Đảo chính ở Kiev và câu trả lời của Putin ở Crimea
Những khung hình thoáng qua trên màn ảnh nhỏ ngày 19-2-2014 trong các căn hộ Nga và Đức, rất giống nhau: những rào chắn cháy, cảnh sát đánh người trên Maidan và những đường phố lân cận, những người biểu tình đã có kinh nghiệm chiến đấu, đội mũ bảo hiểm thép, giấu mặt dưới các mặt nạ, ném bom xăng vào lực lượng bảo vệ trật tự đang tiến lên. Bao cảnh tượng khó tin với xe thiết vận cảnh sát và vòi rồng, lựu đạn cay phát nổ. Những người trọng thương trong đồng phục và thường phục. Bắn nhau dữ dội, cuộc chiến tiếp diễn sang ngày hôm sau.
Ngược lại, bình luận về những sự kiện này, vốn được các phóng viên đưa tin ngay trên các con đường của thành phố và truyền thẳng về các đài truyền hình, ở phương Tây và phương Đông, khác nhau đáng kể. Các nhà báo Nga diễn giải cuộc đối đầu như một mưu toan của những kẻ cực đoan cánh hữu lật đổ chính quyền và Tổng thống dân cử Yanukovich bằng bạo lực. Còn theo phiên bản Đức, đây là cuộc nổi dậy của những người Ukraine ủng hộ dân chủ, muốn tiêu diệt chế độ độc tài. Nếu cần, kể cả với việc sử dụng vũ lực. Cuối cùng thì, mỗi cuộc cách mạng, như ta đã biết, đều phát triển theo những quy luật riêng của nó.
Nguyên nhân trực tiếp của cuộc đối đầu là nỗ lực của các thế lực chống chính phủ tụ tập một ngày trước đó trước tòa nhà nghị viện, theo chương trình truyền hình Đức Tagesschau. Cuộc biểu tình biến thành xung đột đường phố đẫm máu. Kết quả của nó vào những giờ sáng sớm: 11 người biểu tình bị giết và 7 cảnh sát bị thương. Căng thẳng càng leo thang sau lệnh của chính quyền giải tỏa Maidan. Số người bị giết nhân lên.
François Hollane và Angela Merkel, gặp nhau vào sáng hôm đó ở điện Élysée tại Paris trong khuôn khổ các cuộc tư vấn Đức - Pháp, muốn làm trung gian nên gọi điện cho Vladimir Putin. Lãnh đạo hai nước này muốn thấy các Ngoại trưởng Đức, Pháp cùng với các đồng nghiệp Ba Lan và Nga bay tới Kiev để tiến hành thương lượng trực tiếp với phe đối lập và Yanukovich.
Putin dao động. Xuất phát từ thông tin những giờ cuối cùng, ông hầu như không thấy cơ hội thành công nào ở sứ mệnh trung gian này. Trong một cuộc trò chuyện với chúng tôi, tôi hỏi ông về diễn tiến sự kiện những ngày này, Putin khẳng định khi đó, Merkel và Hollande quả thực có gọi ông với yêu cầu cử Ngoại trưởng Lavrov; thế nhưng, tâm trạng ông đủ hoài nghi và không muốn Ngoại trưởng Nga ký vào một văn bản không thể thực hiện. Putin giải thích như thế về phản ứng thận trọng của mình. Ông thấy trong mưu toan đảo chính ở Kiev không phải sự phẫn nộ tự phát mà là một hành động đã được lên kế hoạch. Cuối cùng, ông đồng ý sự tham gia của Nga. Thay cho Ngoại trưởng, ông cử một đại diện đặc biệt được ông tin cậy - để không bỏ qua bất kỳ khả năng nào.
Vladimir Petrovich Lukin, sinh năm 1937, đầu những năm 1990 là Đại sứ Nga ở Washington, sau đó là đại biểu của Đảng tự do đối lập “Quả táo” trong Duma Nga. Năm 2004, Putin bổ nhiệm ông làm Ủy viên Nhân quyền Liên bang Nga. Ngoài ra, Lukin có những mối quan hệ tốt ở Ukraine. Trong cuộc gặp của chúng tôi ở văn phòng Moskva, ông đã giải thích chi tiết các hoàn cảnh sứ mệnh chống khủng hoảng của mình.
