B
a tôi bị bắt đi làm phu xây dựng đồn Cầu ở Hồ xá. Mạ tôi khóc lóc lăn lộn nài nỉ ông nội “mần cách chi đó cứu được chồng con về”. Ông nội thương con trai vợ dại con thơ bán hết mấy mẫu ruộng tốt ôm tiền đi chuộc con.
Ba tôi về lại khăn gói quả mướp đi làm ăn xa với mấy người bạn trong làng. Mỗi lần về qua nhà, ngoài ít đồng dúi cho vợ mua gạo nuôi con, ba tôi thường có chuyện kể cho cả nhà nghe. Một lần ông kể chuyện ông Kè cho mạ con tôi nghe. Không biết ông Kè tham gia phong trào Việt Minh từ lúc nào, chỉ biết khi giặc Pháp đổ bộ vào Quảng Bình thì ông đã có mặt trong chiến khu Rào đá, bến Tiêm Nước đắng dưới chân núi Thần đinh. Ông Kè trước đây làm nghề dạy học, rồi theo Việt Minh, gửi đứa con gái sang bà ngoại ở. Mạ vợ ông Kè là bà Nụ ở xóm Cừ. Bà Nụ nhận với ông Kè sẽ nuôi cháu Thắng chu toàn cẩn thận.
Quan quân trên đồn theo bọn chỉ điểm, ba bốn ngày lại mở một đợt càn quét về làng tìm dấu vết ông Kè. Nhưng chúng hăm hở lúc đi bao nhiêu thì ê chề rã rượi lúc về bấy nhiêu, ông Kè vẫn xuất quỷ nhập thần, tuyệt vô âm tín. Quan đồn lệnh cho hương lý trong làng phải rình rập, nếu thấy bóng dáng ông Kè về làng là phải bắt ngay cho bằng được. Mà thực ra, đâu chỉ có ông Kè, ở làng này bất kỳ ai theo Việt Minh chúng đều lùng sục, tìm bắt gắt gao. Chúng bắt được ai thì tra khảo, đánh đập thừa sống thiếu chết. Đã có lần chúng bắt được một cán bộ Việt Minh, liền dong về làng, lùa cả làng ra chứng kiến chúng tra khảo, đánh đập người này. Lần ấy, cả làng ai cũng khóc, mà phải khóc vụng khóc thầm, khóc mà để quan đồn biết thì coi chừng… mạ tôi kể lại chuyện bữa đó, ba tôi vừa đi làm xa về, biết lính đồn đang đi từng nhà bắt dân chúng ra xem chúng tra khảo Việt Minh, ba tôi vội chui xuống hầm trốn. “Mạ mi không tránh được thì phải đi, cứ nói tui không ở nhà…” “đúng rồi, ba mi cứ ngồi yên dưới đó, ở trên ni tui lo. Không đi không được với tụi nó mô”. Vừa lo xong công việc xóa dấu vết căn hầm, lính đồn đã sầm sập vô. Chưa vô tới sân, chúng đã lớn tiếng quát: “Ông bà Hương Giang mô, ra đình xem quan trên xử bọn theo Việt Minh. Mau!” “Dạ, ông nhà tui đi đâu đó ba bốn hôm ni chưa về, chỉ có mình tui thôi”. Ra đến đình làng đã thấy chúng treo cổ ông Thuyên, ông Lạo lên cây cừa. Quan đồn hất hàm nói với dân làng: “Hai tên Việt Minh dám cả gan tích trữ lương thực, vũ khí trong nhà. Theo Việt Minh là sẽ có kết quả thế đó.” Ông Thuyên và ông Lạo bị chúng treo trên cây cừa ba ngày, có lính canh, đến ngày thứ tư mới cho hạ xuống chôn cất.
Lại một bữa, chúng bắt được ông đại, ông Sai đem trói vào cọc gỗ rồi nã đạn nát nhừ cả người. Sau này mới hay, có kẻ ngầm báo lên đồn hai ông tiếp tế cơm gạo, muối vải lên rừng cho Việt Minh.
Mấy năm liền, làng tôi nhà nào có con cái theo Việt Minh lên chiến khu thì ban đêm ban ngày không khi nào được yên ổn làm ăn. Nhiều khi bọn mật thám mò về ban đêm giả người thân ở chiến khu xin gạo, muối, vải… đã có người lầm tưởng mắc bẫy chúng. Ông Thăng nghe tin con trên chiến khu đói cơm đói thuốc đêm đem cả nồi, ruột tượng gạo chuyền qua cửa sổ dấu trong vườn “để chúng nó về lấy”. Ngờ đâu, sáng mai thức dậy chưa mở mắt đã nghe tiếng giày đinh thình thịch đập cửa xông vào. Ông Thăng chưa kịp trở tay đã bị hai tên lính xốc nách, nhét giẻ vào mồm lôi xềnh xệch lên đồn, còn bị buộc sau lưng cái nồi đồng và ruột tượng gạo, bằng chứng đêm qua tiếp tế cho Việt Minh. Tên quan đồn đi sau vảnh bộ râu cá trê như lông dê y chang con thú khát máu đang ngoác mồm như lỗ khu con tru để nuốt chửng ông Thăng vậy. Dáng đi của tên quan đồn mới thật khó tả, nó phệnh phạo, khềnh khàng. “ai theo Việt Minh làm giặc, sớm muộn cũng bị quan đồn treo cổ. Nhà ai lỡ có người theo lên rừng phải mau mau gọi nhau về đầu thú, quan lớn sẽ khoan hồng…”
Vài ba hôm sau, tàu bay “bà già” liệng vè vè suốt ngày ve vẩy quất qua quất lại trên ngọn tre ngọn đa thả xuống từng chùm truyền đơn. Những tờ truyền đơn xanh xanh đỏ đỏ vẽ lòng vòng loằng ngoằng mấy người Việt Minh mình đầy lông lá, đuôi dài như vượn, như khỉ. Lại có tờ truyền đơn vẽ bảy tám người đu bám không gãy một cọng đu đủ. Lượm những tờ truyền đơn xanh đỏ tím vàng nhảm nhí đó, nhiều người không thèm coi, vo lại làm mồi đốt bếp.
