Nga và địa chính trị phương Tây
Putin xuất hiện trong văn phòng Moskva của mình sau nửa đêm một chút. Vào buổi tối tháng 12 năm 2011 ấy, chúng tôi thỏa thuận tiến hành một trong những cuộc phỏng vấn dài đầu tiên. Vladimir Putin, như mọi khi, đã tới muộn, và lần này thì đặc biệt trễ. Suốt mấy giờ qua, cô gái trong văn phòng cứ vài phút lại gọi tìm hiểu xem khi nào ông tới, trước tiên là để trấn an chính mình. Còn một nhân viên thỉnh thoảng lại hỏi chúng tôi liệu có muốn dùng thêm cà phê, trà hay một cốc rượu vang không.
“Cuộc họp kéo dài hơn bình thường”, Putin nói xã giao. Câu hỏi “có phải là do hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) mà NATO lập ở biên giới, không chỉ chống Iran” đã khiến ông bật cười. Sau đó, ông đưa một câu trả lời cụ thể: “Hệ thống tên lửa này bao phủ lãnh thổ chúng tôi tới tận Ural. Chúng trung lập một phần kho vũ khí hạt nhân trên mặt đất - cơ sở cho khả năng phòng thủ của chúng tôi. Điều đó các chuyên gia hiểu rõ. Rồi sau đó, họ đến chỗ chúng tôi và bảo: ‘Này các cậu, đừng sợ. Chúng tôi lập hệ thống này nhưng sẽ không sử dụng chúng để chống lại các cậu. Chúng tôi tốt mà, hãy nhìn vào đôi mắt trung thực của chúng tôi đi’”.
Với Vladimir Putin, NMD chỉ là một phần trong các thí dụ về việc phương Tây không đánh giá nghiêm túc thành tựu của nước Nga, vốn đã giải thể Liên Xô thành công bằng những biện pháp tuyệt đối hòa bình. Từ lâu, nó đã hòa hoãn với việc lịch sử tuyên án cho chủ nghĩa xã hội hiện thực. Nhưng không phải với cách mà ban lãnh đạo khi đó tiến hành thủ tục phá sản thiếu chuyên nghiệp đến thế. Tháng 12-1991, Liên Xô chấm dứt sự tồn tại của mình sau khi các Tổng thống Nga, Ukraine và Belarus tập hợp tại dinh thự chính phủ ở rừng Belaveshskaya và tuyên bố giải thể Liên Xô. Vài ngày sau, lá cờ búa liềm ở điện Kremlin bị cuốn lại và thay vào đó là lá cờ đại bàng hai đầu của nước Nga sa hoàng.
Như thế, nước Nga với 145 triệu dân, đa số là dân Nga, trong thoáng chốc đã trở thành người kế thừa một đế chế rộng lớn. Phần còn lại của Liên Xô cũng với khoảng chừng ấy dân số, gồm những nước cựu cộng hòa, sau nhiều thập niên lệ thuộc đã cố tự đứng trên đôi chân mình. Và chỉ trong một sớm một chiều, hơn 20 triệu người Nga bất ngờ thấy mình sống trong quốc gia khác, phải tập thích nghi và bắt đầu cuộc sống mới như những người ngoại quốc. Xung đột này đến nay vẫn chưa được giải quyết. Theo Putin, những hoàn cảnh nêu trên đã trở thành cơ sở cho những lời của ông về “một trong những thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20” (26).
Phụ trách kinh tế trong Tòa thị chính Saint Petersburg, ông nhanh chóng hiểu ra vốn liếng đầu tư trong thời toàn cầu hóa sẽ dịch chuyển, trước hết là về những vùng mà các nhà đầu tư cảm thấy thoải mái. Điều kiện tốt nhất đối với họ là ở những nơi thuế suất và tiền lương thấp, nơi người dân, mặc cho khó khăn, vẫn giữ được sự bình tĩnh. Chính lúc đó, khi nước Nga chuyển sang chủ nghĩa tư bản bằng đôi hia bảy dặm, ông nắm rõ việc các tỉ phú đóng thuế cho đất nước của mình và tôn trọng quốc gia mình quan trọng thế nào.
