vào Gruzia và lệnh tấn công của ông ta chỉ để tự vệ; thế nhưng một năm sau đó đã làm rõ được rằng tuyên bố của ông ta là dối trá.
Năm 2009, nhà ngoại giao Thụy Sĩ Heidi Tagliavini đã chính thức giới thiệu báo cáo được thực hiện cùng hơn 20 chuyên gia quân sự và pháp luật về các kết quả điều tra tiến hành theo yêu cầu của EU. Báo cáo lên tới hơn 1.000 trang, bao gồm phân tích, các tài liệu và phát biểu của các nhân chứng và bác bỏ tuyên bố của ban lãnh đạo Gruzia muốn qua đó trút bỏ tội lỗi của mình. “Không có cuộc tấn công quân sự nào của Nga trước chiến dịch quân sự của Gruzia”, các tác giả báo cáo xác nhận. Khẳng định của phía Gruzia rằng trước cuộc tấn công nam Ossetia có một binh đoàn quân đội Nga được tăng cường cũng như trong tương lai gần đã có kế hoạch tấn công từ phía Nga là điều “không chứng minh được” (198). Các chuyên gia EU cáo buộc hai phía phạm tội ác chiến tranh trong quá trình xung đột, nhưng việc ai là kẻ đầu tiên ném đá vào người khác thì không có gì phải nghi ngờ. Ba tuần sau khi bắt đầu xung đột, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã thành lập được một ủy ban điều tra độc lập trong Hội đồng Bộ trưởng EU và nêu lý do quyết định của mình: “Để phát triển quan hệ của chúng ta với hai phía xung đột, dẫu sao cũng quan trọng việc ai phải có trách nhiệm gì” (199).
Theo cuộc điều tra này, cuộc pháo kích của quân đội Gruzia vào thủ phủ Tskhinvali của nam Ossetia đã bắt đầu từ đêm ngày 7 sang sáng ngày 8-8-2008, đụng độ quân sự đã kéo dài năm ngày và vì việc đưa quân Nga vào, xung đột cũng lan ra vài nơi tại một số khu vực khác của Gruzia. Ở nam Ossetia hơn vài trăm người chết, hơn 1.700 người bị thương. Thiệt hại chính thức của quân Nga là 67 người. Số người chạy nạn lên đến hơn 100.000. Trò chơi chính trị “va banque”(50) mà Saakashvili khởi sự, bất chấp những cảnh báo trong số đó có từ phía Hoa Kỳ, đã phải trả giá bằng sinh mạng của khoảng 200 binh sĩ và cảnh sát Gruzia. “Cuộc xung đột này bắt nguồn từ sâu xa trong lịch sử khu vực”, Ủy ban điều tra tổng kết, nó là “cao điểm của sự căng thẳng và khiêu khích ngày càng tăng”. Rõ ràng, cao điểm này đã được chuẩn bị kỹ.
(50) Một thuật ngữ cờ bạc trong trò chơi bài faro, phổ biến trong thế kỷ 18 và 19. Người chơi đặt cược tất cả tiền của mình trong “ngân hàng” của trò chơi, để được ăn cả, ngả về không. “Va banque” nghĩa là một lựa chọn nguy hiểm - ND.
Tin về cuộc tấn công của Gruzia vào Ossetia đến đúng lúc Vladimir Putin ở Bắc Kinh, không lâu trước khi khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh. Tuyên bố của Thủ tướng Nga, người ba tháng trước đã chuyển chức tổng thống cho Dmitry Medvedev, hết sức rõ ràng. “Giới lãnh đạo Gruzia đã tiến hành các hoạt động gây hấn chống lại nam Ossetia. Họ đưa vào đó thiết bị hạng nặng, pháo, xe tăng”, ông nói tại cuộc họp báo triệu tập vội vì lý do này. “Điều đó rất đáng buồn… và dĩ nhiên, sẽ gây ra những hành động đáp trả” (200).
Trong những giờ tới, ông sẽ trò chuyện với George Bush - con, người cũng tới dự Thế vận hội. “Tôi gặp ông ấy ở sân vận động”, Vladimir Putin hồi tưởng, “và tôi cảm thấy Washington sẽ không ngăn cuộc xung đột này lại. Ông ta không có những cố vấn đó”. Trong câu trả lời chính thức của mình truyền đi trên truyền hình Hoa Kỳ, Bush nói thẳng với Putin là không thể chấp nhận leo thang bạo lực. Phó Tổng thống Dick Cheney từ Washington bổ sung rằng những hành động bạo lực của Nga chống lại Gruzia “không được để không có câu trả lời” (201).
