Trò kéo co gay go liên quan tới Ukraine
Trên Maidan Nezalezhnosti (Quảng trường Độc Lập, giờ đã nổi tiếng với tên gọi “Maidan”), quảng trường trung tâm Kiev, buổi chiều hôm ấy tập trung hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ. Họ đứng quanh những thùng phuy cháy, cố sưởi ấm trong giá rét bên ngọn lửa bừng bừng - trong hy vọng làm tan chảy cảm giác thất vọng của mình. Khi Tổng thống Yanukovich sau nhiều năm đàm phán bất tận đã hoãn lại việc ký thỏa thuận gia nhập EU, những cuộc biểu tình lần nữa lại rục rịch. Không ký thỏa thuận với EU, Chính phủ Ukraine đề nghị thành lập một ủy ban chung với thành phần gồm EU, Ukraine và Nga để thỏa thuận về những vấn đề thương mại vốn gây tranh cãi, thay cho việc xác định một lần và mãi mãi nó thuộc phe nào. Brussels đã đặt Kiev trước một lựa chọn - quyết định hoặc đứng về phía EU, hoặc về phía Nga. Còn Vladimir Putin tiếp tục công việc của mình để thuyết phục Ukraine tham gia vào Liên minh Hải quan giữa Nga, Belarus và Kazakhstan. Cho đến nay, nước Nga vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất với Ukraine.
“Người ta gọi nhau ra Maidan để đòi ký thỏa thuận. Họ mang theo đồ ấm, đệm ngủ, bình thủy trà nóng và thức ăn dự trữ trong đêm”, nhà văn Andrey Kurkov viết trong Nhật ký Maidan của mình ngày 21-11-2013, ngày từ chối ký thỏa thuận (261). Ông sống cách Maidan 500 mét. Cuộc đối đầu sẽ kéo dài nhiều tuần và sẽ tiếp tục phát triển.
Nỗi giận dữ chống lại những “người ở phía trên”, và việc không mong muốn tiếp tục hòa hoãn với tình trạng không lối thoát, nghèo đói và tham nhũng - là những yếu tố thúc đẩy biểu tình chống lại hành động của chính phủ, người vừa nhổ(57) vào EU. Mặc dù trong trường hợp ký thỏa thuận, việc Ukraine chính thức gia nhập EU cũng chỉ có thể xảy ra sau nhiều năm nữa. Đối với những người tụ tập trên Quảng trường Độc Lập, châu Âu là hiện thân của giấc mơ ấp ủ về sự phồn vinh và trật tự, là hy vọng rằng ngoài đời thường buồn chán và tất cả những mất mát gắn với họ, có thể còn có một triển vọng khác. Ở đây còn nói về những “món nợ” chính trị cũ mà chính quyền lẽ ra phải trả từ lâu. Đất nước đang bên bờ vực phá sản. Không chỉ hy vọng vào tương lai tươi sáng, cuộc biểu tình trực tiếp chống lại những hành động cứng rắn của cảnh sát vài ngày trước đã thôi thúc nhiều người đến Maidan vào thời điểm trước Giáng sinh còn là cách để nói lên tiếng nói đanh thép của mình.
(57) Tạm dịch từ cụm từ “показало дулю” - có nghĩa khinh miệt từ chối điều gì đó kèm theo cử chỉ đặt ngón cái vào giữa ngón trỏ và ngón giữa - ND.
Quảng trường sau những cuộc đụng độ vừa qua đang được bảo vệ bằng những chốt cách mạng. Các nhóm tổ chức tốt và hoạt động hiệu quả của những người cốt cán quan tâm tới việc sao cho mỗi ngày, nhờ công tác hậu cần được hoạch định cẩn thận, sẽ có nhiều hơn những người biểu tình từ các tỉnh có thể đổ về Kiev bằng xe buýt. Chủ yếu là từ miền tây Ukraine, còn ở miền đông - từ Donetsk, Kharkov hay Crimea thì ít hơn (262).
Tòa nhà công đoàn và Tòa Thị chính nằm cạnh quảng trường, trở thành trụ sở chính với chỗ ăn và chỗ ngủ. Cuộc chống đối giờ đây đã được tổ chức trên cơ sở bán quân sự. Các lều quân sự đứng thành hàng, trên đó có hàng chữ “Nơi tuyển tình nguyện viên”. Có cả chỉ huy trưởng - Andriy Parubiy từ Lvov, một chính trị gia không che giấu quan điểm cực hữu của mình. Các cựu quân nhân hợp thành các “đơn vị tự vệ” với các đội trưởng riêng của mình; họ chia thành hai phần - “cảnh sát” và “quân nhân”. Nhóm đầu tiên bảo đảm trật tự trên quảng trường, nhóm thứ hai chiến đấu với “Berkut” - một đơn vị đặc biệt tinh nhuệ của cảnh sát Ukraine trực thuộc Bộ Nội vụ. “Bộ tham mưu kháng chiến quốc gia” lên kế hoạch cần phải bao vây những tòa nhà chính phủ nào vào thời điểm cụ thể nào, còn những tòa nhà nào thì không. Lãnh đạo chính trị của những người biểu tình còn có ba lãnh đạo các đảng đối lập - Vitali Klitschko, Arseniy Yatsenyuk(58) và Oleh Tyahnibok, người cầm đầu Đảng Dân tộc Tự do (263).
(58) Arseniy Yatsenyuk Petrovych sinh năm 1974 là một chính trị gia, nhà kinh tế và luật sư người Ukraine và là Thủ tướng Ukraine từ ngày 27-2-2014 đến 24-7-2014 - BTV.