Chiều ngày 20-2 đó, Putin hỏi Lukin có thể đi Kiev không, Lukin đồng ý, chuẩn bị hành lý và đến Kremlin để nhận hướng dẫn chính xác. “Nhiệm vụ của tôi là, cùng với các ngoại trưởng và đại diện phe đối lập tìm ra một lối thoát có thể chấp nhận được để thoát khỏi tình hình bùng nổ này; từ ’chấp nhận được‘ được hiểu là một giải pháp hợp pháp mà tất cả các bên đều đồng ý. Dù sao chăng nữa, Yanukovich cũng là tổng thống theo kết quả của những cuộc bầu cử tự do”, Lukin mô tả các điều kiện của sứ mệnh, như Putin đã giải thích với ông. “Ông còn cần gì nữa?”, Putin hỏi thêm. Lukin yêu cầu nên bổ sung thêm vào thành phần sứ giả với tư cách những người tháp tùng một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao và một thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia. Đồng thời, ông muốn trong thời gian đàm phán có thể tiếp cận nhanh chóng nguồn thông tin về diễn tiến tình hình.
Những ngày xáo động ở Kiev trùng với những ngày cuối của Thế vận hội ở Sochi. Vladimir Putin đã hình dung những ngày này khác hẳn. Nhưng thay vì cổ vũ đội tuyển quốc gia thi đấu khúc côn cầu hay ăn mừng chiến thắng của các vận động viên biathlon Nga, ông đã ngồi suốt ở Moskva trong những cuộc họp bất tận với Hội đồng an ninh và điện đàm về cuộc khủng hoảng với Merkel, Hollande, Yanukovich và Obama. Sự thật thì việc thi đấu của các vận động viên khúc côn cầu Nga cũng không tốt lắm. Ứng viên huy chương vàng mà lại thua ở vòng tứ kết ngay trên sân nhà trong trận với Phần Lan và bị loại khỏi cuộc đấu.
Rất lâu sau nửa đêm, người của Putin ở Kiev bước vào gian đàm phán của cung tổng thống, đang được vây quanh chặt chẽ bởi các binh sĩ “Berkut”, đơn vị đặc biệt của Bộ Nội vụ. Ngồi ở đầu bàn là Tổng thống Yanukovich và hai trợ lý, cạnh ông là Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier và Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski, cũng như các đại diện của phe đối lập Arseniy Yatsenyuk, Vitali Klitschko, nhà lãnh đạo của đảng cực đoan cánh hữu “Tự do” Oleh Tyahnybok. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius vì chuyến thăm khẩn Trung Quốc nên phải lỡ hẹn lần nữa. Dự thảo của Thỏa thuận mà hai bên đã bàn với tư cách một thỏa hiệp giữa chính phủ và phe đối lập, dự kiến rằng ông Yanukovich sẽ ra đi khẩn cấp, mặc dù thời hạn toàn quyền tổng thống của ông theo luật chỉ kết thúc vào tháng 3-2015, và ít nhất phải đến tháng 12 năm đó mới diễn ra các cuộc bầu cử mới vào chức vụ này. Những ngày tiếp theo phải thành lập chính quyền chuyển tiếp và khôi phục lại Hiến pháp cũ, trao cho Quốc hội nhiều quyền quan trọng hơn (301).
Nhưng có một điểm ngăn cản việc kết thúc thương lượng: sự nhượng bộ của phe đối lập. Đến lượt mình, những người biểu tình phải tháo dỡ các chướng ngại vật trên Maidan và rời quảng trường. Arseniy Yatsenyuk từ chối đưa vào thỏa thuận từ “Maidan”. Ông không muốn Maidan - một biểu tượng mạnh mẽ của cuộc đấu tranh trong suốt nhiều tuần lễ - được nhắc đến trong văn bản cùng với từ “tháo dỡ”. Trong khi đó, như Lukin nhớ lại, Yatsenyuk trong đêm đó đã hành động như được hướng dẫn bởi một quy tắc Xô viết cũ: “Cái gì của tôi, thì thuộc về tôi, hãy thương lượng cái gì thuộc về anh”. Cuối cùng, các thành viên cuộc đàm phán đồng ý với một từ ít gây xúc cảm hơn. Lukin mô tả như thế về giải pháp ngữ nghĩa được tìm thấy: ông đề nghị thay từ “Maidan” bằng phương án trung dung “quảng trường”, cũng cùng ý nghĩa.
Gần 5 giờ sáng, những người thương lượng tạm chia tay để nhận được sự chấp thuận của các lực lượng chính trị phe mình. Đến trưa, họ sẽ gặp nhau tiếp để ký văn bản. Lukin yêu cầu Moskva ra chỉ thị. Vào lúc đó, ông đề nghị ký kết thỏa thuận. Theo ý Lukin, thỏa thuận được đề nghị là lối thoát duy nhất, bởi không tồn tại một khả năng nào có thể giải quyết vấn đề bằng con đường hòa bình.
