Saint Petersburg, ngày 21-6-2015. Trước Cung điện Mùa đông, các công nhân đang chuẩn bị sân khấu cho buổi hòa nhạc sẽ diễn ra vào buổi tối. Đêm ngắn nhất trong năm - cao điểm của những đêm trắng - lần này đã thu hút vô số du khách đến thành phố trên sông Neva. Mỗi năm vào ngày này, chính quyền thành phố lại mời những cựu học sinh phổ thông xuất sắc tham dự lễ kỷ niệm kết thúc thời trung học với tư cách khách mời danh dự trên Quảng trường Cung Điện. Vào nửa đêm, trên sông sẽ xuất hiện một con thuyền với những cánh buồm đỏ thắm. Hàng nghìn người tụ tập bên bờ Neva trở thành những khán giả thán phục. Thuyền ba buồm - biểu tượng của hy vọng trong truyện Cánh buồm đỏ thắm do nhà văn Aleksander Grinn viết vào năm 1923. Câu chuyện về một cô gái nghèo, mơ ước một ngày nào đó sẽ được vị hoàng tử đưa đi trên một con thuyền với những cánh buồm đỏ thắm. Và trong câu chuyện đó, ước mơ đã thành hiện thực.
Quảng trường trước Cung điện Mùa đông, thuộc quyền sử dụng của các học sinh tốt nghiệp ngày hôm nay, có một lịch sử lâu đời. Năm 1905, hơn 100.000 công nhân sau cuộc bãi công hàng loạt đã đổ ra quảng trường, theo lời kêu gọi của linh mục Chính thống giáo Georgy Gapon, để chuyển cho Sa hoàng Nicolas II kiến nghị quan tâm đến tình hình nghèo khó của họ. Nhưng ông từ chối nhận nó, và ra lệnh nổ súng vào người biểu tình. Trong một chừng mực nào đó, sự kiện đẫm máu này đã trở thành khúc dạo đầu cho cách mạng Nga.
Trong tuần này, Vladimir Putin đang trong chuyến công tác ở thành phố quê hương. Khác với năm ngoái, lần này, tại Diễn đàn kinh tế Saint Petersburg - một tổ chức ở Nga tương tự Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos - một lần nữa, hàng trăm lãnh đạo các công ty nước ngoài về dự. Thậm chí một số Chủ tịch điều hành các công ty Hoa Kỳ cũng đến Saint Petersburg. Mặc dù cấm vận cũng đánh vào nước Nga, Putin tuyên bố trước các đại diện giới tinh hoa kinh tế, nước Nga vẫn đối phó được với chúng. Và một lần nữa, Putin thể hiện niềm tin của mình vào việc này. Cựu Bộ trưởng Tài chính Aleksey Kudrin phát biểu tại diễn đàn trong vai một người bi quan và trong trả lời của mình, ông một mực cảnh báo để đừng trông mong vào sự lạc quan của Putin. Ông nói về cuộc khủng hoảng đầy đủ và về việc đến cuối năm, các chỉ số kinh tế sẽ còn xấu hơn (340).
Tình hình kinh tế làm sống động cuộc tranh cãi cũ. Putin đánh giá cao khả năng phân tích của bạn mình, tuy nhiên, trong quá khứ, những lời khuyên chính trị của ông ta chưa thuyết phục. Hơn thế nữa, ông đồng tình rằng không chỉ một mình Kudrin đòi hỏi cắt giảm chi tiêu xã hội. Ý tưởng này đang phổ biến trong một số thành viên chính phủ. Cuộc thảo luận về vấn đề chi tiêu xã hội trong chính phủ diễn ra thường xuyên, đó là đề tài mà nhà lãnh đạo điện Kremlin quan tâm từ những ngày đầu làm tổng thống của mình. Mức ủng hộ tổng thống những tháng gần đây cao đến độ giờ đây, đang xuất hiện cơ hội chính trị để đưa các cải cách kinh tế vào đời sống. Thế nhưng, Putin không vội: việc thực hiện những lời khuyên của Kudrin, hiển nhiên, sẽ cải thiện tình hình kinh tế nhưng sẽ khiến hàng triệu người phải ra đường vì mất việc.