Cuộc tranh cãi về việc thỏa thuận hội nhập Ukraine vào EU đã diễn ra khá lâu. Đức và EU đề nghị các nước cựu Xô viết không chỉ tự do quyết định ủng hộ nhân quyền theo tiêu chuẩn phương Tây, mà còn hỗ trợ việc kết nối họ vào địa chính trị Hoa Kỳ. Mục tiêu mà Zbigniew Brzezinski đặt ra từ một thập niên rưỡi trước trong cuốn sách nổi tiếng Bàn cờ vĩ đại với phụ đề biểu cảm: “Sự thống trị của Hoa Kỳ và những mệnh lệnh địa chiến lược của nó” được mô tả rõ ràng đến nỗi, tất cả tranh luận về các thuyết âm mưu, vốn nhiều vô kể vào năm 2015, trở nên khá ngây thơ. Để giới thiệu chính sách tương lai của Hoa Kỳ sau khi Liên Xô tan rã, Brzezinski viết: chiến lược địa chính trị dài hạn của Hoa Kỳ đối với châu Âu chắc chắn phải gồm những vấn đề thống nhất châu Âu và quan hệ đối tác thật sự của châu Âu. Ukraine, một không gian mới và quan trọng trên bàn cờ Âu - Á, là một trung tâm địa chính trị, bởi chính sự tồn tại của nó như một quốc gia độc lập đang giúp biến hình nước Nga. Không có Ukraine, nước Nga sẽ không còn là đế chế Á - Âu” (264).
Kết luận logic của cựu Cố vấn Nhà Trắng là rõ ràng: bởi EU và NATO mở rộng về phía đông, Ukraine cuối cùng cũng sẽ phải đứng trước sự lựa chọn có muốn trở thành một phần của những tổ chức này không (265). Tuy vậy, sau khi đọc những dòng trên, có thể nảy sinh câu hỏi về việc liệu thể loại sách đặc biệt này có bị Phủ Thủ tướng Liên bang nhận thức như loại “science fiction”(59) hay chính sách đã tính toán ra cái giá của đối đầu và hy vọng mọi thứ sẽ được dàn xếp bằng cách nào đó.
(59) Khoa học viễn tưởng - ND.
Nhằm mục đích mở rộng EU về phía đông, Brussels tại Hội nghị thượng đỉnh ở Praha ngày 7-5-2009 với những dự định tốt đẹp đã thông qua chương trình dưới tên gọi hứa hẹn: “Đối tác phương Đông”. Trong đó, EU đề nghị giúp đỡ các nước cựu Xô viết - Moldova, Belarus, Azerbaijan, Gruzia và cả Ukraine trong việc khẳng định các nguyên tắc tự do, dân chủ và ổn định, nhờ đó sẽ giành được nhiều thịnh vượng hơn. Cùng lúc, không loại trừ tư cách thành viên tương lai của họ trong EU - chỉ cần các ứng viên tuân thủ những quy tắc hành xử nhất định và nghiêm ngặt làm theo các khuyến nghị của Brussels. Đó là một phần của đề nghị.
Phần khác của chương trình, chính sách đối ngoại, được tạp chí Spiegel mô tả thế này: “Và dĩ nhiên, ở đây còn nói, mặc dù không quá công khai, về việc làm sao để hạn chế ảnh hưởng của Nga và xác định, châu Âu có thể trải rộng tới đâu về phía đông. Đối với nước Nga, việc mất Ukraine có nghĩa là mất không chỉ sức nặng địa chính trị mà còn cả phần lãnh thổ mà một nghìn năm trước là cốt lõi của quốc gia Nga. Ukraine dịch sang tiếng Đức có nghĩa là “đất nước biên giới”, nhiều người cho rằng thủ đô Kiev là mẹ của các thành phố Nga” (266).
Về việc này, với Ukraine, từ lâu đã có tranh cãi. Ngày 9-9-2008, chỉ bốn năm sau cuộc chiến tranh Nga - Gruzia, EU và Ukraine đã tiến hành các cuộc thương lượng Paris về vấn đề thỏa thuận mậu dịch tự do (267). Thông cáo chung được thông qua theo kết quả thương lượng nói về việc các bên quan tâm sâu sắc đến các biến cố Gruzia (268). Sau cuộc xung đột quân sự ở Kavkaz, một mặt Brussels muốn Ukraine ràng buộc với mình, nhưng đồng thời lại không muốn Kiev gia nhập EU. Cả hai phía nhất trí củng cố hợp tác trong khuôn khổ “thỏa thuận về hội nhập”. “Lần đầu tiên, chúng tôi sử dụng từ này, khi nói về Ukraine”, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, khi đó đang là Chủ tịch EU, tuyên bố (269).
Về vấn đề này, Vladimir Putin có những kế hoạch của mình. Cạnh tranh với “Đối tác phương Đông” là dự án mang tên “Liên minh hải quan”. Ở Dushanbe, thủ đô Tajikistan, tháng 10-2007, Moskva đã thỏa thuận với các Tổng thống Belarus và Kazakhstan về việc thành lập một không gian hải quan chung. Từ lúc đó, song song với EU, Putin tiến hành thương lượng với Ukraine như “một đối tác kinh tế then chốt” về việc nước này gia nhập Liên minh Hải quan. Ba triệu người Ukraine làm việc ở Nga. Ukraine với dân số 46 triệu người trong cuộc chơi địa chính trị giữa các quốc gia cựu cộng sản có vị trí quan trọng hơn. Ở đây nói về khu vực mậu dịch tự do với biên giới hải quan đối ngoại chung cùng việc tự do dịch chuyển vốn và nhân công. Bày tỏ sự quan tâm của mình gia nhập vào dự án này còn có Armenia, Uzbekistan và Tajikistan. Putin muốn lập một không gian kinh tế Á - Âu, một tổ chức tương tự EU, lẽ ra có thể xác định các điều kiện trên thị trường khổng lồ này.
Mục tiêu chính trị của Vladimir Putin là thành lập một không gian kinh tế trải dài từ Vladivostok đến Lisbon. Cuối tháng 11-2010, ông dừng chân tại Khách sạn Adlon ở Berlin để, trước các nhà quản lý cấp cao của các doanh nghiệp Đức, trình bày ý tưởng của mình về vùng mậu dịch tự do và chính sách công nghiệp chung với EU, những ý nghĩ này đã được ông chia sẻ trong một bài báo trên tờ Süddeutsche Zeitung trước đó. Đề nghị của ông - khu vực mậu dịch tự do không có rào cản hải quan, chính sách công nghiệp chung và bãi bỏ chế độ thị thực (270). Từ việc này, theo ông, các bên đều có thể thắng, trong số đó, lẽ đương nhiên, có nước Nga. “Sự thật là ở chỗ, sau khi Liên Xô tan rã, Nga mất cửa ngõ trực tiếp ra các thị trường xuất khẩu lớn. Xuất hiện vấn đề các quốc gia - trung chuyển với mong muốn sử dụng vị thế độc quyền của mình để nhận được những lợi thế đơn phương. Từ đó xảy ra các xung đột như đã biết”. Tiếp theo, Putin đặc biệt nhấn mạnh điểm chính yếu của chương trình hành động mà ông đề nghị: “Cái chính là chúng ta cần học không phải bằng lời, mà là tính đến lợi ích chiến lược của nhau trên thực tế”.
