C
uộc đời của mạ tôi là một chuỗi ngày nhớ mong, chờ đợi người thân. Ông ngoại tôi bị giặc Pháp chém chết ở cửa Thuận an ngay cái đêm mặt trận Huế bị vỡ, Việt Minh đi vào hoạt động bí mật. Bà ngoại không nuôi nổi năm con thơ dại, đành phải gửi mạ tôi ra Quảng Bình đi ở.
Năm ấy mạ tôi 12 tuổi, thứ ba trong nhà, cậu Tuất lớn nhất, đến dì Chắt, dì Lực kế mạ, sau mạ còn cậu út tên Doản. Mạ tôi kể, bà ngoại đưa mạ ra bến đò Phú xuân để gửi đi Quảng Bình, hành trang ngoại sắm cho mạ tôi chẳng có gì ngoài một cái bị cói đựng vài bộ quần áo lành, rách và một nắm cơm với dúm cá trích kho keo lẫn với mấy quả sung đã muối chua. Món sung muối chua kho cá trích ăn rất ngon. Mà đặc biệt hơn là cá trích kho keo lẫn với quả sung muối chua rất hợp. Vị chan chát, chua chua của sung muối đánh hết vị tanh, cái nhớt của cá. Lại nữa, quả sung kho kỹ săn tít, bắt muối ớt nhai kỹ mùi vị riêng biệt, thơm thơm bùi bùi, có khi thích ăn hơn miếng cá. Nói thêm về mấy bộ quần áo ngoại gói ghém để đưa cho mạ tôi đem ra Quảng Bình thì thật cười mà… rớt nước mắt. Chả là, nhà đông con lại xấp xỉ một chín một mười như nhà ngoại tôi, quần áo chẳng mấy khi phân tách rõ bộ đồ con trai con gái, đứa nọ mặc lẫn đồ đứa kia là chuyện thường, không có gì đáng nói. Ngoại tôi bảo, Hương Giang ra Quảng Bình phải được “ưu tiên”, mấy đứa ở lại có gì mặc nấy, rách rưới, khâu vá… sao cũng xong miễn đừng để trật thịt phơi da ra kẻo người ta chê cười là được.
Đã giao hẹn từ ở nhà, con gái lớn rồi, đi làm ăn đỡ đần mạ và gia đình, chẳng có gì đáng để nói nên người đi người ở không được khóc lóc làm đau lòng. Vậy mà khi ra đến bến đò, bà ngoại và mạ tôi cứ ôm lấy nhau mà khóc. Chú Biền, một tài công nhà đò phải xóc nách má tôi lên thuyền. Bà ngoại đứng trên bờ, gọi với xuống: “Hương Giang ơi, Tết mạ sẽ ra thăm con!”
Chẳng biết có phải nhớ mãi câu nói của ngoại mà Tết năm nào mạ tôi cũng ra bến đò đón bà. Mỗi chuyến đò dọc cập bến, mạ lại lật đật chạy đến tìm trên thuyền, ngó nhìn tường tận từng người khách, cuống quýt gọi, hỏi: “Mạ ơi!” “Có biết mạ tôi không?” “Có ai biết mạ cháu ở đâu không?” “Mạ ơi, mạ nói mạ ra thăm con mà. Mạ ơi!” “Mạ nào?” “Dạ, mạ Hương Giang quê Hương điền, Phú Vang đó…”
Đông qua xuân tới, hạ hết thu sang… háo hức đón Tết, chờ mong tin tức, bến đò năm nào cũng thuyền ghe xuôi ngược, người thăm quê nội, ngoại, người thăm cha mẹ, người thăm con cháu. Riêng mạ tôi không có ai thăm nom được lần nào. 14 tuổi, mạ tôi đi lấy chồng. Nỗi nhớ mong bà ngoại và anh chị em canh cánh trong lòng mạ tôi thì cậu Doản đột ngột xuất hiện. Cậu Doản theo Việt Minh, bị lộ, bọn Pháp truy lùng quá róng riết, cậu cùng mấy người trốn ra Quảng Bình tập trung tại chiến khu bến Nước đắng. Mạ tôi kể lại chuyện ngày cậu Doản chưa đi bộ đội, năm ấy làng ta đói lắm, ông ngoại nấu một nồi cháo thực to đem ra sân đình cứu gấp người nghèo. Nồi cháo to nhưng người đói thì đông vô kể, mỗi người chỉ được môi cháo loãng cầm hơi. Rồi cháo loãng cầm hơi cũng không có nữa, người chết đói nằm vạ vật khắp nơi. Cậu Doản cùng với mấy trăm người phá kho thóc Tư Mằm của Nhật rồi kéo nhau vào cướp dinh quan huyện.
