Hàng ngàn người chết đã buộc khởi đầu cuộc đàm phán Minsk
Tôi nhận lời mời dạo chơi bên bờ sông Amur(62) trong cơn mưa nhẹ và nhiệt độ hòa nhã của mùa hè đang qua đi. Tháng 9-2014, ngoại ô Blagoveshensk - Thành phố Nga này nằm trên con sông giáp giới Trung Quốc, cách Moskva 8 giờ bay. Các cảnh vệ trên phần đất của dinh thự chính phủ này tế nhị dõi theo chúng tôi cách đó một khoảng. Vladimir Putin cần dịch chuyển, do cả tuần lễ đã bận rộn bởi chuyến đi làm việc theo kế hoạch dọc đất nước, cùng với chuyến thăm ngắn Ulan Bator - thủ đô Mông Cổ.
(62) Sông Amur, còn gọi là Hắc Long Giang hay là “sông Rồng Đen” có chiều dài 4.444 km và là con sông lớn thứ 10 trên thế giới, tạo thành biên giới tự nhiên giữa miền Viễn Đông của Nga và vùng Mãn Châu của Trung Quốc - BTV.
Sau vài giờ nữa, chuyên cơ tổng thống cất cánh, nhắm hướng Siberia. Dự kiến, nói chung, một sự kiện thường lệ bất ngờ mang sức nặng của một biểu tượng chính trị. Không xa Yakutsk(63), Putin sẽ khai trương đoạn đầu tiên của đường ống khí đốt mới “Sức mạnh Siberia” dẫn tới Trung Quốc. Ý nghĩa việc hợp tác kinh tế với Trung Quốc đã gia tăng ngay từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraine. Nga và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận trong những thập niên tới về việc cung ứng khí đốt trị giá 400 tỉ đô la, và nhìn chung, Nga tăng cường quan hệ với Trung Quốc.
(63) Yakutsk là một thành phố ở vùng Viễn Đông Nga, nằm cách khoảng 4° (450 km) về phía nam vòng Bắc cực. Đây là thủ phủ của Cộng hòa Sakha thuộc Nga - BTV.
Cuối cùng, đội quân Kremlin đã đổ bộ lên bờ sông Amur. Tổng thống có ý định kiểm tra tại chỗ xem liệu chính quyền đã xoay xở ổn chưa với những thiệt hại mà các cơn lốc xoáy và lũ lụt một năm trước mang tới, hay ông sẽ lại tiếp tục được trình những ngôi làng Potemkin(64). Một sự kết hợp nào đó giữa trách nhiệm cá nhân và truyền thông chính trị đã buộc ông phải thường xuyên bay khắp đế chế rộng lớn, khắc phục những khoảng cách hàng ngàn cây số, để bảo đảm với người dân rằng, Tổng thống, bất kể điện Kremlin có xa đến đâu, cũng rất quan tâm.
(64) Làng Potemkin: Cụm từ hàm ý sự gian lận, lừa dối, che giấu sau mặt tiền tốt đẹp những sự thật khó coi. Grigory Potemkin là một công tước thân cận của Nữ hoàng Ekaterina II, người trong một chuyến đi thị sát của nữ hoàng về miền nam nước Nga đã cho dựng dọc đường đi của Nữ hoàng hình ảnh những ngôi nhà sung túc, tổ chức cho nữ hoàng gặp những nông dân ăn mặc đẹp, còn ban đêm thì lùa những đàn gia súc sang chỗ Nữ hoàng sắp đến để trình với nữ hoàng bộ mặt miền đất mới phồn vinh - ND.
Sau bức màn của đời thường công việc, vào những ngày này đang diễn ra đàm phán về khả năng ngừng bắn giữa Kiev và đông Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov giữ cho Tổng thống luôn nắm được tình hình giao tranh trong khu vực. Sau cuộc đảo chính tháng 2 ở Kiev, ở phía đông đất nước, Donetsk và Lugansk đã tuyên bố sự độc lập của mình, vì thế quân đội Ukraine cố lấy lại các nước Cộng hòa tự xưng này bằng vũ lực với sự hỗ trợ của “chiến dịch chống khủng bố” (321). Đặt cược vào chiến thắng thần tốc, quân đội Ukraine đã đánh giá thấp đối phương cũng như sự sẵn sàng hỗ trợ của Nga dành cho những người ly khai. Mới đây, những người nổi dậy đã vây bắt một đơn vị quân đội Ukraine ở Ilovaisk của vùng Donetsk. Tình hình những người bị vây hãm là vô vọng, vì vậy Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko một lần nữa đã gọi cho Putin. Poroshenko đề nghị đàm phán, muốn thương lượng các điều kiện để rút binh lính mình về. “Trước đó, tôi đã cố can ngăn Petro Poroshenko đừng khôi phục các hoạt động chiến sự ở đông Ukraine sau khi ông ta lên nắm quyền”, Putin kể sau những mét đi bộ đầu tiên dưới cơn mưa phùn, “nhưng đã không thành công, còn ông ta, vâng, đã không thể làm khác”.
