Roy Grace ngày càng cảm thấy cuộc sống của mình là một cuộc chạy đua không ngừng nghỉ với chiếc đồng hồ. Cứ như thể anh đang chơi một trò chơi không có giải thưởng, vì nó không có kết thúc. Cứ mỗi email anh trả lời thành công, thì 50 email khác lại đến. Cứ mỗi hồ sơ trên bàn anh xoay xở giải quyết xong thì 10 hồ sơ khác lại được mang tới.
Peter James, Dead Tomorrow
Công việc áp đảo bản thân. Bạn có cảm thấy như vậy không? Mọi thứ có chất đống trong hộp thư và trên bàn làm việc của bạn? Bạn có cảm thấy như mình luôn luôn chậm tiến độ? Bạn có phải chật vật để hoàn thành danh sách “những việc cần làm” của mình? Bạn thường về nhà lúc tối muộn? Bạn có cảm thấy như đang liên tục để các phương tiện liên lạc của mình ở chế độ chờ? Bạn có cảm giác nặng nề trên đường đi làm và cảm thấy tội lỗi trên đường về nhà? Bạn có nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ thăng tiến được, hay có thể kiểm soát lượng công việc của mình? Bạn có nghĩ rằng sếp mình chẳng hiểu và cũng chẳng quan tâm đến chuyện đó?
Nếu bạn nhận thấy mình gặp phải bất cứ vấn đề nào nêu trên thì tôi có tin tốt cho bạn đây.
Công việc không nhất thiết phải như vậy.
Tôi không phủ nhận sự tồn tại của các áp lực đó, hay việc những nhà quản lý ngày càng phải đối mặt với chúng nhiều hơn.
Khoảng hơn 40 năm trước, khi tôi bắt đầu kinh doanh, tôi đã làm việc cho một công ty dầu mỏ lớn. Tôi khá bực mình vì có quá nhiều cấp bậc và bộ phận trong công ty, nhưng mọi người không ganh đua nhau và nhiều người vui lòng giúp đỡ nếu tôi cần. Những nhà quản lý này chán nản vì họ quá rảnh rỗi. Có những quy trình đơn giản phải tuân theo, mô tả công việc rõ ràng và các đồng nghiệp có nhiều thời gian để hướng dẫn tôi.
Khoảng 12 giờ mỗi thứ Sáu, những nhân viên lâu năm trong bộ phận của tôi lại xuống quầy rượu, làm một bữa nhậu trưa kéo dài hai đến ba tiếng, và một thời gian sau tôi được đi cùng. Qua những bữa này, tôi biết được rằng khá nhiều đồng nghiệp của mình không thích công việc của họ, nhưng tôi không bao giờ nghe thấy họ phàn nàn về việc phải chịu quá nhiều áp lực.
Công việc mang tính chất xã hội, luôn thoải mái. Luôn có thời gian để ngồi vắt chân tán gẫu và tận hưởng cuộc sống. Không một ai – quả thật là không một người nào – phải làm việc vào lúc nghỉ trưa trong những năm 1970.
Trong khoảng thời gian này, Robert Townsend, người đã phát triển Avis Rent-A-Car1 từ một hãng nhỏ thành một công ty đa quốc gia, đã làm một việc độc nhất vô nhị trong giới quản lý. Ông quá chán ngán với vô số tầng lớp quan liêu, các tập đoàn phô trương nhưng ngày càng xa cách với cả nhân viên và khách hàng, đến nỗi ông đã công khai chỉ trích những “con mèo béo” điều hành các công ty Mỹ, buộc tội họ chèn ép mọi người và kìm hãm lợi nhuận. Ông đã viết một cuốn sách, có cái tên ngắn gọn là Up the Organization (Nâng cấp tổ chức).
1 Avis Rent-A-Car: Một hãng cho thuê xe ô tô có trụ sở tại Parsippany- Troy Hills, New Jersey, Mỹ.
Townsend nói rằng: “Trong một công ty bình thường, những anh chàng trong phòng văn thư, giám đốc, các phó giám đốc và những cô nàng ở phòng nhân sự có ba điểm giống nhau: họ ngoan ngoãn, tẻ nhạt và trì trệ”. Nước Mỹ đã trở thành “đất nước của những anh chàng văn phòng”, “những người phàm được huấn luyện để phục vụ các tổ chức bất tử”. Thông điệp của ông tới những nhà quản lý là: “Nhân viên của anh không lười và kém cỏi, họ chỉ có vẻ như vậy thôi… Hãy dừng việc đánh giá thấp họ. Chính anh mới là người có lỗi khi khiến họ trở nên kém đi vì thiếu việc làm.”
