Syria và điệp viên chạy trốn - người tố cáo đã hâm nóng căng thẳng giữa Moskva và Washington ra sao?
Con tàu “Cánh én” mà sáng tháng 12-2013 đó chuyển bánh gần như không một tiếng động từ nhà ga Sochi mới tu bổ xong gồm năm toa màu đỏ, và chở một trong những vị khách quan trọng nhất cùng với đoàn tháp tùng của ông. Vladimir Putin ngay trước Thế vận hội mùa đông lên đường vào một trong những chuyến thanh sát thường kỳ của mình. Con đường từ bờ biển đến vùng núi Krasnaya Polyana, từ sân vận động khúc côn cầu trong thung lũng đến những sườn dốc trượt tuyết dựng đứng - đi mất khoảng 40 phút. “Cánh én” là một trong hơn 30 con tàu mới nhập về từ Đức, và nó hoàn toàn không phải là cái mới duy nhất ở Sochi. Ở đây nói về điều gì đó lớn hơn Thế vận hội.
Kế hoạch của Vladimir Putin là nhằm biến vùng đất bị bỏ phế này - một Florida hậu Xô viết bên bờ Biển Đen, nổi tiếng một cách đau buồn bởi những vụ tắc đường thường xuyên vào mùa hè và những vụ cúp điện nước đều đặn vào mùa đông, thành một khu du lịch hấp dẫn. Sochi là một dự án mang tính quốc gia của Putin; nó không chỉ chứng minh niềm say mê thể thao của ông, đối với ông, nó cũng là một kế hoạch trong khuôn khổ chính sách “quyền lực mềm”, mà ở trong nước, nó còn nhằm củng cố cảm xúc phẩm giá riêng của các công dân và nếu thành công, sẽ bảo đảm cho đất nước ông sự tôn trọng của toàn thế giới. Trong lịch sử các thế vận hội mùa đông, cho đến nay, nước Nga luôn giành được nhiều huy chương nhất.
Tổng thống chịu áp lực của nhiều hoàn cảnh, quanh ông là các nhà quản lý phụ trách công trình lớn nhất đất nước với tất cả lỗi quy hoạch, chậm trễ trong thực hiện và gián đoạn trong công việc - những thứ không thể tránh khỏi khi thực hiện các công trình quy mô lớn như thế, và đồng thời với nó là nạn tham nhũng. Trong những tiếng đồng hồ qua, ông liên tục di chuyển giữa các công trình xây dựng; ở khắp nơi, ông phải nghe những lời trấn an giống nhau rằng, tất cả mọi thứ, dĩ nhiên, đang theo kế hoạch, tất cả nhất định hoàn thành đúng thời hạn - kể cả khi cái “tất cả” đó chẳng mấy thuyết phục nhưng đó là một tiến trình công việc.
Được cái là tuyết rơi dày nửa thước, nhờ đó tình hình nhìn có vẻ tốt hơn thực tế. Chẳng hạn, bàn nhún trượt tuyết đã xây trễ mất hai năm và chi phí đắt hơn gấp bảy lần so với dự toán ban đầu. Nó làm mất chức Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc gia của Akhmed Bilalov: công ty xây dựng của ông ta phụ trách dự án này.
Sochi ba lần muốn tiến hành Olympic và hai lần bị từ chối. Lần thứ ba, Putin đích thân bay tới Guatemala vào năm 2007 tại cuộc họp của Ủy ban Olympic Quốc tế để vận động bằng tiếng Anh cho thành phố của Nga làm địa điểm tổ chức Thế vận hội mùa đông 2014. Lần đó, các đối thủ cạnh tranh từ Salzburg và Pyeongchang ở Hàn Quốc đã phải nhường bước (222).
Thế vận hội mùa đông - đó không chỉ là kế hoạch uy tín của Putin. Sau quyết định của Ủy ban Olympic Quốc tế - nó đồng thời trở thành sân chơi cho các đối thủ của Putin: càng gần tới Thế vận hội, những cuộc tấn công nhắm vào ông càng ác liệt, trước tiên là từ nước ngoài. Người ta còn bàn bạc cả vấn đề về một cuộc tẩy chay có thể. Như mọi khi, chỉ cần Thế vận hội không diễn ra ở Anh hay Hoa Kỳ, thì một nghi ngờ cơ bản lại được dấy lên: liệu Ủy ban Olympic có phải là kẻ thừa hành ngoan ngoãn ý nguyện của những nhà độc tài, những kẻ như Putin không (223).
Việc phê bình hợp lý màn kịch nhiều tỉ mà Ủy ban Olympic bận rộn tiến hành, và hiển nhiên, việc phê bình cả những quy luật thị trường hiện hành mà công cuộc chuẩn bị này theo đuổi, luôn đi kèm với một danh sách dài những yêu cầu quan trọng về mặt đạo đức nhưng cũng rất không tưởng, đối với Ủy ban này. Nội dung của nó là: cùng với việc xây dựng những sân vận động mới, phải thay đổi các luật lệ và cấu trúc xã hội của đất nước mà chính sách của nó đang gây bất bình. Ở đây nói về những đề tài nổi tiếng như nạn sợ đồng tính và nhân quyền. Và bởi vì Sochi biến thành một công trường lớn, bên cạnh những phê phán đó còn có các chỉ trích về việc phá hủy môi trường và không quan tâm đúng mức đến việc bảo đảm phát triển bền vững khu vực. Gần đây lại còn dư luận về việc tiến hành Thế vận hội, có thể, sẽ mất an ninh bởi những kẻ khủng bố Kavkaz từ Daghestan và Chechnya đang đe dọa ra tay. Để đề phòng, Washington thậm chí còn đưa ra cảnh báo về đe dọa khủng bố (224).
Trận chiến này diễn ra không chỉ trong một tháng mà thường xuyên tái diễn khi chuẩn bị Thế vận hội hay chung kết bóng đá thế giới, và đôi khi nó làm Vladimir Putin khó chịu; nhưng nói chung, vì đây là một thuộc tính tiêu chuẩn của nền kịch nghệ sân khấu chính trị thế giới nên ông thờ ơ. Điều thực sự khiến ông lo âu, là lời từ chối tham gia Thế vận hội của Tổng thống Liên bang Đức. Không phải ông bất ngờ vì lời từ chối này. Tổng thống Đức, như được biết, có ác cảm lớn với người đồng cấp ở Moskva (225). Joachim Gauck thường đi thăm các nước nhưng đến giờ, ông vẫn bỏ qua thủ đô Nga. Ở Berlin, ông buộc phải tiếp vị khách Nga vì những lý do nghi lễ, khi Putin đến thăm thủ đô Đức một năm trước.
Cuộc gặp ngắn ngủi và hơn cả lạnh lùng. Cựu mục sư đã thuyết giảng về việc thiếu tôn trọng nhân quyền ở nước Nga. Ông tuyên bố, với phương Tây, đó là “thỏa thuận về các giá trị”, còn nước Nga với ông không phải là một phần của nó. Ngay cả trước đó, Gauck cũng không che giấu sự thiếu thiện cảm của mình với Putin. “Người chống cộng với ân sủng của Chúa”, như có lần tờ báo Tagesspiegel gọi ông (226), Gauck đấu tranh cho việc sử dụng “Bundeswehr”(52) nhiều hơn ở ngoài Liên bang Đức và là người ủng hộ NATO nhiệt thành. “Chính là hôm nay, khi Hoa Kỳ không thể thường xuyên gia tăng sự đóng góp của mình vào an ninh, Đức và những đối tác châu Âu của họ có nghĩa vụ phải nhận phần lớn trách nhiệm vì sự an ninh của chính mình” - đó là giáo điều đối ngoại của đức tin mà Gauck chính thức tuyên bố hồi tháng 1-2014 tại Hội nghị Munich về vấn đề an ninh (227). Bằng cách đó, ông đã cho thấy mình đang tiến hành chính sách đối ngoại riêng cho dù chức năng ấy, nói đúng ra, không nằm trong thẩm quyền chính thức của ông.