Nhà tài phiệt Ukraine Poroshenko mà Kênh Năm nổi tiếng của ông ta hàng tuần đã phát sóng trực tiếp từ hàng ngũ những người biểu tình trên Maidan, trở thành người chiến thắng tạm thời sau cuộc đảo chính ở Kiev. Nhờ bạc tỉ của mình và nguồn lực truyền thông, ông đã thắng cuộc chiến tương tàn vào chức tổng thống, bị bỏ trống sau cuộc bỏ chạy của Viktor Yanukovich sang Nga. Tại cuộc bầu cử tháng 5-2014, Poroshenko đã thắng cách biệt bà Yulia Tymoshenko (322), người phụ nữ được EU và Angela Merkel đặt số phận Ukraine lệ thuộc vào sự giải phóng của bà ta. Nhân vật biểu tượng đó của phương Tây chỉ kiếm được có 12% phiếu. Arseniy Yatsenyuk - người được Mỹ ưa chuộng, trở thành Thủ tướng, còn Vitali Klitchko - “ứng viên” của Chính phủ Đức, được phép trở thành Thị trưởng Kiev.
Không lâu trước chuyến đi vòng quanh nước Nga, Putin đã gặp Poroshenko và lần đầu tiên trò chuyện mặt đối mặt với ông ta khá lâu. Trong hành lang Hội nghị thượng đỉnh Minsk của EU, Vladimir Putin đã cho đồng nghiệp mới của ông hiểu rõ, nước Nga sẽ tiếp tục ủng hộ những người ly khai ở đông Urkaine. Ông yêu cầu công nhận quyền tự trị của khu vực, nơi đa số người dân nói tiếng Nga. Yêu cầu của Poroshenko đóng cửa biên giới và bằng cách đó, đóng luôn cả con đường viện trợ cho những người nổi dậy, đã bị ông thẳng thừng bác bỏ. Trong cuộc đi bộ thư thả với chúng tôi, ông kể rằng một điều rất quan trọng là hướng sự chú ý của Poroshenko vào một việc không thể là đề tài thương lượng như trước đây ông từng tuyên bố với Merkel và Hollande, đó chính là: Nga không cho phép Kiev tiêu diệt những người nổi dậy bằng con đường quân sự trước khi đi tới các cuộc thương lượng trực tiếp về yêu cầu nhiều độc lập hơn của họ. Poroshenko vặn lại: ông ta sẽ chỉ nói về các nhân nhượng chính trị sau khi giải giới hoàn toàn phe ly khai; hơn thế nữa, ông ta tuyên bố sẽ vẫn tiếp tục những chiến dịch quân sự mà Putin can ngăn vì chỉ dẫn tới đổ máu vô ích. Câu trả lời của Poroshenko vắn tắt: ông ta không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chiến đấu. Thứ duy nhất mà các bên đồng ý là họ không đồng ý với nhau về bất cứ điểm nào. Đó là chuyện vài ngày trước. Còn giờ đây, những thất bại trên chiến trường đã thúc đẩy việc sẵn sàng thương lượng.
Petro Poroshenko chiến đấu trên nhiều mặt trận, cùng lúc phải chịu sức ép về mặt đối nội. Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk bác bỏ những cuộc thương lượng về ngừng bắn đêm trước cuộc gặp Minsk, nói không thể phản bội cách mạng. Aleksander Turchinov, khi đó là Chủ tịch Hội đồng Tối cao - quốc hội Ukraine, kịch liệt loại trừ giải pháp ngoại giao: “Chỉ có quân đội Ukraine mới có khả năng kết thúc cuộc chiến này” (323). Những người cai trị mới bị buộc phải nhận thức toàn bộ quy mô của vấn đề đặt ra cho Ukraine. Các trông đợi cải cách do cuộc cách mạng tháng 2 mang lại ít có gì chung với thực tiễn. Các khả năng chính trị và quân sự của đất nước bị bó hẹp. Áp lực của những mong đợi mà Poroshenko phải đáp ứng để có thể sống sót về chính trị, vốn hết sức độc lập với vị thế của riêng ông, là quá lớn. Nếu không có giải pháp quân sự nhanh, nếu quân đội bị bỏ trong tình trạng vô vọng, lui bước, thì chẳng bao lâu, câu hỏi về ý nghĩa cái chết của tất cả những nạn nhân sẽ được đặt ra. Nhưng ngay cả trong chiến tranh, tất cả cũng bị nhấn chìm bởi tiếng thét gào của cuộc vận động tranh cử. Phía trước là bầu cử nghị viện mới.