Hội đồng Maidan, được các thủ lĩnh đối lập trong khách sạn Kiev giới thiệu kết quả thương lượng, lúc đầu đã bác bỏ thỏa thuận. Chỉ sau cuộc tranh luận dữ dội cuộc họp mới biểu quyết “đồng ý”. Trong nghị viện, các đại biểu bận rộn với việc chuyển thỏa thuận thành nghị quyết. Cùng lúc đó, Vladimir Putin lại gọi cho Yanukovich lần nữa: Merkel và Hollande đề nghị ông ngăn các đồng nghiệp Ukraine sử dụng quân đội chống lại người biểu tình trong tình hình bùng nổ này. Ngày hôm đó, theo Putin, ông đã nhiều lần nói chuyện với Yanukovich, trong đó có cả về việc này. Câu trả lời của Yanukovich thế này: mặc dù phe đối lập có vũ trang một phần, nhưng dẫu sao ông cũng sẽ không cho quân đội động binh. Và khi Yanukovich đồng ý với kết quả thương lượng sẽ bầu cử sớm, Putin nhớ lại, rõ ràng, trên thực tế ông ta đã giao nộp quyền lực. Dù ông ta dường như vẫn tin rằng mình có thể trụ lại chính quyền, thế nhưng mọi việc đã thua. Vấn đề bây giờ chỉ là bảo đảm chuyển giao quyền lực trong trật tư, tránh sự hỗn loạn.
Thông tin vào chiều ngày thứ Sáu 21-2 đổ về Moskva không hứa hẹn gì tốt lành. Tình hình ngày càng vượt khỏi tầm kiểm soát. Sáng sớm lại có thêm hàng chục người chết. Số người bị thương được tính đến hàng trăm. Twitter và những mạng xã hội khác truyền đi những tấm ảnh ghê rợn từ hiện trường. Những kẻ bắn tỉa nã đạn vào đám đông. Họ bắn không chỉ để kiềm chế đối phương. Họ cố tình bắn để giết người. Nạn nhân không chỉ là người biểu tình, mà cả cảnh sát. Tình hình tiếp tục căng thẳng. Trong cuộc tấn công vào các doanh trại ở phía Tây đất nước, những người đối lập đã chiếm được hàng trăm khẩu súng tiểu liên. Bộ trưởng Nội vụ tuyên bố với đại sứ các nước phương Tây rằng những khẩu súng này có thể được chuyển vào thủ đô, và thông tin này, sau đó đã được chỉ huy Maidan Andriy Parubiy khẳng định.
Ở điện Kremlin, các lãnh đạo tình báo và chuyên gia quân sự trong Hội đồng an ninh phân tích những thông tin tình báo và báo cáo lại Tổng thống. Giờ đây, Putin không nghi ngờ gì rằng tình hình ở Kiev sẽ kết thúc bằng một cuộc đảo chính. Nỗi lo của ông rằng thỏa thuận không là gì khác hơn một tờ giấy, đã tìm được sự khẳng định hiển nhiên. Putin không muốn lãnh trách nhiệm cho việc mà ông, căn cứ vào diễn tiến của tình hình, không thể bảo đảm. Đại diện đặc biệt Vladimir Petrovich Lukin nhận được chỉ thị không ký vào văn bản. Nhà đàm phán từ Moskva đã báo điều này cho Ngoại trưởng Đức. Theo lời Lukin, Steinmeier rất thất vọng. Lukin thông tin cho ông về những nguyên nhân của quyết định này, nhưng Steinmeier không tin.
Các Bộ trưởng Ngoại giao phương Tây, Tổng thống Yanukovich và các đại diện phe đối lập đã ký thỏa thuận. “Chúng tôi đạt được thỏa thuận, dĩ nhiên, không đáp ứng đầy đủ mong muốn của các bên”, Ngoại trưởng Đức tuyên bố tại Kiev. Trước ống kính truyền hình, ông trông mệt mỏi nhưng trên gương mặt ông đọc thấy niềm hy vọng. “Có thể, đây là cơ hội cuối cùng để tìm lối thoát cho tình hình bạo lực đang gia tăng”, Steinmeier nói tiếp. Hiển nhiên, ông không được thông tin tốt lắm về những sự cố kịch tính trên Maidan. Việc thỏa thuận không là gì khác hơn một tờ giấy vô giá trị, ông chỉ hiểu vài giờ sau đó khi trở về Đức. Sau khi ký, Yanukovich lại gọi Putin lần nữa. Ý định của Tổng thống Ukraine lúc bấy giờ là rút các đội đặc nhiệm của Bộ Nội vụ sau khi đạt được thỏa thuận, Putin thấy nhiều rủi ro. Ông cảnh báo điều này sẽ đẩy nhanh quá trình mất quyền lực của Chính phủ. Ông khuyên không nên làm điều đó, đề nghị tiếp tục với giải pháp hiện nay cho tới khi tình hình lắng dịu. Putin cũng cho rằng ý định của Yanukovich rời Kiev đi Kharkov - thành phố phía đông Ukraine - là không đúng. Tổng thống Ukraine lắng nghe các lập luận nhưng quyết làm theo ý mình. Tổng kết những cuộc trò chuyện, Putin nhớ lại, Yanukovich thừa nhận mối quan tâm của ông là hợp lý, thế nhưng, ông ta lại hành động ngược lại: ông ta ra lệnh cảnh sát rút lui rồi bay đi Kharkov; đó là quyết định của ông ta và là kết thúc của câu chuyện này, một kết thúc chẳng mấy tốt lành.