Những đánh giá mà Vladimir Putin nhận được những ngày này ở nhà mình, nhắc tới việc đánh giá một học sinh gương mẫu. “Theo các thăm dò ý kiến xã hội, mức ủng hộ của người dân dành cho Putin cao tới tỉ lệ chưa từng có 89%”, một tiêu đề trên Washington Post nêu ra. Tờ báo xác nhận, hy vọng của các chính khách phương Tây về việc cấm vận sẽ thúc giục Tổng thống Nga thay đổi đường lối, đã không được chứng minh và không có cơ hội nào để điều đó sẽ diễn ra trong một tương lai thấy được. “Những ai tiên đoán rằng mức ủng hộ Putin sẽ sụp đổ, có thể nhét những hy vọng này vào một chỗ”, tờ báo khuyên các nhà chiến lược (341). Mức tin tưởng, theo dữ liệu của trung tâm Moskva Levada, đã lên cao nhất trong lịch sử các đo lường mà các nhà nghiên cứu dư luận xã hội tiến hành từ đầu thập niên; sau cuộc đảo chính Kiev, nó đã tăng đáng kể. Trung tâm đối lập này cũng in các dữ liệu của nghiên cứu giải thích vì sao Tổng thống Nga được ưa chuộng như thế: khi Putin nhậm chức tổng thống, gần 1/3 người Nga có thu nhập thấp hơn mức nghèo khó, giờ con số đó còn 11%. Tuổi thọ trung bình tăng từ 65 lên 70. Số vụ giết người giảm, đồng thời nỗi lo rằng người Nga sẽ chết hết, đã biến mất. Dân số giảm trong một thời gian dài, nhưng trong những năm gần đây đã tăng trở lại (342). Nhưng cùng lúc, vị nguyên thủ quốc gia bị chỉ trích vì việc ông không đối phó được nạn tham nhũng đang lan rộng. Vladimir Putin cũng biết, giá dầu giảm có thể phá vỡ sự cân bằng tích cực này.
Không lâu trước nửa đêm, sau một ngày dài ở diễn đàn kinh tế, Vladimir Putin bước vào gian Thư viện tổng thống mang tên Boris Yeltsin để kết thúc sự kiện, phát biểu trước các nhà báo tụ tập ở đó và trả lời câu hỏi của họ. Ở đây lại nói về những đề tài quen thuộc đối với những hãng truyền thông lớn: về Ukraine và giải vô địch bóng đá thế giới vào năm 2018 ở Nga, về việc cung ứng khí đốt và khả năng của Hy Lạp với những khó khăn tài chính của họ có thể kiếm tiền nhờ trung chuyển khí đốt theo hệ thống đường ống của Nga, nếu EU không ngăn cản việc thực hiện dự án này. Và, dĩ nhiên, đề tài yêu thích - liệu Putin, sau một thời gian nào đó sẽ giới thiệu với thế giới tân phu nhân Putina?… “Tôi ổn”, ông nói, cười nhẹ, nhưng thực chất vẫn không trả lời câu hỏi. Ông thường gọi điện cho vợ cũ và các con gái. Ông có những kế hoạch nhất định cho tương lai. Putin từ giã, như mọi khi vẫn để câu hỏi những kế hoạch đó là gì, mở ngỏ.
Cũng mở ngỏ như vậy là vấn đề về diễn tiến tình hình ở Ukraine. Chỉ có thể chắc rằng trong tương lai, Putin sẽ xem xét diễn tiến vấn đề trong phong cách đặc trưng của ông, còn phương Tây sẽ tiếp tục sống với những huyền thoại của mình. Câu hỏi trong những tháng tới được hình dung như thế này: liệu có hay không việc mỗi bên có thể giải quyết xung đột mà không đánh mất thể diện của mình? Những kết quả tạm thời của cuộc xung đột này gây buồn phiền cho cả Đông lẫn Tây. Nỗ lực vô dụng của Tổng thống Ukraine trấn áp cuộc nổi dậy ở Ukraine bằng các phương tiện quân sự, như đã biết, chịu thất bại và chỉ hồi sinh những phản xạ ngái ngủ của “chiến tranh lạnh”.
