Tôi là phóng viên viết mảng đề tài về thiếu nhi trên một số tờ tạp chí dành cho phụ nữ. Tôi bắt đầu viết báo từ lúc học cấp III, những bài báo của tôi ban đầu rất giản đơn, rồi dần dần có chiều sâu hơn. Nhờ việc viết báo này, tôi dần có điều kiện để tìm hiểu thêm về tâm lý và sự phát triển của trẻ, giúp tôi có nền tảng cho sự lựa chọn nghề nghiệp sau này.
Tôi thi vào khoa tâm lý học và nghiên cứu chuyên sâu về sự phát triển tính cách của trẻ em. Tâm hồn phong phú của con trẻ khiến tôi ngày càng thấy thú vị khi được tìm hiểu thế giới hồn nhiên trong trẻo ấy. Tôi bắt đầu ấp ủ ước mơ viết một cuốn sách dành cho trẻ con.
Một buổi chiều nọ, trên đường đón Jeffrey từ trường về nhà, con bé bỗng hỏi tôi:
– Mẹ ơi, ước mơ của mẹ là gì? Có phải mẹ thích viết văn không?
– Jeffrey này, con có biết viết văn nghĩa là gì không? – Tôi hỏi con.
– Lúc nãy, khi cô giáo hỏi: “Con có biết mẹ làm nghề gì không?”, con đã khoe với cả lớp là mẹ làm nghề viết văn và là một nhà văn. Con rất thích những “bài văn” của mẹ trên báo. Con còn nói với các bạn rằng, sắp tới mẹ sẽ viết một cuốn sách dành cho trẻ con đọc. Các bạn ấy rất thích mẹ ạ. Mẹ sẽ làm như thế phải không mẹ? – Ngừng một chút, Jeffrey kéo tay tôi nói thêm. – Trong thư viện trường con có một tủ sách dành cho thiếu nhi. Mai mốt sách của mẹ sẽ được đặt vào trong đó. Mẹ có thích thế không?
Tôi đọc được niềm tin gần như tuyệt đối trong đôi mắt con gái. Con bé đã cho tôi một động lực mạnh mẽ để thực hiện ý tưởng của mình. Phải, tôi sẽ không làm con thất vọng. Ngay tối hôm đó, tôi chính thức khởi động cho dự định của mình.
So với việc viết một bài báo, viết sách phức tạp hơn rất nhiều. Ngôn ngữ của báo chí chỉ đòi hỏi sự súc tích, ngắn gọn để chuyển thông tin đến với bạn đọc một cách nhanh nhất. Còn viết văn, nhất là viết cho trẻ con đọc, thì cực kỳ khó. Tôi phải trau chuốt cách dùng từ, cách diễn đạt, kết cấu câu chuyện... sao cho dễ hiểu và phù hợp với thế giới tâm hồn vốn nhạy cảm và bay bổng của trẻ thơ.
Đôi khi tôi thấy mình không đủ kiên nhẫn để hoàn tất cuốn sách, nhưng nghĩ đến ánh mắt tin tưởng và vẻ tự hào của con, tôi lại tiếp tục cầm bút. Cuối cùng, sau năm năm viết miệt mài cộng với rất nhiều lần chỉnh sửa, tác phẩm của tôi cũng ra đời. Lúc này, Jeffrey chuẩn bị vào cấp II, nhưng trên trang đầu tiên của cuốn sách, tôi vẫn ghi lời đề tặng: “Tặng con, Jeff – người đã luôn tin cuốn sách này được ra mắt bạn đọc! Mẹ yêu con”. Cuốn sách đã chính thức có mặt trên kệ sách thư viện trường tiểu học của Jeffrey ngày xưa.