(52) Cách gọi quân đội Liên bang Đức, từ năm 1956 - ND.
Phần nào mối quan hệ không tốt đẹp giữa Gauck với nước Nga có gắn với lịch sử gia đình ông. Cha của Gauck trong thời Thế chiến thứ hai là sĩ quan hải quân, năm 1951 đã bị tòa án binh ở Cộng hòa Dân chủ Đức buộc tội gián điệp và giải đi trại tù GULAG Xô viết. Chỉ nhờ các cuộc thương lượng khi đó của Thủ tướng Liên bang Konrad Adenauer, năm 1955, ông mới được trở về nhà. Số phận của ông có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành con người Gauck (228), và tác động lên nhận thức của Gauck về nước Nga, mặc dù Liên bang Xô viết đã không còn nữa và Vladimir Putin, rõ ràng, có thể chỉ trích ông nhiều thứ, nhưng chắc chắn không phải vì ông là một người cộng sản.
Sự từ chối của Gauck là khởi đầu của một loạt lời từ chối từ phương Tây. Nhiều ngày sau đó, những tin không vui khác lại tới. Angela Merkel thông báo không thể tới Sochi, sau đó François Hollande và Barack Obama cũng trả lời từ chối. Tổng thống Hoa Kỳ quyết định không gởi ai trong số các thành viên nội các của mình tới Sochi và đưa huyền thoại quần vợt đồng tính Billie Jean King tới tham gia Thế vận hội. Đó rõ ràng là một cử chỉ nhằm tỏ thái độ. Hai năm trước, phái đoàn Mỹ dự Olympic mùa hè ở London dù sao cũng do Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Michelle Obama dẫn đầu. Thế nhưng, trong chuyến đi thanh sát của mình trên “Cánh én” đỏ hôm đó, Putin không hề hay biết gì về hành động sỉ nhục được phối hợp này.
Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga năm 2013 vẫn xấu đi một cách ổn định. Không chỉ vì giữa hai Tổng thống không “nảy sinh sự thông hiểu”. Lợi ích của hai quốc gia hoàn toàn đối nghịch nhau. Ngay cả tân Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng không thể thay đổi tình hình này, người mà trong cuộc gặp đầu tiên với đồng nghiệp Nga tính tới hiệu ứng truyền thông đã mang đến cho ông một món quà nhỏ kèm theo những lời chúc tốt đẹp của Tổng thống Barack Obama. Buổi trao quà lại trở thành một sai lầm kinh điển kiểu Freud. Với câu nói: “Tôi có quà cho ngài” và trước các ống kính đang làm việc, chính khách Hoa Kỳ đã trao cho ông Lavrov một trong những biểu tượng của khởi đầu chính trị mới mà Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố sau khi được bầu lại nhiệm kỳ 2. Đó là một cái nút đỏ trên một cái bệ bằng nhựa màu vàng với hàng chữ tiếng Anh “Reset” (“khởi động lại”, tiếng Nga là “перезагрузка”) và kèm với chữ dịch sang tiếng Nga là “Перегрузка”. Ngoại trưởng Nga bật cười vang và trấn an rằng mặc dù có một chút sai sót trong bản dịch, ông vẫn sẽ để chiếc nút này ở chỗ trang trọng. “Перегрузка là từ dịch sai”, Lavrov nói (229), bởi trên thực tế, từ này có nghĩa là “nặng hơn”, “quá tải”.
Tất cả kết thúc ở đó. Cuộc xung đột Syria đã nhanh chóng chỉ ra quan điểm Obama và Putin khác nhau đến đâu. Ban đầu, “Mùa xuân Ả Rập” được bắt đầu dưới dạng những cuộc biểu tình ôn hòa của dân chúng chống lại các chế độ độc tài, nhưng vì phản ứng không khoan nhượng của chính phủ Syria, chẳng bao lâu đã biến thành cuộc đối đầu ác liệt. Ở quốc gia thế tục duy nhất trong khu vực đã bùng lên cuộc chiến đẫm máu giữa những người Shiite và Sunni, do Arabia Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Vịnh tài trợ với việc sử dụng vũ khí sản xuất tại Hoa Kỳ và tại Nga. Syria cuối cùng đã trở thành giấc mơ ấp ủ của những người ủng hộ trào lưu chính thống Hồi giáo, là hiện thân và hình ảnh của vương quốc Hồi giáo vượt ra khỏi khuôn khổ của những quốc gia khác nhau, có thể được xây dựng thành công. Cuộc đấu tranh ban đầu đòi mở rộng quyền công dân chống lại hệ thống độc tài, ngày nay không còn vai trò gì nữa. Trong các cuộc điện đàm đầu tiên về khủng hoảng, Vladimir Putin đã bác bỏ đề nghị của Barack Obama lật đổ Bashar al-Assad bằng các phương tiện quân sự. Với ông, đây không chỉ nói về một căn cứ hải quân duy nhất của Nga ở Tartus - Địa Trung Hải của Syria, và cũng không chỉ vì Syria nhiều năm qua đã là đối tác của Nga. Putin như một nhà thực dụng đã sợ sự bất ổn tiếp theo của khu vực. Quan điểm Nga, theo lời ông là ở chỗ, sau chiến tranh Iraq, việc tan rã của Syria sẽ càng làm sâu sắc thêm thảm họa, mà liên quan đến việc này, không phải lần đầu tiên việc lật đổ nhà độc tài Libya Muammar Gaddafi được nhắc tới, bởi việc lật đổ đó đã gây cho đất nước Bắc Phi này sự hỗn loạn kéo dài tới tận ngày nay (230).
Ngoài ra, Tổng thống Nga nhớ rất rõ sự ủng hộ của các quốc gia vùng Vịnh Persic đối với những kẻ Hồi giáo cực đoan ở Chechnya và ở Kavkaz nói chung. Cam đoan của Obama rằng sau khi lật đổ Assad, dân chủ sẽ trở lại Syria, còn Arabia Saudi và Qatar sẽ chấm dứt tài trợ cho những kẻ cực đoan Hồi giáo, bị Putin cho là ngây thơ. Theo đánh giá của ông, điều đó hoàn toàn không dẫn đến kết thúc cuộc chiến giữa những người Shiite ở Tehran ủng hộ Assad, với người Sunni ở Riyadh muốn lật đổ ông ta.