Sau hơn 40 năm, một vài lời lên án của Townsend vẫn còn vang vọng. Nhưng có thật là ông đã nói: “kém đi vì thiếu việc làm”? Trong bối cảnh hiện đại, điều này có vẻ không hợp lý lắm. Có lẽ câu đó chỉ là mỉa mai thôi, nhưng không, ông đã nói nghiêm túc. Vào những năm 1970, công việc quản lý còn chưa phổ biến.
Nhưng thời gian đã làm thay đổi rất nhiều! Những con người thừa thãi đã biến mất từ lâu. Những cuộc “tái cơ cấu” liên miên đã đặt nhiều việc lên số lượng người quản lý ngày càng ít ỏi. Từ bị lạm dụng nhiều nhất trong từ điển của nhà quản lý ngày nay là trao quyền – một quy trình hào phóng cho phép bạn làm hai hoặc ba công việc một lúc. Bạn có thể quên đi những bữa nhậu trưa thoải mái. Lịch trình mới có thể tốt cho gan của bạn, nhưng bạn có thể sẽ không đủ thời gian để ăn bánh mỳ vào buổi trưa.
Bây giờ, những từ ngữ cần chú ý là: quản lý xuất sắc, có nghĩa là hạ chi phí thấp hết mức có thể; hàng hóa phổ biến, có nghĩa là sản xuất và bán hàng hóa càng rẻ càng tốt, bỏ đi mọi yếu tố đặc trưng; trách nhiệm giải trình, có nghĩa ai đó sẽ phải chịu trách nhiệm khi lợi nhuận tụt xuống… và “ai đó” có thể chính là bạn. Nếu bạn không sẵn sàng để chơi trò chơi này, hãy yên tâm rằng một gã nào đó trên thế giới sẽ sẵn sàng chơi hộ bạn, với mức lương chỉ bằng một phần của bạn. Đây là tin tuyệt vời cho người tiêu dùng, nhưng với các nhân viên, nhà quản lý và bản thân công ty thì chẳng vui chút nào.
Không ngạc nhiên khi phần lớn những nhà quản lý hiện nay đều cảm thấy công việc quá nặng – mất kiểm soát, căng thẳng, rắc rối, triền miên, kiệt sức và mất tinh thần. Nhưng một số ít đã tìm được cách thoát khỏi xu hướng đó. Họ lạc quan, tự tin, thoải mái và vui vẻ. Họ giữ cho công việc và cuộc sống của mình đơn giản.
Cuốn sách này nói về hai kiểu nhà quản lý – những người luôn vượt lên trên mọi thứ và những người không vượt lên được. Nếu bạn rơi vào loại thứ hai, tin tốt là bạn có thể thoát khỏi nó và gia nhập nhóm 20% những người thành công. Nhưng trước khi đi tiếp, đây là một loạt những câu hỏi ngắn để giúp bạn nhận ra mình là kiểu nhà quản lý nào. Hãy trả lời nhanh mỗi câu hỏi, đừng nghĩ quá lâu.
Hãy tính tổng số điểm của bạn. Chúng ta sẽ phân tích số điểm đó vào cuối chương này.
Bài trắc nghiệm cho các nhà quản lý
1. Bạn đã làm công việc hiện tại được bao lâu?
2. Bạn đã làm ở công ty hiện tại được bao lâu?
3. Một tuần bạn làm việc bao nhiêu tiếng?
4. Bạn có danh sách “những việc cần làm” không?
5. Bạn có yêu thích công việc của mình không? Bạn có vui vẻ trên đường đến văn phòng không?
6. Có bao giờ bạn thiếu thời gian để hoàn thành mọi việc bạn muốn làm không?
7. Bạn có thăng tiến nhanh chóng trong sự nghiệp không?
8. Bạn có thích sếp của mình không, và anh (chị) ấy có hay giúp đỡ bạn không?
9. Câu hỏi tương tự với sếp của sếp bạn.
10. Bạn có những thông tin quý giá về công việc của mình mà không đồng nghiệp nào khác có hay không?
11. Bạn có hay gặp căng thẳng khi làm việc không?
12. Bạn có thể nghĩ ra một việc hay một sự nghiệp nào khác mình muốn theo đuổi không?
13. Bạn có nói chuyện với đối tác hàng tuần không?
14. Bạn có đang theo đuổi một chiến lược đơn giản mà hiệu quả cho đơn vị của mình không?
15. Bạn có một hay nhiều người hướng dẫn tuyệt vời không?
16. Bạn có thường xuyên đi ăn trưa với người quen ngoài công ty không?
Chấm điểm
Câu 1: Nếu bạn làm công việc hiện tại dưới hai năm, bạn được 1 điểm. 0 điểm nếu bạn đã làm việc trong khoảng từ hai đến bốn năm. Nếu bạn đã làm trên bốn năm, bạn được -2 điểm.