“Tôi nói với Poroshenko rằng ông ta sẽ không thể thắng trong cuộc xung đột này bằng con đường quân sự”, Vladimir Putin tổng kết các cuộc điện đàm những ngày qua trong một cuộc đi dạo ngắn. Những giọt mưa rơi trên mặt ông. “Chỉ có một giải pháp - bằng thương lượng”. Chẳng bao lâu, những cuộc điện đàm đã tập trung vào vấn đề quân đội Ukraine có thể thoát khỏi vòng vây Ilovaysk bằng những điều kiện nào. Sau đợt tiến quân ban đầu thành công của quân đội Ukraine, các cố vấn quân sự của Poroshenko đã đồng ý với đánh giá tình hình của NATO, theo đó, “xung đột đối với Kiev”, như Spiegel dẫn lời nhận định này, “xem như đã thua”. Tổng thống Ukraine cố đạt được việc để Putin tạo “một lối thoát danh dự” cho những đơn vị vũ trang hạng nặng bại trận này. Sau các tư vấn với lãnh đạo quân sự, Vladimir Putin trong cuộc điện đàm tiếp theo đề nghị như sau: lối thoát danh dự - vâng, nhưng chỉ với vũ khí tự động, và được trùm lại, không được [mang về] vũ khí hạng nặng. “Poroshenko đồng ý”, Putin mô tả thỏa thuận với Tổng thống Ukraine, “thế nhưng, binh lính không tuân thủ thỏa thuận này và đã vi phạm khi cố thoát khỏi vòng vây bằng vũ lực”. Họ tổn thất nhiều. Điều đó hoàn toàn không cần thiết. Vladimir Putin không thể hiểu được logic trong quyết định của ban chỉ huy đối phương, trong tình hình không lối thoát lại để người của mình làm bia thịt. “Có một logic quân sự”, ông không che giấu quan điểm rằng sự leo thang xung đột là vô liêm sĩ và không chuyên nghiệp, “phương Tây sẽ không đi tới chỗ can thiệp quân sự vì vậy, và tất cả đều biết điều đó”. Một phần quân đội Ukraine được hợp thành từ những binh đoàn tự nguyện. Họ tự xưng là “Donbass”, “Dnepr”, “Azov” và chính thức phục tùng Bộ Nội vụ, nhưng lại hoạt động độc lập như các đơn vị của Đội Vệ binh Quốc gia, khét tiếng như những người theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu, sẵn sàng dùng hình chữ thập ngoặc(65) làm biểu tượng chiến đấu (324).
(65) Hình chữ thập ngoặc hay còn gọi là hình chữ “Vạn”, là một biểu tượng hình chữ thập với bốn đầu mút gập vuông góc về cùng một hướng. Chữ thập ngoặc màu đen nằm trong hình tròn màu trắng ở trên nền đỏ từng là nỗi khiếp sợ của rất nhiều người thời Đức Quốc xã khi nó được Hitler sử dụng như một biểu tượng của mình - BTV.
Mưa ngày càng nặng hạt trong cuộc dạo chơi. Các cận vệ trao dù. Chúng tôi quay trở lại và Putin tiếp tục câu chuyện của mình. Theo lời ông, Poroshenko đã gọi điện lần nữa, và sau đó, các thỏa thuận thực sự được thực hiện. Những người bị bao vây đã tự phá hủy phần lớn các vũ khí hạng nặng trước khi rời đi. “Vào những ngày cuối cùng, chúng tôi thường xuyên điện thoại để tìm giải pháp chấm dứt việc đổ máu vô nghĩa này, chúng tôi có nghĩa vụ tìm ra giải pháp hòa bình”.
Trả lời câu hỏi của tôi đặt ra vào tối ấy, rằng những thông tin mới nhất trên các phương tiện truyền thông điện tử về việc, trong cuộc trò chuyện với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Barroso, ông dường như đã đe dọa rằng quân đội Nga có thể trong vòng hai tuần tiến vào Kiev - là đúng hay không, Vladimir Putin phản ứng một cách cảm tính: “Thằng ngốc”, ông buột miệng, trước khi lấy lại bình tĩnh và hoài nghi hỏi lại: “Ông ta thật sự nói thế sao?”. Thông tin trên tờ báo Ý La Repubblica vài giờ trước đó đã lan nhanh như đám cháy rừng trên những phương tiện truyền thông đại chúng Đức (325). Người đang từ giã chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu, một kẻ công khai thù Putin, như tin đã đưa, đã thông báo cho các lãnh đạo chính quyền tại Hội nghị thượng đỉnh EU cuối tháng 8 rằng, Tổng thống Nga trong một cuộc điện đàm đã dọa ông ta: “Nếu tôi muốn, tôi có thể lấy Kiev chỉ trong hai tuần lễ”.