Putin nhấn mạnh, ông không giữ rịt lấy Assad, sở dĩ ông bác bỏ công thức lật đổ Tổng thống Syria chỉ là vì nó thiển cận. Giải pháp của vấn đề, ông thấy trong một chính phủ chuyển tiếp với sự tham gia của đại diện chính quyền hiện hành và phe đối lập. Theo ý Putin, Bashar al-Assad nhờ liên minh của ông ta với Iran đã không chỉ trở thành là một yếu tố sức mạnh quan trọng mà ông ta còn cần thiết nhìn từ góc độ quân sự, tính đến cuộc đấu tranh chống lại việc Hồi giáo hóa đang tiếp tục trong khu vực. Trong vòng vài tháng, có vẻ như quan điểm của Nga chiếm ưu thế. Quả thật, chẳng bao lâu, vào cuối tháng 6-2012, năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ở Geneva đã đi tới thỏa thuận liên quan tới một chính phủ chuyển tiếp ở Damascus do Assad đứng đầu. Cho tới lúc đó, số người chết vì nội chiến đã lên tới 60 ngàn người (231).
Thế nhưng, quyết định được đưa ra trong quá trình đàm phán không là gì hơn một văn bản in trên giấy. Một tuần sau, nhà trung gian quốc tế Kofi Annan tuyên bố không chỉ về thất bại cá nhân mà còn về thất bại của thỏa thuận Geneva (232). Nhân danh “những người bạn Syria”, trong số đó, bên cạnh Arabia Saudi còn có Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ - tất cả đều là những đối thủ quyết liệt của Assad và là những nhà bảo trợ chiến tranh, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã vi phạm thỏa thuận Geneva mà khó khăn lắm mới đạt được, và yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu ủng hộ một giải pháp quân sự (233).
Cựu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan từ bỏ vai trò đặc sứ Liên Hợp Quốc ở Syria, chỉ trích Hoa Kỳ mạnh mẽ: “Nếu các người coi việc yêu cầu Assad từ chức là điều kiện tiên quyết, thì các người đang làm cho nỗ lực đưa những con người ấy ngồi vào bàn đàm phán trở nên bất khả thi. Bởi rõ ràng, ông ta sẽ không đồng ý (234)”. Assad sẽ còn nắm quyền nhiều năm.
Snowden và sự khác biệt trong tiếp cận
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã không cấp “carte-blanche”(53) cho việc tiến hành chiến dịch quân sự. Trung Quốc và Nga đã bỏ phiếu chống. Bởi Syria sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn, Barack Obama cảnh báo trong trường hợp chế độ Assad sử dụng vũ khí hóa học - xem như họ sẽ “vượt lằn ranh đỏ”; còn tạm thời ông sẽ tự kiềm chế khỏi sự can thiệp quân sự (235). Những tháng tiếp theo, mặc cho vô số cuộc điện đàm, Barack Obama và Vladimir Putin vẫn không đi đến được sự đồng thuận. Không thể nói gì nữa việc “tái khởi động” về một khởi đầu mới nào đó trong quan hệ giữa Nga và Hoa Kỳ. Xung đột leo thang và căng thẳng, đồng thời, sự ác cảm lẫn nhau ở cấp độ lãnh đạo chính trị hai nước cũng gia tăng.
(53) Tiếng Pháp, nghĩa đen là “quân bài rỗng”. Cụm từ này thường được dùng để chỉ những quyền không giới hạn cấp cho người được ủy thác thay mặt người ủy nhiệm - ND.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi trên chuyến tàu Sochi, Vladimir Putin nhận xét, dù gì đi nữa Obama cũng đã phát biểu chống việc tẩy chay Thế vận hội mùa đông, tức ông đã hành động khác với Tổng thống Jimmy Carter, người mà vào năm 1980 đã tẩy chay Thế vận hội ở Moskva. Khi đó, quân đội Xô viết vào Afghanistan để ủng hộ chính quyền cộng sản ở Kabul chống lại quân du kích Hồi giáo, và Mỹ đã tổ chức tẩy chay Olympic như một hành động trừng phạt quốc tế. Đức cũng từ chối tham gia các cuộc tranh tài. Quân đội Nga chịu thất bại nặng nề và năm 1989 đã rời khỏi Afghanistan.
Sau cuộc tấn công khủng bố vào Trung tâm Thương mại Quốc tế ở New York, các sự kiện lại lặp lại, chỉ có điều với dấu hiệu trái ngược. Giờ đây, quân đội Hoa Kỳ và các đồng minh NATO của mình tiến vào lãnh thổ Afghanistan và tuyên chiến với chính quyền Hồi giáo cực đoan Taliban. Ngày nay, Hoa Kỳ và NATO, sau những tổn thất nặng nề, đã rút khỏi nước này phần lớn binh sĩ và thiết lập chính quyền thân phương Tây có rất ít khả năng lèo lái. Chiến tranh vẫn tiếp diễn, và cơ hội sống còn của chính phủ không nhiều.
Putin còn chưa biết rằng Merkel và Obama sẽ không tới dự Thế vận hội mùa đông. Chuyến tàu đặc biệt với vị hành khách đặc biệt rời vùng ven biển và đi vào vùng núi đến sân vận động “biathlon”, chạy song song với đường cao tốc sắp hoàn thành, một trong những dự án đầu tư đắt đỏ nhất Olympic 2014.
Một mặt, Putin cho rằng Obama ngây thơ, điều dĩ nhiên, không bao giờ ông nói ra công khai. Mặt khác, với những “diều hâu” của mình trong Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, ông thường xuyên giải thích rằng không thể bỏ qua nước Mỹ. Hy vọng của ông rằng cách hành xử của Hoa Kỳ sẽ tử tế hơn, tính đến kinh nghiệm năm 2013, tiếp tục tan vỡ. Như Hội nghị thượng đỉnh G8 ở Bắc Ireland chỉ ra, sự đối đầu của ông với Tổng thống Hoa Kỳ vào những tháng vừa qua không suy giảm chút nào.
Vào tháng 6, nửa năm sau chuyến thăm ngắn ngủi các dự án xây dựng Olympic, “Chân dung nhóm với một quý bà” gồm các lãnh đạo những nước công nghiệp nhìn vào ống kính các máy ảnh không đặc biệt vui sướng. Những cuộc thương lượng tại khách sạn của khu nghỉ mát sân golf Lough Erne Ern ở Ireland, cách Belfast 40 phút trực thăng, diễn ra trong không khí chẳng thân mật lắm. Barack Obama đã tiến đến căng thẳng trong mâu thuẫn với Vladimir Putin ngay trước Hội nghị thượng đỉnh, tuyên bố giờ đây sẽ bắt đầu chính thức cung cấp vũ khí cho những kẻ chống đối Tổng thống Bashar al-Assad. Lãnh đạo quốc gia và chính phủ tám nước công nghiệp hàng đầu cũng phải làm như vậy. Obama khẳng định, Bashar al-Assadsử dụng vũ khí hóa học chống lại phe đối lập. Đến lượt mình, Putin lại thấy tội phạm trong những kẻ Hồi giáo cực đoan, vốn theo đuổi mục đích khiêu khích sự can thiệp quân sự của phương Tây (236).
Thông tin việc vũ khí hóa học đúng là đã được sử dụng, được xác nhận. Thế nhưng, dù có nhiều thông tin báo chí nhắc đích danh những kẻ vi phạm, thì vẫn chưa thể chứng minh họ thật sự là ai. Những nhà điều tra của Liên Hợp Quốc viết trong báo cáo vừa hoàn tất: “Trên cơ sở bằng chứng có được không thể xác định hóa chất cụ thể, những hệ thống phóng và người thực hiện. Ở Syria, chính quyền và phe đối lập cáo buộc lẫn nhau sử dụng khí độc” (237).
