Nếu bạn muốn có một phẩm chất, hãy hành động như thể bạn đã có nó.
William James1
Một phẩm chất sáng ngời sẽ góp phần soi rọi một phẩm chất khác, hoặc làm mờ đi những thiếu sót rành rành của nó.
William Hazlitt2
1 William James (1842–1910): Nhà tâm lý học và triết học người Mỹ.
2 William Hazlitt (1778–1830): Nhà văn người Anh.
Nhà quản lý 80/20 có thể là tất cả những gì tôi nói tới trong cuốn sách này – điều tra, siêu kết nối, đòn bẩy, giải phóng, hướng dẫn, đi tìm ý nghĩa, nhiều thời gian, đơn giản hóa, lười biếng và chiến lược. Nhưng tôi chưa bao giờ gặp nhà quản lý nào hoàn toàn sở hữu tất cả các phẩm chất đó. Một điều không thể tránh khỏi là bạn sẽ có thiên hướng về một vài phẩm chất trong số 10 điều nói trên. Về mặt cá nhân, sau nhiều năm cố gắng, tôi vẫn không đạt điểm quá cao về khoản lười biếng hay hướng dẫn. Như Nguyên lý 80/20 luôn nói, sẽ tốt hơn nếu bạn khiến cho những sở trường của mình trở nên mạnh hơn và không quá lo về việc sửa chữa những khuyết điểm. Chúng ta nên xem 10 phẩm chất này là những cách khác nhau để trở thành nhà quản lý 80/20 hơn là cố gắng thành thạo tất cả. Trở thành nhà quản lý tốt nhất với chỉ một cách sẽ vẫn làm thay đổi công việc và sự nghiệp của bạn.
Tuy vậy, tất cả những phẩm chất đó đều quan trọng đối với việc quản lý siêu hiệu quả. Thành thạo mỗi thứ có thể là một thử thách ngắn hạn, nhưng những lợi ích dài hạn to lớn đến mức công sức bạn bỏ ra sẽ sinh lợi gấp 10 hoặc hàng trăm lần trong suốt sự nghiệp của mình.
Hãy cùng nhau tóm tắt lại những khía cạnh chính của 10 cách.
Điều tra
• Ngoại trừ trẻ con và thám tử, rất ít người dành cả cuộc đời để đặt ra các câu hỏi. Nhưng những nhà quản lý nên làm vậy.
• Thế giới không như vẻ ngoài của nó. Mọi người thường tập trung vào mức trung bình, nhưng kinh doanh được thúc đẩy bởi cực hạn. Bên dưới mức trung bình là một số ít các yếu tố cực tốt và rất nhiều các yếu tố trung bình hoặc tệ hại. Vấn đề là bạn phải phân biệt được các yếu tố đó.
• Bạn nên đặt những câu hỏi sau:
1. Có một vài sản phẩm hay khách hàng siêu sinh lợi hay không? (Câu trả lời là có)
2. Ý tưởng mạnh mẽ nào có thể đẩy mạnh việc kinh doanh và sự nghiệp của tôi?
3. Ai đang đạt những kết quả tốt và bằng cách nào?
4. Tôi có thể làm một thứ quan trọng tốt hơn gấp 10 hoặc 20 lần như thế nào?
5. Tôi có thể đạt được nhiều hơn với đầu vào ít hơn hẳn như thế nào?
6. Ai là khách hàng quan trọng nhất của tôi?
7. Thứ nào đang cản đường tôi nhiều hơn mọi thứ khác?
Siêu kết nối
• Những bước ngoặt trong cuộc đời ta rất hiếm. Thật kỳ lạ, chúng thường tới từ những người làm nền cho cuộc sống của chúng ta, hoặc thậm chí là từ những người mà ta đã quên đi sự tồn tại của họ.
• Trong trò xổ số của cuộc đời, chúng ta có thể phải trả giá cao để có được một vài “tấm vé đỏ” – những bằng cấp, kinh nghiệm lâu năm và làm việc chăm chỉ. Nhưng chúng ta cũng có thể sở hữu vô số những “tấm vé xanh” giá thấp – những kết nối yếu với những người có hoàn cảnh khác ta. Bất cứ tấm vé xanh nào cũng có thể cung cấp những thông tin khiến cuộc sống của bạn thay đổi.