Với Putin, tuyên bố của Barroso rơi vào phạm trù tâm lý chiến. “Tôi nói Barroso điều đó nhằm khẳng định rằng chúng tôi hiện không có và đã không có ý định vào Kiev”, ông bác bỏ cáo buộc. “Mọi thứ thật ra là ngược lại”. Sau một phút suy tư, ông cho thấy rằng những cáo buộc này không thể để như thế mà không có đáp trả. “Nếu không thể làm cách khác, chúng ta phải công khai toàn bộ nội dung cuộc nói chuyện để giải tỏa sự hiểu lầm, nếu như đã có. Bởi toàn bộ cuộc điện đàm đã được ghi âm”. Hai giờ sau cuộc dạo chơi, cố vấn đối ngoại của Tổng thống Yuri Ushakov đã chuyển đến các hãng tin nội dung ngắn gọn về những khẳng định của Barroso. “Nó (câu trích) đã được tách khỏi văn cảnh và có ý nghĩa hoàn toàn khác” (326). Về phần mình, đại diện thường trực Nga ở EU Vladimir Chizhov đã viết thư cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu tuyên bố, trong vòng 48 giờ nữa, Kremlin sẽ công khai nội dung điện đàm, nếu Barroso không chịu sửa các phát biểu của mình (327).
Pia Ahrenkilde-Hansen, đại diện chính thức của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Barroso, 24 giờ sau đã tuyên bố ở Brussels cho báo Wall Street Journal rằng những lời trong cuộc điện đàm mật, thật đáng tiếc, đã bị “ngắt khỏi văn cảnh” và rằng Brussels đánh giá cao việc giải quyết vụ scandal bằng con đường ngoại giao (328).
Hai tuần sau, Süddeutsche Zeitung lại một lần nữa đưa lên các trang báo mình dường như lời của Putin, theo đó Tổng thống Nga khoác lác rằng ông ta chỉ cần không phải hai tuần, mà hai ngày để vào Kiev, đồng thời vào luôn cả Riga, Vilnius, Tallinn, Warsawa và Bucharest. Phóng viên Brussels của Süddeutsche Zeitung dẫn nguồn của thông tin này là Poroshenko, người mà theo tờ báo, đã kể lại điều đó cho Barroso (329). Petro Poroshenko vài ngày sau phải đi bỏ phiếu bầu quốc hội trước thời hạn, và đối thủ ông ta là Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk đã lập một danh sách riêng, làm nóng thêm cuộc tranh luận trước bầu cử bằng những lời kêu gọi chiến đấu kiên cường. Về việc cải chính mà thư ký của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Barroso đưa ra trước đó, báo chí Đức không nói một lời nào. Chiến tranh chiến hào trên mặt trận báo chí vẫn tiếp diễn như thường lệ.
Thất trận ở Ilovaysk buộc Poroshenko phải hành động. Ở Kiev, tâm trạng chỉ trích ngày càng tăng, thân nhân những người chết trận công khai phản đối giới quân sự và các chính khách vất bỏ mạng sống binh lính của mình và những người tình nguyện vào một chiến dịch vô vọng. Khi Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Valeri Geletei, bị thất bại nặng nề, công khai tuyên bố rằng sân bay Lugansk dường như bị tấn công bằng đầu đạn hạt nhân từ Nga, Poroshenko đã sa thải ông ta (330). Geletei là Bộ trưởng Quốc phòng thứ ba chỉ trong vài tháng làm việc của chính phủ mới bị buộc phải rời ghế. Sau thất bại quân sự này, Poroshenko tuyên bố sẵn sàng cho việc ngưng bắn.
Một ngày sau cuộc đi dạo dọc bờ sông Amur, Vladimir Putin giới thiệu với báo giới, được tập trung vội vào phòng VIP sân bay Ulan Bator ở Mông Cổ, kế hoạch bảy điểm của mình như cơ sở cho các cuộc đàm phán ở Minsk. Bước đầu tiên theo kế hoạch - ngừng bắn ở các vùng Donetsk và Lugansk vốn đã bị chiến tranh tàn phá, thiết lập kiểm soát quốc tế việc chấp hành các điều kiện ngừng bắn. Barack Obama, một ngày trước đó đã đến Estonia, cam kết với ba quốc gia Baltic là Litva, Estonia và Latvia sự đoàn kết của Hoa Kỳ. “Hành động của Nga và những kẻ ly khai Nga ở Ukraine gợi lên ký ức về những âm mưu đen tối trong quá khứ ở châu Âu, từ lâu đã trở thành một phần của lịch sử” (331). Ông một lần nữa trấn an các quốc gia này điều đã được bảo đảm nhiều năm: trong trường hợp Nga tấn công, NATO sẽ đến giải cứu.