Châu Âu chia rẽ. Thủ tướng David Cameron lẽ ra đã tự nguyện tham gia vào chiến dịch quân sự của Hoa Kỳ, nhưng tâm trạng xã hội Anh không cho phép ông làm điều đó. Bà Angela Merkel không quan tâm tới việc tham gia quân sự ở Syria. Cùng với đó, những hoạt động quân sự càng mạnh, ảnh hưởng lớn tới lãnh thổ Iraq. Các thành viên Hội nghị thượng đỉnh vẫn còn nhớ những bằng chứng giả mà vài năm trước Hoa Kỳ đệ trình một cách tuyệt diệu, làm cơ sở cho việc bắt đầu chiến dịch quân sự chống Iraq. Trong thông cáo kết thúc vấn đề Syria, cuối cùng đã đưa ra một đề nghị chẳng trói buộc gì về sự cần thiết phải nhanh chóng thành lập ở đất nước, nơi sẽ xảy ra nội chiến, một chính phủ chuyển tiếp có năng lực hoạt động. Chỉ có điều, làm việc đó thế nào vẫn là câu đố không thể giải dù đọc văn kiện kỹ bao nhiêu đi nữa (238). Trong khi đó, số người chết ở Syria đã lên tới 100.000 người. Vào cuối sự kiện, cả hai đối tác đã nói những gì người ta thường nói khi không có sự đồng thuận.
“Chúng tôi đã nói về vấn đề Syria”, Vladimir Putin tuyên bố tại cuộc họp báo chung. “Quan điểm của chúng tôi vẫn chưa trùng khớp ở đâu đó, nhưng chúng tôi đang thống nhất ở mong muốn chấm dứt bạo lực, chấm dứt việc gia tăng số nạn nhân ở Syria, giải quyết vấn đề bằng các phương tiện hòa bình”.
“Liên quan tới vấn đề Syria”, Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố, “chúng tôi có một số bất đồng trong quan điểm”. Ông cũng nói, thế nhưng ở một số lĩnh vực khác sẽ tiếp tục hợp tác vì lợi ích hai quốc gia. Và ngoài ra, ông cũng nóng ruột chờ Thế vận hội ở Sochi. Hiếm khi ngôn ngữ cơ thể lại thể hiện rõ ràng khoảng cách tình cảm giữa hai chính khách như vào ngày hôm ấy, trong cuộc họp báo chung được phát sóng trực tiếp (239).
Nguyên nhân khiến Hội nghị thượng đỉnh, đối với Barack Obama và David Cameron như đại diện của phía chủ nhà lại trở thành một sự kiện cấp cao khó chịu và đau buồn như thế, không chỉ vì sự khác biệt trong quan điểm về vấn đề Syria. Ngày hôm trước, các phương tiện truyền thông đại chúng đã thông tin chi tiết về việc trong thời gian Hội nghị thượng đỉnh G8 ở London, tình báo Anh và Hoa Kỳ đã nghe lén có hệ thống các cuộc điện đàm và đọc thư điện tử của các chính khách tụ họp ở đó - từ Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ đến Tổng thống Nga khi đó là Dmitri Medvedev. 45 nhà phân tích ngày đêm theo dõi không ngưng nghỉ việc ai nói với ai về những vấn đề gì. Đã thế báo chí lại còn làm rõ đó không phải là “việc xiên thủng” duy nhất của nước chủ nhà và Washington, mà còn là một công việc thường lệ ở quy mô lớn trong suốt nhiều năm (240).
Những tố cáo mỗi ngày một nhiều. Vạch trần việc nghe lén điện tử trong quá trình cuộc gặp chính trị lớn nhất cuối cùng ở cấp cao đã làm u ám không khí Hội nghị thượng đỉnh. Và trước tiên, không phải vì hành động của những kẻ dọ thám bởi họ làm công việc bình thường đối với họ; điều khiến mọi người kinh ngạc là quy mô của hoạt động này mà chi tiết của nó lần đầu tiên được biết. Bằng chứng được lấy từ cơ sở dữ liệu điện tử lớn nhất của Edward Snowden, một chuyên gia kỹ thuật công nghệ thông tin của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA), người mấy ngày trước đó đã chuyển những dữ liệu anh ta thu thập được trong vài năm qua cho Washington Post và nhật báo Anh Guardian định đoạt. Việc vạch trần rằng các cơ quan tình báo Mỹ đã thu thập có mục tiêu và lưu trữ dữ liệu của các chính khách và công ty nước ngoài, là một cơn ác mộng với NSA. Sự thất bại lớn nhất mà cơ quan an ninh hoạt động khắp thế giới chỉ có thể tưởng tượng ra này, đến nay vẫn chưa rời khỏi trang nhất các tờ báo. Cựu điệp viên CIA Edward Snowden, một thanh niên gần 30 tuổi, trong quá trình phiêu lưu của mình, đã bắt đầu từ chi nhánh NSA ở Hawaii, vài ngày sau Hội nghị thượng đỉnh, đã ở trong vùng quá cảnh của sân bay Sheremetyevo(54) mà anh ta bay đến đó từ Hồng Kông.
(54) Sân bay quốc tế Sheremetyevo, là sân bay quốc tế lớn thứ hai tại Moskva, Nga. Đây là trung tâm vận chuyển hành khách của hãng hàng không quốc tế Nga Aeroflot - BTV.
Trả lời câu hỏi của tôi, lần đầu tiên ông nghe thấy thông tin về Snowden là khi nào, Vladimir Putin trả lời ông được người đứng đầu cơ quan tình báo của mình gọi điện và thông báo Edward Snowden đang hướng đến Moskva để quá cảnh và bay tiếp. Putin kể, đầu tiên Moskva hành động rất thận trọng bởi họ biết Snowden làm việc cho CIA. Cựu điệp viên CIA đã để lộ mình sau những bài báo đầu tiên ở Hồng Kông. Từ đó, Hoa Kỳ săn tìm người vạch trần những bí mật Mỹ này. Sau khi Snowden bay khỏi Hồng Kông, họ cho hủy hộ chiếu của anh ta. Snowden đã gởi đề nghị xin được cư trú chính trị đến hơn 20 quốc gia, kể cả Đức, và khắp nơi đều từ chối. Không ai muốn làm hỏng quan hệ với Hoa Kỳ vì anh ta.
Barack Obama trong những tuần cuối gần đây đã nhiều lần gọi cho Vladimir Putin và yêu cầu giao nộp Snowden. Putin bác bỏ yêu cầu: giữa Hoa Kỳ và Nga không có thỏa thuận dẫn độ, ông biện minh cho sự từ chối của mình như thế (241). Thỉnh thoảng, Putin với sự hài lòng được che giấu khéo léo đã nhận xét Snowden, trên thực tế, đóng góp cho nhân loại một sự giúp đỡ giá trị.
Cuối cùng, cựu điệp viên Hoa Kỳ được cư trú chính trị tạm thời ở Nga, và đến nay, tình báo phương Tây thường xuyên lan truyền tin đồn về việc Snowden là một gián điệp và phái viên, người đã ký với Nga một hợp đồng kinh điển cho nghề của mình: đưa thông tin để đổi lấy nơi tị nạn và tiền. Edward Snowden phải thường xuyên bác bỏ và cho biết những lời chỉ trích này là vu cáo (242).