Ngay sau lễ khai mạc Thế vận hội, Putin bay về nhà không báo trước và trong đêm đó, hạ cánh xuống sân bay Vladivostok ở biên giới nam Ossetia. Truyền hình phát đi hình ảnh Thủ tướng kiên quyết đi thăm trại tị nạn, trò chuyện với các tướng lĩnh Nga và an ủi những binh lính bị thương trong bệnh viện. Nói chung, những nhiệm vụ này lẽ ra là của Tổng thống Medvedev. Không quân Nga tấn công vào quân đội địch, xe tăng Nga tiến vào Gruzia. Chỉ vài ngày sau, Saakashvili với sự trung gian của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy như một đại diện EU, đã ký thỏa thuận ngừng bắn.
Washington đã không hỗ trợ quân sự. G. Bush sau khi trở về Nhà Trắng chỉ giới hạn bằng một phát biểu lớn tiếng, rằng Nga có nguy cơ đánh mất vị trí của mình “trong các cơ cấu kinh tế và chính trị, đồng thời cả các cơ cấu an ninh thế kỷ 21” (202), đồng thời tuyên bố hai máy bay quân sự sẽ không vận đến Tbilisi chăn màn và thực phẩm. Cùng lúc, Saakashvili tại Đại lộ Rustaveli ở Tbilisi, trước hàng nghìn ủng hộ viên hoan hỉ, với giọng sôi nổi đã tuyên bố về “sự giã từ của chúng ta với Liên Xô” (203). Những người đứng cạnh Bush, Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski và các lãnh đạo Litva, Latvia, Estonia đã không thể thúc đẩy ông có những bước đi kiên quyết hơn. Họ ủng hộ Saakashvili và muốn tính sổ gì đó với Liên Xô cũ. Nhưng tính toán của họ không hợp lý.
“Chúng tôi còn có thể làm gì ngoài đáp trả quân sự? Lau vết máu và bỏ đi, treo cổ à?”, Putin hỏi sau đó. Câu hỏi tu từ. Ở Bắc Kinh, ông đã xem tin tức của phương Tây để tìm hiểu xem người ta phản ứng thế nào trước cuộc tấn công của Gruzia. “Không một sự phẫn nộ, không có gì, dường như chẳng có gì xảy ra. Mọi lỗi lầm là do chúng tôi” (204). Ông một lần nữa tìm thấy sự khẳng định cho ý nghĩ của mình, rằng chỉ có thể dựa vào sức mạnh của bản thân.
Chẳng bao lâu sau cuộc xung đột, ngày 26-8-2008, Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Moskva đã gởi tới CIA và Bộ Ngoại giao một thông báo đóng dấu “mật” đánh giá tình hình những tuần qua. Trong đó kể lại, những ngày này ở Moskva, người ta nói gì sau cốc rượu vang ở những cuộc tiếp đón ngoại giao. Ở đó nội dung, như thường thấy, không chỉ về những nguyên nhân chiến tranh và các lợi ích làm nền tảng cho cuộc xung đột, mà còn về các nhân vật. Khối lượng thông tin có ích không nhiều.
“Khi xung đột bắt đầu ở Gruzia, Medvedev lúng túng. Cố vấn Chính trị Đối ngoại của Putin, ông Ushakov kể cho Đại sứ Đức rằng Putin rất lo âu trước sai lầm của Medvedev ở chỗ không thể hiện sự quyết liệt ngay vào ngày 8-8. Putin đã phải vài lần can thiệp vào tình hình từ Bắc Kinh. (…). Khi cuộc xung đột bước ra khỏi giai đoạn nóng và Medvedev cùng với Tổng thống Pháp bắt đầu tiến hành thương lượng…, sự cân bằng được phục hồi, mặc dù người Pháp kể cho chúng tôi là Putin có mặt ở cuộc gặp. (…). Sau cuộc xung đột ở Gruzia, không ai còn nghi ngờ gì, rằng Putin là nhân vật chính trong hệ thống chính trị này” (205).