Nhiều năm sau, Vladimir Putin vẫn tin vào tính đúng đắn của các đề nghị của mình. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi ở Sochi cuối năm 2013, ông đã đưa ra một số lập luận hỗ trợ cho những cân nhắc địa chính trị như: trên lý thuyết, với chúng tôi, việc xích lại gần châu Âu không tệ, nước Nga có tài nguyên thiên nhiên, châu Âu có bí quyết kỹ thuật. Trong kế hoạch dài hạn, điều đó sẽ mang đến thắng lợi cho cả hai bên”.
Mục đích của ông vẫn là thỏa thuận chung EU và Ukraine, mà trong triển vọng đồng thời sẽ giúp thay đổi các tiêu chí kỹ thuật của Nga với các nước như Belarus và Ukraine, để chúng tương thích với các tiêu chuẩn châu Âu; và bằng cách đó, trở nên có khả năng cạnh tranh. Vì những lý do này mà ông, trong nhiều năm đã cố gắng để Nga được kết nạp vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà những quy tắc bắt buộc của tổ chức này trong quy mô quốc tế đang xác lập điều gì có thể làm và điều gì không thể. Sau 17 năm đàm phán khó khăn, Nga đã vượt qua rào cản này và năm 2012, chính thức trở thành thành viên WTO.
Quyết định thiển cận của EU bác bỏ đề nghị của Nga mà không xem xét nghiêm túc đã làm Putin phật ý. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông phàn nàn rằng những năm qua, châu Âu cứ nói với chúng tôi một chuyện: Ukraine không liên quan đến các ông, chúng tôi đâu có can thiệp quan hệ của ông với Trung Quốc, nên ông đừng can thiệp vào quan hệ của chúng tôi với Canada(60). Việc “phân lập” kinh tế Ukraine, ông xem như một cuộc tấn công chính trị trực tiếp. Cách tiếp cận kỹ trị và quan điểm của ban lãnh đạo Brussels mà theo đó, quan hệ của Nga với Ukraine không còn ý nghĩa được ông đánh giá như một chiến lược nhằm chống lại nước ông. Không sẵn sàng thảo luận việc can thiệp triệt để đến thế với những hậu quả nghiêm trọng đối với các nước láng giềng, mà giới hạn chúng bằng cung cách quan liêu, khiến Putin như một chính khách đơn giản là ngạc nhiên. Trong một bình luận ngắn liên quan đến việc này, ông nói: đâu cần phải khó nhọc lắm để làm sáng tỏ, bởi quan hệ của chúng tôi với Ukraine thật sự có bản chất hoàn toàn khác quan hệ của Brussels với Canada, điều đó thật không khó. Trong khi đó, trong Phủ Thủ tướng liên bang, các chuyên gia vẫn tiếp tục đoán, tại sao “Putin ngày càng cô lập chính mình” và “bà Angela ngày càng khó tiếp cận ông”.
(60) Chỉ Hiệp định Thương mại Tự do EU-Canada - BTV.
Vào năm 2013, Viktor Yanukovich khi đó còn là Tổng thống, đã thận trọng tiếp cận các đề nghị thay đổi vectơ chuyển động của Ukraine về phía EU. Ông tiến hành thương lượng đồng thời với Brussels và Moskva, tính toán điều gì có lợi cho ông và điều gì không. Brussels mù mờ nói về “cửa sổ các khả năng” trong năm quyết định này, về “bản đồ lộ trình” và về “khoảnh khắc duy nhất” (271). Những lời nói văn hoa tương phản gay gắt với kết quả thương lượng. Ukraine bên bờ vực phá sản. Các đề nghị của Brussels hoàn toàn rõ ràng: trong trường hợp ký thỏa thuận, EU sẵn sàng cấp cho Ukraine khoản viện trợ 600 triệu euro. Số tín dụng mà nước này phải trả trong những tháng tới là 15 tỉ euro, trong khi dự trữ ngoại hối giảm đi một nửa. Quỹ tiền tệ quốc tế sẵn sàng cấp khoản tín dụng vài tỉ, nhưng chỉ với điều kiện ngặt nghèo theo phương án Hy Lạp: bãi bỏ trợ cấp, tăng thuế, phá giá đồng tiền. Tăng giá bán lẻ khí đốt lên 40% - đó chỉ là một trong các yêu cầu (272). Chấp nhận những điều kiện này với Yanukovich chẳng khác nào tự sát chính trị. Ông biết lúc đó sẽ đánh mất khả năng được tái đắc cử vào năm tới. Mười hai tháng trước đó, khi tình hình còn đỡ hơn, Tổng thống Ukraine đã sẵn sàng ký thỏa thuận về hội nhập. Thế nhưng khi đó, năm 2012, EU viện cớ cần tôn trọng nhân quyền, đã hết sức bất ngờ đưa ra điều kiện bổ sung: Yanukovich trước tiên phải trả tự do cho Yulia Tymoshenko - cựu Thủ tướng Ukraine. Là kẻ thù không đội trời chung của Yanukovich, bà ta trước đó đã bị kết án bảy năm tù vì tội biển thủ tài sản quốc gia. EU đồng tình với khẳng định của chính khách đối lập này rằng phiên xử hoàn toàn có động cơ chính trị. Bà Angela Merkel đã gọi cho Yanukovich và yêu cầu thả Tymoshenko: “Tôi muốn giúp ông”, Thủ tướng Liên bang nói, thể hiện sự tính toán chính trị tinh tế vốn có ở bà, “nhưng ông phải thả Tymoshenko” (273).