Câu 2: Nếu bạn đã làm ở công ty hiện tại dưới bốn năm, bạn được 1 điểm. 0 điểm nếu bạn đã làm tại đó trong khoảng từ bốn đến bảy năm. Nếu bạn đã làm ở đó lâu hơn bảy năm, bạn được -2 điểm.
Câu 3: Nếu bạn làm 35 tiếng hoặc ít hơn, bạn được 2 điểm. Từ 36 đến 40 tiếng, bạn được 1 điểm. 0 điểm nếu bạn làm từ 40 đến 49 tiếng và -2 điểm nếu bạn làm từ 50 tiếng trở lên.
Câu 4: 2 điểm nếu bạn trả lời là không. 0 điểm nếu câu trả lời là có.
Câu 5: 2 điểm nếu bạn trả lời là có. 0 điểm nếu câu trả lời là không.
Câu 6: 2 điểm nếu bạn trả lời là không. 0 điểm nếu câu trả lời là có.
Câu 7: 2 điểm nếu bạn trả lời là có. 0 điểm nếu câu trả lời là không.
Câu 8: Tương tự như câu 7. Câu 9: Tương tự như câu 7. Câu 10: Tương tự như câu 7.
Câu 11: 2 điểm nếu bạn trả lời là không. 0 điểm nếu câu trả lời là có.
Câu 12: Tương tự như câu 11.
Câu 13: 2 điểm nếu bạn trả lời là có. 0 điểm nếu câu trả lời là không.
Câu 14: Tương tự như câu 13.
Câu 15: Tương tự như câu 13.
Câu 16: Tương tự như câu 13.
Hai cách để quản lý
Bạn có thể đã được dạy cách quản lý, hoặc là bạn học nó theo phương pháp mưa dầm thấm lâu:
• Bạn làm việc chăm chỉ, thường làm thêm giờ, luôn sẵn sàng quan sát và làm việc.
• Bạn liên tục bận rộn, thể hiện mình trong nhiều hoạt động.
• Bạn đáp lại những nhận xét từ sếp và đồng nghiệp một cách đúng hạn và thẳng thắn. Ví dụ, nếu ai đó gửi email cho bạn, bạn sẽ trả lời sớm. Có vẻ đây là điều đương nhiên và cũng là một thói quen tốt. Nhưng điều đó lại có mặt bất lợi về việc tăng cường truyền thông nội bộ và tốn thời gian.
• Bạn có quyền hạn nhất định để nghĩ về những gì mình đang làm và thực hiện theo cách của bạn, nhưng luôn trong khuôn khổ quy định của công ty, làm việc nhóm và những gì sếp muốn.
• Có một quy tắc ngầm rằng bạn không nên có phong cách hay hành vi quá khác biệt so với sếp và những đồng nghiệp khác.
Trên thực tế, cách thức quản lý này nhanh chóng dẫn đến quá tải. Bạn sẽ bị tụt lại phía sau trong công việc và không bao giờ thực sự bắt kịp. Sự căng thẳng này rõ ràng nhất khi sắp đến kỳ nghỉ và khi bạn đi làm lại. Đôi khi, dường như công việc không muốn bạn thư giãn và quyết tâm trả thù bạn vì điều đó.
Cách quản lý còn lại không phổ biến bằng, nhưng con đường bạn đi sẽ yên bình hơn. Nếu bạn là một trong số các nhà quản lý hiếm hoi đó thì:
• Bạn thường làm việc ít thời gian hơn đồng nghiệp. Đôi khi bạn có thể làm thêm giờ, nhưng chỉ vì bạn đang thích thú hay sắp tới giai đoạn quan trọng của dự án. Một khi nó kết thúc, bạn luôn biết cách thư giãn.