Trong khi đó, từ Kiev xuất hiện phản ứng tiêu cực đầu tiên của Thủ tướng Yatsenyuk trước dự định của các Tổng thống Putin và Poroshenko về việc tiến hành đàm phán ngưng bắn. Đề nghị này không là gì khác hơn, như một kế hoạch “hủy diệt Ukraine và phục hồi Liên bang Xô viết” (332). Trước đó, Yatsenyuk đã nêu lên kế hoạch của mình về việc xây một bức tường dài 2.000 km, trang bị dây thép gai và mìn dọc biên giới Ukraine và Nga. Còn xây như thế nào và tiền từ đâu - ông ta im lặng. Tổng thống Poroshenko phát biểu kiềm chế hơn, tiếp nhận đề nghị của Putin để cân nhắc. Bảy tháng đã trôi qua kể từ khi cuộc xung đột nhiều năm quanh Ukraine, vào những ngày tháng 2, Maidan đã bùng nổ thành một vòng xoắn ốc bi thảm của bạo lực quân sự với hàng ngàn nạn nhân, lần đầu tiên người ta nói cụ thể về việc liệu có thể tránh được việc tiếp tục đổ máu cũng như cái giá chính trị nào phải trả cho việc này.
Nhóm tiếp xúc trong thành phần các đại diện của Ukraine, Nga và phe ly khai cùng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã gặp nhau ở lãnh thổ trung dung - Minsk. Cuộc gặp, mặc cho những ý định được tuyên bố trước đó của Poroshenko và Putin, không là gì khác hơn sự phản chiếu của cảm giác giận dữ và thất vọng về nhau. Chỉ là một khởi đầu nào đó, bởi nếu không thì sẽ không đạt được gì. Nhưng không là gì hơn một khởi đầu. Biên bản, mà các thành viên ký vào ngày 5-9-2014, và sau đó được OSCE đăng trên trang web của mình, rất tham vọng. Nó gồm 30 điều liên quan đến phương cách giải quyết khủng hoảng, trong đó có việc ngưng bắn và trao đổi tù binh, sẵn sàng công nhận quyền tự quyết của các nước Cộng hòa nhân dân Lugansk và Donetsk, đồng thời thỏa thuận về việc vũ khí hạng nặng chỉ có thể được bố trí ở bên ngoài một hành lang an ninh rộng (333).
Quả cầu thử nghiệm đầu tiên đã được thả: các thành viên cuộc thương lượng được tuyển chọn từ tầng thứ hai. Những người ký tên là đại diện đặc biệt của OSCE Heidi Tagliavini, cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma, Đại sứ Nga tại Ukraine Mikhail Zurabov, cũng như các đại diện phe ly khai là Aleksander Zakharchenko và Igor Plotnitsky. Không một chính khách thuộc thành phần thứ nhất nào dám mạo hiểm mất mặt. Những vết thương còn quá mới do cuộc đảo chính bằng bạo lực gây ra mới nửa năm trước.
Trong những tháng gần đây, tin tức từ Ukraine ngày càng u ám. Không thể đề cập đến việc thực hiện triệt để thỏa thuận. Những người ly khai đã thành công trong việc mở rộng lãnh thổ của mình, phương Tây gia tăng cấm vận, còn từ Hoa Kỳ vang lên những tiếng thét chói tai.