• Lợi ích lớn nhất đến từ và hướng tới những người thường xuyên kết nối hai trong số những liên lạc của mình với nhau. Những “người siêu kết nối” này xuất hiện một cách tự nhiên tại điểm kết nối giữa những ý tưởng sáng tạo và những cơ hội mới.
• Chúng ta sống trong một “thế giới nhỏ” vì những người siêu kết nối gắn những vùng riêng biệt lại với nhau. Những người siêu kết nối rất hiếm gặp nhưng cực kỳ có ảnh hưởng và đem lại nhiều lợi ích cho xã hội.
• Rất dễ để trở thành một nhà quản lý Siêu kết nối và phần thưởng sẽ rất lớn so với công sức bỏ ra.
Hướng dẫn
• Những cấp trên cũ mà bạn từng yêu quý thường là những người đã dạy bạn một điều gì đó. Họ là những nhà quản lý Hướng dẫn.
• Các nhà quản lý Hướng dẫn thường chia sẻ về cả sai lầm cũng như thành công của bản thân.
• Ai cũng cần sự động viên và chỉ bảo. Không thể đạt kết quả tốt mà không có những điều này.
• Nhiều người tin rằng hướng dẫn là một việc to tát. Về kết quả thì đúng là như vậy, nhưng về thời gian và năng lượng bỏ ra thì không. Dành một vài phút mỗi tuần, vào đúng thời điểm và với đúng lời khuyên cho đúng người, có thể tạo nên sự khác biệt hoàn toàn. Bạn có thể tạo ảnh hưởng lớn với công sức rất nhỏ.
• Hãy để ý đến các tín hiệu nhỏ của đồng nghiệp cho thấy khi nào họ cần sự ủng hộ.
• Hãy đợi đúng lúc mọi người làm tốt một việc và hãy chân thành khen ngợi họ.
• Hãy dùng 10 cách trong cuốn sách này để giúp nhân viên đạt kết quả tốt hơn.
• Thiết lập một kim tự tháp hướng dẫn – yêu cầu mỗi thành viên trong số nhân viên mà bạn hướng dẫn dạy lại cho hai đồng nghiệp của họ.
• Khi tự mình tìm kiếm người hướng dẫn, hãy tiếp cận người mà bạn thực sự muốn, lắng nghe những gì họ nói, yêu cầu giúp đỡ khi bạn thực sự cần, đừng đòi hỏi quá nhiều thời gian của họ và tỏ lòng biết ơn họ bằng một thứ gì đó.
• Hướng dẫn đạt hiệu quả nhất khi nó dễ chịu.
Đòn bẩy
• Khi chúng ta thực sự quan tâm đến những gì mình muốn đạt được, tiềm thức sẽ làm việc để đưa ra câu trả lời.
• Tưởng tượng ra thành công. Nếu bạn không thể làm điều đó trong công việc hiện tại, hãy tìm một môi trường khiến bạn thấy tự tin hơn.
• Đạt thành công trong ngành của bạn bằng cách tái sử dụng và kết hợp các ý tưởng đã có hiệu quả trong các hoàn cảnh khác.
• Giảm số lượng quyết định bạn phải đưa ra ít nhất là 90%, nhưng tăng thời gian bạn dùng để đưa ra những quyết định quan trọng.
• Sự thiếu tin tưởng dẫn đến thiếu hiệu quả trầm trọng, trong khi một môi trường nhiều niềm tin cho phép nhiều thứ được làm một cách nhanh chóng và dễ chịu.
• Chỉ tuyển và làm việc với những người hạng “A”. Đừng đặt ra ngoại lệ nào.
• Tối đa hóa việc sử dụng nguồn vốn công ty. Nếu một dự án hứa hẹn sinh lợi khổng lồ, hãy đầu tư càng nhiều càng tốt. Các nhà khởi nghiệp đối mặt với những rủi ro lớn hơn rất nhiều, chi phí cao hơn và sự mất kiểm soát khi họ tăng nguồn vốn đầu tư. Đối với nhà quản lý thì không như vậy.