Không chỉ cảm giác bị qua mặt khiến Putin lo âu. Việc thiếu tôn trọng lợi ích quốc gia Nga, đặc biệt trong thời kỳ nó suy yếu, ít nhất cũng làm ông tổn thương không kém. Thời gian gần đây, ông luôn tìm hiểu một cách chi tiết, không một phút ngưng nghỉ, giữa những bữa ăn qua quít(21), việc cảnh quan quân sự ở châu Âu đã thay đổi thế nào không đếm xỉa tới quan hệ với Nga. Nếu với Hiệp ước Warsawa, liên minh quân sự Xô viết chấm dứt sự tồn tại của mình cùng với sự tan rã của Liên bang Xô viết thì NATO ngược lại, đã nhanh chóng mở rộng. Năm 1999, đầu tiên là Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Sau đó, năm 2004, kết hợp với họ là các nước Baltic, rồi Rumania và Slovakia. Cuối cùng, năm 2008, là Croatia và Albania. “Bất chấp việc khi thống nhất nước Đức, họ đã hứa với chúng tôi là sẽ không mở rộng NATO”.
(21) Nguyên văn: “между пельменями и чаем”: giữa pelmeni và trà (pelmeni là một loại bánh bao truyền thống của Nga, trong đó một lượng nhỏ thịt và hành được gói trong bột và đem luộc) - ND.
Các cuộc tranh cãi dữ dội về những lới hứa này đã diễn ra vài năm qua. Đây là vấn đề then chốt cho cuộc xung đột mới giữa Đông và Tây. Đúng là việc này không có một thỏa thuận bằng văn bản nào, cũng như chính xác là tất cả những điều này đã được bàn bạc chi tiết. Trong ghi chép của Bộ Ngoại giao Đức về cuộc thảo luận của Ngoại trưởng Đức Hans - Dietrich Genscher với đồng cấp Nga Eduard Shervardnadze ngày 10-2-1990 có ghi như sau: [Ngoại trưởng Liên bang Đức]: “Chúng tôi nhận thức được rằng việc một nước Đức thống nhất thuộc về khối NATO sẽ đặt ra nhiều vấn đề phức tạp. Tuy vậy, đối với chúng tôi, rõ ràng là NATO sẽ không mở rộng về phía đông” (27).
Cũng như không có tranh cãi gì về việc người Mỹ, ít nhất vào lúc đó cũng chia sẻ quan điểm này. “NATO sẽ không mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình về hướng đông thêm một inch nào”, Ngoại trưởng Mỹ James Baker đã tuyên bố ở gian Catherine trong điện Kremlin vào ngày 9-2-1990 (28).
“Và tất cả họ còn bảo chúng tôi là điều đó không được ghi lại trong bất cứ thỏa thuận quốc tế nào - lỗi của ban lãnh đạo Xô viết khi đó”, Vladimir Putin nói, quy trách nhiệm vì lỗi lầm để lại những hậu quả to lớn này cho các chính khách Nga. “Đơn giản là họ ngủ quên. Mà như người ta nói, lời nói gió bay(22)”. Với Putin, như chúng tôi được thuyết phục vào đêm đó, thì ngay khi không có những văn bản được ký kết thì tất cả những gì đã diễn ra là bằng chứng đầy đủ cho việc phương Tây ngay từ đầu đã không coi trọng quan hệ đối tác như họ đã hứa. “Mọi việc diễn tiến tiếp theo thế nào, tất cả chúng đều có thể đọc được”, Tổng thống Nga giới thiệu với chúng tôi vào sáng sớm lúc chia tay, “hãy đọc Zbigniew Brzezinski”.
(22) Nguyên văn: “слова к делу не подошьёшь”: Lời nói không ghim được vào bìa hồ sơ - ND.
Sự tình cờ hay chiến lược
Zbigniew Brzezinski, người từng là Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, sinh năm 1928 tại Warsawa. Ông làm việc dưới thời các Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson và Jimmy Carter, sau đó là cho Bill Clinton và Barack Obama. Ông chiếm một vị trí giống như Henry Kissinger giữa những người Cộng hòa - một nhà địa chính trị uy tín của Đảng Dân chủ. Cha ông là một nhà ngoại giao Ba Lan mà bão tố Thế chiến thứ hai đã ném vào Hoa Kỳ qua Canada. Việc mở rộng NATO về phía đông đã được ông mô tả chính xác từ năm 1997 trong cuốn sách: Bàn cờ vĩ đại: sự thống trị của Hoa Kỳ và những mệnh lệnh địa chiến lược của nó, mặc dù chính ông lúc đó cũng không nghĩ rằng kịch bản này sẽ lần lượt được thực hiện. Brzezinski viết: “Thực tế, khó thể hình dung một châu Âu thống nhất mà không có một hiệp ước chung về an ninh với Hoa Kỳ. Từ đó có thể thấy các nước, bắt đầu những cuộc đàm phán gia nhập EU và nhận được lời mời tương ứng, trong tương lai sẽ tự động được đưa vào dưới sự bảo trợ của NATO” (29).