Thủ tướng Liên bang Đức Angela Merkel sau Hội nghị thượng đỉnh ở Ireland biết được điện thoại di động của bà bị tình báo Mỹ nghe trộm: “Dọ thám bạn bè - điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận”, Thủ tướng Liên bang Đức phẫn nộ không lâu sau đó (243) và nói cần ký với Hoa Kỳ thỏa thuận về việc từ bỏ dọ thám song phương. Nhưng nói chung, bà cư xử hết sức kiềm chế. Trong điện đàm, Barack Obama bảo đảm với bà một kiểu miễn trừ [dọ thám] điện tử cá nhân và trấn an rằng thật đáng tiếc, ông không hay biết gì về việc này, ít ra là những gì liên quan tới bà Merkel. Tổng thống Hoa Kỳ hứa, trong tương lai sẽ không xảy ra những chuyện tương tự. Còn đối với những chính khách khác và các công ty Đức, lời cam kết này không áp dụng.
Trong lúc đó, bà Angela Merkel còn chưa biết, NSA còn nghe lén cả những người tiền nhiệm bà là Gerhard Schroeder và Helmut Kohl. “Trong danh sách có hơn 56 số điện thoại, trong số này có gần 20 số thuộc về những người trong nhóm thân cận nhất với Merkel. Trong số đó, có số thuê bao của người đứng đầu Ban thư ký của bà và là Ủy nhiệm viên Beate Baumann, người đứng đầu Phủ Thủ tướng Liên bang Peter Altmeier, Bộ trưởng Nhà nước Klaus-Peter Fritsche phụ trách điều phối hoạt động tình báo. Chủ tịch phái CDU/CSU trong Quốc hội Volker Kauder được ghi trong danh sách này là “cố vấn ở quốc hội của bà Merkel Kauder” (244). Tình báo Mỹ còn có được thông tin tuyệt vời về những cuộc trò chuyện làm việc trong Phủ Thủ tướng Liên bang. Trong danh sách này có thể tìm thấy một vài số điện thoại của Bộ ban ngành số 2, số 4, số 6 của cơ quan này, chuyên trách các vấn đề đối ngoại và chính sách an ninh, kinh tế và tài chính, đồng thời kiểm soát hoạt động của Cục Tình báo Liên bang Đức (BND). Tháng 7-2015, báo Süddeutsche Zeitung sử dụng những thông tin bị vạch trần đăng trên trang WikiLeaks - một nguồn tài nguyên trực tuyến chuyên công bố những tài liệu mật, để mô tả chiến dịch lớn này của tình báo Mỹ.
Từ đó, ở Berlin, trong tòa nhà “Reichstag”(55), Ủy ban điều tra Quốc hội làm việc, nghiên cứu mối quan hệ chặt chẽ giữa BND và NSA. Các nghị viên xác lập rằng, NSA đã có cơ hội để đưa vào máy tính mật vụ Đức những khái niệm then chốt cũng như các số điện thoại và địa chỉ điện tử. Trong nhiều trường hợp, như bây giờ đã làm rõ, sự hợp tác này vi phạm luật pháp Đức. Tổng thống Pháp François Hollande sau đó cũng biết những cuộc điện đàm của ông cũng như những người tiền nhiệm ông và thành viên chính phủ Pháp đã bị nghe lén không chỉ trong thời gian các cuộc gặp cấp cao, mà là thường xuyên. Những thiết bị nghe lén cũng đã được cài đặt trong các cơ sở của Liên minh châu Âu ở Brussels (245). Sự vạch trần này, hiển nhiên, không thể không làm Tổng thống Hoa Kỳ tức giận.
(55) Tòa nhà nghị viện, hay Quốc hội Đức - ND.
Một tuần sau, khi Putin đưa ra quyết định cho Edward Snowden cư trú chính trị, Barack Obama đã hủy bỏ cuộc gặp dự kiến diễn ra vào tháng 9-2013 với ông. Trong suốt thời gian kể từ khi Liên Xô tan rã, không một tổng thống nào hủy bỏ cuộc gặp song phương cấp cao kiểu này. Ông giải thích sự khước từ có tính xúc phạm này rằng, trong tình hình hiện tại, không có bao nhiêu đề tài hiệu quả có thể thảo luận. Đồng thời, Obama trấn an rằng ông ta sẽ đến Saint Petersburg dự Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 9 (246). Ở gian Phương Đông, căn phòng trên tầng hai của Nhà Trắng được thiết kế dành cho những cuộc gặp các đại biểu, dưới chân dung George Washington, Obama tuyên bố, đúng ra ông không có vấn đề gì trong quan hệ với Putin. Quan hệ của ông hoàn toàn không đến nỗi xấu để một lần nữa hào phóng châm dầu vào lửa: “Tôi kêu gọi ngài Putin nghĩ nhiều hơn tới những phạm trù tương lai, chứ không phải quá khứ. Tôi không biết thành công được bao nhiêu”. Với Dmitry Medvedev, Obama nhận xét, không có những vấn đề như thế và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. “Đôi khi người Nga quay suy nghĩ của mình ngược về thời chiến tranh lạnh”, Obama lại buông thêm lời châm chọc trước khi gọi đúng nguyên nhân thật sự lời khước từ của mình: ông ta thất vọng vì quyết định không dẫn độ Edward Snowden về Mỹ của Nga (247).
Vladimir Putin hiểu phát biểu này đúng như dự định của nó: như một phản ứng trả đũa và một cái tát công khai. Vụ việc của Snowden đã gây thiệt hại cho sự tự trọng của Hoa Kỳ vốn được xem như một kẻ quyền uy đạo đức. Đáp lại, Tổng thống Nga lệnh cho Cố vấn Đối ngoại của mình là Yuri Ushakov đưa ra tuyên bố ngắn gọn rằng, rõ ràng, Hoa Kỳ chưa sẵn sàng để xây dựng quan hệ đối tác bình đẳng (248).
Putin hiểu: Barack Obama không thể giải quyết cuộc xung đột Trung Đông mà không có Nga. Việc Hoa Kỳ với yêu sách vị thế thủ lĩnh thế giới và bằng tiềm năng quân sự của mình đòi một vị thế đặc quyền, không phải là chuyện mới hiện nay. Nhưng Putin tin tưởng vững chắc rằng nước Mỹ không còn là trung tâm vũ trụ nữa, bởi trên trái đất đã hình thành một số trung tâm sức mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil. Và rằng trong thế giới đa cực, cuộc chiến sẽ được tiến hành bằng những phương pháp khắc nghiệt. Còn thế nào là sự thay đổi tương quan lực lượng trên thế giới, ông đã cảm nhận sâu sắc việc này bằng chính kinh nghiệm của mình. Là một người thực tế, ông dựa vào sự kiên nhẫn của mình và vào thực tiễn rằng trong cuộc sống, đó không phải là cuộc gặp cuối cùng. Cuộc gặp tiếp theo sẽ phải diễn ra sau bốn tuần lễ nữa.