Thất bại với trò truyền đơn, quan quân trên đồn tính cách khác. Cái cách khác đó cũng rất nhảm nhí. Đó là việc, chúng dùng thằng Láu, hơn Thắng con gái ông Kè mấy tuổi nhưng vì học dốt nên chung lớp. Một buổi sáng, vừa vào đến lớp, thằng Láu xòe trước mặt mấy đứa học cùng một mớ truyền đơn mà không biết nó lượm được hay ai đưa cho, dảu miệng ra như đít con vịt bầu, bô bô: “Chúng mày nhìn mà xem, cha con này theo Việt Minh, mấy người đu không gãy một cọng đu đủ. Sao mà quan trên khéo vẽ thế, cái hình lão già lụ khụ giống y chang con Thắng”. “đâu có giống, bạn Thắng tóc đen da trắng, khác xa người trong tờ giấy kia chứ”. “Hừ! Thì nó vô rừng ở với Việt Minh mà coi, dăm bữa thôi là giống y chang đám người trong này. Mai mốt quan Pháp về quan Tây về bắt lũ Việt Minh chúng mày móc mắt, nhổ hết răng, hết tóc cho coi…”. Thắng nghe thằng Láu nói mà tức uất đỏ cả mặt nhưng nó vẫn đứng im không nhúc nhích. Mấy đứa bạn của Thắng xúm lại bên Thắng. “Các bạn ơi, đừng nghe thằng Láu nói, bạn Thắng đừng sợ. Đừng sợ! Các bạn đừng chơi với thằng Láu nữa, nó là đồ mất dạy, đúng là láu cá láu tôm”.
Thấy mấy đứa xúm lại có vẻ bênh vực Thắng, thằng Láu trợn mắt: - Cha mày được quan chiêu hồi mà không về đầu thú thì tội càng nặng. Quan Tây sẽ bắt cả nhà mày đấy.
Thằng Láu nói mà mặt cứ vểnh lên một cách hách dịch, cái cằm nhọn hoắt như con chuột chù vảnh qua vảnh về, hai tai dảnh lên như tai thỏ. Đặc biệt nó có hai cái răng cửa chỉa ra ngoài như hai răng nanh con chồn hôi, trông càng gớm ghiếc. Thằng Láu nghĩ, trong đám này chỉ có nó là nhất, cha nó theo quan lên đồn ở, được quan đồn tin tưởng nên nó càng ra mặt hách dịch. Thật đúng là cha bán nước, con cũng lại bán nước hại dân.
***
Mới sáng ra mà đã nắng gay gắt, trời oi nồng, ngột ngạt khó tả, cồn cát như một nồi rang. Giữa nền cát trắng chang chang ấy có rất nhiều bóng liêu xiêu lúp xúp của những bà mạ và lũ con trai gái choai choai đang cặm cụi cắt cây rười về bán lấy tiền mua gạo. Ở vùng cát trắng gió Lào này, cây rười là một đặc ân trời cho. Một quy định bất thành văn ở địa phương này là không được cắt, phá cây rười còn non, nhỏ. Chỉ khi cây rười đã già, hoặc héo khô người ta mới cắt, bó lại gánh về. Cây rười khô dùng lợp nhà thì hết chê, còn không để làm củi cũng tốt. Củi rười đun ít khói, đượm tàn nên dễ bán. Cây rười được thu hoạch quanh năm. Chỉ với cây liềm sắc và đôi quang gánh tốt là người ta đã có thể lên đồi cát khai thác cây rười. Một gánh rười khô có thể đổi được hai ký lúa, nhiều khi còn dư dả mua thêm được mớ rạm về kho mặn. Mà sao cũng lạ hè, chỉ con rạm kho có thể lùa hết được bát cơm xuống bụng một cách ngon lành. Con rạm có tám còng, mỗi còng là một miếng cơm, phần cơm còn lại sẽ được mai, mình con rạm ấy giải quyết chóng vánh.
Lại nói đến những cái bóng liêu xiêu lúp xúp của đám người khai thác cây rười. Họ đi chân nọ nối chân kia loạng choạng bởi trên vai thì gánh củi rười đè nặng, dưới chân thì cát trắng lún sâu. ấy vậy mà đám người vẫn lầm lũi bước, họ cứ chồm về phía trước như sắp bổ chúi bổ dụi xuống với cát. Cả làng cả xóm bám sông mà sống, bám bãi cát mà khai thác củi rười bán bán mua mua. Công việc thì nặng nhọc, cát thì nóng bỏng như nồi rang, gió biển ràn rạt oi bức mặn mòi, có khi lại nghe từng vạt gió tanh nồng, một thứ mùi đặc trưng mà chỉ vùng đất này mới có.
Ở xứ biển và đồi núi này, chẳng có gì hào phóng bằng gió và nắng. Nắng như thiêu như đốt, nắng kinh khủng quanh năm. Nhưng nắng thì có giới hạn bằng bình minh và hoàng hôn. Như vậy, dù có khắc nghiệt đến mấy thì nắng cũng chỉ biểu hiện sức mạnh được một phần hai thời gian trong ngày. Khác với nắng, một trong hai thứ hào phóng nhất mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất núi đồi, ven biển này là gió. Gió sỗ sàng suốt tháng, gió bất kể đêm ngày. Các cụ dạy: “Thủy hỏa sinh phong” quả không sai, con nước lên cũng gió, nước ròng cũng gió. Gió núi thường thổi về chiều và đêm. Gió biển thường thổi mạnh về hai mùa hè, thu. Gió nam nếu thổi từ Tây Nam thì mạnh và nóng, tục gọi là “gió nam trong”. Năm nào “gió nam trong” kéo dài thì làm cho thời tiết oi bức, khó chịu làm hạn hán nghiêm trọng, rất ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất và dân sinh. Nếu gió thổi từ phía đông Nam đến thì dịu và mát, tục gọi là “gió nam ngoài”. “Gió nam ngoài” mang theo hơi nước của sông biển nên tạo không khí mát mẻ, dễ chịu.
Nhưng người dân Quảng Ninh đâu có được hưởng những cái bình yên đó. Thực dân Pháp luôn đem bất hạnh đến cho dân lành. Khi chính quyền ta gặp khó khăn thì thực dân Pháp và bọn phản động tiến hành nhiều cuộc càn quét đánh phá, tàn sát dã man đưa tình hình của cuộc kháng chiến trên địa bàn Quảng Ninh vào thế bị động, liên tục phải hứng chịu nhiều thử thách cam go.