Tượng thánh của phe đối lập, người trước đó đã thua cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine, trở thành đòn bẩy chính trị. Ủy ban EU, đồng thời Tổng thống Liên bang Joachim Gauck đã tạo ra một thế lực tấn công chính trị ủng hộ chính khách khi đó còn đang bị giam giữ với một tiếng tăm nhập nhằng. Cũng trong năm đó, họ từ chối đến dự các trận đấu của giải vô địch bóng đá châu Âu, sẽ diễn ra ở Ukraine và Ba Lan. Chính quyền Liên bang (Đức) cân nhắc khả năng tuyên bố một vụ tẩy chay toàn diện - ý tưởng khiến cựu Chủ tịch Tòa án Hiến pháp Liên bang Hans-Jürgen Papier tức giận. Ông đưa ra một tuyên bố công khai, gọi ý tưởng trên là “kỳ cục” và “đuổi theo hiệu ứng”: chính phủ có thể đơn giản là “kiện Ukraine ra tòa án châu Âu”, nếu nghi ngờ gì về phán quyết; thế nhưng con đường này không thể được xem như “có hiệu ứng trong quan hệ với truyền thông” (274).
Những công báo với thông tin về tình hình bà Tymoshenko trong trại cải tạo nữ Kachanovskaya ở đông Ukraine càng làm căng thẳng thêm giọng điệu chính trị từ Berlin. Chính khách đối lập này yêu cầu rằng, dựa trên quy chế bệnh nhân chính trị, việc điều trị bệnh đĩa đệm cột sống của bà trong tù phải được các bác sĩ nước ngoài chăm sóc. Kết quả là Văn phòng Thủ tướng Liên bang đã gởi đến trại một đội ngũ chuyên gia y tế do Giám đốc Bệnh viện Berlin Charite dẫn đầu. Các bác sĩ tiến hành chẩn đoán. Berlin, dẫn lại vấn đề nhân quyền, một lần nữa yêu cầu cho phép tiến hành điều trị ở Đức (275).
Chiến dịch y tế đặc biệt cho Yulia Tymoshenko là một trường hợp đặc biệt trong lịch sử ngoại giao Đức. Ai cũng biết luật pháp và sự công bằng ở Ukraine chẳng lấy gì làm lý tưởng. Nhưng việc nền chính trị Đức cho phép sử dụng mình một cách không cần thiết cho cuộc tranh giành quyền lực của các phe phái Ukraine, không thể gọi là một trường hợp bình thường. Đức đã đứng về phía một trong các phe phái chính trị đang đấu tranh chống lại nhau ở một đất nước khác, tuyên bố Tổng thống đương nhiệm, người thắng cuộc bầu cử năm 2010 chống lại bà Tymoshenko, là đối thủ chính trị của mình và đặt cược vào cảm xúc dưới tư cách một thế phẩm chính trị.
Ánh sáng của quá khứ
Sau giải vô địch bóng đá châu Âu mùa hè 2012, giọng điệu la lối chỉ dịu đi đôi chút. Ở Brussels giờ đây, người ta muốn nói nhiều hơn không phải về phán quyết có động cơ chính trị, tức một kiểu công lý của người thắng cuộc, mà là về “công lý có lựa chọn”. Bởi vì những vi phạm mà người ta bắt lỗi phe đối lập, nhiều người khác cũng đã vi phạm nhưng lại không bị lôi ra tòa ngay lập tức, đừng nói đến chuyện bị kết án nhiều năm tù. Chính vì thế, Tymoshenko trong bất cứ trường hợp nào cũng phải được trả tự do (276). Đối với Chính phủ Ukraine, yêu cầu này, như trước, cũng như một tối hậu thư mà nó có thể thực hiện khi nào đã mất đi tính hợp pháp của mình.
Ý tưởng biến vụ án Yulia Tymoshenko thành một thứ giấy quỳ thử tính chất pháp quyền của Nhà nước Ukraine, thậm chí theo các thước đo phương Tây, cũng quá ngây thơ. Danh tiếng một chiến sĩ đấu tranh triệt để của bà ta chỉ còn là tàn dư từ thời “Cách mạng Cam” năm 2004, khi trong nước lần đầu tiên xuất hiện những cuộc biểu tình hàng loạt. Những năm đó, nhiều người mơ về một nền dân chủ lớn và về nhà nước pháp quyền, đã xuống đường để loại bỏ tầng lớp thống trị tham nhũng. Hàng tuần liền, hàng nghìn người với những chiếc lều màu cam và cờ xí dưới cái giá rét của mùa đông đã biểu tình trên Maidan chống lại việc giả mạo kết quả bầu cử. Viktor Yushchenko và Yulia Tymoshenko được coi là người hùng của họ, cả hai đều là những nhân vật tương đối mới trong đời sống chính trị. Sau phán quyết của Tòa án Tối cao Ukraine, cuộc bầu cử tổng thống diễn ra không lâu trước đó, vì những vi phạm xảy ra, sẽ phải được tiến hành lại.
Ở Ukraine xuất hiện sự phân bố kinh điển của các thế lực chống đối nhau: Viktor Yushchenko - người của phương Tây, và đồng thời của tây Ukraine. Đối thủ ông ta là Viktor Yanukovich - xuất thân từ miền đông nói tiếng Nga của Ukraine và là đại diện của hệ thống cũ, người phải lên thay thế Leonid Kuchma sắp ra đi. Cả hai ứng viên trong lãnh địa của mình đều nhận được những kết quả cao một cách đáng ngờ: tới 96%. Khi bầu lại, Yushchenko giành chiến thắng. Ông ta trở thành Tổng thống, còn Yulia Tymoshenko - là Thủ tướng của ông ta. Nhà sản xuất sôcôla lớn nhất đất nước, nhà tài phiệt Petro Poroshenko trong thời gian bất ổn đã cùng với Kênh Năm của mình đứng về phe thắng cuộc và đã tài trợ hết sức cho cuộc song tấu. Sau cách mạng, có một thời gian ngắn, ông ta làm Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine.
