Một hành trình có thể rất dài hay rất ngắn, nhưng dù thế nào thì nó cũng phải bắt đầu ngay khi ta tìm thấy chính mình.
Vào năm thứ năm mươi ba theo nghề luật, và năm thứ tám mươi tôi hiện hữu trên trái đất này, tôi được dịp can dự vào một chuyến phiêu lưu đặc biệt - chuyến phiêu lưu mãi mãi làm thay đổi cuộc sống của một con người, và của chính tôi.
Lúc đó, tôi đang ngồi trên chiếc ghế màu gụ quen thuộc của mình, trong văn phòng thuộc tầng cao nhất của tòa nhà đồ sộ nằm tại khu trung tâm thành phố Boston. Trên tấm bảng bằng đồng gắn bên ngoài cánh cửa ra vào là dòng chữ Hamilton, Hamilton & Hamilton. Từ Hamilton đầu tiên chính là tôi, chính xác hơn là Theodore J. Hamilton. Hai từ Hamilton tiếp theo sau là con trai và cháu trai của tôi.
Tôi không dám cho rằng công ty của chúng tôi là công ty luật có uy tín nhất Boston. Tuy nhiên, nếu một người nào khác khẳng định điều này thì tôi cũng sẽ chẳng cố tìm cách phản đối họ đâu.
Vừa khoan khoái ngắm nghía căn phòng làm việc mang hơi hướm cổ xưa nhưng hết sức nguy nga của mình, tôi vừa hồi tưởng lại những thành quả đạt được kể từ những ngày còn tay trắng học ở trường luật. Tôi thích thú nhìn lên bức tường ghi dấu các “chiến công” của mình, trong đó có những tấm ảnh tôi chụp chung với năm vị tổng thống gần đây nhất của Hoa Kỳ, và cả những nhân vật nổi tiếng khác.
Tôi hài lòng liếc sang các kệ tủ cao đến trần chứa đầy những quyển sách bọc da, một tấm thảm lớn rất quý của phương Đông, các vật dụng bọc da cổ điển bài trí khắp căn phòng. Mỗi thứ đều gợi trong tôi một kỷ niệm đẹp gắn bó với một sự kiện nào đó.
Niềm vui thích của việc thưởng ngoạn môi trường làm việc gần gũi ấy bỗng chốc bị cắt ngang bởi tiếng điện thoại réo vang. Ở đầu dây bên kia là giọng nói quen thuộc và tin cậy của Margaret Hastings:
- Thưa ông, tôi có thể nói chuyện với ông một lát được không?
Bởi đã làm việc chung với nhau trên bốn mươi năm nên tôi biết rằng giọng điệu ấy chỉ được dùng trong những trường hợp có chuyện chẳng lành, thậm chí là nghiêm trọng.
- Bà cứ đến đi. - Tôi vội đáp.
Gần như ngay lập tức tôi thấy bà Hastings bước vào phòng, không quên đóng cánh cửa lại, và ngồi xuống chiếc ghế đối diện với tôi. Bà ấy không mang theo sổ tay, cũng không có xấp chứng từ hay tập tài liệu nào. Trong khi tôi cố gắng lục lọi trong trí nhớ của mình xem lần cuối cùng Margaret gặp riêng tôi mà không có những thứ linh tinh ấy trên tay là khi nào thì bà ấy đã đi thẳng vào vấn đề, không mào đầu, không do dự:
- Ông Hamilton, Red Stevens đã qua đời rồi.
Khi đã bước sang độ tuổi bát tuần, chúng ta sẽ dần quen với việc mất đi người thân hay bạn bè, nhưng có những nỗi mất mát tác động đến chúng ta mạnh hơn bất kỳ nỗi mất mát nào. Và nỗi đau này thật sự thấu tận tâm can tôi. Giữa những cảm xúc và hoài niệm đang xâm chiếm cả tâm hồn, tôi chợt nhớ đến trọng trách của mình là phải thực hiện mong muốn của Red.
Tôi trở lại thực tại trong phong thái của một luật sư và bảo bà Hastings:
- Chúng ta cần liên hệ với tất cả thành viên trong gia đình, ban giám đốc của các công ty thành viên, kể cả những người hưởng lợi, đồng thời kiểm soát nội dung thông tin đưa đến giới truyền thông.
Bà Hastings đứng dậy:
- Tôi sẽ thu xếp mọi thứ!
Bà ấy bước vội về phía cửa ra vào, bỗng ngập ngừng đứng lại. Trong cái không khí yên ắng và ngột ngạt đó, tôi nhận ra rằng cả tôi và bà ấy đều đang cố để không vượt qua ranh giới giữa chuyện công và chuyện tư. Sau một lúc, bà ấy nói thật khẽ:
- Ông Hamilton, tôi xin chia buồn cùng ông về sự mất mát này.