Theo chúng tôi hay chống lại chúng tôi
Những ngày gần đây, Putin buồn phiền không phải vì cuộc đụng độ với Nhà Trắng mà là liên quan tới cái chết của Anatoly Rakhlin, một trong những người gần gũi nhất với ông từ quãng đời trước. Ông để tang người thầy của thời niên thiếu, người đã dạy ông Judo và hơn 10 năm là huấn luyện viên của ông. Vladimir Putin viết, với ông, thể thao là số một, nó đưa ông vào khuôn phép, khích lệ ông, làm nên con người ông, phát triển khả năng cảm nhận điều gì trong tình huống hiện tại là quan trọng và điều gì là không, và ông không thể hình dung chuyện gì sẽ đến với ông nếu không có thể thao. Putin tiếp tục chơi thể thao thường xuyên trong hơn 15 năm qua; ông đưa thể thao vào thời gian biểu hằng ngày như một phần không thể thiếu; thậm chí đã có lúc, Putin bắt người ta đợi cho đến khi hoàn thành tiêu chuẩn bắt buộc của những bài tập. Khi lần đầu tiên trở thành tổng thống, Putin đã ra lệnh tìm Anatoly Rakhlin và mời thầy đến dự lễ nhậm chức. Người ta tìm thấy ông ở một khách sạn và đưa ông đến điện Kremlin. Khi đó, ông đang cùng một nhóm các vận động viên trẻ đi thi đấu. Mười bốn năm sau, người yêu thể thao cuồng nhiệt Vladimir Putin tham gia tích cực nhất vào việc tổ chức Thế vận hội ở Sochi, thực hiện một trong những ước mơ không kém phần quan trọng ấp ủ từ thời niên thiếu.
Buổi chia tay tang tóc người huấn luyện viên với sự có mặt của những người từng đấu cặp đã già mà đến lúc đó Putin vẫn duy trì quan hệ bạn bè với một số người - đã đánh thức những hồi ức về một đoạn đời ít được biết đến trong cuộc sống của ông, về một thế giới của sân sau và những cuộc tập luyện vô tận, về những chiếu tập ướt đẫm mồ hôi trong các phòng tập gió lùa, về vô số cuộc thi đấu vào ngày nghỉ cùng các bằng hữu trong đội, khi ông, lúc đó còn là một thiếu niên, trui rèn tính cách. Ông đã trở thành quán quân toàn thành phố. Tất cả những thứ đó - những bức tranh quá khứ trở nên xa xăm quá đối với ngày hôm nay cùng những cuộc gặp cấp cao được sắp xếp đúng theo các yêu cầu nghi lễ, những mánh khóe chiến thuật của nền chính trị lớn. Đó là một trong những khoảnh khắc hiếm hoi làm ông rung động, khiến ông không thể tiếp tục kìm nén dòng cảm xúc mà bình thường, ông kiểm soát rất tốt. Vladimir Putin khóc bên quan tài mở. Sau lễ truy điệu, bằng bước chân nhanh, ông lướt qua các cận vệ của mình, và dường như không còn là chính mình, ông đi trên những con đường vắng lặng vốn đã bị đóng lại vì lý do an ninh trong chuyến viếng thăm của Tổng thống. Phía sau ông là những vệ sĩ với vẻ bất lực và - ở một khoảng cách thích hợp - là ống kính, quay lại khung cảnh cô đơn này, khung cảnh dường như được viết cho một bi kịch tâm lý (249).
Cung điện Konstantin ở Strelna, một thành phố nhỏ ngoại ô Saint Petersburg, nằm bên bờ vịnh Phần Lan được bao quanh bởi một công viên lớn. Phức hợp dành cho những cuộc tiếp kiến chính thức của Chính phủ Nga là một tượng đài kiến trúc của thế kỷ 18; việc xây dựng nó chỉ được hoàn tất vào đầu thế kỷ 19. Cung điện được đặt theo tên Đại công tước Konstantin Pavlovich Romanov - cư dân đầu tiên của nó, người nối dõi hoàng tộc. Những chiếc limousine sáng bóng màu sơn đen của Chính phủ, với tài xế trong bộ vest tối sau tay lái và ngôi sao Mercedes trên mui xe, vào ngày yên tĩnh cuối mùa hè đó, với cách khoảng hai phút lại tiến đến cổng chào để thả các nguyên thủ - thành viên nhóm G20 xuống. Chỉ có chiếc ô tô cuối cùng chạy vào cổng cung điện là khác. “The Beast” hay “Quái vật” như người ta suồng sã gọi ô tô của Tổng thống Hoa Kỳ, mà trong dịp này, đã được đưa bằng máy bay từ Thủ đô Washington tới để Tổng thống cảm thấy an toàn trên những miền xa lạ, giống một pháo đài trên bánh xe hơn là ô tô của hãng General Motors. Chiếc Cadillac bọc thép số 1 được trang bị với các thiết bị khiến người ta muốn nói, chỉ có thể lấy được từ trí tưởng tượng James Bond. Bố trí hành khách cũng giống trong các bộ phim, tổng thống ở khoang sau, còn phía trước bên cạnh vệ sĩ vào buổi sáng ấy, sau tay lái là một cô gái tóc vàng hấp dẫn.
Cuộc gặp của Barack Obama với chủ nhân sự kiện Vladimir Putin, gồm cả những nụ cười đúng chuẩn cho các máy ảnh nhà báo, kéo dài không hơn nửa phút. Sau đó, các chính khách biến mất trong phòng thương lượng, nơi cả thế giới đã chờ đợi họ. Không một cái bắt tay tin cậy nào, không một cái vỗ vai nhất thiết nào của hai người đàn ông đầy ảnh hưởng, như thường thấy tại cuộc gặp của các chính khách nổi tiếng. Vào đầu cuộc gặp, không khí trong phòng căng thẳng. Các đối thủ ngồi không xa nhau, giữa họ chỉ có các Tổng thống Úc và Nam Phi. Vladimir Putin không một cảm xúc nào, như thường lệ, nói những lời chào đón chung và công bố trình tự làm việc của cuộc gặp. Obama lướt nhìn lên trần, xem xét với vẻ mặt buồn chán những bức tranh trên trần và những đèn chùm. Tại cuộc gặp thượng đỉnh này, một lần nữa lại nói về chiến tranh và hòa bình ở Syria.
Obama chuẩn bị cho một cuộc trò chuyện nghiêm túc, ông đã tuyên bố về điều đó trước chuyến đi, khi một lần nữa xuất hiện những thông tin về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Damascus. Lần này, ông đã chuẩn bị tốt hơn. Trong vài ngày, Nhà Trắng đã xử lý ý kiến xã hội Hoa Kỳ và với sự rạch ròi quân sự, đã giải thích cho các nhà báo ảnh hưởng nhất quan điểm chính thức trước những sự kiện ở đất nước xa xôi có tên Syria, cung cấp những đánh giá tình hình tin cậy và những hồ sơ chính phủ với những chi tiết của các vụ thảm sát.
“Các đánh giá được đưa ra chi tiết một cách khác thường”, tờ Washington Post mô tả hiệu quả công việc với các đại diện báo giới, “thế nhưng, không có hình ảnh, phim hay những bằng chứng thuyết phục khác để kiểm chứng điều đã nói”. Mặc cho sự hoài nghi hợp lý đó, tiêu đề chính của tờ báo đã chuẩn bị hướng sự quan tâm của độc giả tới việc mà Tổng thống tuyên bố một ngày sau đó - xảy ra vào cuối tháng 8 - trước các camera truyền hình đang làm việc. “Hơn 1.400 người bị giết ở Syria do sử dụng vũ khí hóa học”, trang đầu tờ báo uy tín nhất Washington viết (250). Cùng lúc đó, tờ New York Times in đánh giá chính thức mà Nhà Trắng cung cấp cho báo chí sử dụng. Tờ báo cũng đã đề xuất với Tổng thống trong bình luận của mình điều mà ông cần làm gì trong tình hình này: “Bomb Syria, even if it is illegal” (“Hãy đánh bom Syria, ngay cả khi là bất hợp pháp”) (251).