Việc thay đổi chính quyền ở Kiev, như trước đây ở Gruzia, diễn ra theo một cơ chế: sự bất mãn trong dân chúng được biến thành những hoạt động chính trị với sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ phương Tây. Phong trào phản kháng mạnh mẽ, được thành lập và trải qua sự đào tạo cần thiết cho các cuộc bầu cử tổng thống, được gọi bằng cái tên dễ nhớ “Pora!” (“Đã đến lúc!”). Các nhà tài trợ cũng là những người trong cuộc đảo chính Gruzia, như tạp chí Spiegel viết về điều đó cuối năm 2005. “Chỉ riêng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, từ năm 2002, 65 triệu đô la tiền thuế của Mỹ đã chi cho các cuộc bầu cử ở Ukraine” (277). Trong Quốc hội, đại biểu Đảng Cộng hòa Ron Paul đã chỉ trích chính quyền Hoa Kỳ do trích hàng triệu đô la ủng hộ ứng viên Tổng thống Ukraine Yushchenko.
Thậm chí tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung cũng xác nhận: “Không ai tranh cãi lại sự kiện rằng sự hỗ trợ từ bên ngoài có tính quyết định cho thành công của ‘Cách mạng Cam’” và đã dẫn ra một danh sách dài tên các nhà tài trợ Hoa Kỳ. “Nhiều tổ chức, hoạt động tích cực ở Ukraine, và nói riêng, Cơ quan Quốc gia Hoa Kỳ về phát triển quốc tế, các định chế đảng phái của phe Dân chủ và Cộng hòa - Viện Dân chủ Quốc gia về các vấn đề Quốc tế (NDI) và Viện Cộng hòa Quốc tế (IRI), Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (NED) và Quỹ “Á - Âu”. Nhà tự do - trực tiếp hay gián tiếp tài trợ các phương tiện tài chính. Những phương tiện này phần nào được Nhà Trắng cung cấp, một phần do Quốc hội Hoa Kỳ” (278). Thậm chí tờ báo còn gọi tên những nhân vật cụ thể. Trong số đó có cựu giám đốc CIA James Woolsey với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhà tự do, cựu chỉ huy lực lượng NATO ở châu Âu - tướng Wesley Clark, cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright và lẽ đương nhiên, có cả tỉ phú George Soros với các quỹ của ông ta.
Thế nhưng, sự thay đổi lãnh đạo không làm tình hình Ukraine thay đổi tốt hơn. Ở đất nước nghèo nhất châu Âu, cuộc chiến giành chính quyền nhiều năm đã làm tê liệt sự phát triển. Ngoài dự định chính thức được tuyên bố đưa Ukraine vào EU và NATO, ở đây hầu như ít có gì thay đổi. Bộ đôi nhiều hứa hẹn Tymoshenko và Yushchenko cãi nhau và không có cơ hội nào hòa giải, tiếp tục làm khô máu nhau và trong những năm sau đó thường xuyên xảy ra xích mích. Các cựu đối tác cáo buộc nhau tham nhũng. Tự do, dân chủ, công bằng, những điều mà vì chúng, hàng trăm ngàn người xuống đường nhiều tuần lễ, đã không còn là những đề tài thời sự. Cách mạng lãng quên những đứa con mình. Khi đó, Viktor Yanukovich từng bị đánh bại trước đây, năm 2010 lại tranh cử tổng thống, và ông đã thắng bà Yulia Tymoshenko, lần này là đúng theo mọi quy định như các quan sát viên OSCE khẳng định, mặc dù ứng viên thua cuộc cố bẻ lại một cách vô ích (279).
“Yulia Tymoshenko không phải là tượng thánh tự do, không phải là biểu tượng của công bằng chính trị, bà ta là một đối nghịch hoàn toàn của chúng”, tháng 12-2013, Gunter Verheugen đã phê bình như thế về nỗ lực của chính quyền liên bang đạo đức hóa và bằng các phương tiện chính trị bóp méo sự kiện. Thái độ của vị ủy viên EU về các vấn đề doanh nghiệp và công nghiệp này với Thủ tướng được hình thành sau nhiều năm giao tiếp cá nhân. Người đàn bà - chính khách với bím tóc tết thành vương miện đã phá hủy hết mọi hy vọng của Verheugen gắn với “Cách mạng Cam”. Đánh giá của ông rõ ràng: “Quy mô tham nhũng và quản lý sai phạm ở Ukraine sau khi bà Tymoshenko lên nắm quyền còn trở nên nghiêm trọng hơn” (280).
Vladimir Putin cũng không quên Ukraine. Ông cân nhắc tình hình, vài lần gặp Yanukovich, đến Brussels và nhấn mạnh: “Dĩ nhiên, chúng tôi đã phản ứng. Cuối cùng thì Ukraine là một thành viên của khu vực mậu dịch tự do với Nga và có những đặc quyền về thuế. Vì thế, chúng tôi quyết định hủy bỏ những quy tắc điều tiết thương mại với Ukraine. Trong vòng 17 năm, chúng tôi đã tính đến những quy tắc này khi đấu tranh cho việc được kết nạp vào WTO. Giờ đây, chúng tôi là thành viên WTO, và Ukraine sẽ bị loại khỏi hiệp hội của chúng tôi”.
Tháng 2-2013, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso tuyên bố không khoan nhượng: “Không một đất nước nào có thể cùng lúc là thành viên Liên minh Hải quan và của khu vực mậu dịch tự do rộng lớn của EU” (281). Những năm qua, Tổng thống Nga và ông Barroso đã nhiều lần tranh cãi gay gắt. Với Putin, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha là lính của “chiến tranh lạnh”, người không bỏ qua cơ hội chống Nga nào trong EU.