Tổng thống Obama than vãn một thực tế rằng những kẻ ly khai nhận được “sự hỗ trợ thường trực từ Nga, kể cả kỹ thuật, tiền, các chỉ huy và quân đội” (334). Tương tự, một lời kêu gọi chung của ba trung tâm đầu não đất nước - Hội đồng Đại Tây Dương, Viện Brookings và Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR)(66) cũng được đưa ra, cuối cùng thì yêu cầu là nên bắt đầu cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Logic của các chuyên gia từng là cựu chính khách và chuyên viên trong vấn đề an ninh, giới quân sự, các đại sứ Hoa Kỳ ở các nước NATO - thì đơn giản: phải dùng bạo lực để ép Nga tiếp tục nhượng bộ phương Tây. “Việc tăng cường vũ trang cho quân đội Ukraine sẽ cho phép - và đây là điểm chính - giết nhiều hơn những kẻ nổi loạn và binh lính Nga. Điều đó sẽ làm cho bối cảnh chính trị ở nước Nga xấu đi đáng kể và khiến Tổng thống Nga phải ngồi vào bàn thương lượng”, Fiona Hill và Clifford Gaddy của Viện Brookings dẫn lời các đồng nghiệp của họ trên báo Washington Post, chỉ trích gay gắt đề nghị này. Theo họ, phương pháp này không là gì khác hơn công thức leo thang căng thẳng. Cả hai là những chuyên gia được nhìn nhận trong lĩnh vực này, và cuốn sách của họ Ngài Putin: Điệp viên ở điện Kremlin là một nghiên cứu giáo khoa về chính trị Nga những năm qua. “Nếu chúng ta làm theo lời khuyên này, thì không chỉ Ukraine rơi vào cơn lốc xoáy xung đột quân sự với nước Nga”. Trong trò chơi này, Berlin sẽ không tham gia. Và Tổng thống Nga cũng vậy. “Putin trong trường hợp này sẽ giả định rằng bất cứ một thỏa hiệp nào tiếp theo chỉ càng khiến phương Tây gia tăng khiêu khích” (335).
(66) CFR: Trong bản tiếng Đức, tổ chức này có tên đầy đủ là: “Chicago Council on Global Affairs” “(Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu). Chúng tôi dịch từ bản tiếng Nga nên giữ lại tên “Hội đồng quan hệ đối ngoại” nhưng thông tin thêm cho độc giả biết.
Angela Merkel và François Hollande đồng ý rằng, vì tình hình căng thẳng nên cần thông qua một nỗ lực mới để nối lại đàm phán. Vì lý do này, cả hai tới Moskva và thảo luận với Vladimir Putin về những khả năng giải quyết cuộc xung đột đang đi vào ngõ cụt. Sau đó, tại Minsk sẽ phải diễn ra cuộc gặp tiếp theo. Lần này là ở cấp cao. Ngoài bộ đôi ở châu Âu, cuộc gặp lần đầu tiên sẽ có sự tham gia của các Tổng thống Nga và Ukraine. “Chỉ không có những người ly khai”, Poroshenko đề nghị như thế, từ chối xem những người này như các nhà đàm phán bình đẳng, nhằm không tạo cho ở nhà cảm giác rằng ông ta có thể hài lòng với “status - quo”.
Tại Hội nghị Munich về an ninh đầu tháng 2-2015, lần đầu tiên, những cách tiếp cận khác biệt của Đức và Hoa Kỳ công khai đụng độ nhau. Và xin thưa, không phải tình cờ, khi ngay trước hội nghị trên, báo chí Hoa Kỳ đã bùng nổ một tin chấn động, bắt đầu bằng một báo cáo đáng ngờ về việc tại sao Putin không bao giờ nhượng bộ. Putin là người tự kỷ, ông ta bị một khiếm khuyết thần kinh bị tổn thương bởi hội chứng Asperger, như một chẩn đoán khẳng định. “Rối loạn phổ tự kỷ ảnh hưởng tới việc thông qua bất cứ quyết định nào của ông ta”, tờ USA Today dẫn nguồn một hồ sơ mật, “bởi sự phát triển hệ thống thần kinh của ông ta đã bị phá hủy nghiêm trọng từ thuở nhỏ” (336). Các tác giả của nghiên cứu tiến hành vào năm 2008 theo đơn đặt hàng của Lầu Năm Góc, thành thật nói luôn rằng họ không có điều kiện quét não ông ta. Và vì không có khả năng này nên tiếc thay, họ chỉ có thể tự đáp ứng bằng những hình ảnh bình thường của Tổng thống Nga trên màn ảnh ti vi.
Trước hội nghị, ở tầng 7 của Khách sạn Munich Bayerischer Hof, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Victoria Nuland chỉ đạo các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ và các vị tướng về việc đoàn đại biểu Hoa Kỳ nên cư xử thế nào để gây sức ép kha khá lên người Đức. Bà Nuland chẳng chờ đợi điều gì thiết thực từ chuyến đi của bà Merkel tới Putin, gọi nó không là gì ngoài “cơn ngông Moskva của Merkel”. Tờ Bild-Zeitung đã viết tổng quan hơn về hướng dẫn này trong bài báo “Các chính khách Hoa Kỳ thật sự nghĩ gì về người Đức trong lát cắt khủng hoảng Ukraine?”. Những kẻ độc tài, như Putin, “bạn không thể buộc ông ta từ bỏ đường lối tàn bạo của mình, nếu bay tới Moskva gặp ông ta”, John McCain chỉ trích lập trường dường như mềm mỏng của Thủ tướng Liên bang. Những người khác thì không hài lòng với Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen, “người Đức chủ bại”. Nuland kêu gọi các chính khách Hoa Kỳ đấu tranh thành một mặt trận thống nhất. “Chúng ta có thể tranh đấu với người châu Âu, chiến đấu với họ bằng việc sử dụng thuật hùng biện”. Và để thể hiện điều đó, cần phải vũ trang cho quân đội Hoa Kỳ những lời khuyên giá trị và những thủ thuật ma mãnh trong việc áp dụng vũ khí ngôn từ. “Tôi muốn yêu cầu các bạn sử dụng cụm từ ‘hệ thống phòng thủ’ mà chúng ta sẽ cung ứng trong cuộc đấu tranh với những hệ thống tấn công của Putin”, tờ Bild dẫn lời một trong những khuyến nghị ngôn ngữ - chiến lược của bà Nuland (337).