Giải phóng
• Vào 1960, Douglas McGregor quan sát rằng có hai cách quản lý. Giả thuyết X dựa trên việc ra lệnh và kiểm soát, cho rằng con người sẽ không làm việc, trừ khi họ được giám sát chặt chẽ và thúc đẩy bằng tiền. Giả thuyết Y cho rằng con người được thúc đẩy bởi sự tò mò, mong muốn hợp tác và sự hài lòng về kỹ năng của bản thân.
• Trong bất cứ hoạt động kinh doanh nào mà sự sáng tạo có tầm quan trọng, thì giả thuyết Y là “20% giải pháp đem lại 80% kết quả”.
• Tuy nhiên nhiều công ty, kể cả những doanh nghiệp thành công trong những ngành mới lạ vẫn theo giả thuyết X.
• Việc làm một nhà quản lý theo giả thuyết Y trong một công ty theo giả thuyết X là bất khả thi, vì vậy đừng cố gắng vô ích.
• Đòi hỏi phải có sự nỗ lực để giải phóng thay vì kiểm soát nhóm của bạn. Trở thành nhà quản lý Giải phóng không phải là một lựa chọn yếu mềm. Nó đòi hỏi sự chân thật, cởi mở và sự củng cố của những tiêu chuẩn cao, nhưng nó đem lại phần thưởng rất lớn.
Đi tìm ý nghĩa
• Chúng ta tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống và công việc bằng cách tận dụng tiềm năng của bản thân.
• Quản lý là một lời kêu gọi sáng tạo, đủ tầm cỡ cho những truyền đạt cá nhân.
• Trong kinh doanh, một người có thể tạo ảnh hưởng lớn hơn một người khác đến hàng trăm lần. Những đột phá đến từ một thiểu số rất nhỏ các ý tưởng, tập đoàn, sản phẩm, quy trình, khách hàng và cá nhân. Trong hoàn cảnh này, Nguyên lý thiên về 99/1 hơn là 80/20.
• Những sáng tạo và cảm hứng cá nhân là tài nguyên cực kỳ hiếm có. Những thành công thực sự và đáng giá thường đem lại giá trị cho nhiều người khác.
• Ý nghĩa cũng phụ thuộc vào Nguyên lý 80/20. Một vài người tìm thấy ý nghĩa thực sự trong công việc góp phần vào sự tiến bộ của thế giới.
Nhiều thời gian
• Trong hàng thế kỷ, thời gian và kết quả bị giam chung một phòng. Nhưng giờ đây mối liên hệ này đã bị phá vỡ. Những kết quả có giá trị không bị giới hạn hay đo lường bởi giờ giấc.
• Thí nghiệm đã chứng minh rằng sự thoải mái sẽ làm tăng giá trị chuyên nghiệp. Làm ít giờ hơn đồng nghĩa với những kết quả tốt hơn. Tuy vậy hầu hết các nhà quản lý hành động như thể điều này không đúng. Họ vẫn làm việc nhiều giờ cho dù điều đó có tác động tiêu cực tới kết quả của họ.
• Nếu áp dụng mẫu 80/20, chúng ta có thể làm việc một tuần hai ngày và đạt được 60% nhiều hơn so với khi làm việc một tuần năm ngày. Nhưng với những công việc quản lý lâu năm, hay các hoạt động sáng tạo, đó vẫn là một sự đánh giá thấp. Một vài hành động hoặc quyết định quan trọng mỗi tuần, mỗi tháng hoặc mỗi năm có thể thêm vào 99% (hoặc hơn thế) giá trị trong 1% (hoặc ít hơn thế) thời gian.
• Những giải thích có tính hệ thống về cách các nhà quản lý làm việc cho thấy hầu hết họ đều thích vật lộn. Họ thích những sự can thiệp và khủng hoảng. Rất khó để chống lại những thứ gây sao lãng và chỉ làm việc với những thứ quan trọng, vì vậy rất ít nhà quản lý làm được điều đó.
• Cần có kỷ luật và sự không thỏa hiệp để thay đổi xu hướng, nhưng làm vậy sẽ dẫn đến kết quả tốt hơn rất nhiều trong cuộc sống và công việc.