Ở Thu Thừ, Vạn xuân, địch cướp của đốt nhà, phá nhà dân ở các thôn giáo dân không theo chúng. Vào các làng này, đàn bà con gái nếu không chạy trốn được thì khó thoát tay bọn địch. Tại thôn Trung Nghĩa (Trần Ninh) Pháp bắt hai cha con một thường dân. Để hãm hiếp con gái vừa mới lớn, chúng đã dùng dao bổ đôi đầu người cha rồi đưa con gái ông này về đồn hãm hiếp cho đến chết, quăng xác ra sông. Cùng ngày, chúng bắt một người có thai sáu bảy tháng rồi hãm hiếp đến lúc bà ngất đi. Quá dã man, bọn địch lấy dao đâm vào bụng cho lòi thai nhi ra rồi cả bọn cười hô hố rất khoái chí. Những người dân không khuất phục chúng đều bị địch bắt, xâu dây thép vào tay, đem phơi nắng, bị chúng xẻo mũi, cắt tai, kê đầu lên tảng đá dùng dao chặt, tưới dầu xăng lên người rồi châm lửa đốt, treo người lên cao rồi chất củi thiêu sống… chuyện kể rằng, ngày đầu kháng chiến, có tên Pháp trong một trận đi càn bị ta bắn cụt ba ngón tay, từ đó nó như một con quỷ điên cuồng, khát máu. Tên này vào làng Lộc đại, Hữu Cung (Hưng Ninh) với con dao găm lăm lăm trong tay, hễ gặp ai bất kỳ trẻ già trai gái là hắn lăn xả đến đâm vào bụng cho lòi ruột ra. Người bị đâm rú lên thì hắn cười ha hả “ừ có thế mới xứng với ba ngón tay của ta”. Sáng ngày 15 tháng 7 năm 1947 bọn địch từ đồn xuân Dục, Vạn Ninh và tả ngạn sông Kiến Giang là đồn Mỹ Trung tổ chức đánh vào làng Quảng xá ở cách đó chỉ 3km. Bọn địch đã nhiều lần lăm le đánh vào Quảng xá. Dân quân du kích phối hợp với bộ đội đã củng cố phòng tuyến hầm hào. Phong trào “hạ rầm gỗ” xuống làm hầm bí mật nuôi dưỡng cán bộ Việt Minh, cất dấu vũ khí, lương thực để thực hiện “trường kỳ kháng chiến”. Dưới sự chỉ huy của các đồng chí Nguyễn Trung Thầm, Dương Viết Hiểu, Dương Viết Nặc nhân dân Quảng xá xây dựng phòng tuyến với quy mô lớn, theo hình thức chiến lũy khép kín để sẵn sàng chống Pháp đổ bộ tấn công.
Với đặc điểm của làng Quảng xá, địch muốn tấn công vào tất sẽ phải dùng ca nô đổ bộ vào, biết ý định đó, bộ đội dưới sự chỉ huy của đại đội trưởng Nguyễn Văn Phỏng đã triển khai vị trí chiến đấu dọc bờ sông và các trục đường chính.
Cuộc chiến không cân sức, đơn vị chỉ có ba khẩu súng trường bắn tắc bụp phát một và hai mươi quả lựu đạn, còn lại là dáo mác thô sơ chống cự với đội quân được trang bị mạnh. Cậy đông và lắm đạn, quân địch bắn dọn đường rồi nhanh chóng bao vây làng Quảng xá. Bộ đội, dân quân du kích nổ súng, ném lựu đạn rồi hô xung phong nhảy ra dùng giáo mác đánh giáp lá cà, tiêu diệt giặc. Không chỉ quân đổ bộ vào bao vây làng mà bọn giặc còn gọi pháo, đạn ca nông bắn từ biển quyết tâm triệt hạ mục tiêu được xác định ngay từ đầu là làng Quảng xá. Biết không thể chống cự với giặc, để bảo toàn lực lượng, bộ đội chủ lực được lệnh tạm rút lui. Giặc vào làng, thực hiện “đốt sạch, diệt sạch, phá sạch”. Trong một buổi chiều, chúng lùng sục, tàn sát gần tám mươi người, trong đó chủ yếu là lực lượng dân quân du kích. “đường thôn đỏ máu đào, đường làng trắng khăn tang”. Lực lượng tự vệ, dân quân du kích và nhân dân Quảng xá bị thảm sát tàn khốc. Trước nguy cơ bị địch xóa sổ, trên cho hướng một số dân quân du kích thoát nạn hôm đó được phép trá hàng để hạn chế và trì hoãn sự tấn công tàn sát của địch. Hình thức trá hàng này đã bị bọn phản động trong làng Quảng xá lợi dụng, treo cờ trắng để cầu thân với Pháp. Đứng đầu lũ phản động này là tên Nguyễn Chữ. Trận này riêng làng Quảng xá 65 dân quân tự vệ hy sinh, bị địch bắt đi 36 người. Đại đội dân quân tự vệ làng bị xóa sổ. Còn lại một số ít thoát được phải chạy lên chiến khu hoạt động chờ thời cơ.
Ngày 13 tháng 8 năm 1947, giặc Pháp từ Quán Hàu vào thôn Vân La (Vĩnh Ninh) bắt một ông già sau khi xét trong nhà ông có một quả lựu đạn của du kích để quên lại. Chúng tra khảo rất dã man nhưng ông già một mực không khai, bọn Pháp tức giận lấy cưa cưa cổ ông già, lấy dao sắc cắt ông như cắt tiết một con vật. Không khuất phục được ông già, bọn Pháp lôi ông ra sân bắn chết.