Trước đe dọa của phương Tây bắt Nga phải trả giá đắt cho việc hỗ trợ vũ khí cho những người nổi dậy ở đông Ukraine, Putin sẽ đưa câu trả lời thích hợp - không nghi ngờ gì. Hiện nay đâu thiếu gì những lời đe dọa công khai. Sự tin tưởng lẫn nhau không còn nữa. 60% người Nga thấy Hoa Kỳ là mối đe dọa đối với đất nước mình (343), nhưng ở phía bên kia Đại Tây Dương, thái độ với Nga cũng chẳng tốt hơn. “Nga là mối đe dọa lớn nhất cho an ninh quốc gia chúng ta”, tướng về hưu Hoa Kỳ Joseph Dunford, một người ủng hộ có ảnh hưởng của việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, đã tuyên bố như thế vào mùa hè 2015 trong một phát biểu tại cuộc điều trần ở Quốc hội liên quan tới chính kiến của ông với tư cách Chủ tịch Ủy ban tham mưu liên quân. Theo lời ông, cường quốc hạt nhân này có thể vi phạm chủ quyền các đồng minh của Hoa Kỳ, và nó là hiểm họa cho sự tồn tại của Hoa Kỳ; thái độ hành xử của Moskva “gây lo ngại lớn” (344). Trong danh sách các kẻ thù chính, số hai và ba là Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Tổ chức khủng bố IS ông không nhắc đến.
Cuộc diễn tập “Rapid Trident”(68) không phải là sự biểu dương sức mạnh quân sự duy nhất của NATO mà cả các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ khi tiến hành chung với quân đội 18 quốc gia khác trong vùng khủng hoảng, các cuộc tập trận với vũ khí hạng nặng được đưa tới những quốc gia láng giềng với Nga. Đến lượt mình, Moskva chỉ ra sức mạnh quân sự của mình, đưa quân ra biên giới và gởi một phi đội máy bay ném bom lên không phận quốc tế. Một lần nữa, Vladimir Putin đã vũ trang bằng luận điểm về sự răn đe hạt nhân mà đối với ông, nó có một lợi thế: không dựa vào thiện chí của các đối thủ tiềm năng mà hành động như một yếu tố răn đe kẻ thù. Putin công bố tăng kho vũ khí hạt nhân đất nước lên 40 tên lửa liên lục địa.
(68) Rapid Trident (Đinh ba Thần tốc) là cuộc tập trận diễn ra từ ngày 20-7-2015 đến 31-7-2015 tại Ukraine với sự tham gia của khoảng 2.000 binh sĩ đến từ 18 quốc gia cùng xe bọc thép, máy bay trực thăng, và tiến hành khoa mục bắn đạn thật - BTV.
“Các chính quyền, dù là ở Moskva hay Washington, ẩn náu trong các chiến hào của chiến tranh lạnh và tìm kiếm các nguy cơ ở khắp nơi”, nhà báo Frank Lubberding viết trên trang blog Wiesaussieht của mình. Blogger này chủ yếu phân tích ảnh hưởng của những ý tưởng này đối với việc đưa tin. Tuy vậy, tư duy bằng những phạm trù của chiến tranh lạnh không chỉ đặc trưng cho các chính phủ bị bệnh hoang tưởng. Virus này đầu độc chính các phương tiện truyền thông đại chúng, những tờ báo tự đào các chiến hào cho mình, trong đó còn có thể phát hiện việc cấm đoán hàng loạt “những người nước ngoài không mong muốn” vào nước của mình. Sự phê phán không còn được xem như một hiện tượng tự nhiên; cũng như các chính phủ ở Moskva và ở Washington, trên các phương tiện truyền thông, nó được thay thế bằng việc tìm kiếm những đối thủ chính trị” (345).