Bình luận của chính trị gia Vladimir Putin đối với những thông tin loại này cũng không có gì ngạc nhiên: “Quyết định đưa quân do Tổng thống thông qua. Không một xe tăng nào di chuyển nếu không có lệnh của Tổng thống Dmitry Medvedev”. Vladimir Putin trong khung cảnh chính thức luôn tôn trọng nghi thức.
Cuộc xung đột Gruzia - Nga xác định mô hình hành xử trong chính trị những năm sắp tới: những tuyên bố công khai về các thỏa hiệp, mà trên thực tế, chúng không phải là như thế. Năm 2014, chúng kết thúc bằng cuộc khủng hoảng Ukraine. Lãnh đạo chính trị các cường quốc thế giới bảo đảm với nhau rằng họ luôn hiểu nhau, nhưng lại không ngừng chỉ ra cho nhau rằng hành động của đối thủ là không thể chấp nhận. Angela Merkel ngay từ giai đoạn đầu đã hiểu đường lối đối đầu của Mikhail Saakashvili là nguy hiểm. Nhưng bà vẫn theo đường lối của Hoa Kỳ, chỉ đưa vào một ít đổi thay mang tính điểm tô nho nhỏ. Từ đầu sự nghiệp chính trị của mình, bà chia sẻ cơ bản đường lối chính trị đối ngoại của Chính phủ Mỹ và không bao giờ thật sự so sánh lợi ích của Đức với Hoa Kỳ.
Quan điểm này được bà Merkel tiếp tục duy trì sau khi diễn ra việc thay đổi chính quyền. Hoa Kỳ - “là một đối tác quan trọng đến nỗi, chúng tôi hợp tác chặt chẽ bởi điều đó cần cho những lợi ích chung của chúng tôi, bởi chúng tôi muốn điều đó và chia sẻ những giá trị chung” - câu thần chú cũ này bà đã lặp đi lặp lại không lay chuyển, khi đứng cạnh Barack Obama tại cuộc họp thượng đỉnh “G7” ở lâu đài Ellmau mùa hè năm 2015 (206). Đầu tháng 4-2008, bốn tháng trước khi bắt đầu chiến tranh, mọi thứ ước chừng vẫn là như thế.
Quyết định thật và giả
Bữa tiệc tối truyền thống đêm trước Hội nghị thượng đỉnh NATO ở cung điện sang trọng Ceausescu tại Bucharest kéo dài lâu hơn dự định. Đề nghị của George Bush - con kết nạp Ukraine và Gruzia vào NATO theo một hệ thống tăng tốc đã gặp phản ứng từ các nước thành viên của liên minh. Pháp và Đức chống, Ý và các nước Benelux(51) cùng đứng về phía quan điểm này. Những người đứng đầu các chính phủ đã biện luận cho phản ứng này rằng đa số cư dân Ukraine không muốn gia nhập NATO, vì thế hành động này có thể khiến chính phủ nước này bị đe dọa. Tình hình hai nước rất không ổn định và ngoài ra, không nên động đến nước Nga, như Ngoại trưởng Đức Frank- Walter Steinmeier nói và bằng cách đó, đã hướng sự tập trung của những người có mặt về quan điểm của Moskva (207). Đề tài Putin đã gợi lên những cuộc tranh cãi sôi nổi, kéo dài tới vài giờ. Cuộc thảo luận trở nên căng thẳng hơn. Phương Tây mở rộng, và cùng với đó, lợi ích của nó cũng thay đổi. Ba Lan và các nước Baltic gây áp lực lên Angela Merkel, họ muốn mở rộng NATO, nhắc nhở quá khứ của nước Đức và nghĩa vụ tinh thần của nó là phải chuộc lỗi của mình. “Các đại diện Đông Âu nổi nóng”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice nhớ lại. “Thật đáng tiếc, mọi việc thậm chí còn tiến gần tới chỗ suýt chút nữa thì người ta đã cảm ơn người Đức vì những gì họ đã làm những năm 1930, 1940” (208).
(51) Liên minh kinh tế chính trị ba quốc gia láng giềng Tây Âu, gồm Bỉ, Hà Lan và Luxembourg. Benelux (từ hai chữ cái đầu trong tên ba nước Belgium, Netherlands và Luxembourg ghép lại) đầu tiên là tên gọi thỏa thuận thuế quan khởi đầu cho liên minh châu Âu - ND.