Đơn giản hóa
• Những nhà quản lý thành công nhất có xu hướng lấy một bức tranh phức tạp và biến nó thành một thứ đơn giản, dễ nhìn, dễ nhớ.
• Đa số những nhà quản lý thích sự rắc rối, vì vậy đơn giản hóa rất khó vì nó đi ngược lại phương thức quản lý. Tuy nhiên, sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi chúng ta thừa nhận và bỏ công sức để từ bỏ xu hướng thích phức tạp hóa quá mức mọi việc.
• Tránh các vấn đề không thể đơn giản hóa. Thay vào đó, tập trung vào một vài vấn đề quan trọng có thể được đơn giản hóa và đem lại các kết quả mạnh mẽ.
• Các giải pháp không đòi hỏi bạn phải hiểu được tất cả các nguyên do của những câu đố kinh doanh. Kể cả khi ta không chắc ta có giải pháp đơn giản đúng đắn, thì ta vẫn có thể thử nghiệm.
• Thử thách lớn nhất với bất cứ công ty dựa trên việc sáng tạo sản phẩm nào là đơn giản hóa sản phẩm, khiến chúng rẻ hơn và dễ dùng hơn. Đơn giản hóa sản phẩm rất khó khăn nhưng nó là một cách chắc chắn để mở rộng và thống lĩnh thị trường.
• Hãy bắt đầu mỗi ngày và mỗi tuần với một mục tiêu đơn giản.
• Đơn giản hóa là nghệ thuật bị bỏ qua nhiều nhất. Nó mở ra cánh cửa giúp giải quyết những vấn đề trước đó không thể đối phó, cho phép đội của bạn vượt qua chúng. Đơn giản hóa chính là nghệ thuật lãnh đạo.
Lười biếng
• Lười biếng là con đường đi tới tiến bộ, nhưng chỉ khi nó đồng hành với suy nghĩ thông minh và tham vọng lớn.
• Những nhà quản lý lười biếng, thông minh là những cấp trên và CEO tốt nhất.
• Sự lười biếng củng cố sự kén chọn, và thành công đòi hỏi phải kén chọn. Chúng ta đạt được nhiều nhất khi có thời gian và sự thoải mái để tập trung vào những đột phá và quyết định lớn.
• Tất cả việc làm ăn thành công đều đến từ một vài quyết định quan trọng và được đưa ra không thường xuyên.
• Sự lười biếng có sẵn không đáng để khâm phục. Những nhà quản lý Lười biếng tài giỏi nhất đã đạt được sự lười biếng bằng cách rèn luyện trong nhiều năm.
Chiến lược
• Những nhà quản lý Chiến lược tạo nên những cách kinh doanh tốt hơn rất nhiều trong ngành của họ.
• Họ nghĩ và tạo ra một mô hình kinh doanh siêu việt, một chiến lược để đạt được nó. Họ có sự quyết tâm và lòng dũng cảm để biến nó thành hiện thực.
• Những nhà quản lý xây dựng lại ngành của mình thường:
o Mang một mẫu người mới vào ngành;
o Nâng cao sự hợp tác lên rất nhiều;
o Tạo ra một mô hình cắt giảm chi phí và làm tăng lợi nhuận;
o Thu hút khách hàng theo một cách mới.
o Biến mình thành thương hiệu và hình mẫu của tổ chức.
Điều gì thống nhất tất cả các cách để trở thành nhà quản lý 80/20?
Khi định nghĩa nhà quản lý 80/20 bằng một tập hợp các phẩm chất và hành vi, ta có nguy cơ không nhìn được tổng thể, phức tạp hóa quá mức một thứ thực sự đơn giản và hiển nhiên. Bản chất của nhà quản lý 80/20 là quan tâm đến kết quả và hiểu được mối quan hệ bất cân xứng giữa nguyên nhân và kết quả.
Làm nhà quản lý 80/20 có nghĩa là mỗi ngày bạn phải suy nghĩ: mục tiêu lớn nào mình có thể đạt được với nỗ lực tương đối nhỏ? Cả hai thành phần – tham vọng và sự dễ dàng – rất cần thiết cho phong cách sống và làm việc dựa trên kết quả. Những nhà quản lý làm việc quá nhiều và bỏ qua tổng thể sẽ không đạt được thành công lớn. Những nhà quản lý có cảm hứng khiêm tốn cũng không thể.