Tháng 12-2014, hơn 60 đại diện nổi tiếng từ các lĩnh vực chính trị, khoa học, văn hóa và y tế, nhận thức được tác hại của những tâm trạng đang bị hâm nóng một cách giả tạo này, đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp, cảnh báo việc triển khai chiến tranh với Nga và yêu cầu một chính sách hòa dịu mới đối với châu Âu, nhưng họ hầu như không thể in chúng trên báo Đức. Lời kêu gọi được soạn thảo và ký tên không phải bởi những người tham gia thiên vị của cuộc đấu tranh cho hòa bình, mà là những người nổi tiếng đến từ những trường phái chính trị khác nhau, thí dụ như cựu Tổng thống Liên bang Roman Herzog, cựu Thủ tướng Liên bang Gerhard Schroeder, cựu Chủ tịch SPD Hans-Jochen Vogel hay Antje Vollmer của Đảng Xanh. “Một cuộc chiến tranh nữa ở châu Âu sao? Không phải nhân danh chúng tôi” là tiêu đề của lời kêu gọi đăng trênZeit online.
Trong lời kêu gọi, cụ thể nói rằng: “Không có sự tự nguyện hòa giải của người dân Nga, không có tầm nhìn xa của Mikhail Gorbachev, không có sự ủng hộ của những đồng minh phương Tây của chúng ta và không có những hành động thận trọng của chính phủ liên bang lúc ấy, đã không thể khắc phục được sự chia rẽ của châu Âu. Thành tựu của việc thống nhất nước Đức bằng các phương tiện hòa bình là hành động vĩ đại và đầy thông thái của các cường quốc - người thắng cuộc… Nhu cầu của người Nga về sự an toàn của chính họ cũng chính đáng và rõ ràng như của người Đức, Ba Lan, Baltic và Ukraine. Chúng ta không có quyền lấn người Nga ra khỏi châu Âu. Đó là chống lại lịch sử, không khôn ngoan và nguy hiểm cho hòa bình” (346).
Mùa hè năm 2015, trong khuôn khổ một trong những cuộc thăm dò dư luận xã hội, Trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ Pew ở Washington phát hiện sự khác biệt ngày càng tăng giữa ý kiến người Đức và người Mỹ về thái độ của người Đức với NATO đã xấu đi từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine. Giờ đây, chỉ ½ có thái độ tích cực đối với liên minh. Thậm chí, nếu Nga tấn công một trong những nước thành viên NATO, hơn một nửa công dân Đức cũng không muốn NATO can thiệp vào cuộc xung đột, còn chiến đấu cho Ukraine là điều người Đức không mong muốn trong bất cứ trường hợp nào. Ngoài ra, đa số đáng kể công dân nước này chống lại việc Ukraine gia nhập EU, đặc biệt là vào NATO (347).
Đồng thời, người Đức giờ đây đã không còn chia sẻ vô điều kiện một trong những giả định từng chính xác đến ngạc nhiên mà cố vấn Hoa Kỳ về vấn đề an ninh, Zbigniew Brzezinski, đưa ra vào năm 1997 trong cuốn sách Bàn cờ vĩ đại. “Hiện nay, lợi ích của Đức trùng khớp với lợi ích của EU và NATO, và chúng trở nên cao cả nhờ họ. Thậm chí, các đại diện cánh tả ‘Liên minh 90/Đảng Xanh’ cũng ủng hộ việc mở rộng cả NATO lẫn EU”, Brzezinski viết trong cuốn sách và tìm thấy ở đây lời giải thích tâm lý cho hiện tượng này - tất cả mọi việc nằm trong cảm giác có lỗi của người Đức vì đã gây ra chiến tranh. “Đối với người Đức, thiện cảm với châu Âu là cơ sở của sự cứu chuộc dân tộc, trong khi đó, mối quan hệ chặt chẽ với người Mỹ cần thiết cho sự an ninh của họ. Vì thế, phương án một châu Âu độc lập hơn khỏi Mỹ không thể thực hiện được. Nước Đức ủng hộ công thức: “Sự cứu chuộc + an ninh = châu Âu + Hoa Kỳ”. Công thức này xác định vị thế và chính sách của Đức, trong đó, Đức đồng thời trở thành một công dân lương thiện của châu Âu và người ủng hộ châu Âu chính của Mỹ” (348).