• Bạn không theo phong trào và ít khi hành động theo hướng đã định. Đôi khi bạn chỉ đơn giản là ngồi yên lặng tại bàn làm việc, mà không cần giấy tờ hay thiết bị điện tử nào. Bạn dành nhiều thời gian suy nghĩ về một buổi gặp mặt trực tiếp quan trọng. Phần lớn thời gian bạn ở ngoài văn phòng.
• Bạn tập trung vào đầu ra, không phải đầu vào. Ngăn giấy tờ của bạn chật cứng. Bạn có chế độ lọc thư rác nghiêm ngặt, nhưng trong hộp thư đến của bạn có vô số thư chưa được trả lời. Tuy vậy, bạn không cảm thấy có nhu cầu phải trả lời tin nhắn hay email ngay lập tức, mà chỉ làm điều đó vào một vài thời điểm nhất định trong ngày. Mỗi sáng bạn đặt ra một việc muốn hoàn thành vào hôm đó và không làm việc gì khác cho tới khi xong được việc đó.
• Bạn giữ cho công việc của mình đơn giản. Bạn loại bỏ hoặc lờ đi các vấn đề vớ vẩn vốn luôn khiến các đồng nghiệp đau đầu hàng ngày. Cơ bản là bạn làm những việc có thể được hoàn thành nhanh chóng, nhưng lại tạo nên một sự khác biệt lớn. Và bạn ủy quyền cho người khác hoặc theo dõi mọi việc ở mức bao quát nhất.
• Nhìn nhận một cách sâu xa thì bạn là người theo chủ nghĩa bất tuân thủ. Bạn vẫn làm việc nhóm, vẫn hòa đồng và thân thiện, nhưng bạn thường nói những điều khiến đồng nghiệp ngạc nhiên. Bạn có thể không thống nhất. Bạn hỏi rất nhiều. Bạn nghĩ những điều không thể nghĩ tới. Bạn thử nghiệm. Đôi khi bạn mất nhiều thời gian để đưa ra quyết định, nhưng một khi đã xong, bạn rất quyết tâm, ít ra là cho tới khi bạn thay đổi suy nghĩ. Nói cách khác, bạn làm việc theo cách riêng của mình.
• Bạn cảm thấy mình thành công, dù cho định nghĩa “thành công” của bạn có thể không giống với người khác!
• Xét về bề ngoài, thì bạn dường như khá giống với các đồng nghiệp khác vì bạn không chú trọng vào sự khác biệt của mình. Chỉ những người hiểu rõ hoặc làm việc với bạn mới nhận ra bạn đặc biệt đến mức nào. Sự khác biệt lớn nhất là bạn không căng thẳng, không vội vàng và thường vui vẻ.
Vậy, có phải sự khác biệt giữa những kiểu nhà quản lý này chỉ là vấn đề về tính cách?
Câu trả lời là không. Điều khiến họ khác biệt không phải là những gì họ cảm thấy mà là cách họ suy nghĩ.
Họ có một vũ khí bí mật mà lại không bí mật chút nào. Họ sẽ vui vẻ chia sẻ với bạn nếu bạn hỏi. Nhưng gần như chẳng ai hỏi cả.
Đơn giản mà nói, họ hiểu được Nguyên lý 80/20. Họ dùng nó hàng ngày, cả trong công việc và cuộc sống.
Nhưng liệu chỉ một chút hiểu biết có thể là lời giải thích cho tất cả mọi sự thành công, hạnh phúc và không căng thẳng của họ?
Câu trả lời là có thể, và chúng ta sẽ biết lý do ở chương tiếp theo.
Còn bây giờ hãy quay lại với bài trắc nghiệm. Hiện tại, bạn là một trong phần lớn các nhà quản lý bị căng thẳng và làm việc quá mức hay là một trong số ít những người tôi gọi là “những nhà quản lý 80/20”? Điểm thấp nhất là -6 và cao nhất là 30.
Nếu bạn đạt 25 điểm trở lên, bạn đã hành động như một nhà quản lý 80/20 rồi đấy.
Từ 15 đến 24 điểm có nghĩa là bạn chưa hoàn toàn trở thành nhà quản lý 80/20, nhưng bạn đang đi đúng đường.
Nếu điểm của bạn chỉ dưới 15 – giống như hầu hết các nhà quản lý – đó cũng là một tin tốt! Vì nếu bạn đã chuẩn bị tinh thần thay đổi cách làm việc thì bạn sẽ trở nên hạnh phúc và làm việc hiệu quả hơn nhiều. Và tại sao bạn lại không muốn được như vậy chứ?