Tâm trạng trên Maidan vào buổi tối thứ Sáu đó hoàn toàn không hào hứng, mặc dù tin tức về thỏa hiệp đạt được lan truyền ngày càng rộng. Trước khán đài, trong những quan tài mở là thi thể những người biểu tình bị giết trong 48 giờ qua. Đa số họ bị súng bắn chết. Khi Vitali Klitschko và Arseniy Yatsenyuk từ khán đài bắt đầu thông tin về kết quả thương lượng, họ đã bị đón chào bằng tiếng huýt sáo lớn và tiếng la ó. Đó là phản ứng cho việc họ ngồi cùng bàn với Yanukovich. Volodymyr Parasiuk, một chiến binh dân tộc chủ nghĩa từ Lvov mà trong quá khứ từng được gọi là Lemberg, chạy lên sân khấu và giật lấy micro. Parasiuk là chỉ huy của một trong những đơn vị trăm chiến binh mà hội đồng Maidan đã thành lập trong những tuần qua từ các cựu binh sĩ để chống đối hiệu quả với các lực lượng chính phủ. Về quá khứ của anh ta, Spiegel viết: “Anh ta trải qua kỳ huấn luyện quân sự trong không dưới bốn trại quân để học bắn và các thủ thuật giao chiến giáp lá cà” (302). “Đại diện cho một trăm người của mình, tôi muốn nói”, anh ta nói to, “nếu đến 10 giờ sáng mai, các người không tuyên bố việc từ chức của Yanukovich, với vũ khí trong tay mình, chúng tôi sẽ tấn công. Chúng tôi thề với các người điều đó” (303). Tối hậu thư của Parasiuk - đó là kết thúc của nỗ lực ngăn chặn tiếp tục đổ máu bằng đàm phán.
Đêm đó, Vladimir Putin tiếp tục điện đàm liên quan đến khủng hoảng, ông trò chuyện với Barack Obama trong vòng một giờ. Putin kêu gọi Obama sử dụng ảnh hưởng của mình với phe đối lập Kiev để họ tuân thủ thỏa thuận đạt được. Obama cũng thấy trong đó cơ hội, Nhà Trắng tuyên bố như thế sau cuộc điện đàm (304). Tổng thống Nga nhớ lại, Obama đã cam đoan với ông, chia sẻ ý kiến của ông và phát biểu về việc thực hiện thỏa thuận để không làm tình hình tiếp tục căng thẳng, nhưng những gì nhận được sau đó - mọi người đều biết. Giữa cam kết của Obama với các sự kiện cụ thể trong những giờ tiếp theo không có gì chung.
Cuộc bỏ chạy của Yanukovich đã đặt dấu chấm hết cho đảo chính. Quyền lực của chế độ tan rã trong vài giờ. Vào ngày hôm sau, 22-2, các đội tự vệ của chỉ huy Maidan Andriy Parubiy đã chiếm trung tâm chiến lược quan trọng Kiev, các tòa nhà nghị viện và chính phủ, yêu cầu Tổng thống từ chức. Vài giờ sau, 328 trong số 450 đại biểu biểu quyết loại Yanukovich ra khỏi chức vụ. Quân đội Ukraine tuyên bố sẽ không can thiệp vào xung đột chính trị. Ngày trước đó, Yulia Tymoshenko đã được tự do (do đó, đã hoàn thành các điều kiện của phương Tây cho việc ký thỏa thuận hội nhập); bà ta tuyên bố sẽ ứng cử trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo (305). Ở phía đông Ukraine, trước đây từng là thành trì của Tổng thống bị lật đổ, bắt đầu thành lập mặt trận kháng chiến chống chính phủ mới ở Kiev. Ukraine đứng bên bờ vực nội chiến.