Nếu chúng ta không thể đạt được kết quả tốt với ít công sức thì càng không thể đạt được kết quả tuyệt vời từ việc cố gắng hơn nữa. Điều này không có nghĩa thử làm một thứ kém cỏi hơn mà là làm một điều khác biệt và lý tưởng hơn; hoặc tìm một cách khác để tiếp cận mục tiêu ban đầu. Không phải tất cả mọi thứ đều không tốn công sức, nhưng mỗi nhà quản lý 80/20 nên dành thời gian của mình để làm một thứ mà họ có thể làm tốt hơn và dễ hơn rất nhiều so với bất cứ đồng nghiệp nào. Sẽ còn tốt hơn nếu nhà quản lý đó có thể làm điều đó giỏi hơn và dễ dàng hơn bất cứ ai trên thế giới. Nhưng thường sẽ mất hàng năm, thậm chí cả đời để tìm ra đó là điều gì.
Bạn sẽ không bao giờ tìm thấy sở trường của mình nếu cố gắng hơn nữa để làm một thứ mà hiện giờ bạn đang không làm tốt.
Thay vào đó, hãy nghĩ:
Những kết quả đáng giá nào – càng lớn càng tốt – mình có thể đạt được ở mức cao hơn bất cứ ai khác, nhờ vào ít công sức hơn? Cách suy nghĩ này không sớm thì muộn sẽ liên quan tới việc sử dụng những hiểu biết, trí tưởng tượng và sức mạnh ý chí độc nhất của bạn. Bạn phải có khát vọng chạm đến mục tiêu và bạn cần biết một số tiểu xảo giúp mình đạt được điều đó nhanh hơn, chính xác hơn và tốn ít công sức hơn bất cứ ai.
Nhưng những nhà quản lý 80/20 cũng biết cách hạn chế công sức của mình và thu hút sự giúp đỡ từ bên ngoài. Đạt được mục tiêu không bao giờ là một nỗ lực đơn độc – sẽ cần đến những ý tưởng, công sức, sự cống hiến và đôi khi là tiền của người khác. Nếu bạn cố làm quá nhiều thứ một mình, bạn sẽ thất bại hoặc đánh mất ý tưởng của mình.
Một số lượng lớn hoạt động sẽ tiêu tốn thời gian, thiện chí và tài nguyên trong một công ty nói riêng và xã hội nói chung, bao gồm việc quẹt thẻ đầu giờ, các buổi họp vô nghĩa, sự giám sát khó chịu, phục vụ sai khách hàng, bắt buộc trẻ em và người lớn nghe theo những mệnh lệnh mơ hồ, tìm kiếm địa vị, bạo lực và chiến tranh. Các nhà quản lý theo giả thuyết X – và những người họ quản lý – cho rằng tất cả những thứ đó là cần thiết. Các nhà quản lý theo giả thuyết Y hiểu được tầm quan trọng của việc né tránh chúng. Về bản chất, các nhà quản lý Giải phóng làm việc ít hơn – họ giải phóng chứ không kiểm soát và mọi việc tiếp diễn kể cả khi họ không có mặt và sau khi họ qua đời.
Những nhà quản lý 80/20 luôn là số ít. Kể cả khi trình độ quản lý nói chung tăng lên rất cao trong tương lai, như đã tăng so với quá khứ, thì những nhà quản lý 80/20 vẫn sẽ luôn phi thường. Thế giới sẽ không bao giờ chỉ toàn các nhà quản lý 80/20, vì Nguyên lý 80/20 không cho phép điều đó xảy ra. Nhưng tôi tin rằng một vài nhà quản lý 80/20 khác – hay thậm chỉ là vài triệu nhà quản lý 80/20 – sẽ xuất hiện và giúp tạo nên một thế giới thoải mái, thú vị và giàu có hơn theo mọi mặt so với thế giới mà ta biết.
Và tại sao bạn không trở thành một trong những nhà quản lý 80/20 đó?