Tiến độ mà ông dự đoán cho chiến lược tương lai, khá trùng hợp với những sự kiện thực tế. Những gì mà Chính phủ Mỹ khởi đầu dưới sự lãnh đạo của nhà dân chủ Bill Clinton vào những năm 1990 đã được tiếp tục bởi người kế nhiệm phe Cộng hòa George Bush - con và sau đó là Barack Obama. Brzezinski viết: “Trong tương lai gần, EU sẽ bắt đầu các cuộc thương lượng về việc gia nhập của các nước Baltic. NATO cũng sẽ tiến lên phía trước với cuộc thảo luận tư cách thành viên của liên minh quân sự với các nước này, đồng thời với Rumania, việc gia nhập của nó có thể chờ đợi vào năm 2005. Vào lúc nào đó, ở giai đoạn này, các nước Balkan cũng sẽ đáp ứng các điều kiện và yêu cầu đặt ra cho ứng viên xin gia nhập. (…). Trong thời kỳ từ năm 2005 đến 2010, có thể, cả Ukraine cũng sẽ sẵn sàng tiến hành những cuộc đàm phán nghiêm túc với EU và NATO, đặc biệt nếu nước này đạt được tiến bộ đáng kể trong các cải cách chính trị đối nội và ở một mức độ rộng, thể hiện mình như một quốc gia Trung Âu” (30).
Theo kinh nghiệm riêng của mình, Frank-Walter Steinmeier biết tại sao xung đột trong quan hệ Đông - Tây lại nổ ra lần nữa. Cuối cùng thì, Steinmeier - Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội - bắt đầu lãnh đạo văn phòng của Thủ tướng Liên bang từ đầu thế kỷ này, và sau đó trở thành Ngoại trưởng của liên minh lớn từ năm 2005 đến 2009, khi căng thẳng bắt đầu leo thang. Ông đã cảm nhận rõ sự khó xử liên quan đến tiến trình các sự kiện trong xung đột Ukraine, mặc dù với tư cách một nhà ngoại giao, ông thích trình bày cả việc phê lẫn tự phê dưới hình thức câu hỏi trong các phát biểu công khai. Chẳng hạn như phát biểu nhậm chức ở Bộ Ngoại giao lúc ông trở lại làm Bộ trưởng cuối năm 2013 sau vài năm lãnh đạo liên minh vàng - đen. Trong bài nói chuyện này, ông đặt những câu hỏi: “Chúng ta phải tự hỏi mình, chúng ta đánh giá có đúng không, và đất nước này [Ukraine] yếu ớt và manh mún đến đâu. Chẳng lẽ chúng ta không thấy đã đặt ra cho nó những yêu cầu quá cao khi bắt nó phải chọn giữa châu Âu và Nga? Có thể, chúng ta đã đánh giá thấp quyết tâm của Nga, vốn gắn bó với Ukraine không chỉ về kinh tế, mà còn về lịch sử và cảm xúc?” (31).
Kỷ nguyên của Guido Westerwelle, người tiền nhiệm của Steinmeier, là thời kỳ mà trong lịch sử hiện đại của Đức, một Bộ trưởng Ngoại giao thực sự không đóng vai trò gì. Khi Westerwelle nhậm chức, Philip Murphy - Đại sứ Hoa Kỳ tại Đức - đã viết cho các đồng nghiệp của mình ở Bộ Ngoại giao tại Washington rằng tân Ngoại trưởng là “một đại nhân không tiếng tăm” và ông ta “có thái độ mâu thuẫn với Hoa Kỳ”. Trong những sự vụ nghiêm trọng, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vì thế thích làm việc với Văn phòng Thủ tướng Liên bang hơn. Cố vấn của bà Angela Merkel về chính sách đối ngoại, Christoph Heusgen, vì thế đã trở thành “ngoại trưởng thứ hai”, như Spiegel viết (32).