Bush cũng giận dữ, tuyên bố chỉ có thể đưa ra một khi đồng thuận. Đến cuối kỷ nguyên của mình, ông muốn có thêm một hành động chói sáng cho sách giáo khoa lịch sử Hoa Kỳ và chống lại “đế chế của cái ác”. Ông không quan tâm đến phản ứng tiêu cực của một số nước châu Âu (209). Ông đã biết những ngờ vực và cảnh báo của họ qua một số cuộc đàm đạo với bà Merkel, vốn được tiến hành trước đó qua liên lạc video. Ông ghi nhận chúng, nhưng đánh giá sự chống đối này không đáng kể. Sau bữa ăn tối, áp lực gia tăng và bà Merkel thực dụng đã nhận lãnh vai trò quen thuộc của người kiến tạo hòa bình. Thủ tướng Đức muốn tránh khỏi cuộc đụng độ của những tín niệm khác nhau.
Bà đề nghị cho hai nước khả năng gia nhâp NATO, nhưng chỉ sau một thời gian. Chiến thuật quen thuộc của Merkel, trong đó, những tiêu đề trên các phương tiện truyền thông đại chúng ngày hôm sau có ý nghĩa quan trọng hơn nội dung thực tiễn, đã biện hộ cho nó. NATO thông qua quyết định kết nạp Croatia và Albania, và sau đó đồng tình thêm với một kế hoạch ưa thích nhất của Tổng thống sắp mãn nhiệm, hệ thống phòng thủ tên lửa ở biên giới Nga. “Tôi trở về nhà với cảm giác hài lòng sâu sắc”, Thủ tướng Đức nói trong tuyên bố tổng kết và ra sân bay (210). Sự khác biệt tinh tế giữa các công thức “bây giờ” và “muộn hơn một chút” mà Angela Merkel đã đưa ra một cách thuyết phục liên quan tới việc Gruzia và Ukraine gia nhập NATO, được người Đức xem như thắng lợi chính trong ngày và ăn mừng (211). Nhưng cái công thức đẹp đẽ, tạm thời đó, là cho các nhà ngoại giao. Còn trong thông cáo tổng kết, nó không hề được phản ánh (212).
Cuộc tranh cãi về thời hạn không thay đổi bản chất vấn đề từ quan điểm của Kremlin. Ở đây nói về quyết định có tính nguyên tắc của liên minh, được định nghĩa hết sức rõ ràng. “NATO hoan nghênh những khát vọng châu Âu Đại Tây Dương của Ukraine và Gruzia, những nước mong muốn gia nhập vào liên minh. Hôm nay, chúng tôi đã đồng ý là những nước này sẽ gia nhập NATO. Cả hai đã có những đóng góp đáng kể vào hoạt động của liên minh”. Điều 23 đã viết như thế, và nước Nga hiểu quyết định này chính là như thế (213). “Liên minh chưa từng đưa ra một quyết định nào như thế trong 59 năm tồn tại của mình”, tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung viết như thế về vấn đề này (214).
Kết thúc cuộc họp, Putin được mời dự và phát biểu ý kiến. Một tháng trước thời điểm này, trong chuyến thăm Moskva, bà Angela Merkel đã cho ông hiểu rằng, lẽ dĩ nhiên, ông không có quyền biểu quyết trong vấn đề NATO kết nạp ai và không kết nạp ai, và cùng với đó đã nhấn mạnh thêm lần nữa là sự mở rộng của liên minh về phía đông hoàn toàn không nhằm chống nước Nga. Giờ đây, ở Bucharest, Putin đưa lời đáp chính thức cho việc này.
Âm sắc mà ông chọn cho phát biểu trước các nguyên thủ các nước, bị giảm bớt, nhưng ý tưởng chính thì không hề mơ hồ: “Chúng tôi không có quyền phủ quyết nào, và không thể có, mà chúng tôi cũng không đòi hỏi nó. Nhưng tôi muốn tất cả chúng ta, khi giải quyết những vấn đề kiểu này, hiểu rằng ngay cả chúng tôi cũng có những mối quan tâm của mình ở đó. 17 triệu người Nga đang sống ở Ukraine. Ai có thể nói với chúng tôi là ở đó chúng tôi chẳng có mối quan tâm nào?”. Ông kiên quyết chỉ ra Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga ở Crimea và cảnh báo, việc mở rộng NATO đang làm bất ổn tình hình Ukraine. Rồi ông hỏi, tại sao nước Nga trong tình hình thế này lại không thể có mối quan tâm của mình. “Những tuyên bố rằng việc đó [NATO mở rộng về phía đông] không là mối đe dọa với chúng tôi, không đủ”, ông nói tiếp. “An ninh quốc gia không xây dựng trên những hứa hẹn, hơn thế nữa, những cam kết này chúng tôi đã từng nghe vào đêm trước của các đợt mở rộng trước đây của khối này”. Rồi ông nói thêm: “Sự xuất hiện ở biên giới chúng tôi một khối quân sự hùng mạnh mà hoạt động của các thành viên của nó được chỉ đạo bởi Điều 5 Hiệp ước Washington, sẽ được cảm nhận ở nước Nga như mối đe dọa trực tiếp tới an ninh của đất nước chúng tôi” (215).