Hai mươi bốn giờ sau, từ dinh thự của mình ở Vườn Hồng trong Nhà Trắng trên Đại lộ Pennsylvania, trước khán giả truyền hình, Barack Obama đã giải thích tình hình như thế này: thế giới đã trở thành nhân chứng của việc sử dụng vũ khí hóa học ghê tởm nhất thế kỷ 21. “Đã có hơn một ngàn người chết, hàng trăm trẻ em bị giết bởi chính chính phủ của mình”. Vì thế, ông quyết định tấn công quân sự Syria. “No boots on the ground” (Không có lực lượng bộ binh), chỉ huy tối cao các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ hứa. “Đất nước chúng ra sẽ trở nên mạnh hơn nếu chúng ta chọn đường lối này”, ông trấn an. Cuối cùng, ông chính là “Tổng thống của một nền dân chủ lâu đời nhất thế giới” (252).
Lần này, Obama không muốn chờ các kết quả điều tra của các thanh sát viên quân sự của Liên Hợp Quốc và sự cho phép chính thức của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Để tiến hành cú tấn công quân sự vào Bashar al-Assad ở Địa Trung Hải, Hoa Kỳ đã tập kết bốn tàu sân bay với tên lửa hành trình trên tàu. Các tên lửa này đã chứng tỏ mình trong quá khứ. Chúng có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách hơn 1.500 km, đã được sử dụng nhiều lần trong các chiến dịch quân sự ở Afghanistan, Iraq và lần cuối cùng là ở Libya. Ở Lầu Năm Góc, các chuyên gia đã liệt kê các mục tiêu cần phải thống nhất với Tổng thống. Còn lại, tất cả đều đã được chuẩn bị. Để có thể bảo đảm chắc chắn hơn cho mình trong khía cạnh chính trị, trước khi bay đi Saint Petersburg, ông đã cố tranh thủ sự hỗ trợ rộng rãi nhất ở nhà: đề nghị Quốc hội tiến hành bỏ phiếu về việc sử dụng vũ lực, mặc dù, như ông nhấn mạnh, là Tổng thống, đúng ra mà nói, ông không muốn làm điều đó. Một đề nghị mạo hiểm, như chẳng bao lâu sau đó sẽ sáng tỏ.
Cáo buộc cụ thể của Chính quyền Hoa Kỳ như sau: quân đội Assad, theo tình báo Mỹ, đêm rạng sáng 21-8 đã bắn tên lửa có khí độc sarin vào một số vùng ngoại ô Damascus. Các thanh sát viên Liên Hợp Quốc sau đó khẳng định việc sử dụng chất có độc lực cao này. Tuy nhiên, ai là người ra lệnh thì báo cáo về cuộc điều tra này không cho biết. “Các tên lửa trông khá chuyên nghiệp”, Trưởng nhóm thanh sát viên Liên Hợp Quốc, một người Thụy Điển, tuyên bố với Đài phát thanh BBC, “nhưng chúng tôi không có dữ liệu chỉ ra ai là người đã phóng chúng” (253). Đồng thời, Ake Sellström không xác nhận tuyên bố của Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Right Watch rằng tên lửa đã được phóng đi từ khoảng cách chỉ chín dặm ở một điểm quân của Assad đóng, điều có vẻ làm sáng tỏ câu hỏi phía nào có lỗi (254). Ông nói, nếu chỉ có hai dặm thì đánh giá này có thể chấp nhận - “two miles could be a fair guess”. Theo lời ông, Liên Hợp Quốc cũng đã mời các chuyên gia đạn đạo. Số người chết của cuộc tấn công vô nhân đạo này dao động từ 300 đến 1.500 người, tùy theo định hướng chính trị của phe đánh giá. Thế nhưng, không có gì tranh cãi, ở đây đang nói về hàng trăm người chết (255).
Vài ngày sau, Barack Obama trong bữa ăn tối ở Saint Petersburg, trước sự hiện diện của 20 lãnh đạo Chính phủ đã kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ một hành động quân sự. Thế nhưng, nhiều người đã dao động. Không chỉ chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Vladimir Putin phát biểu chống tấn công quân sự và yêu cầu Hoa Kỳ trình bằng chứng cụ thể. Những lãnh đạo khác cũng phản ứng kiềm chế trước phát biểu của Obama. Một mặt, họ nghĩ có thể chính quân đội chế độ Assad vi phạm lệnh cấm quốc tế. Nhưng mặt khác, không thể loại trừ trong việc này có sự dính líu của những kẻ cực đoan Hồi giáo, muốn buộc phương Tây can thiệp. Những cuộc bàn bạc song phương sau khi nghe “La Traviata”(56) của Verdi sau bữa ăn không cho kết quả mong muốn. Một số thành viên muốn đợi báo cáo của các thanh tra quân sự. Còn Thủ tướng Anh Cameron, người sẵn lòng đi cùng Obama vào cuộc chiến, không nhận được sự đồng tình: nghị viện ở London, vài ngày trước Hội nghị thượng đỉnh, đã nhất quyết loại trừ sự tham gia của Anh vào chiến dịch quân sự dự định. Trong số những người châu Âu chỉ có Pháp đứng về phía Hoa Kỳ. Thậm chí Thủ tướng Liên bang Đức Angela Merkel cũng bác bỏ khả năng tham gia chiến dịch quân sự. Giáo hoàng La Mã Francis từ Roma đã phát đi lời kêu gọi chính thức đến Hội nghị thượng đỉnh, mong muốn tìm một giải pháp hòa bình cho Syria. “Hãy tìm một con đường giải quyết xung đột và đừng theo đuổi mong muốn điên cuồng của một giải pháp quân sự”, Người viết trong thư ngỏ (256).
(56) La Traviata (Người đàn bà sa ngã) là một vở opera ba màn của Guiseppe Verdi, lời của Francesco Maria Piave, với nội dung dựa trên cuốn tiểu thuyết Trà Hoa Nữ của Alexandre Dumas - BTV.
Barack Obama bị mắc kẹt. Trong tình huống phức tạp, người đoạt giải Nobel Hòa bình đã không đặt ra vấn đề đạo đức. Những tính toán chính trị đối nội của ông hóa ra đã sai lầm - từ Washington tin xấu bay đến. Cuộc tấn công quân sự như đã tuyên bố không thể tự động được tiến hành, người của ông thông báo. Chiến lược lôi cuốn Quốc hội về phía mình để bảo đảm, hóa ra lại thành cú dội ngược. Mặc dù các đại biểu vẫn còn trong kỳ nghỉ hè, nhưng cuộc khảo sát đầu tiên do chính quyền tiến hành chỉ ra hành động quân sự của Obama sẽ không nhận được sự ủng hộ của đa số.