Nói xong, bà ấy ra ngoài và đóng cửa lại, để tôi một mình với ngổn ngang những suy nghĩ.
Hai tuần sau, tôi ngồi vào vị trí chủ tọa một cuộc họp có khá đông người tham dự. Đó là những người họ hàng thân thuộc của Red Stevens. Cảm giác đề phòng của những người tham dự - sợ bị xâm phạm đến quyền lợi cá nhân - khiến bầu không khí như đặc quánh lại.
Hiểu được suy nghĩ của Red đối với phần đông họ hàng của mình nên tôi tin rằng ông bạn già của tôi sẽ rất vui nếu tôi kéo dài niềm tiếc thương của họ càng lâu càng tốt. Thế là, tôi cứ nhởn nhơ để cho Margaret mời mọi người cà phê, trà, hay các thức uống nhẹ khác cùng với bất cứ món gì mà bà ấy có thể nghĩ ra, trong khi vờ như đang phải nghiên cứu tập tài liệu dày cộp trước mặt và đằng hắng không biết bao nhiêu lần. Cuối cùng, khi nhận ra mình đã hơi quá đà, tôi đành đứng lên và nhìn thẳng vào đám đông đang nhấp nhổm chờ đợi.
- Thưa quý bà, quý ông, như quý vị đã biết, chúng ta đến đây là để đọc bản di chúc cuối cùng của ông Howard ‘Red’ Stevens. Tôi biết giờ đây tất cả chúng ta đều đang tưởng nhớ đến ngài Red Stevens, và rằng sự mất mát quá lớn này vượt xa mọi nỗi bận tâm của quý vị về các vấn đề pháp lý hay tài chính.
Tôi biết rằng dẫu đang ở nơi nào, Red cũng sẽ rất khoái trá trước sự mỉa mai này.
- Tôi xin được phép bỏ qua những thủ tục ban đầu để đi ngay vào vấn đề. Red Stevens thật sự là một người thành công theo đúng mọi khía cạnh của từ này. Những gì ghi lại trong chúc thư của ông cũng giống như con người của ông vậy - rất đơn giản và thẳng thắn.
Hơn một năm trước, vào ngày sinh nhật lần thứ bảy mươi lăm của ông Stevens, tôi đã giúp ông thảo chúc thư này. Trong những lần nói chuyện sau đó của hai chúng tôi, tôi biết rằng tài liệu này thật sự là chúc thư cuối cùng của Stevens. Tôi sẽ đọc trực tiếp chúc thư, và quý vị sẽ nhận ra rằng trong khi toàn bộ tài liệu này là hoàn toàn có tính hợp pháp và ràng buộc, vẫn có những đoạn được viết bằng chính ngôn từ của Red.
“Với cậu con trai cả, Jack Stevens, tôi sẽ để lại Công ty Xăng dầu Panhandle. Vào thời điểm tôi viết chúc thư này, giá trị của Panhandle khoảng đâu đó chừng 600 triệu đô-la.”
Nhiều tiếng kêu biểu lộ sự kinh ngạc vang lên khắp căn phòng, kèm theo nhiều tiếng thở ra và một vài lời chúc mừng hân hoan lộ liễu. Tôi đặt tập tài liệu xuống bàn, liếc qua khoảng trống của cặp kính đang trễ xuống mũi để nhìn quanh bằng cái nhìn nghiêm khắc mà tôi thường chỉ dùng trong phòng xử án. Sau một lúc lặng yên đáng kể, tôi lại cầm chúc thư lên và tiếp tục:
“Mặc dù Jack sẽ là chủ nhân duy nhất của công ty, nhưng việc điều hành và quản lý hoạt động sẽ vẫn được trao cho Hội đồng quản trị của Panhandle - những người đã làm việc rất xuất sắc giúp tôi bao nhiêu năm qua. Jack, bởi con đã không hề quan tâm gì tới Panhandle khi ta còn sống, nên ta nghĩ con cũng sẽ chẳng mặn mà gì với nó khi ta chết đi. Và để cho con nắm quyền Panhandle sẽ chẳng khác nào việc giao khẩu súng đã lắp đầy đạn cho một đứa trẻ ba tuổi. Ta muốn con biết rằng ta đã đề nghị ông Hamilton soạn chúc thư này theo cách nếu con tranh đấu để đòi quyền kiểm soát hay cản trở Hội đồng quản trị của Panhandle, hay thậm chí phàn nàn về phần di chúc này của con, thì ngay lập tức Công ty Xăng dầu Panhandle sẽ được trao cho quỹ từ thiện.”