Và đích thân Phủ Thủ tướng Liên bang, như việc phát triển tiếp theo của các sự kiện chỉ ra, đã im lặng đồng ý với việc chính Hoa Kỳ ra quyết định chuyện gì nên và không nên xảy ra ở Ukraine. Quan chức Brussels, khi đó là Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cũng đã gây áp lực lớn lên Ukraine, yêu cầu phải chọn lựa giữa Tây và Đông. Vào năm 2014, cựu Thủ tướng Liên bang Đức Helmut Schmidt đã chỉ trích Ủy ban châu Âu khi nói về việc vị cao ủy châu Âu “can thiệp quá tích cực vào chính trị thế giới, mặc dù đa số họ chẳng hiểu gì về nó”, như đã thấy trong “nỗ lực kết nạp Ukraine”. Mâu thuẫn này, theo lời Schmidt, nhắc ông nhớ tới tình hình năm 1914 trước Thế chiến thứ nhất, mà lại “ngày càng nhiều và nhiều hơn”. Ông không muốn nói đến Thế chiến thứ ba, “thế nhưng nguy cơ căng thẳng tình hình theo kiểu tháng 8-1914 tăng từng ngày” (33).
Giấy xác nhận “ly hôn” giữa Ukraine với Nga được chính thức công bố trong Công báo chính thức của EU cuối tháng 5-2014, là một văn kiện dài hơn 1.000 trang gồm lời mở đầu, 7 chương, 486 điều khoản, 43 phụ lục và các biên bản khác nhau, trong đó, với sự thông thái lố bịch đã mô tả tất cả các quan hệ của Kiev với đối tác mới EU (34). Để lập ra văn kiện này, trong vài năm, hàng đoàn các viên chức và chính khách đã từ Kiev đi Brussels và từ Brussels đi Kiev, đưa ra những tuyên bố chính thức, trình ra các yêu cầu, đe dọa và hứa hẹn.
Mỗi chi tiết đều được mô tả rõ ràng. Ở đây nói về tài chính, về các tiêu chuẩn công nghiệp nhất định, về việc những năm tới thuế quan sẽ như thế nào và hiệu lực bao lâu. Hàng trăm trang ấn định chi tiết, cụ thể “việc buôn bán động vật sống và hàng hóa có nguồn gốc động vật”. Chẳng hạn như “lợn nái có trọng lượng từ 160 kg đẻ ít nhất một lần” khi xuất khẩu sang châu Âu sẽ bị đánh thuế ở mức 8%. “Gà sống” nhập vào châu Âu được miễn thuế. “Gà đã vặt lông, mổ ruột, chặt đầu, nhưng còn cổ, tim và gan” sẽ chịu mức thuế quan mắc hơn - ở đây là 15%.
“Thỏa thuận về Hội nhập giữa Liên minh châu Âu và các nước thành viên EU, từ một phía, và Ukraine, từ phía khác” (tên chính thức của văn kiện) quy định rõ những loại cá nào khi xuất sang phương Tây sẽ phải chịu thuế còn những loại nào thì không, điều gì sẽ phải diễn ra với trai và các loại cá ngừ khác nhau. Văn kiện cũng viết rõ là lúa mì của Ukraine sẽ phải chịu thuế quan 168 euro/tấn, và rằng nông dân EU sẽ phải được bảo vệ khỏi sự cạnh tranh của Ukraine.
Những đoạn liên quan đến con người thì được trình bày ít rõ ràng hơn. Đến lúc nào đó, người Ukraine có thể được vào thế giới tuyệt vời dưới tên gọi EU mà không cần thị thực. Điều kiện cho việc này là phải hoàn thành những điều kiện pháp lý, thể chế và chính trị nhất định. Thời hạn không được quy định. Hy vọng của nhiều người biểu tình được trình bày trong một đoạn của văn kiện: “Tính tới tầm quan trọng của việc tiến hành nhập cảnh miễn thị thực đối với công dân Ukraine, khi nào những điều kiện nêu trên được thực hiện và sự lưu thông được bảo đảm an toàn”, dự kiến trong những năm sắp tới sẽ tiến hành đàm phán chi tiết về vấn đề này “trong khuôn khổ những cuộc gặp thường xuyên ở cấp quan chức cấp cao và chuyên gia của các bên” (35).