Ngày 30 tháng 8 năm 1947, 12 tên Pháp do tên Việt gian Thiếp dẫn đường đến lùng bắt cán bộ ở Thuận Lý (Trấn Ninh), chúng bắn chết 25 thường dân sau đó bỏ xác vào một ngôi nhà, chất củi, tưới dầu xăng phóng hỏa làm cho mọi người cháy thành tro. Đáng thương thay, trong số những nạn nhân đó có hai người đang mang thai… không dừng lại ở đó, chúng còn bắt theo một cụ già, mấy người phụ nữ và 60 con bò đưa về đồn…
Thời gian sau đó, địch ở đồn xuân Dục, Vạn xuân lập tề kiểm soát toàn bộ khu vực Nam. Chúng thường xuyên đưa quân đi lùng sục, khủng bố, tàn sát hòng dập tắt ý chí cách mạng của làng Quảng xá. Mỗi khi chỉ điểm báo có Việt Minh về hoạt động bọn địch lại đem quân bao vây làng tìm bắt thân nhân dân quân và các du kích hoạt động tại làng để khảo tra. Bọn địch rất thâm độc, mỗi khi bắt được Việt Minh, trước khi hành quyết họ, chúng đều cho tập trung đông đảo dân làng đến chứng kiến để đe dọa, lung lạc tinh thần đồng bào.
Trong hai năm, chúng đã bắt 8 người, thầy Dương Viết Thanh, ông Nguyễn Thống, cụ Nguyễn Dêm, anh Nguyễn Chư, anh Nguyễn Thuyền, anh Dương Tạc, cụ Nguyễn Văn Luật, anh Dương Thế Sằn. Không chỉ bắt người, địch còn ra sức vơ vét của cải của các gia đình có con em tham gia cách mạng.
Mặc dù bọn địch đàn áp, tàn sát rất dã man nhưng phát huy truyền thống yêu nước, dân Quảng xá vẫn tổ chức được lực lượng dân quân du kích tự vệ bí mật đưa con em thanh niên lên chiến khu gia nhập quân đội hoặc đi học để về phục vụ kháng chiến cứu quốc. Các cơ sở của đại đội độc lập, cán bộ nằm vùng dần được phát triển. Nhiều gia đình trong làng có hầm bí mật nuôi giấu cán bộ như nhà mẹ động, mẹ Thứ, mẹ Lõn, mẹ Son…
Đầu năm 1949, phong trào chống Pháp đã lớn mạnh ở làng Quảng xá và các địa phương khác trong huyện Quảng Ninh. Ngay trong hàng ngũ bảo an dân vệ ở đồn Mỹ Trung cũng có người của ta cài vào. Tiếng là đi lính bảo an nhưng anh Nguyễn Trật và 5 người khác vẫn thường xuyên liên lạc, làm việc cho cách mạng. Nhiều nữ thanh niên như chị đàu, chị Ngữa, chị Bánh, chị Giới, chị Bừa, chị Thởi đều hăng hái tham gia hoạt động liên lạc giữa bộ đội trinh sát và lực lượng nội ứng ở đồn Mỹ Trung. Địch ở đồn Mỹ Trung và đồn xuân Dục kéo về càn quét làng Quảng xá đã bị bộ đội du kích đánh trả quyết liệt, địch tháo chạy về đồn để lại ba xác chết. Trong số ba xác chết đó có một xác là sĩ quan Pháp.
***
Má Hải với lấy cái quạt mo cuộn khum lại chà mạnh đôi chân sần sùi những mụn rôm đỏ li ti mà nghe ra vẫn chưa thấy bớt ngứa ngáy khó chịu. Chiều nay gánh củi rười lấy đi của má biết bao mồ hôi công sức chỉ đổi được non hai ký gạo đỏ quạch và mớ khoai lang rảnh rớt như những ngón tay người già. Thật may, hồi chiều, ba xuân bắt được mớ kỳ nhông béo ngậy, má Hải đã tính đem bán thì Hai Nhị ngăn không cho, bảo để kho tiêu. Kỳ nhông mùa này sẵn và béo. Kỳ nhông sống trên cồn cát nhà khá giả thì chiên ăn chơi, dân lao động món này đem kho mặn đưa cơm thì quả là không gì bằng.
- Hai thằng nghe má tính như ri có ổn không…
Ba xuân đặt chén cơm xuống mâm cái cạch, quay qua anh Hai Nhị ngơ ngác:
- Anh Hai… anh Hai…
- Ờ ờ, để nghe má nói răng đã chừ. Má tính răng?
Má Hải khẽ khàng đặt chén xuống mâm, với lấy củ khoai lang gầy như ngón tay nhỏn nhoẻo nhai, ngẩng lên nhìn hai đứa con trai, giọng tỉnh queo:
- Ngày mai thằng Hai Nhị lên đồn Mỹ Trung xin một chân gác bốt, trước mắt kiếm lấy cái ăn và gom nhặt tin tức cho mấy anh. Mọi động tĩnh ở Mỹ Trung phải nắm được thật rõ. Thằng ba xuân đêm nay có người về đón lên rừng. anh em bọn mi hợp đồng chặt chẽ với nhau giúp mấy anh mà giữ làng giữ xóm. Má thấy tình hình có chiều hướng cách mạng đang đi đến thành công rồi đó. Má tính như rứa, tụi bây coi được không?
Ba xuân nhón củ khoai to nhất đưa cho anh Hai
Nhị, giọng xởi lởi:
- Má tính vậy, anh Hai coi được không?
Má Hải gắp bỏ chén anh Hai Nhị khúc kỳ nhông nạc hỏi nhỏ:
- Ba xuân chắc ưng bụng rồi, thằng Hai tính răng, nói để má biết. Lên đồn làm lính gác thôi mà…
- Trốn lính thì khó chứ vô đó thì dễ ợt. Nhưng làm lính đâu chỉ có việc đứng gác hả má?
- Ờ… ờ… để má hỏi mấy anh xem sao. Còn ba xuân, chuẩn bị đi, đêm nay mấy anh cho người về đón lên rừng, việc đó chắc như rạm tháng tám kho tiêu, không bàn ra tính vô gì ráo trọi.
- Việc ba xuân má con ta quyết như vậy đi, còn việc của con để bàn tính với mấy anh đã. Đây là một quyết định hệ trọng, không thể không tính toán kỹ má à.
Hai Nhị vừa trả lời vừa chống hai tay xuống nền nhà lấy thế đứng dậy rồi tiến về phía góc vách, chỗ có cái bàn để mấy chai nước nấu sẵn. anh gỡ miếng lá chuối khô cuộn chặt làm nắp chai chống bụi cát vô. Hai Nhị ngửa cổ tu ừng ực. Bóng Hai Nhị lay lắt trên vách. Đặt chai nước đã vơi phân nửa xuống bàn, Hai Nhị lại buông một câu trống không:
- Hình như thùng gạo nhà mình gần hết rồi đó!