Ukraine thật sự đã phá sản, các thành viên ban lãnh đạo Kiev đang mâu thuẫn nhau, và người dân ở Kiev và ở đông Ukraine đang khổ sở chưa từng thấy - không phải vì kinh tế bị phá hủy mà còn là hậu quả của những ảo tưởng bị đánh mất. Chỉ nhờ áp lực của tình hình này, sau vài tháng sử dụng những thủ đoạn chiến thuật, sự lừa phỉnh và cáo buộc lẫn nhau chậm chạp nhường chỗ cho các cuộc đàm phán nghiêm túc. Xung đột đã nuốt đi hàng tỉ, và như được biết, rất tốn kém về chính trị. Vì thế, Angela Merkel và François Hollande đã chọn một đường lối cứng rắn hơn để buộc Kiev phải nhượng bộ lớn.
Hoa Kỳ và Nga đồng thời cũng thông qua một nỗ lực dàn xếp đối thoại mới. Sau nhiều tháng cáo buộc lẫn nhau công khai, Putin và Obama một lần nữa điện đàm. Vào tháng 6-2015, Tổng thống Nga đã gọi cho Nhà Trắng. Đó là tiếp xúc cá nhân đầu tiên. Tổng thống Obama trước đó đã cử Ngoại trưởng Kerry đi Sochi để tìm ra điểm tương đồng. Ở đây không chỉ nói về Ukraine, về thỏa thuận Minsk mà còn về việc tại sao không thể hoàn thành chúng nhanh hơn. Hoa Kỳ thú nhận, họ quan tâm tới việc hợp tác với Nga nhiều hơn là họ nghĩ trước đó. Vấn đề gắn với sự ủng hộ của Nga dành cho Hoa Kỳ tại các cuộc thương lượng về thỏa thuận hạt nhân với Iran, cuộc đấu tranh cho nó đã diễn ra hơn 10 năm và không thể ký kết nếu không có Putin. Để cản trở Iran xây dựng quả bom hạt nhân riêng của mình, năm 2006, Hoa Kỳ đã đưa ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nghị quyết về việc cấm vận quốc tế chống lại nước này. Cũng lâu như thế, năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an có quyền phủ quyết, và Đức tiến hành các cuộc đàm phán với Tehran nhằm mục đích ký một thỏa thuận để từ một phía, cho phép Iran sử dụng năng lượng hạt nhân, và từ phía khác, cấm Iran trên cơ sở công nghệ này chế tạo vũ khí hạt nhân. Đó là kế hoạch yêu thích của Obama mà ông muốn kết thúc trước khi chấm dứt sự toàn quyền tổng thống của mình. Nếu Iran đồng ý các điều kiện đưa ra, các cuộc cấm vận quốc tế sẽ được bãi bỏ. Nhờ sự ủng hộ của Putin, thỏa thuận đã được ký kết vào mùa hè năm 2015.
Đó không phải là điều cuối cùng về cuộc đấu tranh chung chống lại các tay súng của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria. Vladimir Putin mô tả như thế khởi đầu của những cuộc đàm phán mới: Ngoại trưởng Kerry đã vài lần tuyên bố ý định đến thăm, và chính Obama mới đây cũng đã đưa ra yêu cầu về cuộc tiếp đón mình; theo lời Putin, sự hợp tác với Hoa Kỳ sẽ bắt đầu theo nhiều kênh. “Nếu các Bộ trưởng Ngoại giao không làm việc này”, ông hỏi, “vậy thì ai sẽ làm? Các Bộ trưởng Quốc phòng à? Tôi hy vọng không phải thế”.
Vladimir Putin cũng đồng ý với việc, Trợ lý Bộ Ngoại giao về các vấn đề châu Âu Victoria Nuland với người đồng cấp của mình, Grigory Karasin, trực tiếp bắt tay vào các vấn đề thực hiện thỏa thuận Minsk - ngoài Thủ tướng Merkel và Tổng thống Hollande. Chia tay, Vladimir Putin kiên quyết nói về việc, thời gian sẽ cho thấy quyết định đó hợp lý thế nào - bởi ở Hoa Kỳ đã bắt đầu cuộc tranh cử vào chức người kế vị Obama.