Trong một công văn bí mật ngày 26-2-2009, Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Moskva đã thông báo với Bộ Ngoại giao ở Washington rằng, trong cuộc gặp giữa Putin với Barroso diễn ra vài ngày trước, các bên đã lời qua tiếng lại gay gắt. Putin “thấy trong vị ủy viên EU, con ngựa thành Troy của các quốc gia thành viên mới của liên minh (…)”. Nhận xét châm chọc của Putin, rằng các định chế nhất định không nên cản trở sự phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa EU với Nga, đã bị tiếp nhận như đòn tấn công riêng chống lại Barroso (282). Trong cuộc gặp giữa Putin và Barroso, “hai bên đã chuyển sang chỉ trích cá nhân”, và Jose Manuel Barroso không cố che giấu sự ngạo mạn của mình. “Tôi đã vài lần trò chuyện với Putin, và ông ta chỉ ra rằng, Liên minh Hải quan quan trọng với Nga và vai trò đặc biệt của Ukraine trong đó. Nhưng chẳng lẽ đó lại là lý do để từ chối thỏa thuận hội nhập?” (283). Đối với Barroso, điều đó là không thể chấp nhận, và trong tình hình này, chỉ có “hoặc có, hoặc không”. Sự đối đầu tiếp tục gia tăng.
Tháng 11-2012, khi một nhà báo của tờ báo nổi tiếng Moskovsky Komsomolets viết, đặt Ukraine trước sự lựa chọn Nga hay EU - đó cũng chính là hỏi: “Xin vui lòng, anh thân yêu, hãy quyết định ngay lập tức: anh muốn chặt tay nào, tay phải hay tay trái?” (284). Tờ này viết: Ukraine không thể hội nhập chỉ với Nga hay chỉ với EU. Vào tháng đó, Vladimir Putin đã đưa ra đề nghị với Tổng thống Ukraine. Trong cuộc trò chuyện, ông kể: lúc đó, Nga đề nghị Ukraine 15 tỉ đô la cho ngân quỹ và thêm 5 tỉ đô la cho các biện pháp cơ sở hạ tầng; giảm 1/3 giá năng lượng với điều kiện trong tương lai, Ukraine phải thanh toán các chi phí hiện tại và nợ nần của nó. Nhưng lời đề nghị không được chấp thuận - người nào đó muốn chỉ ra ai đang là chủ trong nhà.
Putin đề nghị hỗ trợ tài chính, trong khi EU đưa ra yêu cầu. Theo ý của ủy viên EU Gunter Verheugen, mọi việc trông như “business as usual” (“sẽ đâu vào đấy”), như một hợp đồng chính trị theo nguyên tắc “không có gì cá nhân”. Trong trả lời phỏng vấn đã nêu ở trên vào tháng 12-2013, khi ông bác bỏ khẳng định không có cơ sở của phóng viên về việc với sự hỗ trợ tài chính này và giảm giá khí đốt, Nga có vẻ như muốn bắt thóp Ukraine. Ông đặt câu hỏi đơn giản: “Nếu chúng ta giúp ai đó trong những điều kiện nhất định nào đó, thậm chí với một số tiền lớn - hơn 15 tỉ đô la, thì ông cũng nói là chúng ta đang siết cổ nền kinh tế đất nước đó sao?”.
Khước từ thỏa thuận và leo thang khủng hoảng
Yanukovich quyết định tiếp nhận đề nghị của Vladimir Putin để lấp đầy ngân quỹ trống rỗng. Trong tuyên bố của nội các bộ trưởng về vần đề này có nói, Chính quyền Ukraine vì “các lý do an ninh quốc gia” đã thông qua quyết định hoãn ký thỏa thuận hội nhập với EU; quan hệ kinh tế với Nga phải được tạo xung lực mới, và thị trường nội địa chuẩn bị cho sự phát triển bình đẳng các quan hệ với EU (285). Liên quan đến các điều kiện mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế đồng ý cung cấp các khoản cho vay mới, thì chúng đơn giản là quá lăng nhục, Yanukovich tuyên bố với đại diện của các chính giới châu Âu họp ở cung điện các cựu đại công tước Litva vài ngày sau đó: “…Nếu có thể tiến hành thương lượng trong những điều kiện bình thường thì khi đó, chúng tôi mới có thể nói về việc ký kết” (286). Trong những lời này vang lên nỗi thất vọng của những ngày vừa qua.
Vào những ngày 25 và 26 tháng 11-2013, Vladimir Putin đang thăm Roma, ông đến viếng Đức Giáo Hoàng La Mã. Từ đó, ông gởi đến Hội nghị thượng định EU “Đối tác phương Đông” lời khuyến nghị cấp bách một lần nữa nên nghĩ về việc tiến hành các cuộc đàm phán ba bên mà từ lâu, Tổng thống Ukraine đã đề nghị. Cùng với đó, Putin không thể từ chối thú vui đưa ra lời châm chích của mình: “…Tôi muốn đề nghị các bạn mình ở Brussels, những ông bạn riêng tốt bụng trong Ủy ban châu Âu nên kiềm chế các phát biểu gay gắt”. Ukraine nợ các doanh nghiệp Nga 30 tỉ đô la. Nga dựa vào sự hợp tác, nhưng, “dĩ nhiên, không gây thiệt hại cho mình”, Putin tuyên bố (287). Rõ ràng, sự “khổ dâm” xa lạ với Tổng thống Nga.
Tại Hội nghị thượng đỉnh hai ngày của Liên minh châu Âu được tổ chức quy mô ở Vilnius(61) cuối tháng 11-2013, các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của 28 nước thành viên EU muốn chính thức, với sự tuân thủ tất cả các tiêu chí, đề nghị các nước cựu Cộng hòa Xô viết là Ukraine, Belarus, Armenia, Azerbaijan, Gruzia và Moldova với tư cách thành viên của “Đối tác phương Đông”. Dự án kiểu mẫu hóa ra rỗng tuếch. Trong cung điện của các đại công tước Litva vừa được xây dựng lại, nơi sẽ là tượng đài yêu nước mới của Litva, sau cú rẽ ngoặt của Ukraine, chỉ còn hai trong số sáu quốc gia láng giềng trong thành phần liên bang [Xô viết cũ] - là Gruzia và Moldova - ký tên dưới thỏa thuận hội nhập cho những quan hệ chặt chẽ hơn với EU.
(61) Thành phố lớn nhất và là thủ đô của Litva - BTV.