Nói xong, Hai Nhị ra sân trước, sau đó có tiếng võng đưa cọt kẹt.
Mặt trời đã lặn từ lâu nhưng không gian vẫn oi nồng khó chịu. Hai Nhị không nghe má “ừ”. Tiếng “ừ” nhỏ xíu.
Hiu hiu buồn. Ba xuân đón chén cơm từ tay mạ mà đầu óc cứ quanh quẩn đâu đâu. Cả một đời lam lũ, dè sẻn từng củ khoai hạt thóc nuôi con, đời mạ thật vất vả. Ba xuân biết chén cơm cuối nồi mạ cũng dành cho mình. Mạ biết và anh em Ba xuân đều biết, đêm nay mấy anh trên rừng sẽ về đón Ba xuân thoát li đi theo cách mạng. Ba xuân quay ra sân nói to cốt để anh Hai nghe:
- Trời đất, mạ cứ nhường cơm tụi con thế ni, chừng nào chúng con lớn đây…
- Ừa, mạ mong được nhường cơm cho tụi bây như ri mãi à. Mong thì mong vậy không biết có được không. Thời buổi loạn lạc thế ni…
Nói xong mạ Hải bần thần ngồi nhìn ra trước sân nhà, chỉ nghe tiếng võng đưa cọt kẹt nhưng mạ vẫn có thể hình dung ra được nét mặt của thằng con trai. Nét mặt bình thản, có phần lạnh nhạt. Cái thằng… thiệt tình… càng lớn càng lầm lì, đã hai mươi mấy tuổi rồi mà chẳng đả động gì đến chuyện vợ con. Mạ có sốt ruột thúc thì Hai Nhị lần lữa: “Từ từ rồi tính đi mạ”.
Chợt, mạ Hải giật mình, ba xuân khẽ khàng đặt chén xuống mâm nhỏ nhẹ:
- Con no rồi, mạ để con dọn đỡ. Mạ Hải hờ hững:
- Để đó cho mạ. Con ra xem anh Hai có dặn dò gì không.
Mạ Hải đưa tay chà chà chóp má. Trời hôm nay răng bức bối rứa hè. Không gian cứ oi nồng dữ dằn quá làm lòng dạ mạ cũng bứt rứt không yên.
Mạ Hải quá hiểu lòng mình, khi bà quyết định cho thằng Hai con trai qua đồn Mỹ Trung làm lính. Có con đi lính ở đồn gần, nhà cũng đỡ bị soi xét. Nhưng không biết cái quyết định ấy có đem lại cho gia đình nỗi bất hạnh nào không. Việc làm đó có trôi chảy như mạ nghĩ không. Có dễ dàng như ăn khoai bóc vỏ vậy không. Mà liệu củ khoai đó có ngon lành không hay là nó bị sâu hà sâu ngậm. Mạ nghĩ đi nghĩ lại. Khó khăn và gian truân đây.
Ba xuân thấy mạ cứ bần thần ngồi, nhẹ nhàng cúi xuống kéo tay mạ:
- Mạ không ăn nữa thì dọn đi chứ, khoai lang hấp nồi cơm để nguội đâu có ngon nghẻ gì nữa. Thôi mạ nghỉ đi, để đấy con dọn mâm bát cho.
- Mày vô núi theo mấy anh thì mạ yên tâm rồi, còn anh Hai con…
Ba xuân lặng lẽ bưng mâm bát xuống bếp, trong tâm trí vẫn còn hình ảnh đôi tay mạ thoăn thoắt cắt cây rười. Đôi tay nhăn nheo, nổi đầy gân xanh gân tím. Người ta nói, đàn bà có đôi tay nổi gân xanh gân tím như rứa thường bị khổ về đường chồng con. Ba xuân mím môi cố giữ không bật ra tiếng thở dài, một thói quen làm nhiều lần mạ và anh Hai nhìn với ánh mắt khó chịu. Một lần mạ bảo: “Thằng ba phải bỏ ngay cái tiếng thở tiêu cực đó đi, nghe mà não ruột não gan”. Rửa xong mấy cái chén cái bát, ba xuân lơ đãng bước ra sân. Trời thăm thẳm đen. Cái oi nồng vẫn ùa vào nhà, quấn quýt. Trời đất hôm nay răng lạ rứa. Gió máy ai nhốt hết trơn trọi rồi. Hay gió máy cũng đồng lõa với đêm đen hành hạ người ta đây.
Thật khó chịu với ông trời. Ba xuân chạnh lòng nghĩ đến cái đêm giông bão ầm ầm, cha và anh rể chồng chị cả Hạnh theo thuyền đi đánh cá. Thuyền chạy bão mà tàu giặc coi là thuyền tiếp tế cho Việt Minh. Thật đáng thương, con thuyền gỗ nhỏ với mấy ngư dân chất phác kiếm sống nhận trọn mấy quả moóc chê tan ra từng mảnh, chìm nghỉm dưới lớp lớp sóng bạc đầu và màn đêm đen kịt. (Mãi tận sau này gia đình mới biết đêm đó ông Hải cùng con rể theo thuyền ra biển không chỉ đơn thuần là đi đánh cá mà nhiệm vụ chính là tiếp nhận vũ khí chuẩn bị cho chiến dịch đánh vào chi khu đồng Hới). Cha và anh rể không về, đêm đó Hai Nhị ôm mạ, Ba xuân ôm chị Hạnh, những tưởng có bao nhiêu nước mắt đổ hết vào biển cả sóng xanh.
Mạ thấu lắm nỗi đau mất mát. Mà càng thấu thì càng thấy sợ, càng sợ bà càng cố vun vén cho gia đình.
- Để con coi…
Ba xuân chỉ nói rứa, chứ “để coi” là biết coi mần răng.
***
Mấy hôm sau, khi cu Yến theo mạ ra chợ, ngang qua đồn Mỹ Trung, thấy cậu Hai đứng trên chòi gác, tay ôm súng, mặc bộ đồ rất ngộ. Vừa thấy cậu, cu Yến đã nhảy cẫng:
- Mạ ơi, xem cậu Hai kìa! Cậu Hai hôm nay coi ngộ quá đi.
Hạnh níu tay cu Yến:
- Để cậu Hai gác! đi đi con!
- Cậu Hai mần chi mạ hè?
- Cậu làm lính.