Trong kết luận, như một dấu hiệu thiện chí, Putin đồng ý thỏa thuận quá cảnh với NATO cho phép liên minh vận chuyển hàng hóa để “đấu tranh chống khủng bố” qua Nga để vào Afghanistan.
Chiều hôm sau, ông mời George Bush - con tới dinh thự mùa hè Suối Bocharov của mình ở Sochi. Đó là cuộc gặp chính thức cuối cùng của hai chính khách ở cương vị tổng thống. Vladimir Putin muốn giới thiệu với Bush người kế nhiệm Dmitry Medvedev và một lần nữa nói về việc triển khai theo kế hoạch các tên lửa ở Đông Âu. Chính ông một tháng sau cũng sẽ chuyển sang ghế thủ tướng.
Buổi sáng hôm sau trên Biển Đen diễn ra sô diễn chia tay mang tính hoài niệm của hai người đàn ông mà trong giai đoạn tại nhiệm, họ đã gặp nhau hơn hai mươi lần, đã có với nhau một mối thiện cảm nào đó, đã thảo luận hàng loạt vấn đề chính trị và hiếm khi trùng khớp ý kiến với nhau, nhưng Vladimir Putin lại dễ chịu với kiểu ăn nói cao bồi của Bush hơn là những ngôn từ rườm rà chẳng có tính trói buộc gì của người kế nhiệm Barack Obama. Tuyên bố chính thức về “những khuôn khổ chiến lược” tương lai trong quan hệ Hoa Kỳ - Nga chẳng thay đổi gì trong quan điểm bất đồng của “hai con ngựa chiến già”, như Bush đùa cợt gọi họ, thậm chí kể cả khi phía Mỹ tuyên bố về tiến bộ đáng kể trong các cuộc thương lượng về hệ thống phòng thủ tên lửa (216).
“Tôi tin rằng có thể nói về một đột phá đáng kể”, Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố về nỗ lực tạo cho tiết mục chia tay này tầm vĩ đại của một sự kiện lịch sử. Vladimir Putin cũng rộng lượng, ông nói về tính trung thực và cởi mở của Bush, nhấn mạnh cuộc gặp rất có giá trị. Ông chỉ không đồng tình về thực chất vấn đề. “Ở đây không nói về ngôn ngữ, không nói về những cụm từ ngoại giao hay công thức đúng. Ở đây nói về bản chất vấn đề”, ông nói, ngụ ý lợi ích của Nga. “Cho phép tôi nói thẳng: quan điểm cơ bản của chúng tôi liên quan tới các kế hoạch của Hoa Kỳ là không thay đổi”. Còn lại thì, tất cả là sự kính lễ chào nhau và đa cảm Texas. “Trong nhiều tình huống chính trị, người ta nhìn thẳng vào mắt anh và nói điều anh ta thật lòng đang nghĩ”, Bush nói tại buổi chia tay trước báo giới đang tập trung, rồi sau đó quay sang Putin và tiếp tục: “Ông nhìn vào mắt người ta và nói điều ông nghĩ. Đối với đàn ông, đó là khả năng duy nhất tìm được điểm chung” (217). Nhưng sẽ không có điểm chung khác nữa.
Như đáp lại kế hoạch mở rộng NATO, một trong những chỉ thị cuối cùng của Vladimir Putin trên cương vị tổng thống cuối nhiệm kỳ hai đã bảo đảm cho nam Ossetia và Abkhazia sự ủng hộ tiếp tục. Tháng 7-2008, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice trong một phát biểu công khai chung với Saakashvili đã trấn an người nghe, rằng trong tương lai sẽ ủng hộ việc sớm kết nạp nước này vào NATO, mặc dù bà ta, như New York Times viết, trước đó, ở sau những cánh cửa đóng đã cảnh báo ông ta đừng gây trò khiêu khích (218).