Sự công kích của nhà truyền giáo Washington đã giúp Angela Merkel có thêm kinh nghiệm mới. Và một ngày sau cuộc gặp Vladimir Putin, trên bục diễn thuyết trong gian phòng hội nghị chật cứng, bà nói với người Mỹ những lời rất rõ ràng sau: “Vấn đề là ở chỗ, tôi không thể tưởng tượng ra tình huống, trong đó các vũ khí được cải tiến của quân đội Ukraine sẽ tạo cho Tổng thống Putin ấn tượng, khiến ông tin vào khả năng thất bại quân sự” (338). Bà bác bỏ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Trong thời điểm đó, ít nhất là như thế.
Sau cuộc thương thuyết marathon vào ban đêm, các phía khủng hoảng đồng ý với kế hoạch 13 điểm, sẽ phải mang hòa bình tới cho đông Ukraine (339). Các bước đi được thỏa thuận không mới: trao đổi tù binh, ngừng bắn, vùng đệm hay việc rút quân khỏi Ukraine. Thế nhưng, phía nổi dậy đã từ bỏ yêu cầu đòi tách khỏi Ukraine của họ, đã nói về việc tự trị và về việc lập ra những biên giới rõ ràng cho khu vực. Trong đêm đó, các đối thủ vẫn còn giao chiến ác liệt ở Debaltsevo, và một lần nữa, tất cả lại diễn tiến không thuận lợi cho quân đội Ukraine. Tuy chỉ là một thị trấn nhưng Debaltsevo là một nút giao thông quan trọng. Ở đây giao cắt hai tuyến đường cao tốc quan trọng ở đông Ukraine, một trong số này là M4 - nối hai thành trì của phe ly khai - Donetsk và Lugansk. Tình hình giống như khi tiến hành cuộc thương lượng “Minsk-1”. Quân đội Ukraine lâm nguy. Họ nỗ lực phá vây thành công nhưng phải chịu tổn thất lớn.
Những kết luận và giải pháp
Tháng 6-2015, một tối mùa hè ấm áp ở Moskva. Bốn tháng sau “Minsk - 2”, chúng tôi lại lần nữa thương lượng với Tổng thống Nga về một cuộc gặp. Nó diễn ra, như thông lệ, muộn hơn dự tính. Ngày mai là Ngày nước Nga(67), một ngày hội. Và đối với nhiều thị dân, đó còn là một cơ hội có được kỳ nghỉ cuối tuần dài ở các dinh thự ngoài thành phố. Vladimir Putin cũng có ít cuộc gặp chính thức ở Novo - Ogaryovo hơn, và ông có thể ăn tối cùng hai con gái trong dinh thự.
(67) Ngày nước Nga là một trong những ngày lễ lớn của Liên bang Nga, xuất phát từ việc vào ngày 12-6-1990, lần đầu tiên Đại biểu của Quốc hội RSFSR thông qua “Tuyên bố chủ quyền nhà nước của RSFSR”. Và từ năm 1992, ngày 12-6 trở thành ngày lễ của Liên bang Nga, tương đương với Ngày Quốc khánh - BTV.
Buổi tối, ông một lần nữa dựng lại tất cả chuỗi sự kiện những tháng qua, trong số đó có phản ứng của phương Tây công khai đả phá dữ dội lợi ích địa chính trị của Nga, tuyên bố đó là tàn dư của thế kỷ 19, nhưng cùng lúc, dưới mắt Putin, chính họ cũng làm y như vậy nhưng lại trơ trẽn yêu sách sự vượt trội đạo đức của mình. Ông nói về việc siết chặt cấm vận kinh tế chống Nga, rất đau đớn và cùng lúc tác động cả đến châu Âu.