“Rõ ràng, chúng ta đã không đạt được ở đây những gì chúng ta muốn đạt được trong quan hệ với Ukraine”, Thủ tướng Đức Angela Merkel tổng kết một cách lạnh lùng thường thấy ở thủ đô Litva. Cùng với đó, bà lại một lần nữa theo đuổi những luật lệ của trò chơi chính trị, kiên nhẫn lập lại đánh giá tình hình những tháng qua, tức không bổ sung cái mới cho những gì đã được biết vài tuần trước cuộc gặp. “Tổng thống Ukraine một lần nữa nói với tôi, 50% xuất khẩu là vào Nga hay các nước Liên minh Hải quan, 45% vào EU, tức ở đây nói về sự gắn bó với cả hai phía. Nhiệm vụ của chúng ta, đối với EU, là phải kiên trì hơn khi nói chuyện với Nga, chúng ta có thể thoát ra khỏi tình huống ‘hoặc là - hoặc là’ này: hoặc là gắn với Nga, hoặc là gắn với EU; và tôi nghĩ, nước Đức cũng phải tham gia giải quyết nhiệm vụ này” (288).
Sau nhiều cuộc thương lượng, nỗ lực gắn Ukraine vào châu Âu kết thúc thất bại. Ở Brussels và Berlin, “rất lâu người ta không muốn hiểu, nước Nga đau đớn thế nào khi tiếp nhận sự mở rộng của NATO và EU về phía đông như một mối đe dọa chính mình”, Spiegel nói thế khi phân tích về “hội nghị thượng đỉnh thất bại”. “Cái chúng ta chưa có trong cuộc khủng hoảng này, đó là tầm nhìn xa, khả năng nhận thức được cuộc xung đột đang kéo đến. Thay vào đó, ở Berlin quan điểm sau lại chiếm ưu thế: không thể xảy ra điều không được phép xảy ra” (289). Đó là một lời lên án khắc nghiệt - không chỉ là sự phê phán muộn màng với Angela Merkel mà còn là một lời tự phê: ấn phẩm này trong nhiều năm đã ủng hộ đường lối của Thủ tướng và kêu gọi những biện pháp khắc nghiệt đối với Ukraine và Yanukovich.
Chính phủ liên bang mặc cho những việc này, vẫn tiếp tục đòi phải gấp rút trả tự do cho Thủ tướng Yulia Tymoshenko. Tổng thống Viktor Yanukovich, như trước, có quyền ân xá trước thời hạn, bà Thủ tướng mát mẻ tuyên bố.
Vị khách danh dự của buổi tối xuất hiện trên Maidan Kiev một tuần sau đó, tên là Guido Westerwelle. Bộ trưởng Đức đã làm một việc mà theo quy luật, các ngoại trưởng không làm. Sau thất bại Litva, ông đã đến trại lều của phe đối lập - những người yêu cầu lật đổ Tổng thống Ukraine, trước khi gặp chính phủ đất nước, điều mà ông chỉ làm một thời gian sau đó. Westerwelle đã đoàn kết với các cuộc biểu tình, và nói, đương nhiên, với tư cách đại diện cho châu Âu, ở Ukraine này, ông không “ủng hộ đảng nào” mà chỉ bảo vệ các giá trị châu Âu, nói theo kiểu từ vị trí phi đảng phái, và rằng ở đây, trong Kiev này “người châu Âu gặp gỡ người châu Âu”. Tuy nhiên, ông không nhằm vào việc đưa ra những công thức “chúng ta sẽ đi đến sự hiểu biết lẫn nhau như thế nào” trong vấn đề này (290). Đó là một trong những phát biểu cuối cùng của ông ta ở cương vị bộ trưởng. Trong tháng đó, người tiền nhiệm ông - Frank-Walter Steinmeier - sẽ trở thành người kế nhiệm nhờ việc thành lập liên minh chính phủ mới CDU/CSU và SPD.
Trong cương vị ngoại trưởng, Westerwelle đã tự nguyện đến thăm những nơi có biến cố cách mạng. Trong thời gian “Mùa xuân Ả Rập”, ông tới Tunisia, sau đó đi Ai Cập. Ông đã đứng trên quảng trường Tahrir đông đúc ở Cairo và đưa ra những lời chào mừng như một vị khách nước ngoài, chẳng hạn: “Tôi rất hồi hộp khi ở đây”, hay “Ở đây đang viết nên một chương mới của lịch sử thế giới” (291). Giờ đây, ông đến Maidan Kiev, mặc dù với sự muộn màng, nhưng có còn hơn không. Ông bắt tay, hoan hô các nhạc sĩ rock trên sân khấu, những người vừa trình diễn buổi văn nghệ đoàn kết, thưởng thức cuộc tiếp đón hoan hỉ của đám đông mà ở nhà, ông chẳng bao giờ được cưng chiều thế. Westerwelle rõ ràng xúc động.
Tối hôm ấy, Ngoại trưởng Đức thực hiện cuộc dạo chơi dọc quảng trường với người hùng mới của phong trào phản kháng, võ sĩ quyền anh Vitali Klitschko. Từng là nhà vô địch thế giới, “lò” quyền anh của ông ở Đức đã nhiều năm dẫn đầu trên các vũ đài, nhưng đây cũng là nơi không dưới một lần ông đưa đầu chịu đòn. Ở Kiev, mọi người đều biết ông, hơn thế nữa, vài năm trước ông đã cố tranh cử thị trưởng nhưng thất bại. Giờ, Klitschko muốn giữ chức tổng thống. Để lật đổ Tổng thống đương quyền Yanukovich, ông kết liên minh với Oleh Tyahnibok, thủ lĩnh Đảng cánh hữu “Tự do”, và Arseniy Yatsenyuk của liên minh “Tổ quốc” - một đệ tử của Yulia Tymoshenko.
Theo lệnh của chính phủ liên bang, Viltali Klitschko đã vào cuộc. Angela Merkel ủng hộ huyền thoại quyền anh, muốn giúp ông ta trở thành thủ lĩnh phe đối lập và cố tình đứng cạnh ông trong các buổi chụp ảnh. Cố vấn đối ngoại của bà, Christoph Heusgen và Guido Westerwelle đã hứa sẽ hỗ trợ ông ta, quỹ Konrad Adenauer nhận đỡ đầu lúc này (292), mặc cho ông và liên minh của mình vừa chịu thất bại khá nghiêm trọng trong quốc hội khi cố tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ.