Đại diện đặc biệt Lukin, rời khỏi dinh Tổng thống Kiev, trở thành nhân chứng của việc các binh sĩ “Berkut”, đơn vị đặc biệt của Bộ Nội vụ, rời khỏi nơi từng đối đầu trước đây như thế nào. Tình hình ngày càng trở nên ngoài tầm kiểm soát. Đội bảo vệ Lukin yêu cầu ông phải nhanh chóng ra sân bay.
Chiều hôm sau, Lukin tới Quảng trường Đỏ để tham gia một sự kiện quan trọng vào cuối tuần. Ngày 23-2, ngày hội của người bảo vệ Tổ quốc. Như mọi khi vào ngày ấy, Vladimir Putin đặt vòng hoa lên mộ Chiến sĩ vô danh ở vườn Aleksandrov. Sau buổi lễ, ông mời sứ giả của mình vào điện Kremlin, đến phòng làm việc ở tầng ba. Lukin phải kể về những ấn tượng ở Kiev.
Trong gian phòng, Putin không chỉ một mình, cùng với ông là một nửa Hội đồng An ninh Quốc gia, các lãnh đạo tình báo, Bộ trưởng Quốc phòng. Tất cả đều mang gương mặt mệt mỏi sau một đêm mất ngủ, nhưng mọi người dự họp đều muốn nghe nhiều hơn - về những vấn đề tranh cãi, về không khí cuộc thương lượng, về việc đại diện đặc biệt đánh giá tình hình thế nào. Từ những quan sát riêng của mình, Lukin tổng kết như sau: khó có thể nói chính xác khi nào hình thành tình huống cách mạng; trong bất cứ trường hợp nào, Yanukovich cũng không thể ngăn phong trào lại mà cũng không thể thương lượng, và trong những ngày cuối cùng này, ông ta luôn trong trạng thái giữa phấn khích và sợ hãi.
Vào ngày hôm đó, đội cảnh vệ riêng của Tổng thống Ukraine gọi cho điện Kremlin thông báo, đoàn xe của Yanukovich đang di chuyển từ nơi này sang nơi khác ở đông Ukraine và có lần đã bị bắn. Một đơn vị đặc biệt Nga được đưa tới Ukraine để hộ tống ông ta về Nga.
Đối với Vladimir Putin, cuối cùng thì, với sự lật đổ Tổng thống Ukraine, lằn ranh đỏ đã bị vượt qua. Nhiều năm liên tục, ông đã cảnh báo đừng coi thường lợi ích của Nga. Từ đầu nhiệm kỳ tổng thống năm 2000, ông đã luôn nhắc tới lời hứa mà các nước phương Tây đưa ra sau khi Liên Xô tan rã: sẽ không có việc tiếp tục mở rộng NATO về phía đông. Ông đã nói về điều đó vào năm 2001 tại Quốc hội Đức, rồi năm 2007 tại Hội nghị an ninh ở Munich và năm 2008 tại Hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest. Đấy từng là một trong những điều kiện mà Liên Xô cũ đồng ý cho sự thống nhất nước Đức.
Với Barack Obama, cũng như trước ông ta với George Bush, Putin không phải năm đầu lâm vào xung đột vì Hoa Kỳ không chịu từ bỏ việc đặt hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu, mà mục tiêu dường như là chống lại Iran. Thế nhưng theo Putin, trước tiên nó là mối đe dọa cho Liên bang Nga, bởi các tên lửa với đầu đạn hạt nhân, bố trí ở Rumania và Ba Lan, có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga trong vòng vài phút. Mặc cho mọi sự phản đối này, từ lâu, liên minh quân sự đã tiến ra các biên giới với Nga.
Trong một cuộc trò chuyện với chúng tôi, Putin đã dẫn ra những sự tương đồng lịch sử: ông hỏi tôi có nhớ cuộc khủng hoảng Cuba và phát biểu của Tổng thống Kennedy với các đe dọa khởi sự chiến tranh chống lại Liên Xô; vì sao trong “Chiến tranh lạnh”, Liên Xô muốn bố trí các tên lửa của mình ở cạnh Hoa Kỳ. Trong bài phát biểu đầy kịch tính trên truyền hình ngày 22-10-1962, Tổng thống Hoa Kỳ đã cảnh báo lãnh đạo Kremlin Nikita Khrushchev đừng đặt tên lửa của mình ở đồng minh Castro khi đó. “Cả Hoa Kỳ lẫn cộng đồng thế giới không thể chịu đựng được việc cố tình dẫn dắt sai lạc và những đe dọa hung hăng từ phía đất nước nào đó - dù lớn hay nhỏ. Vũ khí hạt nhân sở hữu sức hủy diệt như thế, và tên lửa đạn đạo bay nhanh đến độ mỗi khả năng gia tăng việc sử dụng chúng hay bất cứ sự thay đổi đột ngột nào của những vị trí chúng triển khai thường xuyên, hoàn toàn có thể được đánh giá như một mối đe dọa hiển nhiên cho hòa bình” (306). Các lực lượng vũ trang ở phương Đông và phương Tây được đặt trong tình trạng báo động cao, và thế giới chỉ nằm cách Thế chiến thứ ba một bước.