Đối với phe Cộng hòa do McCain dẫn đầu, chiến dịch quân sự được tuyên bố đó không phải là một giải pháp đầy đủ, bởi họ dựa vào sự can thiệp quân sự rộng rãi nhằm mục đích lật đổ Assad. “Regime change” (“Thay đổi chế độ”), đó chính là yêu cầu của phe “diều hâu” (257). Một số nhà dân chủ sau thảm họa Iraq đã không muốn những chiến dịch quân sự mới do sợ bị lôi kéo sâu hơn vào cuộc xung đột vốn không có chiến lược thoát ra. Nếu Obama đánh mất sự ủng hộ của Quốc hội, thì đến trước giai đoạn cuối nhiệm kỳ tổng thống, hết hạn vào năm 2016, ông sẽ đánh mất hoàn toàn khả năng đưa ra những quyết định chính trị đối ngoại nghiêm túc.
Hội nghị thượng đỉnh Saint Petersburg đối với Vladimir Putin là chơi trên sân nhà. Ngày hôm sau, không lâu trước bế mạc, trong phòng họp, ông tiến tới chỗ Barack Obama và trò chuyện cùng ông ta. Họ nhấc ghế và ngồi ra một phía khỏi những người tham dự khác. Putin đưa cho Barack Obama đề nghị: để tìm lối thoát khỏi tình hình hiện tại, cần thúc giục Assad để ông ta chuyển kho vũ khí hóa học cho cộng đồng thế giới kiểm soát - và sau đó là thiêu hủy toàn bộ kho vũ khí này. Ý tưởng không mới. Putin đã đưa ra kế hoạch này vài tháng trước và không nhận được sự chia sẻ từ Washington. Giờ đối với Tổng thống Mỹ, đó lại là khả năng duy nhất để khắc phục tình hình không lối thoát, không mất thể diện hay chịu thất bại trước Quốc hội. Barack Obama đồng ý.
Ba tuần sau, ngày 28-9-2013, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lần đầu tiên sau khi bắt đầu chiến tranh Syria đã nhất loạt thông qua nghị quyết yêu cầu Damascus giao nộp kho vũ khí hóa học với điều kiện sẽ tiêu hủy chúng sau đó. Syria sẵn sàng hợp tác, và đến nay, các chuyên gia vẫn làm việc theo kế hoạch đã cân nhắc chi tiết để phát hiện và đưa nguồn dự trữ vũ khí hóa học đi. Lời giải đáp cho câu hỏi, ai có thể ghi công mình về việc đã đạt được thành công này, như dự đoán, đã vang lên khác nhau. Nhà Trắng tuyên bố nếu không có đe dọa sử dụng vũ lực từ phía Hoa Kỳ, quyết định đó sẽ không bao giờ được thông qua (258). Vladimir Putin chọn con đường khác để tận hưởng thắng lợi tạm thời. Ông đã nói chuyện trực tiếp với người dân Mỹ.
Vài ngày sau cuộc gặp Saint Petersburg, New York Times in bài báo của Tổng thống Nga. Trong bài viết nhan đề “Một lựa chọn Syria”, ông đưa ra lời phê bình có tính nguyên tắc đối với cách tiếp cận chiến lược của Hoa Kỳ, theo đó, việc tiến hành các cuộc tấn công quân sự được xem như việc tiếp nối bình thường một chính sách bằng những phương tiện khác. Putin viết, (vấn đề) ở Syria không hẳn là chuyện nền tảng dân chủ mà nhiều phần là về một cuộc xung đột đẫm máu của những tôn giáo khác nhau, bị hun nóng từ bên ngoài. Cùng với đó, đáng lo ngại nhất là những mưu toan can thiệp vũ lực vào các cuộc xung đột nội bộ khác nhau đã trở thành chuyện bình thường của Hoa Kỳ. Vì lý do đó mà Hoa Kỳ có thể đánh mất sự tín nhiệm ở nước ngoài như một nền dân chủ gương mẫu. Nước Mỹ ngày càng bị xem như một quốc gia chỉ dựa tuyệt đối vào một sức mạnh vũ phu… dưới khẩu hiệu: “Ai không cùng chúng tôi, người đó chống lại tôi”. Trong kết luận, Putin viết ông luôn cảm thấy không đồng tình với yêu sách về sự độc quyền của Mỹ và lời viện dẫn đã trở thành truyền thống rằng nước Mỹ và người Mỹ, vì lịch sử của mình, đã được giao sứ mệnh nào đó cao cả hơn, điều từng được nói từ thời những người tiền nhiệm Obama. “Tôi cho rằng sẽ nguy hiểm khi đặt vào đầu người khác ý tưởng về tính độc nhất của họ, bất kể bởi động cơ gì… Chúng ta khác nhau, nhưng khi chúng ta cầu Chúa ban phước lành cho mình, đừng quên rằng Chúa tạo ra chúng ta bình đẳng”. Nhà Trắng rất bối rối. Không chỉ vì nội dung bài báo, mà còn vì, trước hết, là Putin bằng cách nào đó có thể in bài báo trên New York Times (259).
Một thời gian sau, Barack Obama phát biểu tại Liên Hợp Quốc đã đưa trả lời trực tiếp cho bài báo để, ít nhất, đồng bào mình không phải đơn độc đối mặt với luận thuyết của Putin. “Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ là một điều gì đó đặc biệt. Trước tiên bởi vì chúng tôi sẵn sàng hy sinh máu và tài sản của mình không chỉ cho những lợi ích của bản thân mà là lợi ích của tất cả” (260).
Vladimir Putin không đơn độc trong cái nhìn của mình với thực tiễn; việc kiên trì nhấn mạnh rằng hình thái đặc thù này của tính ngoại lệ Mỹ không phải hấp dẫn với tất cả các nước. Bởi yêu sách về tính độc quyền cũng có nghĩa là đặc quyền được xác định lợi ích cho người khác theo nguyên tắc “cái gì tốt cho Hoa Kỳ là tốt cho tất cả thế giới còn lại”.
Tất cả những sự kiện này xảy ra ba tháng trước cuộc trò chuyện của chúng tôi trên chuyến tàu “Cánh én”. Từ lúc đó, số lượng các vấn đề không giảm bớt. Trên đường về sau chuyến thị sát Sochi, Putin khô khan xác nhận: trong năm nay có khá nhiều chuyện xảy ra, và không có dấu hiệu gì cho thấy năm sau sẽ khác. Cuộc kiểm tra các địa điểm Olympic vào ngày tháng 12 ấy, như mong đợi, không mang tới nhiều tin mới - ngoại trừ cam kết lần lượt của các lãnh đạo lạc quan của những công trình xây dựng Olympic rằng mọi thứ đang diễn ra như cần thiết, và Tổng thống đã sốt sắng quan tâm tới tất cả. Nhiều thứ sẽ sẵn sàng chỉ đúng vào phút cuối, nhưng Vladimir Putin tin rằng tất cả nhất định sẽ sẵn sàng. Không một tai họa nào, chỉ một vài chuyện vặt vãnh khó chịu vốn không thể tránh khỏi. Trên đường về dinh thự, các nhân viên của ông thông báo về sự phát triển của một cuộc khủng hoảng hoàn toàn khác: tình hình Ukraine căng thẳng.
Trước khi chia tay, Putin hỏi tôi, “liệu tôi có thể giải thích rằng Ngoại trưởng Đức đã mất gì ở Maidan?”. Đó là câu hỏi tu từ. Vladimir Putin không đợi câu trả lời. Ông vội tới cuộc họp sau. Cuộc khủng hoảng ở Kiev đã bắt đầu, các cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia với sự tham gia của các lãnh đạo tình báo và Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu ngày càng thường xuyên hơn.