Đó là ngày Cách mạng Tháng Tám ở quê tôi. Cậu tôi tham gia đội quân cướp chính quyền đó rồi đi bộ đội. Bốn năm sau cậu tôi mới ghé về nhà. Mạ tôi kể, khi cậu Doản ghé nhà thì tôi chưa sinh, mạ mới có hai anh trai tôi. Cậu Doản cho hai anh tôi mấy cái “cắc tút” để đánh đáo. Mạ tôi nhớ như in hình ảnh cậu Doản ngồi góc ổ rơm ôm anh trai tôi. Cậu nói với mạ tôi, đơn vị chuẩn bị vào chiến dịch Thu đông. Cậu còn kể chuyện chú Tư tôi bị Pháp bắt đi lính khố xanh, thế mà làm sao chú trốn được sang Thái Lan rồi tìm về với cách mạng. Chú Tư tôi vào bộ đội, đơn vị tình nguyện sang chiến đấu ở chiến trường Lào. Cậu Doản ở nhà tôi chơi một ngày, mạ tôi vá lại cái ruột tượng đựng gạo của cậu bị thủng hai lỗ tròn như hai đồng xu. Nhà còn mớ khoai lang, mạ tôi luộc cho cậu ăn. Mạ hỏi cậu: “Từ ngày em đi bộ đội có biết tin tức gì ở trong ta không?” “Dạ, không, duy nhất một lần em thấy mạ le te cái nón chạy theo chị cả khi chị đi lấy chồng. Chị cả lấy chồng bên La Vang Quảng Trị”. “Mạ thật tội nghiệp, cậu hỉ”.
Thử hỏi có cuộc chiến tranh nào dằng dặc gặm nhấm mảnh đất quá chừng bão giông và nhiều tần tảo này. Mảnh đất mỏng manh đầy bóng giặc như cái bánh đa rắc hạt mè đen dễ gãy dễ bẻ, như dáng hình của mạ ngàn năm dướn căng thân mình gầy guộc ra đại dương, bền bỉ chở che cho con cho cháu, cho gia đình được bình an yên ả truyền kiếp như thế này.
Nhưng làm sao mà yên ả được khi hình sông thế núi, con người non nước này cứ như có một sự lựa chọn vô hình vô ảnh nào đó phải luôn luôn đứng ở tuyến đầu chống chọi lại cái ác, cái phi nhân từ bốn phương tràn tới.
Pháp tràn vào làng bắt bớ trai tráng đi phu đi lính, bắn giết người vô tội một cách man rợ, làm cho bao người quá đỗi đớn đau. Mà sức chịu đựng của con người ở mảnh đất này cũng quá phi thường. Những lớp người như cha như chú, như cậu đây quá đỗi đa đoan bật ra những phẫn uất, liều mạng sống chống lại bọn bán nước, lũ cướp nước. Từ cái đa đoan không muốn có nhưng lại vẫn phải có như một nghiệp chướng. Thăm thẳm chiều sâu, ngút ngàn chiều dài, chịu đựng bền dai hơn nữa. Lặng lẽ như cỏ cây, như nắng gió, như miền rơm rạ tro trấu vấn vương chung thủy, mùa lại mùa trên những cánh đồng im ắng mênh mông.
Mạ tôi ngồi đó, mắt nhìn ra xa xăm, nói rất nhiều với cậu tôi. Mạ biết, chỉ còn lúc này đây, rồi sẽ xa cách, biết có ngày gặp lại? Mạ tôi cười nhòe trong nước mắt, chậm rãi nói với cậu: “Cô Giỏi, con ông được ở làng bên, chị dò hỏi ướm cho em rồi. Nó ngoan lắm. Cậu tính sao?” Cậu Doản cười: “Lần sau em về chị cho em buồng cau, cơi trầu chạm ngõ nhé”.
Cây cau nhà tôi năm nào cũng ra buồng, mạ tôi không bán, cứ để dành cho cậu chạm ngõ. Hết vụ cau này đến vụ cau khác, hết buồng cau này đến buồng cau khác, những trái cau già rụng xuống gốc đã mọc lên từng đám cau non mà cậu tôi vẫn chưa về.
Nhiều đêm mạ tôi ra đứng dưới gốc cau, chắp tay vái: “Ba hồn bảy vía chú Lĩnh ơi, cậu Doản ơi… các em ở đâu về với chị đi”.
Những buổi chiều bảng lảng, mạ tôi thường ngồi một mình, đắm đuối nhìn cổng đường đi ra Quốc lộ 1A.
Rồi một hôm, mạ tôi nhận được tin sét đánh, bà ngoại qua đời. Mạ xé khăn tang cho cả cậu và các dì của tôi nữa, rồi mạ đội lên đầu ba tôi vành khăn trắng, khóc rấm rứt: “Doản ơi, chị Chắt ơi, Lựu ơi. Các Chị ở đâu, em ở đâu, có biết mà về chịu tang cho mạ không?”