Vào tháng 12-2015, những hậu quả của việc tách rời Ukraine khỏi Nga, vốn từng là đối tác chính của nó, trở thành thảm họa. Hơn 6.000 người chết(23), đất nước bị phá sản, chia rẽ và sẽ tiếp tục tình trạng này trong nhiều năm sau. Còn ở châu Âu, từ sau cuộc đảo chính ở Kiev tháng 2-2014, một lần nữa, kỷ băng hà ngự trị. Rõ ràng, chiến tranh lạnh chỉ gián đoạn một thời gian ngắn. Đối với Liên minh châu Âu, hình thức đối tác Đông Âu như thế là quá đắt đỏ. Các chuyên gia nhận định chi phí và hậu quả của chiến dịch quân sự này có thể lên tới vài trăm tỉ euro. Đó là chưa tính những hủy hoại ở miền đông đất nước. Vladimir Putin cũng phải trả giá cao: ở nước Nga, chủ nghĩa dân tộc bắt đầu rục rịch, còn kinh tế Nga thì lâm vào khủng hoảng sâu sắc từ năm 2014, không chỉ vì cấm vận mà còn vì giá dầu sụt giảm. Thế nhưng Tổng thống Nga sau khi sáp nhập Crimea lại được trong nước ủng hộ chưa từng thấy.
(23) Ở bản sách tiếng Đức, con số này là 9.000 người. Chúng tôi dịch từ bản sách tiếng Nga nên giữ lại con số 6.000 người nhưng thông tin thêm cho độc giả được biết - BTV.
“Ở Crimea, tất cả mọi thứ đều thấm nhuần lịch sử và niềm tự hào chung với chúng ta”, Putin đã lập luận về những động cơ quốc gia đối với việc sáp nhập bán đảo Crimea và Thành phố Sevastopol vào nước Nga như thế tại buổi lễ ăn mừng. Rõ ràng là ông xúc động. Không chỉ giới lãnh đạo chính trị nhận thức bài phát biểu của Putin ngày 18-3-2014 ở gian St. George của điện Kremlin là khoảnh khắc lịch sử và đã đứng dậy hoan nghênh nhiệt liệt. Tổng thống còn chạm được vào trái tim của tất cả người Nga, đúng lúc họ muốn trải qua kỳ nghỉ ở Biển Đen. “Crimea - đó là Sevastopol, thành phố - huyền thoại, thành phố của số phận vĩ đại, thành phố - đồn lũy và là tổ quốc của hạm đội Biển Đen Nga”. Cùng với đó, Putin hy vọng rằng “Ukraine sẽ là người láng giềng tốt của chúng ta”. “Thế nhưng, tình hình đã phát triển theo cách khác”, và “người Nga, cũng như các công dân Ukraine khác, cũng khốn khổ vì cuộc khủng hoảng nhà nước và chính trị liên miên làm chấn động Ukraine hơn 20 năm qua” (36).
Các chính phủ châu Âu bối rối. Họ không tính được phản ứng như thế và dĩ nhiên, cố tìm hiểu tại sao mọi việc lại đi xa đến vậy. Đó không phải là lỗi của họ - giọng điệu cơ bản những phát biểu của họ là như thế. Họ muốn tốt hơn cơ…
“Không ai có thể lường trước vì sao chúng ta lại trượt một cách nhanh chóng đến thế vào cuộc khủng hoảng nặng nề nhất sau chiến tranh lạnh”, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier phát biểu vào tháng 4-2014 khi xin lỗi vì sự thất bại của ngoại giao Đức (37). Những cụm từ kinh điển của chính khách Đức thường vang lên như thế, mà về sau chúng sẽ đi vào sách giáo khoa lịch sử. Những phát biểu thế này khẳng định sự bất lực của họ trước sự phát triển không thương xót của tình hình chính trị. Thủ tướng Đức cũng thích dùng những lời tầm thường tương tự, khi nói về logic tàn nhẫn của sự tất yếu chính trị, thật không may, mặc cho tất cả các nỗ lực, đã không tránh khỏi. “Không có lựa chọn khác cho việc này”, cụm từ giống như thế của Thủ tướng Angela Merkel. Bà luôn nói vậy khi đưa ra quyết định cứng rắn để thúc ép lập trường của mình. Cứ như bỗng dưng một ngày xung đột xuất hiện, tuồng như sau hai Thế chiến, nhiệm vụ chính và có tính nguyên tắc của các chính khách không phải là cố tránh sớm hơn cuộc đối đầu quy mô như thế.