Việc tình hình hiện nay thay đổi ngược lại và giờ đây, nước Nga nằm dưới tầm ngắm các tên lửa Mỹ, theo ý kiến Putin, không hề thay đổi giá trị luận chứng của Kennedy.
Dựa trên kinh nghiệm về chính sách đối ngoại của mình, Putin đưa ra kết luận rằng Hoa Kỳ đã cố một cách hệ thống, tước mất phạm vi ảnh hưởng lịch sử của Nga. Trong cuộc thập tự chinh toàn thế giới của Washington vì dân chủ và hòa bình, ông thấy không chỉ sứ mệnh đạo đức, mà Hoa Kỳ còn sử dụng một phương tiện đấu tranh được thử thách để bảo đảm và không ngừng mở rộng phạm vi ảnh hưởng địa chính trị của mình. Putin có đủ thí dụ để khẳng định quan điểm của mình. Ông nhớ cách mà nhà cầm quyền Hoa Kỳ và các tổ chức phi chính phủ phương Tây ở các nước cựu Xô viết đã cố hâm nóng sự bất bình hợp lý của người dân bằng các khẩu hiệu “Cách mạng Hoa hồng” hay “Cách mạng Cam”, để đạt được sự thay đổi chế độ chính trị. Ông không quên, George Bush - con, sau cuộc đảo chính Gruzia đã ủng hộ chính sách chống Nga hung hăng của tân Tổng thống Saakashvili, người đã dẫn đến chiến tranh với Gruzia vào tháng 8-2008. Ông cũng thấy, trong tất cả những sự kiện, châu Âu đang ngày càng có khuynh hướng làm theo đúng đường lối đó. Việc EU đồng thời cũng mở rộng về phương đông, không hề tính tới lợi ích nước Nga trong đó, ông vừa mới thấy ở Ukraine. Giờ đây, lằn ranh đỏ mà Putin nhiều lần chỉ ra, cuối cùng đã bị vượt qua.
Sau các sự cố trên Maidan, Vladimir Putin đầy quyết tâm bảo vệ lợi ích Nga, dựa vào chính sức lực của mình, và ông bắt đầu hành động. Ở đây, nói về những đồng bào Nga ở Crimea và đông Ukraine, đồng thời cũng về hạm đội Biển Đen, từ thuở xa xưa đã đóng ở ngoài khơi bờ biển của bán đảo. Cuối cùng, ở đây nói về việc công khai tuyên bố lợi ích của mình.
Sau khi đặt vòng hoa và nghe báo cáo của Lukin ở điện Kremlin, buổi chiều ngày 23-2-2014, Putin bay đi Sochi tham dự Lễ bế mạc Thế vận hội. Các trận đấu dẫu sao cũng trở thành khúc khải hoàn mà ông mơ ước. Không có những “lỗ hổng” nghiêm trọng, và tuyết thì đủ dày, thêm vào đó nước chủ nhà dù sao cũng chiếm được nhiều huy chương nhất. Mặc cho trận thua đau buồn của đội khúc côn cầu, nước Nga trong bảng xếp hạng đã đứng đầu, bỏ lại phía sau Na Uy, Canada và Hoa Kỳ.
“Tại sao lại khó công nhận rằng Thế vận hội đã diễn ra thành công?”, New York Times bình luận tổng kết, gián tiếp ám chỉ việc nhiều nhà phê bình Sochi trong những tháng qua đã hành động không chỉ vì quan tâm tới thể thao mà còn vì những cân nhắc chính trị. “Có thể là vì, thành công của Thế vận hội đồng thời cũng là biểu tượng sức mạnh và ảnh hưởng của Putin”. “Nhưng nếu Thế vận hội được tiến hành ở một nơi khác, liệu có nhiều người trên thế giới nghe thấy tiếng thét phẫn nộ do luật chống người đồng tính ở Nga cùng với những đạo luật hà khắc khác? Putin có được Thế vận hội, đất nước ông ta phát triển. Cùng với đó, một mặt kém hấp dẫn của nước Nga được bày ra cho công chúng, điều dường như được xem là tổng kết quan trọng nhất của Thế vận hội này” (307).