Ngoại trưởng Đức không phải là chính trị gia phương Tây duy nhất đến Maidan. Bay tới đây còn có Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain để kêu gọi người biểu tình đừng lui bước. “Ukraine sẽ làm châu Âu tốt hơn, cũng giống như châu Âu sẽ cải thiện cuộc sống Ukraine” (293). Trước ống kính truyền hình, ông nói dĩ nhiên Ukraine quan trọng với Putin, bởi nếu không có Ukraine, nước Nga chỉ là một cường quốc châu Á, còn nếu có Ukraine, họ mới còn là cường quốc ở phương Tây, điều không được phép xảy ra. Về điều này, Henry Kissinger đã từng nói bằng cách nào đó, nếu ông nhớ không lầm. Thế nhưng, không phải Kissinger, mà vẫn là nhà chiến lược Hoa Kỳ Brzezinski từng kêu gọi làm suy yếu Nga nhiều hơn bằng cách đó: “Cái chính cần phải ghi nhớ, như sau: ‘Nga không thể ở trong châu Âu nếu thiếu Ukraine, nước đồng thời là một thành phần của châu Âu, trong lúc Ukraine có thể ở trong châu Âu mà không có Nga’” (294).
Điều đó có nghĩa là gì trong quan hệ chiến lược, nhà cố vấn đối ngoại uy tín đã xây dựng rõ ràng như sau: “Điều đó đòi hỏi sự tham gia kiên quyết, tập trung và năng động của Hoa Kỳ, đặc biệt là cùng với người Đức, trong việc định nghĩa không gian châu Âu, và theo đó, trong việc khắc phục những vấn đề nhạy cảm, đặc biệt đối với nước Nga, như quy chế có thể trong hệ thống châu Âu của các nước Baltic và Ukraine” (295).
Vào những ngày này, trên Maidan ở Kiev còn có đồng nghiệp của Westerwelle, trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Victoria Nuland. Ở Washington, bà phụ trách các vấn đề về châu Âu. Bà không mấy quan tâm đến việc Merkel và EU đặt cược vào Vitali Klitschko. Người bà ưa thích là một ứng viên khác. “Tôi không nghĩ rằng Klitschko phải tham gia chính phủ”, bà Nuland tuyên bố trong một cuộc điện đàm mật với Đại sứ Hoa Kỳ ở Kiev và thảo luận chiến thuật hành động tiếp theo về việc loại bỏ ứng viên của người châu Âu khỏi cuộc chơi. Hoa Kỳ ủng hộ Arseniy Yatsenyuk, một nhà kỹ trị dày dạn, mặc dù tuổi còn trẻ nhưng đã có thể trình một hồ sơ phục vụ khá chiến. “Mẹ kiếp EU” - nhà ngoại giao bình luận quan điểm của mình không chút xấu hổ trong cách thể hiện, mà đoạn ghi âm của nó sau đó đã được đưa lên Internet (296). “Tôi nghĩ Yats (Yatsenyuk) chính là người đó, người sẽ cùng với tôi đưa kinh nghiệm kinh tế, kinh nghiệm làm việc vào trong chính phủ” (297). Nuland không bác bỏ nội dung cuộc điện đàm.
Mối quan tâm của Hoa Kỳ tới Ukraine quá lớn để có thể đơn giản phó thác số phận đất nước này cho EU. Arseniy Yatsenyuk, một người còn trẻ đầy hăng hái tiến hành cải cách theo các thước đo phương Tây, ngoài ra còn có kinh nghiệm chính trị. Ông ta đã từng làm các chức vụ Bộ trưởng Kinh tế và Ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Yushchenko. Ngay từ thuở đó, ông đã bênh vực việc Ukraine gia nhập NATO. Năm 2007, ông sáng lập Quỹ “Ukraine mở”. Trên website của quỹ, trong số các đối tác có Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Trung tâm Thông tin và Tư liệu NATO (298).
Ngay từ trước chuyến công du châu Âu của mình, Victoria Nuland đã nhấn mạnh ở Washington rằng Hoa Kỳ đã dính líu sâu sắc ra sao, đã bỏ ra những nỗ lực thế nào với Ukraine nhiều năm qua, bằng cách đó nhấn mạnh rõ rệt yêu sách về vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong vấn đề này. “Sau khi Ukraine giành được độc lập năm 1991, Hoa Kỳ đã ủng hộ Ukraine trong việc phát triển các thể thức và định chế dân chủ. Chúng ta ủng hộ sự tham gia của xã hội dân sự vào tiến trình này và chính sách đúng đắn của chính phủ. Tất cả những điều này là tiền đề của việc để Ukraine có thể hiện thực hóa những giấc mơ châu Âu của mình. Chúng ta đã đầu tư hơn 5 tỉ đô la cho các mục tiêu này và khác nữa, để Ukraine trở nên tự tin vào chính mình, trở thành một đất nước thịnh vượng và dân chủ” (299). Nuland tràn đầy quyết tâm vững chắc - và bà không để cho các đối tác của mình trong những cuộc đàm phán ở Kiev nghi ngờ về điều đó - hỗ trợ Ukraine đạt được các mục tiêu đã nêu ra. Bất chấp đất nước này có muốn điều đó hay không.
Trong nhật ký của mình, nhà văn Andrey Kurkov đã mô tả sự căng thẳng ngày càng gia tăng trong những tuần tiếp theo: “Tối hôm qua, tôi đã đi trong yên bình, cùng với hàng trăm nghìn người khác, từ Maidan sang quảng trường châu Âu, từ đó đi lên đến tòa nhà của Nội các Bộ trưởng và Quốc hội, con phố Grushevsky bị phong tỏa bởi các chướng ngại vật của những người biểu tình và tuyến phòng thủ của đội đặc nhiệm cảnh sát và Bộ Nội vụ. Mới vài ngày trước, ‘tuyến phòng vệ’ của chính phủ được gia cố bằng xe buýt và xe tải đặt dọc theo con đường. Những người biểu tình đã đốt các xe này, tối hôm qua, chúng đã không còn. Thế nhưng, mỗi cổng vào của các tòa nhà gần đó đã bị phong tỏa bằng ô tô quân sự” (300).