Một trăm năm sau khi bùng nổ Thế chiến thứ nhất, cái cớ “không còn làm gì được nữa” cũng chẳng trở nên tốt hơn chút nào. Cái cớ đó vẫn luôn sai trái. Các chính khách, theo loại hoạt động của họ, luôn tự động tham gia tích cực vào việc tạo ra xung đột. “Nếu xảy ra xung đột lớn”, Thủ tướng Quốc xã Moritz August von Bethmann Hollweg gởi điện tín cho Đại sứ Đức ở Vienna trước lúc bắt đầu cuộc Chiến tranh vĩ đại, “khi đó cần làm sao cho nước Nga bị nhìn nhận là kẻ xâm lược” (38). Đế chế Đức buộc Habsburg phải chống lại Serbia vì biết rõ rằng Nga sẽ can thiệp vào cuộc chiến. Năm 1961, nhà sử học Hamburg Fritz Fischer trong cuốn sách Đường dẫn đến sự thống trị thế giới đã bóc trần huyền thoại từng lan truyền rằng nước Đức chẳng hề có ý định xấu xa nào khi phải tham gia vào Thế chiến thứ nhất ngược lại ý muốn của mình. Bằng cách đó, ông đã gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi nhất trong suốt thời gian tồn tại Cộng hòa Liên bang Đức. Từ dạo đó, cách thoái thác theo công thức này của các chính khách đã không còn hiệu nghiệm. Mưu đồ đổ vấy tối đa cho người khác tội gây leo thang căng thẳng đã cũ rích, giống như nghề chính khách.
Dĩ nhiên, cuộc khủng hoảng hiện nay khác so với 100 năm trước. Thế nhưng, nước Đức những năm gần đây không bao giờ là một nhà trung gian vô tư giữa Tây và Đông, nó luôn ở về một phía trong xung đột giữa Moskva và Ukraine. Nỗ lực dịch chuyển biên giới NATO và EU tới Crimea mặc cho có nhiều phản đối của Moskva là một sai lầm, nhưng Angela Merkel đã xúc tiến quyết định này và cuối cùng chuẩn thuận. Trong khi đó, ở đây không chỉ nói về việc đánh giá đạo đức chính sách của bà mà còn là câu hỏi cơ bản: các chính khách sẽ trả cái giá nào cho việc hiện thực hóa những ý tưởng của mình, bất chấp xung đột Ukraine có phải là cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống xã hội, là sự đối đầu chính trị, hay là cái này lẫn cái kia.
Vladimir Putin đã nhiều lần cảnh báo. Trong phát biểu ở Nghị viện Đức năm 2001, giữa cuộc họp báo về an ninh ở Munich năm 2007 - và tư tưởng chủ đạo trong các phàn nàn của ông chỉ có một: thiếu niềm tin. Nước Nga cần được xem như một đấu thủ bình đẳng sau khi Liên Xô sụp đổ, cần cùng nhau thảo ra luật chơi và tuân thủ chúng.
Trong phát biểu đầu tiên và đến nay là cuối cùng trước các nghị sĩ trong tòa nhà Quốc hội Berlin, tân Tổng thống Nga, người đến lúc đó mới tại chức được một năm, đã mô tả không quá theo kiểu ngoại giao vấn đề nảy sinh trong quan hệ của mình với các đối tác phương Tây, với quan hệ đối tác được đề nghị cùng NATO: “Hiện giờ, các quyết định được thông qua nói chung là không có chúng tôi, rồi sau đó người ta đề nghị chúng tôi xác nhận. Họ nói không có nước Nga chúng tôi không thể thực hiện được. Chúng tôi buộc phải đặt câu hỏi, điều đó có bình thường không, quan hệ đối tác đó có thật sự không?”; “Chúng ta tiếp tục sống trong hệ thống những giá trị cũ. Chúng ta nói về quan hệ đối tác, nhưng trên thực tế, chúng ta vẫn còn chưa học xong việc tin cậy lẫn nhau” (39).
Hơn một thập niên sau, không có gì thay đổi trong những đánh giá này.