Buổi chiều hôm đó, Tổng thống Nga đứng ở khu vực dành cho khách mời danh dự. Mỉm cười, vẫy tay, chúc mừng - trong hành động của ông không có chút ẩn ý gì cho quyết định mà ông đưa ra vài giờ trước đó. Ông sẽ trả Crimea lại cho nước Nga. Chiến dịch đã bắt đầu (308).
Cuối tháng 2-2014, trên nóc tòa nhà nghị viện vùng Crimea phất phới cờ Nga. Đa số các đại biểu đã ủng hộ việc sáp nhập bán đảo này vào Nga. Ở Crimea, trong thành phần các đơn vị của Hạm đội Biển Đen có gần 20.000 binh sĩ. Thỏa thuận về việc triển khai có hiệu lực đến năm 2042. Các đơn vị quân đội Nga không mang phiên hiệu quốc gia đã chiếm sân bay Simferopol và bao vây các doanh trại quân đội Ukraine. Các binh sĩ Ukraine có quyền lựa chọn - chuyển sang phía Nga hay trở về phía Kiev. Một số ở lại, số khác quyết định từ bỏ vị trí phục vụ của mình ở Biển Đen (309).
Trong cuộc trưng cầu dân ý do Moskva tổ chức những ngày sau đó, đa số người dân của bán đảo đã phát biểu ủng hộ việc sáp nhập vào Nga. 93% trong số hai triệu công dân có quyền bỏ phiếu (310). Số cử tri đi bầu lên hơn 80% (311). Sự kiện đa số người dân Crimea bỏ phiếu cho nước Nga và chống lại chính quyền Kiev, đã được những dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Pew có trụ sở tại Washington - một định chế thăm dò dư luận xã hội uy tín - khẳng định.
Putin bình tĩnh lắng nghe cáo buộc đầy phẫn nộ của Merkel, rằng bằng quyết định thực hiện “cuộc can thiệp không thể chấp nhận của Nga vào Crimea”, ông đã “vi phạm pháp luật quốc tế” (312), cũng như chỉ trích của bà Thủ tướng về việc Putin không thông báo trước những kế hoạch của mình liên quan tới Crimea. Bằng giọng bình thản, ông tuyên bố với Merkel rằng những biện pháp mà nước Nga thông qua, sau cuộc đảo chính ở Kiev, là hoàn toàn thích đáng. Theo lời các cộng sự của Thủ tướng, bà hoàn toàn bối rối.
Tuyên bố của Obama, rằng nước Nga phải trả giá đắt cho việc này, cũng không để lại ấn tượng nào cho Putin (313). Ngày 18-3-2014, trong một buổi lễ trang trọng ở điện Kremlin, Putin đã ký Hiệp ước sáp nhập Crimea vào thành phần Liên bang Nga. Những đe dọa của Washington loại trừ Nga ra khỏi nhóm các nước công nghiệp “G8” cũng bị bật khỏi ông như những đe dọa cấm vận của Merkel. Ông đã tiên đoán được phản ứng tiêu cực này. Đáp lại việc các tàu chiến Mỹ được Obama cử tới Biển Đen, Putin ra lệnh triển khai dọc bờ biển Crimea những hệ thống tên lửa mới nhất “Bastion”, theo cách sao cho chúng dễ được nhận ra trên các hình ảnh của vệ tinh dọ thám Hoa Kỳ (314).
“…Chúng ta đã hết lần này sang lần khác bị lừa, người ta đưa ra quyết định sau lưng chúng ta, đặt chúng ta trước sự kiện đã rồi”, Vladimir Putin bảo vệ hành động lấy lại Crimea dưới những tràng pháo tay vang dội từ giới tinh hoa chính trị đất nước (315). Việc sáp nhập diễn ra không đổ máu. Ở Crimea, người ta không phải bắn một phát súng nào. Sự ủng hộ Putin ở Nga vọt lên mức kỷ lục (316).
Vài tháng sau, ông vẫn tin rằng, phương Tây đã chủ tâm ủng hộ và thực tế đã tiến hành thay đổi chế độ ở Kiev, thay cho việc dựa vào thỏa thuận đạt được giữa phe đối lập với Yanukovich, một thỏa thuận được ký trong số đó bởi các Ngoại trưởng Đức và Ba Lan, đồng thời với đại diện Bộ Ngoại giao Pháp. Ngay từ đầu, ông đã hoài nghi và không tin thỏa thuận có thể được thực hiện. Putin nói, nguyên nhân khiến tình hình phát triển như thế đã được Merkel, Hollande và Obama một thời gian sau đó, nói như nhau: tình hình đã vượt khỏi tầm kiểm soát, không có lựa chọn nào khác. Vladimir Putin cho rằng, đó chỉ là cái cớ thoái thác; với ông, người châu Âu, nếu không phải là đồng lõa thì trong trường hợp tốt nhất, đã che chắn giả tạo cho một cuộc đảo chính được Hoa Kỳ dàn dựng. Thậm chí, nếu giả định của ông là sai, thì, như ông cho biết, Merkel và Hollande dẫu sao cũng vẫn còn khả năng can thiệp chính trị: họ có thể tuyên bố không ủng hộ đảo chính.