- Lính chi hả mạ.
- Con đừng hỏi nữa. Cậu Hai làm lính quốc gia. Lúc nớ, cu Yến thấy mạ nó cúi mặt bối rối. Nó còn quá nhỏ để hiểu nỗi lòng người mẹ khi phải trả lời con những câu hỏi như rứa.
Từ ngày anh Hai Nhị trở thành “lính quốc gia”, ở nhà mạ Hải ít bị dòm ngó, tra xét. Hàng xóm gần gũi thân tình với mạ Hải có gia đình bà Chi. Bà Chi có hai con trai, một mười lăm, một mười bảy tuổi đều đã lên rừng vô núi theo mấy anh. Lính đồn chẳng để bà Chi sống yên ổn lấy một ngày. Có lần, đang đêm đông mưa rét, tụi lính ập vào, dựng đầu bà dậy. Đồ đạc trong nhà bị chúng lục tung. Tội nghiệp bà Chi bị lính trói quặt tay ra sau lưng dong về đồn. Khám xét bất thần mà không tìm thấy dấu tích gì, bà Chi chắc sẽ được thả về thôi. Nhưng với cái kiểu làm lâu nay của đồn Mỹ Trung “thà giết nhầm hơn bỏ sót” thì sống kiểu “hai ngày ở nhà ba ngày ở đồn” như rứa chịu sao nổi. Những lúc thấy bọn lính đồn đối xử với bà Chi như rứa, mạ Hải lại đưa tay chặn ngang ngực, lẩm bẩm: “May quá!”.
Nhưng ở đời, ai có ngờ và ai có hay được từ đầu những gì mình đang làm đây rồi có phúc hay họa. Chẳng có ai đoán được trước cả.
Từ ngày Hai Nhị lên đồn, Ba xuân vô rừng nhảy núi theo bộ đội, mạ Hải kéo Hạnh đưa cu Yến về ở cùng. Tội nghiệp mạ con nhà nó, chồng chết, con dại, tui không cho dựa dẫm thì chúng biết nhờ cậy vào ai. Bà Hải nó phải nói qua nói về, hàng xóm láng giềng làng trên xóm dưới ai mà chẳng hiểu cái lý ngàn đời ở làng Quảng xá này là thế.
Một buổi tối, Hai Nhị không về nhà, cu Yến thấy bà ngoại hôm nay rất lạ, lâu lâu cứ giở phên cửa ngó chừng ra ngoài. Bốn Hạnh ngồi bên bếp than đỏ lửa. Than hồng thi thoảng lại tí tách bắn ra những tia lửa nhỏ. ấm nước đã sôi ùng ục từ lúc nào mà Bốn Hạnh vẫn ngồi im re, mãi đến khi cu Yến nhắc mạ mới giật mình. Nhấc ấm nước xuống, Hạnh còn nhìn quanh rồi chặc lưỡi. Cái chặc lưỡi giống y chang như ngoại cu Yến: “Nấu chi nhiều vậy trời. Có còn cái chai không nào để chứa nữa mô”
Ngoài kia là trời đang về đêm. Đêm tĩnh lặng chỉ có tiếng côn trùng kêu rả rích và chỉ thêm tiếng gió lượn đầy. Nhà đã đóng cửa kín bưng mà không hiểu sao cu Yến lại thấy ngọn lửa chỗ mạ nó ngồi cứ phập phù phập phù. Bà ngoại cu Yến hết đến ngồi trên chõng tre rồi lại chống tay đứng dậy đi lên đi xuống, đi lui đi tới. Cu Yến thấy bà ngoại nó cứ đi vòng vèo qua lại mãi, bà không đứng yên một chỗ được, nó thấy mắc cười quá. Cu Yến buột miệng:
- Nhìn ngoại thấy tức cười ghê à. Giống y chang con lật đật, mạ hè!
Bà Hải phì cười, nụ cười của ngoại méo xẹo à. Hạnh nghiêm mặt, nạt:
- Hỗn quá nghe! ai dạy con nói bà ngoại như vậy đó! Vòng tay xin lỗi bà ngoại mau đi!
Cu Yến giật mình hết hồn hết vía, bị mạ mắng cho một trận, nó lúng túng đứng dậy vòng tay xin lỗi bà ngoại lập tức. Cu Yến nhận ra lời nói mạ nó vô cùng gay gắt và nghiêm túc nên nó líu ríu làm theo ngay. Bà Hải cười cười, vuốt má cu Yến:
- Ngoan, được rồi. Cháu đi ngủ trước đi!
Cu Yến ngoan ngoãn leo lên giường. Đang thiu thiu thì cu Yến giật thót người bởi chó sủa vang dậy. Rồi tiếng súng, tiếng bước chân chạy thình thịch. Bà ngoại giật bắn người, buông cái thoi dệt lưới còn cuộn cước dùng để vá lưới xuống nền nhà nghe cái “cạch”. Hạnh bỏ luôn cái quạt lá đang phe phảy cho cu Yến, xốc nó dậy rồi choàng tay ôm luôn ngoại cu Yến vào lòng. Năm, mười phút sau, tất cả lại rơi vào thinh lặng. Đêm vẫn toàn là tiếng gió.
Đêm ấy, cu Yến còn quá bé nên không cảm được cái im lặng đó rùng rợn người đến như thế nào. Một lúc sau cu Yến lại thiu thiu ngủ. Trong giấc ngủ nó mơ, nó nghe tiếng then cửa được giở lên và tiếng bà ngoại nó thì thào:
- Mần răng rồi?
Không có tiếng trả lời. Liền sau đó cu Yến lại nghe mơ hồ những tiếng rên khe khẽ:
- Trời ơi, máu!
***
Sáng sớm, Hai Nhị về, người khét lẹt mùi thuốc súng. Cu Yến theo sau cậu Hai hít hà. Nó thấy mùi cậu không giống mọi bữa, nhưng khác chỗ nào, nó không rõ.