Những cuộc đàm phán giữa Kiev và đông Ukraine diễn ra lằng nhằng. Lời kêu gọi phải kiên cường của Kiev, theo ông, là vô nghĩa, bởi trong cuộc xung đột kéo dài với nước Nga, Ukraine sẽ không thể chiến thắng bằng quân sự lẫn kinh tế. Mặc dù Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ bảo trợ cho chính quyền Kiev, nhưng sự bất bình của dân chúng, ông nói, tiếp tục tăng và với mỗi ngày mới của chiến tranh, cả phí tổn cũng tăng.
Merkel và Hollande, ông tiếp tục, vẫn như trước, công khai tuyên bố với ông khi đề cập đến những người nổi dậy, ở đây là nói về những người ly khai thân Nga. “Ông hãy tác động như thế này và làm như thế này”, ông nhớ lại những lời hô hào liên tục của họ. Putin thấy bản chất của những lời kêu gọi bền bỉ này là ở chỗ, ông phải là người thỏa thuận để thay cho những người nổi dậy bị Kiev lờ đi, không là gì khác hơn âm mưu biến ông thành người giơ đầu chịu báng. “Tôi đâu phải công dân Ukraine. Tôi luôn hỏi họ: còn các vị sẽ làm gì để tác động lên khách hàng của các vị ở Kiev? Và tại sao các vị, thực tế mà nói, luôn đứng về phía họ?”.
Với tất cả những dị biệt trong các cách tiếp cận, ông cũng tìm ra lời động viên Merkel và Hollande, những người vào đêm hôm đó ở Minsk cũng đã hiểu, trong trường hợp thất bại, đó cũng sẽ là sự sụp đổ của họ. Họ đã tích cực tham gia, thí dụ, khi nói về việc giữ lại khái niệm “tự trị” mà Poroshenko đã bác bỏ. Và họ đã đấu tranh quyết liệt để ủng hộ việc thay đổi Hiến pháp, mà trên thực tế là trao cho các vùng đông Ukraine sự tự chủ. Kiev đòi khái niệm “phi tập trung hóa” thay cho “tự trị”. Ở đây nói về quyền của dân Nga ở Ukraine được nói tiếng mẹ đẻ, được củng cố bản sắc dân tộc riêng của mình, về việc buôn bán xuyên biên giới với Nga, về các cuộc bầu cử địa phương. Không có gì đi xa hơn, vượt ra ngoài khuôn khổ những quyền hành bình thường của các dân tộc thiểu số ở châu Âu. “Chính Merkel và Hollande trong những cuộc tranh cãi về một thuật ngữ đúng trong tiến trình thương lượng đã khai mở nội dung của nó và làm sáng tỏ những ý nghĩa nào được đưa vào khái niệm ‘phi tập trung hóa’, và cuối cùng chúng tôi đã đồng ý”, Putin mô tả những biến động của các cuộc đàm phán đêm. “Và họ đã kiên trì kêu gọi các đại diện Donbass đồng ý. Do họ [các đại diện phe ly khai] không có trong phòng vì Kiev không muốn trò chuyện trực tiếp với họ. Nhưng văn bản thì phải được thỏa thuận cùng họ”.
Với Putin, nguy cơ thất bại trong các cuộc thương lượng sẽ còn hiện hữu cho đến khi nào Kiev thừa nhận, các đại diện đông Ukraine là đối tác bình đẳng trong đàm phán. Và theo lời ông, ông sẽ không rút lại yêu cầu này. Con đường quanh co qua các nhà trung gian chỉ có thể trong một thời gian nhất định, còn các phía xung đột phải thương lượng trực tiếp về những thỏa hiệp bền vững, bởi cuối cùng họ phải sống cùng nhau, ông lập luận. Về quyết định của Poroshenko cắt đứt các liên hệ kinh tế với khu vực, không trả tiền hưu, cắt bảo hiểm xã hội và hệ thống ngân hàng, ông cho rằng đó là sự trừng phạt chính công dân mình, điều có thể gây tổn thất cho Ukraine. “Đó sẽ là một con đường dài”, ông nói để kết thúc. Ông cũng đồng ý rằng, ranh giới giữa Donbass và Nga khi nào đó, xuất phát từ chủ quyền quốc gia ở phía đông Ukraine, sẽ được kiểm soát bởi các binh sĩ Ukraine. “Cùng với đó, tôi cũng đề nghị đưa vào biên bản một điểm, rằng bước đi quan trọng đó sẽ được thực hiện không phải ở điểm đầu của tiến trình hòa giải, mà sẽ là điểm cuối cùng trên con đường đó. Chúng tôi không cho phép để người dân ở đông Ukraine bị bao vây và tiêu diệt”.
Vladimir Putin nghĩ chính về việc mình đang nói. Và tối hôm nay, ông không có chút nghi ngờ gì về điều này.