Một tháng sau, sau quyết định của các nước thành viên NATO ở Budapest, Saakashvili cuối cùng đã ra lệnh tấn công nam Ossetia và đề nghị Hoa Kỳ trả lại cho ông ta đơn vị Gruzia đang chiến đấu ở Trung Đông dưới sự chỉ huy của Hoa Kỳ và là chiếc vé vào cửa của nhóm bạn Đại Tây Dương. John F. Tefft, Đại sứ Hoa Kỳ ở Tbilisi, sáng ngày 8-8 đã gởi cho Washington bức điện khẩn: “Vào lúc 4 giờ sáng, Hội đồng An ninh Quốc gia Gruzia đề nghị trả lại 1.000 binh sĩ Gruzia đang chiến đấu ở Iraq trong vòng 24 giờ tới”. Ông viết Saakashvili đã ban hành lệnh tổng động viên. “Ông ta cáo buộc Nga công khai xâm lấn”, vị đại sứ tiếp tục, “và kêu gọi cộng đồng thế giới hỗ trợ ông ta” (219).
Trong bình luận của Vladimir Putin về sự điều hành của Tổng thống Bush và chính sách của ông ta liên quan đến Nga nghe được sự tiếc rẻ: “Như có thể thấy, ông ta phải hành động theo cách mà nước Mỹ trông đợi, nhưng ông ta, tiếc thay, không có những cố vấn như thế”.
Trong năm đó, nước Nga đã tiến hành cải cách toàn diện các lực lượng vũ trang. Hai năm sau, Tổng thống Gruzia Saakashvili thất cử quốc hội và năm 2013, phải di cư sang Hoa Kỳ. “Cuối cùng thì nhân dân cũng căm ghét ông ta không thua gì Tổng thống Shevardnadze, người đã bị ông ta lật đổ”, Spiegel tổng kết sau chuyến tự lưu vong của cựu chính khách triển vọng (220). Từ đó, các chính quyền của tổ quốc cũ đã theo đuổi vụ kiện chống lại ông ta vì tội lạm dụng quyền lực, tuyên bố truy nã.
Saakashvili đã tham gia các cuộc biểu tình trên Maidan của nước láng giềng từ những giai đoạn đầu. Mùa hè năm 2015, ông ta từ bỏ quốc tịch Gruzia. Petro Poroshenko, làm Tổng thống Ukraine từ tháng 6-2014, đã trao cho bạn mình quốc tịch Ukraine và bổ nhiệm ông ta vào chức Thống đốc vùng Odessa. Giờ đây, Thống đốc mới đã so sánh cuộc chiến ở đông Ukraine với chiến tranh Gruzia. Lần cuối cùng, ông ta bị tổ quốc cũ của mình chỉ trích vì đã kêu gọi binh lính Gruzia phục vụ quân đội Ukraine để đấu tranh với những người ly khai Donbass (221).
Giờ đây, chính quyền trung ương Ukraine chẳng ngại ngùng gì bày tỏ thẳng thắn mong muốn sao cho ông quan tâm tới những kẻ ly khai, như ở Gruzia. Và không chỉ ở Odessa, nơi có đông người nói tiếng Nga sinh sống, mà cả ở vùng lân cận. Ở đây nói về Prednistrovie, một dải đất hẹp không xa Odessa, nằm giữa Moldova và Ukraine. Prednistrovie là đồng minh của Moskva. Năm 1992, dân cư khu vực này có gần 500.000 người, đã chọn lựa đứng về phía Nga. Đến ngày nay, việc cung ứng cho họ được thực hiện qua cảng Odessa, rồi sau đó qua Ukraine bằng đường bộ. Theo ngôn ngữ ngoại giao, tình hình ở đó được gọi là “cuộc xung đột bị đóng băng”. Vào lúc Thống đốc mới nhậm chức, Tổng thống Poroshenko đã ban hành chỉ thị dừng cung ứng trên bộ, còn Saakashvili mang từ nam Ossetia và Abkhazia về kinh nghiệm nhỏ bé của mình để rã băng cuộc xung đột bị đóng băng này. Nghe tin này, Tổng thống Vladimir Putin đã phản ứng tự nhiên bằng một cử chỉ chế nhạo mỉa mai: làm dấu thánh.