Tôi ngẩng lên nhìn thẳng vào Jack Stevens. Nhiều cảm xúc khác nhau vẫn còn hiện rõ trên khuôn mặt ông ta. Jack Stevens là một tay chơi thượng thặng năm mươi bảy tuổi, người chưa bao giờ làm ra một đồng tiền nào. Hẳn con người này chẳng hề nhận ra đặc ân của người cha khi không trao quyền quản lý Panhandle vào tay ông ta. Tôi biết đứa trẻ to xác ấy đơn giản chỉ là thất vọng thêm một lần nữa vì biết mình đã không đáp ứng được mong muốn của người cha rất tiếng tăm của mình.
Tôi thật sự cảm thấy tội nghiệp cho Jack khi giải thích:
- Ông Stevens, bản chúc thư có quy định rằng nó sẽ được đọc theo trình tự, và mỗi bên thụ hưởng đều phải rời khỏi phòng sau khi đã nghe xong đoạn liên quan đến mình.
Ông ta nhìn tôi, vẻ gượng gạo thấy rõ:
- Sao?
Bà Hastings, người luôn sẵn sàng với tinh thần cảnh giác cao độ, cầm lấy tay ông ta và nói:
- Ông Stevens, tôi sẽ đưa ông ra cửa.
Khi mọi người đã lại yên vị trên ghế, và sự háo hức lẫn tò mò lại một lần nữa lên đến đỉnh điểm, tôi lại bắt đầu:
“Với con gái duy nhất của tôi, Ruth, tôi để lại căn nhà của gia đình và nông trại ở Austin, Texas, cùng mọi khoản sinh lợi từ đàn gia súc.”
Ruth đang ngồi thật xa ở cuối bàn với người chồng và các con, có vẻ vẫn còn chưa tin vào những gì mình vừa nghe được. Dù ở khoảng cách như vậy, tiếng hai tay vỗ vào nhau của bà ấy, rồi tiếng vặn vẹo đôi bàn tay đầy cảm xúc vẫn vang đến chỗ tôi rõ mồn một. Một lần nữa, bà Hastings lại nhanh nhẹn đưa gia đình họ ra cửa.
Tôi đằng hắng rồi lại tiếp tục:
“Còn Bill - con trai út của tôi, cũng là đứa con duy nhất còn lại, tôi để lại toàn bộ số cổ phiếu, trái phiếu, và các danh mục đầu tư khác. Tuy nhiên, Bill à, danh mục đầu tư này sẽ được quản lý bởi ông Hamilton và công ty của ông ấy để sinh lợi cho con, và để còn có cái gì đó trong bản di chúc của con khi nó được đọc lại cho những người thừa kế của con sau này”.
Căn phòng cứ trống dần, trống dần khi lần lượt những người bà con, họ hàng xa khác hoan hỉ đón nhận phần thừa kế bất ngờ của mình. Cuối cùng chỉ còn lại duy nhất một người ngồi lại với tôi và bà Hastings.
Tôi nhìn thẳng vào khuôn mặt chàng trai trẻ Jason Stevens - đứa cháu trai hai mươi bốn tuổi của người bạn nối khố của mình. Cậu trai nheo mắt nhìn lại tôi với ánh mắt vừa xấc láo, vừa pha lẫn sự thách thức mà chỉ có những người đã chung sống quá lâu với sự ích kỷ và đã quá quen với việc được nuông chiều mới có thể có được.
Jason đập tay xuống bàn và nói như quát:
- Tôi biết ông già sẽ không để lại cho tôi thứ gì mà. Ông ta luôn ghét tôi. - Nói xong, cậu đứng bật dậy và giận dữ đi ra khỏi phòng.
- Không cần vội như vậy đâu, - tôi từ tốn. - Anh cũng được đề cập đến trong bản di chúc này đấy!
Jason ngồi sà xuống ghế và trừng mắt nhìn tôi, khuôn mặt lạnh băng, cố giấu bất kỳ biểu hiện nào của tia hy vọng vừa lóe lên.
Tôi nhìn thẳng vào mắt Jason, quyết tâm không nói gì cho đến khi nào cậu ta chịu cất đi vẻ xấc láo của mình. Sự kiên nhẫn đối với một người đã ăn mừng lễ sinh nhật lần thứ tám mươi của mình chỉ như một trò chơi quá quen thuộc. Cuối cùng, không thể chịu đựng được lâu hơn, anh con trai cứng đầu đành chịu thua:
- Được rồi, thế ông già ấy để lại cho tôi cái gì vậy?
Khi với tay cầm lấy xấp tài liệu, tôi vẫn còn nghe Jason lẩm bẩm:
- Tôi cá là chẳng có gì.
Tôi ngồi tựa lưng vào ghế và mỉm cười:
- Cậu trai trẻ à, thật sự thì chẳng có gì hoặc là có tất cả - cả hai thứ cùng một lúc.