Vừa về tới nhà, Hai Nhị xăm xăm đi vô buồng. Thấy Ba xuân nằm thiêm thiếp với cánh tay quấn băng loang những máu đỏ, Hai Nhị đứng sững. Hai Nhị cứ đứng bất động như thế cho đến khi có tiếng chị cả Hạnh:
- Hai Nhị về đó à em…
Hai Nhị giật bắn người quay lại, suýt chút là đụng đổ chén cháo nóng hổi trên tay chị cả. Hai Nhị liếc mắt nhanh rồi lách người ra khỏi buồng:
- Chị vô cho Ba xuân ăn đi! Quậy cả đêm, chắc mệt lắm rồi. Viên đạn chếch chút nữa thì mạ con chị em ta hết nước mắt. Ơn trời!
Hai Nhị vừa mắc cái áo lên móc thì bà Hải tan chợ về. Hôm nay, bà Hải về sớm. Vừa vào tới nhà, bà thẫn thờ gỡ cái nón lá trên đầu:
- Chết rồi!
- Ai hả mạ? Hạnh hỏi vọng ra từ buồng Ba xuân.
- Thằng Tiệc, thằng Toán. Hai Nhị trả lời thay bà Hải nhưng không hiểu sao giọng anh nghèn nghẹn
- Nó chết trên tay con đó, mạ ơi!
Bên kia buồng, Ba xuân đang há miệng nhận từng muỗng cháo từ tay chị cả, nghe vậy thì hững ra. Hạnh nhìn thấy, ái ngại hỏi:
- Thằng Hưng là bạn mày phải không út?
Ba xuân quay mặt vô vách buồng, gật nhẹ. Trong đầu anh chợt hiện ra những tia chớp của lửa đạn và những gương mặt mập mờ trong đêm.
Giọng bà Hải vẫn đều đều ở gian ngoài:
- Tự nhiên mạ thấy lo lo cho những đứa con của mạ, của làng cát này lắm. Hay là chúng ta đi lên chiến khu sống đi.
- Không được đâu mạ ơi. Một nhà mình thì còn có thể chứ cả làng này thì sao bỏ đi lên chiến khu hết được. Ở đâu cũng vậy thôi mạ ơi. Đang đánh nhau mà!
Hạnh vừa bước ra khỏi buồng vừa nói.
Hai Nhị nhìn mạ, khi ánh mắt chạm phải nếp nhăn trên mặt bà, tự nhiên anh thấy xót xa. Cả cuộc đời bà, hình như chưa bao giờ được thanh thản ngồi ngắm trời, ngắm đất.
- Bữa nay bán được không mạ?
Bà Hải se sẽ lắc, nghoảnh đầu gọi với xuống nhà dưới:
- Hạnh, đem mấy con cá đi muối mắm giùm mạ đi con.
Vừa thấy chị cả, Hai Nhị hỏi trống không:
- Nhà còn gạo không?
- Cũng sắp hết gạo rồi!
- Ừa. Để em tính.
Hai Nhị cúi xuống, cầm tay bà Hải, anh cảm nhận rõ những đường gân nham nhám gờn gợn trong tay. Hai Nhị cũng không hiểu sao đôi tay này ngày càng gân guốc và gầy đi nhiều rứa. Hai Nhị cầm tay mạ rất lâu, ái ngại. Buông tay mạ, Hai Nhị nghĩ thầm - Không sao, không sao, cũng sắp đến kỳ lương rồi.
Trong buồng, cu Yến đang ngồi chơi với Ba xuân “cho cậu đỡ buồn”, nó thấy cậu út quay mặt vô vách. Cu Yến ngồi ở đầu giường, liếc mắt nhìn sang thấy trái khế nơi cuống họng cậu cứ chạy lên chạy xuống liên tục.
***
Sau dạo đó, Hai Nhị và Ba xuân ít khi gặp nhau. Phần vì công việc trên đồn, Hai Nhị không được cấp trên ưa nên hay bắt bẻ này nọ và giao nhiều công vụ. Đến cả việc đồn cho xe đi lấy nước cũng phải có lính đi kèm, mà công việc nặng nhọc đó thường xuyên được giao cho Hai Nhị. Ba xuân thì với lí do sức khỏe chưa thực sự hồi phục sau lần bị thương ở cánh tay nên ít khi về nhà. Mà nhiều khi về đến nhà thì Hai Nhị đã ngủ lâu rồi. Mà cái nết của anh, Ba xuân là người hiểu rõ nhất. Hai Nhị đã ngủ say, nếu muốn đánh thức, ít nhất hàng chục phút. Đang ngủ say, bị đánh thức, Hai Nhị thường cau có, muốn nhờ việc gì cũng làm không đến nơi đến chốn.
Anh em ít khi ngồi chuyện trò nên muốn nói với nhau cái gì lại thông qua cu Yến. “Cu Yến, nói với cậu út, sắp xếp công việc ở nhà sửa cái vách sau bếp. Hở họng hở hầu hết rồi mà cứ để rứa à?” “Cu Yến, kêu cậu Hai mua cho ngoại chai dầu xanh, ngoại hết dầu rồi mà cứ tiếc tiền không chịu…”. Cu Yến ngạc nhiên lắm, vì nó thấy mỗi lần hai cậu dặn nó, đều nói rất to. Nó không cần hoặc chưa cần nói lại ý của cậu này thì cậu kia đã nghe rõ mồn một rồi. Nhưng cu Yến cũng không băn khoăn nhiều vì nó thích việc chạy từ nhà trên xuống nhà dưới, từ nhà trước lon ton đưa tin ra nhà sau. Đối với cu Yến, việc truyền tin qua lại cho hai cậu là một trò chơi vô cùng mới mẻ và thú vị.
Mỗi đêm nghe chó sủa vang, với tiếng chân chạy thình thịch và tiếng súng nổ liên tràng, Hạnh thường vòng tay ôm bà Hải và cu Yến cho đến khi đêm trở lại bình yên vốn có của nó. Ngày mai thế nào thì mạ ở chợ về sẽ biết. Lần này, bà Hải về nhà sau buổi chợ, hờ hững buông cái nón xuống nền nhà, bà sẽ nói “chết rồi”. Cái giọng nói câu “chết rồi” của bà Hải càng ngày càng nhẹ. Cứ như cái “chết rồi” ấy được biết trước vậy. Đối với bà Hải, câu “chết rồi” nhẹ như cơn gió thoảng qua, quá đỗi bình thường.