Trong cuộc gặp với chúng tôi mùa xuân năm 2014, tiếp tục đề tài này, Putin nói họ không làm điều đó, bởi vì người Mỹ cũng đưa ra cho ông chính những lập luận đó, và ông vẫn còn một câu hỏi cho họ: vì sao lúc đó, họ không đưa ra một tuyên bố chung? Như Putin nhận định, việc này chẳng hề phức tạp, nếu như các đại sứ châu Âu cùng với đồng nghiệp Hoa Kỳ triệu tập ở Kiev các đại diện của phe đối lập và nói rằng họ sẽ không ủng hộ thay đổi chính quyền, cần phải trả lại tổng thống và tổ chức bầu cử, như đã thỏa thuận, trên cơ sở luật pháp. Khi đó, đã không xảy ra những xung đột hiện tại, và ở Ukraine đã không có hàng nghìn nạn nhân như thế.
Đến nay, cuộc thảo luận gay cấn về cuộc đảo chính dân chủ hay một cuộc chính biến thường tình, về chính xác cái gì và khi nào đã xảy ra hay ai có lỗi, vẫn chưa kết thúc ở châu Âu. Đến nay, vẫn chưa biết rõ những tay bắn tỉa trên Maidan bắn vào những người biểu tình và cảnh sát, là ai. Không có gì phải nghi ngờ rằng chính vụ tàn sát này đóng vai trò quyết định trong việc thay đổi chính quyền bằng con đường bạo lực. Đồng thời cũng rõ ràng, có một đơn vị đặc nhiệm dưới tên gọi “Omega” với thành phần là những tay bắn tỉa đã yểm trợ Berkut. Trong trả lời phỏng vấn Spiegel, cựu Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Vitaliy Zakharchenko đã thừa nhận điều này (317). Và liệu có hay không lực lượng thứ ba nào đó can thiệp vào các sự kiện?
Được ghi âm trực tiếp ngay sau đảo chính, cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Estonia Urmas Paet và cựu Đại diện cấp cao EU về đối ngoại Catherine Ashton càng thúc đẩy tranh cãi. Paet kể cho Ashton nghe về chuyến thăm Maidan của mình. Một nữ bác sĩ đã cho ông xem một số bức ảnh và cho biết, những người biểu tình đã bị giết bởi cùng một loại đạn; vị bác sĩ cũng nói: tất cả đầu mối đều chứng minh rằng những người ở các phe đối địch đều bị bắn bởi đúng một tay bắn tỉa. Một điều cũng gây khó hiểu là lời từ chối của ban lãnh đạo Maidan về việc điều tra tất cả bối cảnh của những phát súng chết người, cũng nghe được từ đoạn nói chuyện bị ghi lén này, sau đó được tung lên Internet và trở thành tin chấn động. Tóm tắt kết quả các cuộc trò chuyện với những người hoạt động trên Maidan, Ngoại trưởng Estonia nói điều này làm tăng thêm nghi ngờ, rằng “sau lưng tay bắn tỉa không phải là Yanukovich, mà là ai đó từ liên minh Maidan” (318). Paet khẳng định, đoạn điện đàm đấy là có thật, tuyên bố không bổ sung gì thêm vào những điều đã nói.
Những nghi ngờ, theo phương án của ban lãnh đạo mới, cho rằng tất cả những người bị giết đều là nạn nhân của các hành động tội phạm của chính quyền bị lật đổ, cũng chưa được xua tan. Nhưng việc những chiến binh trên Maidan được vũ trang cũng đã được chứng minh qua video. Thủ lĩnh “Phái hữu” Dmitri Yarosh đã cùng với các chiến binh của mình hợp tác chặt chẽ với chỉ huy Maidan Andriy Parubiy, “bắt đầu từ tháng 1, đã kêu gọi các cộng sự bắn vào cảnh sát và, bằng cách đó, tạo điều kiện ở một mức độ lớn cho việc leo thang căng thẳng”, Spiegel viết (319). Đến lượt mình, Hội đồng châu Âu, cơ quan thành lập Ủy ban điều tra những phát súng chí mạng ở Maidan, đã chỉ trích gay gắt cuộc điều tra của cơ quan tư pháp Ukraine và tuyên bố nó như một “sự cản trở” và “thiếu khách quan” (320).