Bình thường như bàn tay ngửa rồi úp, khiến giọng bà bật ra, nhẹ tênh. Mỗi lần như thế, Hạnh lại hỏi: “ai hả mạ?”. Có khi, Hai Nhị vừa nhìn ra trước cửa vừa trả lời, lại có khi Ba xuân nhìn ra cửa sau vừa nói tên cái người mà bà Hải vừa buột ra “chết rồi” nhẹ hều ấy. Thi thoảng cu Yến còn nghe cậu Hai nó chép miệng: “Tội nghiệp, nó mới cưới vợ xong!” Lại có lúc cu Yến nghe cậu út hỏi ngoại: “Nếu không phải loạn lạc, chết trẻ như thế người ta làm vòng hoa trắng phải không mạ?” “Ừa, vòng hoa trắng. Tội nghiệp nó, con nhỏ kém mày ba tuổi út à. Mà nghe người xóm trên nói, mạ nó bữa này lạm cạm lắm rồi! Tội thiệt là tội, đầu bạc khóc tiễn đầu xanh!”
***
Cứ tưởng chuyện “đầu bạc khóc tiễn đầu xanh” là chuyện nhà “người ta”, xa lạ với chuyện “nhà mình” lắm, vậy mà…
Trong cái gió thổi từng đợt tanh nồng, bà Hải và cu Yến ôm xác Hạnh mà khóc hu hu. Hạnh chết khi chưa đầy tuổi “đang xoan”. Cái tuổi đương xanh, xanh mướt. Nỗi đau róng riết đó như vắt kiệt hết nước mắt của đời bà Hải. Hôm đó Hai Nhị và Ba xuân chết đứng bên gốc dương. Hai Nhị cứ nhìn chăm chăm vào đôi bàn tay run rẩy của chính mình, còn Ba xuân thì bấu chặt xuống thảm lá dương khô dày dưới đất. Hai người không khóc. Không khóc mới đáng sợ. Vì không khóc nỗi đau chìm vào sâu bên trong, nó mưng mủ, buốt đến tận xương, tận óc, tận tim.
Sáng ấy, Hai Nhị tham gia bố ráp.
Sáng ấy, Ba xuân chỉ huy một mũi chống càn. Hai Nhị là “lính quốc gia”.
Ba xuân là chỉ huy du kích.
Chị cả Hạnh vừa vùi được mớ tài liệu xuống gốc bụi rười, trở lại đến mé hàng dương bờ cát thì gục sấp. Viên đạn lạc găm giữa trán, một vệt máu khô xanh đen mảnh như lá dương chéo từ hai bên hốc mắt xuống mép. Thật lạ, cặp mắt cả Hạnh khép hờ mà vẫn óng ánh một nụ cười mãn nguyện. Cả Hạnh chết giữa cuộc càn. Bà Hải thương đứa con gái yểu mệnh, mồ côi cha, góa bụa, sống lam lũ bươn chải trên cát, chết nằm xuống cát… con gái chết, bà Hải đau lắm, nhưng bảo bà căm thù kẻ đã giết người, kẻ đã giết con mình thì bà phải căm thù như thế nào đây? Dẫu rằng viên đạn giết chết cả Hạnh không bay ra từ tay súng của thằng Hai, nhưng nó cũng là phía bên kia. Phía bên vừa sáng sớm đã xua quân đến bố ráp, đàn áp dân lành. Cái chết của cả Hạnh đến dễ và nhanh như trở bàn tay ngửa lên rồi lật úp. Cái chết nhẹ tênh, nhẹ như nụ cười mãn nguyện trên môi đứa con gái yêu quý của bà. Bà Hải đau lắm! Nỗi đau trong lòng bà càng vun đắp niềm tin vào tương lai, vào chính nghĩa mà nụ cười chiến thắng của con gái đã nói ra điều đó. Bà biết, chính bà chứ không phải ai khác, chính bà đã chỉ đường cho hai đứa con trai trong nhà: “Muốn được sống yên lành thì một thằng phải lên bốt làm nội gián, một thằng phải vô du kích…”. Một thằng làm “lính quốc gia”, một thằng chỉ huy du kích, làm sao thằng này che đạn được cho thằng kia?
***
Vừa chôn cất cho cả Hạnh xong, Ba xuân dìu mạ ra chỗ tập trung tù binh. Hai Nhị thiểu não ngồi giữa đám lính thất trận. Ba xuân dõng dạc: “Hai Nhị, bước ra khỏi hàng. Mau!” Hai Nhị thất thểu bước ra, đứng tách hẳn sang một bên. Bà Hải chạy đến bên con trai, Ba xuân liếc mạ, hạ giọng: “Mạ, để tụi con làm nhiệm vụ”. Ba lính đồn được đọc tên đứng tách qua một bên gồm Hai Nhị, Hấn và một người tên Sõng nhà xóm chợ. Số còn lại trên chục người được Ba xuân giảng giải rõ chính sách khoan hồng của Việt Minh rồi phóng thích ngay tại chỗ.
Bà Hải kéo tay Ba xuân: “Mày tính đưa luôn thằng Hai lên rừng bữa nay à, con?” “Dạ! Sau trận này, thế nào anh và hai người kia cũng bị lộ. Mà đã lộ thì không hoạt động hiệu quả được. Vả lại, cứ cái kiểu mèo vờn chuột thế ni, con oải lắm rồi. Phải lo thôi mạ ơi” “Nhưng con đã báo cáo việc này với cấp trên chưa, liệu mấy anh….” Ba xuân kéo tay Hai Nhị đang đau đớn ôm vai mạ. “anh phải cứng cáp lên. Từ giờ phút này ba đồng chí tuyệt đối tuân thủ sự chỉ đạo của tôi!” “Báo cáo rõ” ba người đồng thanh đáp.
Nắng đã chói chang, trùm lên bãi cát, hàng dương những cái nóng cái oi muôn thuở của nó.
***
Bà Hải nhớ như in bữa Ba xuân ra lệnh trói Hai Nhị và hai người lính đồn Mỹ Trung bị bắt làm tù binh. Cái thằng thiệt là hỗn hào. ai đời cho người trói anh nó như trói quân thù quân hằn không bằng. Đành rằng sau đó, nó lại tự tay cởi trói cho anh và hai người kia. Hai Nhị xoa xoa vệt dây hằn đỏ cánh tay, cười bảo bạn: “Trước mặt đám lính kia, mặc dù họ đã được giác ngộ, nhưng biết đâu, cẩn thận vẫn hơn, chịu đau tý chút”.